Đánh giá nhanh bo mạch chủ Asus Prime X370-Pro: Điểm khởi đầu an toàn cho người dùng AMD Ryzen

agp8x
17/3/2017 8:35Phản hồi: 40
Đánh giá nhanh bo mạch chủ Asus Prime X370-Pro: Điểm khởi đầu an toàn cho người dùng AMD Ryzen
Asus Prime X370-Pro là dòng bo mạch chủ tầm trung của nền tảng AMD Ryzen. Vẫn dùng chipset X370 cao cấp nhất của AMD, nhưng nhờ việc chỉ tích hợp những tính năng cơ bản cần thiết giúp chiếc bo mạch chủ của hãng điện tử Đài Loan có mức giá khá hấp dẫn dành cho những bạn đang muốn xây dựng cho mình một dàn PC theo đội đỏ.

Thông số kỹ thuật
  • Tên sản phẩm: Asus Prime X370-Pro
  • Socket: AM4 (1331)
  • CPU hỗ trợ: Ryzen, APU thế hệ thứ 7
  • Chipset: AMD X370
  • Hỗ trợ ép xung: Có
  • Số khe cắm RAM: 4 x DDR4 (max 3200 MHz)/kênh đôi
  • Số khe PCIe 16x: 3
  • Công nghệ đa GPU: SLI và Crossfire
  • Giao tiếp lưu trữ: 8 x SATA 3 (Raid 0, 1, 10), 1 x M.2
  • LAN: Intel I21-AT
  • Chip âm thanh: Realtek ALC S1220A 8 kênh
  • Số cổng USB: chipset X370 (8 x USB 3.0, 1 x USB 3.1 header, 4 x USB 2.0), chipset ASMedia (2 x USB 3.1)
  • Kết nối khác: 1 x Ethernet, 1 x PS/2, 5 x jack âm thanh 3.5, 1 x Optical
  • Giá tham khảo tại Việt Nam: 4,2 triệu đồng
  • Bảo hành: 3 năm
ASUS_X370-PRO-1.jpg

Nhìn tổng thể, bo mạch chủ của hãng điện tử Đài Loan được thiết kế mạch và tụ tương đối gọn gàng, phối hợp tương phản giữa màu đen của bản mạch và màu trắng của các khối tản nhiệt. Đẹp thì thì thật ra là không nhưng được cái dễ nhìn.

ASUS_X370-PRO-5.jpg

Socket AM4 với 1331 chân tiếp xúc tương thích với bộ xử lý Ryzen và APU (A series) thế hệ thứ 7. Đây cũng là lần đầu tiên mà bo mạch chủ của AMD tương thích với cả CPU (socket AMx) cao cấp lẫn APU phổ thông (trước đây dùng socket FMx). Một điều cần lưu ý là do kích thước của socket đã bị thay đổi nên một số tản nhiệt của hãng thứ 3 trước đây hỗ trợ AM3 có thể sẽ không tương thích. Đây là một điểm trừ nhỏ của AMD so với Intel, dù đổi socket liên tục nhưng vẫn đảm bảo sự tương thích rất tốt cho các tản nhiệt đời cũ.

ASUS_X370-PRO-6.jpg
Điểm lưu ý tiếp theo là cả APU thế hệ thứ 7 và Ryzen đều được thiết kế theo kiểu SoC tương tự như chip điện thoại, tức là các bộ điều khiển sẽ được tích hợp trực tiếp vào CPU và hạn chế tối thiểu vai trò của chipset (X370). Chúng ta có thể so sánh một cách đơn giản là nếu như bo mạch chủ Intel Kaby Lake có thể tận dụng (gần như) toàn bộ tính năng của mình dù bạn gắn bất kỳ CPU Kaby Lake nào trong khi AM4 thì phải tuỳ thuộc vào CPU mà bạn tận dụng được bao nhiêu phần khả năng của bo mạch chủ. Mình sẽ phân tích rõ hơn ưu nhược của điều này ở bên dưới.

ASUS_X370-PRO-2.jpg

Các tụ Mosfet đều có tản nhiệt riêng, đây là điều bắt buộc để kiểm soát nhiệt độ trong quá trình ép xung. Phần tản nhiệt này được thiết kế góc cạnh, nhìn khá đẹp mắt.

