Tham dự Tech Lounge

Tham dự Tech Lounge


Đánh giá nhanh bo mạch chủ GIGABYTE X99-Phoenix SLI: Đầy đủ tính năng, đèn LED rực rỡ, giá 9 triệu

agp8x
17/9/2016 15:18Phản hồi: 40
Đánh giá nhanh bo mạch chủ GIGABYTE X99-Phoenix SLI: Đầy đủ tính năng, đèn LED rực rỡ, giá 9 triệu
GIGABYTE X99-Phoenix SLI là một trong những dòng bo mạch chủ (mainboard) cao cấp dành cho nền tảng máy tính hiệu năng cao Broadwell-E mà các bạn game thủ có thể sắm vào thời điểm hiện tại. Đầy đủ món ăn chơi, dòng bo mạch chủ này cũng giống như cái tên Phoenix (phượng hoàng) của nó về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Không chỉ chói lọi về mặt ngoại hình nhờ hệ thống đèn LED cực kỳ hoành tráng, mức giá 9 triệu đồng của GIGABYTE X99 SLI Phoenix chắc chẳn cũng đủ làm loá mắt không ít các game thủ có nhã hứng sở hữu.

Thông tin về bo mạch chủ GIGABYTE X99-Phoenix SLI

GIGA_Phoenix-35.jpg
Thông số kỹ thuật
  • Tên sản phẩm: GA-X99-Phoenix SLI
  • Socket: 2011v3 (tương thích CPU Haswell-E/Broadwell-E)
  • Chipset: Intel X99
  • Số khe RAM: 8 khe bọc thép, 4 kênh bộ nhớ
  • Loại RAM: DDR4 2133-3600 MHz, hỗ trợ XMP
  • Số khe PCI Express 3.0: 4 x 16x (bọc thép), 1 x 1x
  • Giao tiếp dành cho lưu trữ: 1 x SATA Express, 6 x SATA 3 (hỗ trợ RAID), 6 x SATA 3 (chỉ hỗ trợ IDE và AHCI), 1 x M.2, 1 x U.2
  • Số cổng USB: Intel USB 3.1 controller (1x USB Type-C/3.1, 1 x USB Type-A), chipset X99 (2 x USB 3.0/2.0, 4 x USB 2.0/1.1), 2 x Renesas USB 3.0 Hub (8 x USB 3.0/2.0)
  • Số lượng cổng mạng : 2 x Intel® GbE LAN chips (10/100/1000 Mbit)
  • Kết nối không dây: Wi-Fi 802.11 a/b/g/n/ac, Bluetooth
  • Chip điều khiển thiết bị ngoại vi: iTE® I/O Controller Chip
  • Chip âm thanh: Realtek® ALC1150 codec
  • BIOS: dual bios, 2x 128 Mbit flash
  • Hỗ trợ đa card màn hình: có, Quad Nvidia SLI và AMD Crossfire
  • Đèn LED: RGB LED
  • Kích thước: ATX, 30,5 cm x 24,4 cm
  • Giá bán lẻ tại Việt Nam: 9 triệu đồng
  • Bảo hành: 3 năm
GIGABYTE X99-Phoenix SLI (trong bài mình sẽ gọi là Phoenix ở bên dưới cho gọn), là dòng bo mạch chủ X99 Refresh dành cho nền tảng Broadwell-E được Intel ra mắt vào giữa năm nay. Tính đến thời điểm hiện tại, nó vẫn là nền tảng máy tính hiệu năng cao mạnh nhất của Intel dành cho người dùng cuối. So với nền tảng phổ thông như Broadwell/Skylake thì Broadwell-E giúp bạn có thể đạt được hiệu năng cao hơn rất nhiều. Và dĩ nhiên, mức giá của bo mạch chủ nền tảng Broadwell-E cũng rất đắt.

Phoenix thuộc dòng sản phẩm G1 GAMING cao cấp của GIGABYTE được thiết kế dành cho đối tượng là các bạn game thủ với thiết kế cực kỳ hầm hố, hệ thống đèn LED rực rỡ. Điều quan trọng nhất là nó đầy đủ các món ăn chơi dành cho game thủ, bất kỳ tính năng nào có thể tích hợp trên bo mạch chủ thì bạn đều sẽ tìm thấy trên Phoenix.


