Ma trận vũ trụ quan

19/8/2016 2:48Phản hồi: 8
Chào các bạn,

Tôi viết bài viết này để chia sẻ một điều tôi cảm thấy rất quan trọng với đời sống con người. Tôi đã từng viết một bài trước đó để nói về điều này rồi. Đó là về mối quan hệ giữa ngôn từ và con số.

Trong tâm trí chúng ta, cả vũ trụ chỉ là một hệ thống thông tin. Thông tin được ghi lại bằng hai loại ngôn ngữ là ngôn ngữ lời nói và ngôn ngữ số. Phần ý thức của con người sử dụng ngôn ngữ lời nói để lưu trữ và xử lý thông tin, còn phần vô thức sử dụng ngôn ngữ số. Điều này có nghĩa là phần ý thức của chúng ta hiểu về thế giới bằng ngôn từ, còn phần vô thức của chúng ta hiểu về thế giới bằng con số. Ngôn ngữ lời nói thì có thể được biểu diễn bằng ngôn ngữ số nhưng ngôn ngữ số thì không thể được biểu diễn bằng ngôn ngữ lời nói. Đó là lý do vì sao mà các chức năng của phần ý thức như khả năng suy luận không thể thấu hiểu các chức năng của phần vô thức như trực giác.

Các nhà khoa học đã tiến hành nhiều thử nghiệm nhằm so sánh tính hiệu quả trong tư duy giữa phần vô thức và phần ý thức. Kết quả là phần vô thức của trí não luôn giải quyết các vấn đề phức tạp hiệu quả hơn rất nhiều so với phần ý thức. Ý nghĩ di chuyển rất nhanh, vậy tại sao bằng ngôn từ chúng ta thường nghĩ mãi chẳng ra vấn đề, thậm chí lại còn phản tác dụng. Lý do của điều này đó là vì con số thì đi thẳng còn ngôn từ thì đi cong. Ngôn từ chỉ tạo cho chúng ta ảo giác thẳng chứ thực ra nó vốn là cong. Nó cũng giống như chúng ta thấy mặt đất có vẻ thẳng nhưng thực chất Trái Đất là tròn. Đường thẳng do ngôn từ tạo ra chỉ là một phần nhỏ của một đường tròn lớn. Vì ngôn từ đi cong nên chúng ta thường chẳng tới được cái đích của mình khi tư duy những vấn đề phức tạp, những vấn đề hệ trọng, những vấn đề to lớn.

Một trong những vấn đề rất hệ trọng, rất phức tạp và cũng rất to lớn đó là tìm kiếm chân lý. Chân lý có thể được coi là điều cơ bản mà chúng ta không được làm trái với nó. Một bài toán dù được giải với những phương pháp cao siêu đến mấy mà bị sai cơ bản thì kết quả cũng vẫn là sai. Hậu quả của việc chân lý chưa được tìm thấy chính là những gì đang diễn ra trên thế giới mà bạn và tôi đang chứng kiến ngày nay. Nhiều học giả từ ngàn năm nay đã cố gắng đi tìm chân lý. Nhưng thất bại trong việc tìm kiếm chân lý không phải là của các học giả mà đó là thất bại của chính ngôn từ. Vậy hãy cùng đi tìm kiếm chân lý với ngôn ngữ số xem sao.


Chân lý là điều gì đó có thật. Cái chúng ta cần tìm là một con số có thật. Những cái ảo khi đụng độ với cái thật thì sẽ bị tan biến ngay. Hãy để các con số đụng độ lẫn nhau. Trận chiến này sẽ kết thúc rất nhanh trong tâm trí chúng ta. Trên đấu trường lúc này chỉ còn hai đấu thủ đó là số 1số 0. Những con số khác đâu rồi? Số 1 giết chúng rồi.

Trừ số 0 và số 1, tất cả các số tự nhiên khác đều là bội số của số 1, tức là do số 1 nhân bản lên mà thành. Với lý do này, tất cả các số tự nhiên đó đều là ảo so với số 1. Chúng tan biến. Sự thật chỉ là một trong hai con số 1 và 0. Phải dùng tới các phép tính để biết con số nào là thật, con số nào là ảo. Phép tính chính là sự tương tác. Trong cuộc sống chỉ có hai loại tương tác là tương tác hỗ trợ và tương tác xung đột. Trong bốn phép tính cơ bản là cộng trừ nhân chia thì phép nhân và phép chia là biểu hiện cho sự tương tác xung đột, phép cộng và phép trừ biểu hiện cho sự tương tác hỗ trợ. Cho hai con số này xung đột với nhau, ta có 1 x 0 = 0. Khi đụng độ, số 0 thắng. Sự thật luôn mạnh hơn sự ảo. Vậy số 0 chính là thật. 1 = 1+0. Ảo và thật hòa trộn vào nhau. Cho dù sự ảo có che lấp sự thật thì sự thật vẫn luôn ở đó. Như vậy, con số 0 chính là giá trị của sự thật, và con số 1 chính là giá trị của sự ảo. Cặp đối lập thật/ảo đã xác định được giá trị của mình. Ngôn ngữ số đã tìm thấy chân lý thành công.

Ngày xưa thời còn cắp sách tới trường, bạn được học về hai thể loại văn đó là văn miêu tả và văn bình luận. Trong hai thể loại văn này, văn miêu tả vừa đơn giản hơn vừa khách quan hơn là văn bình luận. Những thứ cụ thể là những thứ ai cũng nhìn thấy và chúng ta tin tưởng vào cái chúng ta thấy nên sẽ không có sự tranh cãi, yếu tố cảm xúc không gây nhiễu được. Nhưng văn bình luận luôn làm việc với những điều trừu tượng, do đó, cảm xúc luôn chi phối những gì chúng ta nhìn thấy. Văn bình luận luôn là chủ quan và phức tạp, không khiến ta tin tưởng. Do đó, việc ra quyết định trên cơ sở sự bình luận luôn là rất khó khăn. Sự bình luận là không thể xác minh. Khi chúng ta sử dụng chức năng biểu nghĩa của con số, con số sẽ xác định giá trị cho ngôn từ, giúp chúng ta tin tưởng vào những điều chúng ta nói. Khi đó, nó không còn là văn bình luận nữa mà sẽ là văn miêu tả. Văn miêu tả giống như là đi trên mặt đất, còn văn bình luận giống như bơi giữa biển khơi. Đi trên mặt đất sẽ cảm thấy vững trãi và có bước tiến, bơi giữa biển khơi sẽ dễ đuối sức và không cảm thấy có bước tiến.

Tôi xin lấy một số ví dụ về xác định giá trị cho ngôn từ. Xét cặp đối lập động/tĩnh. Cho số 0 và số 1 cùng di chuyển một quãng đường dài 10 đơn vị. 1 x 10 = 10; 0 x 10 = 0. Cả hai đều di chuyển nhưng chỉ có số 1 là thay đổi giá trị, tức là vị trí, còn số 0 thì giữ nguyên vị trí. Vậy số 0 là không di chuyển, là tĩnh, và số 1 là chuyển động. Số 0 là thực, do đó tĩnh mới là thực, còn động là ảo. Chúng ta thực ra không chuyển động mà chỉ có cảm giác là đang chuyển động. Ta càng chuyển động nhanh, ta càng khó nhìn thấy sự thật. Muốn biết cảm nhận điều gì là thật cần phải dừng lại.

