Tham dự Tech Lounge

Tham dự Tech Lounge


10 hãng hàng không thương mại "già nhất" còn hoạt động trên thế giới

bk9sw
14/5/2018 19:40Phản hồi: 57
10 hãng hàng không thương mại "già nhất" còn hoạt động trên thế giới
Những hãng hàng không già nhất vẫn còn hoạt động? Dưới đây là 10 hãng mà chắc hẳn không ít anh em Tinh Tế từng được nghe đến. Thực ra có nói về hãng hàng không thương mại đầu tiên thì phải kể đến những quốc gia như Đức, Mỹ, Anh và Pháp - những nước có khả năng tự sản xuất máy bay từ rất sớm nhưng nếu xét về khía cạnh vẫn còn hoạt động đến tận ngày nay thì câu chuyện lại rất khác.

Đầu tiên: Royal Dutch Airlines (Hà Lan) - ICAO: KLM


KLM 1950 L-749.jpg
Những tiếp viên của KLM cạnh chiếc Lockheed L-749 Constellation năm 1950.
Danh hiệu này thuộc về Royal Dutch Airlines hay KLM (viết tắt của Koninklijke Luchtvaart Maatschappij). Đây là hãng hàng không quốc gia của Vương quốc Hà Lan, được thành lập năm 1919 và vẫn hoạt động đến nay với trụ sở đặt tại sân bay quốc tế Schiphol, Amsterdam. Hãng hàng không này bắt nguồn từ ý tưởng của trung úy không quân Albert Plesman - người đã tài trợ và tổ chức triển lãm vận tải hàng không đầu tiên tại Amsterdam có tên ELTA. Plesman lúc đó là chủ tịch ban điều hành ELTA và ông đã vận động các nhà đầu tư, những người ủng hộ và những nhân vật có tầm ảnh hưởng nhằm đưa triển lãm ELTA cất cánh. ELTA đã diễn ra hết sức thành công và điều quan trọng là nó thu hút sự quan tâm và ý kiến tán thành để thành lập một hãng hàng không của người Hà Lan.

KLM.jpg

Boeing 747 của KLM.
Vào tháng 9 năm 1919, nữ hoàng Wilhelmina đã trao danh hiệu cho "Hoàng gia" cho KLM thế nên tên của hãng này có chữ "Koninklijke". Đến tháng 10 cùng năm, KLM được công bố và Plesman sau đó trở thành giám đốc đầu tiên của hãng này.


Chuyến bay đầu tiên của KLM được thực hiện vào ngày 17 tháng 5 năm 1920 và đến nay, sau gần 99 năm thành lập, KLM vẫn đang hoạt động với cái tên ban đầu và cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa, hành khách đến hơn 145 điểm đến trên thế giới. Tính đến năm 2015, hãng có khoảng 35,488 nhân viên, đội bay có khoảng 119 chiếc máy bay đủ loại. KLM cũng là một thành viên của liên minh hàng không SkyTeam trong đó có Vietnam Airlines.

Trang web: https://www.klm.com/


Thứ 2: Avianca (Colombia) - ICAO: AVA

SCADTA.jpg
SCADTA - tiền thân của Avianca với sân bay đầu tiên dành cho thủy phi cơ.
Đã có nhất thì phải có nhì, nhiều nguồn cho rằng Qantas Airways với biểu tượng con Kangaroo bay nổi tiếng của Úc là hãng hàng không già thứ 2 thế giới còn hoạt động nhưng thực tế vị trí thứ 2 này phải dành cho Avianca S.A - hãng hàng không quốc gia của Cộng hòa Colombia. Avianca S.A lấy tên từ các chữ cái của Aerovías del Continente Americano S.A - Airways of the American Continent hay Hãng hàng không của lục địa Mỹ. Hãng này được thành lập ngay sau KLM, vào ngày 5 tháng 12 năm 1919 (Qantas Airways thành lập năm 1920). Không chỉ là hãng hàng không lâu đời thứ 2 thế giới, Avianca còn là hãng hàng không đầu tiên của châu Mỹ.


