Tham dự Tech Lounge

Tham dự Tech Lounge


Câu chuyện của những người có trái tim nằm bên ngoài cơ thể

MinhTriND
23/11/2016 14:11Phản hồi: 47
Câu chuyện của những người có trái tim nằm bên ngoài cơ thể
Steve Williams không thể thở được. Bệnh cơ tim khiến phổi của cựu vận động viên này bị lấp đầy bởi chất lỏng, làm cho việc hô hấp trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Lúc bấy giờ, Williams cảm thấy như ông đã cận kề cái chết. Ông được đưa đến một bệnh viện ở quận Cam (miền Nam California, Mỹ), và khi kiểm tra, tim của ông đã ngừng đập. Suốt 30 phút kể từ khi được đưa vào phòng cấp cứu, các bác sĩ đã cố gắng ép tim ngoài lồng ngực để hồi sinh trái tim của ông. Người vợ Mary của ông nhớ lại, vào thời điểm đó, bà được gọi vào để nói lời từ biệt với người chồng đã cùng mình sinh sống 24 năm. Williams dường như đã chết.

Tuy nhiên, kỳ tích xảy ra khi đội ngũ bác sĩ có thể tái khởi động trái tim của ông, nhưng trong 3 ngày sau đó, ông đã phải ở trong tình trạng hôn mê, toàn bộ cơ thể được gói trong nước đá nhằm giảm thiểu các tổn thương đến não. Khi tỉnh dậy, ký ức của Williams vẫn còn nguyên vẹn, nhưng cơ thể của ông bị tổn thương nặng nề. Gan bị tắc nghẽn, tràn dịch màng phổi tiếp tục diễn ra, tâm thất trái và phải của tim bị tàn phá, khiến cho việc lưu thông máu trong cơ thể gặp rất nhiều khó khăn. Nếu không sớm được ghép tim, ông sẽ chết.

text-tim-nhân-tạo-tinhte-01.jpg

Tim được hiến tặng là thứ vô cùng hiếm; mỗi năm, chỉ có khoảng 1/10 bệnh nhân trên toàn thế giới được cứu sống nhờ một quả tim mới, và ông Williams đã không may mắn.

Trước tình hình đó, cách tốt nhất để duy trì sự sống cho ông là phải tiến hành loại bỏ gần như hoàn toàn trái tim hỏng, sau đó thay thế bằng một hệ thống được gọi là “trái tim nhân tạo”. Williams là một trong một số ít các bệnh nhân nhận được quả tim nhân tạo mỗi năm. Tính đến thời điểm hiện tại, hệ thống này vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ sự sống cho những người chờ được ghép tim. Và nếu như các nhà sản xuất thiết bị có cải tiến, trái tim cơ khí một ngày nào đó sẽ thay thế trái tim khiếm khuyết của chúng ta, mãi mãi.

Quay trở lại câu chuyện của Williams, sau một thời gian dài chờ đợi, ông được chuyển đến một trong số ít nơi trên thế giới có thể thực hiện ca phẫu thuật phức tạp nói trên, đó chính là Viện Tim Cedars-Sinai ở Los Angeles (Mỹ). Những đề xuất đã được đưa ra tại đây thật sự đáng sợ: khoang ngực của ông sẽ bị làm vỡ, các động mạch quan trọng bị cắt đứt, và trái tim đã nằm trong cơ thể 53 năm sẽ bị “lôi” ra ngoài. "Đơn giản chỉ một từ: sự hãi; chúng tôi thật sự bị đả kích", bà Mary chia sẻ. "Nhưng thực sự không còn lựa chọn khác dành cho tôi", Williams nói.

Trái tim nhân tạo dành cho ông Williams được sản xuất bởi công ty Arizona SynCardia. Thiết kế của nó khá đơn giản: một cặp tâm thất nhân tạo nhỏ như nắm tay người gắn vào tâm nhĩ - buồng lấy máu của tim; trong khi đó, động mạch chủ - động mạch lớn nhất của cơ thể; và động mạch phổi sẽ kết nối trái tim nhân tạo và phổi. Hai đường ống nhỏ được nối với tâm thất làm từ nhựa polyurethane, không khí từ bên ngoài vào máy sẽ được bơm vào qua đường ống này, với tốc độ khoảng 120 lần mỗi phút. Lượng khí này sẽ tác động lực lên máu, nhằm tái tạo lại nhịp tim nhanh. Thiết bị phải được cắm vào ổ điện hoặc kết nối với một bộ pin xuyên suốt, để duy trì hoạt động. Nếu không có điện, trái tim nhân tạo ngừng “đập”; trừ khi sớm cung cấp nguồn điện, bằng không, bệnh sẽ nhân chết.

text-tim-nhân-tạo-tinhte-02.jpg
Williams đồng ý phẫu thuật ghép tim nhân tạo, và xem nó như một biện pháp tạm thời trong khi chờ đợi một trái tim đến từ người hiến tạng. Tháng 4/2014, một ngày trước khi làm phẫu thuật, các bác sĩ giới thiệu cho Williams những người đang hồi phục sau các ca phẫu thuật tương tự. Bệnh nhân luôn phải mang theo bên mình một máy nén khí, nó tạo ra những tiếng đập không ngừng, và âm thanh đó lớn đến nỗi có thể được nghe thấy từ căn phòng bên cạnh.

