Tham dự Tech Lounge

Tham dự Tech Lounge


Razer Mamba + Firefly Hyperflux: chuột không dây dùng siêu tụ điện, mắt quang học tốt nhưng giá căng

bk9sw
14/6/2018 12:41Phản hồi: 66
Razer Mamba + Firefly Hyperflux: chuột không dây dùng siêu tụ điện, mắt quang học tốt nhưng giá căng
Razer Hyperflux là bộ đôi gồm chuột không dây Mamba Hyperflux và pad sạc không dây Firefly Hyperflux. Đây là đòn đáp trả của Razer đối với Logitech PowerPlay cũng như một số giải pháp tương tự đến từ Corsair. Hiện tại bộ đôi này có giá bán trên 6 triệu, mức giá cao và liệu nó có đáng? Mời anh em xem chi tiết:


Thiết kế của Mamba Hyperflux không còn giống dòng Mamba trước mà giờ hao hao DeathAdder Elite với form ergonomic cho người thuận tay phải, hợp với kiểu cầm palm và claw. Thiết kế 2 phím chuột chính của Mamba Hyperflux rất giống DA Elite nhưng cảm giác bấm rất khác biệt, lực nhấn nhẹ, tốc độ phản hồi rất cao và hầu như không có pretravel. Razer cho biết họ đã nâng cấp toàn bộ các phím chuột từ phím chính đến phím phụ, 2 phím DPI trên Mamba Hyperflux với công nghệ Hyperesponse, switch cũng là loại mới với hành trình và lực nhấn tối ưu hơn cho game thủ do Razer hợp tác cùng Omron phát triển. Với cảm giác nhấn nhẹ và nhạy như vậy thì mình nghĩ Mamba Hyperflux sẽ phù hợp với các tựa game đòi hỏi spam phím nhiều như MOBA, MMO hay MMORPG.

Tinhte.vn_Razer_Hyperflux-2.jpg
Tuy nhiên, 2 phím chuột chính vẫn liền khối với lưng chuột, vẫn trên cùng một miếng nhựa. Trong khi các hãng đang hướng đến thiết kế 2 phím chuột rời để tăng tuổi thọ cũng như duy trì cảm giác bấm qua thời gian sử dụng thì Razer chỉ mới áp dụng thiết kế này trên dòng Basilisk chuyên game FPS.

Tinhte.vn_Razer_Hyperflux-8.jpg
2 phím phụ có thiết kế tương tự DA Elite nhưng nhô cao hơn và cảm giác nhấn tốt hơn, nó không còn giống Mamba Wireless nữa. Thêm vào đó là thiết kế 2 dải su 2 bên chuột cũng theo phong cách mới với các rãnh chạy ngang, dễ bám bụi hơn nhưng đổi lại trải nghiệm cầm nắm tốt hơn nhiều so với kiểu thiết kế vân tổ ong như các thế hệ chuột trước. Ngoài ra Mamba Hyperflux cũng có nút chuyển profile lưu trên bộ nhớ chuột (chỗ có đèn trắng), vị trí này dễ tiếp cận hơn so với vị trí dưới đáy chuột trên các dòng Lancehead và Basilisk.

Tinhte.vn_Razer_Hyperflux-7.jpg
Con lăn thì vẫn không có nhiều thay đổi, bằng nhựa, có tích hợp đèn Chroma và hỗ trợ cuộn từng nấc với độ chính xác cao, ma sát cuộn thấp nên khi cần có thể cuộn nhanh mà không quá mỏi tay. Dù vậy mình vẫn hy vọng Razer trong thế hệ chuột tiếp theo nên tích hợp cơ chế điều chỉnh ma sát cuộn như hãng đã làm trên Basilisk để người dùng có thể sử dụng chuột theo cách mình muốn.

Tinhte.vn_Razer_Hyperflux-12.jpg
Hệ thống đèn Chroma trên Mamba Hyperflux đã đơn giản hơn, ngoài đèn trên con lăn thì chỉ có đèn trong logo Razer trên lưng chuột, phần đèn viền bao quanh nổi tiếng của dòng Mamba Wireless đã không còn. Ngoài ra Mamba Hyperflux còn có một phần đèn báo trạng tháo kết nối ở đuôi chuột, một dải đèn xanh và có thể tùy biến màu được. Khi đặt trên tấm pad Firefly Hyperflux, đèn báo trạng thái trên pad và chuột sẽ đồng màu khi kết nối và tắt khi mất kết nối.