ASUS_X370-PRO-15.jpg
Chipset X370 được đặt bên dưới tản nhiệt màu trắng được thiết kế cách điệu. Như đã nói ngay từ đầu, Ryzen và APU thế hệ 7 là những SoC nên nó sẽ quản lý từ RAM, GPU, I/O và tất cả các làn PCIe 3.0. Ryzen 7 hiện nay có tổng cộng 24 làn PCIe 3.0, trong đó 4 làn dành cho giao tiếp với chipset (băng thông tương đương DMI 3 của Intel), 16 làn dành cho GPU (giống như Kaby Lake) và còn lại 4 làn tuỳ biến theo nhu cầu. Chipset X370 chỉ bổ sung thêm 8 làn PCIe 2.0, 6 SATA, 2 SATA Express, USB và tính năng SLI/Crossfire.

ASUS_X370-PRO-3.jpg

Asus Prime X370-Pro có 4 khe cắm RAM DDR4, hỗ trợ tốc độ tối đa ép xung tối đa lên 3200 MHz và bộ nhớ kênh đôi. Các khe không được “bọc thép” như các dòng cao cấp nhưng được cái là sử dụng màu xám và đen để giúp bạn dễ phân biệt các kênh. Một điều cần lưu ý là thứ tự ưu tiên khe RAM của chiếc bo này là A2-B2-A1-B1, ngược lại so với bo Intel.

ryzen-1.jpg

Mặc định xung nhịp DDR4 của Asus Prime X370-Pro, và tất cả các bo mạch chủ AMD, là 2133 MHz. Phiền ở chỗ do không có công ngệ XMP (vốn của Intel), nếu bạn muốn chạy xung nhịp cao hơn thì phải tự ép bằng tay khá phiền phức. Thật ra Asus tích hợp sẵn một số profile RAM xung nhịp cao, nhưng thử nghiệm của mình cho thấy nó không hiệu quả khi cả 2 kit G.Skill TridentZ RGB 3200 MHz và Geil Evo X 3000 MHz đều không boot được. Cả 2 kit này qua dàn Intel thì đều kích XMP chạy bình thường. Hi vọng là thời gian tới thì AMD sẽ hợp tác tốt với các hãng làm RAM.

ASUS_X370-PRO-4.jpg

Quảng cáo


Asus trang bị cho bo mạch của mình 3 khe PCIe 16x 3.0, trong đó 2 khe đầu tiên được “bọc thép” giúp bạn an tâm hơn khi chơi chung với card khủng. Nếu dùng Ryzen, bạn có thể thiết lập 16x/0 hoặc 8x/8x khi chạy Crossfire và SLI. Riêng Crossfire thì bạn có thể tận dụng luôn khe PCIe 16x thứ 3, nhưng chỉ được 4x 2.0. Trong khi đó nếu dùng APU, bạn chỉ có thể tận dụng 1 khe PCIe 16x đầu tiên nhưng chỉ ở tốc độ 8x. Tất cả khe PCIe 1x và PCIe 16x thứ 3 đều chỉ chạy ở chuẩn 2.0 và do chipset quản lý.

ASUS_X370-PRO-7.jpg
Hạn chế lớn nhất của thiết lập SoC của AM4 chính là việc nó chỉ còn 4 làn PCIe 3.0 dành cho lưu trữ, tức là chỉ hỗ trợ 1 ổ cứng SSD chuẩn M.2 duy nhất. Ở tầm giá này thì dĩ nhiên là chúng ta cũng không có U2. Đối với một số bo cao cấp thì mình thấy các hãng cũng thêm vào 1 khe M.2 nữa, nhưng thực chất nó chỉ chạy ở 2.0 (chipset quản lý). Thiết lập của chipset Intel Z270 thực ra thoải mái hơn nhiều về mặt này, với 24 làn PCIe 3.0 nên bạn sẽ thấy tiêu chuẩn đến 2 khe M.2 và đôi lúc còn thêm cả U.2.

