Tham dự Tech Lounge

Tham dự Tech Lounge


Xem ảnh đẹp của người khác để học chụp là cách rất tốt, nhưng học thế nào để hiệu quả?

tuanlionsg
21/10/2017 7:17Phản hồi: 63
Xem ảnh đẹp của người khác để học chụp là cách rất tốt, nhưng học thế nào để hiệu quả?
Xem ảnh đẹp của người khác để học chụp là một cách tốt. Nhiều bạn khi xem một bức ảnh của người khác, thấy ưng ý, thì xin tác giả thông số. Các câu hỏi thường thấy là: "Cho em xin thông số chụp?" Hoặc "Anh ơi, chỉnh máy thế nào để chụp được vậy?"... Và, phản ứng của tác giả có 2 hướng. Một là "Mỗi hoàn cảnh khác nhau thì chỉnh các thông số khác nhau, xin làm gì vô ích!"; "Biết là không có ích gì cho bạn, nhưng vẫn cho nhé!"; và cũng không thiếu người viết hẳn thông số bên dưới ảnh luôn để người khác xem để khỏi hỏi. Với mình, để học chụp tốt hơn khi xem ảnh người khác, kể cả có được thông số thiết lập của máy ảnh, thì không những hiểu rõ các con số ấy, mà còn phải hiểu các hiệu ứng do chúng mà ra bức hình.

- Vậy, biết thông số thiết lập của tác giả khi xem ảnh của họ, có hữu ích gì cho bạn không?
- Câu trả lời là hoàn toàn không có ích gì cả nếu bạn không hoặc chưa hiểu rõ tại sao người ta lại chọn các thông số thiết lập đó cho bức ảnh của họ; và sẽ thật sự hữu ích cho người học chụp, nếu hiểu rõ tại sao lại là những con số vô hồn ấy.

Hiểu rõ các con số thiết lập, nhận diện các hiệu ứng thị giác xuất hiện trong khung ảnh có nguyên nhân từ các yếu tố tác động thế nào đến các chi tiết xuất hiện trong khung hình, thì khi xem ảnh để học sẽ là điều hữu ích. Bạn có thể tự học chụp ảnh như thế. Hoặc trong từng bối cảnh ánh sáng, từng loại chủ đề chụp cụ thể, và muốn thể hiện ý đồ cá nhân thì biết rõ phải thiết lập thế nào.

camera 01.jpg

Thỉnh thoảng chúng ta vẫn thấy có nhiều người dùng từ "đọc ảnh" trong khi thường là từ "xem ảnh". Sự khác nhau thế nào rất khó phân biệt. Có thể chỉ nói được thế này:
  • Xem ảnh là một cách thưởng thức thuần tuý thụ hưởng cái mà người ta gọi là đẹp, là sự hài hoà của các mảng màu, tác động vào thị giác của các mảng sáng tối tương phản, hoặc một nội dung/ câu chuyện/ ý tưởng mà các chi tiết trong ảnh tự thân nó thể hiện. Người xem có thể thốt lên "Ồ, đẹp quá! hay quá!..." chẳng hạn.
  • Đọc ảnh là một cách phân tích nghiêng về kỹ thuật hơn, tìm kiếm cách mà người chụp đã dùng để thể hiện, tìm hiểu thủ pháp, hiệu ứng vật lý, các cách thế về góc nhìn hay kết cấu bố cục mà tác giả đã chọn sắp xếp theo ý muốn... đôi khi nó rất vô hồn, và hay có những nhận xét thiên về kỹ thuật hay thiết bị.
Nếu xem ảnh là một cách hưởng thụ mỹ thuật, thụ nhận "cái đẹp" của cuộc sống được ngưng tụ nơi khung hình, thì đọc ảnh có lẽ chỉ dành cho những người học chụp ảnh. Và, cũng có nhiều người kết hợp hoặc lẫn lộn cả hai vào chung một nhận định.

Đọc ảnh để học chụp ảnh thế nào?
Để đọc ảnh, bạn nên hiểu rõ sách hướng dẫn máy ảnh, biết về khẩu độ & hiệu ứng khẩu độ, tốc độ màn trập và hiệu ứng tốc độ màn trập, độ nhạy sáng ISO.

Để làm gì? Để nếu bạn xem một bức ảnh, thấy có những chuyển động mờ nhoè, tự dưng bạn hiểu ngay là người chụp đã ứng dụng hiệu ứng tốc độ màn trập chậm. Chẳng hạn như thế. Hoặc nếu rành về ánh sáng và đèn flash rời, bạn nhận ra nguồn sáng chính - phụ, các hướng sáng và cường độ sáng mà tác giả đã dùng chẳng hạn.


