Tham dự Tech Lounge

Tham dự Tech Lounge


Đánh giá Razer Blade Pro 4K: hoàn thiện cao cấp, mạnh, nóng và cái giá $4000

bk9sw
17/6/2018 12:38Phản hồi: 65
Đánh giá Razer Blade Pro 4K: hoàn thiện cao cấp, mạnh, nóng và cái giá $4000
Razer Blade Pro là con máy mà mình sẽ giới thiệu đến anh em hôm nay. Nó không phải là chiếc máy mới nhất nhưng hiện vẫn là chiếc máy laptop chơi game mỏng có cấu hình cao nhất trên thị trường hiện tại. Do khá hiếm nên dù đã có mặt trên thị trường hơn 1 năm, mình vẫn muốn chia sẻ với anh em vài nét về Blade Pro và phiên bản trong bài này là Blade Pro 4K.


Mình dùng Blade Pro từ sớm, hiện tại mình vẫn đang dùng con Blade Pro R2 tức thế hệ năm 2012, pin đã chai nhưng mọi thứ vẫn còn rất ổn. Giờ đây trên Blade Pro mới nhất, nhiều thứ trở nên khác lạ, những cái hay hồi xưa được thay thế bằng những cái hay mới hơn, mục tiêu sau cùng vẫn là mang lại trải nghiệm chơi game tốt nhất. Blade Pro không hẳn là một sản phẩm mà ai cũng muốn mua, giá của nó rất chát, lên đến trên $4000 như chiếc máy trong bài này.

Thiết kế: full nhôm, hoàn thiện cao cấp, tách biệt với số đông:


Tinhte.vn_Razer_Blade_Pro_4K-5.jpg
Thiết kế của Blade Pro thường được ví như chiếc MacBook Pro màu đen bởi toàn bộ vỏ được làm bằng nhôm, bề mặt phủ sần anodize và sơn màu đen. Cảm giác khi cầm Blade Pro rất khác, nó rất cao cấp và thật sự thì không nhiều mẫu máy trong phân khúc laptop chơi game mỏng đầu tư kỹ vào khâu hoàn thiện như Razer Blade Pro. Mình ở Tinh Tế làm việc hàng ngày và hầu như ai đi qua cũng lập tức để ý đến chiếc máy, có người dừng lại tò mò, có người lại hỏi vì trầm trồ.

Tinhte.vn_Razer_Blade_Pro_4K-17.jpg
So với các thế hệ trước thì Razer đã thiết kế lại bản lề, trọng lượng giữa màn hình và thân máy đã phù hợp hơn, cho phép mở màn hình bằng một tay rất mượt mà.

Tinhte.vn_Razer_Blade_Pro_4K-20.jpg
Độ mỏng của Razer Blade Pro là 22,5 mm và trọng lượng khoảng 3,6 kg. Hiện tại danh hiệu chiếc laptop chơi game mỏng nhất đã không còn thuộc về Blade Pro nhưng xét về cấu hình và độ mỏng này thì phải thừa nhận Razer đã rất liều lĩnh khi nhét vào nó một con CPU Core I dòng K và GPU GeForce GTX 1080.

Với kích thước 17,3" cùng với số đo các vòng như vậy thì Razer Blade Pro không hẳn là một mẫu laptop chơi game di động, chính xác ra là nó gọn nhưng không nhẹ. Nó vẫn nặng ngang ngửa với những chiếc máy chơi game cấu hình cao nhưng độ mỏng lại khiến chúng ta dễ mang theo trong balo cũng như di chuyển từ bàn này sang bàn khác khi cần.

Tinhte.vn_Razer_Blade_Pro_4K-19.jpg
Blade Pro có khá nhiều cổng kết nối, cạnh trái có 2 cổng USB 3.1 Gen1 (USB-A), RJ-45 KillerLAN, jack âm thanh 3,5 mm và jack cắm nguồn thiết kế khá lạ hình chữ nhật nhỏ hơn cổng USB tí. Cạnh phải có HDMI, thêm một cổng USB 3.1 Gen1 (USB-A) và 1 cổng Thunderbolt 3 (USB-C) kiêm luôn USB 3.1 Gen2 (10 Gbps), DisplayPort và lần này trên Blade Pro đã có khe đọc thẻ SD - một thứ mà nhiều thế hệ Blade trước đây không có và Razer trang bị khe này theo phản hồi của người dùng.

Tinhte.vn_Razer_Blade_Pro_4K-18.jpg
Đáy máy đơn giản là một tấm nhôm nguyên khối, gắn kết với thân bằng khá nhiều ốc sáu cạnh. Razer đã trang bị 2 miếng cao su dày để nâng máy lên, vừa tạo độ nghiêng để chúng ta gõ phím tốt hơn, vừa giúp máy tản nhiệt hiệu quả hơn nhờ gầm máy thoáng khí.

