[Đánh giá] ASUS K501U - màn hình 4K rất đẹp, hiệu năng trung bình, giá 20 triệu

bk9sw
3/2/2016 10:38Phản hồi: 122
[Đánh giá] ASUS K501U - màn hình 4K rất đẹp, hiệu năng trung bình, giá 20 triệu
Tiếp nối dòng K501 đang khá nổi ở phân khúc phổ thông, ASUS tiếp tục giới thiệu tại thị trường Việt Nam một biến thể mới là K501U và lần này, hãng đã trang bị cho máy màn hình độ phân giải Ultra HD (4K) đồng thời nâng cấp nhẹ về CPU. Mức giá của chiếc máy này vẫn khoảng 20 triệu, khá tốt cho 1 chiếc laptop 4K nhưng để có cái nhìn tổng thể hơn về hiệu năng và trải nghiệm 4K trên máy thì mời anh em cùng xem qua bài đánh giá dưới đây:

Thiết kế:


Dòng K/A được ASUS định vị phân khúc phổ thông, thiết kế đẹp mắt, thời trang và cấu hình khá tốt với mức giá dễ chịu. Trước đây những chiếc máy dòng K thường được làm bằng nhựa thì gần đây ASUS đã chuyển sang sử dụng vật liệu nhôm khiến chiếc máy trông cao cấp hơn và cứng cáp hơn.

Tinhte.vn_ASUS_K501U-2.jpg

Mặt ngoài nắp máy là thiết kế đặc trưng của ASUS - một tấm nhôm phay xước với màu sắc xám nâu. Nếu nhìn qua mặt ngoài này thì bạn dễ nhầm K501 mới nhiều mẫu máy khác của ASUS điển hình như dòng N hay UX bởi nó không có yếu tố phân biệt rõ ràng nhưng nếu quan sát kỹ thì chúng ta có thể nhận ra chất lượng hoàn thiện của K501 sẽ không bằng các dòng cao cấp hơn. Phần vỏ này cũng khá mềm, dễ cong vênh và khi nhấn ngón tay với lực tác động không quá mạnh cũng khiến nó lõm xuống.

Phần bản lề ngược lại được ASUS làm khá tốt khi nó đủ chắc để giữ ổn định màn hình và đủ mềm để chúng ta có thể mở máy dễ dàng. Liệu có thể mở máy bằng 1 tay? Dĩ nhiên là mở được nhưng trải nghiệm không được mượt mà cho lắm khi màn hình nặng hơn thân máy, do đó khi dùng 1 tay mở máy thì thân máy sẽ nhổm lên 1 cái, hơi bập bênh. Bản lề thiết kế chìm, cho góc mở tối đa khoảng 140 độ.

Tinhte.vn_ASUS_K501U-18.jpg
Tinhte.vn_ASUS_K501U-19.jpg

Bên trong nắp máy là màn hình 15,6" có thiết kế viền dày và lồi. Trên một chiếc máy dòng K thì thiết kế viền không thể được trau chuốt như những dòng máy khác. Viền nhựa có độ dày 2 bên khoảng 1,5 cm và trên dưới hơn 2 cm và được xử lý nhám. Giữa 2 phong cách laptop màn hình 4K + viền màn hình mỏng, mặt kính tràn sát viền, giá cao và laptop màn hình 4K + viền dày thô, giá mềm thì K501U được thiết kế theo phong cách thứ 2. Viền dày dĩ nhiên sẽ khiến tổng thể máy không đẹp nhưng ít ra nó giúp bảo vệ cho chiếc màn hình đắt tiền bên trong.

Tinhte.vn_ASUS_K501U-3.jpg

Thân của K501U tiếp tục được làm bằng nhôm nhưng được xử lý kiểu anodize. Lớp nhôm này khá mỏng, bao bọc toàn bộ bàn phím, bàn rê và kéo xuống khoảng 1 nửa chiều dày của máy. Tiếp đó mới là chất liệu nhựa cho phần đáy máy.


