Chức năng của nhiếp ảnh: Chỉ tái hiện thế giới hữu hình hay là diễn tả ý tưởng trừu tượng

tuanlionsg
22/5/2017 8:51Phản hồi: 3
Chức năng của nhiếp ảnh: Chỉ tái hiện thế giới hữu hình hay là diễn tả ý tưởng trừu tượng
Để mở đầu, chúng ta hãy xem hai tác phẩm dưới đây. Thứ nhất là tác phẩm điêu khắc có tên là Supply & Demand (Cung & Cầu), 1972 – tác giả Carl Cheng; thứ hai là tác phẩm nhiếp ảnh có tên Rheine II (sông Shin) – tác giả Andreas Gursky. Nhìn vào tác phẩm điêu khắc của Carl Cheng – nổi tiếng và được giới điêu khắc đánh giá rất cao – nhiều người sẽ chẳng thấy có gì hấp dẫn và nhận được rất nhiều chê bai trên mạng, kiểu như: "Chả thấy gì là nghệ thuật!", "Có gì hay đâu?", "Chả ra gì, nhìn chán quá!", "Vô hồn chả có gì đẹp!"... và rất nhiều ý kiến: "Vậy thì tôi cũng làm được!" ... Đến bức ảnh Rheine II, những bình luận trên cũng xuất hiện ngay khi liên tưởng đến chuyện nó được bán đấu giá với số tiền lên đến 4,3 triệu đô-la và trở thành một trong những bức ảnh đắt giá nhất được bán tại năm 2011 trong cuộc đấu giá ở NewYork.

Tại sao rất nhiều người vẫn chưa đón nhận một kiểu nghệ thuật trừu tượng mà trong giới hay gọi là nghệ thuật đương đại?

photography _ camera.tinhte.vn_-7.jpg
Supply & Demand, 1972, tác giả Carl Cheng

photography _ camera.tinhte.vn_-8.jpg
Rheine II , 1999, tác giả Andreas Gursky
Lý do tại sao bức ảnh có giá 4.3 triệu đô-la? Mời tham khảo link:

Về hiện tượng, chẳng có gì là khó hiểu khi đại bộ phận giới phổ thông có thể không đánh giá cao các tác phẩm nghệ thuật đương đại. Chúng ta cũng nên chân nhận rằng những người chụp ảnh, vốn rất sáng tạo theo cách riêng của bản thân họ, đánh giá cao nghệ thuật và tính sáng tạo của họ dưới nhiều hình thức khác nhau, khoan hãy gạt bỏ một cách vội vã và thẳng thừng. Thay vì cởi mở với nghệ thuật đương đại nhiều hơn, thì những người không làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật, những người được cho hoặc tự cho là biết chụp ảnh lại có khuynh hướng coi thường nó.

Nhiều người khác thì luôn giữ thái độ thinh lặng khi nghe những người chụp ảnh chế nhạo những tác phẩm tương tự. Đôi khi đó là những tác phẩm đã được nhìn nhận giá trị nhất định, nhưng chỉ vì nó không đáp ứng đúng khuôn khổ định kiến về một thứ "nghệ thuật đúng nghĩa" nào đó.

Nhưng, "đâu phải chỉ vì những người không hiểu nó, để rồi nó là một tác phẩm tồi!"

Nên, chúng ta thử tìm hiểu xem sao.

photography _ camera.tinhte.vn_-6.jpg
Hai đồ cổ - Two Fossils, 2017 John Raymond Mireles


Về khái niệm "nghệ thuật đương đại"