Xét cặp đối lập nhanh/chậm. Trong 10 phút, số 1 làm được 10 đơn vị sản phẩm; số 0 cũng làm mà không được cái nào hết. Vậy số 0 là chậm, số 1 là nhanh. Nếu chúng ta nhanh, chúng ta dễ bị mê muội.

Xét cặp đối lập tuyệt đối/tương đối. Với m là một biến số. Giá trị của m là tương đối. 1 x m = m; 0 x m = 0. Số 1 tương tác với biến số sẽ thành biến số, sẽ thành tương đối. Số 0 tương tác với biến số sẽ thành hằng số 0, vẫn là tuyệt đối. Vậy số 0 là tuyệt đối, số 1 là tương đối. Nhanh thì không thể tuyệt đối, nhưng chậm thì có thể. Chậm luôn mang lại kết quả chắc chắn hơn. Ta cứ đi nhanh rồi một ngày sẽ thấy thực ra mình vẫn chậm đó thôi. Cặp đối lập vô hạn/hữu hạn giống cặp này.

Xét cặp đối lập tồn tại/không tồn tại. 1 x n = n; 0 x n = 0. Số 1 tương tác với số nào cũng có phản ứng, số 0 tương tác với số nào cũng không phản ứng. n + 0 = n; n + 1 = 1 + n. Kết hợp với số 0 thì không thấy thay đổi giá trị, với số 1 thì có. Vậy số 1 là tồn tại, số 0 là không tồn tại. Sự không tồn tại mới là thực, sự tồn tại chỉ là ảo. Chúng ta không tồn tại mà chỉ có cảm giác về sự tồn tại do sự tương tác của các quy luật vật lý. Cặp đối lập này giống cặp hữu/vô. Vô mới là thật, hữu chỉ là ảo. Khi thừa nhận trong tâm trí mọi thứ chúng ta có, kể cả thân xác lẫn tâm trí chỉ là ảo thì ta sẽ thấy sự thật.

Xét cặp đối lập cân bằng/mất cân bằng. Ta đặt 9 số 1 vào một bàn cân và đặt 10 số 1 vào bàn cân còn lại, cán cân bị nghiêng. Ta đặt 1 con số 0 vào một bàn cân, và đặt 100 con số 0 vào bàn cân còn lại, cán cân thăng bằng. Vậy số 0 là cân bằng, số 1 là mất cân bằng. Bất cứ điều gì mang giá trị 0 đều làm cho mọi thứ cân bằng.

Quảng cáo



Xét cặp đối lập nhiều/ít. Có nhiều số 0 cũng chỉ như có 1 số 0. Vậy số 0 là ít, số 1 là nhiều. Ít mới là thực, nên có nhiều cũng thành ra có ít. Có nhiều thì giá trị của từng cái không sâu sắc, là tương đối, không mang lại cho ta cảm giác có nhiều, thậm chí có lúc cảm giác như chẳng có gì cả. Ít là tuyệt đối. Cái duy nhất ta thừa nhận là mình có mới là cái đem lại giá trị tuyệt đối. Nó không bao giờ mất.

Xét cặp đối lập vĩnh viễn/tạm thời. Cặp này giống cặp tuyệt đối/tương đối. Số 0 là vĩnh viễn, số 1 là tạm thời. Chữ hữu là tạm thời, chữ vô là bất diệt. 1 = 1+0. Muốn duy trì sự bền vững của chữ hữu, chỉ cần hướng về chữ vô.

Xét cặp đối lập chủ động/bị động. Cặp này có liên quan đến cặp tồn tại/không tồn tại. Nếu không tồn tại thì chỉ có bị động thôi, chứ không chủ động. Số 0 là bị động, số 1 là chủ động. Sự bị động, hay sự tự động mới là thật. Sự chủ động chỉ là cảm giác. Chúng ta không ra quyết định, chúng ta chỉ hiện thực hóa những sự kiện tất yếu mà thôi. 1 = 1+0. Số 1 luôn phản đối số 0, nhưng số 0 thì luôn chấp nhận số 1. 1+0 = 1. Số 0 đi vào bên trong số 1 để tương trợ cho số 1. Hướng về sự bị động, ta sẽ có cảm giác chủ động mạnh hơn.

Xét cặp đối lập hướng nội/hướng ngoại. Sự thay đổi ở bên ngoài là có thể nhận thấy, sự thay đổi ở bên trong là không thể nhận thẩy. Số 1 tương tác với số nào cũng thay đổi giá trị một cách rõ ràng, số 0 tương tác với số nào cũng không thay đổi giá trị, nói chính xác là có thay đổi cũng không thể biết được. Vậy số 0 là hướng nội, số 1 là hướng ngoại. Thế giới bên ngoài dẫu có thật đi chăng nữa nhưng chúng ta không sống ở thế giới đó mà chỉ sống trong thế giới quan của chính mình mà thôi. Nhìn ra bên ngoài, bạn không thấy sự thật mà chỉ thấy cái bạn tin bởi bạn vẫn chỉ sống trong tâm trí của chính mình. Cặp đối lập vô hình/hữu hình giải thích giống cặp này.

Xét cặp đối lập thân xác/tâm trí. Cặp này liên quan đến cặp hướng nội/hướng ngoại. Số 0 là tâm trí, số 1 là thân xác. Thân xác là tạm thời, tâm trí là bất diệt. Vậy linh hồn phải có thật. Thân xác là tương đối, tâm trí là tuyệt đối. Năng lực của thân xác chỉ là hữu hạn, năng lực của tâm trí là vô hạn. Sự nhận biết từ tâm trí sẽ mang lại cho bạn nhiều giá trị và dễ dàng hơn so với sự nỗ lực của thân xác.

Xét cặp đối lập nhu/cương. 1+0 = 1. Số 0 luôn chấp nhận số 1, còn số 1 luôn phản đối số 0. Số 1 là cương, số 0 là nhu. 1 x 0 = 0. Khi số 1 tấn công số 0 thì số 0 sẽ lấy nhu để chế ngự cương. Thân xác là cương, tâm trí là nhu. Sự nỗ lực chỉ dùng với thân xác, nó không thể dùng với tâm trí. Tâm trí thì phải càng thả lỏng càng tốt mới phát huy sức mạnh.

