“Bí sử” về mạng di động đầu tiên Việt Nam

kaxtux
26/5/2009 11:14Phản hồi: 0
“Bí sử” về mạng di động đầu tiên Việt Nam
Ngày này cách đây đúng 16 năm (ngày 16/4/1993), mạng di động đầu tiên của Việt Nam MobiFone chính thức đi vào hoạt động.
MobiFone đã vượt qua các mạng di động khác để giành giải thưởng danh giá nhất - Mạng di động suất sắc nhất năm 2008 - do Bộ TT&TT trao tặng. Ảnh: Thanh Hải



16 năm qua, MobiFone đã vượt qua biết bao khó khăn để giữ vững danh hiệu mạng di động hàng đầu Việt Nam.
Hành trình từ chọn công nghệ


Ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông nhớ lại quãng thời gian từ năm 1991 đến 1993, ở châu Âu đã triển khai công nghệ di động tế bào công nghệ số GSM. Tuy nhiên, ở thời điểm đó công nghệ này còn đang trong quá trình hoàn thiện nên chưa được thương mại hoá rộng rãi.

“Lúc đó, Tổng cục Bưu điện (nay là Bộ TT&TT) đứng trước tình huống nhu cầu thông tin di động đã xuất hiện nhưng lựa chọn công nghệ nào phù hợp với Việt Nam? Thế giới đã đưa vào sử dụng các hệ thống di động tế bào khoảng 20 năm nhưng hầu hết dùng công nghệ analog”, ông Mai Liêm Trực nói.
“Cũng xuất hiện ý kiến đề nghị lựa chọn công nghệ analog cho Việt Nam để đáp ứng nhu cầu của thị trường lúc bấy giờ. Nhưng Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện Đặng Văn Thân và lãnh đạo ngành Bưu chính Viễn thông đã quyết định chọn công nghệ số để thẳng tiến tới công nghệ hiện đại và đồng bộ mạng lưới từ nội hạt, truyền dẫn đều sử dụng công nghệ số. Vì vậy, công nghệ thông tin di động được chọn lựa là công nghệ số GSM”.
“Mặc dù quyết tâm đi theo con đường công nghệ số GSM, song thực tiễn lúc đó rất khó khăn do công nghệ này đang gặp khó khăn trong thương mại hóa, thiết bị đầu cuối chưa hoàn thiện và giá cực kỳ đắt đỏ, tới hàng nghìn USD/chiếc”, ông Mai Liêm Trực nói.
Cũng tại thời điểm đó, có một số ý kiến đề xuất nên chọn công nghệ di động vệ tinh toàn cầu với ưu điểm là đi khắp nơi trên thế giới đều có thể sử dụng được cho dù thiết bị đầu cuối to hơn các công nghệ khác một chút. Thời kỳ này, công nghệ di động vệ tinh được đầu tư mạnh ở Mỹ và châu Âu. Các nhà cung cấp dịch vụ đã bắn khoảng hơn 60 quả vệ tinh tầm thấp (tương tự như trạm phát sóng di động - BTS) lên quỹ đạo vệ tinh cách trái đất khoảng 10.000 km (vệ tinh) để đảm bảo sự chuyển vùng cho các thuê bao di động.
Phải thừa nhận công nghệ di động vệ tinh lúc đó có rất nhiều ưu thế và Tổng cục Bưu điện cũng đã nghiên cứu đến công nghệ này. “Ngoài các yếu tố về thị trường, công nghệ, thiết bị đầu cuối thì vấn đề được đưa ra cân nhắc là nếu chọn mạng GSM, sẽ quản lý tốt hơn là triển khai mạng di động vệ tinh. Vì vậy, quan điểm của Tổng cục Bưu điện là vẫn phải xây dựng mạng di động thông tin mặt đất GSM. Sau này, chính sự thận trọng đã giúp chúng ta tránh được rủi ro khi công nghệ di động vệ tinh thất bại. Trong khi đó, giá thành thiết bị mạng và thiết bị đầu cuối giảm đi rất nhanh nên mạng GSM thương mại hóa và phát triển mạnh trên toàn cầu.Bài học rút ra là không phải vấn đề công nghệ mà chính thị trường sẽ quyết định sự thành công cho nhà khai thác như MobiFone”, ông Mai Liêm Trực cho biết.
Đến chọn đối tác liên doanh

