Sự rối rắm của các chuẩn Internet of Things và ảnh hưởng đến người dùng

Duy Luân
30/12/2014 0:22Phản hồi: 32
Sự rối rắm của các chuẩn Internet of Things và ảnh hưởng đến người dùng
Internet_of_Things_2.jpg

Trong năm 2014 các sản phẩm dạng Internet of Things (IoT) xuất hiện khá nhiều, nhưng điều đáng chú ý nhất không nằm ở chính các thiết bị mà ở các tiêu chuẩn được xây dựng cho IoT. Có ít nhất 5 nhóm công ty và tổ chức đã công bố các chuẩn IoT mới trong cả năm vừa qua, ngoài ra còn có 1 nhóm khác hồi năm 2013. Điều này càng làm rối rắm thêm một thị trường vốn đã rất rộng và có nhiều phương diện khác nhau.

IoT và sự cần thiết của các chuẩn chung


IoT là thuật ngữ dùng để chỉ các đối tượng có thể được nhận biết (identifiable) cũng như chỉ sự tồn tại của chúng trong một kiến trúc mang tính kết nối. Cụm từ này được đưa ra bởi Kevin Ashton vào năm 1999. Ngày nay, IoT được sử dụng cho các thiết bị trước đây chưa bao giờ được kết nối vào Internet, hoặc nếu có kết nối thì cũng chỉ trong một mạng nội bộ với quy mô giới hạn mà thôi. Bạn có thể tham khảo thêm thông tin ở bài Internet of Things là gì và chúng giúp ích gì cho chúng ta.

Ví dụ đơn giản như sau: chiếc tủ lạnh thông thường của bạn không được kết nối với thiết bị nào khác. Nếu chúng ta muốn ghi lại nhiệt độ ở từng thời điểm của tủ, chúng ta chỉ có cách ghi lại thủ công rồi nhập vào một máy tính hay thiết bị lưu trữ nào đó. Còn muốn thay đổi nhiệt độ từ xa? Xin lỗi không có cách nào cả.


Hay như bóng đèn neon ở nhà chẳng hạn, chúng ta muốn thu thập, điều chỉnh độ sáng của nó thì phải đo thủ công rồi ghi lại. Đi ra ngoài đường và chợt nhớ quên tắt đèn? Bạn chỉ có thể quay xe lại rồi tự tắt chứ chẳng thể làm từ xa. Muốn thu thập thông tin về độ sáng cả nhà để biết xem căn hộ có đủ sáng hay không? Ngoài việc cầm máy đi đo thủ công thì bạn không có nhiều cách khác để làm việc này.

lights_remote_collage.jpg

IoT thì không như thế. Ý tưởng của IoT là giúp cho mọi thiết bị có thể trao đổi thông tin với nhau, thậm chí là tương tác lẫn nhau để tạo ra một môi trường sống có tính tự động hóa cao, con người ít phải làm những việc thủ công hơn. Ngay cả các thiết bị đeo được như smartwatch, vòng tay thông minh,... cũng có thể được xem là một dạng IoT bởi chúng cũng trao đổi thông tin với nhau để làm cuộc sống con người trở nên tốt hơn

Chính vì lý do nói trên mà các sản phẩm IoT từ nhiều nhà sản xuất khác nhau sẽ phải cùng “nói” chung một thứ ngôn ngữ, nếu không chúng sẽ không thể hiểu được nhau. Mà không hiểu được thì làm sao có thể trao đổi thông tin và kết nối?

Nếu không có những quy chuẩn chung được đặt ra cho IoT, các sản phẩm dành cho ngôi nhà thông minh, nhà máy thông minh hay thành phố thông minh sẽ chỉ được cung cấp với số lượng hạn chế. Trong bối cảnh đó thì chi phí sẽ tăng cao và hiệu quả mang lại không ấn tượng. Đối với người tiêu dùng bình thường thì mọi chuyện càng tệ hơn khi họ buộc phải sử dụng thiết bị IoT từ một nhà cung cấp mà thôi, nếu mua từ hãng khác thì máy móc sẽ bị cô lập với phần còn lại của ngôi nhà.