Bài này chúng ta bắt đầu với các yếu tố chính:
  1. Hiệu ứng tốc độ màn trập: nhanh hay chậm thì có hiệu ứng gì và để làm gì?
  2. Hiệu ứng khẩu độ ống kính: mở khẩu lớn hay nhỏ thì xảy ra chuyện gì và khi nào dùng?
  3. Hiệu ứng tiêu cự ống kính: wide hay tele để chụp xa chụp gần thì hiệu ứng tiêu cự là gì?
  4. Có nên thiết lập ISO tự động?

camera-2.jpg

Xem một bức ảnh của người khác, bạn thấy có những chuyển động nhanh nhưng rất sắc nét, hoặc những vệt mờ nhoè... thì đó là hiệu ứng của tốc độ màn trập. Tốc độ màn trập tác động trực tiếp đến độ sắc nét của vật thể chuyển động khi ghi hình. Gọi đó là hiệu ứng tốc độ màn trập. Đóng băng (từ dùng để chỉ việc chụp sắc nét một vật thể đang chuyển động cho dù rất nhanh), hay tạo những vệt mờ nhoè cố tình là một thao tác ứng dụng "hiệu ứng tốc độ màn trập" về mặt vật lý của thiết bị để diễn tả một ý tưởng nào đó của người chụp.

camera.tinhte.vn -_-29.jpg
Nikon D3 ISO100 - 30s - F16 đường Quang Trung - Saigon
  • Màn trập (shutter) là gì? Là bộ phận của máy ảnh mà người chụp dùng để quyết định thời lượng cho ánh sáng tiếp xúc với bề mặt phim trong máy chụp dùng film, hoặc bề mặt cảm biến ảnh trong máy số. Thời đầu máy ảnh không có màn trập. Người chụp mở nắp ống kính một quảng thời gian mà họ nghĩ là đủ cho ánh sáng đi vào đúng ý muốn thì họ đóng nắp lại. Về sau, những phim có độ nhạy sáng cao, thời gian cần để lộ sáng rất nhanh nên người ta chế ra cái màn trập và được dùng đến ngày nay. Màn trập có 2 loại: Màn trập nằm trong thân máy (focal plane shutter) & Màn trập nằm trong ống kính (leaf shutter).

Quảng cáo



  • Tốc độ của màn trập là gì? Là khoảng thời gian ánh sáng sẽ tác động vào bề mặt cảm biến và được điều chỉnh bằng một vòng chỉnh tốc độ trên thân máy (shutter dial). Các chỉ số chỉ tốc độ màn trập là con số tỷ lệ so với 1 giây, như 500 nghĩa là 1/500 giây. Các chỉ số thông thường chỉ tốc độ màn trập: 30s - 15s - 8s - 4s - 2s - 1s - 1/2 - 1/4 - 1/8 - 1/15 - 1/30...

  • Đọc ảnh về tốc độ màn trập thế nào? Nếu thấy bức ảnh có vật thể chuyển động nhưng tất cả đều sắc nét, không có hiện tượng mờ nhoè, thì tốc độ màn trập được sử dụng ở mức độ đủ nhanh. Nhưng ngược lại, có các chuyển động mờ nhoè, thì tốc độ màn trập chậm đã được sử dụng.

  • Tốc độ màn trập nào thì gọi là nhanh và thế nào goi là chậm? Bạn phải so sánh tốc độ màn trập với tốc độ của chủ thể chuyệnd động. Chẳng hạn khi chụp một chiếc xe máy chuyển động trên đường, tốc độ màn trập ấy có thể từ 1/500s đến 1/1000s để đóng băng đối tượng. Nếu là một người đi bộ, tốc độ màn trập chậm hơn, có thể chỉ là 1/125s - 1/250s là đủ đóng băng sự chuyển động đó. Và, chậm hơn đến rất chậm khi bạn muốn các vật thể chuyển động ấy không còn sắc nét, không có chủ đích đóng băng, tạo thành vệt mờ nhoè. Hãy xem các ví dụ dưới đây khi xem ảnh:
  • Bức ảnh đóng băng một chuyển động
    camera.tinhte.vn -_-26.jpg

    Bức ảnh những người di chuyển mờ nhoè
    camera.tinhte.vn -_-25.jpg

    Bức ảnh những cua-rơ mờ nhoè xen lẫn sắc nét

    Quảng cáo


    camera-6.jpg


    Bức ảnh thác nước mờ nhoè đến mức mịn như dải lụa
    camera.tinhte.vn -_-34.jpg


    Bức ảnh vật chuyển động thì mờ nhoè, còn cái gì cố định thì sắc nét
    camera.tinhte.vn -_-5.jpg


