Tham dự Tech Lounge

Tham dự Tech Lounge


Điện toán đám mây thật sự là gì? Liệu có phải chỉ đơn giản là Dropbox, Google Drive hay OneDrive?

Duy Luân
20/11/2015 0:3Phản hồi: 130
Điện toán đám mây thật sự là gì? Liệu có phải chỉ đơn giản là Dropbox, Google Drive hay OneDrive?
Chữ điện toán đám mây - hay cloud computing - giờ xuất hiện ở khắp mọi nơi, từ các bài chém gió của anh em trên Tinh tế, trên các báo cáo của những công ty công nghệ cho đến trên vỏ hộp của một cái điện thoại mới mua về hay thậm chí là trong hệ điều hành mà anh em đang xài. Tuy nhiên, theo quan sát của mình thì vẫn còn khá nhiều người hiểu nhầm về điện toán đám mây, và rằng điện toán đám mây chỉ là những thứ như Dropbox, OneDrive hay Google Drive, đại loại là chỗ nào đó để bạn sync hình, sync file lên. Thực chất suy nghĩ như vậy chỉ là một phần nhỏ của vấn đề, cloud computing rộng hơn như vậy rất nhiều, và trong bài viết này mời các bạn tìm hiểu kĩ hơn về điện toán đám mây cũng như ảnh hưởng của nó đến tương lai của cả thế giới.

1. Điện toán đám mây là gì?


Theo IBM, điện toán đám mây, hay nói ngắn gọn là đám mây, là việc cung cấp tài nguyên máy tính cho người dùng tùy theo mục đích sử dụng thôn qua kết nối Internet. Nguồn tài nguyên đó có thể là bất kì thứ gì liên quan đến điện toán và máy tính, ví dụ như phần mềm, phần cứng, hạ tầng mạng cho đến các máy chủ và mạng lưới máy chủ cỡ lớn.

Trước thời điện toán đám mây, bạn muốn làm thứ gì thì cũng phải tự mình thực hiện, và tự mình bỏ tiền ra đầu tư hầu như từ đầu đến cuối. Ở vai trò người dùng cá nhân, nếu bạn muốn lưu dữ liệu, bạn phải tự bỏ tiền mua một cái ổ cứng. Bạn muốn sao lưu dữ liệu thường xuyên và ngay lập tức? Ngoài ổ cứng ra còn phải tự đi kiếm phần mềm, tự kết nối nó vào mạng nếu muốn. Nếu bạn muốn làm một website, bạn phải tự mình đi mua máy chủ về lắp rắp rồi cấu hình mọi thứ. Bạn muốn quản lý doanh số của cửa hàng tại gia, bạn phải tự đi mua phần mềm kế toán hay phần mềm bán hàng rồi cài đặt nó lên máy tính ở nhà.

3417024_tinhte_Western_Digital_WD_my_passport_ultra_.jpg


Và tất cả những thứ đó không chỉ dừng lại ở lúc mua. Số tiền bạn chi ra còn đi theo bạn sau đó, tạm gọi là tiền "bảo dưỡng" hay "bảo trì". Bạn mua ổ cứng về, lỡ nó hư thì tự bạn phải mang đi bảo hành. Xui xui hết thời gian bảo hành thì vừa mất dữ liệu vừa tốn thêm tiền mua ổ khác. Bạn cài máy chủ, xong bạn phải tự bảo trì cho nó, tự lo về hệ thống làm mát, tự lo backup (hoặc nếu bạn thuê người khác làm thì cũng không khác máy, chỉ là bạn bỏ tiền ra nhờ người ta làm giúp thôi). Bạn cài phần mềm kế toán, rồi mỗi khi nó có update thì bạn phải đi cài lại vào máy tính của mình, nếu có lỗi thì bạn phải tự sửa (hoặc gọi điện hỏi hãng cách sửa).