Tinhte.vn_Razer_Hyperflux-2.jpg
Trọng lượng của nó chưa tới 100 g (96 g) thành ra nó rất lý tưởng để anh em vẩy chuột. So với những mẫu chuột không dây khác mà mình từng test qua của Razer như Lancehead Wireless, Mamba Wireless hay của Logitech như G900/G903 thì Mamba Hyperflux nhẹ nhất. Lý do khiến nó nhẹ là con chuột này không dùng pin sạc thông thường mà thay vào đó, năng lượng duy trì cho hoạt động của chuột lấy từ một chiếc siêu tụ điện (Flux). Đặc tính của siêu tụ điện thì anh em ít nhiều đã biết, nó có thể nạp năng lượng rất nhanh, xả cũng nhanh, thường dùng để câp năng lượng cao đột xuất chẳng hạn như dùng làm bộ kích trên xe hơi nhưng với kích thước nhỏ xíu trên Mamba Hyperflux thì nó không thể lưu trữ được nhiều năng lượng như pin Li-ion.

Tinhte.vn_Razer_Hyperflux-19.jpg
Thành ra tụ điện trên Mamba Hyperflux chỉ có thể duy trì hoạt động của chuột trong một khoảng thời gian ngắn, chừng chục giây khi bạn nhấc nó ra khỏi tấm pad sạc không dây. Hiểu đơn giản, Mamba Hyperflux chỉ có thể hoạt động không dây trên tấm pad Firefly Hyperflux, không có nó thì bạn chỉ có thể gắn dây trực tiếp vào Mamba Hyperflux để dùng như chuột có dây thông thường.

Tinhte.vn_Razer_Hyperflux-5.jpg
Về mặt cảm biến, những gì anh em từng ghét trên Mamba Wireless đã biến mất bởi giờ đây Mamba Hyperflux đã được trang bị cảm biến quang học 5G 16000 DPI với tốc độ đến 450 IPS. Đây là cảm biến PWM3389 - một biến thể của PWM3360 dành cho Razer, tương tự như PWM3366 trên các dòng chuột cao cấp của Logitech. Cảm biến này cho chất lượng tracking và độ chính xác cao, phù hợp để chơi game FPS nhờ IPS cao cũng như có gia tốc cực thấp. Những mẫu chuột được trang bị cảm biến này có thể kể đến Lancehead TE, Basilisk, DeathAdder Elite.

Cảm biến có DPI tối đa 16000 - DPI vẫn là yếu tố để quảng cáo nhiều hơn bởi chúng ta ít khi nào sử dụng đến mức DPI lớn đến vậy. Yếu tố cần quan tâm nhất là IPS (inches per second) hay tốc độ mà chuột có thể duy trì khả năng tracking tối đa và với Mamba Hyperflux, IPS của nó là 450. Polling rate của chuột tối đa 1000 Hz. Mình cũng kiểm tra nhanh về hiệu quả tracking của Mamba Hyperflux trên tấm pad Firefly Hyperflux và nhận thấy:

800 DPI.JPG 1600 DPI.JPG
Polling rate rất cao, ở thiết lập 1000 Hz thì tốc độ phản hồi thường trên 900 Hz và sẽ biến thiên tùy theo tốc độ bạn di chuyển chuột (phần Polling Speed trong hình). Thực ra chúng ta chỉ cần để polling rate ở mức 500 Hz là có thể chơi game tốt, 1000 Hz chỉ khiến CPU trên máy tính xử lý nhiều hơn và độ trễ giữa 2 mức 1000 và 500 Hz rất khó thấy, dù bạn là game thủ chuyên nghiệp. Đây cũng là điều mình khuyên anh em nếu đang sử dụng chuột không dây chơi game, nhất là với những mẫu chuột dùng pin thì 1000 Hz sẽ khiến pin mau hết hơn là 500 Hz.