    Ứng dụng với hiệu ứng tốc độ màn trập?
    • Trên các dòng máy DSLR và nhiều loại máy ảnh khác, có một nút gọi là ưu tiên tốc độ. Thường được đánh dấu bằng chữ “S” (Nikon) hoặc “Tv” (Canon). Bằng cách chuyển qua chế độ ưu tiên tốc độ này, người chụp chủ động kiểm soát tốc độ và để cho máy tuỳ ứng trị số khẩu độ thích hợp cho chính xác với môi trường ánh sáng. Các chỉ số tốc độ thường giới hạn từ 30 giây đến 1/8000 giây trên một số dòng máy mình biết.
    • Hoặc chụp chế độ M (manuel mode), để chủ động tuỳ chọn các thông số khẩu độ, tốc độ màn trập...
    • Ngoài ra, có máy ảnh cho phép chụp với chế độ “Bulb”, cho phép giữ nguyên vị trí màn trập mở khi bấm nút chụp và chỉ đóng khi nút bấm chụp được thả ra. Tốc độ màn trập khi đó dựa vào việc người chụp giữ nút chụp lâu hay mau.
    Chụp ở tốc độ màn trập chậm, hoặc chế độ “Bulb”, sự rung lắc là không tránh khỏi, nên phải gắn máy ảnh lên chân máy hoặc đặt máy ảnh cố định trên bề mặt nào đó, thậm chí phải sử dụng một phụ kiện bấm máy bên ngoài, hay gọi là remote, dây bấm mềm...

    Một số gợi ý chụp tốc độ màn trập chậm:
    Chuẩn bị:
    • Gắn máy ảnh vào chân máy, hoặc đặt lên bề mặt nào đó vững chắc.
    • ISO thấp nhất (thường là 100 - 200)
    • Tốc độ màn trập tuỳ cơ ứng biến, từ 2s - 30s hoặc Bulb tuỳ hoàn cảnh và ý muốn.
    • Lấy nét thủ công (manuel), vì đôi khi hoàn cảnh thiếu sáng máy khó lấy nét AF
    • Gạt nút che ống ngắm phòng ánh sáng phản chiếu đi vào đến cảm biến ảnh (nếu có).
    • Sử dụng filter ND (neutral density) nếu cần thiết.

    camera-3.jpg

    Xem một bức ảnh của người khác, bạn thấy vật thể chuyển động nhanh nào đó được đóng băng (sắc nét) thì thường là họ chụp với một khẩu độ (f-number) lớn; ngược lại với tốc độ màn trập chậm tạo hiệu ứng vệt mờ nhoè thì phối hợp với khẩu độ ống kính nhỏ. Đó là sự kết hợp về mặt vật lý thiết bị để điều tiết lượng sáng đi qua ống kính tiếp xúc với bề mặt cảm biến / phim thôi. Hiệu ứng của khẩu độ ống kính mở lớn hay mở nhỏ mới là điều người ta chọn để diễn tả đúng ý người ta muốn cho khung ảnh mới là quan trọng hơn.

    Với cùng một cường độ sáng tại một bối cảnh, có thể dụng nhiều chế độ chụp khác nhau. Chẳng hạn với độ nhạy ISO200, tốc độ màn trập là 1/500s với khẩu độ ống kính f/4 (1/500s - f/4) thì tương đương: 1/250s - f/5.6; 1/125s - f/8; 1/60 - f/11 .v.v... có cùng lượng sáng đi vào bề mặt film hay cảm biến ảnh. Như vậy, với một gia trị lộ sáng (exposure value) hay gọi tắt là EV (nhiều người còn gọi là thời chụp hay giá trị phơi sáng), ta có nhiều EV khác nhau tuỳ theo ý đồ chụp khác nhau.

    camera.tinhte.vn -_-11.jpg

    Các cặp kết hợp các thông số trên khác nhau nhưng cùng cho một kết quả như nhau về lượng sáng. Vậy, khác nhau gì? - Khác nhau về hiệu ứng tốc độ màn trập như đã nói ở bước 1 bên trên và về hiệu ứng khẩu độ ở mục này.

