Tham dự Tech Lounge

Tham dự Tech Lounge


Từ những thí nghiệm điên khùng, đáng sợ, sự lừa dối tình yêu đến kỹ thuật đặt ống thông tim mạch

ND Minh Đức
3/1/2016 8:56Phản hồi: 96
Từ những thí nghiệm điên khùng, đáng sợ, sự lừa dối tình yêu đến kỹ thuật đặt ống thông tim mạch
Một suy nghĩ táo bạo, dùng chính thân mình để thử nghiệm, bị ngăn cấm dữ dội, phải dùng "mỹ nam kế" để "lừa dối" những cô ý tá nhằm có đủ dụng cụ thí nghiệm và cả vật thí nghiệm,... cuối cùng thì chàng sinh viên y 24 tuổi Werner Forssmann đã phát triển thành công kỹ thuật đặt ống thông tim mạch, tạo nền móng vững chắc cho kỹ thuật chẩn đoán và phẫu thuật tim mạch sau này, góp phần cứu sống hàng triệu sinh mạng trên khắp thế giới. Với những cống hiến vĩ đại này, ông chẳng những được vinh danh bằng 1 giải Nobel, mà còn được ca tụng bởi tinh thần quên mình vì khoa học, bất chấp mọi thứ kể cả "sự lừa dối trong tình yêu."

Lên bàn phẫu thuật tim là cầm chắc cái chết!


Với trình độ y học hiện nay thì những ca phẫu thuật tim với tỷ lệ thành công cao, ít biến chứng và không còn quá đáng sợ đối với nhiều bệnh nhân lẫn bác sĩ. Thế nhưng bạn có biết vào những ngày đầu của ngành y, việc một bệnh nhân chết trên bàn mổ do chuẩn đoán tiền phẫu thuật sai là chuyện thường tình. Và bằng cách phát triển nên kỹ thuật đặt ống thông tim, bác sĩ người Đức Werner Forssmann đã thay đổi hoàn toàn điều đó và cho đến bây giờ, khi nói về ông, người ta luôn nhắc tới những thí nghiệm đáng sợ, nguy hiểm, táo bạo và chứa đầy "sự lừa dối".

forssmann.jpg
Werner Forssmann (1904- 1979) người đã dùng chính thân mình để thử nghiệm kỹ thuật đặt ống thông tim

Vào những ngày còn sơ khai của khoa ngoại tim mạch, các bác sĩ chỉ có chiếc ống nghe là phương tiện gần như duy nhất để chẩn đoán tiền phẫu thuật cho bệnh nhân. Mặc dù đã có phim X quang và điện tâm đồ nhưng kết quả là không đủ chính xác. Khi đó, các bác sĩ nghĩ rằng họ chỉ còn cách là mở một cái lỗ trên tim của bệnh nhân, tận mắt nhìn xem tình hình, tìm thấy thêm tình trạng phức tạp của các van tim,... vốn dĩ không có đủ thời gian để đưa ra giải pháp phẫu thuật thích hợp. Khi đó, họ chỉ còn biết tuyệt vọng nhìn bệnh nhân chết trên bàn mổ và tìm cách giải thích nguyên nhân của việc chẩn đoán sai để người thân của họ bớt đau buồn.


Trước khi phẫu thuật tim mạch, các bác sĩ cần phải có hình ảnh về các buồng tim, van tim và động mạch. Và do đó, cũng do những thảm kịch phẫu thuật tim đã kích thích sự phát triển của bộ trang bị X quang gọi là trung tâm thử nghiệm đặt ống thông và nong mạch tim. Nguồn gốc của kỹ thuật đặt ống thông tim là một câu chuyện không thể tin được trong lịch sử của ngành y học hiện đại. Mọi chuyện bắt đầu trước thế chiến thứ 2 tại một bệnh viện nhỏ ở Đức, cách Berlin chưa đầy 1 giờ lái xe.