Avianca có trụ sở chính tại Bogotá, thủ đô của Colombia với điểm trung chuyển chính đặt tại sân bay quốc tế El Dorado. Điều thú vị là Avianca ban đầu được thành lập dưới cái tên Sociedad Colombo-Alemana de Transporte Aéreo hay SCADTA (Hiệp hội vận tải hàng không Colombia-Đức) với sự hỗ trợ của 4 người Đức và dịch vụ ban đầu là vận chuyển thư tín giữa thành phố Barranquilla và thị trấn Puerto Colombia. Đến cuối năm 1919 thì nhà khoa học, nhà từ thiện người Đức - Peter von Bauer đã quyết định đầu tư vào hãng hàng không non trẻ này bằng kiến thức, vốn và thậm chí là tặng luôn một chiếc máy bay. Đến năm 1940, SCADTA lúc này đang thuộc sở hữu của một doanh nhân người Mỹ đã sáp nhập với Colombian Air Carrier SACO và hãng đổi tên thành Avianca như ngày nay.

Quảng cáo



Avianca Boeing 787.jpg
Avianca hiện cung cấp dịch vụ vận chuyển đến 114 địa điểm trên thế giới với đội bay 173 máy bay. Hãng này là một thành viên của liên minh hàng không Star Alliance.

Trang web: https://www.avianca.com/


Thứ 3: Qantas Airways (Úc) - ICAO: QFA


Qantas.jpg
Lần này thì Qantas Airways được gọi tên - đây là hãng hàng không đại diện cho Thịnh vượng chung Úc bởi đội bay lớn nhất nước này với 124 chiếc, cung cấp nhiều đường bay quốc tế và điểm đến quốc tế. Qantas được thành lập vào tháng 11 năm 1920 và bắt đầu hoạt động thương mại từ tháng 3 năm 1921. Cái tên Qantas viết tắt của Queensland and Northern Territory Aerial Services và hãng này có biệt danh "Chú Kangaroo bay". Trụ sở chính của Quantas đặt tại Mascot, Sydney và trạm trung chuyển chính cũng đặt tại sân bay quốc tế Sydney.

Qantas Jetstar.jpg
Nếu như 2 hãng trên khá xa lạ với chúng ta thì Qantas lại gần gũi hơn bởi đây là công ty mẹ của hãng hàng không giá rẻ Jetstar Airways. Qantas đã hợp tác với nhiều nhà đầu tư địa phương để mở rộng thị trường tại châu Á với Jetstar và tại Việt Nam, Qantas đã hợp tác với Vietnam Airlines thành lập Jetstar Pacific Airlines với 70% vốn của VNA, Qantas nắm 30%.

Quảng cáo


Qantas là hãng đồng sáng lập liên minh hàng không Oneworld - hiện xếp thứ 3 thế giới sau Star Alliance và SkyTeam. Liên minh này có 13 hãng hàng không thành viên, điển hình như American Airlines, British Airways, Cathay Pacific, Finnair, Japan Airlines, Malaysia Airlines và Qatar.

Trang web: https://www.qantas.com/


Thứ 4: Aeroflot (Nga) - ICAO: AFL


Aeroflot Tu-154.jpg
Tupolev Tu-154M của Aeroflot.
Aeroflot (tiếng Nga: Аэрофлот - nghĩa là đội bay) là hãng hàng không lớn nhất của CHLB Nga và từng là hãng hàng không lớn nhất thế giới thời Liên Xô. Bắt đầu từ năm 1921, Lenin ký văn bản về vận tải hàng không nhằm đưa ra các quy tắc cơ bản về vận tải hàng không trên lãnh thổ của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Liên bang Nga - một tài liệu quan trọng bởi đây là lần đầu tiên nước Nga tuyên bố chủ quyền về không phận. Từ đây, một ủy ban nhà nước được thành lập để quản lý và phát triển hàng không dân dụng và hãng hàng không khởi tổ của Aeroflot được thành lập, có tên Glavvozdukhflot chuyên vận chuyển hành khách và thư từ giữa các thành phố lớn như Moscow, Oryol, Kursk, Kharkov.