Thế là các hãng mới bắt tay nhau để tạo ra những chuẩn chung cho IoT. Họ không muốn đợi các tổ chức chính quy phát triển nên những chuẩn này (tương tự như tổ chức IEEE đưa ra chuẩn 802.11 dành cho mạng không dây mà chúng ta đang sử dụng hiện nay), thay vào đó các công ty tự làm với nhau để mọi thứ diễn ra nhanh chóng hơn.

Vấn đề là không chỉ có một nhóm được thành lập. Một số hãng bắt tay nhau để tạo ra nhóm A, trong khi một vài công ty khác thì tạo ra nhóm B với cùng mục đích như A. Thế nên, dù được gọi là “chuẩn” nhưng IoT hiện nay cũng có đến 4-5 chuẩn khác nhau. Nhà phân tích Patrick Moorhead of Moor Insights & Strategy dự đoán rằng phải đến năm 2017 thì một chuẩn chung thật sự mới xuất hiện cho thị trường này.

Các tổ chức quy chuẩn Internet of Things lớn hiện nay

Quảng cáo


AllSeen Alliance

Liên minh này được thành lập vào tháng 12/2013 với sự tham gia của LG, Panasonic, Sharp, Silicon Image, TP-Link, HTC, Qualcomm và hiện đã có hơn 100 thành viên. Được dẫn đầu bởi Hiệp hội Linux, liên minh này sẽ nhắm đến việc xóa bỏ những rào cản cũng như thúc đẩy sự sáng tạo trong việc phát triển Internet of Things (IoT, tức các đồ gia dụng, công cụ sản xuất có kết nối mạng để quản lí và/hoặc thu thập dữ liệu). Hiệp hội Linux nói rằng sự hiện diện của AllSeen Alliance là cần thiết bởi không một công ty riêng lẻ nào có khả năng đáp ứng lại tất cả những tình huống sử dụng IoT trong cuộc sống thường ngày, cả trong mảng sản phẩm tiêu dùng lẫn sản phẩm dành cho doanh nghiệp.

allseen-alliance-logo.jpg

Các thành viên của liên minh sẽ đóng góp nguồn lực về phần mềm cũng như kĩ thuật để "cùng thiết lập một bộ khung mã nguồn mở cho phép các hãng sản xuất phần cứng, nhà cung cấp dịch và nhà phát triển phần mềm tạo ra những thiết bị và dịch vụ có tính tương thích với nhau". Bộ khung này được xây dựng dựa trên dự án nguồn mở AllJoyn do Qualcomm khởi xướng cách đây ít đâu. Các sản phẩm IoT, ứng dụng, dịch vụ tạo bằng AllJoyn có thể liên lạc với nhau thông qua nhiều kết nối: Wi-Fi, Ethernet, thậm chí là cả đường dây điện. AllJoyn không đòi hỏi hệ điều hành phải giống nhau (Linux, Android, iOS, Windows hay các loại OS nhúng đều được), cũng không bắt buộc các máy móc phải kết nối vào Internet bởi chúng có thể liên lạc ở cấp độ ngang hàng (ad-hoc).

Open Internet Consortium (OIC)


OIC ra đời vào tháng 7/2014 và được “chống lưng” bởi Samsung, Intel, Dell cùng nhiều công ty nhỏ hơn. Gary Martz, một quản lý sản phẩm của Intel, cho biết OIC sẽ tạo ra các tiêu chuẩn xoay quanh việc "giao tiếp, khám phá và chứng thực thiết bị" dựa trên nhiều kết nối khác nhau, trong đó bao gồm Wi-Fi, Bluetooth và cả NFC. OIC cho biết nền tảng phần mềm mã nguồn mở của họ sẽ ra mắt vào cuối năm nay để thúc đẩy sử dụng phát của thiết bị IoT. Ngoài ba công ty trên, OIC còn có sự góp mặt của Atmel, Broadcom và Wind River. Cấu hình của OIC sẽ được ra mắt vào đầu năm 2015, còn sản phẩm thương mại sẽ xuất hiện vào cuối năm sau.

OIC.png

Quảng cáo


Điểm đánh chú ý đó là cả AllSeen và OIC đều đang cố gắng tạo ra những nền tảng mở phục vụ cho việc kết nối các thiết bị Internet of Things, nhưng riêng với AllSeen thì họ phát triển dựa trên nền tảng AllJoyn có sẵn của Qualcomm. Gary Martz thậm chí còn chia sẻ thêm là OIC sẽ tập trung vào những lĩnh vực mà Liên minh AllSeen không chú trọng, ví dụ như bảo mật và một vài thứ khác.

