Những bức ảnh báo chí kinh hoàng

cuhiep
1/5/2007 9:40Phản hồi: 3
Những bức ảnh báo chí kinh hoàng
Bốn bức ảnh báo chí được chọn trong bài này đều miêu tả nỗi buồn đau của con người, chứ không phải là niềm vui cuộc sống. Bằng ống kính của mình, các phóng viên ảnh chuyên nghiệp và cả người chụp hình nghiệp dư, đã bắt được những khoảnh khắc của sự bất hạnh, từ ở châu Phi nghèo khổ, Đông Nam Á một thời chiến tranh loạn lạc, Trung Đông chưa bao giờ im tiếng súng hay nước Mỹ vốn luôn tự hào là nơi phát triển nhất nhưng cũng luôn ẩn chứa những bất ổn sâu xa.

Các tác phẩm này đã trở nên rất nổi tiếng, được in hàng trăm lần trên các tờ báo, các cuốn sách. Câu chuyện của những nhiếp ảnh gia về “tích tắc vàng” đó rất khác nhau. Bức ảnh có thể là kết quả của sự may mắn có mặt đúng lúc, nhưng rõ ràng trong những hoàn cảnh nghiệt ngã, khó khăn và thậm chí nguy hiểm đến tính mạng như vậy, nếu thiếu sự nhiệt tình, cái tâm của nhà báo, có lẽ, rất nhiều tác phẩm báo chí có giá trị như vậy đã không được ra đời.


* BÍ ẨN DARFUR/Marcus Bleasdale


Nhà nhiếp ảnh người Anh Marcus Bleasdale nhớ lại khoảnh khắc mà ông chụp được bức hình một em bé tị nạn ở Dafur, miền Nam Sudan năm 2004. Nó đã trở thành bức hình nổi bật nhất trong năm của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (Unicef). Điểm nhấn của bức hình chỉ là một giọt nước mắt đọng lại trên gương mặt của một em bé - cuộc xung đột ở Dafur thật dữ dội.



“Tôi chụp bức hình vào giữa năm 2004 ở Darfur, tại một ngôi làng nhỏ có tên Dissa khi chúng tôi đang đi xem qua sa mạc. Khoảng 200-300 người ngồi dưới tán cây khổng lồ, toàn phụ nữ và trẻ em, không hề có nam giới, ngoại trừ một người có thể là già làng khoảng 80, 90 tuổi. Một cơ thể buồn bã, đôi vai trùng xuống rất ủ dột của một em bé khoảng 5, 6 tuổi trong vòng tay khô của người mẹ quàng qua vai em. Bàn tay của em non nớt có vẻ an tâm trong lòng mẹ. Bà mẹ không xuất hiện trong tấm hình. Bà ở đằng sau, làm nền, nhưng dần dần xa xa mờ mờ, người ta nhìn thấy những bàn tay của anh chị đứa bé đợi chờ”.

* CÁI CHẾT CỦA MỘT NGƯỜI LÍNH IRAQ/Ken Jarecke


Nhiếp ảnh gia người Ken Jarecke nói về bức hình chụp năm 1991 của một người lính Iraq bị thiêu cháy. Đầu tiên, nhiều biên tập viên cho rằng bức hình quá dữ dội và họ từ chối đăng, nhưng sau đó, nó trở thành một trong những bức hình nổi tiếng nhất nói về cuộc chiến tranh Vùng Vịnh lần I.



“Chúng tôi đi từ phía Tây Ira, từ Nasiriya về phía Basra, Đến đường cao tốc số 8 và bắt đầu đi về phía Nam, tới thành phố Kuwait. Hình ảnh người lính Iraq là hình ảnh vô tình tôi chợt nhìn thấy trên đường đi: một chiếc xe tải, giữa đường cao tốc hai làn xe. Tôi chỉ biết chắc là anh ta đã nỗ lực những phút giây cuối cùng trong cuộc đời, để được sống, và biết rằng cuộc đời đáng để anh ta sống. Khi phim được tráng và đến văn phòng của AP ở New York, họ in và cho mọi người xem, nhưng rồi họ rút lại. Họ cho rằng nó quá nhạy cảm, quá khủng khiếp ngay cả cho biên tập viên các tờ báo để xem, chứ đừng nói đến việc AP cho họ quyền được đăng lại không. Vì vậy, hầu như bức hình này không xuất hiện ở Mỹ. Ở Anh, tờ London Observer đã đăng bức hình này đầu tiên".