Aeroflot Stewardness.jpg
Tiếp viên của Aeroflot rất đẹp 😁.
Đến tháng năm 1923, hội đồng nhân dân nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Liên bang Nga thực hiện kế hoạch mở rộng phi đội đỏ và sau này thành lập Dobrolet (tổ chức vận tải hàng không Liên bang Xô viết) với logo đôi cánh cùng búa liềm do họa sĩ Alexander Rodchenko thiết kế. Phải đến năm 1932 thì Dobrolet mới được đổi tên chính thức thành Aeroflot và logo búa liềm vẫn được hãng sử dụng đến ngày nay.


Hiện tại Aeroflot là một thành viên của SkyTeam cùng với Vietnam Airlines. Hãng có trạm trung chuyển chính đặt tại sân bay quốc tế Sheremetyevo ở Moscow và có đường bay đến hơn 129 địa điểm trên thế giới. Đội bay của Aeroflot rất lớn với 235 máy bay và điều thú vị là mặc dù máy bay Nga rất nổi tiếng nhưng hiện tại, đa phần máy bay của Aeroflot đều do Boeing và Airbus sản xuất, riêng có khoảng 42 chiếc Sukhoi SuperJet 100 phục vụ các đường bay ngắn và trung bình. Aeroflot cũng là hãng hàng không duy nhất khai thác dòng máy bay siêu thanh Tu-144 - đối thủ của Concorde hồi xưa nhưng chỉ trong một thời gian ngắn từ cuối năm 1975 đến 1978 và cũng chỉ khai thác một đường bay chở khách duy nhất nối giữa Moscow và Alma-Ata (Almaty - thành phố lớn nhất Kazakhstan).

Trang web: https://www.aeroflot.ru/


Thứ 5: Czech Airlines - ICAO: CSA


CSA Farman F-62 Goliath 1928.jpg
Czech Airlines hay České aerolinie là hãng không quốc gia của Cộng hòa Czech có trụ sở đặt tại thủ đô Prague và trạm trung chuyển chính đặt tại sân bay quốc tế Vaclav Havel. Hãng hàng không này được thành lập tháng 10 năm 1923 bởi chính phủ Tiệp Khắc (Czechoslovak) với tên gọi ban đầu là Czechoslovak State Airlines (CSA) và đường bay đầu tiên được mở nối giữa Prague và Bratislava (nay là thủ đô của Slovakia). Phải đến năm 1930 thì hãng hàng không này mới mở đường bay quốc tế đến Nam Tư và Zagreb, thủ đô Croatia.

CSA Crew.jpg
Hoạt động của hãng từng bị gián đoạn một thời gian dài sau khi Tiệp Khắc bị chia tách trong chiến tranh thế giới thứ 2, từ năm 1939. CSA cũng là hãng hàng không đầu tiên bị không tặc khi ba chiếc máy bay của hãng này bị yêu cầu bay đến căn cứ quân sự Mỹ ở Erding, gần Munich nhằm mục đích chính trị vào năm 1950.


Sau khi Tiệp Khắc tan rã vào năm 1993 thành 2 nước Cộng hòa Czech và Slovakia, CSA đổi tên thành Czech Airlines vào năm 1995 và đến năm 2000 thì gia nhập liên minh hàng không SkyTeam. So với các hãng hàng không ở trên thì đội bay của Czech Airlines rất nhỏ chỉ với 18 chiếc máy bay và có đường bay đến 50 địa điểm tại 25 quốc gia.

Trang web: https://www.csa.cz/


Thứ 6: Finnair - ICAO: FIN


Finnair Convair 440.jpg
Finnair là hãng hàng không lớn nhất của Phần Lan và chính phủ nắm tới 55,8% cổ phần. Đây cũng là một trong những hãng hàng không an toàn nhất trên thế giới, xếp thứ 6 năm 2018 bởi thành tích không có vụ tai nạn làm chết người nào kể từ năm 1963 đến nay.