Thread Group

Được thành lập bởi ARM, Samsung và Nest Labs (hiện đã về tay Google), Thread nhắm đến việc sử dụng giao thức mạng dạng mesh để các thiết bị IoT có thể kết nối không chỉ với một hai máy xung quanh mà với nhiều thiết bị cùng lúc. Tiêu chuẩn của Thread còn tập trung vào việc giảm lượng điện tiêu thụ của sản phẩm IoT, đồng thời sử dụng một loại chip mạng hiện có trên thị trường để cấp địa chỉ IPv6 cho các thiết bị.

threadgroup.jpg

Hiện tại bộ quy chuẩn của Thread chỉ nói về việc kết nối mạng, chính vì thế chúng ta có thể xem như đây là một hạ tầng để IoT hoạt động chứ không đi sâu hơn vào phần cứng như AllSeen hay OIC. Chủ tịch Chris Boross của nhóm cũng nhận xét rằng các tiêu chuẩn cấp cao hơn (là AllSeen và OIC) hoàn toàn có thể được dùng trong sản phẩm tương thích với Thread (hãy liên hệ đến smartphone, dù chạy iOS hay Android thì vẫn dùng chung chuẩn Wi-Fi như nhau).

Tổ chức này được thành lập vào tháng 7/2014 và hiện có hơn 50 thành viên. Họ dự tính sẽ bắt đầu cấp chứng chỉ cho các thiết bị Thread trong nửa đầu năm 2015.

Industrial Internet Consortium (IIC)


General Electric, Cisco Systems, IBM, Intel và nhà mạng AT&T đã ra tuyên bố thành lập IIC vào tháng 3 năm 2014. Tuy nhiên, IIC đánh mạnh vào mảng thiết bị IoT dùng cho doanh nghiệp chứ không phải là trong các ngôi nhà của người tiêu dùng phổ thông. Hãy tưởng tượng đến các cảm biến, các hệ thống máy móc tự động cũng như dàn bóng đèn, quạt tản nhiệt được dùng trong các nhà máy chẳng hạn. IIC cho biết bản thân họ sẽ không đưa ra các tiêu chuẩn cho IoT, thay vào đó sẽ cùng làm việc với các tổ chức chính quy nhằm đảm bảo rằng thiết bị IoT sẽ hoạt động tốt ở mọi phân khúc thị trường.
IIC.png

Nhóm cũng muốn cải thiện việc giao tiếp giữa các máy móc công nghiệp vốn đã cũ kĩ trong thời buổi hiện nay bằng cách đưa ra các thiết kế tham chiếu cũng như tạo ra những phương pháp thử nghiệm khác nhau. Hiện tại IIC có hơn 100 thành viên và mới đây có thêm sự tham gia của Microsoft, Samsung, Huawei.

IEEE P2413


Viện kĩ thuật điện điện tử (IEEE) là một trong những cơ quan chính quy có nhiệm vụ đề ra các tiêu chuẩn quan trọng trong thế giới công nghệ hiện nay, điển hình như kết nối không dây. IEEE cũng chính là đơn vị bị các công ty thương mại cho rằng quá chậm chạp trong việc đưa ra tiêu chuẩn cho IoT. Hiện nay IEEE đã thành lập nên các nhóm thành viên để làm việc với phần còn lại của thị trường Internet of Things. Họ tổ chức cuộc họp đầu tiên của mình vào tháng 7 năm 2014 với sự có mặt của 23 nhà sản xuất cũng như tổ chức có liên quan, và nếu mọi chuyện suôn sẻ thì đến năm 2016 một bộ chuẩn chung của IEEE sẽ được ban hành.

IEEE_logo.jpg

Còn trong thời điểm hiện tại, IEEE đã bắt tay vào xây dựng bản nháp đặc tả kĩ thuật đầu tiên, và sẽ cần khoảng 1 năm nữa trước khi nó được công bố ra thế giới. Song song đó, viện sẽ thiết lập thêm mối quan hệ với nhiều đơn vị hoạt động ở mảng IoT.