Hai chiếc ống nhô ra từ một vết rạch trên bụng. Đó là những cảnh tượng thật sự khiến người ta sợ hãi. Thế nhưng, điều mà ông Williams để ý không phải là những cái ống nhựa, những tiếng đập thình thịch có vẻ ghê rợn kia. Thứ ông quan tâm đó chính là cách những bệnh nhân bình phục. Gần ⅔ tổng số người được cấy ghép tim nhân tạo SynCardia có thể ra khỏi giường bệnh và đi bộ chỉ 2 tuần sau phẫu thuật, phần lớn trong số họ cũng có thể sống cho đến khi nhận được cơ quan mới. Đó là những kết quả đầy hứa hẹn đối với ông Williams.

tim-nhân-tạo-tinhte-02.jpg
Steve Williams tại nhà của mình

Ca phẫu thuật của Williams sau đó diễn ra một cách suôn sẻ. Ông được xuất viện với một trái tim tên là "Freedom Driver", kèm theo bộ pin và máy bơm không khí có thể bỏ vừa vào một chiếc ba lô, cho phép ông mang nó đi khắp mọi nơi. (Cho đến năm 2010, đối với hầu hết những người được ghép tim nhân tạo, bất kể họ khỏe mạnh như thế nào, đều phải kết nối với bộ pin tương đối lớn. Do đó, họ dường như chỉ có thể sinh hoạt trong bệnh viện).

“Quả tim” tạm thời cho phép ông Williams tiếp tục cuộc sống của mình theo cách bình thường nhất. Ông được chứng kiến con trai mình tốt nghiệp trung học, đi dạo trên bãi biển mỗi ngày, trồng một mảnh vườn ở sân sau nhà, và hơn 1 năm sau những hôm cận kề cái chết, sức khỏe của ông cho đến giờ vẫn tương đối tốt.

text-tim-nhân-tạo-tinhte-03.jpg

Quảng cáo


"Tôi là một người đàn ông 50 tuổi tưởng chừng như đã chết, và vợ tôi sẽ trở thành người phụ nữ bất hạnh với hai đứa con sống nhờ tiền bảo hiểm của tôi", Williams nói trong khi "trái tim" của ông được đặt ngay dưới chân, tại một quán cà phê Starbucks thuộc quận Cam. "Đó là những gì tôi tự nói với bản thân mình để nhớ rằng tôi thật sự may mắn".

Dù mang lại sự sống, tuy nhiên, sống với một trái tim nhân tạo cũng có những nhược điểm riêng nó. Cụ thể, ông Williams luôn cần một người chăm sóc, và người đó thường là vợ của ông, phòng khi thiết bị gặp trục trặc. Ông phải kết nối vĩnh viễn với một nguồn pin hoặc cắm vào ổ cắm điện; ngoài ra, các chất làm loãng máu với liều lượng lớn có thể làm cho cơ thể của ông bị lạnh; và ông cũng không thể ngâm mình trong nước.

Ngoài ra, ông còn phải đối mặt với những khó chịu khác, chẳng hạn như không một giây phút nào ông được cảm nhận sự yên lặng, bởi tiếng kêu thình thịch quá lớn của máy bơm, và nó cũng thu hút mọi ánh nhìn khi ông đi đến những nơi công cộng. (Williams thậm chí không thể xem phim ở các rạp, để tôn trọng những khán giả khác vì họ có thể bị phân tâm bởi tiếng ồn của “quả tim”).

"Đó là một mối quan hệ yêu - ghét mà bạn nhận được từ thiết bị này, bạn biết ơn nó vì bạn còn sống, nhưng bên cạnh đó bạn cũng phải đánh đổi để dùng nó", Williams nói. "Đó là bản chất của con người, luôn muốn mọi thứ quay trở về lúc ban đầu. Đôi khi điều đó không bao giờ xảy ra”. Có một số ít người còn sống trên thế giới này không có nhịp tim tự nhiên. Không quá 2.000 bệnh nhân đã nhận được một trái tim hoàn toàn nhân tạo, với một thiết bị đã tồn tại 3 thập kỷ, và hầu hết bệnh nhân đều không sử dụng hệ thống trong một thời gian dài. Như với Williams, trái tim nhân tạo chỉ là cầu nối để hỗ trợ cho ca phẫu thuật ghép tim trong tương lai, nếu ông may mắn nhận được nó.

Tuy nhiên, điều đó hoàn toàn có thể thay đổi. Một số ít các công ty, bao gồm cả SynCardia, vẫn đang cố gắng để nhận được sự chấp thuận về pháp lý nhằm nhân rộng quy mô sử dụng, hứa hẹn sẽ là giải pháp thay thế cho cơ quan sinh học của bệnh nhân trong suốt quãng đời còn lại. "Hãy suy nghĩ về những thứ tương tự như thay khớp gối và máy trợ thính", theo Piet Jansen, giám đốc y khoa của công ty Pháp Carmat, đơn vị đã có một thử nghiệm lâm sàng đầu tiên về trái tim nhân tạo dài hạn. "Một lúc nào đó, chúng ta sẽ có một máy bơm máu cấy ghép có thể thay thế vĩnh viễn cho trái tim bị tổn thương".

text-tim-nhân-tạo-tinhte-04.jpg
Nếu hoạt động trơn tru, công nghệ này có thể cứu rất nhiều mạng sống. Tại Mỹ, hơn 5 triệu người mắc bệnh suy tim, theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), và cũng có rất nhiều người cần một cơ quan mới để có thể tiếp tục sự sống. Một số ít người may mắn nhận được quả tim mới, nhưng họ cũng gặp phải vấn đề do hệ miễn dịch từ chối, từ đó dẫn đến nhiễm trùng và suy đa tạng. Trong khi đó, tim nhân tạo được cho là an toàn hơn và cũng có một số dự đoán tin tưởng nó là tương lai của việc điều trị suy tim.