Ý tưởng điên rồ của chàng sinh viên y vô danh 24 tuổi

Vào năm 1929, một người sinh viên Y 24 tuổi Werner Forssmann không hề nổi tiếng đã xuất hiện một ý tưởng luôn ám ảnh trong đầu ông. Ông lý luận rằng nồng độ thuốc tác động lên tim sẽ cao hơn nếu thuốc được đưa trực tiếp vào các buồng tim thay vì tiêm vào các tĩnh mạch ngoại vi vốn sẽ bị pha loãng ra. Dựa theo lý luận này, ông đề xuất kỹ thuật đặt một cái ống từ tĩnh mạch cánh tay trực tiếp vào tâm nhĩ phải để bơm thuốc. Tuy nhiên, không có ai dám thử điều này hoặc nếu có, thì họ cũng không bao giờ thừa nhận điều mà thời bấy giờ được cho là điên rồ này.

chauveau_experiment.jpg
Dựa theo thí nghiệm đặt ống thông tim được thực hiện thành công trên một con ngựa bởi bác sĩ thú y Auguste Chauveau cách đó 75 năm, Forssmann đã lần đầu tiên tiến hành thí nghiệm tương tự trên người.

Theo suy nghĩ thông thường, cũng giống như phẫu thuật tim, việc đưa một cái ống vào trong tim có nguy cơ cao dẫn tới rung tâm thất, khi đó cơ tim không còn co bóp như bình thường nên cũng không thể bơm máu đi được nữa và nhất định là bệnh nhân sẽ tử vong. Ngược lại, Forssmann lý luận ủng hộ ý tưởng của ông rằng cách đó 75 năm, một bác sĩ thú y người Pháp là Auguste Chauveau đã tiến hành thử nghiệm này thành công trên ngựa. Và do đó, ông đề xuất ý tưởng của ông tới bác sĩ trưởng khoa của bệnh viện là Peter Schneider.

Bác sĩ Schneider nhanh chóng đưa ra câu trả lời rất dứt khoát và rõ ràng: "Tôi không thể cho phép anh thực hiện thử nghiệm này trên bệnh nhân." Và tất nhiên, phản ứng của Forssmann là không đồng tình với câu trả lời này. Cuối cùng, ông muốn tiến hành thí nghiệm trên chính cơ thể ông và chấp nhận mọi rủi ro có thể xảy ra. Bác sĩ Schneider thật sự sốc trước tuyên bố mà ông cho là hết sức ngớ ngẩn và hùng hồn của chàng sinh viên trẻ tuổi Forssmann. Tất nhiên, việc thử nghiệm trên chính cơ thể của Forssmann cũng không được Schneider chấp nhận.

Hỡi các cô y tá trẻ, đừng tin lời đường mật của chàng bác sĩ ấy!


Trước sự ngăn cấm mạnh mẽ của bác sĩ Schneider, Forssmann giả vờ chấp nhận lời phản đối. Khi đó, mặc dù rất muốn tiến hành thử nghiệm nhưng ông không có bất cứ chiếc ống thông nào. Thậm chí ông còn bị cấm đụng vào tất cả các trang bị phẫu thuật cần thiết tại bệnh viện. May mắn thay, Schneider không hề biết rằng Forssmann vẫn còn có một "tài sản" khác: những cô y tá đang tới tuổi lấy chồng vốn hâm mộ chàng bác sĩ trẻ tuổi và luôn ủng hộ những ý tưởng đầy thách thức của anh ta.

Quảng cáo



Forssmann kể lại rằng: "Tôi đã dành một vài ngày để đi theo và tán tỉnh cô y tá Gerda Ditzen như một con mèo vờn quanh miếng mồi béo bở. Thật dễ dàng để tìm thứ gì đó tâm sự với cô ta, và cô ấy đã mời tôi về văn phòng làm việc nhỏ nhắn của cô ấy. Dần dần, tôi đã có được người phụ tá sẵn lòng giúp tôi mọi việc." Và bạn có biết cô ý ta Ditzen quan trọng cỡ nào? Cô ấy là người giữ chìa khóa kho thiết bị vô trùng của bệnh viện.

