Tham dự Tech Lounge

Tham dự Tech Lounge


Chia sẻ và giải đáp một số thắc mắc của anh em về bàn phím cơ

bk9sw
4/7/2016 13:20Phản hồi: 544
Chia sẻ và giải đáp một số thắc mắc của anh em về bàn phím cơ
Gần đây mình nhận được khá nhiều câu hỏi từ các anh em về bàn phím cơ. Những thắc mắc của anh em rất cơ bản như bàn phím cơ là gì? Nó có từ bao giờ, nó khác phím bình thường chỗ nào? Hôm nay mình sẽ tìm hiểu và trả lời cho anh em về những thắc mắc này. Qua đây, hy vọng anh em sẽ có được cái nhìn cụ thể hơn về phím cơ cũng như dễ dàng chọn mua được loại phím cơ ưng ý.

*Bài viết này dựa trên những tìm hiểu của mình từ nhiều nguồn và những kinh nghiệm cá nhân qua thời gian sử dụng phím cơ để chia sẻ với anh em, mong anh em góp ý và bổ sung thông tin 😃

Phím cơ là gì?


Bàn phím cơ (Mechanical Keyboard) ngay từ cái tên gọi đã khiến chúng ta đoán được là bàn phím sử dụng các thành phần cơ học. Yếu tố cơ ám chỉ những chiếc công tắc (switch) nằm dưới mỗi phím bấm. Mỗi chiếc switch được cấu thành từ nhiều thành phần chuyển động, dùng lò xo để tạo đàn hồi và có 2 (hoặc nhiều) chân tiếp xúc bằng kim loại.

Zowie_Celeritas-1.jpg

Cơ chế hoạt đông của phím cơ vẫn tương tự như những loại phím thông thường đó là khi một phím được nhấn xuống > 1 thành phần chuyển động sẽ đè lên lò xo > ép 2 chân tiếp xúc kim loại được chặp vào nhau > đóng mạch > tín hiệu được gởi đi cho biết phím đã được nhấn và khi nhả phím ra > lò xo phục hồi > phím trở lại vị trí ban đầu chuẩn bị cho lần nhấn tiếp theo.

Bàn phím cơ có từ bao giờ?

Có thể nói bàn phím cơ chính là hậu duệ của những chiếc máy đánh chữ. Vào những năm 1970, những chiếc bàn phím điện tử đầu tiên đã bắt đầu được phát triển, sản xuất và bán ra thị trường. Thời điểm này, bàn phím đều sử dụng công tắc đặt dưới mỗi phím bấm và mỗi công tắc nằm gọn trong một lỗ được khoét trong phần khung bằng kim loại. Những chiếc bàn phím lúc đó có giá bán từ 80 đến 120 USD và thường được dùng chủ yếu tại những trung tâm dữ liệu.

Reed_switch.jpg

Loại công tắc phổ biến nhất được sử dụng lúc bấy giờ được gọi là công tắc lưỡi gà (reed switch) - một loại công tắc có thiết kế độc đáo với 2 miếng kim loại (lưỡi gà), dẻo đặt trong một viên nang bằng thủy tinh kín khí. Bình thường 2 miếng kim loại này sẽ nằm cách nhau 1 khoảng nhỏ nhưng khi có từ trường (từ một nam châm điện hoặc một nam châm vĩnh cửu) thì chúng sẽ chặp vào nhau, đóng kín mạch từ đó tín hiệu được gởi đi. Khi không còn tác động của từ trường, độ cứng của 2 miếng kim loại sẽ khiến chúng tách rời nhau ra, ngắt mạch điện.

ZX_Spectrum_03.jpg
ZX_Spectrum.jpg ZX_Spectrum_01.jpg ZX_Spectrum_02.jpg
Ảnh của Jacob Alexander trên Flickr.

Trên đây là một chiếc bàn phím có tên Бу4035000 Keyboard dùng reed switch do một công ty của Liên Xô cũ sản xuất. Bên dưới mạch phím là những chiếc switch lưỡi gà đặt dọc nhìn rất độc đáo.

Vào giữa những năm 1970, những chiếc công tắc giá rẻ, tiếp xúc trực tiếp đã được giới thiệu nhưng tuổi thọ của chúng ngắn hơn (khoảng 10 triệu lần nhấn) bởi công tắc không còn nằm trong viên nang bằng thủy tinh kín khí nữa.

Quảng cáo


KT_foam_and_foil_switch_internals.jpg

Đến năm 1978, Key Tronic Corp lần đầu tiên giới thiệu những chiếc bàn phím dùng công tắc điện dung gọi là foam & foil switch. Về cấu tạo, bên dưới mỗi phím bấm đơn giản là một miếng bọt xốp hình tròn với một tấm nhựa phủ Mylar dẫn điện đặt trên đầu công tắc . Bên dưới là một bảng mạch, trên bản mạch này có các mạch in hình bán nguyệt bao quanh mỗi điểm tiếp xúc tương ứng với mỗi phím. Khi phím được nhấn xuống, điện dung giữa đầu công tắc và mạch in trên bản mạch bên dưới thay đổi và thay đổi này được một mạch IC nhận biết, từ đó gởi tín hiệu đến máy tính.

