[Ảnh bộ điện thoại] Chuyện cái Chợ qua 3 thế hệ : Không chỉ là chuyện cân thịt, bó rau

Hằng YOLO
18/8/2015 16:31Phản hồi: 125
[Ảnh bộ điện thoại] Chuyện cái Chợ qua 3 thế hệ : Không chỉ là chuyện cân thịt, bó rau

2015-08-18_03-58-18.jpg
1952 - 2015
Không biết tự bao giờ, chuyện đi chợ là chuyện dành cho các bà các cô như luật bất thành văn. Nhà mình cũng không ngoại lệ. Mẹ cũng từng là đứa trẻ được bế trên tay bà ra chợ. Mình là đứa trẻ được bế trên tay mẹ. Và bây giờ thì tới lượt mình tự đi. Cái chợ ấy - chợ Nguyễn Tri Phương quận 10 hình thành từ 1952. Chợ giáp bốn mặt đường là Nguyễn Lâm - Nhật Tảo - Ngô Quyền - Bà Hạt. Xung quanh là khu vực trường học từ trường mẫu giáo, trường tiểu học Dương Minh Châu đến THCS Nguyễn Văn Tố, THCS Nguyễn Tri Phương. Mình ở quận khác - phải xin học trái tuyến để tiện đường mẹ đưa đến trường rồi ra chợ luôn. Vì chợ ấy vốn gần nhà nhất. Học trường gần chợ vui lắm các bạn à. Cứ mỗi lần ra chợ là đụng mặt bạn học cùng lớp. Vì bạn bè có hộ khẩu quanh quẩn bốn phía của chợ. Thấy nhau là gọi nhau í ới. Cả cô giáo mình cũng xách giỏ đi cùng một chợ nữa!

IMG_20150818_172624-01-01.jpeg
Người qua kẻ lại.
Đầu tiên nếu bạn thả bộ từ hướng đường Nguyễn Lâm vào chợ sẽ gặp quán hủ tíu Bà Tư. Cảm nhận theo khẩu vị cá nhân mình thì mình thấy ăn cũng được. Giá cả bình dân. Nhưng có điều là những người xa quê hương ở khu vực này từ thập niên 70 rồi 10, 20 năm, đến 30, 40 năm sau mỗi khi về nước là họ lại có dịp ghé quán ăn điểm tâm và hỏi thăm các chị em bà Tư. Mình đi chợ ngang qua hơn 20 năm chứng kiến quán thay đổi từ bàn ghế gỗ sang bàn ghế inox những năm gần đây. Nhà thì song cửa vẫn thế. Tương tự các hẻm bán chè, bột chiên , bún riêu tôm khô...cũng lâu đời và quen thuộc không kém.
2015-08-18_03-58-24.jpg
Hủ tíu bà Tư.

Cạnh đó là nhà của bà giáo dạy ngoại ngữ. Nghe mọi người bảo là bà dạy rất nhanh tiếp thu và đông học trò. Năm mình học lớp Sáu thì thấy tóc bà hoa râm rồi.
2015-08-18_03-58-34.jpg
Nhà bà giáo Anh Văn.

Đi lên một chút gần chợ hơn sẽ gặp lò bánh mì Quê Hương. Ở đây, lò sản xuất tại chỗ và bán bánh mì đặc ruột. Nếu quen ăn thì sẽ khó thích bánh mì giòn , rỗng ruột như các tiệm bán bánh mì dồn thịt. Hồi bé, mình rất thích móc ruột bánh mì trắng tươi mà ăn. Mỗi sáng thường là đứng xếp hàng đợi mua. Sẽ được thấy cảnh người thợ trực tiếp nắn bột hình con sâu. Các anh thợ dùng một khúc kẽm rạch bụng con sâu bột ấy tạo rãnh , vẽ thêm 2 cái " đuôi heo " xoắn tít. Mọi thao tác nhanh thoăn thoắt, thuần nhịp để cho ra lò một khay bánh mì đặc ruột nóng hổi, thơm phức. Hai cô con gái của ông chủ lò khi ấy rất xinh đẹp. Giờ đã tầm bốn mươi và yên bề gia thất. Nhà khi ấy vừa là nơi ở, vừa là lò nung nên đen nhẻm. Giờ nhà đã lên lầu khang trang , sạch đẹp.
2015-08-18_03-58-42.jpg
Lò bánh mì Quê Hương.
Những quầy bán vé số và bảng kết quả viết phấn. Chữ to, rõ ràng. Hy vọng và may mắn đâu chỉ dành riêng quý ông.
2015-08-18_04-40-44.jpg
Kết quả của hy vọng.

