Đánh giá Lenovo Ideapad 510-15IKB: thiết kế tốt, màn hình khá nhưng loa kém, cấu hình ổn, giá 13,6tr

bk9sw
2/4/2017 9:29Phản hồi: 51
Đánh giá Lenovo Ideapad 510-15IKB: thiết kế tốt, màn hình khá nhưng loa kém, cấu hình ổn, giá 13,6tr
Lenovo Ideapad 510-15IKB là chiếc laptop giải trí, thiết kế thời trang hướng đến nhiều đối tượng người dùng từ sinh viên đến văn phòng. Đây là phiên bản nâng cấp nhẹ của Ideapad 510-15ISK năm ngoái với một số thay đổi về ngoại thất, CPU thế hệ Kaby Lake, vẫn giữ lại GPU GeForce 940MX. Với cấu hình có GPU rời thì Ideapad 510-15IKB nằm cùng phân khúc với những cái tên như HP Pavilion 15, Acer Aspire E5 và ASUS Vivobook X556UQ. Mời anh em cùng xem qua:

Thiết kế:


Tinhte.vn_Lenovo_Ideapad_510-15IKB-1.jpg
Lenovo Ideapad 510-15IKB có thiết kế bên ngoài không khác nhiều so với phiên bản 15-ISK năm ngoái với vỏ được làm bằng nhựa, bề mặt được xử lý nhám mịn mang lại cảm giác giống như vỏ nhôm anodize. Màu sắc vỏ chúng ta có 2 lựa chọn là trắng ngà và đen, mình khuyên anh em nên chọn màu trắng bởi lớp vỏ này rất khó thấy dấu vân tay, bám bẩn cũng dễ lau chùi.

Tinhte.vn_Lenovo_Ideapad_510-15IKB-6.jpg
Trừ cạnh sau thiết kế cong do có chứa khớp bản lề tròn thì các cạnh còn lại đều được cắt thẳng và đẩy lùi vào trong.
Riêng cạnh trước lõm sâu, tạo khoảng trống để chúng ta đặt ngón tay vào mở máy lên.​

Tinhte.vn_Lenovo_Ideapad_510-15IKB-5.jpg
Trong phân khúc 15,6" thì Ideapad 510-15IKB có độ dày 2,6 cm và trọng lượng khoảng 2,2 kg. Trọng lượng này chưa phải là nhẹ nhất trong số những chiếc laptop 15,6" giải trí hiện tại nhưng nó đáp ứng được tính di động.


Độ dày của máy đủ không gian cho nhiều loại cổng kết nối kích thước tiêu chuẩn. Tại cạnh trái là cổng VGA, LAN, HDMI, USB 3.0, jack âm thanh 3,5 mm và khe đọc thẻ SD. Cạnh phải có thêm cổng USB 3.0, USB 2.0 và một khay gắn ổ cứng thay cho ổ quang. Trang bị các cổng kết nối trên Ideapad 510-15IKB không thay đổi gì so với phiên bản 15-ISK, chỉ có đổi vị trí cổng USB 2.0 sang bên phải và đáng tiếc là không có cổng USB-C nào. Trong khi đó cổng VGA cũ rích vẫn được giữ lại, nếu như Lenovo bỏ cổng này thì máy có thể mỏng hơn đáng kể.

Tinhte.vn_Lenovo_Ideapad_510-15IKB-4.jpg
Trên phiên bản 15-ISK năm ngoái thì chiếc máy này vẫn có ổ quang và phiên bản 15-IKB năm nay Lenovo đã cắt giảm, thay bằng một chiếc khay gắn ổ cứng. Chỉ cần tháo 1 con ốc dưới đáy máy là có thể kéo khay này ra, gắn thêm ổ cứng vào, như vậy hợp lý hơn nhiều so với việc trang bị ổ quang rồi khi muốn thay ổ cứng chúng ta phải mua thêm caddy bay.