Keyboard-Cover-Shot-02.jpg Keyboard-Cover-Shot-03.jpg

Trong khi đó, IBM cũng phát triển những chiếc bàn phím dùng công tắc riêng, còn được gọi là công tắc lò xo oằn (buckling spring) và được IBM đăng ký sáng chế vào năm 1978. Đúng như tên gọi, bên trong mỗi công tắc là một chiếc lò xo và nó sẽ oằn khi phím bị nhấn xuống và kích hoạt một cái cò nhỏ nhấn vào 2 tấm nhựa hay màng có tính dẫn ép vào nhau, từ đó đóng mạch và gởi tín hiệu đi. Cơ chế hoạt động của loại công tắc này phát ra tiếng click và tạo cảm giác phản hồi vật lý khiến người gõ biết được khi nào phím được nhấn xuống.

Model_F.jpg

IBM Model F là chiếc bàn phím đầu tiên dùng kiểu công tắc này được phát hành cùng với chiếc máy tính cá nhân IBM Personal Computer XT năm 1983. Đến năm 1984 thì IBM ra mắt Model M được thiết kế rất bền, nặng đến 1,8 kg, giá rẻ hơn và mỗi nắp phím (key cap) có thể tháo ra để vệ sinh được.

Như vậy, có thể nói bàn phím cơ đã xuất hiện từ rất lâu trước đó. Trước khi công nghệ phím màng (membrane), phím vòm cao su (rubber dome) được phát minh vào cuối thập niên 80, đầu 90 và trở nên phổ biến cho đến tận ngày nay.

Sự tiến bộ về công nghệ, nhu cầu về độ mỏng, nhẹ tạo cơ hội cho phím membrane, rubber dome phổ biến:

Quảng cáo



Nhắc đến sự khác biệt giữa phím cơ và phím màng hay vòm cao su thì 1 yêu tố chúng ta có thể nhận biết từ bên ngoài đó là kích thước và độ cao phím. Những chiếc bàn phím điện tử đầu tiên do được thiết kế mô phỏng bàn phím của máy đánh chữ nên chúng có hành trình phím (cự ly di chuyển của phím từ trạng thái ban đầu đến khi nhấn xuống hẳn) vào khoảng 4,75 mm, độ cao phím khoảng 12,7 mm và độ dày của bàn phím khoảng 5 cm. Trong khi đó, công nghệ phím rubber dome có hành trình tiêu chuẩn khoảng 3,5 - 4 mm và mỏng hơn rất nhiều

Mech_Membrane-1.jpg
Từ dưới lên: CMStorm Mech > Logitech K810 > Microsoft Universal Foldable Keyboard.

Những chiếc bàn phím cơ dùng công tắc cho mỗi phím nên có giá thành sản xuất cao và cùng với những cải tiến về công nghệ đổ khuôn, các nhà sản xuất đã có thể tạo ra những chiếc bàn phím với 1 mạch phím liền khối (monoblock) thay vì từng công tắc cho mỗi phím. Những tấm màng với mạch in rẻ tiền đã khiến hành trình phím được giảm thiểu đáng kể, từ đó khiến bàn phím trở nên mỏng hơn.

scissor.jpg
Cơ chế scissor cùng vòm cao su rubber dome trên Apple Keyboard.

Đồng thời, công nghệ phím membrane hay rubber dome cũng sử dụng mạch điện tử để nhận biết tín hiệu phím thay vì công tắc, từ đó thiết kế bàn phím đã chuyển từ các thành phần cơ học sang màng giá rẻ và cùng với sự ra đời của kết cấu xương phím dạng cắt kéo (scissor) thì hành trình phím tiếp tục được giảm xuống còn 2 mm. Khi kết hợp giữa kết cấu cắt kéo và công nghệ phím rubber dome thì các nhà sản xuất đã tạo ra bàn phím được gọi là low-profile và được tích hợp trên laptop hoặc những chiếc bàn phím thiết kế mỏng mà chúng ta vẫn đang dùng ngày nay.

Vậy tại sao bàn phím cơ vẫn được phát triển?


Khi bàn phím membrane và rubber dome đồng loạt xuất hiện trên mọi chiếc máy tính từ laptop đến PC thì lúc này có 2 xu hướng. Trong khi nhiều người dùng đón nhận và cảm thấy hào hứng khi sử dụng những chiếc bàn phím có thiết kế nhỏ, mỏng và hành trình phím ngắn thì vẫn có nhiều người cảm thấy không thể từ bỏ tiếng click hay cảm giác tự tin khi nhấn trên những chiếc bàn phím cơ. Để đáp lại nhu cầu này, nhiều hãng như Cherry, Alps, Omron đã tiếp tục phát triển và sản xuất những chiếc bàn phím cơ dễ chế tạo hơn nhưng mang lại cảm giác gõ tương tự kiểu công tắc buckling spring trên IBM Model F, Model M.

ducky.jpg

Ban đầu những bàn phím cơ này hướng đến đối tượng là những người dùng đam mê muốn tìm lại cảm giác gõ nguyên bản, sau đó bàn phím cơ chuyển hướng đến đối tượng game thủ nhờ ưu điểm về độ chính xác với mỗi cú nhấn cũng như độ nhạy của công tắc cơ học và nhiều đối tượng khác như lập trình viên hay nhà phát triển phần mềm khi họ muốn giảm thiểu lỗi đánh máy cũng chính là giảm thiểu sai sót khi coding.