2015-08-18_04-40-59.jpg

2015-08-18_03-58-57.jpg
Những người thợ sửa quần áo - đóng giày và khách hàng của mình.

2015-08-18_03-59-26.jpg

Quảng cáo


Ông thợ sửa giày ,dây kéo người Hoa lâu năm bên cửa chợ đường Bà Hạt.

2015-08-18_04-41-04.jpg
Một cậu bé theo mẹ đi chợ sớm.

IMG_20150819_014441.jpg
Cửa chính của chợ.
Trước mặt tiền chính của chợ Nguyễn Tri Phương là một bùng binh, bên trong đó là tượng đài vua Quang Trung.
Nửa bùng binh hướng Nguyễn Lâm là bãi chờ khách của các chú xe ôm, xe xích lô. Xe xích lô ở đây rất nhiều. Là mối quen của một chú chạy xích lô - chú tâm sự : đạp bằng sức người cực quá. Giá cả cũng ngang nhau một cuốc. Chú góp tiền sắm xe máy, chuyển sang chạy xe ôm cho khỏe chân. Rồi ế khách hơn hồi đạp xích lô. Mình rất thông cảm cho chú. Dù thật tình cũng thích ngồi xích lô chầm chậm về nhà có cảm giác thư thái riêng.
2015-08-18_03-59-08.jpg
Nửa bùng binh trái.

Quảng cáo


2015-08-18_04-41-09.jpg
Xích lô ở chợ NTP.
Nửa bùng binh hướng Bà Hạt là bãi các ông đậu xe chờ các bà đi chợ về. Mua một tờ báo giấy đọc giải khuây hoặc bắt chuyện với ông chồng khác. Trong mắt mình, cũng là một kiểu hạnh phúc gia đình tuổi trung niên. Đi chợ một mình thì gửi xe.
2015-08-18_03-59-10.jpg
Nửa bùng binh phải.

2015-08-18_03-59-23.jpg
Sạp báo giấy đường Bà Hạt.


2015-08-18_04-41-32.jpg
Chị bán vé số ngồi thơ thẩn ngay bùng binh.
Thường xuyên chợ có cảnh hai, ba bà tụm lại hỏi thăm nhau thế này. Hồi bé, mình đi theo mẹ đứng chờ người lớn nói xong câu chuyện mà phát chán, mỏi cả chân. " Tám" nhiều chuyện nhà quá không tốt. Nhưng khi mà người ta đụng mặt nhau, lạnh lùng lướt qua nhau, không chào nhau nữa thì thật đáng buồn. Nên chuyện gì cũng có hai mặt của nó. Cân sao cho vừa đủ là ổn.
2015-08-18_04-41-27.jpg
Một cảnh trong " phim".


2015-08-18_04-40-16.jpg
Khách thân và người bán hàng.
Chuyện vui xoay quanh em bé.
Trong lồng chợ gần thùng từ thiện thì mình rất thích ánh sáng xiên xuống. Nửa lồng chợ xây có nóc, nửa để ngoài trời tự nhiên. Chọn hướng thuận sáng hay ngược sáng để chụp thì đều có cái hay riêng. Vì là chợ quen nên mọi người cũng khá quen với sự xuất hiện của mình.