Finnair được thành lập vào năm 1923 bởi lãnh sự viên Bruno Lucander với tên gọi ban đầu là Aero O/Y và đến năm 1953, hãng mới đổi tên thành Finnair. Trụ sở chính của Finnair đặt tại sân bay Helsinki và tính đến nay, Finnair có đường bay đến 132 địa điểm tại 40 quốc gia trên thế giới. Đội bay của Finnair gồm 79 chiếc, chủ yếu là máy bay Airbus. Finnair là thành viên của liên minh hàng không Oneworld từ năm 1999.

Trang web: https://company.finnair.com/


Thứ 7: Delta Air Lines - ICAO: DAL


Delta Airlines 1955 ads.jpg
Một tờ bướm quảng cáo đường bay vàng trên chiếc McDonnell Douglas DC-7 năm 1955 của Delta Air Lines.
Delta là một trong 5 lớn nhất của Mỹ với trung tâm điều tiết lớn nhất đặt tại sân bay quốc tế Hartsfield-Jackson Atlanta, bang Georgia. Hãng hàng không này có rất nhiều công ty con và các chi nhánh khu vực, hoạt động với tần suất hơn 5400 chuyến bay mỗi ngày và đáp ứng nhu cầu đi lại quốc nội lẫn quốc tế với 319 điểm đến tại 54 quốc gia trên 6 lục địa. Delta cũng là 1 trong 4 hãng đồng sáng lập liên minh hàng không SkyTeam.

Huff Daland Duster.jpg
Không chỉ là hãng hàng không lâu đời thứ 7 trên thế giới, Delta Air Lines cũng là hãng hàng không lâu đời nhất còn hoạt động tại Mỹ. Hãng này ban được thành lập vào tháng 5 năm 1924 với tên gọi Huff Daland Dusters và điều thú vị là dịch vụ ban đầu được hãng cung cấp không phải là vận tải hành khách hay hàng hóa mà là ... Phun thuốc trừ sâu trên các cánh đồng tại Mỹ. Huff Daland Duster cũng là tên loại máy bay đầu tiên mà hãng sử dụng để phun thuốc chống lại đại dịch bọ vòi voi phá hoại các cánh đồng trồng bông vải. Collett E. Woolman - một trong những giám đốc đầu tiên của hãng đã mua lại công ty vào tháng 9 năm 1928 và đổi tên thành Delta Air Service.

Delta Air Lines.jpg
Những chuyến bay thương mại bắt đầu được thực hiện với đường bay nối giữa Dallas, Texas và Jackson, Mississippi. Delta chuyển trụ sở chính về Atlanta năm 1941 và mở rộng các đường bay cũng như mua lại các hãng hàng không khác. Toàn bộ đội bay được đổi sang máy bay phản lực từ những năm 60 của thế kỷ trước và các đường bay quốc tế giữa Mỹ và châu Âu được mở vào thập niên 70, xuyên Thái Bình Dương vào thập niên 80.


Năm 2007, Delta từng đệ đơn phá sản, hệ quả là Delta Air Service sáp nhập với Northwest Airlines, tạo thành hãng hàng không lớn nhất thế giới lúc bấy giờ. Hiện tại, Delta Air Lines có đến hơn 80.000 nhân viên, trong đó có 12.000 phi công. Đội bay của Delta Air Lines thật sự khổng lồ với hơn 850 chiếc máy bay đủ loại của Boeing, Airbus và McDonnell Douglas.

Delta Air Lines Fleet.jpg
Đội máy bay cực kì hùng hậu và phong phú chủng loại của Delta Air Lines.
Với mạng lưới đường bay lớn, Delta Air Lines cũng sở hữu một trong những đường bay thẳng không dừng nghỉ dài nhất thế giới nối giữa Atlanta và Johannesburg (Nam Phi) - 13,582 km, bay mất 16 tiếng 40 phút.