Bàn phím cơ và game lên ngôi:


Cách đây khoảng 8 năm về trước, thị trường máy tính chơi game bắt đầu có sự thay đổi và nhiều công ty đã đồng loạt ra mắt những thiết bị ngoại vi dành riêng cho game, điển hình là chuột chơi game và những chiếc bàn phím rubberdome có thể lập trình được. Tuy nhiên, những chiếc bàn phím vòm cao su nhanh chóng lộ rõ những nhược điểm của nó khi chưa thể đáp ứng được nhu cầu chơi game cao cấp cũng như đối tượng người dùng game thủ chuyên nghiệp.

SteelKeys_6G.jpg

Những hãng chuyên làm phụ kiện gaming như SteelSeries, Razer, Logitech đã bước chân vào thị trường phím cơ từ rất sớm. Vào thời điểm 2004, SteelSeries đã ra mắt chiếc phím cơ chuyên dùng cho game thủ đầu tiên với tên gọi SteelKeys 6G dùng Cherry MX Black. Sau đó đến lượt Razer với dòng phím BlackWidow ra mắt vào mùa thu năm 2010 dùng Cherry MX switch và tiếp theo sau là Logitech G710+ vào năm 2012 dùng Cherry MX Brown và còn nhiều hãng khác nữa. Thị trường này cứ như thế tăng trưởng chậm nhưng ổn định và chỉ thật sự bùng nổ trong vài ba năm gần đây.

Kể từ những chiếc bàn phím cơ chuyên game đầu tiên, các hãng sản xuất đã liên tục cải tiến và bổ sung những tính năng mới, chẳng hạn như việc tích hợp hệ thống đèn backlit nhằm tối ưu trải nghiệm chơi game trong đêm, hệ thống phím macro, từ LED đơn sắc sang RGB nhiều màu ...

Immortal.jpg

Sự bùng nổ của phím cơ chuyên game bắt nguồn từ sự tăng trưởng mạnh mẽ của loại hình thể thao điện tử eSports. Từ chục năm trước, đã có rất nhiều người chơi điện tử chuyên nghiệp mà giờ đây chúng ta có thể gọi là game thủ. Họ thường sử dụng bán phím cơ do trải nghiệm, độ chính xác cao với từng thao tác. Họ không thể dùng những loại bàn phím màng cao su thông thường bởi chúng thường bị "gối" phím và sót phím khi bấm cùng lúc nhiều phím (combo) và thao tác nhanh. Bàn phím cơ trong khi đó có tính năng N-key Rollover (N-KRO) tức mọi phím khi bạn nhấn xuống đều được máy tính nhận diện được. Với những thế mạnh này, bàn phím cơ trở thành một thứ vũ khí của game thủ chuyên nghiệp và cùng với tầm phủ sóng và sức lan toả lớn của các giải đấu game chuyên nghiệp như Dota2, LoL, bàn phím cơ được người dùng trên thế giới biết đến nhiều hơn.

Những ưu điểm của phím cơ so với phím membrane, rubber dome:

Do sử dụng cơ chế lò xo và các thành phần được chế tạo với độ bền cao, những chiếc switch cơ học trên bàn phím cơ sở hữu nhiều ưu điểm vượt trội so với bàn phím màng dùng cơ chế phục hồi bằng vòm cao su (rubber dome) hay xương cắt kéo (scissor).

  • Tuổi thọ dài hơn: Switch cơ học trên bàn phím cơ có tuổi thọ từ 30 đến 70 triệu lần nhấn, trong khi đó con số này đối với phím màng thông thường chỉ khoảng 5 triệu lần nhấn;
  • Lâu mòn: các thành phần cơ học trong mỗi switch được chế tạo rất bền, chân tiếp xúc, lò xo bằng kim loại nên rất khó mòn. Do đó sau nhiều năm sử dụng, trải nghiệm gõ trên bàn phím cơ gần như y hệt như khi mới mua. Anh em có thể xem video trên về quy trình thử nghiệm độ bền của switch Cherry MX.
  • Nâng cao trải nghiệm gõ, nhiều cảm giác gõ khác nhau: Với mỗi loại switch, các nhà sản xuất có những thiết kế riêng, tuỳ biến riêng để mang lại trải nghiệm gõ khác nhau, chẳng hạn như có loại mang lại cảm giác gõ mượt và nhẹ, có loại phát ra tiếng click, có loại im re, có loại mang lại phản hồi xúc giác trên đầu ngón tay, có loại không ...
  • Độ ổn định cao và độ bền cao: những chiếc bàn phím cơ thường năng hơn bàn phím màng thông thường, chúng có thể chịu được va đập tốt cũng như mang lại độ ổn định cao hơn khi sử dụng. Chiếc bàn phím Logitech G710+ từng được thử nghiệm nghiền nát dưới bánh xe tank nhưng vẫn sống nhăn 😃
Pacman.jpg
  • Dễ vệ sinh và tuỳ biến: đây cũng là một yếu tố khiến anh em "nghiện phím cơ". Với những chiếc phím cơ dùng switch của Cherry MX hay những phiên bản clone tương tự thì chúng ta có thể dễ dàng tháo nắp phím (keycap) để vệ sinh cũng như thay đổi keycap theo sở thích. Đây cũng là một thú chơi rất thú vị nhưng cũng tốn kém trên những chiếc phím cơ.
Bàn phím cơ hiện nay sử dụng loại công tắc (switch) nào?

