Đi xe bay trên trời, bạn có thích không? Tầm nhìn của Uber về taxi bay, rào cản và cách giải quyết

Duy Luân
6/2/2017 23:59Phản hồi: 51
Đi xe bay trên trời, bạn có thích không? Tầm nhìn của Uber về taxi bay, rào cản và cách giải quyết
Hãy tưởng tượng bạn có thể đi giữa TP.HCM và Vũng Tàu trong chỉ 15 phút, giữa Nội Bài với Hà Nội trong 4-5 phút thì bạn có thể tiết kiệm được bao nhiêu thời gian so với hiện nay? Đó cũng là câu hỏi mà Uber đặt ra cho tầm nhìn về một đội xe bay mà công ty muốn triển khai trong tương lai. Ban đầu giá sẽ đắt, nhưng theo thời gian cước phí cho loại hình vận tải mới này sẻ giảm đi và thậm chí chỉ còn ngang bằng với đi xe hơi bây giờ. Trong thời buổi mà thời gian là tiền bạc, là hạnh phúc thì xe bay sẽ giúp ích rất nhiều. Mời các bạn xem qua những gì Uber đang tưởng tượng về đội xe bay của họ và làm thế nào Uber biến điều đó thành hiện thực nhé.

Vì sao lại cần xe bay?


Hằng ngày, hàng triệu giờ bị tiêu xài một cách hoang phí trên những con đường khắp thế giới. Năm 2015, một cư dân tại San Francisco dành trung bình 230 giờ để di chuyển từ nhà đến chỗ làm và ngược lại, và nếu nhân cho dân số của khu vực này thì 500.000 giờ đang bị phí phạm mỗi ngày trôi qua. Ở Los Angeles và Sydney, người ta phải dành 7 tuần mỗi năm vì chuyện di chuyển, hay ở những siêu đô thị cỡ Mumbai chỉ di chuyển một đoạn ngắn cũng mất tới 90 phút.

Với tất cả chúng ta, thời gian hao phí trên đường cũng có nghĩa là chúng ta phải dành ít thời gian hơn cho gia đình, ít thời gian hơn để làm việc, tiêu nhiều tiền hơn cho nhiên liệu. Chưa kể việc kẹt xe hoặc di chuyển trong dòng xe đông đúc còn khiến gia tăng mức độ căng thẳng. Một nghiên cứu của tạp chí American Journal of Preventative Medicine, cho thấy những người di chuyển hơn 16 kilomet sẽ có huyết áp cao hơn bình thường.

Chính vì thế, Uber nghĩ rằng các phương tiện hàng không theo nhu cầu sẽ giúp cải thiện việc di chuyển trong thành phố, mang lại cho người ta nhiều thời gian hơn thay vì dành ra để đi trên đường. Tương tự như cách mà các tòa nhà cao tầng giúp thành phố tiết kiệm diện tích, một đội phương tiện hàng không thành phố có thể dùng thêm chiều thứ 3 - chiều cao - để di chuyển và tránh xa các đám kẹt xe dưới mặt đất, giảm áp lực lên những tuyến phố vốn đã chật nít.


Trong số các phương tiện có khả năng bay lên trời, Uber tin rằng mạng lưới những chiếc máy bay nhỏ, chạy bằng điện có khả năng cất và hạ cánh thẳng đứng (VTOL - Vertical Take-off and Landing, đọc là vee-tol) với độ tin cậy cao sẽ cho phép người ta di chuyển nhanh chóng hơn giữa các thành phố, sau này tiến đến việc di chuyển cả trong nội thành.

Uber_xe_bay_VTOL_1.png

Việc phát triển cơ sở hạ tầng cho VTOL sẽ có lợi thế về chi phí tốt hơn nhiều so với việc xây dựng các hạ tầng truyền thống như cầu, đường và đường hầm. Trời đó có sẵn, đường băng không cần xây, vậy nên người ta chỉ cần chuyển hóa những thứ có sẵn mà thôi. Mái nhà có thể được cải tạo thành bãi đỗ máy bay, các bãi đáp trực thăng trên đỉnh các tòa nhà cũng có thể được tận dụng, hay những khoảng đất trống bao quanh đường cao tốc cũng có thể biến thành trạm dừng cho VTOL. Trong bối cảnh việc mở đường càng lúc càng khó do quỹ đất ít và mật độ dân số tăng, đường không sẽ giúp tiết kiệm chi phí và tăng tính linh hoạt cho cơ quan điều phối giao thông của các thành phố trên toàn cầu.