Những vấn đề này nhìn qua thì có vẻ đơn giản, nhưng thực chất nó tốn của bạn rất nhiều công sức và tiền bạc, chưa kể là nó cũng khiến bạn dễ mất dữ liệu quan trọng hơn (như trong ví dụ ổ cứng nói trên). Đối với các doanh nghiệp thì chi phí "bảo trì" cũng rất lớn vì họ không chỉ xài những phần mềm nhỏ nhỏ dạng như Word, Excel, PowerPoint mà là những hệ thống quản lý đồ sộ và phức tạp, với dữ liệu vào ra liên tục nên chỉ một hỏng hóc nhỏ cũng có thể làm mất cả triệu USD doanh thu hoặc làm việc sản xuất bị đình trệ. Họ phải nuôi cả một đội ngũ nhân viên để cài đặt, cấu hình, thử nghiệm, chạy, đảm bảo an toàn cũng như cập nhật hệ thống của mình. Nếu bạn đem số tiền đó nhân cho số lượng cả trăm app mà doanh nghiệp dùng, rõ ràng chi phí đó không nhỏ chút xíu nào.

Rồi điện toán đám mây ra đời, nó giúp giải quyết phần nào việc bạn phải tự quản lý phần cứng và phần mềm của mình. Bạn cần lưu dữ liệu? Có OneDrive, có Dropbox, có Google Drive giúp bạn. Rõ ràng bạn chẳng cần quan tâm file của mình đang lưu trên cái HDD nào, nó có hỏng hay không, có cần phải backup ra HDD phụ hay không, nó đang nằm ở chỗ nào. Bạn cũng chẳng cần quan tâm đến việc kết nối máy này với máy khác để nhận file ở hai nơi. Mọi thứ đã được "chăm sóc" bởi nhà cung cấp dịch vụ đám mây rồi, và trong trường hợp này đó chính là Dropbox, Google hay Microsoft. Nếu HDD hỏng, tự họ sẽ thay thế, tự họ sẽ làm thao tác backup định kỳ, bạn chẳng phải bận tâm.

Luu_tru_dam_may.png

Một ví dụ khác: danh bạ điện thoại. Trước đây, bạn phải tự mình backup danh bạ định kì ra máy tính, phải giữ các file danh bạ đó, rồi nếu đổi điện thoại thì phải cài lại danh bạ rất mất thời gian. Giờ thì đã có Google, có Apple, có Microsoft hay BlackBerry lo chuyện danh bạ cho bạn. Mỗi khi bạn thêm số mới, danh bạ sẽ được đồng bộ lên "mây" và chứa trên đó. Trong trường hợp bạn chuyển sang điện thoại khác, danh bạ có thể được tải về một cách nhanh chóng. Không còn phải backup thường xuyên, không cần chép file thủ công nữa.

Với doanh nghiệp, họ bắt đầu di chuyển các ứng dụng hay phần mềm của mình lên đám mây. Cần phần mềm kế toán? Chỉ cần vào trình duyệt, click click vài cái, xong. Bạn không cần quan tâm đến việc phần mềm đó đang cài ra sao, cài trên máy chủ có địa chỉ IP là bao nhiêu, khi có update thì nó cũng tự động làm luôn. Bạn chỉ việc mở nó ra và dùng thôi. Muốn mở rộng thêm? Dễ ẹc, trả thêm tiền là có thêm user. Muốn chạy 24/7 mà không phải nghĩ đến tiền điện cho máy lạnh làm mát? Cũng có luôn.

2. Ví dụ của điện toán đám mây


Hiện nay, các công ty cung cấp dịch vụ điện toán đám mây chia thành 3 loại lớn như sau:

Quảng cáo


Infrastructure as a Service (IaaS):
Infrastructure as a Service có nghĩa là "Hạ tầng được cung cấp như một dịch vụ". Theo Amazon thì nó là mức cơ bản nhất của điện toán đám mây, và thường thì các dịch vụ IaaS sẽ bán cho bạn các thứ về mạng, về máy tính (máy ảo hoặc máy thật tùy nhu cầu), cũng như nơi lưu trữ dữ liệu. Cụ thể hơn, bạn có thể thuê một cái "máy chủ trên mây" với CPU, RAM, ổ cứng (SSD hoặc HDD) tùy theo nhu cầu. Rồi, vậy là bạn đã có một cái server, còn chuyện server đặt ở trung tâm dữ liệu nào, trong đó có bao nhiêu cái máy lạnh làm mát cho nó, nó xài mạng của dịch vụ viễn thông nào... thì bạn không cần quan tâm nữa. Bạn đã có server, cứ thứ mà dùng thôi.