Thị trường phím cơ hiện nay khá đa dạng nhưng phổ biến nhất và được ưa chuộng nhất vẫn là loại switch do Cherry sản xuất. Nói sơ về Cherry thì đây là một tập đoàn được thành lập tại Mỹ vào năm 1953 và bắt đầu sản xuất bàn phím từ năm 1967. Như vậy, Cherry là nhà sản xuất bàn phím lâu đời nhất trên thế giới vẫn còn duy trì hoạt động. Kể từ năm 1967 thì Cherry cũng chuyển trụ sở sang Đức và sau đó được ZF Friedrichshafen AG mua lại vào năm 2008. Hiện tại bàn phím cũng như công tắc cơ dùng cho bàn phím vẫn được sản xuất với thương hiệu Cherry.

Dòng sản phẩm phổ biến nhất của Cherry là Cherry MX switch được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1985. Switch thường được nhận biết bởi màu sắc và mỗi màu tương ứng với các đặc tính phản hồi chẳng hạn như có phát ra tiếng click hay không, có phản hồi xúc giác hay không và lực nhấn là bao nhiêu để kích hoạt switch (được đo bằng đơn vị cN hoặc g).

CherryMX-2.jpg

Về cấu tạo, Cherry switch gồm các thành phần chính như:

CherryMX-4.jpg
  • Switching slide: khối trượt - một thành phần bằng nhựa được đúc CAD chính xác, có màu đặc trưng để phân loại và đóng vai trò kết nối giữa nắp phím (key cap) và switch. Thành phần này cũng tạo ra cảm nhận gõ khi tương tác giữa phần thân trên và lõi lò xo của switch.
CherryMX-3.jpg
  • Upper housing: thân trên - là một thành phần bằng nhựa được đúc CAD khác với độ sai sót chưa đến 0,01 mm, bên trong có các rãnh tạo thành bộ khung định hướng cho nắp trượt khi nhấn xuống.
CherryMX-5.jpg
  • Coil spring: lõi lò xo - là một chiếc lò xong được chế tạo chính xác với cấu trúc mô-đun hoá mật độ cao nhằm tạo ra trở kháng lực tạo nên đặc tính riêng của từng loại switch và đảm bảo độ bền cũng như trải nghiệm không đổi qua thời gian sử dụng.
CherryMX-6.jpg
  • Gold crosspoint contact: chân tiếp xúc chéo mạ vàng - đây là trái tim của mọi switch Cherry MX, về cơ bản nó là bộ phận được làm bằng kim loại hình giống như chiếc kẹp gồm 2 lưỡi và bình thường ở trạng thái nghỉ thì 2 lá (leaf) nằm tách nhau một khoảng hẹp được gọi là cổ (neck). 2 thành phần có 2 chân kết nối với bảng mạch phím bên dưới và mặt trong của mỗi lá có 2 phần tiếp xúc có thiết kế hình lăng trụ ngũ giác nằm cắt nhau theo hình chữ thập nên được gọi là Crosspoint. Khi phím được nhấn xuống, 2 phần ngũ giác này tiếp xúc với nhau ở phần đỉnh nhọn. Diện tích tiếp xúc nhỏ, bề mặt phủ vàng khiến thời gian phục hồi của 2 lá tiếp xúc rất nhanh, trở kháng tiếp xúc thấp mang lại độ chính xác cao.
CherryMX-7.jpg
  • Housing base: thân dưới - là thành phần bao bọc còn lại của switch, được làm bằng nhựa và được gắn kết vào mạch phím.
Riêng với Cherry MX Blue thì loại switch này phát ra tiếng clicky đặc trưng nhờ thiết kế Switching slide được chia thành 2 phần gồm được gọi là Shift Carriage 1 và Shift Carriage 2. Phần Shift Carriage 1 vẫn đảm nhận chức năng gắn kết với lõi lò xo nhằm tạo ra cảm nhận gõ và phản hồi xúc giác, trong khi đó Shift Carriage 2 là một phần nhựa cứng có chức năng mở/đóng mạch trên chân tiếp xúc.

Làm sao để phân biệt giữa các phiên bản Cherry MX Switch và chúng khác nhau chỗ nào?


Tại thị trường Việt Nam, các loại switch Cherry MX phổ biến thường là Red, Brown, Blue và Black. Ngoài ra mình cũng thấy một số phiên bản như Green trên dòng phím CMStorm QuickFire XTI hay White trên Ducky One TKL.Ngoài ra thì còn nhiều phiên bản màu khác nữa như Grey, Clear, Silver, Orange, ... nhưng ít phổ biến hơn.