Quảng cáo



Xét cặp đối lập hỗn độn và hài hòa. Số 1 có thể tăng số lượng, còn số 0 thì không thể. Sự rối loạn, hỗn độn chỉ có thể xảy ra trong một môi trường có nhiều phần tử chứ không thể xảy ra trong môi trường chỉ có một phần tử. Vậy số 1 là hỗn độn, số 0 là hài hòa. Nếu nhìn ra thế giới hữu hình bên ngoài, bạn sẽ chỉ thấy một thế giới hỗn độn, sự hài hòa là có thật nhưng nó nằm trong vô hình và chỉ có thể thấy bằng niềm tin của chúng ta. Thế giới hỗn độn là thế giới mà mọi thứ tồn tại một cách vô nghĩa, thế giới hài hòa là thế giới mà mọi thứ tồn tại đều có ý nghĩa của nó. Các thông tin từ thế giới bên ngoài được tiếp nhận vào trí não bạn nhưng nếu không được tiêu hóa, tức là được xử lý tốt, thì những thông tin này sẽ chỉ tồn tại như một điều dư thừa, vô nghĩa, vô lý và chúng sẽ phá hoại bạn. Khi mọi thành phần của hệ thống thông tin đều có ý nghĩa thì thế giới quan của bạn là hài hòa, và bạn sẽ thấy bình an. Số 1 và 0 sẽ giúp bạn xử lý thông tin một cách hiệu quả.

Trên đây là giá trị của một số cặp đối lập tiêu biểu. Khi ngôn từ có sự trợ giúp của con số, việc tư duy trở nên đơn giản và thông suốt nhanh hơn. Ngôn ngữ số hướng tới sự thật nên nó luôn đáng tin cậy. Tuy nhiên, phần ý thức của chúng ta lại chỉ có thể dùng ngôn ngữ lời nói. Phải nói là sinh mệnh của bạn chính là lời của bạn và ngược lại, lời của bạn chính là sinh mệnh của bạn. Mọi tư tưởng đều được xây dựng bằng lời nói. Nếu hệ thống tư tưởng này sụp đổ, bạn sẽ sụp đổ theo nó. Chính con số sẽ giúp cho hệ tư tưởng của bạn không tan vỡ.

Con số thể hiện vũ trụ thật, còn ngôn từ thể hiện vũ trụ quan. Nếu chúng ta chỉ tư duy bằng ngôn từ thì tâm trí chúng ta chỉ là một thế giới nơi có những luật lệ rõ ràng nhưng chủ quan, cứng nhắc. Nếu chúng ta kết hợp tư duy bằng cả ngôn ngữ lời nói và ngôn ngữ số thì tâm trí chúng ta sẽ là một ma trận vũ trụ quan. Ma trận là một cái gì đó trông bề ngoài có vẻ lộn xộn nhưng thực ra có tính trật tự. Bạn có thể thấy là luật pháp của con người là rõ ràng, dễ thấy trong khi tính trật tự của ma trận tự nhiên thì lại ẩn đi. Chúng ta chỉ có thể khẳng định tính trật tự này là có thật nhờ những tỷ lệ chính xác đến mức tuyệt hảo của tự nhiên. Ma trận gồm có hai mặt đối ngẫu và hai mặt này luôn xung đột và tương trợ cho nhau. Giá trị tương ứng của hai mặt này là 0 và 1. Số 1 đặt ra những bài toán, và số 0 giải những bài toán đó. Tất cả mọi thứ được sản sinh ra đều bị thử thách bởi số 1 và đều nhận được sự dẫn dắt của số 0. Đây là một trận chiến giữa 0 và 1. Có thể nói, các tiêu chuẩn trong vũ trụ đều được trui rèn liên tục qua thực chiến giữa hai thế lực mang giá trị 0 và 1 này. Các tiêu chuẩn đó sẽ không tồn tại mãi mà sẽ bị thay đổi. Không có tiêu chuẩn nào là vĩnh viễn để làm cơ sở xây dựng các tiêu chuẩn khác cả. Vũ trụ này đã bền vững được nhờ kinh nghiệm. Và chính vì nhờ kinh nghiệm nên vũ trụ mới đang giãn nở rộng ra, sự sống mới luôn phát triển tới mức đa dạng như ngày nay.

Chúng ta đều mong muốn tìm thấy một cái gì đó cố định để tựa vào nhưng thực tế lại không có thứ gì cố định mà mọi thứ luôn vận động, luôn xung đột. Tuy nhiên, trong thế giới của các con số, sự xung đột đó diễn ra dưới trạng thái tĩnh, an bình. Mọi thứ chỉ cần đo giá trị với nhau là đủ biết thắng thua rồi, do đó đây là những trận chiến không có đau thương. Trong thế giới của ngôn từ thì mọi thứ là tương đối cho nên các xung đột mang tính náo động hơn. Hai chiều hướng lý lẽ có thể đánh nhau đến sứt đầu mẻ trán, giữa mọi người với nhau và cả bên trong chính nội tại của một người. Lời của con người có thể mang lại hòa bình cho cả thế giới mà cũng có thể hủy diệt thế giới. Lời nói có thể mang lại sự thú vị cho thế giới này. Chính ngôn từ tạo ra sự đa dạng cho tâm hồn chúng ta. Không có ngôn từ, sẽ không có câu chuyện nào cả. Nhưng về khả năng quản lý thế giới, dù là thế giới nội tâm của chúng ta hay là thế giới bên ngoài, thì chỉ có con số mới đảm trách được thôi.