IPS 450 tức 450 inch/s = 11,43 m/s, tốc độ rất cao và nó phản ánh một điều rằng nếu anh em vảy chuột ở tốc độ trên 11,43 m/s thì mắt đọc mới ngưng tracking. Như hình trên anh em có thể thấy tốc độ vảy của mình nhanh nhất cũng chỉ khoảng 3,79 m/s ở DPI 800 và ở tốc độ này thì mắt đọc PWM3389 không gặp vấn đề gì về tracking. Trong ô Precision, anh em có thể thấy độ chính xác của mắt đọc với chuyển động chuột đều. Bài test này mô phỏng thao tác rê chuột qua lại ở tốc độ đều, liên tục như vậy trong khoảng cách tổng cộng hơn 2 m, nếu anh em tô vẽ đồ họa thì sẽ không lạ gì thao tác này và độ chính xác của mắt đọc đạt 99,5% với cả 2 mức DPI 800 và 1600.

Quảng cáo


Tinhte.vn_Razer_Hyperflux-10.jpg
Chiếc mousepad Firefly Hyperflux về cơ bản có thiết kế tương tự như dòng Firefly thông thường riêng phần gù phía trên của pad to hơn để tích hợp receiver cũng như mạch logic điều khiển tính năng sạc không dây. Phần dây kết nối dĩ nhiên có thể tháo rời, chuột và pad dùng chung sợi dây này.

Tinhte.vn_Razer_Hyperflux-15.jpg
Firefly Hyperflux có kích thước 355 x 282,5 mm, dày khoảng 12,9 mm, tương đương một miếng pad cỡ trung, nó đủ rộng để anh em có thể chơi nhiều tựa game. Bề mặt pad có 2 kiểu, một mặt dạng vải (cloth) control và một mặt cứng (hard) speed. Như vậy anh em có thể chọn bề mặt dùng chuột theo thói quen điều khiển chuột của mình, mình thường dùng bề mặt vải để kiểm soát chuột tốt hơn với những tựa game cần sự tỉ mỉ, chính xác, chẳng hạn như LoL nhưng cũng thường dùng bề mặt cứng để di chuyển chuột nhanh hơn với game FPS.

Tinhte.vn_Razer_Hyperflux-3.jpg
Trước đây mình từng trên tay con PowerPlay của Logitech và điểm trừ lớn của chiếc pad sạc không dây này là mặt pad thường bị xê dịch khi chơi game. Razer đi sau và dĩ nhiên rút kinh nghiệm khi thiết kế Firefly Hyperflux với phần viền cao bao quanh phần pad bên trong, nhờ đó tấm pad không bị lệch, giữ độ ổn định tối đa khi chơi. Mặt dưới của Firefly Hyperflux cũng có thiết kế dạng tổ ong với bề mặt cao su chống trượt nên khả năng bám bề mặt như bàn gỗ cực tốt. Dù vậy, cũng cần lưu ý là anh em không nên dùng Firefly Hyperflux trên mặt bàn kim loại bởi nó sẽ ảnh hưởng đến tính năng sạc không dây.

Tinhte.vn_Razer_Hyperflux-17.jpg
Viền quanh Firefly Hyperflux cũng có đèn Chroma, cho phép tùy biến và đồng bộ với các phần cứng khác của Razer.

Tinhte.vn_Razer_Hyperflux-9.jpg
Hiệu năng của bộ đôi Hyperflux này ra sao? Với Mamba Hyperflux, các mức DPI mình thường dùng là 800, 1600 và 2400 DPI, thường là 800 vì mình chủ yếu dùng với màn hình có độ phân giải FHD. Lift-off luôn ở mức thấp nhất và thông số này anh em có thể chỉnh trong Razer Synapse 3.