* Ngược sáng:
2015-08-18_04-41-41.jpg
Nụ cười khi gặp người quen đi chợ.
*Thuận sáng:
Có một ông lão khiếm thị ở chợ. Bữa đó ông ngồi trên xe lăn như thường lệ, một cách trầm mặc giữa chợ đời xô bồ qua lại, mắt hướng về không gian sáng trưng tự nhiên gây cho mình cảm xúc khó tả.
2015-08-18_04-41-18.jpg
...

2015-08-18_04-40-27.jpg
Ông lặt lá cải xanh - Bà thêu thùa
Mình làm khách mua hàng.

IMG_20150819_091505.jpg
Trong mâm nhôm này, mình có thể kể tên 10 món bánh trái làm quà vặt
in trong kỉ niệm ấu thơ các bạn
khi ờ nhà ngóng mẹ - bà xách giỏ đi chợ về.
Có một số mặt hàng dễ kiếm ở chợ hơn siêu thị. Ví dụ như hàng dao sắt. Loại dao này dùng một thời gian rỉ sét, cắt xong để lại mùi sắt trên thực phẩm . Nếu bạn là người thuận tay trái thì sẽ dễ tìm mua loại dao bào dành cho người thuận tay trái. Dao bào inox chỉ có hàng dành cho người thuận tay phải.
2015-08-18_04-40-22.jpg
Tuy bán dao nhưng chị rất hiền.

Cửa chợ đường Ngô Quyền.
2015-08-18_03-59-29.jpg

2015-08-18_03-59-52.jpg

2015-08-18_03-59-41.jpg
Trước bà chủ chỉ tư vấn loại gạo xyz cho hạt cơm dẻo hay mềm.
Sau này bà tư vấn luôn mảng thời trang, bán thêm áo đẹp cho chị em đi chợ.
Một cảnh khác. Ảnh nhòe. Vừa lướt vừa chụp. Thật sự khá khó khăn để có ảnh đời sống trong chợ. Người bán sẽ cảnh giác hoặc kiêng kỵ ế ẩm. Mình không chụp hình với phong thái của nhiếp ảnh gia săn ảnh giả vờ đi chợ. Mình chỉ là người dân đi chợ và thích chụp ảnh. Ảnh nhòe nhưng mình thích khoảnh khắc mà cô bán hàng tiếp thị, thuyết phục nữ khách hàng trông hiền hiền. Rất dẻo miệng, ánh mắt lanh lợi và mang màu sắc hiện đại. Cô mở chiếc điện thoại smartphone lên, mở tấm ảnh người mẫu mặc kiểu váy áo đó đó. Nói rằng " Chị mua kiểu này, bảo đảm mặc lên đẹp như Mỹ Tâm! Không đẹp không ăn tiền" hay " Yên tâm, mặc không thấy bụng !?" Chả bù cho nhiều em gái trông shop im thin thít, không biết nói gì với khách.
2015-08-18_04-39-13.jpg
Thuyết phục khách hàng thời 2015
Đó là sự hồn nhiên của khách hàng và cái liếc mắt bén hơn dao mà cô ấy ném cho mình.

Chợ quen thì nên mối thân. Có được mối thân thì sẽ có được sự tin cậy về chất lượng , giá thành món hàng mình mua. Khi phải ghé ngôi chợ khác sẽ mất thời gian đi tìm gian hàng mình cần. Lạ chỗ, lạ người.
Là sự tinh tế chị Xinh bán hàng nước hơn 20 năm ở chợ Nguyễn Tri Phương biết nắm tâm lý hỏi trẻ con thích ống hút màu gì để chiều chuộng. Là sự hỏi thăm ân cần chuyện mình học hành, thi cử từ lớp 1 đến năm 12 của bà bán văn phòng phẩm.
Là những thế hệ tiểu thương lâu năm làm nhân chứng cho chuyện tình duyên của mẹ. Hình ảnh mình nằm trong bụng mẹ, chui ra chập chững biết đi. Rồi mình già đi cùng năm tháng.
2015-08-18_04-41-14.jpg
Ba em bán trứng - Mẹ em bán rau.
Và năm sau có mặt em nằm ngủ trên võng giữa đời chợ như thế.
Những bản tình ca lâu năm của chợ phải kể đến đôi vợ chồng già bán vé số. Ảnh đời sống mưu sinh không chỉ mang nét gì đó quá khắc khổ, lầm than. Mình thích khai thác khía cạnh vui tươi , hạnh phúc trong đó hơn. Có những chuyện không cần tìm hiểu quá sâu họ là ai, gia cảnh đáng thương thế nào. Bởi đôi khi, trong số chúng ta buông tay nhau quá nhanh khi còn trẻ và không còn cười với nhau ...
2015-08-18_04-40-34.jpg
Băng qua từ đường Tân Phước