ASUS_X370-PRO-16.jpg
ASUS_X370-PRO-13.jpg
Về phần trang trí thì chúng ta có công nghệ AURA đặc trưng của Asus nhưng ở một cấp độ rất ư là dịu dàng với một dàn đèn LED nhỏ ở phía sau bo. Ngoài ra bạn cũng sẽ có 1 RGB Header cho phép kết nối những phụ kiện khác hỗ trợ công nghệ AURA (dây LED, RAM,...) để đồng bộ màu sắc. Đáng tiếc mặt trước hăm có cái đèn trang trí nào cả 😁

ASUS_X370-PRO-10.jpg
ASUS_X370-PRO-11.jpg
Về phần kết nối lưu trữ và ngoại vi thì nhìn chung khá đầy đủ với nhu cầu của người dùng phổ thông. USB 2.0, 3.0, 3.1 và Type C đều đủ cả. Ryzen không tích hợp GPU, vì vậy bạn cần phải dùng APU thì mới tận dụng được cổng Display Port và HDMI tích hợp. Ở dòng này có lẽ để giảm chi phí nên Asus không tích hợp các công nghệ bổ trợ âm thanh cho chip Realtek ALC S1220A, chỉ là thiết kế phần mạch tác biệt để chống nhiễu.

Quảng cáo



Còn về phần hiệu năng thì thực chất bo mạch chỉ đóng vai trò là trung gian, giúp các linh kiện khác thể hiện hết khả năng của mình. Để các bạn tham khảo thì mình xây dựng hệ thống cấu hình như sau: CPU AMD Ryzen 7 1700, bo mạch chủ Asus Prime X370-Pro, GPU Msi GTX 1060 Gaming X 6 GB, 2 x 4 GB Geil DDR4-3000 (chạy ở 2666 MHz), 120 GB Intel SSD 520, PSU FSP Raider 650.

ryzen_1700_bench-1.jpg
ryzen_1700_bench-2.jpg
ryzen_1700_bench-3.jpg
ryzen_1700_bench-4.jpg
ryzen_1700_bench-5.jpg
Vào thời điểm này thật ra thì khá ư là khó đánh giá chính xác được hiệu năng của AMD Ryzen 7 1700 do hãng vẫn còn trong quá trình tối ưu. Tuy nhiên như các bạn cũng thấy là kết quả cũng rất tốt, đặc biệt là so với những bộ xử lý của Intel. Riêng về CPU Ryzen 7 thì mod bk9sw sẽ có bài đánh giá chi tiết dòng 1700, còn mod Quannd sẽ đánh giá chi tiết dòng 1800X sau.

ASUS_X370-PRO-20.jpg

Tóm tắt ưu nhược điểm của bo mạch chủ Asus Prime X370-Pro
Ưu điểm
  • Chipset AMD X370 cao cấp nhất
  • Khe PCIe 16x được gia cố
  • Hỗ trợ cả SLI lẫn Crossfire
  • Công nghệ đèn AURA
  • Giá mềm
Nhược điểm
  • Thiết kế không có gì đặc sắc
  • Chỉ sở hữu các tính năng cơ bản của chipset
  • Ryzen tạm thời vẫn chưa được tối ưu
Bất chấp hàng Asus từ trước đến nay nổi tiếng là đắt đỏ, Asus Prime X370-Pro lại là một trong những dòng bo mạch chủ sử dụng chipset AMD X370 có giá mềm nhất hiện nay. Dĩ nhiên, chúng ta sẽ chẳng có những tính năng xa xỉ hay hệ thống đèn LED RGB rực rỡ, nhưng nếu những gì mà bạn cần là một chiếc bo mạch chủ hoạt động tốt và trang bị vừa đủ tính năng thì Asus Prime X370-Pro hoàn toàn có thể đáp ứng được. Tóm lại thì có thể không phải tốt nhất, nhưng chiếc bo mạch chủ của Asus là một sự lựa chọn an toàn giúp bạn không phải tốn quá nhiều chi phí mà vẫn trải nghiệm được đầy đủ các tính năng cơ bản mà nền tảng mới nhất của đội đỏ mang lại.
40 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Chà, giờ lạc hậu quá. Vào coi bài mà cứ ngơ ngơ. Coi lại CPU đang xài thì mới biết là đang xài E8400. :|
duckpro9x
ĐẠI BÀNG
7 năm
giả sử muốn lắp sli nhưng gắn 1 card gtx chơi game, 1 card quadro làm đồ họa đc ko​
@Giltine Tôi thấy bạn cũng có kiến thức để làm review phần cứng pc đấy .

