Tham dự Tech Lounge

Tham dự Tech Lounge


Tìm hiểu về công nghệ WRGB OLED trên TV LG

agp8x
3/3/2016 11:33Phản hồi: 63
Tìm hiểu về công nghệ WRGB OLED trên TV LG
Hôm nay, mình xin phép chia sẽ với các bạn những kiến thức mà mình tìm hiểu được về công nghệ OLED WRGB, đây là công nghệ mà LG hiện đang sử dụng trên các dòng TV của hãng. Về cơ bản thì quy tắc hoạt động của OLED gần với CRT/Plasma hơn là LCD. Thế nhưng bạn có biết rằng trên thực tế thì cách áp dụng công nghệ OLED WRGB trên TV của LG lại có phần gần với LCD hơn là CRT/Plasma?

OLED là gì?


Trước tìm hiểu công nghệ WRGB OLED mà LG sử dụng trong TV của họ, mình sẽ giới thiệu một số điều cơ bản mà bạn nên biết về công nghệ OLED.

04_SELF-LIGHTING-PIXELpsd.jpg
TV OLED sử dụng các bóng đi-ốt hữu cơ có khả năng tự phát sáng - ảnh LG
OLED là tên gọi tắt của Organic Light Emitting Diode, hay tiếng Việt là đi-ốt phát sáng hữu cơ. Đây được xem là công nghệ hiển thị sẽ thay thế cho LCD, sở hữu tất cả ưu điểm của cả công nghệ hiển thị Plasma và LCD. Sở dĩ chúng ta nói nguyên tắc hoạt động của OLED gần hơn với CRT và Plasma là vì mỗi điểm ảnh của nó sẽ bao gồm 3 điểm ảnh phụ, mỗi điểm ảnh phụ tương ứng với một đi-ốt có khả năng tự phát sáng. Tương tự như việc điểm ảnh của Plasma và CRT thực chất là những ô chứa hoá chất, khi được kích thích bởi dòng điện (Plasma) hoặc tia âm cực (CRT) sẽ tự phát ra ánh sáng.


Plasma Ilustration.jpg
Cơ chế hoạt động của OLED cũng giống như Plasma - www.edsavhandbook.com

Ưu điểm của phương pháp này đó là tốc độ đáp ứng nhanh nhất và đem lại độ tương phản cao nhờ màu đen rất sâu (do điểm ảnh tắt hẳn). Trong khi đó bản chất mỗi điểm ảnh phụ LCD là một khối tinh thể lỏng với tấm lọc màu phía trước, phát sáng gián tiếp bởi hệ thống đèn nền phía sau (hoặc bên cạnh đối với đèn LED viền). Do đèn nền luôn sáng và các tinh thể LCD không thể chặn toàn bộ ánh sáng đi qua, màu đen của TV LCD/LED không thể sâu như TV OLED.

gsmarena_001.jpg
Màn hình Super AMOLED trên điện thoại là điển hình của công nghệ RGB OLED - ảnh gsmarena

Khi nói đến màn hình OLED, thực chất cái mà chúng ta thường nghĩ đến là RGB OLED. Công nghệ RGB OLED sử dụng 3 đi-ốt với 3 màu cơ bản (đỏ, xanh lá, xanh dương) để tạo thành một điểm ảnh. Thế nhưng chế tạo ra những bóng đi-ốt hữu cơ với 3 màu khác nhau với kích thước lớn là việc không hề dễ dàng. Trên thực tế thì Samsung từng thất bại trong việc thương mại hoá TV OLED với tấm nền RGB OLED, dù họ gần như thống trị phân khúc màn hình OLED (AMOLED) cỡ nhỏ dành cho thiết bị di động. Nguyên nhân chủ yếu là với mỗi màu khác nhau, mỗi bóng đi-ốt hữu cơ được cấu tạo bởi các hợp chất hữu cơ khác. Chẳng những việc sản xuất đã khó khăn mà tốc độ thoái hoá của chúng cũng khác nhau, khiến bài toán cân bằng giữa tuổi thọ và chất lượng hình ảnh của nhà sản xuất càng trở nên phức tạp hơn bao giờ hết.