Ngôn từ thật là vi diệu. Nó đang tự khen mình đấy. Nhưng nếu không có sự dìu dắt của con số thì sự vi diệu đó chỉ là đồ trang sức mà thôi.
8 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Chào Nam,
"Ngôn từ thật là vi diệu. Nó đang tự khen mình đấy. Nhưng nếu không có sự dìu dắt của con số thì sự vi diệu đó chỉ là đồ trang sức mà thôi.[/QUOTE]
Cả bài viết con số luôn được ưu ái, đặc biệt là số 0 và số 1. Tại sao bạn lại nghĩ như vậy? Mình hoàn toàn không đồng ý. Ngôn ngữ không hề là đồ trang sức, ngôn ngữ vốn là điều kỳ diệu trong tiến hóa của loài người. Chính con số mới khiến con người trở nên rối ren trong cuộc sống: tiền lương bao nhiêu, tiền nhà bao nhiêu, tiền điện nước bao nhiêu, rồi có bao nhiêu cái nhà, có bao nhiêu cái xe, bao nhiêu điểm,...Thiết nghĩ nếu không có ngôn ngữ con người cũng chỉ như chiếc máy tính mà thôi. Đó là ý kiến của mình, xin được chỉ giáo!
@Yang Yang Yang Cả bài viết con số luôn được ưu ái, đặc biệt là số 0 và số 1. Tại sao bạn lại nghĩ như vậy? Mình hoàn toàn không đồng ý. Ngôn ngữ không hề là đồ trang sức, ngôn ngữ vốn là điều kỳ diệu trong tiến hóa của loài người. Chính con số mới khiến con người trở nên rối ren trong cuộc sống: tiền lương bao nhiêu, tiền nhà bao nhiêu, tiền điện nước bao nhiêu, rồi có bao nhiêu cái nhà, có bao nhiêu cái xe, bao nhiêu điểm,...Thiết nghĩ nếu không có ngôn ngữ con người cũng chỉ như chiếc máy tính mà thôi. Đó là ý kiến của mình, xin được chỉ giáo![/QUOTE]
Cảm ơn bạn đã đóng góp ý kiến. Có lẽ câu "ngôn từ chỉ là đồ trang sức" mình nói hơi quá. Ngôn từ là điều kỳ diệu trong tiến hóa của loài người, còn con số là ngôn ngữ chung của vạn vật. Nó là cái căn bản. Cả ngôn ngữ lời nói và ngôn ngữ số đều tốt, chỉ là chưa hợp tác tốt mà thôi. Như mình đã nói trong bài viết, ngôn từ chính là sự sống, là sinh mệnh. Đúng vậy, không có ngôn từ, chúng ta chỉ là vật vô tri vô giác, hoạt động như máy tính. Qua bài viết này, mình chỉ muốn một mặt là nêu ra cái điểm yếu của ngôn từ để khắc phục nó, một mặt là đề cập đến một chức năng khác của con số là chức năng biểu nghĩa, hiện vẫn chưa được ứng dụng rộng rãi.
Xã hội loài người từ trước đến nay ứng dụng con số theo chức năng biểu lượng. Nhưng với chức năng biểu lượng, con số vẫn chỉ là một "xác chết vô hồn", không thể hỗ trợ cho ngôn từ, đồng nghĩa với việc không thể hỗ trợ cho cuộc sống. Khi dùng ngôn từ để miêu tả ý nghĩa của con số đó, tâm trí của chúng ta vẫn miêu tả theo cảm xúc. Ngôn từ luôn gắn liền với cảm xúc, tuân theo ý chí của chúng ta. Nếu cảm xúc của chúng ta luôn lành mạnh và tích cực thì chuyện đó không phải là vấn đề. Nhưng khi cảm xúc bắt đầu rối ren, ngôn từ không thể giúp được mà chỉ có thể phản ánh sự rối ren đó. Khi cảm xúc cần biết một điều gì đó, ngôn từ giúp cảm xúc đặt câu hỏi, nếu ai đó biết câu trả lời, ngôn từ sẽ phản ánh lại câu trả lời đó. Nhưng tự thân ngôn từ không có câu trả lời.
Sự sống là cái đang tiếp diễn. Nó không thể kết thúc. Cái này chết, liền có cái khác sống, luân hồi không ngừng. Ngôn từ là sự sống, nó cũng không hướng đến sự kết thúc. Không có câu trả lời nào bằng ngôn từ có thể thỏa mãn hoàn toàn và vĩnh viễn cho cảm xúc của chúng ta cả. Mọi câu trả lời đều chỉ là sự bắt đầu cho câu hỏi khác. Ngôn từ là sự tương đối. Sự sống là sự tương đối.
Sự tương đối mang lại sự thú vị cho cảm xúc. Luôn có cái gì đó để khám phá trong cuộc sống này, có gì đó để trải nghiệm, để kể lại. Mỗi lời nói đều là một bước chân. Nếu không có cái chết, lời sẽ không dừng lại. Vấn đề là chúng ta muốn có những lời tốt đẹp, muốn có những bước chân thong dong, tự tại mà lại không thể có do có quá nhiều âu lo. Khi bạn đi mỏi chân, bạn phải có nơi nào đó để nghỉ tạm. Nhưng khác với thân xác, hoạt động tâm trí không thể dừng lại. Nó không thể nghỉ. Sự tương đối cần phải giao tiếp với sự tuyệt đối thì cuộc sống mới có sự bình an. Sự tuyệt đối không phải sự sống nhưng là nền tảng của sự sống, là mặt đất vững chãi để ta đặt chân lên. Ứng dụng chức năng biểu nghĩa của con số, con số mới trở thành điểm tựa để ngôn từ nghỉ ngơi và mặt đất để ngôn từ bước đi.
Con số là độc lập, nó không tuân theo ý chí của chúng ta. Nó là vô nghĩa mà đồng thời chứa đựng tất cả ý nghĩa. Con số là sự tuyệt đối, nó được tạo ra là để làm mọi thứ có thể "nghỉ ngơi". Ngôn từ giúp mọi thứ phát triển, con số giúp bảo tồn mọi thứ. Ngôn từ là dương, con số là âm. Ngôn từ là chồng, con số là vợ.
Ngôn từ chủ động hơn con số cũng như suy tư chủ động hơn trực giác. Nên muốn con số trợ giúp thì ngôn từ phải chủ động hướng vào con số.
Bình thường chỉ có con số biểu diễn được ngôn từ. Mỗi chữ cái là một dãy số nào đó. Nay chúng ta thử lấy ngôn từ biểu diễn con số. Tuy sự biểu diễn này là không hoàn hảo, nghĩa là bạn không chắc là nó đúng nhưng tác dụng là nó sẽ giúp bạn vượt qua sự rối rắm và miêu tả các sự kiện một cách hài hòa. Bạn nghe được trực giác tốt hơn nhiều và có thể ra quyết định hành động luôn từ trực giác đó, nhưng khi cố gắng biểu diễn trực giác bằng ngôn từ, thông điệp từ trực giác bị sai lệch đi ít nhiều, càng biện luận càng dễ sai.
Khác với các khái niệm bằng ngôn từ, luôn phải khẳng định sự tồn tại của mình thông qua những thứ khác như các thông tin từ các giác quan hay các khái niệm khác, con số luôn khẳng định sự tồn tại của nó bằng chính bản thân nó. 0 là 0, 1 là 1. Chúng không cần định nghĩa. Chúng giúp ta tin tưởng, bớt sợ hãi hơn. Đây là hai con số duy nhất mà máy tính, cái vô tri hiểu. Vì đây là ngôn ngữ chung của vạn vật. Do đó, muốn giao tiếp được với tự nhiên, với những thực thể vô hình, ta chỉ có thể dùng hai con số này. Hai con số này không những là giá trị cơ bản của ý nghĩa, mà hình vẽ biểu tượng của chúng (vòng tròn và đoạn thẳng) cũng là cái cơ bản để cấu tạo nên vạn vật. Có thể nói, hai con số này là cấp độ lượng tử của ý niệm. Từ cái cơ bản này dễ dàng xác định phương hướng khi tư duy hơn.
Sau một thời gian thử ngẫm bằng hai con số này ứng với các cặp đối lập, bạn chỉ cần nhìn vào một trong hai con số là sẽ thấy các liên tưởng hiện ra trong óc tự sắp xếp thành trật tự hài hòa. Trong bài viết này, mình nói có vẻ như con số quy định ngôn từ, ví dụ như số 0 phải là tĩnh. Nhưng nếu bạn cố tình nghĩ là số 0 là động thì tư duy của bạn sẽ đi theo một hướng khác. Điều quan trọng là dòng suy nghĩ sẽ không bị mâu thuẫn cho dù sự kiện được miêu tả theo cách nào. Con số chỉ tạo không gian cho ngôn từ, giúp dòng suy nghĩ đi thế nào cũng được. Nhưng hành động của bạn thì sẽ là một. Nghĩ rốt cục cũng chỉ để làm. Chúng ta liên tưởng đến cùng một thứ nhưng lại gọi chúng bằng những cái tên khác nhau. Con số bỏ qua khâu gọi tên, nó có thể triệu tập mọi thứ đến với tâm trí mà không cần tên.
Ứng dụng chức năng biểu nghĩa của con số một thời gian, bạn chỉ cần nói ba phép biến đổi: 1-1=0, 1+0=1, và 1x0=0 chứ không cần dùng ngôn từ, chỉ sau một lúc, bạn sẽ thấy các ý nghĩ trở nên sáng hơn. Sự kiện được miêu tả tiêu cực, nay được miêu tả lại dưới ánh sáng mới. Khi chỉ dùng số để tư duy, bạn sẽ không thấy "vấn đề", cái cần khắc phục mà chỉ thấy ý nghĩa của mọi thứ. Bạn thấy sự hài hòa của vũ trụ, bạn thấy được chiều thế của các sự kiện. Bạn chỉ đi men theo những dòng chảy sự kiện chứ không cần quan tâm đến đúng sai nữa. Vũ trụ có sự hài hòa là một vũ trụ an toàn. Chúng ta đau khổ vì chỉ trông thấy sự hỗn độn.
Trên đây là một số điều mình muốn chia sẻ. Xin thông cảm vì thái độ hơi phê phán thái quá ngôn từ vì dù sao theo mình, khi biện luận thì luôn có một cái gì đó bị vùi dập.Hic. Cảm ơn bạn một lần nữa vì đã góp ý nhé! Nếu có ý kiến gì, xin bạn đóng góp thêm để lần sau mình viết ổn hơn.
Chào Nam,