K501U dày khoảng 22 mm và trọng lượng khoảng 2 kg. So với một chiếc máy 15,6" thì K501U khá nhẹ và gọn để có thể mang đi. Để làm máy mỏng hơn và nhẹ hơn, ASUS đã bỏ luôn ổ quang, thay vào đó là nhiều cổng kết nối hơn. Tổng cộng tại các cạnh bên K501U có 2 cổng USB 3.0, 2 cổng USB 2.0, HDMI, LAN, khe đọc thẻ SD và jack tai nghe 3,5 mm 2 trong 1.

Tinhte.vn_ASUS_K501U-20.jpg
Tinhte.vn_ASUS_K501U-15.jpg Tinhte.vn_ASUS_K501U-16.jpg

Trở lại với nội thất của K501UI, máy được trang bị bàn phím full-size có phần phím số Numeric và bàn rê đa điểm lớn. Nhìn vào chiếc bàn phím này bạn sẽ dễ nhận ra đây là một chiếc máy dòng K hơn bởi kiểu thiết kế phím của nó hầu như không đổi qua thời gian: Bàn phím dạng chiclet với các phím kích thước lớn, nhựa đen, bề mặt hơi sần và có thêm đèn nền backlit 3 mức sáng. Mặc dù thiết kế không mới nhưng trải nghiệm gõ trên K501U rất tốt. Các phím có hành trình dài hơn mang lại cảm giác bấm tự tin hơn, khoảng cách giữa tâm các phím (key pitch) tiêu chuẩn 19 mm mang lại sự tách bạch, hạn chế tình trạng gõ nhầm và giúp chúng ta dễ làm quen hơn. Đồng thời 1 điểm mình thích là bàn phím màu đen khiến đèn nền backlit phát huy tác dụng tốt hơn khi sử dụng trong bóng tối, ít chói hơn so với kiểu bàn phím màu bạc thường thấy trên những chiếc máy dòng cao của ASUS.

Quảng cáo


Tinhte.vn_ASUS_K501U-17.jpg

Phím nguồn được bố trí tại phía trên bên phải khu vực bàn phím. Phím nguồn to, được làm giả kim loại đẹp nhưng nó khá cứng, khó bấm. Chưa rõ đây là do chiếc máy mình mượn được bị lỗi hay bản chất thiết kế của chiếc nút này như vậy.

Tinhte.vn_ASUS_K501U-22.jpg

Ngay dưới bàn phím là bàn rê ASUS Touchpad. Bàn rê dạng ClickPad, bề mặt phủ lớp sần chống rít và hỗ trợ thao tác đa điểm. Bàn rê cho độ nhạy cao và 2 phím chuột tích hợp dễ bấm. Như vậy về trải nghiệm gõ phím và bàn rê trên K501U thì mình không có gì phàn nàn.

Màn hình & âm thanh:


Tinhte.vn_ASUS_K501U-14.jpg

Như đã "khoe" ở đầu bài, điểm ăn tiền nhất trên K501U là màn hình 4K. Chiếc màn hình này dùng tấm nền IPS do LG sản xuất nên về chất lượng có thể nói là tương đương với những màn hình 4K trên laptop cao cấp. Màn hình dạng matte, có độ sáng 300 nit, độ tương phản 800:1 và mật độ điểm ảnh khoảng 285 ppi. Thêm vào đó, góc nhìn của màn hình khá rộng, lý tưởng nhất từ 85 độ đổ lại theo các cạnh. Nhờ đó, trải nghiệm nội dung 4K trên chiếc màn hình này thật sự rất tốt, rất lý tưởng để giải trí bằng phim ảnh khi mọi thứ trở nên hút mắt, giàu chi tiết và màu sắc.

Tinhte.vn_ASUS_K501U-25.jpg

Quảng cáo


Ngoài ra, màn hình matte mang lại khả năng hiển thị tốt hơn dưới điều kiện ánh sáng trực tiếp nên bạn có thể sử dụng máy ở ngoài trời thoải mái.