Sau 2 tuần say đắm trong những lời có cánh của Forssmann, cuối cùng thì Ditzen cũng bị khuất phục và cô tỏ ra rất thấu hiểu hình phạt mà Schneider đã đặt ra cho Forssmann, đồng thời muốn cùng anh vượt qua nó. Những gì diễn ra sau đó là ngoài sức tưởng tượng. Ditzen đã đi tới kho chứa đồ, mở cửa toàn bộ và lấy ra đầy đủ các trang bị, bao gồm cả dao mổ, một chai thuốc gây tê cục bộ và một ống thông vốn được thiết kế để thông ống dẫn tiểu từ bàng quang.

Sau đó, 2 người đã đi tới một phòng trống cách biệt trong bệnh viện, đóng cửa lại và chuyện gì đến rồi cũng đến. Ditzen nằm ngửa xuống giường bệnh, bất lực trước những lời "cám dỗ" đường mật của Forssmann, rằng cô là đối tượng đầu tiên trong thí nghiệm điên rồ của ông. Với sự tự nguyện dâng hiến của Ditzen, Forssmann nhanh chóng tiến hành những thí nghiệm mà ông đã bị ám ảnh trong đầu suốt thời gian qua.

Forssmann hồi tưởng lại: "Với vận tốc của ánh sáng, tôi ghì cô ấy lại thật chặt, sau đó trói tay cô lại. Thật ngạc nhiên là cô ấy chấp nhận lời giải thích của tôi rằng tất cả những điều đó là để cô ấy không rơi khỏi bàn vì không ai giúp tôi. Sau đó, tôi đẩy bàn để dụng cụ phẫu thuật lên phía sau đầu của cô ấy để không thấy được những gì tôi sắp làm."

Liệu Forssmann có đi theo vết xe đổ của nhiều người trước đó, chỉ đơn giản là tiến hành các thí nghiệm điên rồ để tự thỏa mãn bản thân? Ông có vi phạm đạo đức khi tiến hành thử nghiệm trên một cô y tá vốn không còn khả năng tự vệ bởi chính tình yêu dành cho ông? Ông đã thôi miên người phụ nữ ấy và sẽ thật sự thử nghiệm trên một người phụ nữ trẻ khỏe mạnh? Mỗi bác sĩ, bất kể ngôn ngữ nào, đều phải thuộc nằm lòng "Primum non nocere" nguyên tắc đầu tiên của y đức, được viết bằng tiếng Latin với nghĩa là "First, do no harm!", tạm dịch: "Trước hết, không làm điều có hại." Phải chăng Forssmann đã sẵn sàng từ bỏ nghề nghiệp của ông và thậm chí tệ hơn, gây nguy hiểm đến tính mạng của một phụ nữ đã mê đắm ông chỉ vì phục vụ ý tưởng của bản thân?

"Nhìn thấy ánh mắt long lanh của cô ấy, tôi đã tự rạch một vết trên chính cánh tay... của tôi!"

Quảng cáo



slide_3.jpg
Forssmann kể lại: "Với đôi mắt long lanh đang ở bên dưới khuỷu tay trái của tôi. Tôi nhanh chóng rạch một vết trên chính cánh tay... của tôi và đẩy cái ống thông sâu 30 cm vào bên trong. Sau đó tôi băng lại bằng gạc và đặt một cái kẹp vô trùng lên đó. Tiếp theo tôi cởi trói cho Ditzen và nới lỏng các dây đai quanh đầu gói của cô."

Với cái ống thông tiểu nhô ra từ cánh tay giống như một con rắn trong những bộ phim kinh dị, ông và người bạn y tá với khuôn mặt tái xanh không nói nên lời Ditzen đã cùng nhau đi tới một phòng chụp x quang ở dưới tầng hầm của bệnh viện. Căn phòng đã bị các kỹ thuật viên hình ảnh khóa lại để ngăn chặn ai đó thực hiện ý tưởng điên rồ giống như Forssmann. Khi đó, Forssmann đã đánh thức một người bạn thường uống rượu chung của ông là Peter Romeis đang ngủ trưa dậy, lao vào phòng X quang để rồi hét lên bảo ông phải ngừng cái hẹn với thần chết lại.