Thiết kế tuyệt đẹp đậm chất game thủ

GIGABYTE X99-Phoenix SLI là một trong những dòng bo mạch chủ đẹp nhất mà mình từng đánh giá từ trước đến nay. Thậm chí là ngay cả khi chưa "lên đèn", sự phối hợp giữa 3 tông màu đen, trắng và cam của dòng bo mạch chủ này cũng đã đủ để tạo ấn tượng mạnh mẽ ngay từ cái nhìn đầu tiên. Sau đây là một số điểm nhấn chính trong thiết kế của Phoenix:

So với các dòng bo mạch chủ khác cùng phân khúc, Phoenix nói riêng và phong cách thiết kế các dòng G1 GAMING của GIGABYTE theo nhận xét của mình là bắt mắt và trẻ trung nhất nhờ tận dụng tối đa sự tương phản giữa các tông màu đen tổng thể, "giáp trắng" và các chi tiết cam. Trong khi đó 2 ông lớn khác là ASUS và MSI thì thường phối với tông màu tối hơn. Dĩ nhiên, cái nào đẹp hơn thì còn tuỳ vào gu của bạn.

GIGA_Phoenix-19.jpg
GIGA_Phoenix-27.jpg GIGA_Phoenix-25.jpg

Phoenix sử dụng socket 2011v3, tương thích với các dòng CPU Core i7 Broadwell-E hoặc Haswell-E. Bộ khoá CPU được mạ tối nhìn rất ngầu, mặc dù thật ra thì gắn cái tản thì chúng ta cũng chẳng thấy được gì. Không gian xung quanh cũng rất thông thoáng, cho phép bạn có thể dễ dàng gắn những tản nhiệt lớn vào. Cũng cần lưu ý là đối với nền tảng Broadwell-E/Haswell-E, Intel khuyến khích người dùng sử dụng các tản nhiệt hiệu năng cao nên không kèm theo tản nhiệt stock. Ở trên bạn sẽ thấy khối tản nhiệt dành cho mosfet, được đặt ẩn dưới mặt nạ màu trắng. Để ý kỹ, bạn sẽ thấy khối tản nhiệt này kết nối bằng một ống dẫn (cũng mạ tối) với khối tản nhiệt của chupset bên dưới.

GIGA_Phoenix-1-2.jpg

Phía sau bo mạch, vị trí gắn CPU cũng được gia cố bằng một miếng kim loại để chịu được những tản nhiệt khí vừa to vừa nặng. So với các bo mạch chủ nền tảng phổ thông như Broawell/Skylake thì việc lắp đặt tản nhiệt cho Phoenix dễ dàng hơn rất nhiều vì bạn chỉ cần bắt ốc thẳng vào bo, chứ không phải qua bước lắp thêm miếng đỡ phía sau (vì đã có sẵn). Dĩ nhiên là bạn cũng có thể gắn các tản nhiệt nước một cách dễ dàng không kém, chẳng những hiệu năng cao hơn mà lại còn chiếm ít diện tích trên bo mạch, chỉ có mỗi tội giá đắt 😁

GIGA_Phoenix-18.jpg
Để cấp nguồn cho Phoenix, bạn cần 1 đầu cấp 24 pin và 1 đầu 8 pin. Đây là thiết lập tiêu chuẩn nên tương thích với tất cả các nguồn máy tính đời mới hiện nay. Công suất nguồn yêu cầu thì tuỳ thuộc vào việc bạn sử dụng dụng card màn hình và CPU nào.

Quảng cáo



GIGA_Phoenix-39.jpg
Phoenix có tổng cộng là 8 khe gắn RAM, hỗ trợ bộ nhớ DDR4 mới nhất. So với Broadwell/Skylake thì ưu thế của Broadwell-E/Haswell-E là hỗ trợ đến 4 kênh bộ nhớ (Quad Channel) thay vì 2 (Dual Channel). Đối với các bo mạch chủ Broadwell-E hiện nay thì mặc định khi cắm vào RAM sẽ chạy ở tốc độ 2133 MHz. Nhờ hỗ trợ XMP (Extreme Memory Profile), nếu bạn gắn những dòng RAM tốc độ cao cũng hỗ trợ XMP thì chỉ cần kích hoạt trong BIOS là có thể chạy với tốc độ mà nhà sản xuất RAM công bố (tối đa 3600 MHz). Dĩ nhiên, bạn vẫn có thể chỉnh bằng tay để đạt được xung nhịp cao hơn so với mặc định.