Tinhte.vn_ASUS_K501U-6.jpg

ASUS cũng cài sẵn phần mềm chỉnh chế độ hiển thị Splendid và qua phần mềm này bạn có thể chuyển giữa 3 chế độ tự động gồm Normal, Eye Care (lọc bỏ ánh sáng xanh gây hại cho mắt) và Vivid (cho màu sắc tươi nhất) cùng 1 chế độ tùy chỉnh theo sở thích Manual. Mặc dù vậy, màn hình IPS trên K501U cũng hơi ngã vàng.

Tinhte.vn_ASUS_K501U-28.jpg

Về phần âm thanh, K501U được trang bị hệ thống âm thanh stereo SonicMaster với 2 loa đặt tại đáy máy, gần rìa 2 bên. Dĩ nhiên là một chiếc máy dòng phổ thông nên ASUS không trang bị công nghệ loa của B&O để giảm chi phí. Do đó, so với B&O thì loa SonicMaster không mang lại ấn tượng và nó ảnh hưởng ít nhiều đến trải nghiệm nghe nhìn trên chiếc máy này. Loa cho âm lượng đầu ra nhỏ, âm cao hơi chói, mid rõ nhưng lùi, không có miếng bass nào.

Hiệu năng:


So với thế hệ K501LX năm ngoái thì K501U năm nay có một số năng cấp về cấu hình. Bên cạnh màn hình 4K thì CPU đã được chuyển sang thế hệ Skylake trong khi GPU, RAM và ổ cứng vẫn giữ nguyên. Dưới đây là cấu hình của chiếc máy mình mượn được:
  • CPU: Intel Core i5-6200U (Skylake) 2 lõi 4 luồng, xung nhịp 2,3 GHz (Turbo Boost 2,8 GHz), 3 MB Cache, TDP 15 W;
  • GPU: Intel HD Graphics 520 300 > 1 GHz + Nvidia GeForce GTX 950M 4 GB GDDR3;
  • RAM: 4 GB DDR3L 1 thanh (2 khe);
  • Ổ cứng: Hitachi Travelstar Z5K1000 dung lượng 1 TB tốc độ 5400 rpm;
  • Wi-Fi: Intel Dual Band Wireless-AC 7265;
  • OS: Windows 10 Home Single Language 64-bit.

Như vậy CPU Core i5-6200U được nâng cấp từ Core i5-5200U trong khi dung lượng RAM và card đồ họa vẫn được giữ nguyên theo cấu hình tiêu chuẩn. Mặc dù Core i5-6200U với GPU tích hợp đã hỗ trợ độ phân giải 4K với tốc độ quét 60 Hz tương ứng với thông số màn hình LG trang bị cho máy nhưng để có thể phát nội dung cũng như đáp ứng nhu cầu giải trí cao hơn thì ASUS đã tiếp tục trang bị cho máy GPU Nvidia GeForce GTX 950M.

GTX 950M là một card đồ họa hơn trung cấp một chút và nó sử dụng chip GM107 thế hệ Maxwell. Về cơ bản, GPU này đủ tốt để bạn có thể chơi được nhiều tựa game mới với thiết lập cấu hình trung bình cao và hỗ trợ phát nội dung 4K mà không lo giật đứng hình. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là phiên bản GTX 950M trên K501U sử dụng bộ nhớ đồ họa GDDR3 thay vì GDDR5. Mặc dù xung nhịp cơ bản đến 993 MHz cao hơn một chút so với phiên bản dùng GDDR5 nhưng băng thông bị giới hạn ở 32 GB/s thay vì 80 GB/s, do đó hiệu năng đồ họa game của phiên bản này thấp hơn khoảng 10 - 20% so với phiên bản GDDR5.

Dưới đây là điểm số benchmark của K501U với một số mẫu máy khác:


K501U đạt 2837 điểm PCMark 7, một mức điểm khá thấp so với những mẫu máy giải trí có trang bị card rời trong bảng so sánh trên. PCMark 7 là công cụ đo hiệu năng tổng thể của hệ thống và vai trò của card đồ họa lúc này vẫn chưa nhiều, chủ yếu là CPU, ổ cứng và RAM. Hiển như K501U với CPU 2 lõi tiết kiệm điện, ổ cứng HDD tốc độ 5400 rpm và chỉ 4 GB RAM chạy đơn kênh sẽ không thể đạt hiệu năng tối đa so với những chiếc máy dùng CPU 4 lõi và được gắn nhiều RAM hơn.