Chưa hết, VTOL không cần phải di chuyển theo các cung đường cố định. Xe hơi, xe buýt, tàu hòa đều phải đi từ A đến B theo những con đường định sẵn, vậy nên nhiều khi một đường chính hay quốc lộ bị kẹt thì bạn bị trễ chuyến đi trong nhiều giờ. Trong khi đó, VTOL có thể đi tới địa điểm cần thiết bằng bất kì lộ trình nào, miễn là ngắn và nhanh nhất có thể.

Trong thời gian gần đây, các tiến bộ công nghệ đã giúp việc làm ra những chiếc VTOL nhỏ gọn trở nên dễ dàng hơn. Nhiều công ty với các cách tiếp cận, thiết kế khác nhau đều đang làm việc với mong muốn cháy bỏng là đem VTOL ra hiện thực. Cái gần nhất mà chúng ta đang xài là trực thăng lên thẳng, tuy nhiên trực thăng thì quá ổn, không hiệu quả, gây ô nhiễm và quá đắt tiền để có thể sử dụng trên quy mô rộng rãi. Còn VTOL sử dụng động cơ điện nên sạch hơn, ít tiếng ồn hơn (phù hợp bay trong thành phố), an toàn hơn (do có nhiều cơ chế tự động, loại bỏ sai lầm của con người) và ổn định hơn (không phụ thuộc vào chỉ một bộ phận để bay được).

Uber nói rằng việc xài VTOL như taxi sẽ có 2 cái lợi, và cũng là lý do hãng muốn triển khai dự án:
  • Tiền và thời gian tiết kiệm được sẽ tăng theo quãng đường => những người hay di chuyển đường dài sẽ thích và chịu chi tiền
  • Thời gian để xây nhiều bãi đáp có thể dài, nhưng người ta có thể xây một số bãi đáp nhất định rồi bay tới đó, tiếp theo mới đi xe tới địa điểm cuối cùng. Thời gian di chuyển trong đoạn cuối này sẽ ngắn hơn đáng kể.
Uber_xe_bay_VTOL_2.png

Uber tin là trong dài hạn, VTOL sẽ trở thành một thứ đủ rẻ để ai cũng có thể đi được, thậm chí còn rẻ hơn việc sở hữu một chiếc xe. Hiện tại chi phí bay lớn chủ yếu vì số lượng máy bay được sản xuất ra thấp, và giá của một chiếc máy bay cỡ bé thôi cũng đắt hơn nhiều chục lần so với xe hơi. VTOL thì tiết kiệm hơn, khi có nhiều công ty cùng tham gia sản xuất thì giá thành sẽ hạ. Uber dự đoán VTOL sẽ hấp dẫn với các hãng làm xe hơn là những công ty làm máy bay truyền thống.

Bên cạnh đó, mô hình chia sẻ xe mà Uber đang vận hành cũng sẽ giúp giảm chi phí tuy rằng giá để mua một chiếc VTOL vào thời gian đầu sẽ rất đắt. Chi phí chia ra cho mỗi chuyến đi sẽ không quá cao, đủ để không còn là rào cản để mô hình taxi bay dần dần đi vào đời sống. Rồi khi bay nhanh hơn thì sẽ đón được nhiều khách hàng, mức độ tận dụng phương tiện cao hơn, tiền sinh ra nhiều hơn. Đây cũng là thứ mà Uber từng trải qua khi họ lần đầu triển khai UberBLACK với giá cao, dần dần có thêm UberX với giá rẻ và UberPOOL để đi chung xe với giá còn thấp hơn nữa.

Quảng cáo


Các rào cản của thị trường và hướng phát triển

Tầm nhìn ở trên rất hay, nhưng để đạt được thì không phải chuyện dễ dàng. Có nhiều người tham gia vào hệ sinh thái VTOL, từ các nhà làm luật, các hãng thiết kế xe, cộng đồng, chính quyền thành phố, nhà mạng, công ty vận hành... Tất cả cần phải hợp tác với nhau một cách hiệu quả thì VTOL mới có thể thành công. Bên dưới là một số rào cản chính.

Thủ tục, giấy phép: trước khi VTOL hoạt động ở bất kì quốc gia nào, nó sẽ cần được cấp phép từ cơ quan hàng không của nước đó. VTOL là một loại phương tiện còn quá mới đứng ở góc độ của những cơ quan này, và lịch sử đã cho thấy việc cấp phép cho loại máy bay mới thường rất chậm, nên đây cũng là một thứ cần được thúc đẩy.