    1cameratinhte-3912612_6323860_orig.gif
    Sự thay đổi vùng ảnh rõ nét (DOF) khi thay đổi F-number

    Khẩu độ ống kính là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến DOF. (DOF - viết tắt của Depth of Field mà dân chụp hay gọi là "đóp" hay "đốp". Đơn giản nó là từ để diễn tả khoảng ảnh rõ nét và những gì ngoài khoảng rõ nét đó trong ảnh. Muốn cho chủ đề của bạn rõ nét thì nó phải nằm trong khoảng DOF của ảnh. Khi bạn lấy nét, trên một trục thẳng ta thấy ngoài điểm mà bạn cần muốn nét thì một số điểm phía trước điểm đó và phía sau điểm đó cũng rõ nét, khoảng ảnh rõ nét đó gọi là khoảng DOF.)

    Khẩu độ càng lớn (chỉ số F càng nhỏ) thì khoảng DOF sẽ càng ít/mỏng/cạn và ngược lại. Ví dụ bạn chụp ở khẩu độ f/2.8 thì DOF sẽ ít hơn (cạn hơn, mỏng hơn) so với chụp ở khẩu độ f/22 (dày hơn, sâu hơn) nếu chụp cùng một chủ đề, cùng một khoảng cách chụp và cùng điều kiện ánh sáng. Anh em cần ghi nhớ đơn giản như sau:

    Anh em mới học chụp cần nhớ kỹ:
    • Về khẩu độ ống kính:
      • Khẩu độ lớn = số F nhỏ = DOF mỏng / cạn.
      • Khẩu độ nhỏ = số F lớn = DOF sâu / dày.
    • Về tiêu cự ống kính:
      • Tiêu cự ống kính càng dài thì khoảng DOF càng mỏng / cạn.
      • Tiêu cự càng ngắn thì DOF càng sâu / dày.
    • Về khoảng cách từ máy ảnh đến chủ đề:
      • Khoảng cách từ ống kính đến chủ đề càng gần thì DOF càng mỏng / cạn.
      • Khoảng cách này càng xa thì DOF sẽ càng sâu / dày.
    camera-5.jpg

    Xem một bức ảnh của người khác, bạn thấy một cảnh rộng được chụp bằng ống góc rộng (wide) hay chụp vật thể ở xa / rất xa kéo cảnh vật lại gần bằng ống tele. Bạn cảm nhận được điều đó. Mua ống góc rộng hay ống tele để đạt mục đích đó chỉ mới là mục đích tự thân của loại ống kính đó. Quan trọng là người ta ứng dụng "hiệu ứng tiêu cự" khác nhau cho mỗi bối cảnh và đối tượng chụp khác nhau nữa. Có thể nói ứng dụng tốt hiệu ứng tiêu cự cũng là cách bố cục khung hình có nhiều hiệu ứng thị giác hơn cho người xem.

    camera.tinhte.vn -_-38.jpg
    Bên trong chợ Bến Thành - hiệu ứng góc rộng tạo hiệu ứng thị giác sâu hun hút
    Tiêu cự ống kính là gì? Điểm quan trọng nhất của một ống kính chính là độ dài tiêu cự, gọi tắt là tiêu cự. Tiêu cự là khoảng cách nằm trên trục tính từ trung tâm quang học của ống kính đến điểm hội tụ trên mặt phim hay cảm biến khi ống kính lấy nét ở vô cực. Tiêu cự ống kính càng dài thì độ khuếch đại hình ảnh càng lớn, kích thước tiêu cự và hình ảnh tỷ lệ thuận. Hình ảnh chụp bằng ống kính tiêu cự 100mm có hình ảnh gấp đôi hình ảnh chụp bằng ống kính 50mm trên cùng máy ảnh.

    camera.tinhte.vn -_-13.jpg
    Pentax K20 với tiêu cự 300mm - Tạo hiệu ứng hậu cảnh (mặt trời) to phình ra so với tiền cảnh là nụ cười. Cần Thơ.
    Tiêu cự & kích thước cảm biến: Một ống kính dùng cho hai loại máy ảnh số có kích thước cảm biến ảnh khác nhau sẽ có cùng độ khuếch đại nhưng khác góc thu hình. Chẳng hạn ống kính 50mm trên máy ảnh DSLR Full-Frame (tương đương kích thước film 35mm) có góc thu hình rộng hơn khi gắn trên máy ảnh DSLR Crop Sensor (tỷ lệ x1.3 hoặc x1.6 với dòng máy DSLR Crop sensor của Canon; Còn Nikon, Pentax, Sony thường là x1.5; hay các dòng máy chuẩn Four Thirds thường là x2). Từ đó, ống kính 50mm trên máy ảnh DSLR Full-Frame là ống tiêu chuẩn normal thì khi gắn trên máy DSLR crop sensor lại là ống kính góc hẹp hơn, tương đương ống kính có tiêu cự dài hơn trên FF. Chẳng hạn ống kính 50mm gắn trên máy ảnh số có cảm biến tỷ lệ x1.5 là 75mm.