Quảng cáo



Mặc dù vậy, công nghệ này cũng làm dấy lên những câu hỏi về tính thiết thực và đạo đức. Hiện nay, vẫn chưa rõ liệu nhựa và kim loại của hệ thống tim nhân tạo sẽ tương thích sinh hóa với cơ thể như thế nào. Theo nhà sản xuất, tim nhân tạo có thể bơm gần 7.600 lít máu mỗi ngày, vận chuyển máu đi khắp hệ thống mạch máu kéo dài hơn 96.000 km. Sống với một trái tim nhân tạo cũng gây khó khăn cho bệnh nhân ở nhiều mặt, và một khi đã quyết định phẫu thuật, chuyện đảo ngược quá trình đó là không thể. "Bạn đã cắt ra một đoạn lớn của trái tim, và bạn cũng đã cắt ra các phần cần thiết để duy trì sự sống", Stuart Finder, một nhà đạo đức học tại Cedars-Sinai, chio biết. "Một khi bạn tiến hành can thiệp, bạn không bao giờ có thể quay trở lại".

tim-nhân-tạo-tinhte-03.jpg

Trái tim đơn giản chỉ là một máy bơm, tuy nhiên trong vòng nửa thế kỷ qua, các kỹ sư sinh học đã không ngừng cố gắng tạo ra một phiên bản cơ khí hoàn hảo của bộ phận sinh học này. Và thành công luôn là thứ gì đó còn xa xỉ đối với họ. Trong những năm 1960, các nhà khoa học hứa hẹn sẽ phát triển một trái tim nhân tạo vào cuối thập kỷ, để giúp đỡ cho các bệnh nhân suy tim toàn bộ giai đoạn cuối. Đề nghị hấp dẫn này giúp các chuyên gia nhận được hàng trăm nghìn USD, dành cho Chương trình Trái tim nhân tạo tổ chức ở Viện tim, phổi và huyết học Quốc gia Mỹ. Phát triển một máy bơm máu hiệu quả có vẻ là chuyện dễ dàng, song thiết kế một thiết bị nhận được sự chấp thuận của hệ miễn dịch thật sự là khó khăn lớn nhất cần phải vượt qua.

Một trong những nguyên mẫu tim nhân tạo đầu tiên ra đời vào những năm 1970, vận hành nhờ một nguồn năng lượng chưa từng được ứng dụng trong thiết bị kiểu này trước đó: plutonium-238 - một sản phẩm phụ trong quá trình sản xuất vũ khí hạt nhân. Trên lý thuyết, nguồn năng lượng này đủ để cung cấp điện năng cho hoạt động của tim nhân tạo, trong suốt quãng đời còn lại của bệnh nhân.

text-tim-nhân-tạo-tinhte-05.jpg
Tuy nhiên trên thực tế, "trái tim nguyên tử" đã cho thấy nó có một số bất cập rất rõ ràng. Ngay cả khi hoạt động tốt, bệnh nhân cũng luôn phải tiếp xúc với bức xạ nồng độ cao. Và điều gì sẽ xảy ra nếu nó gặp trục trặc? Có phải bức xạ sẽ thấm vào người bệnh nhân hoặc gây tổn hại cho những người thân yêu của họ? Đồng nghiệp? Những người hàng xóm? Một thành viên của hội đồng liên bang thậm chí còn tỏ ra lo ngại về trường hợp bọn khủng bố sẽ bắt cóc người đang sử dụng tim nhân tạo, phân tích thiết bị và biến nó thành vũ khí.

Bất chấp sự sự phản đối của các nhà nghiên cứu, quả tim nguyên tử sau cùng đã bị “khai tử”, trước khi nó được cấy ghép vào bất cứ ai. Tuy nhiên, nguyên mẫu tim nhân tạo này cũng đã mở đường cho các thử nghiệm lâm sàng đầu tiên, trong đó phải kể đến là Jarvik-7. Thiết kế của hệ thống Jarvik rất đơn giản: 2 tâm thất nhân tạo, kết nối với một máy bơm không khí bên ngoài, thực hiện quá trình co thắt giúp đưa máu đi khắp cơ thể. Và nó cũng giống với trái tim nhân tạo đang nằm trong cơ thể Williams.

Năm 1982, Barney Clark, một nha sĩ 61 tuổi được chẩn đoán mắc phải căn bệnh suy tim xung huyết giai đoạn cuối, và ông đã đồng ý để các bác sĩ ghép Jarvik-7 vào cơ thể mình. Không hy vọng mình có thể sống lâu hơn, nhưng ông sẵn sàng đón nhận ca phẫu thuật vì lợi ích khoa học. Ngày 2/12/1982, sau 9 giờ nằm trong phòng mổ, Clark tỉnh dậy với 2 tâm thất mới được làm từ nhựa và titan. Kể từ giờ phút đó, ông trở thành người đầu tiên có thể sống mà không cần nhịp tim tự nhiên.

play-video-tinhte.png


Tuy nhiên sau đó, có những lúc cơ thể của ông Clark dường như tỏ ra không chấp nhận bộ phận cấy ghép. Ông bị xuất huyết nội, trải qua các cơn đột quỵ và sức khỏe tinh thần của ông ngày càng tệ đi. Đôi khi, Clark đã yêu cầu các bác sĩ của ông tháo thiết bị ra và để cho ông ấy chết. Vào một ngày tuyết rơi của tháng 3/1982, khi nhiều cơ quan nội tạng không còn chức năng, Clark nhanh chóng bị chết não. Trái tim nhân tạo của ông đã đập gần 13 triệu nhịp trong 112 ngày, hỗ trợ sự sống cho ông trong suốt quãng thời gian đó.

Sau ông Clark, có tổng cộng 4 quả tim Jarvik được cấy ghép, nhưng tất cả đều cho kết quả thất vọng. Thiết bị khiến người dùng suy thận, xuất huyết, đột quỵ và động kinh. Năm 1988, sau khi tiêu tốn gần 250 triệu USD; Viện tim, phổi và huyết học Quốc gia Hoa Kỳ quyết định ngừng tài trợ cho Chương trình Trái tim nhân tạo. Loại thiết bị được làm từ chất liệu nhựa và kim loại dường như đã không tương thích với cơ thể con người.

Mặc dù không còn nguồn tài trợ, vẫn có nhiều nhà khoa học tiếp tục các dự án của mình. Nhận thấy tim nhân tạo không phải là giải pháp thay thế lâu dài, một bác sĩ phẫu thuật tim tên là Jack Copeland đã nghĩ thiết bị này chắc chắn sẽ là cầu nối quan trọng cho việc cấy ghép tim thật.