Internet of Things - một nơi đông đúc


Ở trên là 5 tiêu chuẩn IoT lớn, ngoài ra còn có thêm oneM2M, ISA100 và hàng tá những tiêu chuẩn khác đang ngày càng xuất hiện nhiều hơn bởi các đơn vị, công ty nhỏ hơn. Tuy nhiên, không phải tất cả các chuẩn này đều dùng để giải quyết cùng một vấn đề, một số chuẩn được xây dựng để bổ trợ cho một chuẩn khác. Chúng ta có thể thấy rằng AllSeen, OIC và IIC thì đang cạnh tranh với nhau, trong khi Thread có thể được dùng như một nền tảng chung cả ba chuẩn này.

Thế nhưng tình hình cũng sẽ không khá hơn trong năm 2015 khi mà phần lớn hãng vẫn chưa tìm được một tiếng nói chung cho các thiết bị IoT. James Brehm, nhà phân tích, người sáng lập ra công ty tư vấn James Brehm & Associates, cho biết rằng những nỗ lực nói trên chỉ mới là những bước đi đầu tiên trong chiến lược dài hơi của các công ty công nghệ. “Chúng ta cần có những cuộc đối thoại, nhưng chúng ta vẫn chưa sẵn sàng”. Ngay cả thành viên trong cùng một nhóm quy chuẩn đôi khi vẫn còn xung đột lợi ích và chiến lược với nhau cơ mà.

Ảnh hưởng đến người dùng


Có nhiều quy chuẩn như thế không chỉ khiến các công ty bất đồng mà việc này còn ảnh hưởng sâu sắc đến người tiêu dùng và các khách hàng đang muốn đưa IoT vào cuộc sống hay vào việc kinh doanh. Việc có đến cả chục tiêu chuẩn sẽ khiến người dùng bị rối, họ không biết nên lựa chuẩn nào để còn được hỗ trợ dài lâu về sau, đồng thời có nhiều mặt hàng IoT để lựa chọn. Nếu lựa chọn sai, một chuẩn nào đó có thể sẽ bị biến mất khỏi thị trường và khi đó người dùng sẽ bị cô lập bởi các thiết bị của họ giờ đây chỉ có thể nói chuyện lòng vòng trong nhà, hệ thống thì không thể được mở rộng bằng các sản phẩm mới. Khách hàng doanh nghiệp thì lo lắng về khoảng tiền đầu tư của mình cho IoT và họ gặp nhiều khó khăn khi muốn triển khai công nghệ này cho mình.

Nói cách khác, việc có quá nhiều chuẩn IoT sẽ khiến thị trường bị trì trệ chứ không phải đi nhanh hơn như mong muốn của các nhà sản xuất. Nhưng song song đó, chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng sẽ không có một chuẩn chung nào thống thị IoT, cũng như việc thị trường smartphone không chỉ có mỗi Android mà còn có iOS, Windows Phone, BlackBerry.

IoT.png

Đó cũng là nhận định của nhà phân tích Andy Castonguay đến từ Machina Research. “Thị trường này là một trong những thị trường bị phân mảnh nặng nề và điều đó gia tăng gánh nặng cho việc phát triển một giao diện duy nhất để mọi thiết bị có thể nói chuyện với nhau”. Thế nhưng, Castonguay vẫn kỳ vọng rằng các hãng sẽ ngồi lại để bằng cách nào đó giúp các chuẩn IoT khác nhau có thể giao tiếp lẫn nhau, ít nhất là ở một mức độ nhất định.

Cũng có một viễn cảnh tốt hơn: hai nhóm quy chuẩn IoT nhận ra rằng họ có thể có được thị phần lớn hơn nếu sản phẩm của họ tương thích lẫn nhau, thế nên họ hợp nhất lại làm một. Dần dần nhiều công ty sẽ nhận ra lợi ích của việc đó, và thế là họ hỗ trợ nhiều hơn một chuẩn trên thiết bị của mình. Trong dài hạn, rất có thể họ sẽ cùng nhau phát triển một giao thức chung cho cả ngành công nghiệp Internet of Things. Kết hợp với các cơ quan chính quy, dần dần những chuẩn được ứng dụng rộng rãi sẽ hình thành trong khoảng năm 2017, 2018.