Forssmann luôn bướng bỉnh và thiếu thận trọng, nhưng bây giờ ông đã đầu tư rất nhiều vào nghiên cứu của mình và ông sẽ tự tin kiên quyết hoàn tất nó. Ông bật đèn màn hình huỳnh quang dùng để chụp và xem hình ảnh x quang lên. Ông nhớ lại: "Đúng như tôi dự đoán, ống thông đã chạm tới đầu xương cánh tay (đầu vai). Romeis muốn tôi ngừng lại và rút nó ra. Nhưng tôi không hề nghe. Tôi đẩy cái ống đi xa hơn nữa, tới độ sâu khoảng 60 cm. Romeis thì cứ cố gắng kéo cái ống ra khỏi tay tôi. Còn tôi thì chống cự lại và hét lên "này này, tôi phải đẩy nó vào.". Tôi đá vào cẳng chân của anh ấy và đẩy ống thông cho tới khi... đầu ống chạm vào tim tôi."


Thử nghiệm thành công! Sự phản đối của cộng đồng, bị khinh rẻ, coi thường


catheter.jpg
Ảnh chụp X quang sau khi Forssmann đã đặt ống thông từ cánh tay chạm tới tim của ông ấy.

Và kết quả? Không có gì xảy ra. Tim của Forssmann không hề loạn nhịp, không hề có hiện tượng rung thất, không có bất cứ ai ngã xuống sàn nhà. Bấy giờ, Forssmann ra lệnh chắc nịch: "Chụp ảnh!". Hình ảnh chụp được cho thấy ống thông đã chạm tới tâm nhĩ phải và nó quá ngắn để có thể đẩy vào sâu hơn.

Và mọi chuyện đã tới tai bác sĩ Schneider, ông nổi cơn thịnh nộ vì Forssmann không tuân lệnh cấm của ông và đã tự ý hành động. Tuy nhiên, cơn giận của ông đã dịu đi khi nhìn thấy bức ảnh chụp X quang sau khi Forssmann tiến hành đặt ống thành công và thực tế, tình hình sức khỏe của ông vẫn bình thường. Trong suy nghĩ của Schneider bắt đầu có sự đối lập: liệu hành động của Forssmann chỉ đơn giản là thỏa trí tò mò hay thật sự là một thành công quan trọng? Liệu việc đặt một cái ống vào tim có giá trị cứu sống các bệnh nhân?

Schneider thừa nhận rằng ông không biết bởi lẽ trước đó chưa hề có ai điều trị theo kiểu này. Vì vậy, ông đã cho phép Forssmann thử đặt ống trên tử thi của một người phụ nữ trẻ chết do phá thai hỏng. Trong thời đại trước khi có sự ra đời của thuốc kháng sinh, các bác sĩ cho rằng tình trạng của nữ bệnh nhân này có thể được giải quyết nếu như tìm được cách đưa thuốc vào tim nhưng chưa có ai dám thực hiện nên kết quả là không chắc. Sau đó, Schneider cho rằng việc để Forssmann thử nghiệm đặt ống là nguy cơ nhiều hơn lợi ích. Do đó ông chấm dứt mọi nghiên cứu của Forssmann trên các bệnh nhân. Dù vậy, Forssmann vẫn không nản lòng. Ông tiếp tục tiến hành các nghiên cứu, bơm chất cản quang vào tim của những con chó và tiếp tục các thử nghiệm trên chính bản thân ông.

Người ta kể lại rằng Forssmann chỉ dừng các thí nghiệm lại khi ông đã sử dụng hết các tĩnh mạch trên cánh tay và đã tự cắt mạch của mình 17 lần. Vào năm 1929, ông công bố kết quả nghiên cứu lên Deutsche Medizinische Wochenschrift, tạp chí y khoa uy tín hàng đầu nước Đức. Lúc bấy giờ, phản ứng của gần như toàn bộ giới y học là khinh miệt và xa lánh ông một cách dữ dội. Họ cho rằng một ống thông vào tim không cung cấp bất cứ giá trị gì, lại còn tiềm ẩn những rủi ro rất lớn.

