Tham dự Tech Lounge

Tham dự Tech Lounge


Ryzen 7 1800X so tài Core i7-6900K - Kẻ tám lạng người nửa cân

QuanNDD
17/3/2017 14:2Phản hồi: 74
Ryzen 7 1800X so tài Core i7-6900K - Kẻ tám lạng người nửa cân
Ryzen 7 1800X nằm trong bộ ba sản phẩm mới được AMD chính thức công bố tại sự kiện Ryzen Tech Day vừa qua. Đây cũng là mẫu chip đầu tiên đại diện cho thế hệ CPU kiến trúc Zen mới được sản xuất theo quy trình 14 nm, hỗ trợ bộ nhớ DDR4 và bổ sung các tuyến giao tiếp tốc độ cao PCIe 3.0, hứa hẹn cải thiện đáng kể hiệu năng mà vẫn giữ mức tiêu thụ năng lượng hiệu quả.

R7 1800X_tinhte.vn 1.jpg

Đặc biệt, Ryzen 7 cũng đánh dấu sự trở lại của AMD ở phân khúc vi xử lý cao cấp, có khả năng cạnh tranh trực tiếp cùng sản phẩm của Intel sau hơn một thập kỷ chịu lép vế. Theo đại diện hãng cho biết sức mạnh tính toán trên mỗi nhân của 1800X cao hơn khoảng 9% trong khi mức TDP chỉ 95W, tức bằng khoảng 2/3 so với 140W của Core i7-6900K.

Trong bài viết, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu kỹ hơn sức mạnh của Ryzen 7 1800X dựa trên một số công cụ benchmark cùng một số tựa game nặng. Và mẫu CPU tham chiếu trong bài là Intel Core i7-6900K để các bạn dễ so sánh. Tại Việt Nam, R7 1800X được bán với giá 15 triệu đồng và Core i7-6900K giá 26,4 triệu đồng.

AMD Ryzen 7 1800X


Như chia sẻ trên thì Ryzen 7 1800X là một trong các mẫu chip đầu tiên đại diện cho thế hệ CPU mới của AMD với kiến trúc Zen hoàn toàn mới, cải thiện năng lực tính toán đến 52% so với thế hệ trước nhưng vẫn giữ mức năng lượng tiêu thụ tương đương. Đây cũng được xem là con bài có tính quyết định sự thành bại của hãng trong thời gian tới vì theo kế hoạch, Zen sẽ phục vụ cho cả nền tảng để bàn lẫn di động, từ phân khúc cao cấp cho tới tầm trung và phổ thông.

R7 1800X_tinhte.vn 3.jpg

Điểm cần lưu ý là chip Ryzen sẽ không có tính tương thích ngược với các bo mạch chủ cũ socket AM3+ và FM2+. Điều này cũng hoàn toàn bình thường vì không chỉ áp dụng công nghệ sản xuất 14nm, kiến trúc Zen mới còn sử dụng thiết kế dạng monolithic (tạm dịch nguyên khối). Mỗi nhân xử lý của Zen sẽ có riêng bộ đệm thứ cấp (L2 cache) dung lượng 512KB, trái ngược với kiến trúc Excavator có thiết kế dạng module và chia sẻ chung L2 cache. Điều này sẽ giúp cải thiện độ trễ băng thông bộ đệm, hứa hẹn cải thiện đến 52% khả năng xử lý lệnh trên mỗi xung nhịp.

R7 1800X_tinhte.vn 4.jpg

Ngoài ra, một số cải tiến đáng giá nữa của Ryzen là hỗ trợ bộ nhớ DDR4 kênh đôi với băng thông gấp đôi so với DDR3, bổ sung các tuyến PCI Express 3.0 và tối ưu công nghệ đa luồng SMT (simultaneous multithreading) nhằm tăng khả năng xử lý các chỉ lệnh đồng thời trên mỗi nhân. Tương tự HT (hyper threading) của Intel thì công nghệ AMD SMT cũng giúp hệ điều hành và ứng dụng nhận biết được số nhân xử lý luận lý (logic) và tài nguyên vật lý được phân bổ, cho phép thực thi các chỉ lệnh song song và từ đó, cải thiện đáng kể tốc độ xử lý trong các ứng dụng đòi hỏi năng lực tính toán cao như phần mềm thiết kế 3D, xử lý ảnh hay video.