Cac_loai_dien_toan_dam_may_1.png

Amazon Web Services hay DigitalOcean là những dịch vụ tiêu biểu cho kiểu IaaS. Bạn sẽ lên đó chọn máy chủ, sau đó tự bạn phải chọn và cài hệ điều hành, chọn xong thì phải cài thêm các phần mềm khác cần thiết cho ứng dụng của mình. Nếu bạn muốn xài máy chủ đó cho trang web thì phải cài các phần mềm liên quan đến web server, muốn xài máy chủ đó là cơ sở dữ liệu thì cài cơ sở dữ liệu vào, muốn xài máy chủ đó để chơi game Pikachu thì tự cài game vào 😁 (tất nhiên là nói cho vui thôi, chứ chả ai lại đi chơi game trên đó cả).

Như vậy, IaaS không được thiết kế cho người dùng cuối, mà chủ yếu cho những người muốn có một nơi để triển khai phần mềm của mình, có thể là lập trình viên, một công ty, hay một đơn vị phát hành web chẳng hạn. Giờ kêu bạn tự làm hết nhiêu đó thứ của IaaS chỉ để có chỗ lưu file thì bạn có làm không? Hẳn là không rồi.

Platform as a Service (PaaS):


PaaS giúp bạn bỏ qua những sự phức tạp hay rắc rối khi phải tự mình quản lý hạ tầng của mình (thường có liên quan đến phần cứng và hệ điều hành). Nếu bạn thuê một dịch vụ PaaS, bạn chỉ cần tập trung vào việc triển khai các phần mềm của mình lên đó và bắt đầu chạy. Nhờ có PaaS mà bạn không phải lo update Windows cho máy chủ của mình mỗi khi có bản vá, không phải quản lý RAM, CPU, không phải lên kế hoạch về nguồn lực...

Quảng cáo



Cac_loai_dien_toan_dam_may_2.png

Một ví dụ của PaaS đó là các dịch vụ host web. Người ta sẽ chuẩn bị sẵn mọi thứ cho bạn từ máy chủ, phần mềm, cơ sở dữ liệu cho đến các cổng kết nối. Bạn chỉ cần đưa các file *.html của mình lên đó và chạy. Nếu có cơ sở dữ liệu thì chép dữ liệu vào rồi xài ngay. Ở mô hình PaaS này thì sự kiểm soát của bạn với chiếc máy chủ bị giới hạn lại rất nhiều, và khi đó một máy chủ thường sẽ được chia sẻ giữa nhiều người dùng PaaS với nhau để tiết kiệm chi phí (tức là tiền mua dịch vụ của bạn rẻ hơn).

Software as a Service (SaaS):

Đây là phần top cao nhất trong sơ đồ phân loại dịch vụ đám mây. Nó là một sản phẩm hoàn thiện được vận hành và quản lý bởi một nhà cung cấp. Và nói đơn giản, trong hầu hết trường hợp thì người ta dùng SaaS để nói về những phần mềm, ứng dụng có thể được dùng ngay bởi người dùng cuối.

Cac_loai_dien_toan_dam_may_3.png

Một ví dụ rất thường thấy của SaaS là dịch vụ email nền web, ví dụ như Gmail, Outlook hay Yahoo Mail chẳng hạn. Nó là một sản phẩm hoàn chỉnh, bạn có thể ngay lập tức xài để gửi nhận mail mà không phải thiết lập máy chủ quản lý mail, không phải thiết lập kết nối Internet cho máy chủ đó, cũng không cần tổ chức quản lý người dùng gì hết.

Tương tự, OneDrive, Dropbox cũng là SaaS. Phần mềm (hay trang web) cung cấp cho bạn mọi tính năng bạn cần, bạn không phải đi mua ổ cứng rồi thiết lập từ hệ điều hành cho đến kết nối mạng. Google Docs hoặc Microsoft Online cũng là SaaS, bạn có thể nhảy ngay vào và bắt đầu gõ văn bản hay tạo các bài thuyết trình mà không cần cài đặt phần mềm nào khác, không cần quan tâm bản quyền. Evernote, OneNote, Wunderlist, Google Keep cũng là dịch vụ đám mây dạng SaaS đó. SAP có cung cấp giải pháp quản lý doanh nghiệp online, một vài công ty thì cung cấp giải pháp kế toán và quản lý sản xuất ngay từ trình duyệt, cũng đều là SaaS.