Khi đó, hình ảnh bác sĩ Forssmann trong mắt của nhiều đồng nghiệp khác đã chuyển từ một chàng sinh viên bướng bỉnh thành một người đàn ông điên rồ, nguy hiểm, thậm chí là một người không xứng để trở thành bác sĩ. Nghiên cứu của ông bị quy chụp là vô nghĩa, bị từ bỏ tại bất cứ tổ chức y tế nào. Tuy nhiên, ông nhận ra rằng cánh cửa bước vào ngành tim mạch tại Đức của ông đã khép lại và ông không thể đi xa hơn trong lĩnh vực này.

Khi tới Berlin, Forssmann phát hiện ra nhiều điều mớ lạ khác. Có một vòng xoáy kỳ lạ của định mệnh trong cuộc đời Forssmann, ông đã từng dùng ống dẫn tiểu để thông tim và ông chợt nghĩ rằng tại sao mình không tham gia học ngoại tiết niệu. Cứ ngỡ như ông sẽ không bao giờ quay đầu lại, không bao giờ tiếp tục nghiên cứu tim mạch nữa nhưng rồi không lâu sau đó, ông đã chứng minh được rằng kỹ thuật đặt ống thông tim của ông là an toàn và có thể sử dụng để tạo ra sơ đồ buồng tim của bệnh nhân.

Tuy nhiên trong suốt 10 năm sau đó, toàn bộ cộng đồng y học vẫn tiếp tục khinh miệt lập luận của ông. Để tất cả mọi người có một cái nhìn khác, Forssmann tiếp tục lên kế hoạch thực hiện một kế hoạch thử nghiệm với độ táo bạo không kém gì lần đầu tiên.

Thế chiến thứ 2 nổ ra làm thay đổi thế giới, người Mỹ xuất hiện và thay đổi luôn cách nhìn nhận về kỹ thuật của Forssmann


Thế chiến thứ 2 bùng nổ, khắp châu Âu chìm trong bom đạn và người Mỹ bắt đầu chú ý nhiều hơn tới châu Âu mà cụ thể là nước Đức. Khi đó, 2 bác sĩ người Mỹ là André Cournand và Dickinson Richards tại bệnh biện Bellevue, New York cho rằng họ có thể dùng kỹ thuật đặt ống thông tim vốn bị nhạo báng của Forssmann để phục vụ cho phương pháp ghi nhận huyết áp, mạch và hình ảnh của buồng tim. Khi đó Richards chịu trách nhiệm tập trung nghiên cứu huyết áp và mạch còn Cournand chụp hình khoang tim bằng cách tiêm thuốc nhuộm tia X mật độ cao vào.

cournand.jpg
Bác sĩ André Cournand (quay mặt về phía ống kính trong ảnh bên trái) và bác sĩ Dickinson Richards (đang thăm bệnh nhân trong ảnh bên phải) đã cùng nhau sử dụng kỹ thuật của Forssmann để hoàn thiện kỹ thuật chụp hình tim. Cuối cùng cả 3 người đã được trao giải Nobel Y học vào năm 1956

Khi chiến tranh nổ ra, những nghiên cứu phức tạp của họ được chuyển thành mệnh lệnh cấp bách. Việc đo lường áp lực trong tim, lượng máu ra vào tim có thể hỗ trợ cứu sống các binh sĩ bị sốc do chấn thương. Chiến tranh đã biến kỹ thuật của Forssmann thành một công cụ thiết thực phục vụ điều đó. Sau chiến tranh, với sự khai sinh mạnh mẽ của ngành phẫu thuật tim, việc chẩn đoán sai trở thành cơn ác mộng trong giới y học.