GIGA_Phoenix-21.jpg
Mình thích việc GIGBYTE sử dụng 2 màu đen và cam với độ tương phản cao để giúp người dùng dễ phân biệt các khe với nhau trên Phoenix, chứ một số hãng dùng 2 màu tối (chẳng hạn như đen với xám kiểu như ASUS) hay thậm chí là đen từ A-Z (như bạn MSI) thì vừa khó phân biệt mà lại còn không được đẹp. Mức độ "chăm sóc" của GIGABYTE đối với khe RAM của Phoenix có thể nói là gần như "vô đối" vào thời điểm hiện tại. Chẳng những "bọc thép" như bao người, hãng còn nhét luôn một dải đèn LED RGB vào giữa các khe cắm, lúc chạy nó "lên đèn" cực kỳ đẹp, cực kỳ bắt mắt và không kém phần chói lọi.

GIGA_Phoenix-40.jpg
Chipset Intel X99 được đặt ở bên dưới môt khối tản nhiệt diện tích khá lớn. Tuy vậy phần tản nhiệt này được thiết kế thấp nên khi bạn gắn card màn hình sẽ không bị cấn. Và cũng như truyền thống của hằng hà sa số các bo mạch chủ hiện nay, gắn card vào là cái logo G1 GAMING bị cắt mất một khúc. Cơ mà đối với Phoenix thì GIGABYTE không thiết kế đèn cho logo nên nhìn cũng không chướng mắt lắm, chứ không như một số hãng che một phần logo đã đành lại còn có đèn bên dưới gây sự chú ý nữa. Nói đi cũng phải nói lại, cái logo G1 GAMING trên tản chipset là dán bằng sticker theo mình thấy thì nó không được tinh tế cho lắm.

GIGA_Phoenix-20.jpg
Giống như hằng hà sa số bo mạch chủ cao cấp khác, GIGABYTE X99-Phoenix SLI được trang bị 4 khe PCI Express 16x 3.0, tức là bạn có thể gắn tối đa 4 card cùng lúc. SLI trong tên của dòng bo mạch này là để chỉ thiết kế của nó được tối ưu để bạn có thể chạy 2 card màn hình. Cụ thể hơn là khoảng cách giữa 2 khe PCI Express 16x trong cùng bên phải được làm rộng hơn, giúp bạn có thể dễ dàng gắn 2 card to mà không sợ tản card sau đụng lưng card trước. So với gia cố khe RAM thì mình thấy là gia cố khe PCIe 16x hữu ích hơn nhiều, vì xu hướng card cao cấp toàn chơi tản khủng vừa to vừa nặng chứ không "nhẹ cân" như mấy thanh RAM. Với CPU hỗ trợ 40 làn PCIe, bạn có thể thiết lập x16/ x0/ x0/ x0, x16/ x16/ x0/ x0, x16/ x16/ x0/ x8, x8/ x16/ x8/ x8. Ngoài ra nếu bạn dùng CPU chỉ hỗ trợ 28 làn thì tuỳ chọn thiết lập là x16/ x0/ x0/ x0, x16/ x8/ x0/ x0, x8/ x8/ x8/ x0, x8/ x8/ x8/ x4. Bên dưới mỗi khe GIGABYTE trang bị 3 bóng đèn LED với mục đích tạo màu cho hệ thống :D

GIGA_Phoenix-1-5.jpg

Quảng cáo


Ở giữa các khe PCIe 16x bạn còn có 1 khe PCIe 1x nữa. Ngoài ra bạn cũng sẽ có chỗ gắn SSD chuẩn M.2 và một chip điều khiển I/O bổ sung của iTE, bởi vì Phoenix được GIGABYTE tích hợp rất nhiều cổng kết nối so với mặc định của chipset X99.​

GIGA_Phoenix-1-6.jpg
Khả năng kết nối không dây của Phoenix được đảm nhiệm bởi một mô-đun gắn rời chuẩn M.2. Mô-đun này cho phép bo mạch chủ hỗ trợ Wifi a/b/g/n/ac với băng tầng 2.4/5 GHz và Bluetooth 4.2, 4.1, BLE, 4.0, 3.0, 2.1+EDR. Để ý thì bạn sẽ thấy có 2 cái dây nho nhỏ, nhiệm vụ của nó là nối mô-đun với ăn-ten (đặt ở vị trí các cổng kết nối phía sau bo mạch) để tăng khả năng bắt tín hiệu.