Nếu quan tâm đến hiệu năng xử lý đa nhiệm, anh em có thể so điểm PCMark 8 nội dung Work, ở phần này K501U chỉ đạt 2151 điểm. Nếu quan tâm về khả năng xử lý đồ họa, chỉnh sửa nội dung số như ảnh, phim, chuyển đổi định dạng và game nhẹ thì điểm số PCMark 8 Creative của K501U phản ánh khá rõ.

Trải nghiệm thực tế trên chiếc K501U này cũng tương tự, máy chạy khá chậm và xử lý đa nhiệm kém hiệu quả vì nhiều lý do. Đầu tiên là sự thiếu hụt về RAM, chỉ có 1 thanh 4 GB chạy đơn kênh và tiếp theo là ổ cứng Hitachi mặc dù cho dung lượng đến 1 TB nhưng tốc độ chậm ảnh hưởng đến trải nghiệm Windows 10 cũng như hoạt động của các ứng dụng trên K501. Khi khởi chạy các ứng dụng nặng như Photoshop, Lightroom hay game thì độ trễ cảm nhận được lớn hơn nhiều so với những mẫu máy chạy SSD hay có tốc độ ổ cứng HDD cao hơn. Kết quả đọc ghi ổ cứng trên K501U bằng CrystalDisk Mark chỉ khoảng 98 MB/s đọc và 100 MB/s ghi.

Qua sử dụng, mình cũng phát hiện máy thường xuyên gặp tình trạng Full Disk với Windows 10 và dung lượng RAM bị chiếm dụng cũng khá nhiều, thường trên 50%. Sự bất cân đối giữa tốc độ CPU và ổ cứng chậm, thiếu RAM khiến hiện tượng nghẽn cổ chai xảy ra và giảm hiệu năng của máy. Mình đã thử nghiệm 2 trường hợp sau:

nghen_1.png

1. Xem video 4K trên YouTube lần lượt bằng trình duyệt Chrome và Edge. Với Chrome, chỉ 1 tab trình duyệt mở YouTube, tổng lượng RAM chiếm dụng lên đến hơn 450 MB và khi cho chạy video, CPU luôn nhảy lên mức trên 95% với hơn 50% chiếm dụng bởi Chrome để giải mã video 4K và kết quả là video giật lag không thể xem tốt được. Edge thì chiếm dụng RAM đến gần 900 MB nhưng CPU được giảm tải với chỉ 2,7 - 2,8% nhờ đó video có thể được phát mượt mà. Có thể là do trình duyệt Edge được tối ưu hóa tốt hơn Chrome nên mình thử bằng một chương trình khác.

2. Xem video 4K bằng VLC, lần này ứng dụng VLC chỉ chiếm dụng khoảng 380 MB RAM nhưng công suất của CPU bị chiếm dụng đến 80% và kết quả tương tượng như lần thử xem online bằng Chrome, video giật lag xem không được. Phần mềm Fraps đo khung hình trên VLC chỉ còn 15 đến 20 fps.

Chuyển sang đánh giá khả năng đồ họa trên K501U bằng các phần mềm 3DMark, kết quả cho thấy GPU GTX 950M đạt 3901 điểm 3DMark 11, chỉ cao hơn mức điểm của GTX 850M thế hệ trước 1 chút. Với nội dung Fire Strike của 3DMark 13, điểm số của K501U chỉ nhỉnh hơn card AMD R270 và GTX 850M. Thử nghiệm với Fire Strike Ultra để đánh giá khả năng chơi game 4K, K501U chỉ đạt 728 điểm và kết quả này cho thấy chiếc máy khó có thể chơi được game ở độ phân giải nảy.


Thử nghiệm thực tế:

RainbowSix.jpg
Thiết lập phân giải Ultra HD:
Cấu hình đồ họa Very High -> khung hình 9 - 10 fps không chơi được;
Cấu hình đồ họa Medium -> khung hình 13 fps cũng không chơi được.