1000 Hz, 800 DPI và 1600 DPI:

Quảng cáo


Mắt đọc PWM3389 của Mamba Hyperflux đạt hiệu năng tracking tương tự như Lancehead TE nhưng vẫn thua đôi chút so với Basilisk. Mình test ở chế độ không dây với 2 thiết lập DPI là 800 và 1600, lần lượt trên 2 mặt pad và kết quả như sau:

Mặt vải (cloth):

Cloth 800 DPI.png

Mặt cứng (hard):


Hard 800 DPI.png
Khi mình test thì tay sẽ rê chuột qua lại ở tốc độ rất nhanh trên 2 m/s, mỗi đầu mút thể hiện điểm đổi hướng, càng rê qua lại nhiều lần càng có nhiều đường lên xuống. Các đường lên xuống thẳng, điểm count bám sát giữa tâm các đường thẳng, không cong vòng, không thấy hiện tượng smoother làm cong đường đồ thị, gia tốc hầu như bằng 0. Đồ thị và các điểm count thể hiện sự nhất quán về khả năng tracking của mắt đọc ở các mức DPI khác nhau và tốc độ khác nhau. Với cùng là một cảm biến PWM3389 nhưng trên Mamba Hyperflux ở chế độ không dây thì một số điểm count ở các đầu mút của đồ thị rơi ra ngoài và có phần nhiều hơn so với 2 mẫu chuột có dây cùng mắt đọc là Lancehead TE và Basilisk (anh em có thể xem đồ thị của 2 mẫu chuột này bên dưới). Mình nghĩ thứ tác động đến hiệu năng là kết nối, ở polling rate 1000 Hz và tốc độ chuột cao thì khả năng tracking của mắt đọc bị ảnh hưởng đáng kể.

500 Hz, 800 DPI và 1600 DPI:


800 500 Hz.png
Thử nghiệm lại với polling rate 500 Hz, mặt pad cứng, kết quả đúng như mình dự đoán, số điểm count đã không còn rớt ra ngoài đồ thị nhiều nữa, hiệu năng tracking gần như tương đương với Basilisk luôn. Như vậy đã rõ, công nghệ kết nối của Razer vẫn chưa đủ tốt để gánh polling rate 1000 Hz nhưng 500 Hz thì dư sức. Mình thường để 500 Hz để giảm tải cho CPU và độ trễ cũng khó mà thấy được nên hài lòng với kết quả này.

Còn đây là đồ thị của Lancehead TE và Basilisk:

Lancehead TE:
800.png
Basilisk
Basilisk 800 CPI.png
Tinhte.vn_Razer_Hyperflux-11.jpg
Với kết nối không dây và kết quả tracking như vậy thì mình đánh giá cao độ chính xác của mắt đọc PWM3389 trên Mamba Hyperflux bởi hiệu năng của nó tương đương chuột có dây của Razer. Trải nghiệm chơi game với Mamba Hyperflux đã khiến mình suy nghĩ khác về chuột không dây của Razer vốn có thể nói là "cùi bắp" qua rất nhiều thế hệ như Mamba Wireless hay Lancehead Wireless. Mình đã dùng Mamba Hyperflux chơi game hàng ngày, song song với con G903 của Logitech và cảm nhận về hiệu năng tracking giữa 2 mẫu chuột không dây đầu bảng này không khác biệt quá lớn. Logitech G903 nặng hơn, đằm hơn, form đối xứng còn Mamba Hyperflux lại thiên về tính linh hoạt khi trọng lượng của nó rất nhẹ, đỡ mỏi khi chơi lâu.

Tinhte.vn_Razer_Hyperflux-6.jpg
Sử dụng chuột không dây mang lại sự "tự do" cho đôi tay, các hãng như Logitech, Razer vẫn đang cải tiến công nghệ kết nối qua thời gian để mang lại hiệu năng tương đương chuột có dây truyền thống. Trên cả G903 lẫn Mamba Hyperflux, công nghệ kết nối một lần nữa được chứng minh và anh em có thể yên tâm sử dụng để chơi game hardcore. Dù vậy, có một vài điều mình chưa thích trên Mamba Hyperflux, cũng xoay quanh chuyện pin Li-ion hay tụ điện. Razer chọn tụ điện để giảm trọng lượng nhưng điều này khiến Mamba Hyperflux trở nên kém linh hoạt hơn xét về tình huống sử dụng. Nó bắt buộc phải có pad Firefly Hyperflux để hoạt động không dây, nếu anh em muốn dùng các loại pad thông thường thì không có giải pháp nào, chỉ có cách gắn dây vào dùng như chuột thường bởi tụ điện không cấp đủ điện năng để duy trì hoạt động của chuột trong thời gian dài. Đây là một sự đánh đổi cũng như là hạn chế lớn nhất của Mamba Hyperflux, còn lại mọi thứ, mình rất hài lòng với nó.