    camera.tinhte.vn -_-9.jpg
    Hiệu ứng góc rộng - gần to xa nhỏ hiệu ứng viễn cận của tiêu cự ống kính góc rộng
    Hiệu ứng tiêu cự thế nào của từng loại:

    Ống kính trung bình (normal):
    Là ống có độ dài tiêu cự tương đương đường chéo khung phim hoặc cảm biến của máy ảnh dùng ống kính này. Chẳng hạn máy ảnh phim 35mm, kích thước khung phim là 24mm x 36mm có đường chéo là 43mm thì tiêu cự trung bình là từ 45mm - 55mm. Nhiều người bảo ống có tiêu cự tầm trung này tương đương góc nhìn của mắt người, phù hợp với nhiều tình huống chụp. Mình thích cách phân biệt trên hơn.
    * Đặc tính của ống kính trung bình:
    • Góc thu hình khoảng 45°, xấp xỉ góc nhìn phối cảnh như mắt người.
    • Chủ đề giữ đúng tỷ lệ, không bị biến dạng.
    • Đa dụng trong nhiều hoàn cảnh chụp.
    P1000785.jpg
    Panasonic GF9 - Biển Cổ Thạch 25mm với cảm biến 4/3 tương đương 50mm FF
    Ống kính góc rộng (wide-angle):
    Là ống kính có tiêu cự ngắn hơn và dĩ nhiên góc thu hình rộng hơn ống kính 35mm đối với máy ảnh DSLR Full-Frame. Nói về cái ống 35mm được nhiều người chụp ảnh chuyên nghiệp "xem" là ống tiêu chuẩn (normal) nhưng bản chất nó là ống wide. Loai ống góc rộng này sử dụng trong ảnh đại cảnh, kiến trúc... và đắc dụng khi ghi hình ở hoàn cảnh bị hạn chế góc chật, hoặc người dùng muốn có hiệu ứng góc rộng (chúng ta sẽ bàn đến vào bài sau). Với loại ống góc rộng, chỉ cần thay đổi nhỏ trong góc chụp (vị trí đặt máy) có thể làm một khung ảnh bình thường trở nên độc đáo và ngược lại.

    * Đặc tính của ống kính góc rộng:
    • Góc thu hình từ 60° - 180°
    • Vùng ảnh rõ (dof) rất sâu
    • Tăng sự nổi bật của chủ đề ở gần trong phối cảnh rộng, ống càng có tiêu cự ngắn, hiệu ứng này càng tăng. Tỷ lệ gần xa rất mạnh tạo tương quan tiền cảnh hậu cảnh độc đáo nếu dùng đúng cách.
    • Đường chéo là phần mạnh nhất trong tầm nhìn góc rộng, kéo hướng nhìn về hộ tụ rất xa. chẳng hạn con hẻm cụt có thể như một ngõ sâu hun hút.
    • Hạn chế các chủ đề hình dạng tròn, mặt người ở gần góc và cạnh khung dễ bị biến dạng.
    camera.tinhte.vn -_-37.jpg
    Không nhớ máy ảnh gì. Chỉ nhớ ống kính AIS 15mm F3.5 tạo hiệu ứng viễn cận của ống wide - Cầu Cần Thơ
    Ống kính télé ( ống kính tiêu cự dài, ống kính tầm xa):
    Là ống kính có độ dài tiêu cự lớn hơn tiêu cự của ống kính normal. Loại ống này cho ta góc nhìn hẹp đến rất hẹp, tức là khuếch đại rất lớn các thành phần nhỏ của chủ đề trong khung ảnh. Vì vậy, ống tele hữu dụng khi cần lấy chi tiết một chủ đề mà ta không thể tiếp cận. Ống có tiêu cự càng dài thì độ khuếch đại hình ảnh càng lớn và khoảng ảnh rõ càng mỏng. Phối cảnh chụp bởi ống kính tele có hiệu ứng "mỏng/ dẹt", các mặt phẳng trong khung sát lại với nhau, có thể tạo bố cục độc đáo nhưng cũng tạo đối tượng ở xa to hơn bình thường như mặt trăng/ mặt trời.