Trang web: https://www.delta.com/


Thứ 8: Tajik Air - ICAO: TJK


Tajik Air là hãng hàng không quốc gia của Cộng hòa Tajikistan - một quốc gia Trung Á với cảng nhà là sân bay quốc tế Dushanbe, đặt tại thủ đô Dushanbe. Tajik Air vốn là một chi nhánh của Aeroflot và được thành lập thời đất nước này còn là một quốc gia thuộc Liên bang Xô Viết (CHXHCNXV Tajikistan) và đến năm 1991 thì trở thành hãng hàng không độc lập sau khi Liên Xô tan rã.

Tajik Air.jpg
Chuyến bay đầu tiên của Tajik Air được thực hiện vào tháng 9 năm 1924 với máy bay Junkers F.13. Điều thú vị là vận tải hàng không xuất hiện tại thủ đô Dushanbe của Tajikistan sớm hơn 2 năm so với xe hơi và 5 năm so với tàu hỏa. Tajik Air góp phần không nhỏ trong nền kinh tế quốc gia của Tajikistan. Dù có ngành hàng không phát triển sớm nhưng Tajik Air lại có mạng lưới đường bay nhỏ, một phần do đặc thù về vị trí địa lý và kinh tế. Hãng chỉ có đường bay đến một số nước châu Á như Ấn Độ, Iran, các quốc gia láng giềng như Kazakhstan, Kyrgyzstan và châu Âu cũng chỉ có đường bay đến nhiều thành phố tại Nga.

Đội bay của Tajik Air có 35 máy bay nhưng chỉ có 5 chiếc hoạt động bao gồm những máy bay Boeing 737, Antonov An-28, 30 chiếc còn lại chủ yếu là máy bay thời Liên Xô được cất trong các hangar. Với độ bay già cỗi, Tajik Air nhiều năm lọt top những hãng hàng không tệ nhất thế giới theo bình chọn của Skytrax.

Trang web: http://www.tajikairlines.com/en/


Thứ 9: Air Serbia - ICAO: ASL


Air Serbia.jpg
Serbia có thể xem là quốc gia non trẻ khi nước này chỉ vừa mới tách khỏi Serbia & Montenegro vào năm 2006. Tuy vậy, Air Serbia - hãng hàng không quốc gia của Cộng hòa Serbia lại là một trong những hãng hàng không già nhất thế giới. Lịch sử lâu đời của Air Serbia bắt nguồn từ hãng hàng không Aeroput - hãng hàng không quốc gia của Cộng hòa Liên bang Nam Tư, được thành lập tại thủ đô Belgrade năm 1927 và sau đó được đổi tên thành Jugoslovenski Aerotransport (JAT) năm 1948.

Jat Airways.jpg
Khi Nam Tư tan rã, JAT trở thành hãng hàng không quốc gia của Serbia & Montenegro và tiếp tục được đổi tên thành Jat Airways năm 2003 khi công ty tái cơ cấu thành công ty đại chúng. Tuy nhiên, do đội bay già cỗi và thiếu nguồn đầu tư, Jat Airways liên tục thua lỗ và chính phủ Serbia đã tìm đối tác chiến lược để vực dậy Jat Airways.


Vào tháng 8 năm 2013, Jat Airways hợp tác với Etihad Airways, UAE trong đó Etihad năm 49% cổ phần của Jat Airways và nắm quyền quản lý trong 5 năm, 51% còn lại thuộc về chính phủ Serbia. Tháng 10 cùng năm, Jat Airways được đổi tên thành Air Serbia.

Air Serbia.jpg
Nhan sắc của tiếp viên hàng không Air Serbia.
Hiện tại Air Serbia có đường bay đến 42 địa điểm chủ yếu tại châu Âu, Địa Trung Hải, Trung Đông và Bắc Mỹ. Đội bay của Air Serbia gồm 21 chiếc với đa số là máy bay của Airbus. Sân bay chính của Air Serbia là sân bay quốc tế Nikola Tesla, thủ đô Belgrade.

