Khung logic và vòng tròn linh cảm

19/3/2016 11:29Phản hồi: 2
Khung logic và vòng tròn linh cảm
vitruvius.JPG
“Những điều chúng ta đã biết chỉ là một giọt nước, còn những gì chúng ta chưa biết là cả một đại dương mênh mông.”

Phát biểu trên có thể hiểu là những gì mà con người có thể kiểm soát trong cuộc sống chỉ là một giọt nước và còn cả một đại dương của những nguy cơ, hiểm họa đang đe dọa tới cuộc sống của con người. Chẳng biết đến bao giờ thì loài người mới chinh phục được cái đại dương tri thức này để có thể yên tâm mà sống. Dựa vào tri thức để sinh tồn chỉ là cách tạm bợ, không phải là cách lâu dài. Chúng ta cần một điểm tựa phù hợp hơn trong cái thế giới “không thể biết hết” này.

Bạn đã bao giờ nghe nói đến từ “chứng ngộ” chưa? Đức Phật định nghĩa “chứng ngộ” hay “giác ngộ” có nghĩa là “không còn đau khổ nữa”. Người không còn đau khổ nữa hẳn phải luôn cảm thấy tự chủ trong cuộc sống của mình. Nếu bạn là một người chứng ngộ, cái đại dương của những điều chưa biết kia thay vì đe dọa bạn, hủy diệt bạn thì lại chở che cho bạn. Hãy hình dung tâm trí bạn là một ngôi nhà vuông vức. Tri thức giống như đồ đạc được lấp đầy trong ngôi nhà. Ngôi nhà tâm trí này của bạn sẽ bị làm rối tung lên hoặc thậm chí sụp đổ trước những đợt sóng thần đến từ đại dương của những điều chưa biết. Còn nếu tâm trí bạn là một cái hố tròn thì sao? Vậy thì bạn không những không phải sợ những trận sóng thần kinh khiếp kia mà còn được đại dương của những điều chưa biết chủ động giúp đỡ. Thông tin liên tục chảy xuống cái hố tâm trí của bạn, khiến cho bạn luôn nhận biết được hiện thực. Cái hố tâm trí của bạn trở thành một phần của đại dương những điều chưa biết.
Khung logic và vòng tròn linh cảm.JPG
Trí não của bạn chia làm hai vùng tư duy là vùng tư duy ý thức và vùng tư duy vô thức. Tư duy ý thức là tư duy dựa trên suy luận logic. Nó mang tính cứng nhắc, tuyến tính nhưng ưu điểm là rõ ràng. Vùng tư duy ý thức có thể được minh họa bằng một hình vuông và ta hãy gọi hình vuông này là khung logic. Tất cả mọi kiến thức, kinh nghiệm mà bạn tích lũy được trong đời sẽ được cất giữ cả trong cái khung logic này. Một kiến thức hay kinh nghiệm mới cũng giống như một đồ đạc mà bạn mới tậu cho ngôi nhà yêu quý của mình. Thêm đồ đạc mới thì cần phải có sự điều chỉnh, bố trí lại một vài hoặc tất cả các đồ đạc khác để đặt thứ đồ mới sắm vào sao cho nhìn ngôi nhà trông gọn gàng, hài hòa. Khung logic chính là nơi trú ẩn an toàn cho tâm trí bạn. Khung logic sẽ lớn dần theo thời gian. Khung logic này chịu áp lực phải giải thích được tất cả mọi sự kiện, hiện tượng mà bạn gặp phải trong cuộc sống. Hành vi chỉ được phát sinh sau khi khung logic đã giải thích thành công sự kiện, hiện tượng đó. Nếu thất bại, khung logic sẽ bị rối loạn, tạm thời tan vỡ và khiến bạn phát điên lên. Hành vi của bạn sẽ trở nên mất kiểm soát.