Chúng ta từng nghe và còn sẽ nghe nhiều người nói về cụm từ này. Người ta thường dùng trục thời gian để định vị đâu là những tác phẩm thuộc "nghệ thuật hiện đại" (modern art). Tức là họ coi nghệ thuật phi truyền thống hoặc đi tiên phong hiện nay, kể cả trong thế kỷ trước, là "nghệ thuật hiện đại". Thế nhưng, phân khúc này chỉ áp dụng cho một giai đoạn và phong cách tác phẩm từ tiền bán TK.20. Do vậy, chúng ta đã và đang nhìn thấy những phong cách nghệ thuật khác nhau – từ biểu cảm trừu tượng cho đến tối giản (minimalism) và nghệ thuật dân gian – nổi bật lên chỉ trong các giai đoạn ngắn. Đang có vô số những phong cách và thể loại tác phẩm không có định danh nghệ thuật nào được gán cho các tác phẩm trong vòng 30 năm nay. Danh xưng "hậu hiện đại" lại được dùng mô tả các tác phẩm ra đời gần đây nhất, nhưng cũng chỉ để nói đến một trào lưu chung chung, hơn là một phong cách trực quan cụ thể.

Quảng cáo


Trong khi đó, những tác phẩm đang được nhìn nhận bởi thế giới nghệ thuật như là “Nghệ Thuật”, nói chung, đều được dùng để ám chỉ đến nghệ thuật đương đại (contemporary art) – trong đó bao hàm hội họa trừu tượng, một số tác phẩm nhiếp ảnh, nghệ thuật trình diễn, nghệ thuật ý tưởng, nghệ thuật dàn dựng, v.v… Những tác phẩm có tính chất truyền thống hơn, như tranh vẽ phong cảnh, tượng đúc đồng và tranh vẽ trên bụi bẩn như trên kính xe, tuy có thể được thực hiện bởi các nghệ sĩ mà hiện nay vẫn đang sáng tác, nhưng lại không được xem là nghệ thuật đương đại.

Từ đây, chúng ta sẽ sử dụng cụm từ “nghệ thuật đương đại” (contemporary art), thay vì “nghệ thuật hiện đại” (modern art) để chỉ về những hình thức nghệ thuật phi truyền thống đang đươc bàn đến.

Quay lại bức ảnh của sông Rheine II: "Được Gursky chụp năm 1999, bức ảnh rộng hơn 3m và cao 2m, nó cuốn người xem vào vẻ đẹp của khung cảnh, một sự phản ánh ấn tượng và sâu sắc về sự tồn tại của con người và mối quan hệ với vạn vật thiên nhiên trong thế kỷ 21” – Hãng đấu giá Christie’s tuyên bố. Mỗi khi chụp một bức ảnh nào đó, Gursky thường bày tỏ quan điểm rất rõ ràng. Với bức ảnh Rhein II, ông chụp con sông Rhine nổi tiếng ở Đức chảy qua 6 nước châu Âu và thành phố quê hương Dusseldorf của mình. “Đối với tôi, không gian rất quan trọng, nhưng phải được thể hiện theo cách trừu tượng. Tôi nghĩ, chúng ta không chỉ nên biết mình đang sống trong một tòa nhà nhất định hoặc một nơi chốn nhất định, mà phải nhận thức được rằng, chúng ta đang sống trong một hành tinh đang vận chuyển với tốc độ chóng mặt” – Gursky giải thích về bức ảnh của mình.

Đôi dòng về lịch sử nghệ thuật

Nếu là một người chụp ảnh và đang thắc mắc tại sao bức ảnh trên đây lại có thể đắt tiền đến thế, thì điều quan trọng là hãy biết đôi chút về lịch sử trước đã. Lui lại gần 200 năm trước, khi nhiếp ảnh chưa xuất hiện như một phương tiện truyền đạt, thì hội họa được dùng như phương pháp hàng đầu dành cho việc truyền thông trực quan. Nếu muốn chia sẻ một câu chuyện bằng hình ảnh, bạn sẽ phải vẽ nó ra. Tuy nhiên, khi nhiếp ảnh xuất hiện, hội họa bắt đầu trải qua một khủng hoảng về căn tính (cái làm nên nó là nó), do nhiếp ảnh phù hợp và chính xác hơn trong việc thể hiện thế giới không gian ba chiều trên mặt phẳng hai chiều.