Bàn phím cơ Ultra Low Profile, bàn rê lớn đặt phải, có phím cuộn chỉnh volume:

Tinhte.vn_Razer_Blade_Pro_4K-8.jpg
Bàn phím cơ là một điểm mới đáng chú ý trên dòng Blade Pro 2017 và cũng chỉ được trang bị trên phiên bản Blade Pro 4K, phiên bản Blade Pro FHD dùng bàn phím thường. Razer gọi cái bàn phím này là bàn phím cơ Ultra-Low-Profile đầu tiên trên thế giới ý chỉ thiết kế bàn phím chiclet với keycap thấp tương tự như những chiếc bàn phím laptop khác nhưng bên dưới mỗi phím vẫn là switch cơ học.

Tinhte.vn_Razer_Blade_Pro_4K-23.jpg
Cảm giác gõ trên chiếc bàn phím này khá lạ bởi nó phản hồi rất tốt nhờ công tắc cơ học, có điểm kích hoạt và lực nhấn 65 g, thậm chí có cả tiếng clicky nhưng hành trình của phím ngắn khiến mình cảm thấy hơi hụt tay khi gõ bởi mình gõ bàn phím ThinkPad đã quen với hành trình dài. Sau một hồi điều chỉnh, mình bắt đầu gõ quen và gõ rất nhanh trên chiếc bàn phím cơ này.

Quảng cáo


Tinhte.vn_Razer_Blade_Pro_4K-11.jpg
Layout phím rộng rãi và không có phím số bởi phần phím số được tận dụng để đặt bàn rê. Hệ thống phím chức năng Fn bao gồm một số nút đa phương tiện và điều mình thích là Razer trang bị đến 2 nút Fn để bạn có thể bấm tổ hợp phím chức năng thuận tiện hơn.

Tinhte.vn_Razer_Blade_Pro_4K-22.jpg
Bàn phím được trang bị đèn backlit Chroma - công nghệ đèn RGB tương tự trên những chiếc bàn phím cơ Razer. Qua phần mềm Synapse 2.0, bạn có thể chỉnh các hiệu ứng đèn cũng như tùy biến đèn trên từng phím theo ý mình. Có một điều mà Razer vẫn chưa cải tiến qua các thế hệ Blade đó là đèn backlit không chiếu sáng các ký tự phụ trên keycap thành ra chúng ta phải nhớ vị trí của các phím đó để dùng với tổ hợp, nhất là khi dùng ban đêm.

Tinhte.vn_Razer_Blade_Pro_4K-10.jpg
Bàn rê từng là thứ độc đáo nhất trên Razer Blade Pro nhưng giờ thì bình thường hơn. Như thế hệ Razer Blade Pro trước 2015, bàn rê của máy là một chiếc màn hình cảm ứng được gọi là Razer Switchblade. Nó vừa có chức năng bàn rê, vừa hiển thị những thông tin về hệ thống cũng như game và đi kèm với 10 nút chức năng có thể tùy biến được phía trên. Tuy nhiên, Switchblade bị khai tử bởi nó thiếu ứng dụng và không phát huy mấy chức năng khi chơi game nên chuyển sang thế hệ Blade Pro 2017, Razer đã trang bị bàn rê đa điểm thông thường dạng clickpad với 2 phím chuột tích hợp bên dưới, diện tích bàn rê lớn hơn và bề mặt mượt mà hỗ trợ đa điểm ngon hơn. 2 phím chuột tích hợp dễ bấm và độ nẩy tốt.

Tinhte.vn_Razer_Blade_Pro_4K-24.jpg
Phía trên bàn rê giờ có thêm một nút cuộn để chỉnh âm lượng rất đẹp, thêm nữa là 4 nút đa phương tiện. Quanh bàn rê cũng có viền đèn Chroma, hỗ trợ tùy biến như bàn phím. Mình rất thích nút cuộn này bởi nó tiện vô cùng, giống như nút cuộn trên những chiếc bàn phím cơ của Logitech hay Corsair ngày trước.

Một điều mình không thích khi sử dụng Blade Pro hàng ngày là phần viền trước của máy rất sắc, nó không được vát kim cương nên khi đặt tay gõ phím thì viền cấn vào cổ tay, không thoải mái và mình thường phải tìm miếng vải hay giấy để lót cho êm.