Đối với màn hình điện thoại, giải pháp mà chúng ta thường thấy là sử dụng kiểu sắp xếp điểm ảnh theo dạng Pentile, tức là điểm ảnh phụ sẽ có kích thước khác nhau tuỳ theo tốc độ thoái hoá (thường xanh dương sẽ lớn nhất, đến đỏ và nhỏ nhất là xanh lá). Tuy nhiên thiết lập bất cân bằng này làm giảm cảm nhận độ nét của mắt (dù rằng số lượng điểm ảnh chính vẫn không thay đổi so với RGB) nên hãng không áp dụng nó cho TV (vốn có mật độ điểm ảnh thấp hơn nhiều so với các thiết bị di động).

Công nghệ WRGB OLED sử dụng trên TV LG


LG có thể xem là hãng sản xuất TV OLED lớn nhất hiện nay với hàng loạt mẫu ra mắt trong những năm vừa qua. Đặc điểm chung của TV OLED LG là chúng không sử dụng kiến trúc RGB thông thường mà dùng kiến trúc WRGB. Vậy WRGB OLED khác gì với RGB OLED?

20150506000127_0.jpg

Quảng cáo


Cơ chế hoạt động của WRGB OLED khá giống với LCD hiện tại - ảnh www.newspim.com

Dù cái tên WRGB khá giống với RGB nhưng thực chất cơ chế chúng hoàn toàn khác biệt. Thay vì phải làm các điểm ảnh phụ với 3 màu khác nhau, phức tạp và gặp phải vấn đề về tốc độ thoái hoá, giải pháp WRGB của LG là sử dụng tất cả các bóng đi-ốt hữu cơ màu trắng. Để tạo ra ba màu cơ bản, hãng dùng tấm lọc màu tương tự như LCD. Nói một cách đơn giản, các đi-ốt hữu cơ mà trong thiết lập WRGB chỉ đóng vai trò là đèn nền, màu sắc mà nó tạo ra thực chất là đã qua tấm lọc (đỏ, xanh lá, xanh dương). Phương pháp này cũng tương tự như cách tạo màu của LCD, dùng tấm lọc để tạo màu cho ánh sáng trắng phát ra từ đèn nền.

安富利动态LED背光方案_页面_2_1.png
Hệ thống đèn nền LED của TV LCD - ảnh www.em.avnetasia.com

Dù vậy, WRGB vẫn vượt trội hơn so với LCD ở khả năng kiểm soát ánh sáng. Bản thân các đi-ốt hữu cơ cho phép LG có thể kiểm soát ánh sáng “trên từng điểm ảnh phụ” với mức độ chính xác cao nhất có thể. Các TV LED cao cấp nhất hiện nay đang cố mô phỏng lại hiệu ứng này thông qua tính năng làm mờ cục bộ (local dimming), tuy nhiên do kích thước các bóng LED quá lớn (ngay cả so với điểm ảnh chính) nên hiệu quả là không thể sánh được so với OLED. Bên cạnh đó, ánh sáng của đi-ốt đi trực tiếp đến tấm lọc nên chất lượng không bị suy giảm như khi phải qua lớp tin thể lỏng của LCD. Chính khả năng kiểm soát này là chìa khoá giúp OLED (cả WRGB và RGB) có thể tắt đi-ốt hữu cơ khi hiển thị màu đen, và đem lại độ tương phản cực cao.

lg-WOLED-TV-subpixel-structure-img_assist-551x197.jpg
Chụp marco màn hình của TV OLED LG - ảnh Digital Versus