Ngày 16/4/1993, MobiFone - mạng di động đầu tiên của Việt Nam chính thức đi vào hoạt động. Ở thời điểm đó, thông tin di động còn là khái niệm xa lạ với đa số người tiêu dùng. Trong hai năm đầu tiên, MobiFone gặp phải nhiều khó khăn bởi kinh nghiệm xây dựng và khai thác mạng chưa có, cơ sở hạ tầng nghèo nàn. Mạng MobiFone ban đầu chỉ có một tổng đài dung lượng 2.000 số với 7 trạm thu phát sóng (BTS) tại Hà Nội và một tổng đài 6.400 số với 6 trạm BTS tại khu vực phía Nam, phủ sóng 4 địa phương TP. Hồ Chí Minh, Biên Hoà, Long Thành, Vũng Tàu. Ở thời điểm đó số lương thuê bao của mạng di động này không nhiều do vùng phủ sóng hạn chế và giá cước cũng như thiết bị đầu cuối còn đắt.
Ông Mai Liêm Trực cho biết, lúc mới thành lập, MobiFone trực thuộc Tổng cục Bưu điện và nằm ngoài VNPT. Khi thành lập các Tổng công ty 91, Tổng cục Bưu điện chủ trương đưa MobiFone vào VNPT cùng với các công ty trong khối công nghiệp. Từ 1995, khi MobiFone chính thức thành lập Hợp đồng hợp tác kinh doanh với Tập đoàn Comvik (Thụy Điển) để cùng xây dựng và khai thác mạng thông tin di động, mạng này bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Comvik đã chuyển giao kinh nghiệm, kỹ năng quản lý, nguồn vốn... giúp MobiFone khẳng định đẳng cấp trên thị trường.
Ông Lê Ngọc Minh, Giám đốc MobiFone cho biết: Sự hợp tác cùng Kinnevik/Comvik đã mang lại những hiệu quả rõ rệt về các mặt như đóng góp vốn đầu tư thiết bị mạng lưới với công nghệ tiên tiến hiện đại, tham gia đào tạo chuyển giao công nghệ, phát triển nguồn nhân lực cho MobiFone để quản lý và khai thác mạng lưới có hiệu quả, cung cấp những kinh nghiệm quốc tế quý báu về kinh doanh, tiếp thị bán hàng, chăm sóc khách hàng… Đây chính là điều kiện quan trọng để MobiFone khẳng định đẳng cấp của mình trên thị trường di động Việt Nam.
Trở thành “quả đấm thép” của VNPT


Sau MobiFone, VinaPhone cũng được ra đời nhưng chỉ là sự cạnh tranh trong nhà của VNPT. Thị trường di động Việt Nam chỉ cạnh tranh thực sự khi xuất hiện nhân tố mới Viettel Mobile vào tháng 9/2004. lập tức Viettel Mobile được đánh giá là một hiện tượng trên thị trường thông tin di động. Viettel Mobile liên tục là mạng có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất. Trong khi đó, ở thời điểm này, cả MobiFone và VinaPhone lại gặp khó khăn trong đầu tư và bị khống chế giá cước nên sức mạnh đã bị hạn chế rất nhiều. Thậm chí đã có thời điểm cán cân thị trường thông tin di động đã nghiêng mạnh về Viettel Mobile và hơn 3 năm sau khi chính thức cung cấp dịch vụ mạng di động này đã tuyên bố mình là số 1 trên thị trường di động Việt Nam.
Không được hạ giá cước bằng với Viettel để cạnh tranh, MobiFone tập trung mạnh vào nâng cao chất lượng dịch vụ, hướng đến khách hàng cũng như tìm cách tháo gỡ vấn đề đầu tư. MobiFone hạ quyết tâm khẳng định vị trí tiên phong của mình trên thị trường di động Việt Nam. Liên tục trong 2 năm liền vừa qua, MobiFone được Cục quản lý chất lượng CNTT – TT (Bộ Thông tin và Truyền thông) công bố có chất lượng mạng tốt nhất.
Ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng CNTT – TT cho biết, trong quá trình xây dựng tiêu chuẩn chất lượng, Cục cũng như Vụ Khoa học Công nghệ của Bộ và nhiều doanh nghiệp kể cả Tập đoàn Bưu chính Viễn thông VNPT cho rằng các chỉ tiêu đo kiểm chất lượng quá cao nên sẽ không thể đạt được các chỉ tiêu này. VNPT còn khẳng định không thể nào đạt quá 3 điểm chất lượng thoại.
Tuy nhiên, kết quả kiểm cho thấy chất lượng của mạng di động MobiFone đã vượt chỉ tiêu của ngành rất nhiều. Thậm chí, chất lượng thoại của MobiFone đã đạt tới 3,576 điểm - tương đương với chất lượng dịch vụ điện thoại cố định.