Giữa những năm 1980, ông đã tiến hành cấy một cỗ máy được gọi là "Phoenix Heart" vào một người sắp chết. Tất nhiên, Copeland đã không nhận được phê duyệt từ Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), cũng như sự đồng ý của chính bệnh nhân nói trên. "Chúng tôi không có thời gian ngồi xuống và cùng nhau xem xét các tác động", ông nói. "Chúng tôi đã cố gắng để cứu mạng sống của anh ấy, và đó cũng là yếu tố quan trọng nhất".

Xét thấy tính cấp bách đối với tình trạng của bệnh nhân cùng một số khía cạnh đạo đức khác, FDA đã không trừng phạt Copeland. Sau khi tim nhân tạo được đưa vào cơ thể, ngay cả Copeland cũng cảm thấy bất ngờ bởi hiệu quả mà nó mang lại. "Anh chàng đó đã trở nên tốt hơn với thiết bị", ông nhớ lại. "Nó hoạt động tốt hơn rất nhiều so với trái tim tự nhiên của anh ấy". Bệnh nhân này đã sống sót trong khoảng 11 tiếng nhờ tim nhân tạo, nhưng đã qua đời ngay sau khi được ghép một quả tim mới.

Một vài tháng sau khi ca phẫu thuật cấy Phoenix Heart đầu tiên diễn ra, Copeland bắt đầu chuyển sang sử dụng Jarvik-7 như một cầu nối cho ghép tim sinh học, và cũng đã nhận được sự chấp thuận của liên bang. Năm 1991, ông đồng sáng lập ra CardioWest, công ty sau này được biết với cái tên SynCardia. Năm 1993, sau quá trình nâng cấp thiết bị dựa trên nguyên mẫu ban đầu, Copeland và các đồng nghiệp của ông đã tạo ra một thiết bị đủ tiêu chuẩn để có thể được thử nghiệm lâm sàng trên người, trong thời gian 10 năm.

text-tim-nhân-tạo-tinhte-06.jpg
Trong số 81 người tham gia thử nghiệm, 17 người đã qua đời sau khi được ghép tim nhân tạo. Trong khi đó, những bệnh nhân còn lại đã sống sót đủ lâu cho đến ngày nhận được cơ quan mới. Không lâu sau, thiết bị do CardioWest sản xuất trở thành trái tim nhân tạo đầu tiên và cũng là duy nhất được FDA phê chuẩn để cấy ghép cho người, như một giải pháp tạm thời trong thời gian chờ nội tạng hiến tặng.

"Nó cũng giống như việc hóa trị trong những năm 1960: người ta thường nghĩ chỉ có điên mới đưa chất độc vào cơ thể những người sắp chết, và bây giờ nó đã trở nên quá quen thuộc", Francisco Arabia, giám đốc sinh học và là bác sĩ phẫu thuật tim tại Viện Cedars-Sinai nói. "Chắc chắn là cuộc sống không thể duy trì mãi với tim nhân tạo, nhưng cơ thể con người có thể tinh chỉnh mọi thứ một cách đáng kinh ngạc".

tim-nhân-tạo-tinhte-04.jpg
Bà Kerrie Cancel De La Cruz tại bệnh viên

Trên tầng 6 của Viện tim Cedars-Sinai, nơi bệnh nhân tim mạch phục hồi sau phẫu thuật, Kerrie Cancel De La Cruz - một bà mẹ 42 tuổi đến từ bang Texas đang nở nụ cười, với một vết sẹo dài trên cổ. Bà ngồi giữa một hệ thống phức tạp bơm không khí để đưa máu đi khắp cơ thể. Xung quanh giường bệnh, bà treo các bức ảnh chụp những thành viên trong gia đình mình, cạnh bà là một con gấu bông đáng yêu, cùng những bông hoa đang dần héo do chồng và một người bệnh khác tặng.

De La Cruz được sinh ra với một trái tim không khoẻ mạnh. Ngay từ năm 18 tuổi, bà đã được cấy một máy khử rung tim vào cơ thể, và đến 32 tuổi, sau khi cho ra đời một cặp song sinh đáng yêu, bà được phát hiện mắc bệnh rung tâm nhĩ, một chứng rối loạn khiến cho nhịp tim bất thường. Da của bà bắt đầu chuyển sang màu xám nhạt, bụng trương lên do chất lỏng tích tụ, và bà đã phải trải qua nhiều cơn đau dữ dội. De La Cruz cần một trái tim mới, nhưng cơ thể bé nhỏ của bà và nồng độ kháng thể cao khiến việc ghép một quả tim mới dường như trở nên quá khó khăn.

Trước tình hình nan giải này, bà được chuyển đến Viện tim Cedars-Sinai vào mùa xuân năm 2014, và giải pháp điều trị tốt nhất là cấy một trái tim nhân tạo. Trái tim cơ khí sẽ giúp tỷ lệ sống của bà tăng lên gấp 7 lần, đồng thời cũng giúp bà phục hồi sức lực của mình. Tuy nhiên, De La Cruz tỏ ra không mấy sẵn sàng. "Ban đầu, tôi không muốn thực hiện điều đó", bà nhớ lại, nước mắt lưng tròng. "Tôi đã quá mệt mỏi, tôi đã phải chiến đấu rất nhiều. Nó làm cho tôi cảm thấy có lẽ đã đến lúc bỏ cuộc”.