Năm 2010 cũng có bộ phận quảng cáo 1 hãng tivi nhờ tôi viết bài giới thiệu tivi cho họ ( tôi được họ quan tâm , bởi bài chia sẻ tivi Plasma Panasonic của tôi bên diễn đàn HDvietnam được rất nhiều thành viên đón nhận ) .

Đơn giản là họ sẽ cho bạn mượn sản phẩm sử dụng trong vòng 3 ngày , rồi viết bài cảm nhận về sản phẩm đó .

Tất nhiên họ sẽ trả tiền cho bài viết của bạn . tùy theo họ thấy bạn viết hay hay dở .
heorung52
TÍCH CỰC
7 năm
@Giltine Không biết chừng nào mới bán đại trà đây ta?
VO7T
TÍCH CỰC
7 năm
@duckpro9x lắp đc, nhưng cái đó ko gọi SLI, chỉ là chạy đơn thôi, vấn đề khó nhất là cài đặt driver và setting cho nó hoạt động theo mục đích.. mà cái này thì rất mệt, phụ thuộc nhiều vào support của phần mềm nên tốt nhất ko nên xài để làm việc hàng ngày.
@duckpro9x Muốn tiện thì xài 1080Ti luôn chứ nhất thiết phải quadro đâu? các dòng quadro thường ra sau nên áp dụng nm hơi to. tóm lại quadro hay 1080 điều dùng core cuda xử lý hết, không nhất thiết phải card quadro mới xử lý đồ họa ngon. Với lại dòng nào nhiều người dùng thường giá mềm hơn so với dòng ít người dùng vì nó bù chi phí nghiên cứu và bán hàng.

Ngay cả xài amd card cũng làm đồ họa được hết vì nó dùng Open CL để xử lý dữ liệu.
Chụp nhiều ảnh quá, có cái nào ntn ko =))
Vẫn cay AMD ngày trước AM3 mua xong đc đâu 2 năm tẻo main mua mãi ko đc cái nào ra hồn, cuối cùng mua con 970a-d3p cho con x4 :rolleyes:, bây h mà ko làm cách nào nịnh đầm được các hãng sản xuất hợp tác lâu dài thì lại chết sặc máu dù hiệu năng có cao mấy thì cao, mà sao AMD truyền thống làm cpu nhiều core thread thế nhỉ, trước kết mấy con phenom 2 x6, mà nóng với tốn điện kinh 😕

Cái này được nhưng ko gọi là sli 😆.
vupicaso
TÍCH CỰC
7 năm
@supperchym e thỏ nơ hồng ngon quá bác nhỉ
hoan999999
TÍCH CỰC
7 năm
@vupicaso em này là em vẫn đóng Elsa xyz với Spiderman trên Youtube tẩy não các cháu nhỏ đó bác...

Quay lại chủ đề AMD, vẫn không thấy có lựa chọn nào cho người dùng cao cấp sử dụng chip Opteron nhỉ...
Mr.Not
ĐẠI BÀNG
7 năm
Asus là bình dân chứ đắt đỏ như câu cuối của mod đâu nhỉ?
mrlucky90
ĐẠI BÀNG
7 năm
@Mr.Not Mainboard và vga asus luôn đứng top đầu về giá trong bất kỳ phân khúc nào mà bác.
bvateam
TÍCH CỰC
7 năm
200usd cái main này chỉ bèo khi so với mấy dòng gaming khác thôi. người dùng phổ thông thì chỉ cần chạy X2 ram với X1 PCLe 16x là đủ rồi giá ~1tr5 nữa là ngon.
con này thấy trên amazon tận 255 $trump mà về vn rẻ thế, có ưu ái gì đây.
p/s: con CPU thì đắt cắt cổ ra
tinhtednvn
TÍCH CỰC
7 năm
Nhìn xung con chip AMD là chán rồi. Hiện nay Game tối đa hỗ trợ 4 luồng trong lúc Load dữ liệu, 1 luồng khi đã vào Game, với nhu cầu bình thường cần gì tối 8 nhân vật lý.
pippi17
TÍCH CỰC
7 năm
@tinhtednvn Ryzen R7 vốn dĩ không phải là dòng dành cho gamer, nó phù hợp với những người sử dụng đa tác vụ, nhu cầu nặng đô như Stream game, render, encode, decode... hơn. Đối với gamer thì dòng R5 mới là đáng chờ đợi.
@tinhtednvn ủa thì ko game thì xài cái khác chứ? kiểu này chắc nói ram nhiều dư thừa ah?.
hongquan1975
ĐẠI BÀNG
7 năm
ở nhà còn 1 con asus G31 mua luc 2005. Thích main asus nhưng ko thích em này..... ko có "xiền" 😁
duaIshock
ĐẠI BÀNG
7 năm
Cái chốt socket CPU giống thời Pentium 4 ghê ^^