Thiết lập phân giải Full HD:
Cấu hình đồ họa Very Hight -> khung hình trung bình 29 - 31 fps chơi được;
Cấu hình đồ họa Ultra -> khung hình trung bình 27 - 28 fps chơi tạm được.

Fallout4.png

Thiết lập phân giải Ultra HD:
Cấu hình đồ họa High -> khung hình 7 - 9 fps không chơi được;

Thiết lập phân giải Full HD:
Cấu hình đồ họa High -> 12 - 20 không chơi được;
Cấu hình đồ họa Medium -> 25 - 27 chơi tạm được.

Như vậy thử nghiệm với 2 game hỗ trợ độ phân giải Ultra HD, chiếc K501U này không đủ mạnh để có thể chơi ở độ phân giải cao nhất. Để chơi tốt các game đồ họa nặng, anh em nên chỉnh về độ phân giải Full HD và chơi ở cấu hình trung bình cao để giữ khung hình ở mức lý tưởng.

Pin và nhiệt:


K501 được trang bị 2 quạt tản nhiệt, khe tản nhiệt đặt ở phía sau bên dưới bản lề tương tự thiết kế của dòng N. Về hiệu quả tản nhiệt, chiếc K501U khá mát mẻ ở điều kiện sử dụng bình thường với các tác vụ văn phòng. Tuy nhiên, khi xem nội dung 4K, lúc này CPU hoạt động với công suất tối đa hay chơi game đồ họa nặng thì chiếc máy nhanh chóng nóng lên. Khu vực nóng nhất nằm gần vị trí tản nhiệt hay phía trên bàn phím, đo được vào khoảng 45 - 48 độ C. Khu vực bàn phím trung tâm cũng khá ấm với mức trên 37 độ C và khu vực chiếu nghỉ tay bên phải cũng tương tự do bên dưới là ổ cứng HDD.

Tinhte.vn_ASUS_K501U-26.jpg

Về thời lượng pin, K501U dùng pin 3 cell 48 Whr tích hợp, cho thời lượng sử dụng khá ngắn. Là một chiếc laptop sở hữu màn hình 4K nên mình thử nghiệm ngay thời lượng pin của máy khi xem phim và kết quả là từ 90% pin, độ sáng màn hình 100%, âm lượng 100% từ 5:15 tối thì đến 6:40 tối máy tắt hẳn. Như vậy, thời lượng sử dụng chỉ 1 giờ 25 phút. Khi sử dụng để làm việc với độ sáng khoảng 70%, nhiều tác vụ cùng lúc thì thời lượng pin chỉ khoảng hơn 2 giờ. Điều này cũng dễ hiểu bởi màn hình 4K đã rút ngắn đáng kể thời lượng pin.

Kết luận:


K501U là một chiếc máy mang chiến lược "phổ cập" laptop 4K của ASUS với giá thành thấp hơn nhiều so với những mẫu laptop 4K cao cấp. Máy được trang bị màn hình rất tốt nhưng có lẽ vì chi phí, ASUS buộc phải cắt giảm phần cứng khiến hiệu năng của máy giảm đi, mang lại trải nghiệm chưa tương xứng với màn hình 4K. Nếu như ASUS trang bị cho máy CPU dòng H hoặc HQ, RAM nhiều hơn và ổ cứng SSD thì hiệu năng cũng như trải nghiệm sẽ được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, chi phí vẫn là bài toán khó khi giá của K501U phiên bản trên chỉ 19 triệu 900 ngàn. Thêm nữa, khi chọn mua chiếc laptop này, ngoài yếu tố về hiệu năng thì anh em cũng nên suy nghĩ về 4K, nhất là khi nội dung 4K vẫn chưa nhiều và độ phân giải Full HD vẫn chiếm đa số. Chưa kể là Windows vẫn chưa thể tối ưu hóa cho màn hình phân giải cao và nhiều ứng dụng phía thứ 3 vẫn chưa nâng cấp giao diện. Theo mình được biết, ASUS sẽ có thêm nhiều tùy chọn cấu hình cho K501U, chưa rõ giá sẽ như thế nào nhưng hy vọng sẽ cải thiện được những nhược điểm về hiệu năng.