Công nghệ pin: động cơ điện dùng pin để chạy, và với một phương tiện đang bay thì không được phép hết điện nếu không muốn xảy ra chết người. Tuy nhiên, công nghệ pin hiện tại chưa cung cấp đủ điện để đi đường dài, thời gian sạc lâu, tuổi thọ thì lại ngắn. Có những công nghệ pin mới đang được phát triển, đáng chú ý là những loại có thể dùng được cho xe điện thì cũng có khả năng áp dụng cho VTOL.

Hiệu quả sử dụng phương tiện: trực thăng hiện tại được thiết kế để bay chặng dài trước khi đáp, còn mô hình chia sẻ xe sẽ cần bay lên hạ xuống liên tục, do đó một loại VTOL linh hoạt hơn cần phải được sinh ra để giải quyết những vấn đề tiêu thụ năng lượng, khả năng cất hạ cánh, tăng cường lực nâng của cánh (rotor quay không cung cấp lực nâng hiệu quả bằng cánh).

Taxi_uber_xe_bay_VTOL_2.jpg

Công nghệ động cơ phân tán (DEP) cũng sẽ giúp máy bay VTOL bay được trên trời một cách hiệu quả nhất. Công nghệ này dùng nhiều động cơ nhỏ để tạo sức đẩy thay vì chỉ dùng 1-2 động cơ cỡ lớn với mức độ tiêu thụ nhiên liệu cao. NASA là một trong những cơ quan luôn ước mơ đem DEP ra hiện thực. Mới đây chuyên gia Mark Moore của NASA, người đã góp phần nghiên cứu phát triển DEP, cũng về làm cho Uber. Tuy nhiên tính đến lúc này chưa có máy bay thương mại nào sử dụng động cơ phân tán nên vẫn có rủi ro ở đây.

Quảng cáo



Độ tin cậy và hiệu năng của xe: trong mô hình hoạt động của Uber, người ta đo và rút ngắn tối đa khoảng thời gian từ lúc yêu cầu xe cho đến lúc thả khách xuống. Chỉ số này bị ảnh hưởng bởi hiệu năng của xe, tức là xe chạy nhanh ra sao, và độ ổn định của xe và hệ thống như thế nào. Uber kỳ vọng sẽ có những chiếc VTOL có thể bay 200-300 km/h với thời gian cất hạ cánh chỉ 1 phút mà thôi. Những chiếc VTOL đó cũng cần phải chống chọi được với thời tiết để có thể bay trong các điều kiện khác nhau, thời gian khác nhau, tránh làm kẹt bãi đáp cho những chiếc VTOL khác.

Điều khiển không lưu: nếu như giữ nguyên hệ thống điều khiển như hiện tại thì VTOL vẫn có thể vận hành với mức độ cả trăm chiếc mỗi ngày. VTOL có thể được tự do vận hành với cách quy định về tầm nhìn, hoặc dùng những hệ thống điều khiển máy móc khi cần. Nhưng theo thời gian số VTOL sẽ tăng lên buộc hệ thống điều khiển không lưu phải cải tiến. Uber mường tượng rằng sẽ có một số server giúp VTOL bay theo những con đường không kẹt, giải tỏa những chỗ đang quá đông đúc, và có thể để VTOL tự bay luôn cũng được ngay cả khi tầm nhìn kém và thời tiết xấu.

Một số rào cản khác:
  • Chi phí và số tiền người ta sẵn sàng chi ra: phải bay được nhiều thì mới hạ được giá của mỗi chuyến đi
  • An toàn: Uber tin số người thương vong cua VTOL thấp hơn nhiều so với xe hơi
  • Tiếng ồn: phải ở mức thấp và chấp nhận được với cộng đồng, không làm ảnh hưởng tới hàng xóm nếu không sẽ bị đào thải và không được chấp thuận. Động cơ điện đóng vai trò quan trọng trong việc giảm tiếng ồn.
  • Khí thải
  • Hạ tầng, bãi đáp
  • Huấn luyện phi công
Taxi_uber_xe_bay_VTOL_1.jpg

Uber nghĩ rằng họ sẽ làm được, và họ tin hệ sinh thái VTOL sẽ phát triển thành một thứ phổ biến cũng như xe hơi hiện nay. Đó là dự án của họ, và khi đó công ty đương nhiên sẽ có thêm nguồn thu mới. Cuối cùng, mọi việc di chuyển của bạn đều phụ thuộc vào Uber, đó là khi công ty trở nên giàu có.