Bấy giờ, 2 bác sĩ là Clarence Dennis tại Minnesota và John Gibbon tại Philadelphia đã tạo ra chiếc máy tim phổi đầu tiên cho bệnh nhi. Tuy nhiên, kết quả đã thất bại do không thể chẩn đoán được bản chất của bệnh tim bẩm sinh, gây ra cái chết cho 2 đứa trẻ ngay trên bàn mổ. Để hình dung được những bất thường về mặt giải phẫu của một đứa trẻ trước khi mở lồng ngực ra phẫu thuật, các bác sĩ cần phải có hình ảnh chi tiết của 4 buồng tim và các động mạch chủ. Bấy giờ, phương pháp của Cournand và Richards dựa trên kỹ thuật đặt ống thông của Forssmann đã được mang ra sử dụng.

cardiac_surgeons.jpg
Các bác sĩ phẫu thuật tim vào những năm 1940 đã sử dụng máy chụp X quang để theo dõi quá trình đưa ống thông tĩnh mạch vào tim của bệnh nhân.

Tại đại học John Hopkins ở Baltimore, theo mệnh lệnh của bác sĩ ngoại tim mạch Alfred Blalock, Richard Bing đã thành lập trung tâm thử nghiệm đặt ống thông và nong mạch tim đầu tiên tại Hoa Kỳ. Tại Boston, bác sĩ Lewis Dexter đã phối hợp cùng Dwight Harken cũng mở trung tâm tương tự. Những hình ảnh đầu tiên bên trong động mạch vành đã được đưa ra nhưng vẫn còn khá sơ khai. Nguyên nhân chủ yếu là do tim hoạt động liên tục trong khi hình ảnh chỉ có thể chụp lại tại một thời điểm. Điều các bác sĩ cần là video chứ không phải là ảnh tĩnh.

Ngành công nghiệp thiết bị y khoa nhanh chóng đáp lời bằng cách tạo ra máy ghi hình tim liên tục tự động, cho ra một loạt những bức ảnh tim liên tiếp. Không lâu sau đó là máy ghi hình hoạt động của tim. Những thước phim đầu tiên ghi lại hoạt động của tim với tốc độ 2 fps. Mặc dù đã có phim, nhưng thì mọi chuyện chỉ mới là khởi đầu cho nhiều cải tiến về mặt công nghệ sau đó.

Nhìn những thành tựu của ngày nay, hãy thầm cảm ơn chàng "bác sĩ điên" Forssmann.... và phần kết của câu chuyện!


heart_monitoring.jpg
Ngày nay, chúng ta đã có được những hình ảnh kỹ thuật số của tim và các động mạch với nhiều màu sắc trong không gian 3 chiều. Nhưng bạn có biết những hình ảnh đầu tiên chẳng khác gì bộ phim hài Charlie Chaplin và nếu so với ngày nay là đầy kỹ xảo điện ảnh của Chiến tranh giữa các vì sao: thần lực thúc tỉnh. Khi xưa, trước ca phẫu thuật, các bác sĩ tranh luận về những chẩn đoán, còn giờ đây, họ đã biết chẩn đoán và họ tranh luận về hướng điều trị.

Quên kể với các bạn phần kết của câu chuyện về bác sĩ Forssmann nữa. Vào năm 1932, 3 năm sau khi ông rời khỏi miền Eberswalde, Forssmann đã gia nhập Đảng Quốc xã. Khi chiến tranh nổ ra ở mặt trận Đông Âu, ông đã tham gia đội ngũ quân y ở chiến trường Nga. Khi binh đoàn Wehrmacht bị đánh bại tại cánh đồng tuyết ở Leningrad bởi sự phản công quá mạnh của Hồng Quân Liên Xô, ông đã may mắn bỏ chạy, cuối cùng đến một dòng sông phân giới giữa quân Liên Xô và Mỹ.

Sợ bị cầm tù trong các trại tập trung tù nhân chiến tranh nổi tiếng tại Nga, ông đã lao mình xuống dòng nước lạnh thấu xương và bơi về phía bờ bên kia, để bị bắt bởi quân Mỹ. Đó là thời điểm tồi tệ nhất cuộc đời ông. Sau khi chiến tranh kết thúc, ông trở về với nghề bác sĩ tiết niệu tại một phòng khám tư. Trong những năm sau đó, ông nhiều lần xin lỗi vì đã tham gia vào Đảng Quốc xã. Vào năm 1956, Werner Forssmann - người từng được coi là vô dụng đối với Y học đã được xướng danh cùng với Cournand và Richards trong buổi lễ công bố giải Nobel Y học. Thế giới Y học đã hoàn toàn đảo ngược ý kiến về ông.