Intel Core i7-6900K


R7 1800X_tinhte.vn 6.jpg

Quảng cáo


Thiết kế Core i7-6900K hướng tới nhu cầu chơi game hạng nặng và xử lý đa tác vụ đòi hỏi cao về sức mạnh hệ thống. Chẳng hạn với game độ phân giải 4K, game thủ vừa chơi vừa ghi hình quá trình này và stream lên Twitch, Youtube. Đây cũng là mẫu chip dành cho người dùng cá nhân của Intel có sức mạnh chỉ thua Core i7-6950X mà thôi.

R7 1800X_tinhte.vn 8.jpg

i7-6900K trang bị 8 nhân vật lý, hỗ trợ công nghệ siêu luồng (hyper threading) nên có khả năng xử lý 16 luồng dữ liệu cùng lúc. Chip cũng có đến 40 tuyến PCI Express 3.0 để truyền tín hiệu trực tiếp giữa CPU và các thành phần khác, cho phép mở rộng hệ thống với các SSD hiệu suất cao đồng thời hỗ trợ thiết lập cấu hình đa card đồ họa 3-way SLI hoặc 3-way CrossFire với băng thông tối đa 16x – 16x – 8x.

R7 1800X_tinhte.vn 7.jpg

Về mặt kỹ thuật, chip Broadwell-E vẫn sử dụng vi kiến trúc Haswell nhưng áp dụng công nghệ sản xuất 14nm, mới nhất vào thời điểm đó. Việc thu nhỏ quy trình sản xuất giúp đặt được nhiều bóng bán dẫn (transistor) hơn trên cùng kích thước đế bán dẫn so với quy trình cũ, hứa hẹn mang lại hiệu năng tính toán cao hơn. Chẳng hạn với Core i7-6950X, Intel cho biết tốc độ render 3D nhanh hơn 35%, dựng video trong Premier nhanh hơn 25% và transcode video trong HandBrake nhanh hơn 20% so với mẫu CPU flagship trước đây là Core i7-5960X.

Cấu hình thử nghiệm

Quảng cáo


R7 1800X_tinhte.vn 5.jpg

Cấu thử nghiệm Ryzen 7 1800X xây dựng trên nền bo mạch chủ MSI X370 XPower Gaming Titanium, đồ họa rời GeForce Titan X, RAM Corsair Vengeance LPX DDR4 kit 16GB bus 3.000 MHz, SSD Intel 730 480GB, nguồn EVGA 850W, hệ điều hành Windows 10 x64 cùng trình điều khiển Radeon Crimson ReLive Edition 17.3.1. Với Core i7-6900K, mình cũng sử dụng lại các thành phần phần cứng trên và riêng bo mạch chủ thay bằng MSI X99A Godlike Gaming cho tương xứng với giá trị của chip.

CPU using for Ashes of the Singularity.jpg

Nói thêm về cấu hình thử nghiệm. Vì nền tảng AM4 khá mới và Windows 10 chưa khai thác được hai công nghệ quan trọng của R7 1800X là XFR (eXtended Frequency Range) và Precision Boost, nên trong các phép thử hạng nặng, tốc độ CPU không thể đạt mức 4.0GHz như kỳ vọng của người dùng. Trong trường hợp này, mình dùng tiện ích Ryzen Master để thiết đặt mức xung cực đại của R7 1800X ở 4.0GHz. Tương tự xung nhịp RAM cũng được cố định ở mức 2.666MHz cho cả cấu hình AMD lẫn Intel.

Tất nhiên đây chỉ là giải pháp tạm thời vì theo AMD cho biết hãng đang tích cực làm việc với các nhà sản xuất phần cứng, hệ điều hành để cải thiện tính ổn định và khai thác tốt hơn sức mạnh vốn có của bộ xử lý Ryzen mới.

Kết quả thử nghiệm


Với khả năng xử lý 16 luồng dữ liệu cùng lúc, cả Ryzen 7 1800X lẫn Core i7-6900K đều nhẹ nhàng “bay” qua các phép thử với những điểm số ấn tượng. Nhìn vào kết quả, bạn dễ dàng nhận thấy Ryzen của AMD nhỉnh hơn so với chip Intel trong những công cụ benchmark tổng quát. Ngược lại chip Intel cũng thể hiện sức mạnh trong các phép thử chuyên biệt, khai thác tốt khả năng xử lý đa nhân, đa luồng.