Trong cả 3 loại hình điện toán đám mây thì thứ "mì ăn liền" nhất chính là SaaS, và cũng vì vậy mà loại hình này rất dễ dàng tiếp cận đến người dùng cuối vì họ không phải hiểu biết gì nhiều về kĩ thuật máy tính cũng có thể xài được. SaaS cũng có những thứ miễn phí để thu hút khách hàng chứ không phải cái gì cũng tính phí. Dropbox, Gmail vẫn có thứ miễn phí đó thôi. Tất nhiên, người dùng SaaS sẽ không có sự kiểm soát nào với hạ tầng bên dưới. Bạn đâu có được phép chỉnh gì liên quan đến server của Gmail hay Dropbox đâu.

3. Ảnh hưởng của điện toán đám mây


Lợi ích lớn nhất của điện toán đám mây đó là tiết kiệm chi phí. Nãy giờ chúng ta đã phân tích về khía cạnh này rồi nên có lẽ không cần nói lại nhiều. Chủ yếu là bạn sẽ giảm được chi phí đầu tư hạ tầng ban đầu, chi phí mua phần cứng, phần mềm và bảo dưỡng chúng, chi phí để lắp đặt, tìm chỗ đặt server và vận hành thường ngày, chi phí thuê người để trông coi và nhiều thứ khác.

Theo sau đó là sự tiện lợi. Bạn có thể nhanh chóng xài ngay một thứ gì đó mà không phải tốn công cài đặt phức tạp. Bạn có thể nhanh chóng truy cập chúng mọi lúc mọi nơi, gần như không bị phụ thuộc vào phần mềm hay phần cứng đang xài là gì. Nếu bạn xài ổ lưu trữ truyền thống mà để quên ở nhà thì làm sao bạn có thể lấy dữ liệu? Trong khi xài Dropbox thì chỉ cần lên web của nó rồi download file cần thiết về là hết chuyện. Hay như Gmail, bạn có thể nhanh chóng mượn laptop của thằng bạn để check mail mà không phải thiết lập tài khoản lằng nhằng trong Outlook, thậm chí chẳng cần Outlook luôn. Hoặc Google Docs cũng thế, chỉ cần mở trình duyệt ra và gõ, chả cần phải cài bộ office gì nữa.

Dropbox2.png

Kế nữa là sự an toàn và tính liên tục. Ổ HDD rời của bạn mà hư một cái là coi như mất trắng dữ liệu, trừ khi bạn phải hằng ngày copy dữ liệu ra hai ổ cùng lúc. Trong khi đó, dữ liệu của bạn mà nằm trên Dropbox, OneDrive thì sẽ có tính an toàn cao hơn, lỡ ổ cứng trên đó có hỏng thì dữ liệu back up của bạn vẫn sẽ được duy trì liên tục và bạn vẫn có thể tiếp tục xài nó như bình thường. Mình không nói là an toàn tuyệt đối, vì vẫn còn đó những rủi ro như công ty đám mây dẹp tiệm hay cả data center bị cháy rụi hay tệ hơn nữa là tận thế như tỏng phim 2012, nhưng ít ra thì xác suất của rủi ro đó thấp hơn việc bạn tự xài HDD rất nhiều.

Tính bảo mật của dữ liệu cũng có thể được xem như một lợi ích khi xài đám mây. Bạn làm mất một cái laptop chứa dữ liệu nhạy cảm của công ty hay hình nhạy cảm với bạn gái thì coi như tèo. Thiệt hại sẽ lớn vô cùng. Trong khi đó, nếu bạn lưu những thứ đó lên mây thì nếu bạn mất laptop thì chỉ đơn giản là mất đi một cục phần cứng mà thôi. Dữ liệu vẫn nằm an toàn trong tài khoản online, và nếu không có mật khẩu của bạn thì chẳng ai có thể vào đó nghịch được.

4. Một số hạn chế của điện toán đám mây


Mọi thứ đều có hai mặt, lợi và hại. Ví mọi thứ liên quan đến mây hầu như đều cần kết nối Internet nên nếu kết nối chập chờn hay chậm chạp, vốn là tình trạng rất phổ biến ở Việt Nam, thì việc sử dụng các dịch vụ sẽ rất khó khăn. Còn nhờ hồi đứt cáp quang biển, mình phải đợi mãi thì Dropbox mới tải lên, cũng phải chờ một thời gian rất lâu Google Drive mới đồng bộ file dự án của mình, và mở Gmail ra thì tốn đâu phải 3-5 phút. Ở môi trường doanh nghiệp, điều này có nghĩa là họ phải tốn nhiều thời gian hơn cho việc chờ app đám mây tải xong, trong lúc đó thì thiệt hại có thể sẽ rất nghiêm trọng. Giả sử một cửa hàng có cả chục khách hàng cùng vào mà không thể chạy thanh toán cho khách thì có phải chết không cơ chứ.