2015-08-18_04-40-39.jpg
Tháng 11 Âm lịch năm ngoái, họ vẫn còn nắm tay nhau qua bao cái Tết.
Ngoài ra, mỗi độ Tết âm lịch đến, Tết đoan ngọ, mùa Trung Thu, mùa Giáng sinh , ... đi chợ rất vui. Không khí nhộn nhịp hẳn lên. Và mang sắc màu đặc trưng của mùa lễ đó. Mình không khuyến khích chụp ảnh chợ vào những ngày chen lấn đông người. Thấy mình chụp nhiều nhưng thực tế mình bỏ điện thoại ở nhà nhiều hơn. Thấy mình có vẻ đi chợ nhiều nhưng thực tế mình đi siêu thị thường hơn.
2015-08-18_04-40-02.jpg
Chọn mua đồ trang trí.

2015-08-18_04-40-10.jpg
Chợ khoác màu lễ hội.
Và hôm nay, mình lại ghé chợ mua món mà siêu thị không có. Mình đi mua " đầu câu chuyện" .
Ngày xưa trong lồng chợ có cả một dãy sạp trầu cau hẳn hoi. Bây giờ thì thu hẹp còn tầm vài ba sạp. Chủ yếu nhận đặt hàng cau cưới. Sạp trầu cau dưới đất bán cho người nhai đơn thuần không còn nhiều nữa. Mấy bà cụ già tóc bạc phơ ngày xưa hay ngồi quây quần hàng cau tám chuyện nhà nay không biết bay đi đâu mất tiêu! Lúc đó bẵng đi cả năm mình không ra chợ mua trầu cau nữa. Khi mình ghé, bà hỏi " Sao dạo này không thấy mày ra mua cau về cho bả ăn? Nay có cau ướt ngoại thích nè lấy không ?" - " Con mua về để đám giỗ thôi. Cau nào cũng được."
2015-08-18_03-59-56.jpg
Đi chợ để mua " đầu câu chuyện" giá 10 nghìn đồng.

2015-08-18_04-00-00.jpg
Chân dung người bán " đầu câu chuyện"
* Một vài cảnh chợ lúc 21h.

IMG_20150818_205541.jpg

IMG_20150818_205845.jpg

IMG_20150818_205757-01.jpeg

IMG_20150818_205939.jpg

IMG_20150818_211130.jpg

IMG_20150818_210421.jpg

Cuộc sống là vô thường. Cuộc sống là chuỗi tuần hoàn. Mình vẫn hay bắt gặp các em học trò nhỏ trong bộ đồng phục tan học rủ nhau vào chợ. Học trường gần chợ rất vui. Có thể đụng mặt gọi nhau í ới. Chủ nhật có thể gặp cô giáo mình xách giỏ đi chợ. Có thể chào thầy đang ngồi đọc báo chờ cô ở ngoài bùng binh kia. Rồi khi lên cấp 3 các em sẽ phân chia nguyện vọng, kết nhiều bạn bè mới. Sau đó đứa thì theo nhà xuất cảnh định cư xa xứ mãi mãi. Đứa bận rộn đi làm hoặc yên bề vợ chồng con cái. Đâu đó trong những con hẻm bình yên rợp nắng hoa quanh chợ giờ chỉ bắt đầu bằng câu " Hồi đó... nhà đứa bạn ở số này ,đường này ..." Lắm lúc địa chỉ ta biết rõ mà rất ngại gõ cửa. Vào thời mình chưa có số di động hay nick facebook mà trao đổi. Thập niên nào cũng xin giữ một góc trời riêng. Đoạn đường từ nhà mình để tới chợ mua cân thịt bó rau vẫn ngang qua quán hủ tíu bà Tư . Và muôn đời phái yếu luôn đi chợ để chăm cho gia đình thương yêu, mong có người quan tâm, nói lời ngọt ngào, khen và chờ đợi nàng.