Quảng cáo


Hiện MobiFone là mạng di động đầu tiên đưa công nghệ AMR (đa tốc độ tương thích) cho mạng GSM, tốc độ thoại đã nâng lên hẳn. Do vậy, ông Trung cho biết trong thời gian tới, khi Cục tiếp tục hoàn thiện tiêu chuẩn quy định về quản lý nhà nước về chất lượng dịch vụ, sẽ lấy mạng MobiFone làm mạng tham chiếu để chứng thực cho những quy định của Cục là khả thi.
Quyết tâm trở thành mạng 3G lớn nhất Việt Nam

Trong lĩnh vực thông tin di động Việt Nam, MobiFone liên tục giành được nhiều giải thưởng. Đáng kể nhất, MobiFone vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông công nhận là “Mạng di động xuất sắc nhất năm” trong Giải thưởng CNTT-TT Việt Nam 2008 (Vietnam ICT Awards 2008). Đây là giải thưởng cấp quốc gia do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức. Ngoài ra, tại Vietnam ICT Awards 2008, MobiFone còn đoạt luôn giải thưởng phụ, nhưng có ý nghĩa quan trọng đối với bất kỳ mạng di động nào - “Mạng di động chăm sóc khách hàng tốt nhất”.
Ông Lê Ngọc Minh cho biết, năm 2008 đánh dấu là năm thành công của MobiFone. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng thuê bao của MobiFone trong năm 2008 bằng cả 15 năm trước đó cộng lại. Với đà phát triển này, MobiFone đang giữ vị trí là mạng di động dẫn đầu Việt Nam hiện nay. Ông Vũ Tuấn Hùng, Tổng giám đốc VNPT cho biết, hiện MobiFone chỉ chiếm khoảng 4% lao động nhưng đang chiếm tới 50% lợi nhuận của Tập đoàn. Điều này cho thấy MobiFone đang có tầm ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của VNPT.
Mới đây, MobiFone đã trúng tuyển giấy phép triển khai mạng di động băng rộng tốc độ cao 3G. Ngay sau khi trúng tuyển 3G, MobiFone cam kết sẽ tiến hành cung cấp dịch vụ 3G đầu tiên trong vòng 3 tháng sau khi được cấp giấy phép.
Trong vòng một năm kể từ ngày cấp phép, Mobifone sẽ phủ sóng 3G tới 100% đô thị thuộc 63 tỉnh thành trên cả nước, và trong 3 năm sẽ phủ sóng 3G tới 98% dân số. Theo cấp độ ưu tiên giảm dần, Mobifone sẽ tiến hành phủ sóng 3G từ đô thị đông dân, đô thị, ngoại ô, nông thôn và tuyến quốc lộ.
Để tiết kiệm kinh phí đầu tư và đẩy nhanh tiến độ triển khai 3G, trong năm đầu tiên MobiFone sẽ dùng chung 100% cơ sở hạ tầng mạng 2G hiện có như nhà trạm, cột ăng ten, thiết bị truyền dẫn kết nối mạng lõi...
Mobifone cho biết sẽ triển khai 3G trên công nghệ HSPA với tốc độ đường truyền lên tới 7.2Mb, cho phép khách hàng truy cập Internet, thư điện tử, truy cập dịch vụ nội dung nhanh chóng và tiện lợi. Ông Lê Ngọc Minh cho biết, MobiFone quyết tâm đầu tư để trở thành mạng 3G lớn nhất Việt Nam.
Theo ICTnews
Chia sẻ

Xu hướng

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019