Tinhte.vn_Razer_Hyperflux-4.jpg
Giá bán của bộ đôi Hyperflux này vào khoảng 6,6 triệu đồng - một mức giá rất cao nhưng nếu chia thành 2 thứ, 1 con chuột và 1 miếng pad thì mình nghĩ nó cũng tương đương với giá của bộ đôi Logitech G903 và pad PowerPlay. Razer không bán rời từng món bởi không có pad thì Mamba Hyperflux không dùng ở chế độ không dây được và ngược lại không có chuột thì tấm pad Firefly Hyperflux chẳng biết sạc cho ai, nó cũng không thể sạc được cho các thiết bị di động.
66 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

ôi razer blade pro kìa ,tình yêu của tôi😃
Cho hỏi Laptop hiệu gì thế?
@Darklord.Py Razer blade pro max option đấy, gần 120 chai :v
@Darklord.Py bản thấp thì khoảng 50 trai
@minhtymeo @@! Thôi giá này bỏ
6,6 tr thì đắn đo quá
mình nghĩ giá thế là hợp lý, combo mamba thường và firefly thường đã là khoảng 3tr-3tr5 rồi
Mấy bài của anh Quân luôn hardcore hơn hẳn.
@BillyTheKid96 Quân nào ta
@bk9sw Chết chết, em nhầm. Em xin lỗi
Mod @bk9sw là anh Khoa đúng không ạ?
chjcken12
TÍCH CỰC
6 năm
sao bác mod có thể xài chuột với dpi 800 được hay nhỉ 😁
mình xài dpi 1k mà vẫn hơi khó chịu (chuột max được 1k thôi :p )

ông anh mình toàn xài 2k mới chịu dc
@chjcken12 Mình xài dpi cực thấp quen, từ quãng 400 đến 800 :3
@chjcken12 Em bắn CSGO, DPI toàn <1000, riết dùng normal vẫn phải <1000 mới quen.
@chjcken12 Mỗi người một thói quen. Thắc mắc vớ vẩn.
chjcken12
TÍCH CỰC
6 năm
@DarthTyr mình thắc mắc vớ vẩn thì sao bạn 😁
Togari
TÍCH CỰC
6 năm
Vẫn đang rất hài lòng với Logitech G900, cá nhân mình thấy vụ sạc không dây không quá cần thiết khi giá quá cao và pin sạc hiện giờ xài vẫn khá tốt, sạc chỉ mất 1,5h. Thêm nữa chuột Razer xét về độ bền vẫn thua Logi, than phiền bị double click khá nhiều, ăn chắc mặc bền cứ Logi mà tương
IMG_20180615_120108.jpg
Togari
TÍCH CỰC
6 năm
@minhtymeo Em chơi trên hội Gear đều thấy chê Razer =)) hay seeder Logi trên đó nhiều nhỉ. Cá nhân e cũng chưa baoh xài đồ Razer cả :v
@Togari Mình xài razer max bền, mới thay con bwX vì lỡ ... đổ keo 502 lên con bw 2014 :v đèn đuốc gì xài quài ko chịu liệt 😁 ông @bk9sw cũng fan cuồng razer :D
@minhtymeo nó hơi kỳ lạ ở chỗ mình xài gear của Razer chưa thấy cái nào hỏng, cùng lắm là con phím bị loạn led vài nút chớ chuột chưa hư bao giờ, đồng hồ Razer Nabu tới h 3 năm còn chạy tốt :'(
@bk9sw 😁 kì là e cũng ko thấy cái nào hỏng, xài bw 2014 4 năm ko chịu hỏng, đổ keo 502 lên mới dc mua cái mới :D
gần 7 củ, chát nhỉ, mình cũng có 1 con của razer nhưng chỉ 2 củ thôi
bộ vỏ ngoài bao lâu lão hóa nhỉ, $ cao như này ít nhất phải cho ng ta 2 set feet .
sắm chuột khủng nhưng bắn toàn thua 😔
@justbenice 😁:D:D
@justbenice Rank gì bro ơi? =))
đã lâu rồi ko được chơi game pc , bác mod làm bài review về blade pro đi😃
@hoangphithanh