Đồng thời, nhiếp ảnh cố gắng tự xác lập như một hình thức nghệ thuật. Xét thấy nghệ thuật đã bị thống trị bởi hội họa, những người chụp ảnh bắt đầu tìm cách làm cho các bức ảnh mình chụp trở nên giống các bức tranh hơn. Từ nỗ lực cố gắng đó, phong cách "ảnh tựa tranh" (pictorialism) được khai sinh. Những bức ảnh lờ mờ, huyền ảo thường thiếu đi chi tiết rõ nét, đã trở thành phong cách thịnh hành vào cuối TK.18.

Quảng cáo


photography _ camera.tinhte.vn_-9.jpg

Từ mong muốn đó, đã có những người chụp ảnh đột nhập vào lĩnh vực của những họa sĩ và đến lượt những họa sĩ bắt đầu hoài nghi về tính xác đáng trong phong cách truyền đạt của chính họ - đến mức họa sĩ người Pháp, Paul Delaroche, đã có câu tuyên bố lừng danh: "La peinture est morte, à dater de ce jour!" - Từ hôm nay, hội họa đã chết. Nghệ thuật, như các họa sĩ từng biết đến, đang gặp vấn đề và bị vây hãm – “photography has killed painting" – nhiếp ảnh đã giết chết hội hoạ.

Tại sao như thế?

Nguyên tắc hướng đích của một hữu thể hay một sự vật. Câu trả lời dành cho tình trạng không may đó xuất phát từ hình thức chủ nghĩa Hiện Đại: “hình thức xuất phát từ chức năng”. Áp dụng nguyên tắc ấy cho nhiếp ảnh: Luận cứ được đưa ra là nhiếp ảnh có thể làm tốt hơn, đạt mục đích tốt hơn bất cứ phương tiện truyền đạt nào khác việc tái hiện lại một cách hiệu quả thế giới hữu hình trên một mặt phẳng bẹt.

Nếu đúng "việc tái hiện lại một cách hiệu quả thế giới hữu hình trên một mặt phẳng bẹt" là chức năng (function) của nhiếp ảnh thì – theo suy nghĩ của người chuộng chủ nghĩa hiện đại – hình thức (form) của nhiếp ảnh phải bao gồm những bức ảnh hoàn toàn sử dụng các tính năng kỹ thuật của máy ảnh và phương tiện bắt dính để truyền đạt lại một cách trung thực thông tin tối đa về một cảnh trí được ghi lại.

Điển hình về người chụp ảnh theo chủ nghĩa hiện đại có lẽ là một người mà bạn không bao giờ cho là chạy theo trào lưu: nhiếp ảnh gia phong cảnh mẫu mực Ansel Adams. Adams đã tạo ra những bức ảnh nổi tiếng sắc nét từ trước ra sau, đã phát triển một hệ thống, đã và đang được sử dụng, để làm nổi rõ từng thông tin nhỏ nhất qua các phim âm bản của ông (Zone System), đã lên bố cục một cách chính xác cho các bức ảnh và tạo ra những bức ảnh rõ nét một cách chính xác nhất mọi thời đại. Đến hôm nay, hầu như tất cả những người chụp ảnh đều chấp nhận những đột phá mang tính hiện đại đã được minh họa trước bởi Ansel Adams và nhiều người khác nữa, từ Richard Avedon cho đến Sabastio Salgado, là những người đã theo gót ông.

Nếu là một người chụp ảnh, thì chắc chắn bạn cũng nằm trong số đó. Có nhận ra như vậy hay không, bạn cũng vẫn cứ là một người đang đi theo chủ nghĩa hiện đại!

photography _ camera.tinhte.vn_-10.jpg

Trở lại với thế giới hội họa, khái niệm về “hình thức xuất phát từ chức năng” lại đưa các họa sĩ đi theo một hướng hoàn toàn khác. Nếu chức năng của hội họa không còn là sự tái tạo hiện thực thế giới trực quan nữa – giờ đã là công việc của nhiếp ảnh – thì nó được tự do đi theo những cách thể hiện phi hiện thực về thời gian, không gian và cả hình thức.