Tinhte.vn_Lenovo_Ideapad_510-15IKB-18.jpg
Đáy máy cũng được làm bằng nhựa, bề mặt được xử lý dạng các vân đều nhau tạo độ bám tốt. Mặt đáy cũng được chia thành nhiều khoang với nắp đậy để chúng ta có thể thay thế các phần cứng cơ bản như RAM, ổ cứng. 2 loat cũng được đặt tại đáy máy, hướng về phía người dùng.

Nhìn chung mình khá hài lòng với thiết kế bên ngoài của Ideapad 510-15IKB, ở tầm giá này cùng với cấu hình giải trí thì chúng ta khó có thể đòi hỏi về một chiếc máy vỏ nhôm. Cách hoàn thiện của Ideapad 510-15IKB chắc chắn và không nhiều chi tiết thừa.

Màn hình và âm thanh:


Tinhte.vn_Lenovo_Ideapad_510-15IKB-14.jpg
Ideapad 510-15IKB được trang bị màn hình 15,6" dùng tầm nền của BOEhydis, bề mặt matte chống chói và độ phân giải FHD. Kiểu hoàn thiện màn hình vẫn theo phong cách truyền thống với viền khá dày, viền 2 bên khoảng 1,5 cm trong khi viền trên dưới rất dày, đến 2,5 cm. Viền trên tích hợp webcam HD cùng các mic có chức năng chống ồn.

Trước khi bàn tới chất lượng màn hình thì có một điểm mình chưa thích trên chiếc máy này đó là màn hình được đặt không cân với viền màn hình thành ra bên trái rất sát còn bên phải lại dư ra một khoảng đen khá khó chịu.

Tinhte.vn_Lenovo_Ideapad_510-15IKB-7.jpg
Tấm nền IPS của BOEhydis trên Ideapad 510-15IKB có mã NV156FHM-N42 và chất lượng khá tốt. Kiểm tra bằng Spyder4Elite, độ sáng tối đa của màn hình vào khoảng 240 nit - không quá cao nhưng đủ để sử dụng ngoài trời hay nguồn sáng trực tiếp.

Quảng cáo



Tinhte.vn_Lenovo_Ideapad_510-15IKB-8.jpg
Độ bao phủ màu sắc của tấm nền này chỉ trung bình với 49% AdobeRGB, 66% sRGB và 47% NTSC. Với độ bao phủ màu sắc hẹp thì màn hình của Ideapad 510-15IKB không phù hợp để bạn chỉnh sửa hình ảnh hay làm đồ họa. Sử dụng để giải trí vẫn tốt hơn cả, đặc biệt là phim ảnh hay game nhờ độ tương phản của màn hình khá cao, khoảng 700:1, black level 0,39 (lý tưởng là 0) ở độ sáng 100%.

Tinhte.vn_Lenovo_Ideapad_510-15IKB-9.jpg
Độ chính xác màu của màn hình khá tốt với các màu sắc từ dải Greyscale từ trắng đến đen nhưng với một số màu sắc như xanh dương, đỏ thì tỉ lệ sai màu rất lớn, màu xanh có tỉ lệ sai đến 6,43 và đỏ là 5,29 nên anh em sẽ thấy 2 màu sắc này trên màn hình của Ideapad 510-15IKB nhạt hơn hẳn so với màu sắc thực tế.

Tinhte.vn_Lenovo_Ideapad_510-15IKB-15.jpg
Với thiết kế bản lề linh hoạt, bạn có thể mở màn hình ra góc gần 180 độ nằm ngang với mặt bàn, cùng với góc nhìn rộng của tấm nền IPS, bạn có thể chia sẻ màn hình với nhiều người khi họp hành hay làm bài chung.

Tinhte.vn_Lenovo_Ideapad_510-15IKB-20.jpg
Về âm thanh, Ideapad 510-15IKB được trang bị 2 loa và được Lenovo quảng cáo là dùng công nghệ của Harman. Thực tế thì yếu tố Harman chỉ là một phần mềm tăng cường âm thanh được Lenovo cung cấp để chúng ta tùy chỉnh EQ, các chế độ nghe nhạc, xem phim, chơi game hay hội thoại. Khi tắt thì âm thanh đầu ra nhỏ hơn nhưng chất lượng âm thanh phản ánh thực tế hơn.

