UNICEF công bố giải thưởng Ảnh của năm 2012

levuongthinh
25/12/2012 19:28Phản hồi: 38
UNICEF công bố giải thưởng Ảnh của năm 2012
Children.jpg

Mới đây, Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) đã công bố những tác phẩm nhiếp ảnh đoạt giải Ảnh của năm 2012 do chính cơ quan này tổ chức. Có tất cả 12 bức ảnh được vinh danh, trong đó gồm 8 giải danh dự và 4 giải theo thứ tự từ thứ nhất đến thứ tư. Mỗi bức ảnh là một câu chuyện về cuộc sống còn nhiều khó khăn của trẻ em trên thế giới.
[prebreak][/prebreak]
Giải nhất: Trẻ em giữa những chiến tuyến (Syria). Tác giả: Alessio Romenzi, người Italy.


Cuộc chiến giữa lực lượng đối lập và phe ủng hộ tổng thống Bashar al-Assad đã thực sự rơi vào bế tắc trên khắp đất nước Syria. Và người dân nước này cũng bị kẹt giữa 2 chiến tuyến. Nhưng những đứa trẻ vô tội mới thật sự đáng thương. Trong ảnh, một bé gái ăn mặc rất đẹp đứng trên sàn nhà đầy máu của bệnh viện Al-Shifa, nơi thường xuyên bị tấn công ở Aleppo, vào cuối tháng 09/2012. Xung quanh là những người cầm súng AK, cô bé nắm chặt tay người cha và chờ được chữa trị sau khi bị ngã ở nhà và đau đầu. Bức ảnh của Alessio Romenzi đã thể hiện được sự bế tắc của đất nước Syria, khi ở giữa cô bé là 2 người đàn ông cầm súng, còn nét mặt của cô bé đã thể hiện sự thơ ngây, vô tội của một đứa trẻ.

Giải nhì: Cuộc sống trên dây thừng (Ấn Độ). Tác giả: Abhijit Nandi, người Ấn Độ.



Trong bộ phim Triệu phú ổ chuột (Slumdog Millionaire), chỉ một câu trả lời đúng là có thể đưa một cậu bé từ khu ổ chuột ở Mumbai trở thành triệu phú. Giấc mơ này có vẻ như là ở trong tầm với. Tuy nhiên, đó chỉ là một bộ phim mà thôi.

Sự thật là có đến hơn 70% người dân Ấn Độ sống dưới mức nghèo đói (40% trong số đó là trẻ em), và tất nhiên, họ không thể thay đổi chỉ nhờ vào một trò chơi trên truyền hình. Điều này được thể hiện rõ qua những bức ảnh của nhiếp ảnh gia Ấn Độ Ahbijit Nandi. Anh ta biết rõ tình trạng của trẻ em ở nhiều khu vực của đất nước mình, từ Uttar Pradesh, đến Bihar hay Rajasthan. Trẻ em phải làm việc để kiếm thêm ít tiền cho gia đình. Cha mẹ thì không thể cho con mình đi học cũng chỉ vì khó khăn. Để tồn tại, trẻ em phải làm những việc như bán vé, cưỡi lạc đà, diễn xiếc trên dây thừng, hay phải ăn xin.

Theo ước tính của UNICEF, ở Ấn Độ có hơn 29 triệu trẻ em, từ 5 đến 14 tuổi, đang phải làm việc. Tác giả bức ảnh cũng chỉ ra rằng, việc miễn học phí cũng không thể giúp đưa những đứa trẻ này đến trường.

Giải ba: Ngày tồi tệ nhất trong cuộc đời (Na Uy). Tác giả: Andrea Gjestvang, người Na Uy.


Ngày 22/07/2011, tên sát nhân Anders Breivik đã đánh bom xe ở gần trụ sở chính phủ ở Oslo, Na Uy, giết chết 8 người; và sau đó xả súng giết thêm 69 người khác ở một buổi cắm trại cho thanh niên trên đảo Utoya. Andrea Gjestvang đã đi một vòng đất nước để chụp ảnh 43 trong số 495 người sống sót nhưng phải chịu những vết sẹo và chấn thương cả về thể xác lẫn tinh thần, rất nhiều trong số họ có thể sẽ không bao giờ hồi phục hoàn toàn. Cô đã yêu cầu họ ghi lại những suy nghĩ về chuyện đã xảy ra. Dự án của Andrea có tên là “Một ngày trong lịch sử”. Mục đích của Andrea là tìm hiểu thật rõ về các nạn nhân. Dự án đã cho thấy làm thế nào những bạn trẻ tuổi teen đối đầu với hậu quả của vụ khủng bố đó.