Một điểm cần lưu ý là thay vì có 3 điểm ảnh phụ cho mỗi điểm ảnh chính, WRGB có đến 4 điểm bao gồm: trắng, đỏ, xanh lá, xanh dương. Câu hỏi có lẽ nhiều người đặt ra nhất là vì sao LG lại thêm điểm ảnh màu trắng vào bộ 3 màu cơ bản, và tác dụng của nó ra sao? Thật ra OLED có một yếu điểm là do bản chất của nó là các đi-ốt siêu nhỏ tự phát sáng, mức sáng của các dòng TV OLED thế hệ đầu là tương đối thấp. Điểm ảnh màu trắng thực chất là ánh sáng gốc của bóng đi-ốt hữu cơ ở cường độ tối ưu nhất, giúp tăng độ sáng cho toàn khung hình. Tuy nhiên về mặt tái tạo màu sắc, điểm ảnh trắng không có tác dụng gì khác ngoài việc tăng cường độ sáng khi trình diễn màu trắng (tối ưu hoá độ tương phản). Bên cạnh đó, đây có lẽ là một phần lý do mà khi trình diễn độ những cảnh sáng với độ tương phản thấp, EG930T mà mình đánh giá gần đây không thể hiện được sự vượt trội về màu sắc so với TV LED truyền thống.

01_PERFECT-black.jpg

Quảng cáo


Cơ chế hiển thị khác với RGB OLED, tuy nhiên WRGB OLED vẫn giữ được ưu thế về độ sâu màu đen - ảnh LG

Nếu các bạn để ý, các video demo TV OLED chủ yếu là những cảnh có độ tương phản rất cao và nhấn mạnh vào khả năng thể hiện màu đen cực sâu của TV. Trong khi đó các video demo TV LED thường đánh vào màu sắc rực rỡ bắt mắt với độ sáng cao, hạn chế trình diễn các chi tiết màu đen trên màn hình. LG G6 Signature ra mắt tại CES 2016 vừa qua được công bố với mức sáng tối đa lên đến 1000 nit, tương đương các dòng TV LED cao cấp nhất, hứa hẹn sẽ khắc phục được yếu điểm này của OLED.

RGB OLED hay WRGB OLED cho chất lượng hình ảnh tốt hơn?


Vào thời điểm 2013, khi mà cuộc đua phát triển TV OLED có thể xem là nóng nhất, tranh cãi giữa việc RGB OLED (Samsung, liên minh Sony-Panasonic) hay WRGB (LG) mới là công nghệ cho ra hình ảnh tốt hơn là rất quyết liệt. Mỗi bên đều có lý lẽ của riêng mình, ngặt nỗi tất cả đều chỉ là trên lý thuyết. Còn đến thời điểm mình viết bài này, tất cả những tranh cãi đó đều không còn mấy ý nghĩa. Lý do?

2679958_Tinhte.vn-Tren-tay-LG-OLED-TV-CES-2015-15.jpg

Tạm chưa xét về mặt công nghệ và chất lượng hình ảnh, LG là hãng duy nhất chiến thắng trong cuộc đua thương mại hoá TV OLED. Không chỉ sản xuất TV OLED đại trà, LG thậm chí còn đưa giá của TV OLED xuống gần ngang LED (chẳng hạn như giá của TV OLED EG910T giá hãng là 56 triệu, tức là còn thấp hơn 60 triệu của TV LED UF950T). Trong thời gian đó, Samsung cũng ra mắt TV OLED sử dụng kiến trúc RGB, nhưng chỉ dùng để phô diễn công nghệ là chính và mức giá rất cao nên cũng không bán rộng rãi. Và từ năm 2015, Samsung đã chính thức ngưng việc phát triển TV OLED để tập trung vào TV LCD/LED sử dụng chấm lượng tử (quantum dot). Dù có một số tin đồn là Samsung sẽ trở lại cuộc đua TV OLED trong năm 2017, hiện tại thì bạn không có sự lựa chọn nào khác ngoài TV OLED WRGB.
63 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

I bác là EG920T màu xấu hơn LED?
totalhn
TÍCH CỰC
8 năm
@QuestionsForU bác chịu khó lên hdvietnam mà hỏi nhé, đừng chui đầu vào mấy st điện máy