Trang web: https://www.airserbia.com/


Thứ 10: Iberia - ICAO: IBE


Iberia 1946.jpg
Iberia tại Buenos Aires năm 1946.
Iberia là hãng hàng không quốc gia của Tây Ban Nha, được thành lập năm 1927 với trụ sở đặt tại sân bay Adolfo Suarez Madrid-Barajas. Hãng này ban đầu được gây vốn bởi nhà tài phiệt Horacio Echevarrieta và hãng hàng không Đức Deutsche Luft Hansa A.G, thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 12 năm 1927. Trong thời kỳ nội chiến Tây Ban Nha, Iberia cũng đóng vai trò vận tải quân nhu. Đến năm 1939, Iberia mới trở lại dịch vụ thông thường với một đường bay quốc tế nối giữa Madrid và Lisbon.

Iberia Airlines.jpg
Năm 1944, Iberia được quốc hữu hóa và trở thành một phần của Viện công nghiệp quốc gia Tây Ban Nha. Iberia ngưng hợp tác với Luft Hansa và bắt tay với Mỹ để mua máy bay cũng như hỗ trợ hoạt động vận hành. Thế nhưng vào thời điểm hiện tại, Iberia lại được gọi là hãng hàng không với đội bay "toàn Airbus" - tổng cộng 81 chiếc. Đội bay cũ với rất nhiều Boeing đã được Iberia cho về hưu từ giai đoạn đầu của những năm 2000.


Iberia là thành viên của liên minh hàng không Oneworld, hãng này có đường bay đến 89 điểm đến trên thế giới. Trong năm 2018, Iberia lọt tóp những hãng hàng không 4 sao theo đánh giá của Skytrax.

Trang web: https://www.iberia.com/
57 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