3. THẢM KỊCH Ở OKLAHOMA/Charles Porter

Quảng cáo


Nhiếp ảnh nghiệp dư Charles Porter miêu tả anh đã chộp được khoảnh khắc toà nhà ở thành phố Oklahoma (Mỹ) bị đánh bom tháng ngày 19/4/1995. Bức hình đoạt giải báo chí Pulitzer uy tín.


“Một cảnh sát bế một em bé sơ sinh trao cho lính cứu hỏa. Tôi vẫn còn hình dung ra phút kinh hoàng đó. Người lính cứu hỏa đã tháo găng ra trước khi nhận đứa bé vì sợ nó đau. Găng tay rất cứng, thô nhám, và khi bỏ ra, người lính muốn nói rằng họ sẽ thật êm ái với sinh linh nhỏ bé kia. Anh không biết rằng đứa bé đã không còn sống nữa. Khi tôi gọi bạn cho xem bức ảnh, anh ta nói cần cho nhiều người biết hơn, như bán cho hãng AP chẳng hạn. Tôi đến AP và hỏi họ xem họ có muốn xem bức hình không. Wendel Hudson, trưởng đại diện của AP ở Oklahoma ngay lập tức muốn mua. Tôi không biết nói gì, vì tôi không thể hình dung được bức hình đã có quyền lực như vậy, Điều này vượt khỏi sự hiểu biết và tưởng tượng của tôi.”

* VỤ TẤN CÔNG BẰNG BOM NA-PAN/Nick Út


Nhiếp ảnh gia người Việt Nam, Nick Út, miêu tả một ngày vào tháng 6-1972, khi ông chụp được hình ảnh của cô bé 9 tuổi, Kim Phúc, đang chạy trốn cái nóng kinh hoàng từ bom na-pan. Bức hình đã mang về cho ông giải thưởng báo chí Pulitzer.

Quảng cáo


“Bức hình có Kim Phúc (ở giữa) với tấm thân bỏng cháy, sau em là lính Cộng hòa miền Nam Việt Nam cũng đang chạy cùng. Bên cạnh em là anh trai, em trai đang ngoái lại nhìn những cột khói đen và hai người thân khác của em," Nick Út nhớ lại. “Khi tôi đến ngôi làng của em thì thấy hai cái máy bay đến. Chiếc đầu tiên thả 4 quả bom và chiếc thứ hai thả 4 quả bom na-pan nữa. Năm phút sau, tôi thấy mọi người chạy ra, hét lên: “Cứu tôi với! Cứu với!” Khi Phúc nhìn thấy tôi, em kêu lên: “Cho con ít nước. Con nóng quá!” Tôi đưa ít nước cho em. Em uống. Tôi đưa Phúc lên xe ôtô, chạy đến bệnh viện Củ Chi. Đó là bức hình thay đổi cuộc đời tôi. Chúng tôi quyết định gửi tới Mỹ. Đầu tiên, người ta không thích bức hình vì đứa bé không mặc quần áo. Tôi nói với họ rằng bom na-pan đã thiêu cháy cả ngôi làng của em. Ngay lập tức bức hình được in ở Mỹ, ở khắp mọi nơi. Đến nay, người ta vẫn còn dùng nó – như một lời cảnh báo về sự tàn độc của quả bom na-pan, hay sự độc ác của con người. Sau khi chụp hình Phúc, tôi hay đến thăm cô bé và gia đình cô bé. Em gọi tôi là bác Nick. Bây giờ, tuần nào tôi cũng gọi điện cho Phúc. Hiện Phúc đang sống ở Toronto, Canada.”

Nguồn: Diễn đàn nghiệp vụ báo chí VN


Thêm một vài thông tin từ bức ảnh của Nick Út.