Màn hình 4K IGZO G-Sync chất lượng cao:

Quảng cáo


Tinhte.vn_Razer_Blade_Pro_4K-7.jpg
Thiết kế màn hình của Blade Pro phiên bản 4K không mới, nó vẫn có viền dày và thiết kế viền mỏng khả năng sẽ xuất hiện trong phiên bản tiếp theo bởi Razer đã làm mới dòng Blade với phiên bản Blade 15" viền rất mỏng. Là màn hình 4K có cảm ứng nên màn hình có lớp kính phủ ra tràn viền, thiết kế này khiến màn hình long lanh hơn so với kiểu matte chống chói nhưng ngược lại phản chiếu mạnh, dùng ngoài trời phải mở sáng tối đa.

Chất lượng màn hình của Razer Blade Pro rất tốt, nó dùng tấm nền 17,3" công nghệ IGZO của Sharp thành ra ấn tượng đầu tiên là màu sắc rất tươi và độ tương phản cao, hút mắt và phù hợp đối với nội dung giải trí. Độ phân giải 4K cũng mang lại mật độ điểm ảnh lớn, khiến hình ảnh mịn và sắc nét dù kích thước màn hình lớn. Tuy nhiên nếu anh em quan tâm đến chuyện màu sắc phải chuẩn chỉnh để làm đồ họa thì dưới đây là kết quả đo từ Spyder4Elite.

AdobeRGB.JPG
NTSC.JPG sRGB.JPG
Màn hình đạt độ bao phủ các dải màu sắc rất rộng với 98% AdobeRGB, 93% NTSC và 100% sRGB - những con số rất lý tưởng đối với bất cứ anh em nào thường phải làm việc đồ họa. Độ sáng màn hình tối đa ở 296,5 nit và ở độ sáng này, black level đạt 0,41, tương phản 720:1 và nhiệt độ màu khoảng 7600K. Khi chỉnh độ sáng xuống mức 75%, khoảng 220 nit thì nhiệt độ màu lúc này là 6500K. Nhiệt độ màu của màn hình rất tốt, nó ngang ngửa với những chiếc màn hình có đồ họa chuyên dụng luôn. Tuy nhiên:

Delta-E.JPG
Tấm nền IGZO có một điểm đặc trưng là màu sắc luôn bị quá tươi, cần phải cân chỉnh nếu muốn dùng làm đồ họa, nhất là các màu như xanh dương và xanh lá. Thử kiểm tra Delta-E thì tỉ lệ trung bình ở 1.33 với một số màu bị sai lệch nhiều như xanh dương (2.31), xanh lá (2.96) và cam (2.43). Dù vậy, tỉ lệ sai lệch dưới 3.0 vẫn có thể xem là mức chấp nhận được đối với những ai có nhu cầu làm đồ họa nhiều mà không in ấn, nếu cân chỉnh lại thì màu sắc sẽ đẹp hơn đáng kể.

Tinhte.vn_Razer_Blade_Pro_4K-16.jpg
Gamma của màn hình dường như được Razer thiết lập ở mức 2.8 mặc định, nó vẫn cách xa thang gamma 2.2 tiêu chuẩn. Thành ra để đạt được độ chính xác màu tốt nhất thì chúng ta nên để độ sáng ở mức khoảng 70 - 80% trở lên, dưới mức này thì màu sắc bị sai lệch nhiều.
Màn hình cũng có tính năng cảm ứng nhưng mình ít khi đụng đến, nó hơi thừa thải và khiến giá của máy đội lên. Màn hình cảm ứng rất nhạy, hỗ trợ 10 điểm chạm và mình cũng chỉ tận dụng nó để thao tác nhanh khi làm việc, chạm nhiều chỉ khiến màn hình mau bẩn hơn.

Tinhte.vn_Razer_Blade_Pro_4K-14.jpg
Ngoài tấm nền chất lượng cao, hỗ trợ cảm ứng thì thứ tiếp theo khiến màn hình trở thành thành phần đắt tiền nhất trên Blade Pro đó là G-Sync - công nghệ đồng bộ khung hình của Nvidia. Với tốc độ làm tươi 60 Hz thì việc hỗ trợ G-Sync trên chiếc màn hình có độ phân giải 4K đi cùng với card đồ họa GTX 1080 rất hợp lý. Bởi lẽ GTX 1080 đủ sức kéo màn hình 4K cũng như nhiều tựa game có thể chơi được ở độ phân giải này. G-Sync hỗ trợ dải tần số từ 30 Hz đến tần số tối đa của màn hình, ở đây là 60 Hz thành ra với nhiều tựa game ở thiết lập đồ họa cao và phân giải 4K thì G-Sync sẽ phát huy tác dụng rất tốt khi nó giữ cho chuyển động game trở nên mượt mà hơn, giảm xé và giật tối đa khi khung hình tăng giảm đột ngột.