Mình đã đọc phần giải thích của bạn, nhưng thực tình mình thấy khó hiểu vô cùng, mình phải căng não hết sức để đọc và sâu chuỗi, đôi chỗ có vẻ như hiểu được, nhưng tổng quan thì không hiểu được cho minh bạch. Nhưng mình nhận thấy 1 điều như sau, mình thấy điều mà bạn muốn nố lực gửi gắm qua bài viết là điều chỉnh nhận thức để mọi thứ sắp xếp thành trật tự hài hòa, để cuộc sống này đơn giản hơn, và bình an hơn, thế vậy tại sao bạn lại dùng những tư duy khó hiểu để diễn tả mục tiêu nhằm làm đơn giản vậy? Mình thấy bỗng nhiên bạn gây khó hiểu cho người đọc và khiến người đọc đúng là rơi vào ma trận quan trong những khái niệm vô cùng phức tạp và trúc trắc? Tại sao bạn lại không đơn giản hóa ngay trong con đường truyền đạt chân lý đơn giản về sự đơn giản?
@Yang Yang Yang Cảm ơn vì ý kiến của bạn. Mình xin trả lời như sau. Những sản phẩm công nghệ như máy giặt, ti vi, tủ lạnh, ô tô,... đều làm cho cuộc sống của chúng ta đơn giản hơn nhưng bản thân chúng có cấu tạo cực kỳ phức tạp, hoạt động với những nguyên lý khó hiểu mà bạn phải học sâu mới hiểu được hết. Những cái làm cho cuộc sống của con người đơn giản hơn luôn là phức tạp, vô biên, do đó không có cách nào để truyền đạt nó một cách đơn giản cả.
Điều mình mong muốn qua các bài viết không phải là để thuyết phục mà chỉ là để gợi ý. Đối với một số bài toán, bạn chỉ có thể giải theo phương pháp giả thiết nghiệm chứ không tìm ra cách giải nào khác cả. Giả sử x=1, x=2 gì đó rồi bạn ghép vào đầu bài nếu thấy đúng thì kết luận đấy là nghiệm của bài toán. Những cái mình chia sẻ có lẽ chỉ chứng tỏ được nó khi nó giúp bạn vượt qua một rắc rối nào đó.
Bản thân mình cũng có nhiều rắc rối với tâm lý nên mình đã dành nhiều thời gian để tìm cách cân bằng tâm lý cho hiệu quả. Sau một thời gian, mình hiểu ra là chỉ có trực giác mới làm tâm lý bớt rối và cuộc sống trở nên đơn giản hơn. Mình nghĩ theo hướng tìm cái gì đó để nghe trực giác tốt hơn. Và mình tìm thấy con số.
Hài hòa và hỗn độn là thuộc tính của vũ trụ, cũng là thuộc tính của vũ trụ quan. Bạn có thể bằng cách nào đó gắn kết chặt chẽ hơn với sự hài hòa, song sự hỗn độn vẫn luôn ngự trị ở đó. Nếu bạn ở trong ngôi nhà bạn sẽ trông thấy cảnh bên ngoài ngôi nhà. Nếu bạn ở bên ngoài ngôi nhà, bạn sẽ trông thấy cảnh bên trong ngôi nhà. Khi tâm trí bạn ở sự hài hòa, bạn sẽ nhìn thấy sự hỗn độn rõ ràng nhưng nó không còn làm tổn hại đến bạn được nữa. Khi dựa được vào trực giác, mình thấy bình an trong ngôi nhà của sự hài hòa. Nhưng khi phải chia sẻ với ai đó cái gì, mình cần phải bước ra khỏi ngôi nhà đó, tức là bước trở lại vào sự hỗn độn ngoài kia.
Ma trận vũ trụ quan không những là một đống lộn xộn mà còn là một cơn bão của ý niệm. Bạn chỉ có thể đạt được sự bình yên khi nằm ở chính tâm bão. Càng tiến gần đến tâm bão bạn sẽ càng thấy cơn bão dữ dội hơn. Logic bắt đầu không còn giống logic nữa. Logic bị tan ra và không thể sâu chuỗi. Bạn chỉ trông thấy các mảnh rời rạc. Khi tư duy về những điều cốt lõi bằng ngôn từ, bằng ý thức của bạn, bạn sẽ thấy mọi thứ càng trở nên khó hiểu hơn bởi lúc đó bạn sẽ phải trông thấy sự hỗn độn ở cấp độ dữ dội nhất của nó. Bằng ngôn từ, bằng ý thức, bạn chỉ có thể tới gần tâm bão, không sao tới được tâm bão.
Logic là yên ổn, là có thể sâu chuỗi được khi nó nằm xa với tâm bão, xa với những điều cốt lõi. Càng ở xa cơn bão thì sự cường độ của cơn bão càng giảm. Logic nằm xa với những điều cốt lõi cũng giống như bộ da của chúng ta, rất đẹp, rất thanh bình. Khi bạn bắt đầu đào sâu vào các khái niệm và logic, bạn đã bóc bộ da này ra và nhìn thấy cái nội tạng phức tạp, bầy hầy bên trong đó. Việc chiêm nghiệm này có thể khiến bạn phát điên.
Nhưng cũng giống như con cá chép cố gắng vượt vũ môn để hóa rồng. Nếu bạn đến được tâm bão, đến được trung tâm của mọi thứ, bạn sẽ tự do từ trong chính tư duy của mình. Từ con cá chép, bạn trở thành một con rồng. Con rồng khác biệt một cách toàn diện với một con cá chép. Điều đó nghĩa là khi bạn tới được trung tâm của ma trận vũ trụ quan, tâm trí của bạn sẽ thay đổi một cách triệt để, không còn giống lúc trước nữa. Những điều bạn đã từng thấy khó vô cùng thì nay lại thấy dễ vô cùng.
Con số không làm cho ngôn từ mất đi sự hỗn độn. Nhưng lúc bạn nhìn thấy khả năng của con số thì lúc đó bạn đã thoát ra khỏi thế giới của ngôn từ rồi. Sự thanh bình nằm ở con số, không nằm ở ngôn từ. Khi tư duy bằng số, ngôn từ vẫn ở đấy, các dòng tư duy vẫn xuất hiện ào ào. Nhưng bạn lúc đó giống như một người đang ngồi bình yên trên bờ để quan sát cơn lũ vậy. Bạn giống như đang ở trong thể xác mà đã tách rời ra khỏi thân xác. Bạn chỉ điều khiển thân xác chứ không còn nhập làm một với thân xác nữa. Bạn trở thành người ngoài cuộc với chính những tư tưởng của mình và bạn có thể quan sát rõ ràng tư tưởng đó. Nếu bạn chưa tin vào khả năng của con số, tâm trí bạn sẽ vẫn ở ngôn từ, và tất nhiên, bạn sẽ vẫn ở trong cơn bão hỗn độn đó. Bạn chỉ có thể tin và hiểu một thứ khi đã kề vai sát cánh cùng với nó để cùng vượt qua những khó khăn.