Sau khi kiểm tra thì 2 loa trên Ideapad 510-15IKB thiếu bass nặng, treble và mid khá hơn trong đó dải mid tốt nhất nếu bạn thường hội thoại hay xem phim trên chiếc máy này thì lời nói nghe rất rõ ràng nhưng dĩ nhiên trải nghiệm sẽ không thể trọn vẹn vì bass rất rất yếu.

Thêm vào đó, với thiết kế 2 loa đặt mặt dưới, âm lượng đầu ra tối đa sẽ to nhỏ tùy theo bề mặt mà bạn để máy. Nếu để trên mặt bàn phẳng, âm thanh đầu ra cộng hưởng cho độ lớn tối đa khoảng 70 dB nhưng nếu đặt trên những bề mặt mềm hoặc không đều thì âm lượng sẽ giảm đáng kể.

Quảng cáo



Bàn phím và bàn rê:

Tinhte.vn_Lenovo_Ideapad_510-15IKB-11.jpg
Lenovo Ideapad 510-15IKB được trang bị bàn phím full-size với layout được thay đổi đôi chút nhưng mình nghĩ rằng bạn chắc chắn sẽ mất thời gian làm quen bởi cụm phím điều hướng được đặt vào trong layout phím chính thay vì nằm riêng. Có lẽ Lenovo cố ý đưa cụm phím này vào nhằm giữ kích thước lớn cho các phím nhưng rốt cuộc mình rất dễ bấm nhầm các phím này bởi ngay cạnh phím mũi tên lên lại là phím Shift rất nhỏ. Vì vậy nếu bạn thường gõ bằng 10 ngón và thường dùng phím Shift phải thì Ideapad 510-15IKB không phải là chiếc máy dành cho bạn.

Tinhte.vn_Lenovo_Ideapad_510-15IKB-12.jpg
Là một chiếc laptop giải trí nên Ideapad 510-15IKB có thêm các phím đa phương tiện nằm trên khu vực phím số Numeric giúp bạn chỉnh nhanh khi xem phim, nghe nhạc. Như thường lệ thì hàng phím chức năng Function mặc định sẽ thực hiện các chức năng được Lenovo gán sẵn như tăng giảm âm lượng, tắt tiếng tắt mic …, nếu cần nhấn F1 hay F nào đó thì bạn phải dùng thêm tổ hợp Fn + F… Nếu không quen thì bạn có thể chỉnh lại trong BIOS.

Điểm mình thích trên bàn phím này là các phím chính đều có kích thước lớn, keycap được phủ một lớp cao su mỏng mang lại cảm giác tiếp xúc thích tay. Các ký tự trên keycap được khắc laser có đô sắc nét cao và đèn bàn phím backlit sáng đều nhưng đáng tiếc chỉ có 1 mức sáng.

Tinhte.vn_Lenovo_Ideapad_510-15IKB-10.jpg
Hành trình phím trung bình 1,5 mm nhưng độ nẩy của bàn phím không cao, cảm giác nhấn khá mềm. Key pitch rộng rãi 19 mm nên bàn tay có thể duỗi thoải mái và mình có thể gõ nhanh trên chiếc bàn phím này. Tuy nhiên, cảm giác gõ lại không tự tin lắm, khi gõ nhanh cảm giác sẽ hơi hụt.

Tinhte.vn_Lenovo_Ideapad_510-15IKB-13.jpg
Về bàn rê, Ideapad 510-15IKB được trang bị bàn rê có kích thước khá nhỏ, bề mặt bàn rê được phủ sần nhưng độ rít khá cao khiến cảm giác trượt ngón tay đi hơi sượn.

Bàn rê do Synaptics sản xuất nhưng tốc độ phản hồi chậm. Trong khi nhiều hãng sản xuất hiện tại đã bắt đầu trang bị bàn rê chuẩn Microsoft Precision Touchpad dùng driver native thì bàn rê này vẫn dùng driver riêng qua giao thức PS/2 đã cũ. Vì vậy khi thực hiện các thao tác đa điểm, chúng ta có thể thấy độ trễ cao. Thêm vào đó độ nhạy cũng không cao nên bạn khó có thể thực hiện các thao tác liên tục và bàn rê thường không nhận dạng được đủ các ngón tay, có khi nhầm 2 ngón có khi nhầm 3 ngón.