Chẳng hạn, thay vì có một bối cảnh không gian, thì có nhiều bối cảnh không gian (hoặc, thậm chí không có bối cảnh không gian nào) có thể được đưa vào trong một bức tranh. Hãy nghĩ đến bức vẽ "Les Demoiselles d’Avignon" (Quí Cô Avignon ) của danh họa Picasso, trong đó những cô gái khỏa thân không chiếm một không gian rõ ràng nào, hoặc bức "Nude Descending a Staircase" (Khỏa thân xuống lầu) của Duchamp, mô tả một nhân vật trừu tượng dựa trên vô số điểm màu lần lượt từ trên xuống.


Nhiếp ảnh theo chủ nghĩa hiện thực đang ở đâu?

Như vậy, cả hai phương tiện biểu đạt đều cùng theo đuổi chủ nghĩa Hiện Đại, nhưng với kết quả khác nhau: Nhiếp ảnh nhiệt tình đi theo chủ nghĩa hiện thực trong khi hội họa từ bỏ để đi theo những ý tưởng trừu tượng. Đã hiểu được sự khác nhau về mục đích như thế, thì thật dễ cho chúng ta thấy được những người chụp ảnh, một khi đã đi sâu vào truyền thống Hiện Đại trong cách tái tạo thực tại, có thể nhận thấy khó mà chấp nhận những tác phẩm hoàn toàn không phản ảnh được thực tại ấy như thế nào. Thật không may, đối với những người chụp ảnh, câu chuyện đâm ra càng lúc càng hấp dẫn ly kỳ...

Trong lúc chủ nghĩa Hiện Đại vẫn nắm quyền chi phối trong thế giới nhiếp ảnh chuyên nghiệp và đầy đam mê, thì nó hoàn toàn bị bỏ rơi bởi các nhiếp ảnh gia nghệ thuật dùng nó như một phương tiện biểu đạt.

Thay vì những bố cục độc đáo và ánh sáng vào những giờ vàng, thì các nhiếp ảnh gia nghệ thuật lại thường chấp nhận một góc nhìn đơn điệu và khách quan đối với tất cả những bố cục của họ. Một bức ảnh chụp thẳng một vật thể tầm thường dưới một ánh sáng thông thường là một ‘mô-tip’ phổ biến trong nhiếp ảnh nghệ thuật. Cái mà thế giới nghệ thuật coi là “nghệ thuật”, thì những người chụp ảnh lại cho là tẻ nhạt.

photography _ camera.tinhte.vn_-2.jpg

Kiểu thẩm mỹ đơn giản và trần trụi như đã nói đó, thường được gán cho tên gọi là “phong cách vô cảm”, cũng đã thâm nhập vào ảnh chân dung. Hãy so sánh bức ảnh chân dung do Alec Soth chụp dưới đây, một kiểu nghệ thuật mô tả thực tại được ưa chuộng trên thế giới, với một bức chân dung khác được chụp cách điệu hơn do Mark Seliger thực hiện.

photography _ camera.tinhte.vn_.jpg

Bức ảnh dưới đây do Mark Seliger thực hiện, sự thủ thuật dàn dựng (trang phục và đạo cụ), ánh sáng nền mượt mà, biểu cảm, và vẻ đẹp thân thể của chủ thể – những yếu tố quan trọng đối với một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp – đều không thể chấp nhận được đối với thẩm mỹ trong nghệ thuật đương đại.