Hãy dùng thử con số để tư duy nếu lúc nào đó, ngôn từ của bạn cần đến một sự giúp đỡ!
Chào Nam,
Mình đọc bài viết của bạn từ tuần trước nhưng hôm nay mới nhắn lại được mặc dù phần viết của bạn khiến mình vô cùng ấn tượng và muốn được reply luôn ngay. Bạn khiến mình nhớ đến 2 câu chuyện mà mình nhớ mãi. Câu chuyện thứ nhất có liên quan đến bộ phim có tên là Life is Beautiful của Ý được dịch sang tiếng việt là Cuộc sống tươi đẹp, không biết bạn đã xem chưa. Bộ phim nói về cuộc sống tươi đẹp nhưng lại lấy bối cảnh là chiến tranh thế giới thứ 2 vô cùng vô cùng khắc nghiệt khó khăn, mình nghĩ bạn hãy thử xem bộ phim này. Ý nghĩa của phim cũng tương tư như những gì bạn nói ở trên ấy, đó là phải đi vào tâm bão, chỉ khi ở chính tâm bão thì tâm mới đat đến độ bình yên thực sự và có thể đương đầu với bất cứ khó khăn nào khác "Nếu bạn đến được tâm bão, đến được trung tâm của mọi thứ, bạn sẽ tự do từ trong chính tư duy của mình", như bạn nói đấy. Mình thấy đó là một bộ phim đáng xem vô cùng, bạn hãy xem đi nếu chưa xem. Còn câu chuyện thứ hai liên quan đến một cuộc thi vẽ tranh. Đề tài đưa ra là "Hãy vẽ sự bình yên", và có hai bức tranh được vào vòng trong. Bức tranh thứ nhất tuyệt vời, nó bình yên vô cùng. Người hoạ sĩ vẽ một khung cảnh thiên nhiên thật tĩnh lặng với hồ nước thì lăn tăn gợn sóng, cây ven hồ ngả bóng in những vòm lá rộng xuống làn nước trong đến tận đáy, mây thì lững lờ trôi, màu sắc thì thư thái, tươi tắn. Nhìn vào bức tranh này người xem cảm thấy như tĩnh lại được tâm hồn ngổn ngang của mình. Còn bức tranh thứ hai vẽ 1 cơn cuồng phong thịnh nộ sợ hãi đến ghê người. Mây đen bão bùng cây cối ngả nghiêng, khung cảnh như muốn xé tan những gì đi bên dưới, nhìn vào tranh ta có cảm tưởng như mưa đang táp vào mặt vào mũi. Ấy thế nhưng lại chính bức tranh thứ hai mới giành được giải nhất. Đó là vì sao? Đó là bởi vì trong cơn thịnh nộ của thiên nhiên ấy, trong cái khe núi bão bùng xung quanh ấy là một tổ chim bé nhỏ. Tổ chim ấy ấm áp đến diệu kỳ. Chim mẹ chở che, nhẹ nhàng mớm mồi cho chim non, không hề sợ hãi, không hề hoảng hốt, một sự bình yên đến lạ lùng. Tình thương và hơi ấm giường như bao trùm toàn bộ không gian khiến sự dữ dội bên ngoài kia tự nhiên tan biến, chẳng còn quan trọng gì nữa hết, và đây mới chính là sự bình yên thực sự và trường cửu.
Đấy Nam ạ, bạn khiến mình nghĩ đến 2 câu chuyện đó, và mình thấy đọc bài viết của bạn có chút tác động đến mình, rất mong sẽ được đọc thêm bài của ban.
@Yang Yang Yang Chào Yang Yang Yang,
Về câu truyện bức tranh vẽ sự thanh bình ấy, mình thấy bạn kể sinh động hơn so với bản gốc. Hôm qua mình đã xem bộ phim bạn giới thiệu ấy, "Life is Beautiful". Bộ phim hay tuyệt! Mình nghĩ đó là một tác phẩm kỳ diệu. Lâu lắm rồi mới được xem một tác phẩm như vậy. Cảm ơn bạn nhé! Mình bị ấn tượng mạnh với nhân vật Guido. Mình nghĩ trong tâm trí, Guido thật tự do!
Mình cũng muốn có tâm tính giống như Guido nhưng tâm trí mình thì lại có vẻ ngược lại. Không biết bạn có như mình không nhưng mình nhạy cảm và dễ tiêu cực lắm. Tuy nhiên, mình rất khao khát có được sự bình yên. Sau một quá trình dài chiêm nghiệm, đúng là mình đã tới được tâm bão, nhưng biết nói sao nhỉ. Nếu tâm trí chia làm hai phần là phần dưới và phần trên, tức là cảm xúc và nhận thức, thì chỉ có phần trên của mình là vào được tâm bão, còn phần dưới thì vẫn ở ngoài. Có lẽ chỉ có nhận thức mới có thể thực sự tự do, còn cảm xúc thì không. Cảm xúc chỉ có thể hưởng thụ phần nào đó sự tự do này bằng cách phản chiếu lại nhận thức.
Cảm xúc của mình vẫn bị tác động bởi những sự kiện ở thế giới bên ngoài và bản thân nó cũng tự bị rối loạn. Thế giới sâu thẳm bên trong tâm trí quả thật có thể khiến bất cứ ai cũng bị xoắn não. Mình buộc phải chấp nhận rằng cảm xúc không thể sở hữu sự tự do một cách chủ động được.
Hãy dùng góc hình học để mường tượng sự khác biệt giữa cảm xúc và nhận thức. Từ góc 0 độ đến 360 độ, theo bạn góc nào tự do nhất? Tất nhiên là 360 độ rồi, đấy là sự cởi mở hết cỡ. Nếu cảm xúc của bạn có thể cởi mở 360 độ, bạn chẳng còn cần phải tìm kiếm bất cứ điều gì nữa. Bạn tự do hoàn toàn. Bạn sẽ trở thành điểm tựa vững chắc cho mọi thứ. Nhưng thực tế mà mình thấy thì chỉ có nhận thức mới có khả năng cởi mở đến 360 độ thôi, còn cảm xúc mở ra hết cỡ thì chỉ đến 180 độ là cùng. Cảm xúc là phần của tâm trí mà luôn luôn chỉ có một nửa. Nó luôn cần phải sở hữu hoặc dâng hiến cho một cái gì đó.