Có lẽ hơi thiên vị cho AMD vì trong cấu hình thử nghiệm trên, tất cả nhân của R7 1800X được đẩy lên mức 4.0GHz trong khi Core i7-6900K vẫn chạy theo thiết lập mặc định; tức chỉ khi 1 hoặc 2 nhân được kích hoạt thì chip Intel mới chạy ở mức 4.0GHz; các trường hợp còn lại (từ 3 - 8 nhân kích hoạt) thì xung cao nhất chỉ 3,5 GHz.

Để làm rõ hơn điều này, mình cũng thử thiết đặt mức 4.0GHz cho cả 8 nhân của i7-6900K và kết quả cải thiện đáng kể, đặc biệt về sức mạnh xử lý đa luồng vượt trội so với R7 1800X. Xem chi tiết kết quả thử nghiệm trong biểu đồ bên dưới.


Với công cụ Cinebench R15 kiểm tra khả năng dựng hình 3D, chip 1800X đạt 155 điểm trong phép thử đơn nhân, 1.651 điểm trong phép thử đa nhân và tốc độ dựng hình bằng thư viện OpenGL đạt 111,43 fps (khung hình/giây). Với Geekbench 3, 1800X đạt 4.134 điểm trong phép đo hiệu năng đơn nhân và 26.543 điểm hiệu năng đa nhân.

Trong phép thử đồ họa 3DMark, cấu hình AMD đạt 3.973 điểm Fire Strike Ultra, trong đó đồ họa đạt 3.788 điểm và CPU là 19.198 điểm. Tương tự với phép thử 3DMark TimeSpy được thiết kế nhằm khai thác sức mạnh bộ thư viện DirectX 12, hệ thống đạt 5.321 điểm trong đó đồ họa Titan X đạt 5.025 điểm và chip R7 1800X đạt 7.988 điểm. Xét riêng về điểm CPU thì chip 1800X cao hơn Core i7-6900K lần lượt 3,1% và 5,6% trong cùng phép thử.

1800x PCMark 8.jpg Điểm PCMark 8 của cấu hình thử nghiệm AMD R7 1800X (trái) và Intel 6900K (phải).

Về hiệu năng tổng thể cũng có sự chênh lệch nhẹ giữa nền tảng AMD và Intel. Cụ thể trong công cụ quy chuẩn PCMark 8 Creative, cấu hình Ryzen 7 1800X đạt 7.347 điểm, tức cao hơn khoảng 1,7% so với 7.224 điểm của i7-6900K.


Đáng ngạc nhiên là trong bộ công cụ SPECviewperf 12, mô phỏng khả năng dựng hình như cách thức hoạt động của một số phần mềm trong lĩnh vực thiết kế đồ họa, y tế, năng lượng với độ chính xác cao. Mẫu chip Intel đã lật ngược thế cờ khi dẫn điểm trước AMD R7 1800X, thậm chí bỏ xa trong một số phép thử như SolidWorks và Medical. Điều này cũng cho thấy ưu thế của chip Intel trong việc khai thác sức mạnh xử lý đa nhân, đa luồng trước con “át chủ bài” mới từ AMD.

Tương tự với phép thử đánh giá khả năng xử lý tiến trình song song trong các tác vụ liên quan đến việc nén/bung nén dữ liệu, mã hóa/giải mã dữ liệu, nén file âm thanh và bung nén file hình ảnh. Chip Intel cũng cao hơn AMD từ 5,8% đến 39,2% trong mỗi phép thử tương ứng.


Kết quả game chạy ở độ phân giải 4K, chất lượng đồ họa mặc định và cao nhất.

Với các game thử nghiệm gồm Ashes of the Singularity, Rise of the Tomb Raider và Batman: Arkham Knight. Giá trị mẫu card đồ họa cao cấp thể hiện một cách rõ nét qua số khung hình tối thiểu luôn cao hơn 30 fps, mang lại những trải nghiệm tốt trong game. Tuy không thể sánh bằng GTX 1080 Ti nhưng sức mạnh của Titan X Maxwell vẫn đủ chinh phục tất cả phép thử theo kịch bản xây dựng ở độ phân giải 4K với thiết lập đồ họa chất lượng cao

Cũng cần nói thêm, ngoại trừ một vài game có yêu cầu cao về CPU cũng như khả năng tận dụng tốt đa luồng như ARMA3, bạn mới nhận thấy sự khác nhau về hiệu năng các bộ xử lý. Trong các game còn lại, card đồ họa vẫn là yếu tố quan trọng nhất quyết định khả năng xử lý hình ảnh. Nếu nghĩ rằng sức mạnh của hệ thống phụ thuộc vào CPU thì bạn cần phải suy nghĩ lại vì trên thực tế, nhân xử lý phức tạp nhất lại nằm trên card đồ họa.