De La Cruz không phải là bệnh nhân duy nhất cảm thấy bối rối khi phải đưa ra sự lựa chọn có liên quan đến mạng sống của mình. Một vài bệnh nhân, trong đó chiếm hầu hết là đàn ông, cảm thấy rất phấn khởi bởi hy vọng họ sẽ nhận được một quả tim mạnh khỏe, nhưng phần lớn lại không muốn thực hiện cấy ghép. Tuy nhiên, cho đến khi họ cảm thấy mình không còn khả năng kháng cự trong phòng chăm sóc đặc biệt, họ biết mình sắp lìa xa cõi đời, lìa xa những người thân yêu nhất của họ, lúc bấy giờ, những bệnh nhân mới thay đổi suy nghĩ.

text-tim-nhân-tạo-tinhte-07.jpg
Christiaan Barnard, phẫu thuật viên người Nam Phi từng thực hiện ca phẫu thuật cấy ghép tim từ người sang người đầu tiên vào năm 1967, đã nói: "Các bệnh nhân đang đứng trên bờ vực của cái chết, hoặc chết bởi sư tử vồ hoặc là bị cá sấu ăn thịt". Trong lối nói ví von này, có thể hiểu được sư tử chính là một trái tim nhân tạo, và cá sấu là một quả tim người thật. Cá sấu hay sư tử đều là những mối nguy hiểm, và tim nhân tạo hay tim sinh học đều có những mặt trái của nó.

tim-nhân-tạo-tinhte-05.jpg
Bác sĩ Francisco Arabia - giám đốc Viện tim Cedars-Sinai

Lấy một trái tim sống từ cơ thể của một người, sau đó đưa nó vào cơ thể một người khác là một kỹ thuật cấy ghép có thể gặp nhiều rủi ro. Trái tim của người hiến tặng ban đầu sẽ được lấy ra từ cơ thể của một người đã mất cách đó không lâu, được bảo quản và vận chuyển đi thậm chí đến nửa vòng Trái đất. Do đó, không thể bỏ qua nguy cơ trái tim gặp vấn đề trên đường đến với chủ nhân mới. Chỉ một thương tổn nhỏ xuất hiện trên trái tim hiến tặng, cấy ghép nhiều khả năng thất bại.

"Trái tim con người giống như một chiếc xe đã qua sử dụng, chúng có thể có khiếm khuyết, bệnh tật", Arabia - giám đốc Viện tim Cedars-Sinai nhận định. Đôi khi cơ thể của bệnh nhân từ chối cơ quan ghép vào, đó là một quá trình khiến bệnh nhân đau đớn bởi các cuộc tấn công của hệ thống miễn dịch, nhằm tiêu diệt thành phần lạ. Gần ¼ ca ghép tim xuất hiện dấu hiệu bị hệ miễn dịch đào thải, trong vòng 1 năm sau phẫu thuật. Để đối phó với tình trạng này, bệnh nhân phải dùng thuốc ức chế miễn dịch, vốn vô cùng tốn kém và nguy hiểm. Thuốc có tác dụng bảo vệ cơ quan mới, nhưng chúng cũng làm tăng khả năng nhiễm trùng, ung thư, bệnh gan và suy thận.

text-tim-nhân-tạo-tinhte-08.jpg
Tim nhân tạo trong khi đó là một khái niệm rất khác. Không được tạo ra từ mô người, thế nên đào thải bởi hệ miễn dịch không còn là vấn đề nữa, ngoài ra, khiếm khuyết được xem là rất hiếm. "Nó hoạt động một cách xuyên suốt", Arabia nói. "Bạn biết những gì bạn đang nhận được". Tuy nhiên, chúng không phải hoàn toàn không có biến chứng và nhược điểm, cả về thể chất lẫn tinh thần. "Nó không chỉ ảnh hưởng đến cơ thể của bạn, mà còn tác động đến tâm trí, tinh thần và tâm hồn", De La Cruz chia sẻ.

Mặc dù cho những đắn đo ban đầu, bà De La Cruz cuối cùng cũng được phẫu thuật. Tháng 1/2016, sau một thời gian ngắn được về sống tạm ở một ngôi nhà thuộc thành phố Los Angeles, bà lại phải quay về Viện Cedars-Sinai. Cơ thể De La Cruz đã chấp nhận trái tim cơ khí, nhưng máy bơm đã không đủ mạnh để hỗ trợ bà. Bà được đổi một máy bơm khí mạnh hơn, và điều này buộc bà phải nằm lại trong bệnh viện hàng tháng trời. Mỗi ngày trôi qua, bà đều mơ ước có thể trở về với cuộc sống như xưa của mình, để làm những điều tưởng chừng như thật giản đơn như được quây quần với gia đình; bơi ở Vịnh Mexico; và ăn uống một cách tự do, thoải mái (bà De La Cruz chỉ có thể tiêu thụ 1,5 lít nước mỗi ngày, và phải tránh xa những thực phẩm có chứa natri).

Việc phẫu thuật cũng mang đến những thử thách thật sự đối với 2 đứa con yêu của bà, đặc biệt là với cô con gái út vẫn đang học tiểu học. "Tôi ở cùng phòng với bé khi tôi ở nhà, và khi tôi buộc phải quay lại bệnh viện, cô bé nói rằng 'Mẹ ơi, con thật sự nhớ mẹ, con không ngủ được!’", De La Cruz nhớ lại khi ngồi trên giường trong phòng bệnh. "Khi tôi hỏi cô ấy ‘Tại sao con khóc?’, cô bé hồn nhiên "Bởi vì con không thể nghe được tiếng tim mẹ đập...". "Nếu bạn không trải qua những điều này, bạn sẽ không thể hiểu được", bà nói.

tim-nhân-tạo-tinhte-06.jpg

Mặc dù vẫn còn những hạn chế, hàng trăm, SynCardia đã giúp mang lại một cuộc sống tương đối bình thường cho những người chờ ghép tim. Hiện tại, công ty đang chuẩn bị cho một kế hoạch mang tính quyết định: xin sự chấp thuận từ FDA nhằm cấy ghép vĩnh viễn những quả tim nhân tạo, tương tự như thiết bị đã được dùng bởi De La Cruz và Williams, cho các bệnh nhân ở Mỹ. Nếu được đồng ý, thiết bị sẽ hỗ trợ được nhiều bệnh nhân hơn, kể cả những người không đủ điều kiện để cấy ghép tim sinh học.

Tạo ra một quả tim có hiệu quả lâu dài là giấc mơ của các bác sĩ phẫu thuật tim trong nhiều thập kỷ, nhưng những nỗ lực từng được thực hiện cho thấy việc đó vô cùng khó khăn và cực kỳ tốn kém. Một công ty tên Abiomed đã nhận được phê duyệt từ FDA vào năm 2006, cho phép họ sử dụng một trái tim cơ khí vĩnh viễn dành cho bệnh nhân. Tuy nhiên, thiết bị này lại đắt tiền và khó khăn để cấy ghép. Sau giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, chỉ có một người được cấy ghép, trước khi công ty quyết định ‘bỏ rơi’ sản phẩm của mình.

