Chợ ứng dụng di động: Bánh ngon không dễ nuốt

firefly_shine
4/8/2012 2:26Phản hồi: 2
Chợ ứng dụng di động: Bánh ngon không dễ nuốt

Kho ứng dụng số 1 thế giới hiện nay là Apple Store ra mắt vào ngày 10.7.2008 và tính đến nay có hơn 25 tỉ lượt tải, với doanh thu năm 2010 khoảng 1.8 tỉ USD (năm 2009 là 800 triệu USD). Đó là con số thèm muốn của tất cả những người xây chợ ứng dụng khác.

Từ chợ ứng dụng ngoại…

Trước kia, các hãng điện thoại di động chỉ bán máy. Ngày nay, Apple bán một chiếc iPhone chỉ là bước khởi đầu để sau đó bán tiếp các ứng dụng. Nguồn thu đến từ các ứng dụng giống kiểu thu tiền lẻ, mỗi lần một ít nhưng lâu dài.

Sở dĩ Apple làm được điều này vì họ luôn trau chuốt cho từng sản phẩm: ngoài tính năng tốt, thiết kế của các ứng dụng đều đẹp. Những ứng dụng như thế không chỉ do Apple tạo ra mà có hàng trăm ngàn nhà phát triển (Developer) trên toàn cầu phát triển cùng Apple.

Với những ứng dụng miễn phí thì hiển nhiên Developer đang nghĩ đến mục đích khác: Xây dựng cộng đồng (như Nhaccuatui.com chẳng hạn), bán quảng cáo (Angry Birds), là công cụ để quảng bá, xây dựng hình ảnh doanh nghiệp bên cạnh phiên bản website (QBata, NhomMua)…

Để đưa được ứng dụng lên Apple Store bạn cần vượt qua những điều kiện của Apple và mất 99 USD/năm để duy trì tài khoản, khi bạn cần rút tiền ra thì thẻ tín dụng và Paypal là những giải pháp thông dụng. Tuy nhiên, những chợ như Apple Store, Google Play đều có điều khoản là bạn có tối thiểu 100 USD mới được rút.

Đối với Developer thì việc tất cả các dòng iPhone có chung một kích thước màn hình (3,5 inch, 320 x 460 pixel) là một tiện lợi vì không phải tối ưu giao diện ứng dụng cho quá nhiều kích thước màn hình như Android.

Cái tên đứng số 2 là Google Play (trước kia mang tên Android Market, ra đời ngày 23.10.2008), bạn chỉ mất 25 USD thay vì 99 USD như Apple. Tuy nhiên, phát triển ứng dụng cho Android khá mất công vì mỗi hãng điện thoại di động có nhiều dòng máy với kích thước màn hình khác nhau.

Hiện nay kho của Google có 500.000 ứng dụng và đạt 15 tỉ lượt tải. Xét về tốc độ tăng trưởng, Google Play tăng nhanh hơn Apple Store nhưng chất lượng thì khác. Gần như không cần xét duyệt và nhất là khi cập nhật phiên bản, dẫn đến việc ứng dụng trên đây kém về nội dung lẫn hình thức. Thậm chí tại Việt Nam còn có một số ứng dụng lừa đảo như truyện tranh Conan và một số ứng dụng khác do Công ty Bluesea phát hành (người dùng đọc truyện và bị trừ 15.000 đồng nhưng không hề hay biết).

Một trong những điểm hay của Apple là không cần tìm và tải lại ứng dụng dù có mất máy hay thay máy mới. Khi đăng nhập tài khoản vào máy mới, tất cả ứng dụng lúc trước sẽ tự động ùa về. Tính năng này nay cũng đã có mặt tại các điện thoại sử dụng hệ điều hành Android phiên bản 4.0 trở lên.

Các hãng di động khác đều tìm cách hình thành chợ cho riêng mình. Chẳng hạn các dòng WinPhone có MarketPlace, Nokia có chợ OVI Store... Samsung hơi gây rối một chút vì Android là bàn đạp đưa họ lên vị trí số 1 thay cho Nokia nhưng họ vẫn xây kho ứng dụng Samsung Apps bên cạnh Google Play hay trên các thiết bị bán ra.

… Đến chợ nội

Quảng cáo


Theo xu hướng xây chợ đó, các doanh nghiệp trong nước cũng đang xây chợ. Mstore là cái tên tiên phong và là tài sản của Viettel nhưng chủ yếu là ứng dụng cho Java, thu phí qua SMS. Các ứng dụng tại đây được đánh giá là không có gì đặc sắc. Khi mà trào lưu smartphone tràn lan thì đất cho điện thoại ứng dụng Java không còn nhiều nên Mstore cũng thoái trào dù có nỗ lực đưa thêm ứng dụng cho Android lên đây.

Một kho ứng dụng nội đáng chú ý nữa là Appota do Đỗ Tuấn Anh, một trong những hacker có tiếng, tạo ra. Kho này hoạt động dựa trên những iPhone đã tháo khóa và sau mở rộng ra các nền tảng Android, Java. Mới đây, Appota đã tung ra bộ tích hợp các giải pháp thanh toán: SMS, thẻ cào, Internet banking. Họ cũng ra mắt “tym”, đơn vị tiền ảo của Appota. Ngoài ra, Việt Nam cũng có nhiều chợ khác như ViMarket chuyên dành cho Android, Mspace của Mobifone, Q-store của Qmobile, F-store của Fmobile.

Tuy nhiên, việc xây dựng một chợ ứng dụng nội, về mặt kỹ thuật không hề đơn giản. FPT chuyên gia công phần mềm cho nước ngoài mà vẫn không thể tự viết và phải đi mua chợ F-store từ Trung Quốc.

Nguồn: DigiVision
2 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Appota giành giải dự án đột phá nhất tại Founder Showcase tại moutain View California - Mỹ rồi, chưa được dùng thử nên chưa biết nó "đột phá" đến mức nào? 😁
cái cuộc thi bạn thanhthien.kiss nói là cuộc thi gì thế?

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019