ở tp HCM thì ko biết có chố nào bán giá đó ko vì mình ko tìm hiểu, ở ngoài HN chả quan tâm
zenukyo
ĐẠI BÀNG
8 năm
@QuestionsForU Bạn search trên vatgia ấy, mình thì hay mua của bên điện máy Gia Khang (TPHCM)
P/s : EC930T thì kiểu dáng đẹp nhưng chạy WebOS 1.0, EG910T là model mới chạy WebOS 2.0, ráng nhích thêm chục chai nữa xài EF950T phẳng ngon hơn, có hỗ trợ HDR
totalhn
TÍCH CỰC
8 năm
@zenukyo nếu muốn giá ngon, kiểu dáng đẹp và chất lượng hình tốt thì mình vote cho EC930T và EG910T hơn là EF950T

vì dù sao nội dung có hỗ trợ HDR còn rất ít, nhất là các chương trình truyền hình thì chưa có hỗ trợ HDR

màn hình kiểu dáng cong cong nhìn cũng sexy hơn

thêm một ưu điểm là mấy model này đọc được tốt rất nhiều định dạng file, hiển thị phụ đề đầy đủ và cho phép mỗi cổng vào đặt một chế độ hình ảnh
zenukyo
ĐẠI BÀNG
8 năm
@totalhn Uhm, nếu tiêu chí của bạn không đặt nặng nào Smart thì Web OS 1.0 cũng đủ xài rồi, tuy hơi chậm, riêng về màn hình cong đã có 1 bài đánh giá trên CNET rồi, vì cong không mang ích lợi gì nhiều, trong khi ngồi không chính diện sẽ gây ra méo hình, nhìn rất khó chịu.
P/s : Về HDR, sau này cũng sẽ xuất hiện nhiều thôi, cái này đáng giá hơn đầu tư TV 4K nhiều.
http://www.cnet.com/news/trouble-with-the-curve-what-you-need-to-know-about-curved-tvs/
I.Corp
TÍCH CỰC
8 năm
K biết tuong lai có áp dụng dc tốt trên dth k
halong148
TÍCH CỰC
8 năm
Bài viết hay. Tóm lại e rút ra là cứ có chữ Led thì dịch ra tiếng việt là "nét". Càng nhiều chữ phía trước thì càng nét.hehe
mykenty
ĐẠI BÀNG
8 năm
giờ nhắc TV chỉ nhắc LG thì phải
Hình minh họa galaxy s6 là diamond pixel pentile chứ không phải RGB.
White oled thì giúp tăng sáng chứ không hẳn là giúp cải thiện tuổi thọ diot blue, vì điện vào nhiều khi tăng sáng thì diot blue điện cũng vào gấp đôi để bản thân tự thắp sáng. WRGB chúng ta có thể thấy áp dụng trên 1 số lcd để tăng sáng như note 10.1 2014, nhưng do chèn pixel trắng rỗng nên nhìn gần thấy rỗ điểm ảnh như pentile chứ không mịn như RGB. Cứ lấy cái note 10.1 2014 ra so độ mịn với ipad air sẽ thấy rõ RGB mịn hơn nhưng về độ sáng thì cái WRGB sáng chói lóa luôn.

Cũng như bạn nói là lg xài wrgb cho tuổi thọ diot chứ lg nói giúp giảm giá thành thì hơi phi lý. vì giảm giá thành phụ thuộc vào công nghệ sản xuất là substract hay dùng lazer hoặc rẻ nhất hiện tại là inkjet.
@ocvhc Không có tí kiến thức gì thì im đi cho ngta nói chuyện. Chính chú mới cmt như con đàn bà
hhd357
TÍCH CỰC
8 năm
@m.hydra.hht có hiểu cái j ko mà mà phán người ta ko có tí kiến thứ gì, cũng chỉ là AHBP thôi bớt chém đê. Thế bạn kiến thức ntn nói nghe coi.
@hhd357 Thằng này k có kiến thức chuyên sâu gì đâu ,nhưng cũng k phải dạng tự nhiên bay vào cắn suông như cái đứa vô học. Người ta nói tử tế biết thì lấy kiến thức ra mak cãi. Còn mặt dày bay vào reply nói lại nữa chứ, nhưng tội cái là người khác câu nào câu nào như tát vào mặt mình câu đó :v
hhd357
TÍCH CỰC
8 năm
@m.hydra.hht ko có kiến thức để khoe thì im, bớt nói nhảm đi.
Bạn đọc kỹ lại bài nhé, mình đã nói rõ Pentile là một biến thể của RGB nhằm giúp khắc phục vấn đề về tuổi thọ khác nhau của các đi-ốt hữu cơ.