Chính vì vậy mà nhiều dịch vụ đám mây có cung cấp lựa chọn lưu một phần hoặc tất cả dữ liệu trên máy tính, thường gọi là lưu offline. Dropbox, OneDrive, Google Drive cũng có, nó cho phép đồng bộ file xuống và chứa trên máy tính của bạn thường xuyên và bạn vẫn có thể làm việc, mở hay truy cập chúng kể cả khi không có Internet. Lúc nào có mạng lại thì sync lên sau. Evernote cũng tương tự, bạn thậm chí có thể ra đường và cầm điện thoại gõ ghi chú, khi nào về có Wi-Fi thì sẽ đưa ghi chú lên mây sau.

Google_Docs.png

Thứ hai là chuyện quyền riêng tư. Bạn có đủ tin tưởng vào Evernote để lưu hết mọi dữ liệu của mình? Bạn có tin vào Gmail để lưu hết mọi email quan trọng liên quan đến công việc và chỉ cần rò rỉ một bức thư cũng có thể làm bạn mất công ty? Bạn có đủ tin tưởng một phần mềm kế toán online để lưu hết sổ sách của bạn trên đó và đảm bảo là số liệu không bị bán cho đối thủ cạnh tranh? Với người dùng cá nhân thì chuyện này có thể không quan trọng, nhưng với doanh nghiệp thì nó rất kinh khủng, thế nên nhiều doanh nghiệp bây giờ vẫn còn rất đắn đo với việc lên mây trong khi họ biết rằng giải pháp đó giúp họ tiết kiệm nhiều chi phí.

Sau đó là nỗi lo về downtime. KHÔNG một nhà cung cấp dịch vụ đám mây nào có thể đảm bảo với bạn rằng máy chủ của họ sẽ chạy 100% liên tục và không bao giờ phải ngừng lại, dù cho có sự cố. Cỡ Facbeook và Google mà còn bị thì những hãng nhỏ làm sao dám đảm bảo 100%? Khi đó thì bạn chỉ có thể ngồi chơi thôi chứ chẳng làm gì được nữa.

Tuy nhiên, những hạn chế này có thể không phải là trở ngại lớn với nhiều cá nhân và doanh nghiệp. Lợi ích do nó mang lại đã đè bẹp những hạn chế nên họ vẫn chấp nhận để có được cái lợi to hơn so với việc tự mình triển khai, bảo dưỡng phần mềm phần cứng (lúc đó thì rủi ro còn cao hơn cả việc xài đám mây). Chính vì thế mà điện toán đám mây mới ngày càng phát triển, và xu hướng đó có vẻ sẽ không sớm dừng lại trong tương lai xa.

130 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

RIM
CAO CẤP
8 năm
Nghe nhiều nhưng giờ đọc bài này xong mới hiểu 😃
Xemdidong
ĐẠI BÀNG
5 năm
@RIM Mình cũng mới biết về dịch vụ này luôn
Tai thỏ là gì?