Để biết được tiêu chuẩn nào sẽ phát triển mạnh hơn, chúng ta có thể nhìn vào quy mô, kích thước và tầm ảnh hưởng của các công ty đứng phía sau. Ví dụ, Samsung, Intel, Microsoft có sức ảnh hưởng lớn, có nguồn lực và nhiều tiền, thế nên những tiêu chuẩn được họ tham gia phát triển sẽ đi xa và nhanh hơn. Nhưng rồi cuối cùng, người dùng sẽ là những người quyết định xem chuẩn nào có thể tồn tại, chuẩn nào sẽ phải khăn gói ra đi. Lợi ích của bên nào mang lại nhiều hơn, giá thành tốt hơn và được hỗ trợ rộng rãi sẽ khiến người ta chịu chi tiền cho bên đó.

Tham khảo: PCWorld
32 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

binhtam
TÍCH CỰC
9 năm
Thế thì bọn Bkav dùng chuẩn gì nhỉ
sangle37
ĐẠI BÀNG
9 năm
@Surface Ông này 1 là làm BKAV, 2 là thanh niên nghiêm túc. Mấy bác kia nói đùa thế mà cũng vặn vẹo ;)
@quocphu67 E nghĩ bác ấy đang troll bằng cách "nghiêm túc"😁
@quocphu67 Toll là gì hở bác

Sent from my ChromeOS using Surfforum
@sangle37 Mình ko bao giờ thèm làm ở bkva vì mình thấy sản phẩm của họ chưa tốt

Sent from my ChromeOS using Surfforum
chuẩn BKAV :v, nghe nói chuẩn này đi trước thế giới 10 năm
abgnac
TÍCH CỰC
9 năm
@Mai Nhựt Tân hình như có mùi thuốc nổ
sau bkav tất :p
Tự triển khai một chuẩn tổng quát thì mới khó, chứ triển khai vào một mô hình thực tế như BKAV SmartHome thì dễ hơn nhiều
Ai cũng muốn thành chuẩn hết. Vì khi đã là chuẩn, người khác muốn xài phải trả tiền. Nếu cả TG đều xài => doanh nghiệp nắm chuẩn sẽ cực kỳ lợi nhuận. Mấy cty Mỹ đang đi đầu về CNTT, nếu TQ hay châu Âu ko tìm cách có chỗ đứng thì sau này sẽ thấy doanh nghiệp của họ phải trả tiền cho Mỹ để sản xuất đồ tương thích chuẩn.
BKAV luôn dẫn đầu và đi trước thế giới mà, có điều mấy thằng khi mà đã đứng đầu thì thường hơi kiêu căng nên Bkav có thềm công bố chuẩn của mình đâu.Họ cứ tự cho mình bỏ xa thế giới đến 9 10 năm lận, nghe cứ như chuẩn TNT-Chuẩn nổ @@ 😁:D:D
phantom213
ĐẠI BÀNG
9 năm
cuối cùng thì vẫn phải chờ IEEE thôi. Bkav cũng toàn xài zigbee voi wifi cái này IEEE đã công bố từ lâu tụi sinh viên đại học làm đồ án đầy ra. Các hiệp hội kia cũng vậy tạo ra chuẩn chung cũng dựa theo các chuẩn của IEEE cả
TuanHA@TT
ĐẠI BÀNG
9 năm
Đang xây nhà, tới phần tự động hóa tìm hiểu thì mới thấy chuẩn đúng là rối như canh hẹ.

Cuối cùng em chọn chuẩn Z-Wave vì đang được nhiều hãng ủng hộ nhất.

Đây là những gì có thể làm được với chuẩn Z-Wave trong lĩnh vực nhà thông minh.



PS: BKAV chém tơi bời nhưng thực ra là dùng chuẩn ZigBee, vừa đắt vừa không có khả năng tương thích mở rộng. Cả bộ Z-Wave em mua với đủ loại sensor, lock, ip camera... chưa hết $5k, ông BKAV mới có mấy cái cơ bản mà đòi giá $15k, Smarthome của BKAV đúng là chỉ nổ và lùa gà thôi.