Anh em nào thích đọc kĩ hơn có thể tải whitepaper của Uber ở đây: https://www.uber.com/elevate.pdf
51 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Ko biết còn sống đến khi viễn cảnh này thành hiện thực ko nữa .
lovesocnho
TÍCH CỰC
7 năm
Việc bay an toàn và kiểm soát không lưu có vẻ là bài toán rất hóc búa. Nếu triển khai thì nước nào đầu tiên ta?
HEOGOLD
TÍCH CỰC
7 năm
@lovesocnho Nước nhật,, Doraemon sinh năm 2112,, năm ấy, có xe bay trên không rồi
chimsenha
ĐẠI BÀNG
7 năm
khả thi nhưng còn xa lắm 😔
mình nghĩ cái này nên đc điều khiển toàn bộ bởi hệ thống trung tâm, nó sẽ lập trình cho từng chiếc VTOL theo 1 đường bay mà ko gây tai nạn với VTOL khác
ufdb
CAO CẤP
7 năm
drone chở hàng còn khó nói chi đến máy bay chở người. Đi trên đường thì mất thời gian thật nhưng đôi khi hạnh phúc lại chính là những con đường ...
Syter
TÍCH CỰC
7 năm
@ufdb
Nó tập trung kiếm tiền chứ có thuê bác về để lêu lổng ngoài đường đâu 😁
không hiểu đoạn này cho lắm, ai giải thích cho mình với 😔
@Nguyễn Tăng Có tức là khoảng cách đi từ sân bay nội bài đến trung tâm Hà Nội ấy bác :(
trước giờ đi bằng đg " chuột chạy" nên xa, giờ đi xe bay Uber này theo đg "chim bay" nên gần hơn 😃
nhancom3d
ĐẠI BÀNG
7 năm
@Nguyễn Tăng Có Thì từ nội thành bay bằng cái này ra sân bay Nội Bài chỉ tầm 4-5 phút.
@Nguyễn Tăng Có Sân bay Nội Bài đến Trung Tâm Hà Nội, bình thường đi taxi nếu không kẹt xe cũng mất gần 1 tiếng rồi bạn.
ngole88
TÍCH CỰC
7 năm
bay trên đó có sử dụng đèn xi-nhan không anh??
=))
hungthinh68A
ĐẠI BÀNG
7 năm
@ngole88 Có. Khi nào gặp chim thì xi nhan cho nó tránh.
Quá ổn, rất ổn, vô cùng ổn 😁
Bọn này đi nhanh quá đấy! VN ta còn đang chống ngập chống úng mà tụi nó đã bay rồi!
Láo, láo thật!
Tai nạn giao thông dưới đất còn cứu được chứ rụng từ trên trời xuống thì nát bét.
hay quá hay, Mỹ chắc chắn sẽ đc thương mại trước, đúng là những công ty quá giàu họ luôn tìm tương lai cho con người đc tốt hơn 😆
chắc chắn cũng sẽ có ngày này, chỉ không sớm thì muộn thôi.
GragonV
CAO CẤP
7 năm
Quá nhiều rào cản, lớn nhất k nằm ở công nghệ thiết bị bay mà là ở vấn đề quản lý và ô nhiễm tiếng ồn, cảnh quan...
Nghĩ (mơ) cái vụ này thì thật ra cũng không phải là mới. Chờ khi nào Uber hay ai đưa ra được giải pháp cụ thể đã rồi mới tính chứ giờ thì vẫn chỉ là ước mơ thôi 😃
IThoctap
ĐẠI BÀNG
7 năm
Những đồ dùng hiện tại được phát minh ra dựa trên những ý tưởng được cho là điên rồ ngày xưa thôi.
Đợi viễn cảnh tắc đường trên không.
Đào tạo phi công có vẻ mất thời gian hơn là đào tạo 1 lái xe
Nên dùng cái này cho việc cấp cứu hay xử lý hỏa hoạn thì hơn
vướng dây điện, giật chết.
Nhat_Huy99
ĐẠI BÀNG
7 năm
Đi xe thông thường thì tai nạn nhiều hơn nhưng có nhiều kết quả, đi máy bay ít tai nạn mà đen thì lên bàn thờ luôn khỏi cứu :v
vviettan
TÍCH CỰC
7 năm
trong bối cảnh thị trờng xe tự hành khá khốc liệt thì chiến lược phát triển này của Uber thật có tầm nhìn, chúc họ thành công
CangThat
ĐẠI BÀNG
7 năm
Tai nạn xác định là đóng hòm luôn

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019