Điện năng tiêu thụ


R7 1800X_TDP.jpg Mức công suất tiêu thụ cao nhất của cấu hình thử nghiệm AMD R7 1800X (trái) và Intel 6900K (phải) trong phép thử 3DMark.

Đánh giá mức tiêu thụ năng lượng của cấu hình thử nghiệm (không bao gồm màn hình) qua phép thử đồ họa 3Dmark Fire Strike Ultra, công suất hệ thống được ghi nhận qua phần mềm GPU-z và Logger Lite trong môi trường khoảng 22 độ C.

Ở chế độ không tải, công suất tiêu thụ trung bình của cấu hình AMD vào khoảng 137,8W, trong khi cấu hình Intel là 163,4W. Trong phép thử đồ họa, mức công suất cao nhất của AMD 1800X cũng thấp hơn khoảng 14,7W so với cấu hình Intel i7-6900K.

Về phần nhiệt độ thì mình chỉ ghi nhận chứ không đưa vào bài viết so sánh vì đây cũng là vấn đề Ryzen 1800X hiện gặp phải. Theo AMD cho biết mức chênh lệch vào khoảng 20 độ C giữa tCTL° (nhiệt độ ghi nhận) và Tj° (nhiệt độ thực tế). Và thực tế có sự chênh lệch đáng kể giữa nhiệt độ ghi nhận qua các công cụ theo dõi như HWmonitor và thậm chí cả Ryzen Master của chính hãng.

Tổng quan sản phẩm


R7 1800X_tinhte.vn 2.jpg
Ryzen 7 1800X là một trong các mẫu chip đầu tiên đại diện cho thế hệ CPU mới của AMD với kiến trúc hoàn toàn mới. Nó hội đủ các yếu tố về công nghệ, khả năng ép xung và đặc biệt là lợi thế cạnh tranh về giá so với Core i7-6900K của Intel. Tuy nhiên trên thực tế, R7 1800X nói riêng và nền tảng Ryzen nói chung hiện vẫn chưa khai thác được hết tính năng, sức mạnh và tính ổn định như sản phẩm của Intel. Vì vậy người dùng cần thường xuyên theo dõi, tải và cài đặt các bản cập nhật, driver mới để tối ưu hệ thống.

Tại Việt Nam, R7 1800X dự kiến được bán với giá 15 triệu đồng và cũng được xem là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với mẫu chip Intel Core i7-6900K, giá 26,4 triệu đồng. Có thể nhận thấy, dù hiệu năng chip AMD kém đôi chút nhưng xét ở khía cạnh giá lại có sức hấp dẫn lớn hơn đáng kể. Điều này sẽ tạo áp lực để Intel phải cân nhắc lại chiến lược về giá sản phẩm. Và không ai khác chính bạn sẽ là người được hưởng lợi khi hai ông lớn trong ngành công nghiệp bán dẫn bước vào cuộc chiến trong thời gian tới.