i.ntluu
ĐẠI BÀNG
6 năm
Nhà ngta sài máy bay bao năm nhỉ 😁
cizi7
ĐẠI BÀNG
6 năm
@i.ntluu tuổi thọ máy bay là 20 năm kể từ ngày sx nhé bạn
@cizi7 Làm gì có quy định đó.
hacrot3000
TÍCH CỰC
6 năm
@cizi7 Làm như đồ ăn hay sao mà có quy định đó. Tuổi thọ của khung máy bay có thể lên tới thậm chí 40-50 năm. Những chiếc mà sau 30-40 năm vẫn chở khách không phải chuyện hiếm.
Phần động cơ và các bộ phận có sự hao mòn cao thì tính theo giờ bay hoặc số lượt cất/hạ cánh, thường là vài năm.
prince8882
TÍCH CỰC
6 năm
@i.ntluu Thường sẽ tính theo số giờ bay và tùy loại máy bay. Loại nhỏ khác, loại lớn khác. mới gg xong :D
boyyeugirl
TÍCH CỰC
6 năm
có hãng mặc quần đùi như những bạn chăn trâu
@boyyeugirl Có hãng mặc bikini cơ ;))
Vietnam có Dmax Airlines
@kobebryant chỗ này bay không nghỉ 24h 😁
holalatiger
ĐẠI BÀNG
6 năm
@kobebryant vãi 😆)0
KOK
ĐẠI BÀNG
6 năm
KLM làm ăn thua lỗ liên tục, trong thời gian khủng hoảng ngành hàng không những năm cuối thập niên 90 và đầu thập niên 2000 đã buộc phải sáp nhập vào Air France rồi. Còn đâu Hoàng Gia với Hà Lan gì nữa.
Joe Ha
ĐẠI BÀNG
6 năm
@KOK Chuẩn!
Nếu bạn nào yêu thích máy bay, hay đi plane spotting hoặc thường xuyên di chuyễn bằng đường hàng không nhiều, có kiến thức về hàng không một tí mà để ý thì sẽ thấy rằng hiện nay tất cả máy bay của KLM đều đc sơn logo liên doanh Air France & KLM
Trên danh nghĩa thì vẫn là hãng quốc gia của Hà Lan, nhưng một phần hãng thược về Air France r, doanh thu của KLM sẽ đc tính như một hãng con của Air France, sau đó sẽ chia sẽ với chính phủ Hà Lan
cayowl
TÍCH CỰC
6 năm
@KOK Tuy nhiên thương hiệu KLM vẫn còn và có tầm ảnh hưởng chí ít tại Hà Lan nên mình nghĩ bài này để như vậy cũng ok. Máy bay của KLM vẫn có màu sơn riêng và logo của KLM. Mặc kệ chủ sở hữu của nó đi 😆
KOK
ĐẠI BÀNG
6 năm
@Joe Ha Một phần gì nữa, 90%. Thôi còn giữ được cái logo 😔
Nghe nói nhiều hãng hàng không thậm chí còn không sở hữu máy bay mà họ sẽ đi thuê, có thể thuê trực tiếp của Boeing, Airbus hoặc thuê từ 1 quốc gia nào đó có sở hữu máy bay.
Trong các hãng hàng không trên chỉ đi được Delta, mình rất thích hãng hàng không này vì nó khách với các hãng hàng không khác là tiếp viên toàn mấy bà già, nhìn họ rất cởi mở với lại người già tạo cho chuyến bay cảm giác an toàn. Vẫn không hiểu tại sao mấy hãng hàng không lại thích tiếp viên toàn mấy em trẻ đẹp, vì như vậy là rất phí phạm tuổi lao động😕 .Delta cũng rất chăm update máy bay mới không như AA với UA. Phải nói là rất thích và hài lòng.
icewine
ĐẠI BÀNG
6 năm
@suacogaihalan Mỹ thì mình cũng thích Delta hơn mấy thằng kia, ghét nhất là UA, đi với nó lần nào cũng có chuyện bực mình. Nhưng tiếp viên của mấy hãng Bắc Mỹ đa phần già khụ, nên lên máy bay chỉ mong nó sớm tắt đèn để ngủ. Dịch vụ thì mấy hãng châu Á vẫn hàng đầu, tiếp viên đẹp, đồ ăn ngon., chăn gối giày dép đủ cả.
@icewine Mình đồng ý là mấy hãng hàng không châu Á nó có tiếp viên đẹp, đồ ăn cũng ngon, nhiều opt hơn trên máy bay. Đa số người Việt mình thích đi mấy hãng hàng không châu Á. Nhưng Mấy hãng bắc Mĩ nó có văn hoá riêng của nó, nên bác biết giao tiếp tiếng Anh và quen với cái văn hoá đó thì bác sẽ thích hơn là đi mấy hãng châu Á, đặc biệt là Delta. Mình thấy tiếp viên Delta già hơn mấy hãng khác, mình nghĩ nhiều người là U60 hoặc hơn. Với lại không phải ai lên mấy bay cũng có tâm trạgn thưởng thức dịch vụ, thường khách hàng cảm thấy bồn chồn và đáp xuống cho nhan thôi, nên nhiều khi tiếp viên cao tuổi cũng có cái hay của nó. Cái này cũng do mấy nước như Mĩ Can thường không riếng gii mấy hãng hàng không mà công ty thường khó xa thải hoặc luân chuyển nhân viên dính đến tuổi tác, nếu bị bắt có thể bị phạt rất nặng vì nó bị qui vào age discrimination ( phận biệt tuổi tác). Mấy hãng Châu Á thì dễ hơn khoản này mới lại tụi nó còn giữ tư tưởng tiếp viên hàng không là hình ảnh của hãng😁:D:D
Đi Hãng Mĩ với mấy hãng Á cũng giống như đi vào một quán cafeteria ở Mĩ với quán cafe ở việt nam vậy. Ở quán cafeteria bác đi vào thường xuyên thì nhân viên sẽ quen mặt khách, buông lời trò chuyện, social kiss, tiếp viên xoề xoà, và cao tuổi, nhưng ngồi trong quá lâu lâu lại nghe vài câu joke của tiếp viên và tiếng cười toang của khách hàng. Còn quán cafe ở việt nam thì mấy em trẻ đẹp, dạ dạ, vâng vâng,thức ăn ngon, rẻ nhưng nhân viên không bao giờ nhớ mặt khách và khách cũng không biết tên nhân viên, đại loại như vậy.:D:D:D
Pleasures
ĐẠI BÀNG
6 năm
[​IMG]
Đẹp quá 😔
luong1994
ĐẠI BÀNG
6 năm
cái gì của nhà nước và nhất là những nhà nước tập quyền thì thường khó phá sản, cái gì của tư nhân cạnh tranh thị trường tự do thì phá sản nhanh thôi.
LGTelecom
ĐẠI BÀNG
6 năm
Quantas đi rồi,tuy có hơi đắt
Em ấy đẹp như tranh vẽ 😔 Ước gì có vợ đẹp như thế 😁