Ưu điểm:
  • Thiết kế khá tốt, trọng lượng nhẹ;
  • Màn hình 4K chất lượng cao;
  • Bàn phím và bàn rê tốt;
  • Nhiều cổng kết nối.
Nhược điểm:
  • CPU chưa phù hợp, thường quá tải khi giải mã nội dung 4K;
  • Thiếu RAM ảnh hưởng đến hiệu quả đa nhiệm;
  • Ổ cứng chậm;
  • Loa nhỏ, không mang lại trải nghiệm giải trí tương xứng với hình ảnh;
  • Thời lượng pin ngắn.
122 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

nếu phải đánh đổi màn hình 4K lấy hiệu năng thì thà em chọn cấu hình màn FullHD nhưng phần cứng trang bị tốt hơn. Không hiểu hãng nghĩ gì khi trang bị màn hình độ phân giải cao cho phân khúc này khi dân đồ họa, thiết kế sẽ không mua, giải trí thì không trọn vẹn, dùng cho văn phòng thì càng "vô duyên" hơn
Razor11
CAO CẤP
8 năm
@anhtuanngoc Dùng văn phòng thì được mà bạn 😁
bao89
ĐẠI BÀNG
8 năm
@anhtuanngoc Văn phòng giờ cũng cao cấp chứ có phải thường như xưa đâu bác 😆) màn hình 4K coi như điểm nhấn của con này, Dòng K thì cấu hình vậy dân văn phòng cũng thích nữa là :v
@anhtuanngoc Mình thích Dell nhưng nếu mua Asus thì mình cũng sẽ cân nhắcmua em này. Vì mình dùng laptop hầu như toàn cắm sạc nên pin không ảnh hưởng lắm, vụ nghẽn cổ chai thì chắc tài trợ thêm em SSD 850 Evo là ngon lành
@anhtuanngoc dân văn phòng dùng thì có gì "vô duyên"?? màn hình mịn quá nên ko làm việc đc ah. chê thấy ghê
Con này chắc mua về chỉ để xem phim. Chứ cái màn 4k mà cho đi với cái cấu hình chip i5 U, card 950 GĐR3, HDD hitachi với 4gb ram thì đúng là quá troll. Đúng kiểu râu ông nọ cắm cằm bà kia
@Beng-Pr0 chắc là fan của Youtube Gaming mới cần 4k để quay vid chứ đời nào ai chọn 4K trên cái màn hình 16 inch để chơi game
Người ta để 4K trên cái màn hình vậy để câu khách thôi
Chừng nào xài màn hình 100 inch rồi hãy tính đến 4K
@max-20091 Với cả câu khách. Câu kiểu này khác nào lừa khách
@Beng-Pr0 chính xác đó bác .. thuộc dạng câu khách câu view pr, quảng cáo là chính . chứ em thấy máy yếu xìu mà chạy 4k có nản ko . 4k mà 4gb ram là thấy nản rồi. lại còn chạy hdd nữa mới chuối
thích razer blade pro hơn😁 lúc nào anh cũng đứng đầu:D
@hoangphithanh Nó ko cùng tầm giá, với cả razer làm chảo đc đấy =))
Con này đc cái màn 4k, còn lại CPU GPU quá đuối, nhìn chung p/p ko tốt.
@hoangphithanh cứ nhìn vào mức giá của nó bác sẽ hiểu tại sao nó hay mà
@gfsrhgfdgf1 con này sài mát lắm . sài ngon hơn macbook nhiều
được mỗi cái màn 4k, nếu chơi game cấu hình máy không thể gánh được, mà nếu xem phim thì đa phần toàn phim full hd là căng lăm rồi, vì vậy màn 4k cũng không tận dụng hết hiệu nặng, mà nếu xem ở cự ly tầm 70 cm thì full hd, cũng không thấy khác biệt so với 4k
vậy 4k để làm gì? khi mà game ko chơi được, phim cũng giật lag
jack119
ĐẠI BÀNG
8 năm
Con này mang trình chiếu, dành cho những người cần nhu cầu trình chiếu thì ổn, ngoài ra thì bình thường.
duyoggy
ĐẠI BÀNG
8 năm
mn cho e hỏi con này so với con asus k501lx chip i7-5500U, ram 8GB DDR3, gtx 950M thì con nào tốt hơn ạ, e đang lăn tăn 2 con này :rolleyes::rolleyes:
ptltv1994
ĐẠI BÀNG
8 năm
@duyoggy Asus K501LX i7 hơn về mọi mặt nhé... (trừ cái màn hình, mà 4K hay FullHD cũng thế vì mình toàn xem FHD, cao quá ngại download mà có down nhìn cũng không khác mấy)
@duyoggy Cho mình xin link con bạn đề cập với.
duyoggy
ĐẠI BÀNG
8 năm
@lucas_mufc đây bạn ơi, mình xúc luôn e nó rồi http://www.hanoicomputer.vn/laptop-asus-k501lx-dm040d-vo-nhom-thiet-ke-mong-dep-mau-xanh-den/p28821.html
lcc145
ĐẠI BÀNG
8 năm
Do chíp U hết. Mình đã thử i5 4217U+card rời xem Full HD CPU 100%+ lag VS i5 560m ko card rời cpu load chưa đến 40%. Khuyên các bạn mua máy nên tránh xa các dòng chip U ra
@lcc145 Bạn nói thế nào chứ mình dùng có i5-4210U mà coi full HD suốt chả làm sao hết (CPU chỉ quanh quẩn ở mức 34 - 45, thỉnh thoảng mới vọt lên trên 50% một chút). Các tác vụ nặng thì không kham nổi chứ với phim full HD giờ thì hầu hết các mtxt trên 7 triệu và PC trên 5 triệu chiến tốt.
lcc145
ĐẠI BÀNG
8 năm
@_MyLoveIsWinter_ mình test trên máy thinkpad t430u. Bạn có thể chụp màn hình CPU load cùng vs video full HD trên chrome để mình xem coi dduocj không?