GIGA_Phoenix-1-4.jpg
GIGABYTE vẫn sử dụng chip âm thanh cao cấp Realtek ALC1150 trong Phoenix. Thật ra chất lượng của nó vẫn tốt, nhưng không tạo được sự khác biệt so với các dòng thấp hơn. Được cái cụm chip xử lý âm thanh của đặt ở vị trí riêng tách biệt với các linh kiện khác nên tránh được vấn đề nhiễu.

GIGA_Phoenix-26.jpg
Các cổng kết nối phía sau bo mạch chủ Phoenix bao gồm: 1 cổng PS/2 dành cho chuột/bàn phím, 2 cổng gắn ăng-ten, 1 USB-C (3.1), 1 USB 3.1 Type A (màu đỏ), 6 USB 3.0/2.0, 2 cổng ethernet, 1 ngõ ra quang, 5 jack cắm âm thanh (sub/center, rear, line in, line out, mic in).

GIGA_Phoenix-30.jpg
Về các giao tiếp dành cho thiết bị lưu trữ, Phoenix có sẵn 10 cổng SATA 3 cho phép bạn cắm trực tiếp dây vào ổ cứng. Ngoài ra còn có 2 cổng nội bộ, nối thằng ra các dock cho ai có nhu cầu và 1 cổng SATA Express. Nói chung là cực kỳ dư dả. Bạn nào thích xài SSD NVMe thì Phoenix cũng hỗ trợ luôn cổng U.2 và M.2. Cần lưu ý là do khe M.2 với U.2 chia sẻ băng thông, vì vậy nếu như bạn dùng CPU hỗ trợ chỉ 28 làn PCI Express (5820K hay 6800K) thì cổng U.2 sẽ không dùng được. Còn nếu dùng những dòng cao hơn hỗ trợ 40 làn thì xài được cả 2. Adapter chuyển từ M.2 sang U.2 hiện tại cũng khá phổ biến trong trường hợp bạn dùng SSD U.2 với CPU hỗ trợ 28 làn. Bên cạnh đó, bạn cũng sẽ có những cổng kết nối nội bộ (internal header) để nối ra các cổng USB 2.0/3.0/3.1 trên thùng máy hoặc Hub gắn ngoài.

GIGA_Phoenix-23.jpg
Do đây là dòng dành cho game thủ nên bạn sẽ không thấy các nút cứng để ép xung như những dòng dành cho dân OC. Thay vài đó thì Phoenix vẫn dùng những kiểu header truyền thống, được cái GIGABYTE thiết kế để cắm khá dễ dàng với một adapter (bạn cắm hết header vào trong adapter rồi cắm nguyên adapter vào main chứ không cắm lẻ tẻ từng cái).

Đầy đủ các món ăn chơi

GIGABYTE X99-Phoenix SLI là dòng bo mạch chủ chipset X99 vì vậy về cơ bản nó sở hữu tất cả những ưu điểm mà bạn có thể mong đợi đối với hệ thống nền tảng Haswell-E/Broadwell-E. So với nền tảng phổ thông như Broadwell/Skylake thì những ưu thế dễ nhận thấy nhất của Haswell-E/Broadwell-E là:
  • Hỗ trợ CPU tối đa 10 nhân (6950X)
  • CPU hỗ trợ tối đa 40 làn PCIe
  • Bộ nhớ Quad Channel
Ngoài ra còn có một số ưu điểm "không rõ rệt" gồm
  • Khả năng ép xung tốt hơn
  • Chất lượng các linh kiện (của bo mạch) tốt hơn
  • Hỗ trợ chạy SLI/Crossfire 2 card ở 16x (Skylake chạy 2 card chỉ ở 8x) nếu dùng CPU hỗ trợ 40 làn PCIe
  • Thiết kế ngầu hơn
Bên cạnh đó Phoenix cũng được trang bị những tính năng thời thượng mà bất kỳ dòng bo mạch chủ cao cấp nào cũng cần phải có, nhưng chưa chắc bạn đã tận dụng hết:
  • Hỗ trợ SSD chuẩn M.2, U.2
  • Một đống cổng SATA 3
  • Một đống cổng USB 3.1/3.0/2.0 và có cả USB-C
Và dĩ nhiên, nếu đã hướng đến giới game thủ thì hệ thống đèn LED RGB là không thể thiếu. GIGABYTE X99-Phoenix SLI có thể nói là một trong những dòng bo mạch chủ đẹp nhất mà mình từng thấy khi "lên đèn". Bạn cũng có thể tuỳ biến màu sắc và cách sáng đèn cho phù hợp với gu của mình.