Tinhte.vn_Lenovo_Ideapad_510-15IKB-17.jpg
2 phím chuột rời rất khó bấm! Về thiết kế thì 2 phím này dù rời nhưng lại nằm trên cùng 1 miếng nhựa đàn hồi. Do miếng nhựa này khá cứng nên bạn cần phải tác động một lực lớn để nhấn xuống, bạn nhấn càng gần điểm giữa 2 phím chuột thì lực càng nhiều. Thêm vào đó âm thanh cạch cạch phát ra khá to, gây ồn ào nếu sử dụng trong không gian kín.

Cấu hình và khả năng nâng cấp:


Ideapad 510-15IKB được trang bị cấu hình khá tốt trong tầm giá 14 triệu đồng với vi xử lý Core i5 dòng U, thế hệ Kaby Lake và đặc biệt là vi xử lý đồ họa GeForce 940MX vẫn đủ để chơi được nhiều tựa game online. Máy có RAM 8 GB với 4 GB được bắn chết trên bo và 1 thanh RAM Samsung 4 GB. Điều đáng tiếc là chiếc máy vẫn dùng ổ cứng cơ tốc độ thấp. Chi tiết như sau:
  • CPU: Intel Core i5-7200U (Kaby Lake), 2 nhân 4 luồng, tốc độ 2,5 - 3,1 GHz, 3 MB Cache, TDP 15 W;
  • Chipset: Intel
  • GPU: Intel HD Graphics 620 + Nvidia GeForce 940MX (Maxwell), 384 nhân CUDA, xung nhịp 1122 - 1242 MHz, 2 GB DDR3 64-bit;
  • RAM: 8 GB dual-channel, 4 GB module DDR4-2133 bắn trên bo và 4 GB Samsung DDR4-2400 (chạy ở 2133 MHz);
  • Ổ cứng: Western Digital Blue 1 TB 5400 rpm;
  • Wi-Fi: Intel Dual Band Wireless-AC 3165 + Bluetooth 4.1;
  • Pin: Li-ion 30 Wh;
  • OS: FreeDOS.
Core i5-7200U là phiên bản thay thế cho Core i5-6200U (Skylake) với những cải tiến về kiến trúc, tăng thêm 200 MHz ở xung nhịp cơ bản và 300 MHz ở Turbo Boost. Còn lại thì đây vẫn là 2 phiên bản CPU dòng U tiết kiệm điện với 2 nhân 4 luồng, TDP 15 W.

Riêng về GPU thì GeForce 940MX thì đây là phiên bản nâng cấp của 940M, thế hệ Maxwell. Tương tự GTX 950M, 940MX cũng có 2 phiên bản với 2 thiết lập bộ nhớ và xung nhịp khác nhau. Phiên bản dùng bộ nhớ GDDR5 tốc độ cao thì có xung nhịp GPU từ 954 đến 993 MHz, trong khi đó phiên bản dùng bộ nhớ DDR3 chậm hơn lại có xung nhịp GPU cao hơn từ 1122 đến 1242 MHz. Dung lượng bộ nhớ đồ họa có thể là 2 GB hoặc 4 GB nhưng đa phần là 2 GB. Trên Ideapad 510-15IKB, Lenovo trang bị phiên bản 940MX dùng chipset GM108M với 384 nhân CUDA, bộ nhớ 2 GB DDR3.

Chiếc máy này mình không được phép tháo ra nhưng dựa trên tài liệu hướng dẫn bảo trì của Lenovo và hình ảnh tháo máy từ laptopmedia thì chúng ta có thể thấy cụ thể hơn bộ lòng của Ideapad 510-15IKB dưới đây:

RAM.jpg RAM hàn chết.jpg
Ảnh: Laptopmedia.

Ideapad 510-15IKB chỉ có 1 khe SO-DIMM, đã được gắn sẵn 1 thanh 4 GB kèm với mô-đun 4 GB bắn ngay trên bo mạch nên bạn có thể nâng cấp tối đa cho máy 12 GB RAM.