    * Đặc tính của ống kính télé:
    • Độ khuếch đại lớn
    • Vùng ảnh rõ mỏng, tách chủ đề với hậu cảnh (xoá phông)
    • Tiêu cự càng lớn, phối cảnh bị dồn ép lại, chiều sâu ảnh giảm
    • Dài và nặng hơn các loại khác
    camera.tinhte.vn -_-3.jpg
    Bến Thủ Thiêm 2008 - Hiệu ứng tele kéo lớp tiền cảnh gần với hậu cảnh khi thực tế là rất xa.
    Ghi nhớ luật viễn cận của tiêu cự ống kính:
    • Tiêu cự ống kính tiêu cự càng dài hậu cảnh càng phình to, các lớp ảnh sít lại gần nhau.
    • Tiêu cự càng ngắn thì hậu cảnh càng xa càng nhỏ, các lớp ảnh tách rời rạc xa nhau.
    camera.tinhte.vn -_-36.jpg Ống kính tiêu cự 15mm tạo hiệu ứng gần to xa nhỏ.

    Tuỳ theo độ dài tiêu cự ống kính, trường sâu độ ảnh sẽ cho hình ảnh không còn giống như mắt nhìn trong cảnh thực. Với ống kính trung bình, chiều sâu ảnh trường gần tương tự như mắt nhìn, nhưng với ống kính tele (tiêu cự dài) thì chiều sâu ảnh trường sẽ thu hẹp lại, hình ảnh có hậu cảnh gần hơn cảnh thực tế, các lớp ảnh sít lại gần nhau; trong khi đó với ống kính góc rộng (wide) thì chiều sâu ảnh trường bị đẩy xa ra, hình ảnh thu được có hậu cảnh xa hơn so với cảnh thực, không gian có cảm giác rộng hơn so với thực tế.

    camera-4.jpg

    Ôn lại chút về sự kết hợp 3 yếu tố cơ bản tác động đến lượng sáng đi vào máy ảnh:
    • Khẩu độ ống kính,
    • Tốc độ màn trập,
    • Độ nhạy sáng ISO.
    Tuỳ theo mỗi chế độ chụp khác nhau, ba thông số này được điều chỉnh tự động hoặc do người chụp can thiệp điều khiển khác nhau. Ba thông số này được kết hợp theo nhiều cách khác nhau để cho ra cùng một lượng sáng như nhau, nhưng có thể khác nhau hiệu ứng ảnh theo ý đồ người chụp.

    camera.tinhte.vn -_.jpg
    D200 (2007) với dải ISO rất giới hạn so với máy ảnh ngày nay - đêm Rock Saigon
    Cách đây chục năm, mình bắt đầu dùng máy số và mua chiếc Nikon D200 có mức ISO cao nhất là 3200, thường thì phải khống chế ISO không vượt quá 400, chỉ có một số bối cảnh dùng được ở ISO 800, cao hơn rất có thể là một thảm hoạ. Và, hồi đó luôn quen thuộc với cách thiết lập thế này:
    • Chụp với chế độ Ưu Tiên Khẩu độ (A - thiết đặt khẩu và để cho máy ảnh chọn tốc độ màn trập)
    • Thiết đặt ISO ở 100, 200, hoặc 400, tùy điều kiện ánh sáng.
    • Chọn một khẩu độ nào đó cho DOF thích hợp hoặc độ sắc nét bức ảnh như ý tôi muốn.
    • Hy vọng tốc độ màn trập không quá chậm để bức ảnh khỏi bị mờ nhòe ngoài ý muốn.
    • Nếu tốc độ màn trập quá chậm, thì nâng ISO lên không quá 800
    • Nếu tốc độ màn trập vẫn còn quá chậm, đành phải “xuê xoa” với quan điểm nghệ thuật của mình bằng cách mở lớn thêm khẩu độ.
    • Nếu mở khẩu lớn nhất có thể, tốc độ màn trập chậm nhất có thể cầm tay, mà ISO buộc phải lên cao quá ngưỡng thì đôi khi phải bỏ đi nếu không muốn chụp bằng cách gác chân máy phơi sáng hay dùng flash.
    Có một số bạn hỏi rằng có nên thiết lập auto ISO trên máy không, sợ nó lên cao quá thì nhiễu hạt bức ảnh. Mình có trả lời nhanh rằng "đừng ngại auto ISO". Nhưng thấy bạn còn băn khoăn nên chia sẻ thêm. Với công nghệ máy ảnh hiện nay, không còn phải lo lắng quá nhiều khi sử dụng Auto ISO nữa. Cứ để cho máy chọn giúp ISO, bạn sẽ thoải mái hơn cho việc quyết định khẩu độ hay tốc độ màn trập phù hợp với ý đồ hiệu ứng ảnh của mình thôi.