Xin hết 😁
@TuanHA@TT Fibarovn.com có bán hàg này tại Việ Nam nha bạn
Nhà bác đang bị nhiễm virus nên ko bật đèn đc nhé, mời bác mua phần mềm diệt chỉ 1tr đồng.
và thế là thế giới của watch dog bắt đầu, 1 hacker chỉ cần 1 smart phone là có thể hack anytime any where
vodanh1989
ĐẠI BÀNG
9 năm
Bkav sử dụng Zigbee. Zigbee dựa trên chuẩn IEEE 802.15.4. IEEE 802.xx là chuẩn cho các mạng WIFI, nên cơ bản ko khác nhau nhiều. có điều Zigbee đc phát triển lại để sử dụng ít năng lượng thích hợp cho các thiết bị nhỏ như cảm biến hay thiết bị ngoài trời sử dụng solar.
Zigbee đc phát triển và sử dụng chủ yéu ở châu âu. Đc hỗ trợ chính của Bosch, ngoài ra còn có samsung, lg, phillip, ... Philip Hue cũng sử dụng Zigbee. Đa số sản phẩm Smarthome đều sử dụng Zigbee.
Zigbee chỉ là chuẩn truyền tín hiệu như Wifi hay Bluetooth thôi. Mỗi thiết bị Zigbee đếu có ID riêng như Mac address. Những sản phẩm sử dụng Zigbee ko hẳn là sẽ kết nối đc với nhau, vì mỗi nhà sản xuất thường tự phát triển giao tiếp riêng của họ (gọi là protocol). Sản phẩm dùng chung protocol mới giao tiếp đc với nhau. cụ thể bkav dùng prptocol nào thì mình ko biết. thường nhà sản xuất cũng ko công bố thông tin này vì lý do bảo mật. Nếu biết protocol của 1 hệ thống thì chỉ cần mua 1 bộ thu phát sử dụng cùng công nghệ rồi bắt tín hiệu là sẽ nhanh giải mã đc thôi.
Để phát triển 1 protocol chung thì rất khó vì mỗi sản phẩm hỗ trợ tính năng riêng, cần datagram riêng. Nó ko fải nhưng Wifi, Bluetooth, chỉ là gửi dữ liệu. mà ở IoT cần phải hiểu dữ liệu có ý nghĩa gì (chẳng hạn tắt đẹèn nào hay bật máy giặt nào)
Lâu rồi ko viết tiếng việt nên viết hơi rối ae thông cảm.
Hiện giờ IoT phát triển nhanh, nhưng thực sự sức mua chưa cao, (có thể gọi là giai đoạn đầu) nên nhà sản xuất nào cũng chỉ muốn làm cho sản phẩm mình tốt hơn, giết chết đối thủ. Vì vậy chuyện ngồi lại với nhau khá khó. Chỉ có sau này khi có nhiều người dùng thì họ mới nghĩ đến làm sao để thiết bị của họ tương thích với sản phẩm khác.

Còn Bkav nói đi trước các nhà sản xuất khác 10 năm cũng ko fải là nói quá, mà là siêu xạo. Làm như dân Việt Nam mù chữ ko bằng. Mấy cái thiết bị Zigbee hay Smarthome kiểu như của Bkav ở nước ngoài bán đầy, giá có khi còn rẻ hơn. Nghe nói full bộ cho 1 ngôi nhà của Bakv khoảng 200 chai. tương đương 10k $. Tui bên đây trang bị full cho nhà 3 phòng ngủ hết cỡ 5k thôi. Chất lượng thì chưa test ko so sánh đc. Tui ghét Bakv ở chỗ, hàng anh marketing thì nói tốt thôi đc rồi. Toàn nói những chuyện ko có thật
TuanHA@TT
ĐẠI BÀNG
9 năm
@vodanh1989 Bác này nói chuẩn nhất này.

Em cũng tìm hiểu mãi rồi quyết định chơi Z-Wave (tương tự ZigBee nhưng có tính mở rộng hơn)

Chơi với BKAV nếu bạn muốn mua thêm tính năng ổ khoá thông minh chẳng hạn, chỉ có cách ngồi chờ BKAV sản xuất (chả biết bao giờ mới có), lắp của hãng khác nó không chạy.