Bức ảnh chụp cô bé Kim Phúc trần truồng chạy trốn bom Napalm Mỹ - một trong những bức ảnh báo chí xuất sắc nhất thế giới qua mọi thời đại của tạp chí LIFE - là tác phẩm ảnh báo chí thời sự tiêu biểu nhất trong đời cầm máy của phóng viên ảnh Nick Út.

Nick Ut chụp Phan Thị Kim Phúc lên 9 tuổi vào tháng 6 năm 1972, lúc đó một máy bay của quân đội Nam Việt Nam đã ném nhầm bom cháy Napalm vào chính binh lính của mình và dân thường.

Bức ảnh do Nick Ut phóng viên của AP chụp được “đã cảnh tỉnh nước Mỹ về sự khủng khiếp của chiến tranh Việt Nam”

Thật ra những sự kiện xảy ra vào buổi trưa 8-6-1972 ở chiến trường Trảng Bàng, Tây Ninh để đưa ra công luận bức ảnh chấn động thế giới về cô bé Kim Phúc trần trụi bị phỏng bom Napalm, được chứng kiến không chỉ có mình Nick Út. Những tấm ảnh chụp khác của anh cho thấy có hàng chục phóng viên và cameraman đang lia ống kính chỉ vài giây trước đó.

Trong chuyến trở về VN nhân dịp đại lễ 30-4 năm nay, chúng tôi đã nghe Nick Út kể lại khoảnh khắc đó: “Điều quan trọng nhất trong bức ảnh này là khi tôi giơ máy ảnh lên thì tất cả mọi người đang chạy vội về phía bà ngoại Kim Phúc với đứa trẻ hấp hối, ngáp lần cuối cùng trên tay bà. Phía sau cũng có một người đàn ông ôm xác một đứa trẻ giống như thế…

Có lẽ tất cả phim của nhiều phóng viên chiến trường đã “nướng” hết vào đó rồi. Còn tôi, khi ấy chạy vào phía trong, nghe tiếng Kim Phúc hét lên với người anh mình, tiếng thét như xé lòng: “Nóng, nóng quá anh ơi! Em khát nước, em chết!”. Sau tiếng thét khủng khiếp của cô bé nhỏ xíu ấy, tôi đã đưa máy lên và bấm”.


Sau khi chụp xong bức ảnh này, Nick Út bỏ máy ảnh xuống lộ,
lấy nước dội vết bỏng, lấy áo mưa trùm người Kim Phúc lại
và đưa em vào bệnh viện cấp cứu

Nick Út kể tiếp: “Sau khi chụp bức ảnh, tôi đưa Kim Phúc về Bệnh viện Củ Chi, gửi Kim Phúc với lời nhắc đi nhắc lại cùng bác sĩ: “Tôi là ký giả, bằng mọi giá các anh phải cứu sống cháu bé này”. Lên xe, hành động đầu tiên của tôi là chắp tay lại và khấn người anh ruột của mình - phóng viên chiến trường Huỳnh Thành Mỹ - rằng: Em đã chụp được bức ảnh tàn khốc về chiến tranh. Hãy cho em cơ hội để cả thế giới biết đến nó!”.

Tại trụ sở văn phòng Hãng AP tại Sài Gòn, nhận tám cuộn phim từ tay Nick Út là một nhân viên phòng tối người Nhật. Anh chờ đợi trong sự hồi hộp bồn chồn. Út nghe anh chàng người Nhật thảng thốt kêu lên khi đem hình ra: “Ô, cô bé này ở truồng!”. Một đồng nghiệp người Mỹ bước lại coi rồi phán: “Hình cô bé trần truồng này phải bỏ ngay, không xài được đâu!”.

Anh rất bức xúc và gân cổ giải thích với đồng nghiệp người Mỹ rằng đó là nạn nhân bom Napalm, là nạn nhân của chiến tranh... Chốc sau Horst Faas - trưởng văn phòng đại diện AP - về tới, ông gọi Nick Út vào, hỏi cặn kẽ, coi từng tấm phim rồi ra lệnh cho anh chàng thuộc cấp: “Mày phải gửi ngay tấm ảnh này về tổng hành dinh trong vòng năm phút!”.