Tinhte.vn_Lenovo_Ideapad_510-15IKB-19.jpg
Ổ quang đã được Lenovo thay bằng một khay gắn ổ 2,5" như đã nói, chỉ cần tháo 1 con ốc là có thể rút ra gắn thêm ổ cứng mà không cần tháo bung cả đáy máy.

Bo mạch chủ.jpg
Ảnh: Laptopmedia.
Đây là bo mạch chủ của Ideapad 510-15IKB, khá nhỏ với chỉ 1 ống đồng tản nhiệt cho cả 2 thành phần CPU và GPU là một ống đồng, CPU nằm ở đoạn cuối ống đồng, gần khe RAM còn GPU 940MX nằm dưới miếng shield màu bạc và nhiệt được dẫn ra các lá tản nhiệt và được khuếch tán ra ngoài bằng 1 quạt.

Hiệu năng:



So sánh Ideapad 510-15IKB với 3 mẫu máy có cấu hình tương đương, bài test Cinebench R15 cho thấy sự cải tiến về hiệu năng đáng kể giữa Core i5-7200U với thế hệ Core i5-6200U và thậm chí là ngang ngửa với Core i7-6500U. Xung cơ bản và xung Boost đều cao hơn, lý giải cho sự vượt trội về điểm số xử lý đơn nhân và đa nhân giữa 2 thế hệ Core i5. So với Core i7-6500U thì xung nhịp của Core i5-7200U tương đương, chỉ thua kém về dung lượng L3 cache.


Trên Ideapad 510-15IKB, Core i5-7200U có thể dễ dàng đạt tốc độ tối đa 3,1 GHz trong tất cả các bài test. Thử nghiệm với PCMark 8, hiệu năng của Ideapad 510-15IKB khá tốt với điểm số tương đương với các mẫu máy được so sánh. Tuy nhiên, điểm bất lợi của Ideapad 510-15IKB vẫn là ổ cứng tốc độ chậm.

CrystalDisk Mark.PNG
CrystalDisk Mark cho thấy tốc độ của chiếc ổ WD Blue 1 TB 5400 rpm trên Ideapad 510-15IKB chỉ đạt khoảng 77 MB/s (đọc tuần tự), 86 MB/s (ghi tuần tự), riêng tốc độ truy xuất 4K Q32T1 chỉ vào khoảng 0,9 MB/s trong khi 2 mẫu máy của Acer và ASUS đều dùng ổ SSD tốc độ cao hơn, chiếc ổ WD trên MSI CX62 cũng đạt tốc độ đọc/ghi tuần tự khoảng 113 MB/s và tốc độ truy xuất 4K Q32T1 khoảng 1,2 MB/s. Trải nghiệm thực tế cho thấy chiếc ổ cứng này thật sự rất chậm khiến các thao tác trên hệ thống đều chậm theo, hiện tượng Full Disk cũng thường xuyên xảy ra.


Về hiệu năng đồ họa, phiên bản GeForce 940MX trên Ideapad 510-15IKB mặc dù có xung nhịp cao nhưng RAM DDR3 tốc độ thấp. Thành ra so với phiên bản 940MX trên Acer Aspire E5 với RAM GDDR5 thì sức mạnh đồ họa chênh lệch đáng kể. Đây cũng là điều mình muốn lưu ý anh em khi mua laptop có card rời, 940MX hay GTX 950M cũng tương tự như vậy, nên ưu tiên bộ nhớ tốc độ cao thay vì bộ nhớ dung lượng cao nhưng tốc độ thấp.

ASUS Vivobook X556UQ hay MSI CX62 dùng cùng phiên bản 940MX 2 GB DDR3 nên hiệu năng rất tương đồng. Ngoài ra mình còn so sánh thêm với 2 mẫu máy dùng GPU tích hợp để anh em dễ hình dung về hiệu năng.