Một trong những thách thức đối với công ty SynCardia hiện tại là tình hình tài chính bấp bênh. Nhà cung cấp thiết bị y tế thuộc bang Arizona (Mỹ) chính thức gửi đơn đăng ký phát hành cổ phiếu lần đầu tiên vào tháng 9 năm ngoái, với hy vọng sẽ có thêm tiền để trả hết số nợ chục triệu USD, đồng thời mở rộng quy mô công ty sang các nước Mỹ Latinh và châu Á.

Như đã đề cập ở đầu bài, trên thị trường tim nhân tạo, SynCardia có một đối thủ đến từ Pháp là Carmat. Công ty này cũng đang phát triển một trái tim nhân tạo, nhưng họ cũng phải đối mặt với một loạt các khó khăn. Không giống như thiết bị của SynCardia, với bộ điều khiển và máy bơm nằm gọn trong ba lô, tim nhân tạo do Carmat phát triển đủ nhỏ gọn để cấy dưới da. Thiết bị được trang bị pin lithium nhỏ có thể được đeo trên thắt lưng, hoặc bao da dưới cánh tay. Các nhà khoa học đã phủ lên thiết bị một lớp mô đã được xử lý hóa học, và khi tiếp xúc với máu, nó sẽ trở nên tương thích hơn về mặt sinh học và làm giảm nhu cầu sử dụng chất làm loãng máu. Hiện ý tưởng này vẫn còn đang trong giai đoạn đầu thử nghiệm lâm sàng.

text-tim-nhân-tạo-tinhte-09.jpg
Có 3 người đã được ghép tim nhân tạo của Carmat. Bệnh nhân đầu tiên đã sống được hai tháng rưỡi, trước khi thiết bị bị chập mạch. Mặc dù vậy, thời gian duy trì sự sống đã tăng lên gần 3 lần nhờ hệ thống. Bệnh nhân thứ hai được cấy thiết bị vào cuối tháng 8/2015 đã có thể trở về nhà, 5 tháng sau phẫu thuật. "Tôi chưa bao giờ cảm thấy ổn", người này chia sẻ với tờ Le Journal du Dimanche. Ngay sau buổi phỏng vấn diễn ra, động cơ của máy gặp trục trặc và bệnh nhân tử vong. Bệnh nhân thứ ba được ghép tim nhân tạo 6 tháng trước, vẫn còn sống và khỏe mạnh. Khi bệnh nhân người thứ tư được cấy ghép thiết bị có thể sống sót ít nhất 30 ngày, công ty sẽ vượt qua giai đoạn thử nghiệm lâm sàng đầu tiên và bắt đầu chuyển sang giai đoạn thứ 2.

Rõ ràng, trái tim nhân tạo của Carmat vẫn còn một khoảng cách xa mới bước vào thị trường. Ngoài hai sự cố gặp phải trong quá trình thử nghiệm, nó cũng nặng hơn gần ba lần so với một mức trung bình của một trái tim người, và chi phí dành cho nó chắc chắn sẽ không rẻ. Tuy nhiên, công ty ước tính sẽ có khoảng 100.000 người ở Hoa Kỳ và châu Âu có thể được hưởng lợi từ thiết bị, và cho rằng sản phẩm của họ có thể sẽ tạo đà cho sự ra đời của những trái tim cơ khí thế hệ tiếp theo.

"Nếu chúng ta có một trái tim nhân tạo nhỏ gọn, vận hành nhờ điện từ, nó sẽ trở thành tiêu chuẩn", Arabia nói. "Chúng tôi muốn một cái gì đó có thể cấy ghép sau đó không nhắc gì về nó nữa, giống như một trái tim người bình thường".

Tuy nhiên, có lẽ những câu hỏi hóc búa về đạo đức vẫn là vấn đề lớn nhất. Khác với trái tim sinh học, tim nhân tạo có thể bơm máu đi khắp cơ thể và vận chuyển oxy tới não, ngay khi những cơ quan khác của của cơ thể không còn chức năng. Cái chết lúc bấy giờ sẽ kéo dài ra, cho đến khi thiết bị dừng hoạt đông. "Tôi đã từng điều trị một bệnh nhân mà gan và thận của họ không còn hoạt động, da chuyển sang màu vàng và dường như đã chết. Điều duy nhất vẫn làm việc bình thường là não", Arabia cho biết.

tim-nhân-tạo-tinhte-07.jpg

Vào một buổi chiều mùa xuân, Steve và Mary Williams lái xe đến Thái Bình Dương từ ngôi nhà nhỏ của họ cách đó không xa ở quận Cam. Đó nơi mà cặp vợ chồng thường đi dạo và đạp xe. Steve không thể lướt sóng cũng như làm nhiều việc khác.

text-tim-nhân-tạo-tinhte-10.jpg
Sau khi đậu xe vào vị trí dành cho người khuyết tật, Williams rút dây sạc máy nén khí trái tim mình từ nguồn điện trên xe, vai ông vác một chiếc ba lô nặng khoảng 6,4 kg, và bước về phía Mặt trời ở miền Nam California (Mỹ). Khi ông bước lên một đoạn dốc dành cho xe lăn trên con đường ven biển, một người đàn ông trong chiếc nón quân đội với cái quần short đã hét lên: "Anh đang làm gì vậy, anh không hề khuyết tật!". Williams dừng lại, nhìn vào mắt người kia: "Tôi không có một trái tim", anh đáp lại khi người đàn ông hỏi: "Anh bị khuyết tật gì?".

Mary dẫn ông đến một chỗ và ngồi xuống, bà nói: "Ông ấy bị bàn tán như vậy gần như mọi lúc". Một cô hầu bàn từng hỏi có phải Williams có một con khỉ bên trong ba lô của mình, do những âm thanh lạ phát ra từ nó. Một người khác từng cáo buộc ông mang theo một quả bom bên người.