Horst mắt vẫn không rời bức ảnh và lầm bầm: “Gửi ngay, gửi ngay, đây là chiến tranh chứ không phải khiêu dâm!”. Chỉ một tiếng đồng hồ sau, từ New York - tổng hành dinh của Hãng tin AP - đã điện thoại sang Sài Gòn, cú điện thoại làm thay đổi cuộc đời của một phóng viên chiến trường mới toanh: “Út ơi, mày nổi tiếng trên toàn thế giới rồi!”, “Út ơi, mày là “number one” (số 1) rồi!”.

Bức ảnh được phát đi, nước Mỹ xuống đường, báo chí Nhật Bản và nhiều nước khác phóng to bằng hình thật ngay trước tòa soạn báo của họ. Vào ngày hôm sau tại Washington, hàng mấy ngàn người xuống đường biểu tình. Chiến tranh VN do Mỹ khởi xướng đã phô bày những tội ác khủng khiếp của nó chỉ qua một tấm ảnh của Nick Út!


Nick Út và Kim Phúc gặp nhau tại Cuba năm 1989
3 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Những bức hình gây chiến tranh


Chiến tranh Iraq đã có lời giải thích

Cuộc chiến giữa tín ngưỡng cực đoan và các giá trị tự do theo hình mẫu phương Tây đạt cao trào mới từ sau vụ 11/9. Trong những ngày vừa qua, người Hồi giáo tiến công các sứ quán, văn phòng và tẩy chay hàng hóa của một số nước châu Âu để phản đối việc báo chí các nước này đăng biếm họa xúc phạm đến nhà tiên tri Mohammed. Những bức hình gây ra xung đột và chiến tranh không còn là chuyện lạ.

Ramallah, 12/10/2000

Trong cuộc chiến tranh Trung Đông chưa bao giờ ngơi tiếng súng, Ramallah - ngọn núi của Thượng Đế - ở miền Tây Jordan là căn cứ quan trọng của Palestine, nơi nhiều cơ quan đầu não của chính phủ Arafat tọa lạc từ khi hiệp ước Oslo chia cho họ phần đất này năm 1994. Ngày 22/10/2000 là một ngày bất hạnh, không những chỉ đối với hai lính Israel đi lạc vào Ramallah và bị đưa đến đồn cảnh sát địa phương. Ơ đây, đám đông phẫn nộ đã hành quyết tập thể và vứt xác họ qua cửa sổ.

Ngày hôm sau, những bức hình chụp cảnh ấy được đưa lên trang nhất của tờ báo Anh "Daily Mail“ dưới tiêu đề "Giây phút phát hỏa cuộc chiến“, và cuộc chiến theo đúng nghĩa đen của nó được mở rộng đến tận Ramallah: Ariel Sharon cậy vào sự ủng hộ của những bức hình kia để tấn công và chiếm lĩnh Ramallah, cho đến ngày ấy tạm được quy định là khu phi quân sự, và 29/3/2002 ngôi nhà của Yasser Arafat bị cô lập hoàn toàn trong vòng vây của Israel.

Không có gì mới trong vai trò của hình ảnh trong chiến tranh. Những bức hình được dùng làm bằng chứng cho sự kiện của vũ lực trong ngày và cho đời sau. Không hẳn mang dụng ý, nhưng vô hình trung chuyển tải dụng ý của những ngơời gây ra vũ lực được ghi lại trong ảnh. Tác động của những hình ảnh trên báo chí được đưa lên đỉnh điểm khi ống kính ghi lại cảnh tòa tháp đôi WTC bị máy bay đâm vào hay cảnh công dân Mỹ Nicolas Berg bị chặt đầu. Chiến tranh Iraq đã có một lời giải thích, và có thêm một lý do để tiếp tục tồn tại.

Jyllands-Posten, 9/2005

Sau khi tờ báo Jyllands-Posten cuối năm ngoái đăng tải những bức biếm họa về Mohammed và 7 tờ báo ở Pháp, Đức, Hà Lan, Italy và Tây Ban Nha tỏ ý ủng hộ việc làm này bằng cách đăng lại những bức tranh đó, sự kiện này đã phân cực giới độc giả trên thế giới: Bên cạnh những người đồng tình vì đề cao tự do ngôn luận, thì hàng triệu tín đồ Hồi giáo biểu tình và thậm chí dùng súng đạn để đáp lại sự nhạo báng nhà tiên tri của họ.