    1556230_290027527866001_4497905895327885138_o.jpg
    Nikon D3 (2008) Cầu Konklor ở Kontum
    Bạn cứ mạnh dạn thiết lập Auto ISO, rồi chụp chế độ ưu tiên khẩu (A/Av) hay ưu tiên tốc độ màn trập (S/Tv) tuỳ mục đích cụ thể. Hiện nay chúng ta đang đạt đễn chỗ mà bất cứ người sử dụng máy ảnh nào cũng có thể chụp với trị ISO lên đến 3200, 6400 hoặc thậm chí cao hơn nữa (một trị số chưa từng nghe nói đối với phim) mà không gặp bất cứ sự bất lợi nào về việc bị nhiễu màu và nhiễu sáng. Quả thực, đa phần máy ảnh KTS đều tốt, chúng có thể tự động thiết đặt trị ISO (do đó mà có thuật ngữ Auto ISO), cơ bản loại bỏ sự bận tâm, và để cho bạn rảnh tay mà tính toán khẩu độ và tốc độ màn trập cho đúng ý đồ muốn chụp. Thoải mái khi để cho máy ảnh quyết định trị ISO, bởi vì đơn giản ta không còn bận tâm đến nó nữa. Điều này có thể nghe hơi cực đoan nhưng, một cách khiêm tốn, mình cho là bạn cũng không nên làm khác đi.

    camera.tinhte.vn -_-4.jpg

    Kích hoạt Auto ISO như thế nào?
    Cơ chế chính xác để kích hoạch chế độ Auto ISO có khác nhau tùy từng chiếc máy ảnh, nhưng trên hầu hết những kiểu máy xuất phát từ các hãng như Canon, Nikon, Sony, Fuji, Olympus, Pentax…, thường có một tùy chọn trong trình đơn cho phép bạn thực hiện một số thao tác. Bạn nên có giải pháp phù hợp với nhu cầu cá nhân và sở thích chụp ảnh của bạn. Còn đây là gợi ý của mình:
    • Vào Menu & Kích hoạt chế độ Auto ISO
    • Chọn trị giới hạn ISO tự động lên cao nhất. Mình thường giới hạn 6400.
    • Chọn tốc độ màn trập giới hạn ở mức thấp nhất. Mình thường giới hạn 1/60s hoặc tuỳ trường hợp cụ thể, chẳng hạn khi chụp event thì mình giới hạn 1/125s - 1/250s.
    Cụ thể là khi chụp ở môi trường ánh sáng phức tạp, sáng tối loang lỗ tương phản mạnh, hạn chế lớn nhất khi chụp ISO quá cao là làm mất đi nét sinh động, một số chi tiết vùng chênh sáng sẽ bị thất thoát. Bạn phải chủ động giới hạn ở mức vừa đủ, chọn mode đo sáng phù hợp, chụp RAW để có thể hậu kỳ.

    Nếu chưa từng thử chụp với chế độ Auto ISO, tôi khuyên bạn hãy trao cho nó một cơ hội và xem bạn có thích các kết quả hay không.

    Bonus anh em mới học tham lưu lại tham khảo.
    Hãy khai thác các hiệu ứng nhiếp ảnh để diễn tả ý tứ cho khung ảnh nhiều hơn.
    Chúc anh em vui vẻ.
    camera.tinhte.vn -_-33.jpg
    63 bình luận
    Chia sẻ