2015-08-18_03-59-47.jpg
Hẻm thông chợ mang tên Vĩnh Viễn.
Cảm ơn các bạn đã dành thời gian để đọc cảm xúc về ngôi chợ mình quen thuộc. Với mình, lịch sử chợ không chỉ tìm hiểu ngày khởi công xây dựng. Chợ không quá nổi tiếng, không có phù điêu tinh xảo. Lịch sử chợ trải dài chung với đời mình. Lỡ mai phải xa xứ thì chợ được đổi tên thành " quê hương" ...

125 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

jing
CAO CẤP
9 năm
đề tài về chợ khá thú vị. Nếu mọi ng share ảnh chợ ở gần nhà thì sao nhỉ?
CÔ bé @Hằng YOLO chụp hình đẹp mà còn làm phóng sự giỏi nữa ;)
Đọc bài thấy đã thiệt 😁
Neo Do
ĐẠI BÀNG
9 năm
808 pureview 😔
mrcake
ĐẠI BÀNG
9 năm
Thích ảnh đầu tiên và ảnh Một cảnh chợ trong phim 😁
trieu1209
TÍCH CỰC
9 năm
Đối diện chợ có quán bánh canh cua cũng cũng ngon lắm.
Bài viết hay, sinh động. Chả bù cho mấy mod nhà ta giờ chuyển qua làm diễn viên tuồng cho anh Nổ
Amuadi.Com
TÍCH CỰC
9 năm
thích chở mẹ ra chợ Nguyễn Tri Phương xong đứng bên cạnh chợ chỗ mấy ông công an phường chờ, nhìn cảnh chợ cảnh đời nhộn nhiệp vui vui 😃
fu09fjtnhj
TÍCH CỰC
9 năm
Bác này ở HCM. Kể về chợ gần nhà như kiểu " làng " của Kim Lân vậy...
Ở hà nội có chợ phùng khoang, chợ xanh, chợ đồng xuân. Gộp lại chắc ăn đứt chợ của bác
@fu09fjtnhj Chợ Bake toàn đồ Trung Quốc có gì mà đòi khoe 😆
@fu09fjtnhj Mỗi nơi sẽ có mỗi chợ khác nhau và mỗi chợ đó sẽ là một hình ảnh đẹp về tuổi thơ, về một ký ức đẹp nào đó trong lòng mỗi người. Đéo hiểu đem ra so sánh làm clg ko biết?? thể hiện đc gì ở đây??
@fu09fjtnhj Người ta đã nói kể về k chỉ là chợ mà cả một câu chuyện một cuộc đời.
***
Nếu nói về chợ NTP thì chắc mình phải là người có nhiều thứ gắn liền với nó nhất, mẹ mình đã bán ở chợ này hơn 30năm từ cái thời chưa qen Ba mình, mà giờ chị mình đã 33t rùi, các bạn thử đoán xem...cái bà bán "đầu câu chuyện" của bạn, mình biết bà từ lúc mình còn bú tí ở chợ, và giờ mình lớn lắm rùi nhớ lúc trước còn ở tuổi mười mấy hay ra phụ mẹ, bà có đi ngang hàng của mẹ bà nói thằng này là thằng đứng ở cái xạp đằng sau xè Cua tè lên hàng bà phải k? mình thiệt là lúc đó k nhớ gì, nhờ Ba Mẹ nhắc mới nhớ...cuộc đời mình sinh và gắn liền với nó từ cái lúc Mẹ mới sinh dc mấy tháng để mình vào 1cái thúng nhỏ năm ngủ trong sạp Mẹ bán...phải là người mưu sinh trong chợ thì mới biết đc cái thăng trầm của cuộc sống mưu sinh mà người ta hay gọi là Chợ Búa thế nào 😃