Cecilie, cô gái trong ảnh, đã bị mất một phần cánh tay phải trong vụ khủng bố. Cô và một người bạn đã cố gắng trốn tên sát thủ, cô là người may mắn hơn, bạn cô đã bị giết chết. Có thể đó là số mệnh, vì viên đạn cuối cùng đã dừng lại ở ngay cạnh răng cô ấy. Bất chấp vết thương nặng, cô gái 17 tuổi đã nói với Andrea Gjestvang rằng, giờ đây cô đã nhận ra được giá trị thật sự của sự sống, cô rất trân trọng nó. Nhiều bạn trẻ khác trong vụ khủng bố này cũng có cảm nghĩ tương tự.

Giải tư: Nét đẹp trẻ thơ (Mỹ). Tác giả: Laerke Posselt, người Đan Mạch.

Quảng cáo




Ảnh chụp hai bé gái chỉ mới 2 tuổi được trang điểm, mặc đồ đẹp, vấn tóc giả… chuẩn bị bước ra sàn diễn của một cuộc thi sắc đẹp. Những chương trình truyền hình thực tế về sắc đẹp của trẻ em đang ngày càng phổ biến ở Mỹ và có lượng người xem tăng nhanh. Cha mẹ của bọn trẻ nói rằng những cuộc thi này sẽ làm chúng tự tin hơn, nhưng các nhà phê bình thì là cho rằng đây như là một sự ngược đãi.

Giải danh dự: Sự ám ảnh của cái nghèo (Ấn Độ). Tác giả: Daniel Berehulak, người Australia.


Thật khó tưởng tượng những gì mà trẻ em ở đây phải trải qua: chúng phải làm việc hàng này ở những con kênh có nguy cơ sạt lở. Chúng bất chấp nguy hiểm để mót vài vốc than, đem đi bán kiếm ít tiền cho gia đình. Ấn Độ là một trong những nước có số lao động trẻ em lớn nhất thế giới. Theo tổ chức bảo vệ quyền trẻ em của Ấn Độ hiện tại nước này có tới 70.000 lao động trẻ em. Năm 2006, chính phủ Ấn Độ đã thay đổi luật và cấm tình trạng sử dụng lao động dưới 14 tuổi. Một quyết định khác để khẳng định điều luật này đã được ban hành một lần nữa vào tháng 11/2012. Tuy nhiên, những cậu bé đi nhặt than dường như không có sự lựa chọn nào khác. Công việc này chính là nguồn sống của chúng.

Giải danh dự: Những đứa trẻ bị bỏ ở nhà (CH Moldova). Tác giả: Andrea Diefenbach, người Đức.

Quảng cáo


Chúng phải tự lo cho bản thân và đứa lớn phải chăm sóc em. Một số may mắn hơn khi được sống với ông bà. Gần 1/3 trẻ em ở CH Moldova phải sống không có cha hoặc mẹ. Có khi cả tháng hoặc cả năm chúng không được gặp cha mẹ. Khoản tiền mà cha mẹ chúng kiếm được ở nước ngoài với công việc chăm sóc người già hay là đi thu hoạch mùa vụ không đủ để họ về thăm con. Chúng chỉ có thể liên lạc với Cha mẹ thông qua điện thoại hay là các ứng dụng chat trên máy tính như Skype. Điều này khiến cả bọn trẻ lẫn cha mẹ chúng đều cảm thấy buồn và cô đơn.

Giải danh dự: Chiến tranh bất tận, nạn đói và cái chết (Somali). Tác giả: Hossein Fatemi, người Iran.


Nhiều vùng ở đất nước Somali vẫn đang bị chiếm đóng bởi các băng nhóm, những kẻ hiếu chiến, các phần tử Hồi giáo cực đoan hay cướp biển.