Về Core i7-6900K thì đây không phải là mẫu chip mạnh nhất của Intel và cũng không thể sánh cùng R7 1800X về giá. Tuy nhiên nó vẫn là lựa chọn tốt cho một hệ thống đòi hỏi cao về sức mạnh, khả năng xử lý đa tác vụ và sự ổn định khi chạy ứng dụng. Đây cũng là những điểm quan trọng không chỉ cho cấu hình chuyên game mà cả cấu hình dựng phim và thiết kế đồ họa.
74 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Giltine
TÍCH CỰC
7 năm
Hóng R5 4 core 8 threads so gaming với i7 và R3 4 core 4 threads vs i5 hơn. Mấy con này ko sinh ra cho game vậy ko nên so sánh gaming. Tập trung vào so sánh sức mạnh CPU và khả năng làm việc với tốc độ chạy các ứng dụng
Eahleo
TÍCH CỰC
7 năm
@Giltine Thế còn i3 và Pentium G thì AMD có dòng nào để cạnh tranh nhỉ 😁
AMD mà có con nào ngon, rẻ thì đám i3 & Pentium G của Intel vứt xó hết =))
Giltine
TÍCH CỰC
7 năm
@Eahleo Ngang giá i3 thì có R3 1100 mạnh ngang i5 4 core zen, ngang giá pentium dưới phân khúc ryzen AMD sẽ cho ra mắt đám 28nm rename thay đổi 1 chút cấu trúc sẽ dành cho phân khúc dưới 100$: Althon X4 950, A12 9800, A10 9700, A8 9600, A6 9500, tất cả APU A Series đều tích hợp GPU mạnh mẽ phục vụ nhu cầu vừa phải, tất nhiên là sức mạnh CPU mấy con này thua pentium G ko như ryzen nhưng sức mạnh GPU thì chắc chắn mạnh hơn pentium cùng giá
mặt tiền cái. làm việc thì ok rồi, nhưng nói ko phải cho gaming là ko phải, chỉ là nó ko xuất sắc nhất, chứ vẫn chiến tốt
hoanbp
ĐẠI BÀNG
7 năm
Đến thời đại của AMD rồi
@hoanbp chưa đâu bạn ơi . vẫn còn những bài test chưa vượt qua intel cho nên đến thời đại amd thì hơi sớm đó
tuancanlc94
ĐẠI BÀNG
7 năm
Khi mà win 10 chưa fix đc cái lỗi phân bổ công việc lung tung cho các luồng trong ryzen thì hiệu năng còn chưa đc cải thiện vì tốc độ xử lý trong nội CCX lớn hơn rất nhiều so với 2 CCX với nhau
Đập ra xem em nào gục trc😃😃😃
Aduckuba
Hơn nhau có 3 lặng ;)
Vote cho AMD, có cạnh tranh thì mới có sản phẩm tốt giá tốt cho người dùng 😃
Mình thấy card đồ họa trên laptop AMD mạnh và mát hơn Nvidia còn máy bàn thì không biết ra sao, laptop thì cũng rất ít model dùng. Ủng hộ AMD hết mình
P/s: có bác nào bik con laptop nào xài chip AMD bây giờ ko? Tìm hoài toàn intel, mình định mua trải nghiệm thử.
@quevietnam2015 VGA AMD thì nhiều mà, nói đâu xa chứ Macbook Pro 15 2016 dùng AMD Radeon đấy trong khi mấy con macbook thế hệ trc thì dùng Nvidia
@tranlong255 Em tìm được con này mà nó bán bên mỹ mới đau, chỉ mong sau này thương nhân nhập về bán. Screenshot_20170327-230344.png
Screenshot_20170327-230350.png
@zozolozozove Thôi xin can đi thím. Mấy con láp amd chạy như rùa bò ấy. Đã từng nghe ca tụng và mua thử. Kết quả bán lại giá một nửa sau ba tháng vì chạy quá chậm!!!
@hackieuhoang Ji ghê vậy bác @@ tại em thấy card màn hình laptop nó tốt thì cpu cũng tốt, em tính mua xài thử ý mà. Nghe bác ns vậy thì thôi 😃
HoangSong
TÍCH CỰC
7 năm
Hiệu năng AMD có những thời điểm rõ ràng cao hơn Intel nhưng vẫn ngại xài vì sau này muốn nâng cấp thì bán đi sản phẩm cũ sẽ rớt giá thê thảm hơn nhiều so vs intel 😔
huong04x3c
ĐẠI BÀNG
7 năm
@amdxxx Mình là dân kĩ thuật ko phải dân kinh tế, nhưng mình thấy bạn và rất rất nhiều người khác đang mắc phải một cái sai cực kì cơ bản. Khi bán đi mặc dù AMD mất 75% giá nhưng vẫn lời. Intel bán đc 50% giá bạn vẫn lỗ.
Nguyên nhân tại sao. Mình sẽ chứng minh cho bạn.
Xin nói thêm là đây chỉ là cách tính của mình, cách tính của một ng ko phải dân kinh tế, nếu sai thì xin được chỉ giáo.
Mình xẽ tính cho Intel trước.