    Xu hướng

    Bác ơi cho em xin thông số mấy pic trên đi =))
    @Vladimir Ilyich Lê Đạt Hihi...
    vubang
    TÍCH CỰC
    6 năm
    "Cho em xin thông số chụp là câu hỏi vô lý nhất vì một tấm ảnh có thể có nhiều cách để chụp.
    tri5800xpm
    TÍCH CỰC
    6 năm
    @vubang Đâu nhất thiết ng ta hỏi để về setup y vậy đâu bác. Hỏi cũng để tìm hiểu so sánh thôi.
    NgoaLong_NH
    ĐẠI BÀNG
    6 năm
    Cảm ơn Anh Tuấn, lúc nào cũng cần những bài viết như thế này cho anh em không chuyên 😁 :D .
    Himanxim
    TÍCH CỰC
    6 năm
    Quá toẹt vời.
    bài rất châá lượng và tâm huyết
    kakaka3
    ĐẠI BÀNG
    6 năm
    Bài bác hay quá
    Gà mờ như em học hỏi được nhiều
    Để link đây cho anh em nào quan tâm 😁
    Facebook.com/cuhiep :D
    Tinhte.vn/sonycamera
    @hieuvn12 Nên trân trọng bằng từ Hiếp Ảnh Gia à lộn nhiếp ảnh da 😁
    phat_83
    ĐẠI BÀNG
    6 năm
    hình như tấm hình chụp bằng Nikon D3 thông số là 30s chứ không phải là 1/30s anh Tuấn ơi
    @phat_83 Anh đã sửa, cảm ơn em. <3
    huy9988
    CAO CẤP
    6 năm
    Mình thì chụp theo cảm xúc, thông số chỉ là phù du, có máy lo rồi, mình chỉ việc lo cảm xúc của mình thôi ahihi
    parrot
    ĐẠI BÀNG
    6 năm
    Kiến thức nhiếp ảnh như thế này nghe rất quen.
    Xào tới xào lui, nhưng đọc mỗi bài vẫn thấy đc cái mới và hay để mình học hỏi.
    Cám ơn anh Tuấn lion
    kazura89
    ĐẠI BÀNG
    6 năm
    Bài viết hay và chi tiết quá. Với người mới học chụp như mình thấy quá bổ ích. Thank you
    OxJade
    TÍCH CỰC
    6 năm
    có 1 số anh em hay hỏi tấm này thông số sao ,và mục đích là hỏi để biết và để dành đó cho lần sau nếu gặp cảnh như vậy,nhưng phần lớn tấm nào cũng hỏi thông số nhưng khi gặp hoàncanh giống trong hình thì quên béng hết 😆
    Thường xin thông số chỉ áp dụng khi chụp phơi sáng, và cũng chỉ những người mới tập tành. Xin thông số để bắt chước vì chưa có kinh nghiệm. Chứ khi đã biết chút đỉnh về chụp ảnh thì ai cũng cố tự tạo cho mình nét riêng.
    tethien
    CAO CẤP
    6 năm
    Cám ơn bác Tuấn vì bài viết hữu ích.
    ban ngày mình toàn để iso cố định là 100
    Hoang.Nitech
    ĐẠI BÀNG
    6 năm
    Mọi người chỉ em chụp sao đêm với được không ạ. E mới tập mới mua máy được vài tháng, mấy tối liền đứng trên tầng thượng mà không được tấm nào cả, đen thui thui hoặc cháy sáng, cũnv không thấy tí sao nào :/
    ntt2007
    TÍCH CỰC
    6 năm
    @Hoang.Nitech bạn muốn chụp sao trời thì tìm cái lens wide khẩu to to chút xíu, cần chân máy và vị trí chụp phải thật tối để ko bi ảnh hưởng từ các nguồn sáng xung quanh nữa
    Hoang.Nitech
    ĐẠI BÀNG
    6 năm
    @ntt2007 Mình đang dùng len kit, tiêu cực cũng để nhỏ nhất 16mm, tripod có, máy mình chĩa thẳng đứng lên trời tối đen 😆)
    ntt2007
    TÍCH CỰC
    6 năm
    @Hoang.Nitech vậy thì chỉnh sao cho hết tối đi, chỉ có 3 giá trị thông số cần chú ý là toc độ màn trập, khẩu độ, iso. trong tinhte này có nhìu huong dẫn lắm, hoặc bạn có thể tìm trên google
    nếu muốn dùng tốt máy ảnh thì đừng lười bạn
    Hoang.Nitech
    ĐẠI BÀNG
    6 năm
    @ntt2007 Mình chụp cơ bản thì cũng thạo 3 thông số đó rồi. Chỉ còn mỗi cái chụp sao đêm kia là không chụp được, cũng search gg đọc nhiều bài, làm theo rồi vẫn không được
    ntt2007
    TÍCH CỰC
    6 năm
    @Hoang.Nitech bạn mở khẩu tối đa, iso nâng lên mức thích hợp, giảm tốc thì chụp ra thôi mà
    Luôn để auto iso. Chỉ một số ít trường hợp mà ý đồ muốn sáng hơn hay tối hơn thì mới chỉnh mà thôi.
    phuoctu.7777
    ĐẠI BÀNG
    6 năm
    Thanks bác!
    bài viết rất hay và bổ ích
    angel2706
    TÍCH CỰC
    6 năm
    cám ơn bác! Bài viết rất bổ ích và có giá trị!

    Xu hướng

    Bài mới









    • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
    • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
    • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
    • Số điện thoại: 02822460095
    • MST: 0313255119
    • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019