hppl
TÍCH CỰC
8 năm
đúng là thời buổi này có dc cái mạng tốc độ cao là cực kì quan trọng
trungking
TÍCH CỰC
8 năm
nói 1 cách đơn giản là bạn cần tính 1+1 = ?
bạn kết nối đến một máy tính ảo, cài win cho nó, cài phần mềm cho nó rồi cho nó tính xong trả về kết quả cho bạn ;))
just for fun :v
Cloud là xu hướng cách đây 5 năm rồi, giờ mới bắt đầu đã là muộn.
Hiện tại và tương lai gần phải là connected devices, IoT và industrial IoT
@dac 5 năm hồi nào vậy bạn, gần đây mới bắt đầu pt thôi bạn ơi. Và nó sẽ là xu thế của tương lai
hppl
TÍCH CỰC
8 năm
@dac đúng là ở Mỹ là xu thế nhưng ở VN thì mới bạn ah ,hơn nữa IoT vẫn chưa có chuẩn chung thì sao mà phát triển dc ,cái PC xưa cũng thế phải xoay quanh micrsoft còn network cũng phải xoay quanh OSI TCP/IP chứ ko loạn xà ngầu sao phát triển dc
@dac
@hppl Bác nói vậy thì đến khi nào mà làm đc. Cứ trông chờ mãi à. Hiện bên mình device vẫn connect qua MQTT phà phà đấy thôi...
N.E.M
CAO CẤP
8 năm
với công nghệ điện toán đám mây thì xài bộ office hay IE trên mac trở nên quá dễ 😁, chơi game cũng thế :D
nvbacbk
ĐẠI BÀNG
8 năm
Cảm ơn Duyluân đã cung cấp thông tin tổng quan về ĐTĐM... (trước kia mình vẫn 'gà mờ' quá)
Giờ mình cho lên mây hết rồi 😁
Tài liệu viết bằng đt ngoài đường, tối về mở máy tính lên làm tiếp, và USB cable chỉ còn để sạc với up rom . Quá nhanh và tiện.
@Tú art Bạn mới chỉ cho dữ liệu lên mây thôi 😃
Juztapose
ĐẠI BÀNG
8 năm
điện toán đám mây giờ phải nói đến thằng azure của sốp, 20-30 cái feature đầy đủ từ hosting, VM, computing, sql, service bus, phải nói là chi phí cực rẻ + vô cùng tiện lợi. càng sài càng sướng 😁
TTris
TÍCH CỰC
8 năm
Em chỉ muốn đưa cái sever của Mu offline lên mây để khỏi phải chạy VMWare trên máy...
zovemoon
TÍCH CỰC
8 năm
ôi xào chuyện đưa tài liệu lên mây em làm từ lâu rồi

giờ em phải đưa bạn gái lên mây mới mệt đây
daonguyen275
ĐẠI BÀNG
8 năm
@zovemoon khi nào đưa lên được thì báo em nhé , em cũng ké tí
@zovemoon Nếu bác mệt thì phone em cái em giúp bác.miễn phí kk
hppl
TÍCH CỰC
8 năm
điện toán đám mây hiện nay dẫn đầu đang là amazon với hàng loạt dịch vụ như ec2,ebs ,s3,beantalk v.v...Để mà làm chủ dc nó thì cần nguyên cái khóa học đàng hoàng mới dc
Thích nhất là Microsoft Azure
em thì đang tính làm sao để ảo hóa sạch sẽ cái đám máy desktop của một cơ quan khoảng 20 nhân viên. họ chỉ cần remote cái máy ảo đã cấu hình sẵn mà làm việc thôi, puplic luôn cho ra ngoài đi công tác thù vpn về vậy là như trên mây rồi. Cái remote desktop của anh sốp lợi hại lắm nó biến máy bị remote nhận usb . nhận ổ cứng máy vật lý vào thành ổ đĩa ảo trong máy ảo luôn, chạy soft ngon đôi khi nhanh hơn máy thật.
IT cũng khỏe ko quam tâm máy vật lý là cấu hình gì. kệ mịa. chứ cài xong win và driver(ghost luôn đa cấu hình là xong) là bật remote desktop chạy luôn. máy vật lý hư phần cứng đẩy ngay em dự phòng cùi bắp khác bật remote chém tiếp. không phải lọ mọ đi cài win. cài soft, cấu hình domain. cài pm loạn xạ. di chuyển dữ liệu., cài máy in, cầu hình .... ôi thôi làm đi làm lại . chán và thấy nhãm, làm vừa xong. tuần sau nhân viên này lại ale chuyển bộ phận, con mịa. IT đâu vác máy. join lại domain. cấu hình lại desktop... soft cài lại, má muốn điên.
Trong khi triển khai máy ảo chúng mày đi đâu kệ. dữ liệu có nằm máy vật lý chí đâu mà vác đi cứ lên bọi phận mới ngồi đi. 2 phút nữa anh gọi tận nơi chỉ cần mở remote desktop chiến luôn y nguyên như ở bộ phận cũ. thiếu gì a làm luôn. ko cần chạy lên chạy xuống. chớp mắt em đã thấy icon mới trên desktop.