review cho bro. ông này review thì có gì nói đấy, chuẩn từng mm
@minhtymeo D2D thì được, tưởng hàng nhái nào là xóa bài ban nick luôn rồi 😁
@bk9sw D2D nói dễ nghe, review chuẩn, ko thiên vị, đo đạc chính xác, làm video cũng dễ nhìn, ko màu mè hoa lá cành, xem thích
_ Ngon, đắt xắt ra miếng. Tuy nhiên với mình, điểm trừ lớn nhất là nút bấm liền nắp trên, thiết kế như vậy sẽ kéo tuổi thọ ấn nút xuống rất rất nhiều, không phải do switch mà là do cái nút nhựa nó lão hóa, cái này không dc cải thiện từ khi những con chuột đầu tiên có nút bấm nhựa liền nắp 😁 Và ngoài ra, QC của Razer như shit, dùng ngon trong 6 tháng - 1 năm, và có khi trong 2 năm tiếp theo nó tã không thể tã hơn, anh em nào "ít tiền" muốn đầu tư 1 con lâu dài chơi thì nên xem xét vấn đề này :D

_ Hy vọng có bài trên tay con Logitech G305, khá đỉnh trong phân khúc của nó :D
Thsnh989
ĐẠI BÀNG
6 năm
@iceteazz Mình vừa lấy em g305 từ amazon về . Link dưới là bài review của mình :D , bác có thể kham thảo
https://tinhte.vn/threads/review-wireless-mice-logitech-g305.2804135/

[Review] Wireless Mice logitech g305 | Viết bởi Thsnh989

Chào mọi người 😃 , mình mới nhận được chuột g305 mới nhất của logitech từ amazon sau khoảng 2 tuần chờ đợi và sau khoảng 3 tiếng trải nghiệm con chuột này mình có vài cảm nhận cá nhân về chú wireless mice gaming này .
tinhte.vn
Togari
TÍCH CỰC
6 năm
@Thsnh989 Bác rv có tâm ghê =)) cái này gọi là trên tay thôi
Thsnh989
ĐẠI BÀNG
6 năm
Mang tiếng không dây nhưng vẫn phải dùng cái pad sạc có dây cắm vào laptop thì nói làm gì
trunglb
ĐẠI BÀNG
6 năm
Giá cao thật, chắc chắn các nút bên trong là của omron ghi hợp tác cho oai, mà siêu tụ điện gì được có vài giây, gắn 1 con tụ 1F vào chắc phải dc khoảng 30p chứ nhỉ
Xài mấy con chuột razer rồi, con nào build cũng dởm, dc cái mã ngoài đẹp thôi 😕
@MaxKenzie chuột đa số pro csgo nó dùng zowie là chính, thi thoảng có thêm logitech với steelseries, razer khá ít
@MaxKenzie Được mỗi con Death Adder là khá, Mamba tàm tạm, Orbweaver tương đối ổn... các dòng khác đúng kiểu tệ hại... được cái dòm gaming cool ngầu thôi chứ độ bền thất vọng vãi nồi... hầu hết các món khác mình còn bán được chứ đồ Razer giờ nằm trong thùng rác... - 1 thanh niên từng ngu dại sở hữu gần như toàn bộ top gear của Razer chia sẻ...
chuột xấu hơn bản Lancehead Wireless
hỏi mod có chơi fps chưa mà bảo dpi để quảng cáo...😕
@kungfu9999 chơi 16000 DPI hả, chỉnh lên mức đó bắn FPS xem 😁
xuanquyhnvn
ĐẠI BÀNG
6 năm
@kungfu9999 Ầy dùng mức dpi 16000 thì gẩy nhẹ nó bay ra đi đâu xừ nó rồi thì ếu ai dùng được 😃
@xuanquyhnvn mình nói DPI cao cũng chỉ là yếu tố marketing thôi, nhiều thứ khác cần quan tâm hơn 😁
@kungfu9999 Chơi fps pro player không thằng nào để dpi quá 2k đâu =)) Phổ biến là 800 với 400dpi

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019