Nhiếp ảnh gia người Iran, Hossein Fatemi, đã cho thấy sự tác động của chiến tranh đối với trẻ em Somali. Anh đã ghi lại cuộc chiến hàng ngày của chúng để tồn tại giữa bạo lực và cái đói. Chúng phải sống trong những khu trại tị nạn và không có bất kỳ một cơ hội nào để mong ngóng một tương lai tốt đẹp hơn – một điều tưởng chừng mà đứa trẻ nào cũng có quyền mơ ước.

Giải danh dự: Trở về với tôn giáo (Chechnya). Tác giả: Diana Markosian, người Nga.


Ngày nay, CH Chechnya là một phần của Liên bang Nga. Trong khi tôn giáo đã bị cấm trong thời kỳ Chechnya còn thuộc Liên bang Xô Viết, thì đến nay dưới thời tổng thống Ramzan Kadyrov, chính quyền Chechnya đang cho khôi phục lại những quy chuẩn đạo đức tôn giáo truyền thống. Tất cả phụ nữ Chechnya phải quấn khăng choàng đầu ở các trường học và các toà nhà của chính phủ. Họ cũng thường xuyên mặc những bộ quần áo có tên Hijab, che toàn bộ cơ thể. Cầu nguyện trở thành một việc phải làm hàng ngày. Quan hệ tình cảm nam nữ cũng được giám sát rất chặt chẽ. Quan hệ tình dục trước hôn nhân bị nghiêm cấm.

Giải danh dự: Thảm hoạ hôm qua, bi kịch hôm nay (Ấn Độ). Tác giả: Alex Masi, người Italy.


Tháng 12/1984, một bồn chứa gas đã phát nổ tại nhà máy sản xuất thuốc trừ sâu Union Carbride do Mỹ làm chủ ở Bhopal, Ấn Độ, làm phát tán hơn 40 tấn khí độ vào không khí. Trước đó, công ty này được cho là đã cắt giảm các tiêu chuẩn an toàn nhằm tiết kiệm chi phí. Hàng ngàn người đã chết sau đêm xảy ra vụ nổ, và có vô số những người khác bị mù mắt, hay tổn thương não, bại liệt, mắc các bệnh về phổi, tim, gan và dạ dày. Không chỉ dừng lại ở đó, hậu quả của vụ nổ còn kéo dài đến cả các thế hệ tiếp theo khi những đứa trẻ ra đời bị dị tật, thiểu năng. Đến ngày nay, khu vực này vẫn còn bị nhiễm độc và chất độc vẫn đang thấm sâu vào đất và nước ở Bhopal.

Giải danh dự: Cơ thể tôi thuộc về chính tôi (Anh). Tác giả: Michelle Sank, người Anh.


Ở độ tuổi nào thì trẻ em được phép – hay là nên cho phép – tự quyết định đối với những gì liên quan đến cơ thể của chúng? Trong ảnh trên là cô bé 17 tuổi, đã sử dụng Botox từ năm 15 tuổi. Trong khi đó một số đứa trẻ khác đã phẫu thuật nâng ngực, hay thậm chí là chuyển giới.

Botox là tên thương hiệu của sản phẩm Botulinum Toxin type A do công ty Allergan (Mỹ) sản xuất. Loại thuốc chống nếp nhăn này có nguồn gốc từ ngoại độc tố do vi khuẩn yếm khí clostridium botulinum sản sinh ra.

Giải danh dự: Những đứa con của phù thuỷ (Ghana). Tác giả: Åsa Sjöström, người Thuỵ Điển.


Một số khu vực ở châu Phi rơi vào tình trạng bế tắc với vòng tròn lẩn quẩn của bạo lực, kết hợp với kinh tế, xã hội và biến đổi môi trường, đã khiến nhiều người dân sợ hãi và căng thẳng. Vì lẽ đó, họ tìm kiếm một lời giải thích cho những thứ mà họ không thể hiểu được, như là nạn mất mùa, gia súc bị đánh cắp, giếng bị cạn nước, bệnh nan y, bất lực, sự giàu đột ngột hay nghèo cùng cực. Và sự mê tín đã dễ dàng đưa ra cho họ câu trả lời: phù thuỷ.

Năm 2001, nhiếp ảnh gia Åsa Sjöström đã gặp một nhóm phụ nữ bị cho là phù thuỷ và phải sống ở một khu lều tạm không có nước và điện ở phía Bắc Ghana. Họ phải bỏ đi vì thường bị bị nguyền rủa, đánh đập và doạ giết. Ngay cả trẻ em cũng bị coi là phù thuỷ.