Đánh giá nhanh hiệu năng của GIGABYTE X99-Phoenix SLI với Intel Core i7-6900K
GIGA_Phoenix-3.jpg

Để bạn tham khảo, mình sử dụng cấu hình thử nghiệm như sau: CPU Core i7-6900K (3,2 GHz), tản nhiệt Cooler Master Hyper 212X, bo mạch chủ GIGABYTE X99-Phoenix SLI, 8 GB ADATA XPG DDR4-3200, GIGABYTE GTX 1060 XTREME GAMING, SSD 120 GB Intel 520, PSU FSP Raider 650W, thùng máy NZXT H2 Silent (mở nắp hông để mà chụp đèn :D)

GIGA_Phoenix-2.jpg
PCMARK 8 HOME

GIGA_Phoenix-3.jpg
3DMark Time Spy, bạn chỉ nên quan tâm đến điểm số của CPU

rise_of_the_tomb_raider_lara_croft_bear_forest_art_ice_ax_101233_1920x1080.jpg Rise of the TombRaider (fullHD, max setting)​

GIGA_Phoenix-38.jpg

Về phần hiệu năng, thực chất bo mạch chủ không trực tiếp đem lại hiệu năng cho bạn. Điều mà Phoenix đem lại là khả năng tận dụng tối ưu những linh kiện mà bạn sử dụng trong hệ thống của mình như CPU, RAM, SSD, GPU,... Nói một cách đơn giản, Phoenix cho phép bạn tuỳ chọn sử dụng CPU mạnh nhất kết hợp với GPU mạnh nhất, RAM tốc độ cao, nguồn khủng và rất nhiều ổ cứng với đủ loại chuẩn (M.2, U.2, SATA 3) để tạo thành một hệ thống máy tính khủng. Và bổ sung thêm vào đó là ngoại hình tuyệt đẹp, đủ để bất kỳ chủ nhân nào cũng có thể tự hào.

GIGA_Phoenix-12.jpg

Một trong những điểm nhấn của nền tảng dùng chipset X99 là tất cả CPU của nó đều hỗ trợ ép xung. Và riêng những dòng cao cấp như Phoenix thì linh kiện được sử dụng cao cấp hơn, đồng nghĩa với khả năng ép xung cũng tốt hơn là những dòng thấp hơn. Mặc dù vậy, Phoenix hướng đến đối tượng là game thủ nên chuyện ép xung được hãng thiết kế rất đơn giản với chỉ cần vài cú click chuột. Ngoài ra thì GIGABYTE cũng trang bị cho sản phẩm của mình tính năng Dual BIOS, lỡ bạn có quá tay thì có thể cứu cánh bằng thông qua việc đổi BIOS bằng jumper trên bo.

GIGA_Phoenix-1.jpg

Điều mình thích nhất ở các dòng bo mạch chủ của GIGABYTE đó là ứng dụng APP Center, với mục đích quản lý các ứng dụng khác. Thay vì cài đặt nhiều ứng dụng khác nhau và kích hoạt từng cái, APP Center cho phép người dùng quản lý các ứng dụng (dành cho bo mạch GIGABYTE) một cách nhanh chóng. Dĩ nhiên, bạn cũng có thể chỉnh tay để đạt được mức hiệu năng thậm chí là còn cao hơn nữa, nhưng cá nhân mình là một game thủ thì những gì mà Phoenix mang đến nói chung là đủ rồi. Chẳng hạn như với hệ thống thử nghiệm, dùng ứng dụng có sẵn chỉ với 1 cú click là mình có thể đẩy xung nhịp của CPU từ 3,2 (Turbo Boost lên 3,5 GHz) GHz lên 4,2 GHz (cố định).