Dĩ nhiên hiệu năng chơi game của 940MX không thể so bì với dòng card GTX, bạn khó có thể chơi những tựa game AAA ở độ phân giải FHD dù ở thiết lập thấp nhất bởi tỉ lệ khung hình đều rất thấp, khó có thể đạt được khung hình 30 fps. Với những tựa game online như LoL thì bạn có thể chơi ở thiết lập tối đa.

Tổng thể hiệu năng cho thấy Ideapad 510-15IKB có hiệu năng khá nhưng để bạn cần phải nâng cấp ổ SSD để có được trải nghiệm tốt hơn. Nếu xét về tính sẵn sàng để dùng ngay thì mình không đánh giá cao Ideapad 510-15IKB.

Pin và nhiệt:


Tinhte.vn_Lenovo_Ideapad_510-15IKB-16.jpg
Với 1 quạt tản nhiệt, Ideapad 510-15IKB cùng cấu hình này vẫn vận hành khá mát mẻ. CPU khi stress test bằng Furmark lên mức xung nhịp xấp xỉ tối đa 3,1 GHz thì nhiệt độ tối đa 75 độ C và khi nghỉ chỉ vào khoảng 35 độ C. GPU GeForce 940MX khi stress test với thiết lập độ phân giải FHD, khử răng cưa 8x MSAA cho chạy trong 15 phút, GPU đạt xung nhịp tối đa 1175 MHz thì nhiệt độ cao nhất đo được là 67 độ C. Mức nhiệt độ này khá tốt với hệ thống tản nhiệt 1 ống đồng 1 quạt như Ideapad 510-15IKB.

Chạy cả buổi chiều với nhiều bài test benchmark nhưng nhiệt độ bề mặt của Ideapad 510-15IKB cũng khá mát. Điểm nóng nhất đo được vào khoảng 39 độ C ở khu vực phím trái và giữa bàn phím, trong khi đó khu vực chiếu nghỉ tay trái chỉ ấm ấm khoảng 37 độ C do ngay bên dưới là ổ cứng cơ, các khu vực còn lại đều rất mát với mức nhiệt độ bề mặt từ 32 đến 35 độ C.

Về pin, thỏi pin 39 Wh mang lại thời lượng sử dụng không cao như kỳ vọng của mình về một chiếc laptop dùng chip U.
  • Thử nghiệm xem phim FHD trực tuyến với độ sáng màn hình 100%, âm lượng 100% thì thời lượng xem liên tục đạt khoảng 2 tiếng 45 phút;
  • PCMark 8 Home chạy ở độ sáng màn hình 100% thì thời lượng pin đạt 3 tiếng 1 phút;
  • Làm việc văn phòng với OneNote, mở không quá 5 Tab trình duyệt Edge, độ sáng màn hình 75% thì thời lượng pin cũng chỉ đạt 4 tiếng 8 phút.

Kết luận:


Tinhte.vn_Lenovo_Ideapad_510-15IKB-3.jpg
Ideapad 510-15IKB là một chiếc máy khá tốt trong tầm giá 13,6 triệu đồng. Chiếc máy sở hữu thiết kế khá tốt, chắc chắn dù chất liệu toàn nhựa. Màn hình của Ideapad 510-15IKB có chất lượng khá, phù hợp để giải trí với phim ảnh nhưng vẫn hơi thiếu một chút về độ sáng. Loa thì chỉ tạm tạm, đủ nghe và đây cũng là điểm Lenovo cần nâng cấp, mang tiếng Audio by Harman nhưng chỉ mang yếu tố quảng cáo.

Cấu hình của Ideapad 510-15IKB khá tốt trong tầm giá này nhưng nó vẫn chưa cân đối. Mình không phàn nàn về CPU nhưng GPU nên là phiên bản 940MX dùng bộ nhớ GDDR5 thay vì DDR3, RAM thì đủ dùng với 8 GB DDR4 chạy kênh đôi nhưng ổ cứng lại quá chậm. Lenovo nên trang bị sẵn ổ SSD 2,5" hoặc khuyến mãi và hỗ trợ nâng cấp cho người dùng. Thêm nữa là Ideapad 510-15IKB vẫn thiếu đi cổng USB-C, nên theo xu thế để tạo điều kiện cho người dùng khai thác các phụ kiện dùng cổng này.