RGBW và WRGB thực chất là khác nhau hoàn toàn bạn nhé. RGBW là để chỉ các màn hình sử dụng kiến trúc cơ bản RGB nhưng bổ sung thêm điểm ảnh trắng (để tăng độ sáng, tăng khả năng hiển thị ngoài trời,...) RGBW không hiếm, bạn có thể dễ dàng tìm thấy nó ở các màn hình LCD trên máy ảnh.

WRGB là thuật ngữ mà LG dành cho công nghệ OLED của mình (WRGB OLED). Cơ chế hoạt động nó hoàn toàn khác. WRGB không chỉ giúp tăng độ sáng, nó cho phép đơn giản hoá quy trình sản xuất bằng cách chỉ sản xuất bóng đi-ốt trắng, thay vì phải sản xuất đến 3 loại bóng đi-ốt như truyền thống. Tỉ lệ thành phẩm của WRGB OLED cũng cao hơn so với RGB OLED, cho phép sản xuất đại trà và giảm chi phí đến mức thấp nhất. Không phải ngẫu nhiên mà LG WRGB OLED là sự lựa chọn duy nhất đâu và Samsung tạm thời chuyển hướng sang SUHD thay vì tiếp tục phát triển RGB OLED đâu bạn.

Dĩ nhiên OLED màu đẹp hơn, nhưng nó chỉ rõ ràng trong điều kiện nhất định thôi bạn.
@agp8x Chờ B6 ra xem thế nào, thay giá tham khảo hơn 920 tí.
@der_titan có đó bạn, nếu nhìn gần sẽ thấy. còn nhìn xa dĩ nhiên khó thấy.
BB Tran
TÍCH CỰC
8 năm
@ragefighter bạn ơi, chịu khó đọc bài kỹ lưỡng hơn trước khi cmt nha bạn, à mà còn phải suy nghĩ kỹ trước khi cmt nữa! chứ đọc cmt của bạn không giống đang tranh luận mà giống cãi cùng, cãi bướng.
những điều bạn phản biện thì trong nội dung bài viết đã giải thích hết rồi! bạn đang cố tình hiểu sai? hay bạn thật sự có vấn đề về đọc hiểu? :rolleyes:
hhd357
TÍCH CỰC
8 năm
@agp8x quan tâm thánh đó làm j bác, nâng bi sam mà lị 😆
gaukit1603
TÍCH CỰC
8 năm
Về mặt chất lượng hiển thị thì LG là tốt nhất trong tầm giá rồi....
Chỉ mong Sharp nó kết hợp IGZO với OLED để Japan Display thương mại hoá mà mãi vẫn chưa có. Anh Sharp mà bán mình cho Foxconn thì muôn đời cũng không thấy xuất hiện.
@Wolfrain sharp chuẩn bị bán rồi, mà giá foxconn gì trả tầm 900tr thay vì 6.2 tỉ như trước đây. nếu giữ lại thì sharp phải trả các khoản nợ khủng.
QuangAK
ĐẠI BÀNG
8 năm
Bài viết hay quá. Chỉ ra rõ đc điểm khác nhau giữa RGB OLED vs WRGB OLED. Like! ;)
Tivi Oled được quảng bá rất nhiều nhưng chưa thấy bác nào mua về review, bên diễn đàn HDvietnam cũng chưa thấy có bác mua, LG có mẫu Oled cong giá trên dưới 50 triệu.
mrkn
TÍCH CỰC
8 năm
@tuyen_kientruc2013 Nhiều tiền mới mua OLED thì thời gian đầu ai rảnh mà review, haizz