Nếu góc độ cảm xúc mà nhỏ hơn 90 độ thì đó là một cảm xúc co hẹp. Cảm xúc này sẽ muốn chiếm hữu và không dễ dàng đón nhận những chuyện tiêu cực. Nếu góc độ cảm xúc mà lớn hơn 90 độ thì đó là một cảm xúc cởi mở. Cảm xúc này sẽ muốn dâng hiến và "tiêu hóa" được những chuyện tiêu cực dễ dàng hơn.
Mình nghĩ những người như Guido là những người sinh ra đã có cảm xúc lớn hơn 90 độ rồi. Đó là những người hạnh phúc, cho đến tận khi họ ra đi. Tình yêu làm cho cảm xúc của họ cởi mở nhiều hơn nữa, có thể là 180 độ. Và khi tình yêu được đáp lại, thì 180 độ + 180 độ = 360 độ. Thế giới bên ngoài chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Cảm xúc là tự do thông qua tình yêu.
Nhưng đối lập lại với Guido, có thể có những người sinh ra lại thường có góc độ cảm xúc nhỏ hơn 90 độ. Họ dễ buồn khổ hơn, dễ bị ảnh hưởng bởi những sự kiện trong cuộc sống. Họ không thể tự mình vui lên được. Phải nhờ có ai đó hay cái gì đó giúp họ. Cảm xúc và nhận thức của chúng ta luôn phản chiếu lẫn nhau qua một tấm gương. Một cái là thật, một cái là hình chiếu. Bình thường cảm xúc là cái thật, nhận thức là hình chiếu. "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ". Nhận thức thường phản ứng theo đúng trạng thái cảm xúc. Nhận thức giống như con rối của cảm xúc, khiến cảm xúc thấy thật cô đơn.
Khi nhận thức của mình vươn tới cái tâm bão kia, mình đã thấy một hiện tượng. Cảm xúc của mình lúc đó phát điên lên vì những suy nghĩ, những logic. Nó tuyệt vọng và yếu dần, như một người bị mắc kẹt dưới nước, đã thấy mặt nước rồi nhưng không bơi lên được vì có cái gì đó nắm chân kéo lại. Nhưng khi ấy, cái vẫn thường là cái bóng, tức là nhận thức của mình, liền tự nó cử động. Và bây giờ, cảm xúc của mình mới là cái bóng. Cảm xúc đã hỏi nhận thức "Bạn là ai?", nhận thức trả lời: "Nếu bạn là cái tôi, thì tôi là cái bạn."
Cái bạn là một phần của cái tôi, cái tôi là một phần của cái bạn. Cái tôi và cái bạn là hai đầu mút của tâm trí. Khi hai đầu mút này lần lượt nhường quyền chủ động cho nhau thì cả hai sẽ có một cuộc nói chuyện. Cái tôi nói thứ ngôn ngữ cụ thể, rõ ràng, cái bạn nói thứ ngôn ngữ trừu tượng, vô hình nhưng rất ngấm. Cái bạn là cởi mở hết cỡ, khi cái tôi nghe cái bạn nói, cái tôi cũng cởi mở hơn. Khi cái tôi cảm thấy tiêu cực, cái bạn là toàn bộ sự tích cực và sẽ truyền cho cái tôi sự tích cực đó. Khi cái tôi tích cực, cái tôi và cái bạn hòa vào làm một. Sự sống là một chuyến hành trình dài đằng đẵng, chuyến hành trình của cái tôi. Và cái bạn là người đồng hành, hỗ trợ và giúp đỡ. Đấy là cách tự do thứ hai của cảm xúc mà mình nhận thức được.
Đó là những điều mình đã nghĩ tới sau khi xem xong bộ phim đó bạn ạ. 😃
Mình rất tán đồng với bạn Tưởng Hoàng Nam về tính "tương đối" của ngôn ngữ lời, ngôn ngữ lời vốn nó dùng để miêu tả sự vật nên nó khó có tính chuẩn xác bởi để miêu tả thế giới vật chất và thế giới quan của con người cần hàng tỷ tỷ số lượng ngôn từ (điều không thể bởi giới hạn của trí nhớ, nhận thức và tính đáp ứng của não người).
Nhưng mình thấy cái hay của ngôn ngữ lời là không giới hạn cảm quan của con người khi sử dụng do cảm quan của từng người khác nhau tại từng thời điểm (lúc vui, buồn...) nên ngôn ngữ lời không dẫn đến buồn chán như khi sử dụng ngôn ngữ số vốn mang tính logic (không mù mờ). Điều này các tay nghệ sĩ hài, bi sử dụng rất tốt mà mình nghĩ đó là nghệ thuật đấy, thậm chí cac nhà hùng biện nữa bạn có nghĩ vậy không, con người bản tính là hay chán nên cái gì đã biết lại không còn ham thích như ban đầu nữa mà đi khám phá cái mới vì vậy mới có các từ ngữ mà các bạn trẻ bây giờ sử dụng mà các ông bà già không thể hiểu nổi.
Mình nghĩ tính không toàn vẹn là một thuộc tính của sự sống, là động lực tìm hiểu, hoàn thiện chính nó.
Mình rất ham tìm hiểu về tự nhiên nên thấy rất mến con người bạn Tưởng Hoàng Nam mong sẽ được đọc hiểu các bài khác của bạn.
@DUYEN KHOI Uhm, mình đồng ý với bạn! Bạn phân tích rất đúng. Bài này mình viết có vẻ phê phán từ ngữ gay gắt quá. Đáng lẽ ra mình phải trình bày về mối liên hệ tương trợ mật thiết giữa ngôn ngữ số và ngôn ngữ lời thì mình lại viết thành bênh vực con số và phản bác lời nên chắc người đọc sẽ cảm thấy hơi phản cảm một chút.
Thực ra theo mình thì số nó cũng không hẳn là một ngôn ngữ. Ngôn ngữ lời là do âm thanh. Âm thanh liên quan đến nhịp điệu và tiết tấu. Nhịp điệu và tiết tấu của cảm xúc cộng hưởng với nhịp điệu và tiết tấu của lời nói và ngược lại. Người biết sử dụng ngôn ngữ lời sẽ có thể nghe được nhịp cảm xúc của chính mình và người khác, từ đó có thể biết lựa lời để nói sao cho hòa hợp vào nhịp cảm xúc của người đang đối thoại. Khi nhịp cảm xúc của hai người đã hòa làm một. Người nói có thể thay đổi tiết tấu và nhịp điệu của lời nói, khiến nhịp cảm xúc của người nghe bị cộng hưởng theo. Mình nghĩ đó là sức mạnh của lời nói. Lời nói có sức mạnh không thể thay thế trong giao tiếp, biểu đạt.