Giây phút phát hỏa cuộc chiến

Một hội nghị các nhà sử học ở Berlin nhân sự kiện này đã đưa ra một câu hỏi thảo luận ngoài chương trình: có thể bàn đến vũ lực mà không cần đăng hình ảnh kèm theo? Vì nếu hình ảnh được coi là một phần của vũ lực thì việc đăng tải chúng không khác gì lặp lại vũ lực. Giới truyền thông phương Tây hôm nay sống bằng hình ảnh thời sự, tuy nhiên vẫn tự đặt cho mình một số rào cản. Ví dụ như ở Mỹ cấm đăng ảnh về các nạn nhân của ngày 11/9. Tuy nhiên vẫn có một ngoại lệ là cảnh một số người nhảy ra khỏi cửa sổ của ngôi nhà cháy - mô típ truyền thống từng châm ngòi cho cuộc hiến Ramallah? Cảnh hành quyết con tin ở Iraq sau nhiều tranh cãi cũng được công khai hóa một phần, chứng tỏ sức mạnh của hình ảnh khó cưỡng nổi, và tuy hình ảnh được cố tình làm nhòe đi thì dụng ý của thủ phạm cũng không vì thế mà bị yếu đi. Còn về phía người xem? Từ thuở tín đồ Thiên chúa giáo mở các cuộc thập tự chinh tấn công những kẻ "vô đạo“ thì người theo đạo Hồi đã được coi là dân mọi rợ, và thành kiến ấy không hề được cải thiện sau cuốn video về Nicolas Berg, cộng với lời bình luận rằng cho đến tận hôm nay có nước Arab vẫn dùng kiếm để xử tử.

Thế giới hôm nay

Rõ ràng là trong một thế giới còn đầy những căng thẳng vũ lực hiện nay, việc đăng những bức biếm họa về Mohammed càng làm gia tăng một cách không cần thiết mối hiềm khích đang rất trầm trọng giữa phương Tây và thế giới Arab.

"Ở đây trọng tâm cần chú ý không phải là chuyện tự do ngôn luận, tôi cho rằng những tranh biếm hoạ ấy là một sự báng bổ và không có lý do gì để làm theo cả“, ông Peter Merlin tổng biên tập của tờ Sydsvenskan cho biết. Phương Tây không phản đối hay nghi ngờ việc Jyllands-Posten có được đăng tải những bức tranh ấy không, song có nhất thiết phải làm việc đó? "Có nhiều đề tài quan trọng hơn khi bàn đến tự do ngôn luận“, đó là dư luận chung ngay cả ở Bắc Âu, "trong tình thế hôm nay không phải đổ thêm dầu vào lửa“, như tờ Ekstra Bladet ở Copenghagen nhấn mạnh.

Sau khi xảy ra những vụ tấn công các sứ quán và trung tâm văn hóa EU để "trả đũa" cho việc nhà tiên tri Mohammed bị báng bổ, dẫn tới việc công dân Đan Mạch và Na Uy cấp tốc bị gọi về nước, một số tờ báo châu Âu đã trấn an dư luận bằng cách sa thải biên tập viên liên đới và xin lỗi độc giả Hồi giáo, song dường nhơ họ đã ở thế ngồi trên lưng hổ. Mối hiềm khích ngày càng phát triển thêm những khía cạnh khôn lường: nhiều nước theo đạo Hồi kêu gọi tẩy chay hàng hóa Đan Mạch, và lực lượng Palestine sau khi Hamas thắng cử tỏ ra thiên về vũ lực hơn. Thậm chí Vatican cũng lên tiếng phê phán thái độ thiếu nhạy cảm của người Đan Mạch.

Tranh châm biếm là một phần của cuộc chiến văn hóa và tín ngưỡng? Không ít người đánh giá chúng có sức mạnh ghê gớm hơn rất nhiều so với cảnh hành quyết Nicolas Berg trên Internet hay hình những con tin Tây Âu quỳ trước ống kính xin được sống. Cuộc chiến của hình ảnh không mới, nhưng đang đi đến một cao trào mới. Ít nhất thì đây cũng là một dịp để soi lại mình cho giới truyền thông và ngay cả công chúng, làm thế nào để thế giới này xích lại gần nhau hơn, xóa bỏ bớt thù nghịch để đi đến một giải pháp không cần vũ lực.