Bác cứ từ từ rồi sẽ có. Gom lúa bây giờ, đợi giá giảm 1 chút xong mua là vừa 😁
pippi17
TÍCH CỰC
8 năm
Niềm ao ước của mình là LG OLED. Hôm trước vào siêu thị xem con OLED màu đen đẹp thật, mê tít.:p
Oled TV hiện chỉ có LG thương mại thành công, còn anh Samsung thì cũng làm nhưng chủ yếu đề khè người dùng, Pr, chém giò là chính, có đợt LG ra mẫu 4K 84" đầu tiên trên thế giới, thì anh Sam cũng đua đồi làm cái 85" sau LG vài tháng ráng công bố lên 85" để bự hơn LG 1" rồi nâng giá lên 2 tỉ đồng ( 2.000.000.000), trong khi chất lượng hình ảnh còn xấu hơn mẫu 84" cũa LG bán có 250tr...Samsung thật cao tay trong việc quảng cáo, vì cái TV 85" đó của Samsung chỉ để quang bom vì biết chắc rằng chả ai mua.
mtri69
TÍCH CỰC
8 năm
@picothienhoa LG có dòng UF680 55" smart led 4k Nhưng giá chỉ 18tr ở điện máy chợ lớn.theo mình đó là giá tôt.
@mtri69 LG luôn bán đúng giá, ko kèm giá tri quảng cáo ảo ^^
Đã đọc xong bài, nói nôm na thì WRGB OLED của LG vẫn toàn dùng bóng trắng và tấm lọc như LCD nên bền bỉ, giá thành thấp và độ sâu độ đen không giảm, chúc mừng LG
Bài viết rất chuẩn và bổ ích 😃
Thanks chủ thớt đã bỏ tâm huyết viết bài!
rokkan
ĐẠI BÀNG
8 năm
Chủ thớt cho hỏi tí. Cái oled này của LG có phải là amoled không vậy?
Bạn ơi cho mình hỏi sâu một xíu là màn crt dùng tia âm cực electron chiếu vào rồi dùng từ trường để định hướng chùm tia đó, màn lcd theo mình hiểu thì nó xài đèn nền là đèn Led phát ra ánh sáng đến màn. Cho mình hỏi màn lcd xài đèn nền led có cần đến từ trường để định hướng tia ko nhỉ hay có bộ phận nào phát ra từ trường ko ?
@Thật là ngại Đèn nền LED của LCD thì không cần dùng từ trường đâu bạn, tuy nhiên trong trường hợp nhất định thì nó vẫn cần định hướng. LCD LED thì có 2 loại, Full Array LED (đèn LED đặt trực tiếp phía sau tấm nền) và Edge LED (đèn LED đặt chạy xung quanh viền).

Đối với Full Array LED thì không cần định hướng do đèn LED đặt ngay phía dưới tấm nền LCD. Tuy nhiên phương pháp này cần nhiều đèn LED, khiến TV dày hơn, chi phí sản xuất đắt hơn; nhưng bù lại chất lượng hình ảnh cho ra sẽ tối ưu nhất (khi kết hợp với công nghệ làm mờ cục bộ/local dimming) nên thường chỉ dùng ở những TV đầu bảng hoặc TV kích thước lớn (75 inch trở lên).

Edge LED sử dụng một hệ thống đèn LED đặt xung quanh viền TV, sau đó sử dụng một hệ thống ma trận kính/nhựa trong để định hướng ánh sáng đến toàn bộ tấm nền LCD. Phương pháp này là phổ biến nhất nhờ chi phí sản xuất thấp hơn nhiều so với LED Full Array, cho phép TV mỏng hơn nhưng chất lượng hình ảnh sẽ không bằng (chủ yếu là độ sâu màu đen), độ sáng toàn màn hình không đồng đều và gần như chắc chắn sẽ bị hiện tượng hở sáng.
QuangAK
ĐẠI BÀNG
8 năm
@agp8x Ý bạn kia hỏi là có cần từ trường để định hướng như CRT ko thôi bạn? LED TV khác hoàn toàn CRT. LED viền chỉ "dẫn ánh sáng" đèn LED (hiện tuợng phản xạ ánh sáng) để làm ánh sáng nền thôi chứ ko có từ trường để làm lệch tia Electron như CRT. 2 công nghệ Ko liên quan gì đến nhau cả 😃
Cong nghê nay co nhu white magic cua Sony không?
Cơ mà vẫn còn hơi đắt. Khi nào 43 inch giá trên dưới 20 củ là ngon.!!!

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019