Điểm mình thích:
  • Thiết kế tốt, chắc chắn, trọng lượng vừa phải dễ đem theo;
  • Màn hình khá tốt, góc nhìn rộng, tương phản cao, phù hợp để giải trí với phim ảnh;
  • Bàn phím khá tốt;
  • Cấu hình tốt trong tầm giá;
  • Dễ nâng cấp;
  • Giá hợp lý.

Điểm mình chưa thích:
  • Loa quá thiếu bass, chưa xứng với laptop giải trí;
  • Bàn rê nhỏ, độ nhạy không cao, phím chuột cứng;
  • Ổ cứng cơ quá chậm, nên trang bị SSD;
  • Thời lượng pin trung bình;
  • Không có bản quyền Windows đi kèm.
51 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Thực ra để có một con máy ngon hợp lý với tầm giá thì thường là không thể... Với con giá là 100% thì cấu hình chỉ đạt tầm 78-85% tương đương thôi, nên không có gì là lạ khi ổ chậm và GPU DDR3
Viền màn hình dày lộm cộm xấu chưa từng thấy
@sonnguyenpro Dòng IdeaPad trước h viền màn hình không mỏng đâu bác, Lenovo có dòng viền màn hình mỏng là Yoga. 😁
Trên thị trường giá này với cấu hình này là quá ổn r, độ bền ntn mới là vấn đề
Đĩa này vô W10 bao 100% disk
Không thể tin nổi . Thanh tản nhiệt của CPU vs VGA chung quần đùi thế kia thì chạy đc 1h chắc phải 100 độ . Giảm biên chế cái gì ko giảm lại giảm đi mất toi ống tản nhiệt . Chắc chỉ coi phim lướt facebook chém gió may ra đc
duyoggy
ĐẠI BÀNG
7 năm
tầm giá này máy mới khá là khó chọn, các hãng thường đội cấu hình lên nhưng thực tế thì khá kém, được dell cấu hình trung thực hơn nhưng nhìn trong tầm giá này máy cù lần quá. Hôm trc e mua hộ con lenovo yoga 510-14, đi mua nhân viên quảng cáo tâng bốc vcl, pin 8 tiếng rồi màn touch các kiểu, mang về dùng disk full 100% thường ngày, pin 3 tiếng, mù mắt vì cái đẹp mà
codered
ĐẠI BÀNG
7 năm
@duyoggy Đang dùng con t460s cùi, pin mở máy lên thì ghi 8h, xài dc chừng 3-4h là hết cmn pin rồi =.=, chắc do dùng win nên nó hao pin, con macbook pro ở nhà dùng từ sáng đến tối cùng tác vụ thì vẫn còn 20-30% pin, dc cái loa của con t460s nghe ngon hơn con mac 😔
duyoggy
ĐẠI BÀNG
7 năm
@codered
Dòng yoga chỉ để ngắm thôi, có cả mác harman kardon mà loa có ra gì đâu. Nhà mình cũng có con t460p, con đó có cái touchpad k thể chấp nhận được
codered
ĐẠI BÀNG
7 năm
@duyoggy Cái Track Point mới chuối chứ nhỉ 😔
duyoggy
ĐẠI BÀNG
7 năm
@codered
Trưa dùng cái touch point thì có cho đẹp, nhưng cái touch pad thì không có càng đỡ vướng, ấn 1 điểm mà nó lún nguyên luôn cái bàn rê xuống
cấu hình chả có gì đặc sắc tầm này chọn lenovo thinkpad E là ngon
@The Purge Mình nhớ ko nhầm con asus bạn nói thì là 16tr và nó ko có card rời nên cấu hình kém hơn con lenovo này.
@binhminhhp91 M đặt trên adayroi 14 tr (nguyên giá 14tr3 có thẻ VinID nó tích điểm thêm nữa xuống 14) thêm cái RAM 4GB, SSD 128GB vào đúng bằng 16 bán ngoài shop chưa thêm j, cũng đều là hàng chính hãng bảo hành 24 tháng, bản card rời thêm 1 củ nữa (15 củ), mà con này vs UX410 thua mỗi RAM 4 vs RAM 8 còn lại cấu hình như nhau, nhưng con UX410 ăn ở thiết kế mỏng nhẹ (1,4 kg, 18mm) viền màn hình mỏng, max phê chỉ thua XPS 13, cùng màn IPS nhưng UX410 đẹp hơn nhiều 95% sRGB và 73% Adobe RGB, lại có cổng Type C nữa
@The Purge Mình cũng thắc mắc vì thấy bạn bảo 14tr. Trước mình lăn tăn 2 em này nhưng vì ko có card rời nên chọn con lenovo r.
@binhminhhp91 m thì m thấy con 940MX nó chỉ mạnh hơn HD 620 có 20%-30% lại dùng kiến trúc cũ Maxwell hao điện hơn nên mua bản card on là đủ, vừa mát vừa pin trâu, tiền đấy để nâng SSD và RAM thì ngon hơn, h đang nhu cầu công việc nhiều, khi nào có tiền thì chơi hẳn laptop gaming chip i7 HQ, GTX x50 trở lên mới xứng là card rời 😆
nhìn dàn mủ thôi là thấy mất cảm tình r,sau 1 năm nó ọp ẹp, có điều kiện thì mua dòng T thinhkpad hay hơn
Hoan kp
ĐẠI BÀNG
7 năm
e ko đánh giá cao lenovo lắm 😆)) cả thiết kế lẫn hiệu năng, nhưng không liên quan bác nào có cái ảnh nền trong máy cho e xin cái ạ! e cảm ơn! :v
ThThLam
TÍCH CỰC
7 năm
@Hoan kp Link ảnh nền cho bác nè.
Tùy sở thích và màn hình của bác mà chọn cho phù hợp. Chúc bác vui.