Cái nhìn chằm chằm và nhận xét của mọi người vẫn chưa là gì so với những hệ quả khác. Đầu năm nay, Williams vô tình làm rơi máy bơm khí xuống sàn trong khi chuẩn bị tắm, pin văng ra và hệ thống ngừng hoạt động. Ông đi một vài bước ra khỏi phòng tắm, sau đó ngã quỵ xuống sàn. Một bộ pin dự phòng được lắp vào, Williams tỉnh dậy. Cú ngã bất ngờ đó khiến ông bị chấn thương vùng mặt của mình: một chiếc răng bị mẻ và một vết cắt lớn trên gò má trái.

"Tôi đang cố gắng để sống một cuộc sống bình thường, nhưng có thể sẽ khó khăn khi thứ này cứ gắn liền với tôi", ông Williams nói. Lời nói của ông có phần chậm lại do một cơn đột quỵ xảy ra sau phẫu thuật. Chủ đề mà ông Williams luôn theo dõi chính là những bước đột phá đầy hứa hẹn trong lĩnh vực cấy ghép tim. Hiện nay, các nhà khoa học đang nỗ lực để tạo ra trái tim bioartificial (sinh học nhân tạo) nhờ sử dụng tế bào gốc. Ngoài ra, các kỹ sư sinh học cũng tìm cách phát triển "thiết bị dòng chảy liên tục", đó là một máy bơm tua bin cấy ghép vào cơ thể, có thể vận chuyển máu đi khắp cơ thể vời cương độ ổn định. Đó là công nghệ gây tranh cãi, nhưng thiết bị này chỉ có một bộ phận chuyển động, không chịu nhiều hao mòn và hoạt động tương đối yên tĩnh.

Cho đến ngày nay, Williams vẫn đang bị mắc kẹt trong tâm trạng bối rối. Nếu trái tim ngừng đập 30 năm trước đây, ông có thể sẽ chết. Nhưng nếu nó ngừng đập 30 năm sau thời điểm đó, ông có thể đã có một trái tim nhân tạo vĩnh viễn và không xâm phạm. Hoặc có lẽ là một bản sao hoàn hảo cho cơ quan ban đầu của mình. Thay vào đó, thứ ông đang có lại là một trái tim nặng nề, để duy trì quá trình bơm máu đến các cơ quan và oxy tới não. Đó là một cuộc sống khó khăn, nhưng dù gì đi nữa, Williams cho biết ông cảm thấy may mắn khi có nó.

tim-nhân-tạo-tinhte-08.jpg

6 giờ sáng ngày 9/4/2016, khi Williams pha cà phê cho người vợ Mary của mình thì điện thoại nhà reo lên. Ông trả lời cộc lốc, cho rằng ai đó đang làm phiền mình vào sáng sớm. Tuy nhiên, chính ông cũng không thể ngờ đó lại cuộc gọi mà ông đã chờ đợi với tất cả niềm hy vọng của mình trong suốt 51 tuần qua: một trái tim hiến tặng đã được vận chuyển đến Viện tim Cedars-Sinai, và nó dành cho ông.

Williams và Mary nhanh chóng chạy đến bệnh viện, nơi ông chuẩn bị được phẫu thuật. 1:30 sáng hôm sau, Williams được tháo trái tim nhân tạo ra, đặt nó lên một cái máy tim phổi nhân tạo gần đó, và đưa trái tim mới vào lồng ngực của ông. Ca phẫu thuật diễn ra suôn sẻ. Có thể nói, ông đã vượt qua cây cầu đó, cây cầu có lẽ là khó đi nhất trong suốt cuộc đời ông.

text-tim-nhân-tạo-tinhte-11.jpg
"Cho đến giờ, tôi vẫn cảm thấy sốc, tôi không thể tin rằng tôi không còn trái tim nhân tạo, tôi không thể tin rằng không có tiếng ồn, tôi không thể tin rằng tôi không phải dùng thuốc loãng máu", ông cho biết một vài tuần sau ca phẫu thuật ghép tim. "Tôi có thể đã chết ít nhất ba lần trong suốt thử thách này, nhưng tôi đã không phải như vậy. Tôi rất biết ơn đối với tất cả mọi thứ".

Một vài tháng sau, trái tim mới vẫn hoạt động ổn định. Williams có kế hoạch tham gia hoạt động tình nguyện tại Cedars-Sinai, nhằm giúp đỡ những người đang sử dụng tim nhân tạo thích nghi với cuộc sống mới của họ. Tháng 7 năm nay, sau bảy tháng bị giám sát chặt chẽ tại Viện tim Cedars-Sinai, bà De La Cruz cũng vượt đi qua cây cầu đó. Tuy nhiên, mọi thứ đã không suôn sẻ như Williams. Hệ miễn dịch của bà De La Cruz từ chối cơ quan mới và bà rơi vào tình trạng suy thận. Bà phải thường xuyên lui tới bệnh viện và có thể sẽ sớm cần được ghép thận.

"Điều này thật sự mệt mỏi, tôi đã mong nhận được quả tim và cố gắng để sống một cuộc sống tốt hơn", bà cho biết vào một ngày cuối tháng 10 năm ngoái. Mặc dù hoàn cảnh nghiệt ngã, bà De La Cruz vẫn cố duy trì sự lạc quan của mình. "Vẫn còn nhiều thứ có thể được thực hiện để mang đến cho tôi một cuộc sống mà tôi từng hy vọng...Mọi thứ rồi sẽ ổn thôi".