Nguồn: Diễn đàn nghiệp vụ báo chí VN
Bức ảnh thay nghìn lời nói về chiến tranh tại Việt nam

Eddie Adams (1933-2004) đã chụp hình cho một số chính trị gia và các sự kiện nổi tiếng thế giới trong suốt một cuộc đời sự nghiệp dài và đầy vinh quang của mình.

Nhưng có một bức ảnh đặc biệt đeo đuổi ông cho đến cuối đời và cũng vì nó mà ông trở thành nổi tiếng nhất.

Đó là bức ảnh nổi tiếng chụp cảnh một tướng của quân đội Miền Nam hành quyết một người bị tình nghi là chiến binh Việt Cộng ở trên một đường phố Sài gòn vào ngày 1 tháng 2 năm 1968. Theo lời của tướng Nguyễn Ngọc Loan nói “Chúng nó đã giết hại nhiều đồng bào của tôi” và vị tướng này đã giơ súng lục bắn thẳng vào đầu anh ta. Bức ảnh của Adams cho thấy thời điểm viên đạn đang ghim vào đầu của nạn nhân.



Câu chuyện của tấm ảnh
(trích Phóng sự của Tom Buckley đăng trên Harper Magazine, tháng 4-1972)

Buổi chiều ngày 1-2 có 1 cuộc **ng độ nhỏ ở vùng lân cận chùa Ấn Quang, cơ quan chỉ huy của phe “chiến đấu” trong giáo hội Phật giáo. Trong lúc trận đánh đang tiếp diễn, 1 tù binh được mang đến chỗ Loan, lúc đó đang đứng với những phụ ta có lẽ cách đó nửa dãy phố. Không nói 1 lời, Loan quăng điếu thuốc và móc khẩu súng lục ra. Ông ta lấy tư thế của 1 xạ thủ, cánh tay phải giơ thẳng và, ở khoảng cách có lẽ 1 mét, bắn vào thái dương của người tù này.

Trong cơn thịnh nộ, Loan đã xem thường sự kiện là Eddie Adams, 1 nhà nhiếp ảnh của hãng Associated Press, và 1 nhóm phóng viên quay phim của hãng NBC đang ghi hình ông ta. Ông ta nhìn họ sau khi bắn và có vẻ chắc chắn rằng ông ta sẽ ra lệnh tịch thu phim của họ, nhưng không biết tại sao ông ta không làm điều đó. Trong vòng vài giờ những bức hình của Adams đã được truyền đi khắp thế giới. Đêm hôm sau cuộn phim được chiếu trên chương trình tin tức truyền hình Huntley – Brinkley.

Hai phút tin tức trôi qua, trận đánh đã tàn lụi, nhưng hình ảnh vẫn còn. Loan, mang giày ống, mặc áo giap chống đạn, là biểu tượng của sự dã man không thể cải biến. Người tù, nhỏ hơn, ốm yêu, không nhìn thấy 2 tay vì bị trói ra sau lưng, chỉ mặc 1 chiếc áo sơ mi rách nát và quần đùi. Khuôn mặt anh ta bị mép mó, bị đẩy sang 1 bên bởi tác động của viên đạn trong đầu, tóc anh ta dựng đứng, miệng hà ra như đang phát ra tiếng kêu cuối cùng.

Theo tôi đó là bước ngoặt, giây phút khi mà công chúng Mỹ xoay qua chống lại chiến tranh. Cuộc tấn công Tết Mậu Thân đã phá huỷ niềm tin vào sự đánh giá của những người đang chỉ đạo cuộc chiến; hành động giết người của Loan đã đánh dấu sự phá sản về đạo đức của nó. Cùng lúc đó dậy lên sự ngưỡng mộ miễn cưỡng đối với sự can đảm của 1 kẻ thù đã chiến đấu rất lâu mà không có đến 1 chiếc máy bay, trực thăng, xe tăng, hay đại bác chống lại 1 quốc gia hùng mạnh nhất thế giới, và những đội quân đánh thuê được tuyển từ khắp châu Á.