Werner Forssmann.jpg

Cuối cùng, lời phán quyết đã được trao về tay lịch sử. Một chàng sinh viên điên khùng, bướng bỉnh với suy nghĩ không giống ai, "lừa gạt tình cảm" của một cô y tá nhẹ dạ, khiến cô dâng hiến cả tính mạng cho người mình yêu, trói cô ta trên giường, để rồi tự rạch tay mình và đưa ống thông vào, người từng bị phần còn lại của thế giới phỉ báng,... lại được lịch sử chứng minh là đúng. Và suy cho cùng, có lẽ ngoài những cống hiến quên mình cho khoa học, khi nhắc tới cái tên Werner Forssmann, không ít người sẽ nhắc tới một giải Nobel đầy táo bạo và lãng mạn của chàng thanh niên đến từ Đức, người đã góp phần cứu sống hàng triệu sinh mạng ngày nay.

96 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

coi cái hình có cái van gì gắn trong người ghê quá nhỉ
huy9988
CAO CẤP
8 năm
Thánh sống!!
Fantasticman
ĐẠI BÀNG
8 năm
Khâm phục, vì nền y học nhân loại mà hy sinh thân mình thí nghiệm...
nmtrithuysan
ĐẠI BÀNG
8 năm
Thật vĩ đại
hitechever
TÍCH CỰC
8 năm
Quá gây cấn khi đọc hết bài dịch của Tinh Tế! Tôi rất thích kiểu "khoa học" như thế này. Mong các mod sẽ viết nhiều lôi cuốn hơn nữa trong thời gian sắp tới
einstein???
ĐẠI BÀNG
8 năm
@hitechever mình cũng ngồi đọc sạch cả bài,hay thật
Lâu rồi mới đọc được một bài hay thế này 😃 cảm ơn mod ndminhduc
Giống Arnold Schwarzenegger nhỉ 😃


[​IMG]
@df ht tt i'm be back
deltaduong
ĐẠI BÀNG
8 năm
Ảnh hút thuốc vừa nghiên cứu trông chất thế
@deltaduong Hút thuốc đâu cha nọi, đang ngậm ống nghiệm mà.
3d8x
ĐẠI BÀNG
6 năm
@deltaduong tường làm điếu xì gà chứ... há há há.
cống hiến quên mình cho khoa học ...
kết câu này nhất
t3k_ken
ĐẠI BÀNG
8 năm
Bác nào muốn tìm hiểu thêm về bác này thì coi phim nhé 😁. Phim rất hay về phẫu thuật tim cùng nhiều vấn đề xã hội khác thời bấy giờ.

https://en.wikipedia.org/wiki/Something_the_Lord_Made
Pop-up
TÍCH CỰC
8 năm
quá tuyệt vời @@
Nếu thất bại trong thử nghiệm ông sẽ mang danh bác học điên suốt đời
dirtylove
ĐẠI BÀNG
8 năm
bài này rất hay những con ng như vậy mới trở lên vĩ đại đc
Có ai giống mình ko? bài viết dài nhưng vẫn đọc hết ko bỏ sót từ nào, quá hay.
Lịch sử đã chứng minh một chân lý cho sự thành công đó là dù mục tiêu phấn đấu có là gì, có điên khùng táo bạo hay tốt đẹp cỡ nào thì muốn thành công trước hết là phải ĐẸP TRAI 😁
quangduy90
TÍCH CỰC
8 năm
dựng thành phim được luôn ấy chứ
tg791147
TÍCH CỰC
8 năm
Bài viết rất hay, cảm ơn ông nhà khoa học chân chính.
anphuoc08
ĐẠI BÀNG
8 năm
Bài viết hay.
Nhưng có ai đọc tiêu đề hơn 4 lần (chưa vào đọc bài) mà không hiểu như em k?
@anphuoc08 em chưa đọc tiêu đề mà vào luôn, giờ nghe bác nói mới để ý, trìu tượng quá/o_Oo_O

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019