CherryMX-1.jpg

Các phiên bản switch Cherry MX được phân biệt bởi màu sắc của Switching slide và mỗi phiên bản có một đặc tính khác nhau, mang lại cảm giác gõ khác nhau. Với 4 phiên bản phổ biến là Red, Brown, Blue và Black thì chúng được chia thành 2 nhóm gọi là Linear (Red và Black) và Tactile (Brown và Blue) tưong ứng với trải nghiệm gõ. Riêng phiên bản Blue còn được phân vào nhóm Clicky do âm thanh phát ra khi gõ.

Những từ như Linear, Tactile, Clicky thường xuất hiện trên hộp sản phẩm nên việc hiểu được ý nghĩa của các từ này ít nhiều giúp anh em xác định loại switch nhanh hơn và dễ mua hơn.

  • Linear (tuyến tính): nếu switch Linear như Red và Black thì khi nhấn xuống, phần Switching slide sẽ chuyển động tuyến tính thẳng từ trên xuống dưới mà không gặp phải các khấc phản hồi (tactile bump), trải nghiệm gõ rất mượt mà và càng nhấn thì lực cản càng tăng do lò xo bị nén tối đa;
  • Tactile (xúc giác): nếu switch được phân vào loại Tactile như Blue và Brown thì khi nhấn xuống, phần Switching slide sẽ đi qua một cái khấc phản hồi xúc giác tại Actuation point (điểm kích hoạt - vị trí switch sẽ ghi nhận rằng bạn đã nhấn phím xuống). Nhờ cái khấc này nên chúng ta dễ dàng cảm nhận được là phím đã nhấn (đã ăn phím) hay chưa.
  • Clicky (tiếng click): nếu switch được gọi là Clicky thì nó sẽ phát ra tiếng click khi bạn nhấn, ngoài Blue của Cherry MX thì còn có nhiều loại switch khác tạo ra âm thanh này, chẳng hạn như Razer Green.
Red.gif

Cherry MX Red: là phiên bản switch phổ biến nhất trên những chiếc phím cơ dành cho game thủ bởi trải nghiệm gõ mượt mà, lò xo mềm hơn với lực gõ nhẹ với chỉ 45 g. Đây cũng là dòng switch có tuổi đời khá non trẻ khi được Cherry ra mắt năm 2008. Bạn có thể tìm thấy switch Cherry MX Red trên rất nhiều bàn phím chơi game của Corsair, Ozone Gaming, SteelSeries, Cooler Master, Leopold, Ducky, Das Keyboard ...

Black.gif

Cherry MX Black: là người anh em của Red, cũng thuộc dòng Linear, trải nghiệm gõ mượt mà tương tự nhưng nặng hơn do có lò xo căng hơn với lức nhấn 60 g. Lò xo căng hơn khiến switch phản hồi nhanh hơn nên trong một số trường hợp, bạn có thể nhấp đúp phím (double tap) rất nhanh trên dòng phím này. Cherry MX Black được hãng giới thiệu lần đầu vào năm 1984 và đây cũng là phiên bản lâu đời nhất của dòng Cherry MX. Tại Việt Nam thì mình chỉ mới dùng Cherry MX Black trên chiếc phím cơ ASUS Echelon.

Blue.gif

Cherry MX Blue: là phiên bản switch "ồn ào nhất" bởi âm thanh clicky của nó. Cherry MX Blue vừa mang đặc điểm của dòng Tactile, vừa Clicky với lực nhấn khoảng 50 g. Blue được sử dụng khá rộng rãi trên nhiều dòng phím cơ, đặc biệt là những chiếc phím cơ dành cho dân văn phòng bởi nó mang lại cảm giác gõ gần với cảm giác gõ trên máy đánh chữ nhất. Thêm vào đó, nhiều người cho rằng tiếng Clicky phát ra giúp tăng cường độ chính xác và ... Xua tan cơn buồn ngủ 😁. Không rõ Cherry MX Blue được ra mắt khi nào, nó xuất hiện lầu đầu trên một chiếc phím của Filco vào năm 2007 còn bây giờ thì hầu như hãng làm bàn phím cơ nào cũng có phiên bản dùng Cherry MX Blue.

Với các đặc tính như vừa ồn vừa nặng thì Cherry MX Blue không phù hợp với game lắm, nó hơi khó double tap. Nếu như bạn thường xuyên đánh máy hay đi làm mà gặp tên đồng nghiệp khó ưa thì vác phím dùng Cherry MX Blue lên, đảm bảo hắn sẽ xin đổi chỗ hoặc bạn sẽ bị cách ly :D.

Brown.gif

Cherry MX Brown: cũng là một phiên bản switch khá phổ biến nữa và nó được phát triển theo yêu cầu của hãng chuyên làm phụ kiện dành cho máy tính của Mỹ là Kinesis Tech. Hãng này đã yêu cầu Cherry làm một loại switch có thể mang lại cảm giác xúc giác (Tactile) tương tự như Blue nhưng không phát ra tiếng Clicky và lực nhấn phải nhẹ hơn với chỉ 45 g. Vậy là Brown ra đời vào năm 1992 và sản phẩm đầu tiên dùng switch Cherry MX Brown cũng chính là cái bàn phím thiết kế công thái học Kinesis Advantage. Tại Việt Nam thì anh em rất dễ tìm mua bàn phím cơ dùng Cherry MX Brown bởi hầu như thương hiệu nào cũng có. Cá nhân mình rất thích dùng Brown bởi nó khá toàn diện, gõ văn bản cũng tốt mà chơi game cũng tốt bởi vừa có phản hồi xúc giác, vừa có lực nhấn nhẹ.