Em đang làm IT cho đám cơ quan hành chính. thấy chán. mất thời gian làm đi làm lại mấy cái ko có gì hay ho. Giãi tõa tý . mấy bác có ai triển khai thành công mô hình VDI ( ảo hóa máy trạm ) vote em cái để em lấy nhiệt huyết nghiên cứu thêm.
Đang ảo hóa bằng Esxi6.0 được 5 cái máy ảo chạy khá ổn trên 1 cái desktop ram ddr3 6gb . kẹp thêm ổ 16gb ssd và 2 ổ hdd 500gb . card lan server 2port mua cũ tháo máy tổng chi phí khoảng 5 triệu. vọc vạch cũng vui nhưng thấy hiệu quả và nhàn hơn khi 5 cái ông nhân viên lại thay đổi công tác bọn nó dùng máy vạt lý chém phim. nghe nhạc. Máy ảo remote thì treo soft và văn bản, email khỏe re...
nlht
TÍCH CỰC
8 năm
@kijutonet bạn nói vậy mình mới nhớ cty mình toàn dùng cad, pts, corel. ko dùng cách này dc
@nlht Nếu công ty chuyên đồ họa thì vẫn chơi mô hình này được nhưng phải chịu đầu tư card VGA tương thíc với Esxi host . ảo hóa ngon luôn. mình sẽ nghiên cứu thêm. để dành tiền mua thêm cái card màn hình nữa đã.
@vinhcao7 Cái remote desktop servicse nó sẽ tự kèm thèm bản quyền của win server.
Xin hỏi bác công ty bác có làm đồ họa ko? dạng vẽ vời cad hoặc công trình.
Bản quyền thì phải mất tiền rồi. nhưng nhiều khi IT bác chơi key share thì chắc ko tốn . hehe.
Trà đá 68
ĐẠI BÀNG
3 năm
@kijutonet Công ty cũ mình (1 TĐ lớn) chơi món này cho nhanh: Laptop cấp máy bình thường cho mọi nhân viên và có phần mềm để quản lý khi ko ở trong mạng nội bộ. Dữ liệu không cho lưu trữ tại Laptop qua ngày và không cho cài đặt các phần mềm chát (Viber, Zalo, ...). LÂu lâu lại bắt đổi Lap bất chợt nên ông nào muốn làm việc trơn tru chỉ có cách đẩy Dữ liệu lên Cloud Server của Công ty thôi
yelliver
ĐẠI BÀNG
8 năm
"Một ví dụ của PaaS đó là các dịch vụ host web"
cái này là sai hoàn toàn bác chủ thớt ơi
PaaS là 1 loại cloud hosting chứ cái bác mô tả up file html lên mà chạy là host web truyền thống nhé.
@yelliver host web truyền thống cũng có thể xem là PaaS mà bác, đâu khác gì đâu?
Str_Dương
ĐẠI BÀNG
8 năm
Tuyệt vời ... mình các ngày thích đọc bài của bác Duy Luân đấy.
Fpt đã triển khai đám mây từ lâu,alibaba cũng thế.Nên có thêm bài chi tiết thay vì nêu định nghĩa.
Cái này chỉ là i tờ thôi.
Nói lại nhớ cái phần mềm kê khai thuế điện tử và token chưa đc chuẩn hóa như quốc tế .
@mandyhades Bài viết này là đủ dùng cho mọi người rồi. Còn muốn nói chi tiết từng đơn vị triển khai, từng lĩnh vực áp dụng thì đợi bổ sung sau.
Liệu mình có được đọc bài của bạn về việc triển khai của FPT, Alibaba không ta? Hóng:rolleyes::rolleyes::rolleyes:
@toilangthang0831 nghiên cứu đi ,ép cả bạn @Duy Luân nữa:
http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/thuong-mai-dien-tu/tin-quoc-te/alibaba-chay-dua-phat-trien-dien-toan-dam-may-cung-amazon-3242513.htm
http://genk.vn/tin-ict/amazon-tro-thanh-ga-khong-lo-dien-toan-dam-may-voi-mang-kinh-doanh-tri-gia-7-3-ty-usd-20151008125918237.chn

fpt. alibaba đây:

http://chungta.vn/
http://www.alibabagroup.com/en/global/home

còn quả thật về điện toán đám mây google với apple còn kém lắm nếu so với : amazon hay MS ,vmware, saleforce.com.Samsung cũng chỉ hạng bét nếu so với các cty trên về điện toán đám mây. đừng mang nó đặt lên đầu vì mỗi người chỉ giỏi một nghề .
Đi đầu về public cloud phải là Amazon AWS
Tranh thủ khoe danh hiệu của mình 1 phát 😃 (trên tòan cầu hiện chỉ có khoảng 2000 người có chứng chỉ này)
image.jpeg
kurt80
TÍCH CỰC
8 năm
@dac Làm thế nào để chat với bác được nhỉ. Em đang cần tham khảo tài liệu để học: Em cần thiết lập một đám mây, bao gồm thuê data storage, thuê dịch vụ tính toán, thuê máy chủ. Tuy nhiên em lại cần tích hợp nhiều nhà cung cấp khác nhau chứ không phải trọn gói của 1 nhà cung cấp. Vậy em nên phải xây dựng thế nào để có thể khi nào thích thì thuê nhà cung cấp này. Sau này không thích thì lại lấy dữ liệu về để chạy với nhà cung cấp khác mà không phải code lại hệ thống.
@kurt80 Hiện nay các giải pháp IaaS agnostic (không phụ thuộc hạ tầng) hiện ít, chưa tốt và rất đắt.
Move 1 instance ở AWS sang Azure ko khó nhưng ko phải là việc nói là làm ngay được, nhất là với hệ thống production.
Cho nên bạn nên xác định IaaS provider trước để phát triển.
kurt80
TÍCH CỰC
8 năm
@dac Em có đọc dịch vụ của AWS thì thấy họ không cho phép dùng dịch vụ của nhà cung cấp khác để sử dụng data trên hệ thống của họ đúng không bác. Nếu vậy thì cứ thuê bất kì cái gì của Amazon thì đều phải dùng trọn goicủa họ rồi. Em đang tính thuê lưu trữ, thuê máy ảo, thuê nền tảng sau đó tự cài Mongo và chạy. Như thế thì có thể khai thác được từ nhiều nhà cung cấp không hả bác?
@kurt80 Cái gì AWS họ cung cấp managed service thì ko nên tự làm.
Ví dụ thay vì tự manage 1 cái server chạy MongoDB thì có thể dùng AWS DynamoDB rẻ và tin cậy hơn.
Tât nhiên nếu bạn chỉ thuê máy chủ (EC2) thì bạn dùng cái gì khác AWS đâu có cấm được bạn.
Nói chung bạn nói rõ thêm nhu cầu thì mình mới tư vấn được. Ít nhât mình chưa thấy AWS thiếu cái gì cho các nhu cầu của khách hàng của mình từ trước tới giờ 😃
Cloud và mobility là nghề của mình.
Các bạn quan tâm muốn trao đổi (cả nghiêm túc lẫn chém gió) thì mình rất sẵn lòng
cuongdt12
ĐẠI BÀNG
8 năm
@dac Ngưỡng mộ bác quá. Bác cho mình hỏi là bên US, các dữ liệu y tế , benh án ... đã dùng cloud chưa. Mà các bác bây giờ là chuyên gia rồi thì chia sẻ kiến thức cho mọi người đi sau đi. Hy vọng ngày càng nhiều người Việt thành công như người Ấn tại Mỹ
@cuongdt12 Bên Mỹ chính phủ nó có private cloud của chính phủ. Rất nhiều hệ thống chạy trên cloud này
Mảng chính phủ mình ko rành nên ko chia sẻ được nhiều
@dac Hiện em đang làm đề tài liên quan đến an toàn điện toán đám mây bác ạ, "NGHIÊN CỨU MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐẲM BẢO AN TOÀN ĐIỆN TOÁN ĐÁM MÂY" , liệu em có thể làm demo liên quan đến đề tài này được không bác ? nếu có thì bác có thể cho em một số chỉ dẫn được không ạ !
@cuongdt12 Hầu hết các văn phòng Bác sĩ ở Mỹ đều đùng cloud để lưu trữ , hố sơ riêng, hệ thông máy tinh của toàn bộ văn phòng, do mỗi máy của từng nhân viên làm viêc khác nhau ,về bênh án thì tại Mỹ thì ngành y tế đã update phần mềm ICD 10 mình nghĩ là lưu trên Mây giống như các nước Châu Âu ( đi trươc Mỹ) bệnh án có thể kéo về xem ở bất cứ nơi đâu hoặc ngồi ở nhà miên là mình nhập đúng MK được cung cấp để làm việc,(bà xã đang làm về Billing)
Bạn có thể ngồi ở nhà làm viêc cho các vp bác sĩ về Billing và Insurance
Vơi hệ thống gần như toàn câu chính phủ sẽ kiểm soát dễ dàng từng bênh án đên bảo hiểm ,nên khó gian lận về y tế hơn xưa...
,

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019