Ps vs thớt : Thanks bạn đã khắc họa 1phần nào đó của Chợ NTP, và cách nhìn đầy tình cảm sâu sắc về cuộc sống mưu sinh của con người ở trong và gần chợ...cần lắm những bài "viết sâu" sắc thế này 😃
boomlord
ĐẠI BÀNG
9 năm
Sáng nào đi làm cũng đi ngang qua khu chợ này!
Điểm chung của các chợ là...có người bán và...có người mua...
@Trịnh Đình Quang Anh vâng, bác phán ko thể nào đúng hơn đc nữa
chân thực và gần gũi
@daniel.chivas Avatar của bác xa rời quần chúng quá!
@Thích tiểu nhân Xin chào, nhìn mặt giống ông anh họ của mình ở Việt Nam ghê
em ko hiểu sao bài này lại dc lên trang nhất, em chả thấy gì là công nghệ hay khoa học.
Bác chủ thớt viết chủ đề ko sai, nhưng Sai chắc do mod đưa bài lên, nên để bài này trong chuyên mục, ai thích thì vô tìm đọc.
Chứ đừng bê lên trang nhất làm rối loạn đội hình.
nokishock
TÍCH CỰC
9 năm
@cuong44 Em cũng không hiểu sao bác này lại comment được như thế. Bài này thuộc thể loại Nhiếp ảnh - Ảnh điện thoại. Tinh Tế đưa các thể loại như thế này ầm ầm lên trang chủ. Theo bác nó rối loạn đội hình gì? 5-3-1 hay 4-4-2 ?
Chắc bác 6 tháng mới online một lần nên hơi bị lạc hậu. Đề nghị bác online thường xuyên hơn, in tẹc net đã phủ sóng toàn quốc rồi 😁
Thân 😃
asimo7777
TÍCH CỰC
9 năm
Ôi tuổi thơ của tôi, đã hơn 20 năm không theo mẹ ra chợ. Đọc bài mà kỷ niệm ùa về rưng rưng nước mắt. Lại muốn lật lại vài trang sách của Nguyễn Nhật Ánh để sống lại tuổi thơ trong đó. Nhớ cái chợ Mới, chợ Cũ ở Thị xã Tân An, Long An ngày xưa quá. Cảm ơn bạn bài viết câu văn rất hay và hình cũng rất đẹp nữa.
@asimo7777 làm một bộ ảnh z3 ngay và luôn
chụp đẹp đấy Hằng YOLO
klq sáng giờ cứ thấy 99 hoài,có khi nào chiều nay........hê hê, tí làm 10 cành biết đâu 😁 :D
lom-com
TÍCH CỰC
9 năm
@NHNQ 84.jpg
Chiều nay đầu đuôi ra y bon tấm bảng này nè ku ơi
Thà nghe những âm thanh ồn ào của chợ còn hơn nghe những lời chém gió của những bậc thầy về thuốc nổ, vì đằng sau sự ồn ào đó hứa hẹn những bữa ăn ngon, một không khí gia đình sum họp!
vatlitre
TÍCH CỰC
9 năm
Chợ sắt
@vatlitre Chợ Thiếc nữa
@thuandesign Chợ Thiếc mình đi khi mua Vịt quay, phá lấu của 2 chị em người Hoa.😃
jeetkunedo
TÍCH CỰC
9 năm
hơi tham về bố cục/khung hình. mình nghĩ 1 số cảnh nên bố cục lại chặt hơn để đặc tả !
kỷ niệm ùa về theo bài viết, cám ơn thớt

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019