Tư duy vô thức là tư duy dựa trên linh cảm và trí tưởng tượng. Linh cảm là chức năng nhận thức tầm xa nhất và ưu việt nhất của trí não. Nó linh hoạt, biến hóa, có thể giúp bạn luôn biết phải làm gì nhưng sự tác động của linh cảm đến trí não thường là mơ hồ, khó hiểu chứ không rõ ràng như logic. Chúng ta có thể minh họa linh cảm bằng một hình tròn. Hãy gọi hình tròn này là vòng tròn linh cảm. Trí tưởng tượng là thành quả hợp tác giữa vòng tròn linh cảm và khung logic. Nhìn hình minh họa, bạn sẽ thấy toàn bộ khu vực bên ngoài vòng tròn linh cảm chính là đại dương của những điều chưa biết. Vòng tròn linh cảm giống như một cái phễu thu hút mọi thông tin từ đại dương của những điều chưa biết mang vào trong bộ não. Quá trình đi từ mơ hồ đến rõ ràng của những thông tin này tạo nên trí tưởng tượng. Sau khi tưởng tượng ra được, trí não nhanh chóng tổng kết ra được logic để giúp bạn nhận định đúng mọi sự kiện và đề ra hành vi phù hợp nhất, khả thi nhất. Kết quả của nhiều cuộc thử nghiệm cũng cho chúng ta thấy vùng tư duy vô thức giải quyết các vấn đề khó hiệu quả hơn rất nhiều so với vùng tư duy ý thức. Vùng tư duy vô thức hoạt động giống như chiếc ăng-ten parabol thu hút các sóng thông tin trong vũ trụ, xử lý các thông tin đó rồi truyền tới vùng tư duy ý thức để mã hóa chúng thành ngôn ngữ lời nói.

Mô hình vuông-tròn này giúp chúng ta nhìn thấy bức tranh đơn giản của hoạt động trí não. Chỉ khi vòng tròn linh cảm và khung logic kết hợp chặt chẽ với nhau thì bạn mới có thể luôn cảm thấy bình an trong cuộc sống. Bạn cảm thấy mình hòa nhập hoàn toàn với vũ trụ này. Vũ trụ sẽ luôn kể cho bạn nghe về nó chứ bạn không cần phải cất công đi tìm hiểu nó nữa. Cùng một lúc, bạn được hưởng thụ hai cái lợi đó là lúc nào cũng biết phải làm gì, không bị bế tắc tâm trí, và cái lợi thứ hai đó là vẫn được hưởng thụ niềm vui khám phá thế giới từ giờ cho đến già. Tích lũy tri thức không còn là điều kiện cần đối với tâm trí bạn nữa mà trở thành điều kiện đủ. Thực tế là không phải điều gì trên đời này chúng ta cũng có duyên được học. Vả lại, có cần thiết phải trên thông thiên văn dưới tường địa lý chỉ vì lý do sinh tồn không? Tri thức sẽ không phải là điểm tựa chính nữa mà chính là trí tuệ. Người có trí tuệ có khả năng nhìn ra được vô vàn cách sử dụng khác nhau của cùng một công cụ cũng như thấy được cách kết hợp hiệu quả nhất giữa các công cụ khác nhau. Bạn có thể chỉ biết một thứ nhưng có thể dùng nó để giải quyết tất cả mọi vấn đề trong cuộc sống.

Tuy nhiên, làm sao để ứng dụng được trực giác đã là một câu hỏi lớn của con người kể từ khi chức năng này của trí não được thừa nhận là tồn tại. Hình tròn là cái gì đó linh hoạt, chủ động trong khi hình vuông thì cứng nhắc, bị động. Sự bị động và cứng nhắc của khung logic tạo cho bạn cảm giác an toàn và bạn hoàn toàn có thể điều chỉnh bất cứ thứ gì có trong khung logic. Đối với logic, bạn ở thế chủ động, nhưng đối vòng tròn linh cảm thì bạn lại ở thế bị động. Linh cảm tự do còn hơn cả trí tưởng tượng cho nên nó muốn đến thì đến, muốn đi thì đi, ngoài tầm chi phối của bạn. Khung logic giống như mặt đất, vòng tròn linh cảm giống như bầu trời. Trời ban xuống nắng thì đất phải nhận nắng, trời ban xuống mưa thì đất phải nhận mưa chứ đất không thể đòi hỏi. Vô thức linh hoạt hơn ý thức nên chỉ có vô thức chi phối ý thức chứ ý thức không thể chi phối vô thức được. Tuy vậy, ý thức có thể tạo điều kiện để vô thức tác động đến ý thức hiệu quả hơn. Nhìn vào mô hình vuông-tròn ở trên, bạn thấy rằng bất cứ thứ gì nằm bên trong hình vuông đều có thể bị chi phối còn bên ngoài hình vuông thì không. Do đó, chỉ cần ta đặt vòng tròn linh cảm vào bên trong một khung logic là có thể chi phối được nó rồi. Trên đời này chỉ có một khung logic duy nhất luôn lớn hơn vòng tròn linh cảm đó chính là khung logic của sự không tồn tại.