Có 1 sự trớ trêu tế nhị trong tất cả chuyện này. Người tù đã được xác định, hầu như chính xác, là chỉ huy 1 đơn vị đặc công Việt Cộng. Người ta nói anh ta có 1 khẩu súng lục trong người khi bị bắt giữ và đã dùng nó để bắn chết 1 tay cảnh sát. Không giống như những đơn vị chủ lực lớn ùa vào Sài Gòn, mặc quân phục ka ki, và những đặc công đã xâm nhập đại sứ quán Mỹ, những người đeo băng đỏ, người tù này không có nhận dạng giống vậy. Sự kết liễu cho anh ta có lẽ là nhẹ nhõm hơn, vì anh ta đã thoát được sự tra tấn kinh hoàng mà hầu như chắc chắn sẽ là phần mở đầu cho cái chết trong cảnh lao tù.

Vụ giết nguời này gây sốc cho cả nước Mỹ

Cuộc gặp gỡ lại một tháng sau vụ giết người


Tướng cảnh sát Chính quyền Sài gòn Nguyễn Ngọc Loan

Loan hớp 1 hơi rượu pha sô đa được người lính pha sẵn cho ông ta. Những thứ này được giữ trong 1 quầy rượu di động gắn phía sau xe Jeep. Nghĩ rằng ông ta đang trong tâm trạng dễ chịu, tôi yêu cầu ông ta giải thích lý do bắn người tù ấy. “Tôi không phải là nhà chính trị, tôi không phải là chỉ huy cảnh sát. Tôi chỉ là 1 người lính… Chúng tôi biết người đàn ông này là ai. Tên anh ta là Nguyễn Tất Đạt, bí danh Hàn Sơn. Anh ta chỉ huy 1 đơn vị đặc công. Anh ta đã giết 1 cảnh sát. Anh ta đã nhổ vào mặt người bắt giữ anh ta. Anh muốn chúng tôi làm gì? Nhốt anh ta trong tù 2-3 năm rồi sau đó thả anh ta về với kẻ thù à?”.

Tướng Loan sau này

Loan được gửi sang Úc để chữa trị, nhưng bức ảnh và những bộ phim truyền hình về vụ bắn tù binh đó đã khiến ông ta mang tai tiếng. Ông ta có vẻ là mẫu người tiêu biểu của tất cả cái xấu xa và hèn nhát trong cuộc chiến nói chung và của lực lượng Nam VN nói riêng, và sự phản đối của công chúng đã buộc ông ta phải ra đi. Ông ta được đưa đến bệnh viện Walter Reed Army ở Washington. Cái chân được cưa, nhưng nó không hơn 1 cây sậy. Một thời gian lâu sau khi ông hồi phục, trong khi Thiệu đã củng cố xong quyền lực của mình, Loan và gia đình ông ta sống trong cảnh lưu vong thực sự, trong 1 ngôi nhà ở Virgina, bị CIA giám sát chặt chẽ. Khi cuối cùng ông ta được cho phép trở lại Sài Gòn, thì chỉ để nhận 1 nhiệm vụ vô nghĩa và 1 văn phòng trống không.

Sau này, Thiếu Tướng Loan cùng vợ di tản qua sinh sống tại Hoa Kỳ, mở một quán ăn nhỏ và sống một cuộc sống nghèo khó với chiếc chân tàn tật vì chiến cuộc Mậu Thân. Quán tên là LES TROIS CONTINENTS ở thành phố Springfield, tiểu bang Virginia. Ở đó, ông và gia đình bị người Mỹ sĩ nhục và làm khó khăn rất nhiều. Nhiều người Mỹ hung hăng đã xịt sơn lên tường nhà ông : "Ta đã biết ngươi là ai rồi !".

Sự day dứt của tác giả tấm hình

Sau chiến tranh , khi Tướng Loan qua đời ngày 14-07-1998, chính tác giả tấm hình trên- Eđie Adams -đă khóc :
"Genaral ...tears are in my eyes ..." .
Ông đă viết như thế trên tràng hoa phúng điếu tướng Nguyễn Ngọc Loan .