Uả giờ mới để ý AMD vẫn làm chân CPU dính theo chip chứ ko đẩy sang main như intel nhỉ.
@duaIshock cái nào cũng có ưu nhược điểm riêng, chân trên cpu thấy vậy đó nhưng đỡ hơn mấy lga trên main vì rất mỏng cũng dễ cong vênh, coi chứ loại cẳng dính trên cpu chân to nên khá chắc đó, nhớ ngày trước có cpu pen4 quạt dính chặt vào keo và cpu giỡ mạnh cpu nhảy khỏi khe (lúc đó chốt còn đang gạt) mà chân cẳng ko bị gì cả.
Ưu điểm : chipset cao cấp nhất
Nhược điểm : chỉ sở hữu những tính năng cơ bản của chipset
Lúc viết bài Mod có thấy mâu thuẫn nhẹ ko :I
@Hồ Đăng Khoa Không bạn, bo cao cấp thì ngoài chipset chính thì các hãng họ còn bổ sung thêm một số chip phụ trợ giúp tăng thêm cổng SATA, USB hoặc thậm chí là thêm luôn làn PCIe 3.0 cho card màn hình 😁
ở đâu bán đấy các bác
Kal-el119
TÍCH CỰC
7 năm
Con card đẹp nhỉ, thế mà còn chưa đặc sắc thì ko biết sao mới đặc sắc.
Giá 4 tr 2 vẫn thấy cao.
mình cần cái main tầm 2 tr 5. Chip tầm 4.5 ( của AMD ). Ram 16gb chắc cỡ 3 tr ? Nguồn 1 tr.
VGA 3 tr. Thùng 500.
Vậy 1 cái case ổn ổn cỡ 14tr5.
Kuro Keita
TÍCH CỰC
7 năm
con này lắp đc SSD PCIe k các bác, vừa lắp card gtx 1070 vừa thêm 1 con ssd PCIe được k nhỉ :?
@Kuro Keita
HEHhe cái này là cắm vào cổng M.2 dùng giao tiếp PCle để đạt tốc độ cao chứ như SATA thì tối đa 600MB/s chứ ko thể đạt 2GB/s hay 3GB/s được.
Kuro Keita
TÍCH CỰC
7 năm
@ragefighter
ok bác, đã hiểu 😁
@Kuro Keita Chơi tản nhiệt nước đi cho gọn so với tản nhiệt khí.
Kuro Keita
TÍCH CỰC
7 năm
@ragefighter
thôi bác tản nhiệt nước sau này vệ sinh thấy lằng nhằng lắm, mà mình không có nhu cầu OC 😆) à mà không biết main x370 setting RAM thế nào để đc 2666MHz nhỉ, mình thì máu combo ryzen lắm mà vẫn lăn tăn vụ RAM không được max speed, thấy mọi người bảo phải setting thủ công mà không biết làm 😔
ntk95
ĐẠI BÀNG
7 năm
Ưu điểm: Tạm đáng mua...

Nhược điểm: Main Ryzen quá hiếm ở VN, không thể đảm bảo số lượng 😁:D:D:D:D:D

Chốt: Mấy bố hãng main đừng mãi rúc đầu vào Intel nữa, mắn đẻ số lượng model Intel lắm vào làm cho những ông muốn Ryzen phải chịu khổ :D:D:D:p:p:p
Cái tít giật cho Prime B350 Plus nghe còn dk
tamluchan
ĐẠI BÀNG
7 năm
CPU Ryzen thì ngon. Nhưng mình ngán mấy cái main lắm rồi. Tại vì 2 cái chốt của cái khung để giữ cái quạt tản nhiệt cho CPU dễ bị gãy. Xài qua 2 cái main, 4 cái khung đều gãy hết. Đành phải để cái thùng máy nằm ngang mà xài :oops:

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019