Chơi với Z-Wave, bạn có thể mua controller của Fibaro, khoá của Schalge, IP Camera của Swann... lắp chung nhau chạy vèo vèo 😁
helizus
ĐẠI BÀNG
9 năm
Mồi ngon cho hacker với mấy ông NSA. Mấy dạng ứng dụng công nghiệp phục vụ cho một số nhỏ đối tượng này rất có khả năng chứa rất nhiều lỗ hổng bảo mật.
elyhappy
ĐẠI BÀNG
9 năm
Bác Duy Luân dịch e chả hiểu,đọc nôm na dịch theo tiếng Việt tóm tắt thôi.Dịch rối như thế IoT rối là phải,VN có làm được gì đâu.Toàn mắc căn bệnh thành tích và thích nổi,ví như cái điện thoại bom tấn của thế giới BKAV đóng hộp ư bí mật.Sản xuất tý là đội giá chả trách hàng Tàu tràn vào,bóng đá ư truyền hình báo chí nổ như sấm,béo cho ông chủ tịch rồi chìm lại hy vọng chán sự viển vông về cách làm của mấy nhà sx VN rồi.Ai giúp tôi chỉ tên nhà sx nào,cty nào bán sản phẩm được công nhận
longprof
TÍCH CỰC
9 năm
Theo quan điểm của tôi thì IoT hay bất kỳ một hệ thống tiêu chuẩn nào có kết nối internet thì điểm quan trọng nhất vẫn là tính bảo mật. Phát triển một hệ thống kết nối đa hình với công nghệ hiện tại không phải là điều khó, tuy nhiên để bảo đảm bảo độ an toàn dữ liệu thì lại không phải điều đơn giản. Tuy nhiên tôi chưa thấy (hoặc chưa tìm thấy) vấn đề này được đề cập cụ thể trong các dự án IoT

Thêm nữa, các chuẩn được đưa ra cũng với một mục đích chung là tạo nền tảng cho các nhà phát triển xây dựng ứng dụng cũng như đóng góp các bản vá bảo mật. Tuy nhiên người dùng cuối sẽ gặp khó khăn khi phải lựa chọn cho mình một trong số nhiều chuẩn hiện tại, vì để đánh giá chuẩn nào đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dùng thì cần một khoảng thời gian không ngắn. Đó cũng đơn giản là một thách thức với các nhà phát triển chuẩn hiện tại.
Trong tương lai, mình hi vọng có 1 bộ chuyển đổi nào đó giữa phích cắm các thiết bị như tủ lạnh, điều hòa để giúp việc đóng, cắt dễ dàng hơn. Còn việc điều chỉnh nhiệt độ tủ, thì chưa rõ các hãng sẽ làm như nào cho tiện, nếu phải thay thế toàn bộ sang thiết bị smart thì lại là vấn đề lớn với thị trường.

Như vậy là vẫn chưa tìm ra được tiếng nói chung, người anh cả trong lĩnh vực IOT. Việc này không dễ dàng gì, đơn giản như chuẩn sạc micro-USB tới gần đây các hãng mới thống nhất 1 chân sạc đó, nhưng Apple vẫn sử dụng chuẩn sạc riêng.

Mình muốn ngôi nhà mình ở, các thiết bị trong nhà được quản lý dễ dàng (giống giải pháp của Smarthome – BKAV) nhưng việc quản lý thiết bị, lập trình Logic do chính mình tự phát triển.
Trong tương lai, mình hi vọng có 1 bộ chuyển đổi nào đó giữa phích cắm các thiết bị như tủ lạnh, điều hòa để giúp việc đóng, cắt dễ dàng hơn. Còn việc điều chỉnh nhiệt độ tủ, thì chưa rõ các hãng sẽ làm như nào cho tiện, nếu phải thay thế toàn bộ sang thiết bị smart thì lại là vấn đề lớn với thị trường.

Như vậy là vẫn chưa tìm ra được tiếng nói chung, người anh cả trong lĩnh vực IOT. Việc này không dễ dàng gì, đơn giản như chuẩn sạc micro-USB tới gần đây các hãng mới thống nhất 1 chân sạc đó, nhưng Apple vẫn sử dụng chuẩn sạc riêng.


Mình muốn ngôi nhà mình ở, các thiết bị trong nhà được quản lý dễ dàng (giống giải pháp của Smarthome – BKAV) nhưng việc quản lý thiết bị, lập trình Logic do chính mình tự phát triển.

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019