Năm 2017 bạn mua core i7 với giá 26 triệu
Thời gian bạn dùng 5 năm, đến năm 2022 bạn bán được 13 triệu (thời giá năm 2022)
Tỉ lệ lạm pháp ở Việt Nam! Tính rẻ cũng là 10%/năm
Như vậy 26 triệu bạn bỏ ra vào năm 2017 sẽ có giá trị là 26x(1+5x10%)=39 triệu(thời giá năm 2022)
Như vậy bạn sử dụng core i7 trong 5 năm thì bạn phải trả ra một số tiền tương ứng là (tiền mua trừ đi tiền bán lại) 39-13=26 triệu.

Cách tính tương tự cho AMD sẽ cho kết quả là.
15x(1+5x10%)-15x25%=18.75 triệu.

Vậy dùng AMD với hiệu năng tương đương mà chi phí sử dụng lại rẻ hơn gần chục củ. Bạn nghĩ cái nào rẻ hơn.
Kể cả sau 5 năm bạn vứt luôn cái AMD đi thì bạn vẫn ko lỗ.
Trường hợp bạn vứt đi luôn thì chi phí bạn phải mất cũng chỉ là 15x(1+5x10%)-000=22.5triệu
Có vứt đi thì cũng vẫn rẻ hơn dùng chip Intel 4.5t mà.[/QUOTE]
CpT
TÍCH CỰC
7 năm
@huong04x3c Bạn hơi đâu mà giải thích với mấy người mua đồ về xài chưa cần biết đem lợi ích gì cho bản thân mà toàn nghĩ ngày bán lại thu hồi vốn. Từ cái xe tới cái đt tới con CPU. Mai mốt lấy vợ chắc cũng dám nghĩ ngày cho nó đi khách để thu hồi luôn quá.

Tâm lý này là của Châu Á chứ không phải chỉ Việt Nam các bạn ạ.
@CpT =))))), quá đỉnh 😆
@CpT Một vote. 😃.
dàn sắp tới lên full team đỏ thôi :">
QuanNDD
CAO CẤP
7 năm
@TnG2903. mình ko ngại đâu, bạn có thể cho mình mà. con mini htpc của mình vẫn chạy core i7-2600, chả kém chi ai. 😃

@QuanNDD htpc mà i7 thì hơi phí, nghiên cứu chuyển qua ARM đi bác, Pi kìa, tiết kiệm điện hơn hẳn :v

mà không cho nhé, máy đang xài, ahihi, đợi ráp máy mới rồi mới tính toán :">
bạn nào tư vấn cho mình nên chọn i3 7100 hay nên chọn i5 7400 để chiến mấy game online nhẹ nhỉ. nhu cầu của mình chỉ loanh quanh mấy game online nhẹ như lol, và chạy mấy ứng dụng PTS, dùng tab trình duyệt cùng lúc
@iPhone 10 S Plus nếu chỉ nhẹ nhàng thì G4560 là tiết kiệm nhất
ôi cái giá 😁 15 củ và ............. =)) vote AMD <3
anhlongcom
ĐẠI BÀNG
7 năm
Đang có ý định ráp 1 e htpc mục đích multitasking văn phòng và giải trí đa dạng (chủ yếu là phim phỏng vì mình định mua TV LED màn hình lớn chứ game ghiếc thì quá tuổi rồi 😁 :D).
Có ai đang đợi Ryzen 5 ra rồi mới quyết định "đập thùng" 1 bộ HTPC như mình không hehe :D
Mình thấy máy nào tiêu thụ nhiều điện hơn thì sẽ nóng hơn là điều tất yếu, máy dùng chip AMD tiêu thụ ít điện hơn chắc là sẽ mát hơn rồi.
Mình chỉ cần mấy con thấp hơn cạnh tranh mạnh với i3, i5 là ổn rồi, tự nhiên Intel có đối thủ xứng tầm.😃
maychuzin
ĐẠI BÀNG
7 năm
Cinebech r15 đạt 1.6k thì cũng = 2 em e5 2650 hoặc e5-2450 thôi, trong khi 2 em cpu này rẻ bèo
@maychuzin 2 em ấy rẻ nhưng main đi theo thì đắt,lại ăn lắm điện cần nguồn ngon và tiền điện thì,rồi cần 2 cái quạt tản nữa,tính ra chi 1 đống tiền
nếu kinh tế thì mua r7 1700,quạt tản ngon thì OC lên chút cho bằng 1800x là ngon

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019