Đây là bài đầu tiên của mình về phím cơ, trong các bài tiếp theo thì mình sẽ tìm hiểu và chia sẻ thêm cho anh em về các loại switch khác như Razer, Kailh, Greetech, Romer-G, Topre ... hiện đang có mặt trên thị trường. Mong anh em góp ý và tiếp tục đưa ra những thắc mắc để trong bài tới chúng ta cùng nhau giải đáp 😃
544 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

fu09fjtnhj
TÍCH CỰC
8 năm
RR là chính thôi chứ bàn phím bây h giá có khi còn đắt hơn cả con CPU i3 😁
@JKer cảm giác gõ thế nào bác có khác gì từ những ngày đầu tiên bác mua để sử dụng không cảm giác có thay đổ gì nhiều không chẳng hạn độ nảy lò xo, cảm giác tiếng clickey như thế nào cho đến bây giờ có khác biệt gì không bác
@JKer bác mua từ thời nào mà xài chục năm dazy bác cảm giác gõ có thay đổi gì từ lúc mua đến giờ không bác
JKer
ĐẠI BÀNG
4 năm
@thegoldapple9999 Mua năm 2011 đến giờ. Vẫn không có khác biệt gì lắm. Mẫu mình mua là filco camo full size
@JKer tks bác nhiều nhé
bài viết dài vãi có bàn phím còn mắc hơn core i7 6700k ấy chứ i3 là cái gì😁
duyez95
ĐẠI BÀNG
4 năm
@khải đập chai custom limited 3500 đô kìa 😆
PentiumT
TÍCH CỰC
8 năm
Đã trải nghiệm thử phím cơ của ông anh, giá tầm 2tr5. Đắng lòng là cảm giác bấm của nó khá nặng và không sướng bằng phím IMB 20 năm của mình (bàn phím imb ngày xưa cũng là phím cơ đó nha 😁). Từ đó đưa ra cảm nhận cá nhân mua mấy củ phí tiền :D
egoz
ĐẠI BÀNG
4 năm
@Chickenvieri ng ta xài phím cơ IBM kìa má
3DNo10
ĐẠI BÀNG
4 năm
@Chickenvieri Em khác bác, gõ nhanh trên K2 lỗi tùm lum. Hay do phím em lỗi ko rõ nữa. Cưa typing tốc độ cao là auto lỗi.
Lỗi xoá chữ, lỗi tự tạo dấu cách, lỗi ko nhận phím, lỗi Gõ phím a nó về đầu dòng. E gửi 1 lần đi bảo hành người ta bảo test không ra lỗi, trong khi e dùng ngày nào cũng gặp.
Chán!
TK4.Helios
TÍCH CỰC
4 năm
@PentiumT Nói là cảm nhận cá nhân nhưng câu cuối chốt phát "phí tiền" như vả vào mặt chủ phím thế kia mà cảm nghĩ cá nhân à? Không thích thì bác nói là không thích chứ thêm cái "phí tiền" vào nâng cao quan điểm làm gì.
TK4.Helios
TÍCH CỰC
4 năm
@PentiumT Và chốt thêm nữa là con IBM của bác là phím cơ cổ người ta săn trong mấy group hơi nhiều đấy, chưa chắc lúc nó sinh ra theo thời giá đã rẻ hơn con 2.5m kia đâu, thế nên cũng là một cái nói tới giá trị của phím cơ, đó là bền mãi với thời gian.
Anhking
ĐẠI BÀNG
8 năm
Mình có con mitsumi ra đời từ hơn chục năm trước gõ chẳng khác mịa gì bàn phím cơ tới giờ mình vẫn dùng,công nhận ngày xưa làm đồ "trâu" thật ! 😁:D
qvalentino
TÍCH CỰC
8 năm
@Anhking không biết bạn xài phím cơ của ha4ng nào và xài swit gì và xài trong bao lâu mà đưa ra phán xét này. nói như bạn thì bàn phím cơ mắc gấp 10 lần bàn phím thường vì cái gì???
mình cũng xài Mitsumit nè cả phím và mouse luôn lúc đầu xài văn phòng thấy đúng là bt, bền thiệt nhưng sau này chơi LoL được 1 time thấy cũng ok nhưng về sau thì nhược điểm lộ rõ. Mình chuyển qua bàn phím cơ chỉ có 2tr, Kaihl chứ ko được Cherry nữa mà trải nghiệmn khác hẳn, 1 trời 1 vực. Đúng như ae nói đã xài phím cơ thì ko bao giờ muốn gõ phím thường nữa. giờ mình tin câu nói đó là 9 xác r
tinsport
ĐẠI BÀNG
8 năm
@Anhking Mình cũng có 1 con mitsumi giờ chỉ gõ bằng củi chỏ.
minhvk243
ĐẠI BÀNG
8 năm
;)
Bài dài đọc ko hết. Ước gì Mod viết bài túm túm ngắn ngắn lại cho dễ đọc hơn.
@Ro_tt đọc cũng lười thì nghỉ đọc đi :eek:
@Ro_tt Tìm hiểu về phím cơ thì bài này vẫn là ngắn. Mình cũng đang tranh thủ tìm hiểu để làm con phím ở nhà làm việc mà chưa biết chọn con nào mặc dù đọc chán chê rồi
trungking
TÍCH CỰC
4 năm
@vicktorbui ra tiệm gõ thử 4 loại switch xem thích loại nào thì chọn loại đó
còn loại bàn phím thì nhin đẹp theo ý kiến của bác là đc ;))
@trungking À vì mấy con mình ưng switch brown cho yên tĩnh thì lại layout phím ko ưng lắm. Đang dịch các cuẩ hàng đóng hết rồi mà bác 😆
@vicktorbui Bạn thích chơi layout gì?
dragon green
ĐẠI BÀNG
8 năm
đang xài Razer BlackWidow Chroma , tối chỉnh led rgb nhảy theo nhạc rồi gõ tách tách khá phê 😃, lên vp xài con cao su gõ mã chán ~.~ , mấy cái phím cơ này dễ nghiệm lắm , xài rồi ko về cao su dc đâu
kimanageer
ĐẠI BÀNG
8 năm