Kết luận

Tóm tắt ưu nhược điểm của bo mạch chủ GIGABYTE X99-Phoenix SLI


Ưu điểm
  • Hỗ trợ nền tảng Broadwell-E/Haswell-E
  • Thiết kế đẹp
  • Hệ thống đèn LED RGB cực kỳ ấn tượng
  • Hỗ trợ SSD chuẩn M.2 và U.2
  • Tích hợp Wifi, Bluetooth
Nhược điểm
  • Chi phí đầu tư cho nền tảng X99 cao
  • Không có nút nguồn và ép xung cứng trên bo
  • Cổng U.2 không dùng được với Core i7 5820K và 6800K
GIGA_Phoenix-16.jpg
Liệu nền tảng X99 có phù hợp với game thủ?

Khi xét về hiệu năng, các CPU Broadwell-E/Haswell-E cao hơn rất nhiều so với yêu cầu của các game hiện nay. Tuy nhiên trái với lầm tưởng của nhiều bạn, điều đó không có nghĩa là nó không có ưu điểm dành cho chơi game. Cụ thể hơn, những dòng CPU của Broadwell-E/Haswell-E hỗ trợ 40 làn PCIe cho phép bạn tận dụng tối đa khả năng khi chạy 2 card đồ hoạ ở tốc độ 16x, thay vì phải giảm băng thông xuống còn 8x như những nền tảng phổ thông (Broadwell/Skylake). Mà đối với chơi game, sức mạnh đồ hoạ thì không bao giờ đủ cả.

GIGA_Phoenix-37.jpg

Tất cả các game thủ đều mong muốn sở hữu hệ thống máy tính với mức mạnh cao nhất, và X99 là nền tảng tốt nhất để hiện thực hoá điều đó. Một sự thật là nếu bạn đã đầu tư vào nền tảng Broadwell-E, tỉ lệ hiệu năng/giá chỉ là yếu tố phụ vì chắc chắn là nó "cực thấp" so với các nền tảng phổ thông khi dùng để chơi game. Yếu tố quan trọng nhất lúc này là làm mọi cách để sở hữu hệ thống với sức mạnh khủng nhất, thiết kế hầm hố đẹp mắt nhất.

Một điều thú vị là nếu như bạn muốn tận dụng khả năng chạy SLI 2 card ở 16x, ưu điểm lớn nhất của nền tảng Broadwell-E dành cho game thủ, thì buộc phải sử dụng các dòng CPU cao cấp với khả năng hỗ trợ 40 làn PCIe (chẳng hạn như dòng Core i7-6900K mà mình thử nghiệm). Lúc đó thì chi phí bị đội lên còn cao hơn nữa, sức mạnh CPU vốn đã thừa nay thậm chí còn thừa hơn (để tận dụng tối đa băng thông cho card màn hình). Nói chung là cái giá để có hệ thống máy tính khủng thật ra chẳng bao giờ hợp lý cả.

Vậy ai là đối tượng của GIGABYTE X99-Phoenix SLI?


GIGABYTE X99-Phoenix SLI được thiết kế để hướng đến các bạn game thủ muốn sở hữu một bo mạch chủ có thể khai thác hết tiềm năng của nền tảng Broadwell-E/Haswell-E, và không chỉ ở phương diện tính năng mà còn ở ngoại hình thiết kế. Mức giá 9 triệu có thể là hơi cao so với mặt bằng chung, tuy nhiên nó hợp lý với những gì mà bo mạch chủ này mang lại, nếu không muốn nói là tương đối mềm so với các dòng bo mạch chủ X99 Refresh cao cấp hiện nay.
40 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