Còn con số mình thấy nó vốn từ ánh sáng mà ra. Số 1 là đèn bật, số 0 là đèn tắt. Đèn bật là điểm thu hút sự chú ý của cảm xúc, đèn tắt là điểm không thu hút sự chú ý của cảm xúc. Đèn bật và đèn tắt nằm xen kẽ nhau. Một tập hợp đèn bật sắp xếp thành một trật tự cố định sẽ cố định sự chú ý của cảm xúc của bạn vào đúng cái trật tự ấy. Cảm xúc phản chiếu theo ánh sáng.
Như vậy, âm thanh tìm cách hòa hợp vào cảm xúc trước rồi từ từ thay đổi trạng thái của cảm xúc. Giới hạn của âm thanh nằm ở chỗ hoặc là nó thay đổi được cảm xúc hoặc là chính nó bị thay đổi. Nếu bạn đang vui và bạn cố gắng thuyết phục một người đang buồn thối ruột thối gan vui lên, thì bạn phải có một niềm vui vững chắc nếu không nhất định sẽ bị cộng hưởng với nỗi buồn kia, dẫn đến mất đi niềm vui. Âm thanh cần có một điểm tựa. Ngôn từ từ âm thanh mà ra, ngôn từ cần một điểm tựa.
Ánh sáng thì không hòa hợp vào cảm xúc. Ánh sáng thu hút sự chú ý của cảm xúc. Dù cảm xúc có đang ở trạng thái nào lập tức sẽ bị phản chiếu bởi ánh sáng. Ánh sáng cũng có thể đóng vai trò một tấm gương phản chiếu đúng trạng thái cảm xúc, giúp cảm xúc hiểu được đâu là chỗ "ngứa" để mà "gãi". Sự cộng hưởng của âm thanh có thể là tiêu cực hoặc tích cực nhưng sự phản chiếu của ánh sáng là "không thể tiêu cực". Ngôn ngữ số từ ánh sáng mà ra. Ngôn ngữ số không cần điểm tựa. Nó tự do và cũng sẽ giúp cảm xúc hưởng thụ một phần sự tự do đó.
Bạn biết rằng giác quan thị giác chiếm những 80% nhiệm vụ tiếp nhận thông tin. Giác quan thính giác đứng thứ hai nhưng cũng chỉ thuộc về tỷ lệ 20% ít ỏi còn lại. Nghĩa là ánh sáng mang tới 80% nhận thức còn âm thanh mang tới dưới 20% nhận thức. Điều đó nghĩa là việc tổng hợp thông tin được tiếp nhận bằng ngôn từ chỉ mang tới dưới 20% kết quả, còn việc tổng hợp thông tin được tiếp nhận bằng con số có thể mang tới 80% kết quả. Máy tính chỉ dùng con số để tư duy, còn con người hiện nay chỉ dùng ngôn từ để tư duy nên người thua máy trong một môn thể thao đầy trí tuệ như cờ cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên.
Kết hợp tư duy bằng cả ngôn từ và con số sẽ mang tới 100% kết quả. Bạn sẽ luôn miêu tả mọi sự kiện đang xảy ra trên thế giới theo cách khiến bạn thông suốt nhất mà không cần tìm tòi nhiều, nỗ lực nhiều.
Mình ví von chuyện tư duy với chuyện kinh tế một chút nhé! Ngày xưa khi tiền chưa được phát minh ra, kinh tế thế giới tuân theo công thức hàng-hàng, tức là hàng đổi lấy hàng. Nền kinh tế là không ổn định vì tỷ lệ trao đổi giữa các loại hàng hóa là khác nhau tương ứng với từng thời kỳ. Ví dụ 1 bao gạo đổi được 1 mét vải khi gạo được mùa nhưng tỷ lệ này sẽ khác khi gạo mất mùa. Tiền là vật ngang giá chung. Kể từ khi tiền xuất hiện, nền kinh tế đã ổn định hơn. Nền kinh tế tuân theo công thức tiền-hàng-tiền. Tâm trí con người không cần đặt vào hàng, một cái đầy biến động nữa mà đặt vào tiền, một thứ bất biến (đặt giả thiết là cả thế giới chỉ dùng một loại tiền). Vì tâm trí con người đã được đặt vào một thứ bất biến, tâm trí con người bình an hơn, ổn định hơn. Tương tự như vậy, trong tư duy, chúng ta trao đổi với nhau những ý tưởng và ý niệm. Quá trình này diễn ra liên tục. Mọi khái niệm đều bằng ngôn từ. Mỗi khái niệm được định nghĩa bằng một tập hợp nhiều khái niệm khác, nhưng lại không có khái niệm nào là cơ sở vững bền hoàn toàn cả. Mọi định nghĩa của các khái niệm đều chỉ là tương đối, cũng giống như giá trị hàng hóa trong kinh tế học vậy. Chức năng biểu nghĩa của con số cố định các khái niệm vào một trong hai giá trị 1 hoặc 0. Giá trị của khái niệm không phải là định nghĩa. Giá trị của khái niệm không giúp bạn hiểu một khái niệm một cách độc lập. Giá trị của khái niệm giúp bạn nhìn thấy mối quan hệ qua lại với nhau giữa toàn bộ các khái niệm có trong tâm trí bạn. Ngôn ngữ số chú trọng gìn giữ tính gắn bó hài hòa, mật thiết của hệ thống khái niệm. Sự thật là gì không quan trọng, hệ thống tư tưởng của bạn không mất đi sự hài hòa mới là quan trọng. Cái gì không thể bị đập vỡ, cái đó là thật.
Kết hợp giữa ngôn từ và con số khi tư duy, tư tưởng bạn sẽ giống như một con lật đật. Sóng gió làm nó chao đảo, nhưng
rồi tư tưởng lại nhanh chóng khôi phục lại trạng thái thanh bình của nó. Và cảm xúc sẽ cộng hưởng theo tư tưởng của bạn.

Đây là những điều mình muốn nói nếu được viết lại bài này.

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019