photography _ camera.tinhte.vn_-13.jpg

Các nhiếp ảnh gia nghệ thuật thậm chí còn không cần phải tạo ra những bức ảnh từ những gì tuy quan trọng nhưng không nghệ thuật cho lắm, mà từ trào lưu ý tưởng nào đó hàm ẩn đằng sau. Chẳng hạn, bức ảnh dưới đây của Richard Prince, trên thực tế, là một bức ảnh ông chụp một bảng quảng cáo của hãng thuốc lá Marlboro từ thập niên 1970. Được chụp từ bối cảnh nguyên thủy của nó, hiện nay bức ảnh là một “Kiểu phân chiết (xem cứ xem và hiểu thì muốn hiểu sao thì hiểu) về một nguyên mẫu Mỹ. Bức ảnh của Prince là một bản sao (một bức ảnh) của một bản sao (quảng cáo) về một huyền thoại (chàng cao bồi)”. Việc sao chép ý tưởng đã mang về 3,4 triệu đô-la trong cuộc đấu giá ấy, khiến cho các nhiếp ảnh gia hoàn toàn chẳng ưa gì thể loại nhiếp ảnh nghệ thuật đương thời.

photography _ camera.tinhte.vn_-4.jpg

Về cơ bản, thế giới nghệ thuật đương đại đang nói với những người chụp ảnh, rằng: “Tất cả những thứ mà quí vị quan tâm hay đang tìm hiểu: nào là làm chủ kỹ thuật, nào là bố cục với sáng tạo và thậm chí tính chất độc đáo của nội dung, tất cả đều không còn quan trọng nữa.” Ái chà!

Hẳn là không khó để nói rằng tất cả những gì quan trọng chính là ý tưởng hoặc cảm xúc được gợi lên – có thể vậy mà cũng không phải vậy. Thay vào đó, cái quan trọng đối với những người bảo vệ thế giới nghệ thuật đương đại (những nhà quản lý một tổ chức ảnh, giám đốc phòng trưng bày và những nhà phê bình) là cách mà tác phẩm và ý tưởng đằng sau tác phẩm gợi lên những tín hiệu trong lĩnh vực văn hóa, triết học và các tác phẩm nghệ thuật khác, ở hiện tại cũng như trong quá khứ. Và, vâng, nếu tác phẩm được sáng tác một cách khéo léo (hoặc bởi một người nổi tiếng), thì càng tốt.

Nhiếp ảnh & nghệ thuật đương đại


Mối tương quan giữa nhiếp ảnh và nghê thuật đương đại vẫn ngày càng khó khăn hơn, bởi vì vế bên kia của phương trình – hội họa và nghệ thuật ba chiều – cũng đang phát triển mạnh mẽ. Trong cuộc chia tay với chủ nghĩa hiện thực, nghệ thuật đã không ngừng tập trung vào việc khai thác các khái niệm, các khoa triết lý và ít tập trung vào việc thúc đẩy nghệ thuật tiến đến các phẩm chất thẩm mỹ tự thân nó. Nghệ thuật hậu hiện đại đặc biệt liên quan đến việc phân tích tỉ mỉ các quan điểm lịch sử và kịch liệt phản đối lối thuật chuyện theo truyền thống. Nói cho cùng, bạn chẳng có ý tưởng gì về thứ bạn đang nhìn vào cũng chẳng có cách nào để đánh giá nó trừ khi bạn đọc được những chú thích do người nghệ sĩ viết dày đặc bên cạnh (chú thích/ giải thích tác phẩm).

Khi người xem được đòi hỏi phải hiểu những khái niệm như: sự giả tạo, sự phân chiết và các ký hiệu để đánh giá một tác phẩm nghệ thuật, thì chẳng có gì ngạc nhiên nếu ngay cả những bậc thầy nghệ thuật đầy kinh nghiệm cũng “không làm được”. Có một nhà giảng dạy về nhiếp ảnh đã từng than phiền, “Tôi luôn có cảm giác như mình đang tham gia vào việc thuật lại một câu chuyện đã được kể dở chừng và cố chạy theo cho kịp”.