Vũ trụ này tuy rộng lớn là vậy nhưng thực ra chỉ gồm có ba thứ đó là không gian, vật chất và năng lượng. Điều đó có nghĩa là chỉ cần biết tính chất của ba thành phần này là có thể suy ra được mọi điều, từ những điều đã biết tới những điều chưa biết. Tính chất của ba thành phần này hiểu theo ngôn ngữ toán học tương ứng là: không gian là một điểm duy nhất nhưng lớn tới vô hạn, vật chất là một tập hợp vô số điểm nằm sát cạnh nhau, năng lượng là một tập hợp vô số điểm di chuyển liên tục. Hiểu theo ngôn ngữ vật lý thì tính chất của ba thành phần như sau: không gian chỉ là một điểm nên tạo ra tĩnh lực, vật chất luôn kết dính lại để hình thành các kết cấu nên tạo ra lực hấp dẫn, năng lượng mang tính tách rời và di chuyển liên tục nên tạo ra lực dao động. Tĩnh lực là một loại lực hạn chế sự chuyển động. Lực dao động và lực hấp dẫn đều là động lực và là hai loại lực trái dấu nhau. Lực dao động thì đẩy, lực hấp dẫn thì kéo. Chúng triệt tiêu nhau. Năng lượng chính là nội tạng của các sự kiện còn vật chất chính là phủ tạng của các sự kiện. Các sự kiện đều do năng lượng gây ra và chúng chẳng có nội dung gì, giống như những con ma-nơ-canh trần trụi. Vật chất đóng vai trò viết nên nội dung của các sự kiện. Chúng ta không tồn tại mà chỉ có cảm giác đang tồn tại bởi sự tác động tương sinh tương khắc của ba thành phần tự nhiên này mà thôi. Đây chỉ là một ví dụ cho logic của sự không tồn tại. Bạn có thể diễn giải mọi thứ theo một cách khác, nhưng điểm chung là phải đơn giản, bao trùm, khẳng định rằng mọi cảm giác về sự tồn tại cũng như các sự kiện xảy ra đều không thật mà là do các quy luật vật lý. Chỉ có các quy luật vật lý là tồn tại.