Bản điếu văn sám hối của Adams được tờ tuần báo TIME đăng tải ngay trong số 27-07-1998. Có đoạn

"Tôi đoạt giải Pulitzer trong năm 1969 nhờ tấm ảnh chụp một người bắn vào một người khác. Trong tấm ảnh đó có đến hai người chết : Người nhận lãnh viên đạn và Tướng Nguyễn Ngọc Loan. Ông Tướng đã giết chết người lính Việt Cộng, nhưng tôi giết ông Tướng bằng cái máy ảnh của tôi. Những tấm ảnh vốn vẫn là những thứ vũ khí kinh khủng trên thế giới. Người ta tin tưởng vào chúng, nhưng những tấm ảnh đó cũng có thể nói láo, thậm chí không cần phải ngụy tạo. Chúng chỉ nói lên được có phân nửa của sự thật. Những gì mà tấm ảnh này chưa nói lên được là : " Người ta sẽ hành động ra sao nếu họ ở vị trí của ông Tướng ở vào cái thời điểm và nơi chốn của một ngày nóng bức, khi người ta vừa bắt được một người mà trước đó đã bắn chết một, hai hay ba người lính Mỹ ?".

Chú ý: Hãng phim Giải Phóng dựa trên tấm ảnh này làm một bộ phim có tiêu đề Từ một tấm ảnh.

Nội dung phim:
Chuyện xảy ra vào năm Mậu Thân - 1968, một chiến sĩ Cách mạng bị đem ra xử tử ngay trên đường phố Sài Gòn. Lúc đầu, người ta cho rằng người chiến sĩ bị ấy là đồng chí Bảy Lốp nhưng sau này, có nguồn tin cho rằng người chiến sĩ ấy không phải là Bảy Lốp mà là Bảy Nà.

Phim muốn chuyển tải đến người xem thông điệp rằng dù chiến sĩ ấy là ai đi chăng nữa đều cũng là những chiến sĩ hy sinh vì Cách mạng mà đặc biệt là những chiến sĩ Biệt động Sài Gòn.

Qua đó ca ngợi lòng dũng cảm, gan dạ sẵn sàng hy sinh của những chiến sĩ Biệt động Sài Gòn nói riêng và Cách mạng nói chung trong công cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước.


Tải về phim tài liệu về anh Bảy Lém



Nguồn: Vnphoto.net
Tự thiêu

Năm 1963, phong trào đấu tranh của Tăng Ni Phật tử chống chính sách phân biệt đối xử tôn giáo hầu như đã lên đến cao trào. Vào mùa Phật Đản năm ấy, ông Diệm lại có chỉ thị cấm treo cờ Phật giáo. Sự đàn áp và bắt bớ Tăng Ni Phật tử diễn ra liên tục từ Huế vào đến Sài Gòn càng làm cho làn sóng biểu tình phản đối dấy lên mạnh mẽ hơn bao giờ. Ngày 11-6, từ tổ đình Phật Bửu Tự (đường Cao Thắng - Sài Gòn), hơn 300 Tăng Ni Phật tử đã biểu tình đi dài đến ngã tư Phan Đình Phùng - Lê Văn Duyệt (nay là Nguyễn Đình Chiểu - Cách Mạng Tháng 8). Tại đây Bồ tát Thích Quảng Đức (TQĐ) đã tự thiêu. Sau khi làm lễ 4 hướng Đông Tây Nam Bắc, Ngài ngồi kiết già, tay bắt ấn Cam Lộ, quay mặt về hướng Tây. Ngài tự đổ xăng lên khắp người và mồi lửa được bật lên.... Các Tăng Ni phong tỏa các ngả đường, cả xe cứu hỏa cũng không vào được. Ngọn lửa cứ bốc cao dần.... một vài người, trong đó có cả phóng viên nước ngoài, Peter Brown (người Mỹ) phóng viên hãng thông tấn UPI chụp được và đưa ra ngay trong năm 63 sau đó đã đoạt giải nhất ảnh báo chí thế giới.



Và đây là bức ảnh của tác giả Nguyễn Văn Thông (Việt Nam)


Nguồn: Vnphoto.net

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019