dunhill
ĐẠI BÀNG
8 năm
Chỉ nói được một từ: Chất lừ
Nhưng giá thì quá chát. Thêm cả chip, RAM, VGA vào thì ;)
@dunhill Con này 9 củ còn mềm chán bác nhá. Coi 2 con X99A Gaming Pro Carbon & X99A Godlike Gaming Carbon của MSI kìa 😁
đó giờ vẫn thích main của giga nhất .. đang sài em giga z87x-ud3h 😃
Myx
ĐẠI BÀNG
8 năm
GIGABYTE X99-Phoenix SLI chắc sẽ hơi bị tốn điện hah!
Quá đẹp ;))))
Trông chất vãi!
Nhìn cái main mà xem
Muốn sắm nhưng cái giá thì....mình chả có $ sắm
RenthalZ
ĐẠI BÀNG
8 năm
Mới tìm review hôm kia để xem mà ko thấy, mua về xử luôn... kết quả đây ạ 😃 mới 60% thôi 😃
20160918_164150.jpg 20160918_164144.jpg 20160918_164140.jpg 20160918_164135.jpg 20160915_224920.jpg 20160915_224856.jpg 20160915_224850.jpg 20160915_190248.jpg
@RenthalZ dân chơi đây rồi 😁
ndlong
TÍCH CỰC
8 năm
@RenthalZ Tổng cộng hết bao nhiêu vậy bác, nhìn mê quá
@RenthalZ Chất lừ :x
Van Thu
ĐẠI BÀNG
8 năm
@RenthalZ Chơi đá gà online hay sao mà gắn hàng vãi chưởng vậy bạn 😃
kurof4
ĐẠI BÀNG
8 năm
Thắc mắc main này chạy dc SLI 2 card, z nó làm 4 PCI x16 làm gì nhỉ? Với lại 2 khe cuối sát nhau z sao gắn dc thêm card màn hình. 😕😕😕😕
@kurof4 Nó chạy được max là 4 cái, nhưng nếu muốn xài 2 cái cuối thì bạn phải mod lại tản nước 😁
Nói chung là đẹp ngầu
mrduck148
TÍCH CỰC
8 năm
phải nói là chất giá thì cao quá 😁
ngoài card đồ họa ra còn cái gì xài PCI không nhỉ
nova_vn
ĐẠI BÀNG
8 năm
@chàng trai cô đơn 95 Google ko tính phí
@nova_vn thì đang GG đây, não chưa hoạt động à
Khả năng nâng cấp sau này ngon !!!
Chân dài nhưng mình ko phải đại gia nên ngắm thôi. Đọc đoạn khe pci vs khe ram bọc thép đã ghê rồi
amdxxx
TÍCH CỰC
8 năm
X99 bây giờ có main nào rẻ nhất nhỉ? Cũng muốn làm thử 1 bộ x99 mà xem ra giá khá cao.
luong1994
ĐẠI BÀNG
8 năm
@amdxxx Mainboard Asrock X99 Taichi nhé bạn, vô đối trong tầm giá luôn.
@amdxxx

bác làm con tai chi nhé rẻ bảo hành tốt hơn trước rồi,hiệu năng như mấy con 9-10 củ

nó rẻ vì ko có LED nó rẻ vì 3 slot VGA

nó rẻ vì ko có nút OC trên main. nói chung cắt giảm nhiều thứ.

mà bác có mua Taichi và về xài hết tất cả chức năng của nó thì máy máy trên trăm ngàn củ cmnr
..................................

nó hơn MSI ở cái điểm 2 LAN 1 WIFI 1 BT

nói chung TAICHI được mệnh danh là điều hòa túi tiền
nhìn đã quá
cuibap035
TÍCH CỰC
8 năm
giá này bằng cả bộ pc nhà em
Mấy thánh ơi em gà lém lỡ chơi dại không lên mạng seach mà chạy đi quất đại con Gaga byte H170-Gaming 3 DDR3 rồi. Giờ lên thấy toàn bàn về ddr4 thou huhu! Còn main của e có thành phế vật ko xin mấy thánh giúp từ vấn ạ!
DSC_0092.JPG e có nên bán nó đi rồi xút lại em Gagabyte H170-Gaming 3 DDR4 ko
@GM (gà mờ) chẩ sao đâu bác ah bác dùng bt chả thấy khác biệt đâu
@BomAloXinh Thank bác đã chỉ
@GM (gà mờ) không có gì đâu bác trước đầy người mua asus B150 d3 kìa :v cũng bị hố thôi nhưng d3 d4 gì chả như nhau. chẳng qua băng thông blabla gì đó nói nhanh nhanh chứ bác chơi ram D3 dominator thử mấy chú Avexir cùi d4 cũng thèm nhỏ dãi ra ý chứ kaka. em cũng xài H170 Gaming 3 nhưng d4

@GM (gà mờ) không có gì đâu bác trước đầy người mua asus B150 d3 kìa :v cũng bị hố thôi nhưng d3 d4 gì chả như nhau. chẳng qua băng thông blabla gì đó nói nhanh nhanh chứ bác chơi ram D3 dominator thử mấy chú Avexir cùi d4 cũng thèm nhỏ dãi ra ý chứ kaka. em cũng xài H170 Gaming 3 nhưng d4

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019