@a6k64pro mấy con cọc sê vỏ kim loại hay bị rò điện... nhiều người từ bỏ cọc sê cũng vì lý do đó 😁 đang chơi game giật phát điếng người :D
@a6k64pro Bác để chân trần xuống nền nhà nó mới tê, nhà có thảm hay nền gỗ thì ko tê bác ơi.
@iname Chân nhúng nước (ngâm chân) thì có sao không bác ? 😁
Hieu123z
TÍCH CỰC
4 năm
@dragon green mua cái o ring về lắp trên switch đó bác là đem lên văn phòng ok ngay
Cho m hỏi tí vs mấy bác, trên bàn phím con hp8470p co nút gì đen đen gần cổng cắm tai phôn ấy nhỉ, hướng 4h30 , cảm ơn các bác
image.jpg
@trong skva Quét vân tay, phiên bản đời nhà Tống !
vuhoang132
ĐẠI BÀNG
8 năm
@trong skva Nút tubor boost CPU đấy, ấn mạnh vaog là kích cung CPU
@dualshock nhà tống có quét vân tay rồi à !
longnam2410
ĐẠI BÀNG
8 năm
@dualshock Lạy bác
dinhchau2603
ĐẠI BÀNG
6 năm
@longnam2410 có rồi đó. hồi đó họ gọi dân dã hơn là điểm chỉ :v
Cứ genius mà phang. 1 năm 1 cái cho mới. 75k
@MaxPC Bạn không nên dùng loại 75k, mà nên dùng loại cũ của loại 50k là còn 20k cho tiết kiệm. 😁
@text3vn Bạn không nên dùng loại 75k, mà nên dùng loại cũ của loại 50k là còn 20k cho tiết kiệm. 😁
@text3vn Mua đâu bạn
@text3vn Đang dư 2 cái bàn phím HP (1 cũ, 1 mới). 1 con chuột HP. Bán rẻ mà ai cũng chê. Ghét để lại luôn.
ViciaRea
ĐẠI BÀNG
8 năm
Cho mình hỏi mấy bàn phím giả cơ thì ntn?
hongphuc9x
TÍCH CỰC
4 năm
@ViciaRea Cái tiếng gõ với hành trình phím nó gần giống hàng thật
Đang type bằng Filco đã 2 năm chả bao h muốn quay về phím thường!
@tranlinh995 Khó tưởng tượng quá đi
@lamtien338 cảm giác là phải cảm nhận trên tay chứ tưởng tượng sao được bác 😁
hoangtuna
TÍCH CỰC
4 năm
@lamtien338 Cảm giác khi bác xài con phím cơ là nó bot từ trên xuống dưới, khít từ trong ra ngoài, lúc nào cũng có lực ngược lại...Còn dùng qua phím thường thì nó cứ tuột tuột sao ấy. Còn dùng qua bàn phím laptop thì lại thấy hụt hẫng, chưa gì mà đã đến đích...
@hoangtuna thanks pro. nghe qua hiểu luôn
kimanageer
ĐẠI BÀNG
8 năm
Sau một thời gian xài Filco, Leopold, Vortex các kiểu con đà điểu mình đã bán đi hết để chuẩn bị lên custom 😁
Thích nhất con duck ortagon nhưng không theo kịp groupbuy nên chắc chuyển hướng sang winkeyless.
P/s: my dream 😔
kimanageer
ĐẠI BÀNG
8 năm
@meoxauxa con bên trên cũng là custom thôi bác ơi... dùng layout HHKB thôi. Cá nhân em không khoái layout đó 😃 với lại em thích phím có phím điều hướng riêng không xài qua phím tắt
CJ ENTUS Shy
ĐẠI BÀNG
8 năm
@kimanageer Octagon bác cầm cỡ hơn chục củ lên chợ hú cái có người bán mà hihi
pmh1410
ĐẠI BÀNG
4 năm
@kimanageer cũng có 1 con 😃
360 Corsa.jpg
hungtomtest
ĐẠI BÀNG
4 năm
@kimanageer đẹp, em nó hết bao nhiêu và mua chỗ nào bác?
nghe nhiều người nói gõ Blue dễ bị nghiện . Không biết có nghiện hay không nhưng nghe tiếng click là thấy nhức đầu rồi . Ở chung với người khác mà gõ switch này chắc bị chửi chết .
Đang xài brown thấy ngon . Nhẹ và im . Khỏi làm phiền người khác
hongphuc9x
TÍCH CỰC
4 năm
@baohen1510 Đêm mà thức gõ thì thằng đang ngủ nó dậy đấm không trượt phát nào
hquangvn
TÍCH CỰC
4 năm
@baohen1510 Ở nhà mình xài red, văn phòng mình xài blue, cũng không thấy ai than phiền vì đồng nghiệp toàn xài phím cơ cả 😆
trungking
TÍCH CỰC
4 năm
@baohen1510 Mình thích blue vì tiếng clicky, nếu ko dùng blue đc thì sài red vì lực nhẹ bấm cảm giác rất khác biệt
Black thì nặng quá nên ko thích, brown thì ổn định nhất nhưng lại ko có gì quá đặc biết
Bài viết rất hữu ích. Chia sẽ thêm với các bạn chưa có phím cơ là đừng bao giờ ra quán net nào có bàn phím cơ hoặc đừng mượn của bạn bè 1 chiếc bàn phím cơ nào vì 1 là các bạn sẽ nghiện quán net đó, 2 là bạn sẽ không còn chiếc bàn phím nào để sài ở nhà vì đã bị bạn đập, 3 là bạn sẽ bị thằng bạn chém nếu không trả bàn phím lại cho nó, 4 là để không bị chém, bạn phải trả bàn phím cơ lại và giả vờ đòi tự tử nếu bố mẹ không cho tiền mua bàn phím cơ. Kaka. p/s: chia sẽ vui thôi, nói tóm lại là nếu bạn không đủ khả năng hay không có dự định mua phím cơ thì đừng nên dùng thử dù chỉ 1 lần, vì bạn sẽ không còn muốn gõ chiếc bàn phím thường của mình 1 lần nào nữa.
hongphuc9x
TÍCH CỰC
4 năm
@ncdangson Kết mỗi mấy cái tiếng gõ phím thôi
kimanageer
ĐẠI BÀNG
8 năm
đang góp lúa bác ơi... theo mấy kèo keycaps tốn máu quá 😔