Vũ trụ này to lớn đến đâu thì khung logic của sự không tồn tại to lớn đến đó. Nếu vũ trụ là vô hạn thì khung logic của sự không tồn tại cũng lớn tới vô hạn. Vòng tròn linh cảm chỉ hoạt động trong vũ trụ và do đó, nó luôn nằm trong khung logic của sự không tồn tại và chịu sự chi phối của khung logic này. Khi bạn tư duy không tồn tại, tâm trí bạn sẽ vô vi hơn và nhận được sự trợ giúp mạnh hơn từ linh cảm. Những tri thức cốt lõi, đơn giản của tư duy không tồn tại sẽ giúp bạn tưởng tượng, hình dung về mọi thứ rõ ràng hơn và nhanh chóng hơn, bổ sung thêm cho khung logic của bạn. Thông qua lập luận sâu và trải nghiệm thực tế, bạn sẽ hiểu một cách tường tận và chi tiết về những điều bạn đã biết. Điều này giúp cho khung logic, ngôi nhà an toàn của tâm trí bạn, trở nên đặc hơn. Khung logic càng đặc thì bạn càng an tâm khi trú ẩn ở trong đó cũng như dễ dàng đề ra được phương hướng hành động. Khi phải đối mặt với những sự kiện, hiện tượng bạn chưa từng gặp, khung logic của bạn sẽ không có khả năng giải thích, hoặc nếu có giải thích được cũng sẽ không chặt chẽ, mang tính khiên cưỡng, khiến bạn không an tâm và đề ra được đường lối hành động phù hợp nhất. Khung logic của sự không tồn tại bởi chỉ nói về những điều cốt lõi nên nó rất loãng, không tạo cho bạn nhiều cảm giác bình an và cũng không hướng dẫn hành động nhưng bù lại, nó bao trùm mọi sự kiện, hiện tượng trong vũ trụ này. Nếu khung logic của tâm trí bạn là một ngôi nhà kiên cố thì khung logic của sự không tồn tại chính là mặt đất nơi mà ngôi nhà đó được xây dựng. Có mặt đất rồi thì chúng ta có thể yên tâm bước ra khỏi ngôi nhà logic của mình để tự do đi theo linh cảm và trí tưởng tượng tới bất cứ đâu. Khi gặp phải những vấn đề, sự kiện, hiện tượng mà bạn chưa gặp bao giờ và không biết nên làm gì là đúng thì trước tiên, hãy cố miêu tả nó bằng kiến thức cốt lõi. Nếu như linh cảm là một chú chim tự do thì kiến thức cốt lõi chính là cái tổ chim. Khi bạn đưa cái tổ chim đó vào trong trí não mình thì chú chim linh cảm sẽ nhanh chóng bay vào đầu bạn và nói cho bạn biết tất cả mọi điều mà nó thấy, đồng thời mách bảo cho bạn biết phải làm gì là tốt nhất. Lời nói của chú chim linh cảm còn tốt hơn gấp vạn lần kiến thức và kinh nghiệm. Linh cảm sẽ luôn giúp bạn đề ra những hành động tiếp theo tốt nhất. Những kế hoạch của bạn cho dù là ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn đều không có tác dụng bằng linh cảm bởi chúng là những hình vuông cứng nhắc, rất dễ bị phá vỡ bởi sự thiên biến vạn hóa của cuộc sống. Linh cảm và trí tưởng tượng luôn linh hoạt, thần kỳ như chiếc túi của mèo máy Doraemon. Dù đối mặt với tình huống khó khăn thế nào, nó vẫn cho bạn được câu trả lời và bạn sẽ luôn cảm thấy bị bất ngờ và thú vị trước những câu trả lời đó.
2 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

khá khó hiểu nhỉ
@TrangThyTran Một điều bạn được nghe cùng lắm chỉ khiến bạn tin, chỉ có trải nghiệm thực tế mới khiến bạn hiểu. Hiểu tức là biết phải làm gì với điều được nghe. Một lập luận thường phải đi kèm với nhiều ví dụ nhằm khiến người nghe liên tưởng tới những điều tương tự mình đã trải qua. Bài viết này mình gợi ý cách nâng cao sự kết hợp của hoạt động vô thức và ý thức khi tư duy. Những cái như linh cảm hay trí tưởng tượng không có quy luật nên chẳng thể đưa ra ví dụ cụ thể được. Chỉ có thể nói rằng logic giống như hình vuông, lúc nào cũng có vẻ khá chắc chắn nhưng chỉ là bề ngoài, không sát với thực tại được, không hoàn hảo. Trí tưởng tượng kết hợp ăn ý với phân tích logic mới khiến cho sự nhận thức thực tại trở nên hoàn hảo, trọn vẹn như một hình tròn.

Đúng hay sai trong cái thế giới này cũng giống như sự đúng sai của cái đồng hồ cát. Cứ sau một thời gian thì ngược lại mới là đúng. Linh cảm và trí tưởng tượng giúp chúng ta nhận thức được chiều nào của logic là đúng cũng như đâu mới là điều cần quan tâm trong từng hoàn cảnh. Nhờ đó, tâm trí và hành động của chúng ta không bị cứng nhắc, luôn tuân theo nhịp thay đổi của vũ trụ. Không kết hợp ăn ý được giữa hoạt động vô thức và hoạt động ý thức dễ khiến chúng ta lạc đường.

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019