Nguồn: The Verge
47 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Thật là phi thường.
P/s: cơ mà Mang cái này thế là hết XXX😁
@forever or never Rất hài hước. Nhưng nếu đúng chỗ thì hay hơn. Hãy tưởng tượng anh chị, ba mẹ bạn mang cái balo đó xem bạn còn nói vậy được ko.
@rockernam2 Bộ tưởng muốn mang là mang hả bạn, thiết bị này không dùng cho người không có nhiều tiền bạc, thế nên đừng so sánh nha bạn, kể cả ba, mẹ bạn hay ai khác bị nếu không là những người giàu có, thì cũng không có khả năng cấy ghép ntn đâu.
Công nghệ thì hay, nhưng nạn cướp giật lại là vấn đề, một trái tim công nghệ không rẻ sẽ là tầm nhắm của bọn cướp mất nhân tính (người có trái tim còn thua cả người không có trái tim)
@killed Ko đọc bv à. Trên TG đc mấy nơi cấy ghép tim nhân tạo đâu. Hack về đẻ bán đồng nát à :eek:
tranduymb
TÍCH CỰC
7 năm
Có khi nào cướp nó tưởng đồ gì nó giật ko nhỉ 😔
@tranduymb Cũng dám lắm, vì thấy cái ống to đùng tưởng dòng lap khủng mới, tản nhiệt bằng chất lỏng, nó mà giật một cái thì chết cmn luôn.😁
@tranduymb nó sẽ giật được 1 ba lô có 1 cái máy nén khí, một cái bộ sạc, mấy cái ống , dây điện ,và 1 mạng . Được quy vào tội cướp của, giết người
Đúng là Kỳ tích, mà đọc hết bài này cũng là một kỳ tích không hề nhỏ 😃
Cám ơn các nhà khoa học đã ko ngừng nghĩ trong việc tìm tòi, nghiên cứu để phát minh ra mọi thứ (kể cả cái ko tốt). xin cám ơn

Tôi luôn ướt ao sao cho CHI PHÍ QUỐC PHÒNG CHUYỂN HẾT SANG CHO CHĂM SÓC CON NGƯỜI + CẢI TẠO TRÁI ĐẤT 😔
@noobnhat T cũng đồng ý với bạn
@noobnhat giáo dục + rèn luyện ngôn ngữ nữa
Greycloud
TÍCH CỰC
7 năm
@noobnhat Ở VN mình thì tập trung hết vào xây tượng đài, quãng trường, WC miền núi với giá ngang biệt thự và vô số thứ khác đội giá trên trời để mấy ảnh ôm tiền qua Mỹ xây thiên đường ;)
luong1994
ĐẠI BÀNG
7 năm
@noobnhat 90% theo mình tin rằng con người sẽ ko thể phát triển thêm nếu làm như lời bạn nói bởi vì con người cần sự cạnh tranh để đi lên. Nghiên cứu quốc phòng cực kỳ quan trọng, nó khiến cho khoa học kỹ thuật cũng phát triển theo, từ đó mới giúp ích cho việc Chăm sóc con người đc, mỗi tội vũ khí nhiều thì thích đánh nhau chứ để ko cũng phí hahaha.
Nhưng mà ở đâu mình ko biết chứ quân đội Mỹ là nơi lưu trữ tất cả mọi loại kháng sinh, vaccine, các chủng vi sinh,...của loài người, họ vẫn đang đóng góp rất lớn vào sự sống còn của nhân loại trc các đại dịch, và tiến hóa của giới vi sinh vật. Nếu bạn biết về CDC lớn như thế nào thì CDC vẫn còn phải nhờ cậy quân đội Mỹ rất nhiều trong việc đối phó với các đại dịch.
@luong1994
Ko có đâu bạn à, cái mà nó mang lại ÍT HƠN CỰC KỲ NHIỀU CÁI MÀ NÓ CƯỚP ĐI. CON SỐ CỤ THỂ, HAY KO CỤ THỂ ĐỀ THỂ HIỆN ĐC 😃
halong148
TÍCH CỰC
7 năm
Khoa học thật vĩ đại. Mình thì nhỏ bé, chắc chả cống hiến đc cái cóc khô gì cho nhân loại ..
Chắc phải đi đăng ký hiến sạch sẽ các nội tạng, phòng khi lỡ may die sớm ai xài được cái gì thì xài . Đỡ phí.
Ruiz
CAO CẤP
7 năm
😁 Cyborg Age
Khi nói về bức xạ. Mod không nên dùng từ "nồng độ" mà nên dùng từ "cường độ" 😁. Nồng độ chỉ dùng với các thứ được pha vào dung dịch. Ví dụ: Nồng độ muối, nồng độ cồn... Khi nói về độ mạnh, yếu của bức xạ thì nên dùng "Cường độ bức xạ".
dạng giống như nâng cấp RAM & CPU
Khien_Pham
ĐẠI BÀNG
7 năm
Bài viết quá dài. Đọc 1 đoạn mệt quá kéo xuống xem cmt.
*HERO*
TÍCH CỰC
7 năm
mấy cái này mà là người VN thì chỉ có ... Tử chứ không có một chút hy vọng gì
cám ơn bài viết rất hay
MasterPhuong
ĐẠI BÀNG
7 năm
Đọc bài xong mình bookmark cái bệnh viện luôn kaka
vinhokss
TÍCH CỰC
7 năm
Bài rất dài nhưng rất ý nghĩa, hi vọng tim nhân tạo sẽ nhỏ hơn mà ko phải khoác balo nữa
trionah
ĐẠI BÀNG
7 năm
Cảm xúc sẽ nằm ở đâu? Nếu có nổi đau thì tim có còn đau nhói?
@trionah Cảm xúc vẫn sẽ nằm trong cơ thể, nếu có đau thì cả người sẽ đau nhói thôi!
@trionah Chẳng ảnh hưởng gì đâu. Cảm xúc sẽ ở đâu nếu thiếu đi não bộ.
@trionah Thoải mái yêu đương không sợ tổn thương, miễn dịch với những kiểu phim tình cảm xến như con hến, bai bai sao hàn, miễn nhiễm chuyện ngôn tình và không biết sợ là gì...
chắc đi dk hiến hết cmn những gì có thể hiến quá.
liltjkay
ĐẠI BÀNG
7 năm
lâu lắm mới có bài dài nhưng hay thế này...đọc hết luôn, công nghệ quá tuyệt vời

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019