Giải danh dự: Nghi thức cắt bao quy đầu (Thổ Nhĩ Kỳ). Tác giả: Christian Werner, người Đức.


Hàng năm, khoảng 1,5 triệu cậu bé Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được cắt bao quy đầu để chính thức trở thành thành viên của cộng đồng tôn giáo của chúng. Bên cạnh đám cưới và nhập ngũ, cắt bao quy đầu là sự kiện quan trọng nhất trong cuộc đời của một người đàn ông Thổ Nhĩ Kỳ. Cha mẹ, người thân và bạn bè mất cả tuần để chuẩn bị cho ngày đó. Đứa trẻ sẽ được ăn bận như một hoàng tử. Sau khi hoàn thành nghi thức và thuốc tê mất tác dụng, gương mặt và điệu bộ của các cậu bé thể hiện sự đau đớn.

Trong không khí rộn ràng của mùa Giáng Sinh và chuẩn bị đón chào năm mới, hãy dành ra một chút thinh lặng để cầu chúc cho trẻ em trên toàn thế giới luôn được hồn nhiên và vui vẻ!

38 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Trẻ em không có tội . Tất cả là do người lớn !
@iphonespirit rồi chính trẻ em đó sẽ trở thành người lớn và ... có tội
những bức ảnh về thảm họa hoặc chiến tranh luôn gây cảm xúc mạnh nhất cho mình, cảm ơn đã post những tấm hình đẹp
hình ảnh có ý nghĩa quá
Mong sẽ sớm có những bức ảnh do anh em Tinh Tế chụp về trẻ em Việt Nam được giải. Chúng ta cũng có nhiều điều để nói với thế giới về trẻ em của chúng ta lắm, vui cũng có và buồn cũng nhiều!
@nguyentronghue không có đâu, bởi vì đa phần "họ" khoái chụp ảnh hotgirl, gái đẹp ko ah
Nhớ tết trung thu vừa rồi, đi ra phố lồng đèn mua 2 cái lồng đen cho đứa cháu, nhìn cảnh mấy đứa tạm gọi là hotgirl đi, đứng tạo dáng ỏng ẹo, mấy "chú" cầm Canon, Nikon chụp chụp mà cái con phố thì nhỏ, haizzz, nhìn thấy sao sao ấy.
Bức này sao giải thấp thế nhỉ?

vandatAT
TÍCH CỰC
11 năm
Ở Việt Nam còn nhiều bức ảnh chụp những trẻ em do di chứng chất độc da cam hơn bức ảnh em bé chất độc kia nhiều.
Cuộc đời còn có nhiều nỗi bất hạnh ở đâu đó, chúng ta dù thế nào vẫn còn có hạnh phúc bên gia đình, người thân, bạn bè.
Xin chia sẻ bằng tấm lòng, chứ không biết gì hơn.
NHỚ HỒI ĐÓ MÌNH CŨNG CÓ TẤM HÌNH MÀ ĐÂU MẤT TIU RÔI??/
PS: TẤM Ở DỖNG Á!
Cái nghi thức cắt bao quy đầu có vẻ lạ nhỉ 😁
Nghi Thức "Thiến"....😁
@king_top Cắt bao quy đầu là cắt lớp da bọc ở đầu súng thôi. Thiến thì chết à ^^
like mạnh bài này

Sở trường của châu Âu!
đề tài chụp ảnh rất thú vị,
trungy2k
ĐẠI BÀNG
11 năm
Tớ chưa cắt bao qui đầu không biết có bị sao không 😃
tydusalex
ĐẠI BÀNG
11 năm
@trungy2k có bị hẹp không mà cắt
Oxi
CAO CẤP
11 năm
Những hình ảnh gây ấn tượng mạnh.
nhìn mấy bức mà cảm động quá
Junest
ĐẠI BÀNG
11 năm
k biết làm sao để ảnh của mình được mọi người biết nhỉ ?
cuongcuTKH
ĐẠI BÀNG
11 năm
Thích cái câu cuối cùng của bài viết nhất! Sao ko có cái nào về Việt Nam nhỉ? Hay mình là thiên đường rồi.
@cuongcuTKH Việt Nam! Xếp hạng hạnh phúc nhất thế giới mà ban

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019