Col/gate: Không biết Lenovo này có tặng kèm gì không nhỉ. @_@
Hoan kp
ĐẠI BÀNG
7 năm
@ThThLam Merci bác :v Chúc bác ngày vui!
Giá cao quá
gacon2009
ĐẠI BÀNG
7 năm
Nếu core i7 thì giá báo nhiêu vậy mọi người
Cpu i7+GPU 1080 mà gặp phải ổ cứng này cũng chết trôi theo hết
nathai
TÍCH CỰC
7 năm
Khay gắn ổ cứng cắm vào có dùng luôn được không các bác?
14tr với con máy cấu hình như thế này là good rồi
tethien
CAO CẤP
7 năm
Thời buổi nào vẫn còn cái ổ quang vô tích sự. Chỉ tổ nặng máy.
Bỏ qua.
nathai
TÍCH CỰC
7 năm
@tethien Bạn có đọc bài chưa vậy?
tethien
CAO CẤP
7 năm
@nathai Quan trọng là nó không thay đổi thiết kế. Thiết kế gắn ổ quang nên dày và nặng.
Có hay không cái ổ quang trong cái khay đó cũng thế thôi.
@tethien Thiệt, cái laptop mua 7 năm trời rồi mà chưa 1 lần gắn cái đĩa nào vào. Để chiếm diện tích mà ko được tích sự gì.
@tethien Tay nhanh hơn não 😆
KLQ: bác nào cho em hỏi phát, em đang xài ổ HDD nhưng giờ muốn chuyển qua SSD mà không muốn cài lại Windows và Apps thì phải làm như nào nhỉ?
tethien
CAO CẤP
7 năm
@#JK Dùng tools copy nguyên cái HDD sang cũng được.
Nhưng cài lại đi cho nó nhẹ máy bạn ạ.
Thật đấy.
@tethien tại máy để đi làm, cài lại là phải cài 1 đống ứng dụng mệt lắm 😔
tethien
CAO CẤP
7 năm
@#JK Vậy thì bạn có thể dùng tools để clone cái HDD cũ sang SSD là được.
@tethien Bác biết tool nào tốt dùng ko lỗi chỉ giúp em với 😁
pkdiep
ĐẠI BÀNG
7 năm
Mod có thể làm bài đánh giá về Lenovo ideapad 710s được không ạ
14tr con cấu hình vầy là ngon rồi

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019