tùy sở thích thôi bác ơi em cũng thích brown :D lên custom cũng làm con sw tương tự brown :D
minhvk243
ĐẠI BÀNG
8 năm
@kimanageer vậy dính thuốc đi ... muaaaaa ahahahhahazzzzzz
asczxczxczxc.jpg
kimanageer
ĐẠI BÀNG
8 năm
@minhvk243 ể 2 cái ba que của jelly hay k3kc vậy @@
minhvk243
ĐẠI BÀNG
8 năm
@kimanageer của mình tự làm bác ơi , chứ ko có GB hay order gì cả 😁
jedi9
TÍCH CỰC
8 năm
Đâu phải chỉ mỗi chơi game. Xài bàn phím cơ red switch gõ văn bản đỡ mỏi tay quá trời. Lên công ty xài bàn phím cao su cùi bắp ức chế quá trời.
@Lửa
ĐẠI BÀNG
4 năm
@nhan.tiong Dùng cái vòng Oring cũng đỡ được tí, chắc không cần đổi đâu 😁
haidnacitt
ĐẠI BÀNG
4 năm
@N.T.T Mình thử mua oring về gắn vào. Sau 2 tuần cố sử dụng vì nghĩ mình sẽ quen nhưng không thể quen nổi và phải bỏ đi. Chắc tại mình không thích hành trình phím ngắn, cảm giác nó cứ hụt hẫng, thiếu tự tin thế quái nào ấy.
mushu
TÍCH CỰC
3 năm
@jedi9 Chính xác luôn. Bàn phím cao su gõ nặng hơn bàn phím cơ dùng Cherry MX Red/Brown. Cá nhân em đang xài Brown để tiện cảm nhận hành trình phím vì hầu như em không bao giờ ấn hết 4mm mà chỉ bấm vừa tầm khoảng 2mm thôi nên RED không cảm nhận được mức đó. Mà quen tay rồi gõ được khoảng 2mm (vừa lúc nhận phím sẽ cảm nhận được) thì Brown nó êm ru.
@mushu Thật ra gõ nhẹ nó cũng đã nhận rồi. Switch phím cơ không cần ấn hết nên bác không sợ không ăn đâu, chẳng qua cảm giác muốn chắc ăn ấy mà.
Tưởng đang nói về em này 😁 :D :D

vien-may-tinh-sua-chua-bao-hanh-blackberry-passport-2_edit.jpg

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019