Ý tưởng cho rằng người ta phải đọc bài viết hay tài liệu kèm theo mới hiểu được một tác phẩm nghệ thuật, thì mâu thuẫn với những giá trị của chủ nghĩa Hiện Đại được cho là thiết thân với những người chụp ảnh – đặc biệt là nguyên tắc về một bức ảnh tự nó là đã đầy đủ ý nghĩa. Một bức ảnh thành công trong truyền thống chủ nghĩa Hiện Đại luôn dùng những yếu tố trực quan tự thân nó để xây dựng nên một tường thuật có thể hiểu được đối với người xem mà không cần có thêm bất kỳ thông tin nào từ bên ngoài. Rất nhiều bức ảnh, chỉ xem qua trực giác, bạn nắm bắt ngay được câu chuyện được kể lại trong đó.

Khác với bức ảnh dàn dựng của Tracy Emin (dưới đây), mà qua đó rất dễ đặt ra câu hỏi, “Cái quái gì thế này?” Thế nhưng, bức ảnh "My Bed" (Giường ngủ của tôi) rất khó nắm bắt nội dung khi xem, lại là một trong số ít những bức thắng giải Turner và được xem như một tác phẩm nổi bật của một trong những nghệ sĩ trẻ YBA (Young British Artists – Những Nghệ sĩ trẻ nước Anh). Cuối cùng nó được bán đấu giá với số tiền là 2,5 triệu đô-la. Người ta gọi là những tác phẩm nghệ thuật đương đại!

photography _ camera.tinhte.vn_-3.jpg


Vài suy nghĩ...


Đối với nhiều người, chủ đề này có vẻ nhàm chán, việc nghiên cứu nhiếp ảnh càng lúc càng rơi vào ngõ cụt. Tuy nhiếp ảnh sẽ còn tiếp tục có nhiều bức ảnh xuất sắc, thậm chí là mẫu mực, được cho ra đời, chừng nào vẫn còn hòa hợp trong mức độ nào đó với chủ nghĩa Hiện Thực, thì vẫn có vẻ như nó không được chấp nhận cho nhập đoàn với nghệ thuật đương đại. Số lượng các tác phẩm mới sẽ tiếp tục phát triển và gia tăng (và được bán với số tiền cao chưa từng có) mặc dù nhiếp ảnh – được thực hiện bởi những người chụp ảnh – vẫn không ngừng phát triển.

Phân định nghệ thuật đương đại với nhiếp ảnh hiện thực đúng như chức năng của nó rõ ràng hay không là mấu chốt câu chuyện. Vẫn sẽ còn rất nhiều bức ảnh hoặc là áp đặt hàm ý trừu tượng của người chụp hoặc là có một kiểu nội dung mập mờ, mà thoạt nhìn chẳng có ý nghĩa gì cả. Và, chúng ta phải có một nhận thức nhiều hơn về lý do tại sao tác giả lại đưa ra những chọn lựa như vậy. Biết đâu bạn cũng thích!

Tuy vậy, không đơn thuần là vấn đề đưa ra tranh luận cho bằng nhận thấy nghệ thuật đương đại thực sự quan trọng đối với người chụp ảnh, vì nó tạo nguồn cảm hứng và sáng tạo liên tục. Bằng cách dành thời gian để tương tác với những thực hành nghệ thuật đương thời khác, người chụp ảnh duy trì việc nâng cao tay nghề, cải thiện liên tục cảm hứng chụp ảnh với những ý tưởng mới.
3 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Like 1 phát vì sự đầu tư và tìm tòi tài liệu của chủ thớt!
Mặc dù tôi đọc hết 1 lượt mà vẫn chưa thấm lắm (chắc do não hơi phẳng, hehehe)
Nhưng có 1 điều ko thể diễn tả được, mỗi lần được cầm máy và shot cảm giác cũng giống như con nghiện đang phê bác ạ!
Em thì xem quen ảnh truyền thống rồi, có lần đi xem triển lãm ảnh đương đại thấy khó xem quá 😅, có thể là do năng cảm nhận nghệ thuật của em thấp 😅
Không tin được là e đọc hết được bài này, mặc dù nhiều chỗ còn mơ hồ nhưng thực sự được mở mang đầu óc về thứ gọi là 'nghệ thuật'. Cám ơn bài viết tâm huyết.

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019