Hình mình test trên cpu i5 520m
Untitled.png
@lcc145 làm gì thảm vậy bạn, mình xài core M 5Y71 xem bluray full HD mà có 2x % 😁
cái màn 4K có vẻ ám vàng nặng. Cấu hình này mà nhét 4k vào, coi film còn thấy ngán
Nghĩ sao mà còn nhét cái HDD 5400 vòng hả trời? 😕 Thà làm con SSD với màn hình 2K còn có lí hơn.
thà full hd mà giá mềm hơn
Razor11
CAO CẤP
8 năm
@Daotranduyphung Full hd có con k501lx đó, khoảng 15tr
Hidro cyanua
ĐẠI BÀNG
8 năm
Asus K gần đây nói chung có một điểm cải lùi là muốn nâng cấp máy phải tháo toàn bộ ốc rồi cạy nắp ra khá là khó khăn.
@Hidro cyanua Một lỗi cố hữu nữa là hay bị hỏng chân cắm nguồn nên nhiều khi đang dùng động đậy tý là đột tử nếu ko dùng pin, nếu có pin thì cũng làm pin nhanh die. Như bạn nói mấy em này muốn sửa chữa gì cũng khó. Mình xài nhiều dòng máy rồi thấy Dell vẫn ổn nhất !
Krat0s
ĐẠI BÀNG
8 năm
Cái máy màn 4k lại còn đi với 950M DDR3, film giờ cũng ít film 4k mà game thì chơi k nổi. Chả ra làm sao
caphe17
TÍCH CỰC
8 năm
Có cái màn ko mà giá tăng 7 củ, =)))
bigghost1603
ĐẠI BÀNG
8 năm
Phần cứng + cầu hình quá ngon các thím ạ. Cơ bản là em thích cái thiết kế đẹp thời trang, nhẹ nhàng, hợp với văn phòng
Asus phân loại các dòng khác nhau mà, dòng K phục vụ cho nhu cầu đa dạng, từ người dùng từ bình dân tới cao cấp. Các bác muốn chơi game thì chuyển qua dòng G cũng tốt đấy.
godFears
ĐẠI BÀNG
8 năm
4k để làm gì khi phim không xem được , chắc để marketing

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019