[​IMG]
@LRA Bác nói sai rồi, bọn tây nó không như bác nghĩ đâu. Nó chỉ theo tiền thôi 😃 Đặc biệt là với các cô gái trẻ gốc thành thị. Giữa một anh tây nước nó đẹp tranh menly nhưng thuộc dạng trung lưu trở xuống, với một thằng châu á lùn tịt giàu sụ, thì nó vẫn chọn thằng á ah.
hd79
CAO CẤP
6 năm
@lonely_haipro Có tiền chu cấp cho em nó không mà mơ vậy ? Ra rửa bát và thay quần đi
@lonely_haipro Gái nga rất đẹp. Ra bãi biển mũi né gặp mấy em nga là hút hồn liền. Tuy nhiền từ 25 tuổi trở xuống nhé, trên 25 tuổi nhìn cứ như 35 tuổi ở việt nam vậy.
@Đỗ thánh 2014 Gái Nga đẹp nhất ở đô tuổi 16-20. Đó là đỉnh cao của nhan sắc 😃
Thành lập, bay rồi phá sản là chuyện thường!
Có những hãng hàng ko chưa bay ngày nào đã dẹp tiệm kìa!
@QLNN Sai nha bạn, Hãng của bác Hà Dũng này có bay vài chuyến, lúc đầu thuê được 2 máy bay sau còn 1. Tổng kết 200 tỷ đổ sông đổ biển.
Tưởng Vietsex Air già nhất chứ! Nữ tiếp viên mặc đồ thời săn bắt hái lượm rất phồn thực, luôn mang "mâm ngũ quả" Trạng Quỳnh mời khách...
@MrDuc2010 Mình thấy Việt jet cũng được mà, nhân viên mặc vậy cho thoải mái. Hãng jetstar thì tiếp viên xấu thật.
@Đỗ thánh 2014 Ko biết vụ Viet Jet Air mặc bikini biểu diễn trước mặt khách sao? Rồi trước đội tuyển U23 VN sau khi từ TQ về. Báo chí nc ngoài và trong nc chửi quá trời! Kêu Viet Sex Air
Chimsau201
ĐẠI BÀNG
6 năm
@MrDuc2010 Thù dai vậy bạn?
Jaywalk
TÍCH CỰC
6 năm
tự nhiên nhớ cái tên Pacific airline 1 thời ở VN
Mình 25 này đi định cư mỹ. Mình xin ý kiến các bạn là nên đi hãng hàng không nào ?
prince8882
TÍCH CỰC
6 năm
@nightwish47 CHuẩn bác!. 25 tháng này thì mua vé phải vài tháng trước chứ giừo này mới mua thì quá hư cấu.
@suacogaihalan Mình đi từ sài gòn đến san jose. California.
@nightwish47 Mình định ngày 25 đi. Vì mình mới phỏng vấn đậu visa ngày 14. Mình thấy trên Traveloka nhiều hãng hàng không quá không biết nên đi cái nào.
@Jimmyphan1980 EVA or CHINA thôi.
Ưu tiên EVA ghế to hơn theo form người Tây. VNA hay CHINA ghế nhỏ, ngồi mười mấy tiếng mới thấy cảnh
😁 united airline
trieuluu
TÍCH CỰC
6 năm
thiếu ICAO : SGN 1956'
Tiếc cho Pan-Am.
Hãng Delay Airline không có trong này nhỉ 😁

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019