Mình đã thử nhiều tựa game và nhận thấy GTX 1080 cho phép chúng ta chơi tốt game ở độ phân giải 4K, đồ họa cao ở tỉ lệ khung hình trên 30 fps. Để kích hoạt G-Sync, chúng ta cần bật G-Sync trong driver Nvidia từ trước và tắt V-Sync trong game. Mình sẽ có một bài demo về tính năng này cụ thể hơn để anh em dễ hình dung.

Tinhte.vn_Razer_Blade_Pro_4K-12.jpg
Razer Blade Pro có 2 loa công suất khá lớn và nó cho chất lượng âm thanh rất tốt. 2 loa này có bass nhưng vẫn yếu, dải mid tốt và rõ, treble cao và độ lớn âm thanh đầu ra khoảng 80 dB. Âm thanh đi ra qua các dải loa nằm tại 2 bên bàn phím và bàn rê cũng như 2 khe nằm tại cạnh máy. Nhìn chung hệ thống loa này mang lại trải nghiệm giải trí ổn nhưng vẫn chưa hay, nó không có subwoofer nên bass thiếu làm giảm cảm xúc ít nhiều khi chơi game hay xem phim. Blade Pro đạt tiêu chuẩn THX nhưng chỉ hỗ trợ với tai nghe qua jack 3,5 mm.

Hiệu năng của Blade Pro ra sao?


Mình cũng tò mò từ khi chiếc máy này được Razer giới thiệu và giờ là cơ hội test thực tế.
  • CPU: Intel Core i7-7820HK (Kaby Lake) 4 nhân 8 luồng, 2,9 - 3,9 GHz, OC 4,2 GHz, 8 MB Cache, TDP 45 W;
  • GPU: Nvidia GeForce GTX 1080 1577 MHz, 8 GB GDDR5X;
  • RAM: 32 GB DDR4-2667 MHz hàn chết;
  • SSD: 2 x Samsung PM951 256 GB NVMe SSD chạy RAID 0 > 512 GB;
  • Kết nối: Killer E2500 GbE, Killer Wireless-ac 1535, Bluetooth 4.1;
  • Pin: 99 Wh;
  • OS: Windows 10 Home bản quyền.

Blade Pro vẫn chưa có phiên bản nâng cấp với CPU Core thế hệ 8, tuy nhiên Core i7-7820HK vẫn là một con CPU rất mạnh. Thử nghiệm với Cinebench R15, Core i7-7820HK trên Razer Blade Pro đạt 155 điểm đơn nhân và 769 điểm đa nhân với thiết lập mặc định và khi OC lên 4,2 GHz thì điểm đơn nhân đạt 185 điểm và đa nhân đạt 892 điểm. Như vậy sự chênh lệch về hiệu năng xử lý của CPU ở mặc định và OC khoảng 19,35% đơn nhân và gần 16% đa nhân.


So với Core i7-7700HQ - con CPU 4 nhân thế hệ Kaby Lake thuộc hàng phổ biến nhất trên laptop hiệu năng cao/gaming thì Core i7-7820HK toàn thắng với mức chênh lệch đáng kể về hiệu năng xử lý đa nhân nhờ lợi thế xung nhịp cao hơn. Tuy nhiên, nếu so với Core i7-8750H thế hệ Coffee Lake với 6 nhân 12 luồng, xung cơ bản 2,2 GHz > Turbo 4,1 GHz thì Core i7-7820HK hiển nhiên thua kém đáng kể về hiệu năng đa nhân, riêng đơn nhân thì Core i7-7820HK khi OC lên 4,2 GHz vẫn đạt hiệu năng cao hơn đôi chút so với với Core i7-8750H khi mức chênh xung nhịp lúc này là 100 MHz.

Đối với hầu hết các tình huống đa nhân, Core i7-7820HK chạy ở xung nhịp 3,5 GHz cho cả 4 nhân và khi chuyển sang chế độ OC thì xung được đẩy lên 4,2 GHz tối đa trong một khoảng thời gian vài giây sau đó hạ xuống mức 3,8 - 3,9 GHz đa nhân.


Kết quả PCMark cho thấy những mẫu máy chơi game cao cấp trong bảng trên đạt điểm số rất cao, mức chênh lệch không nhiều lắm, Razer Blade Pro khi OC lên 4,2 GHz thì đạt điểm số cao hơn đáng kể so với các mẫu máy còn lại nhưng nếu để xung mặc định thì chỉ ngang ngửa với chiếc MS GS73VR chạy Core i7-7700HQ mà thôi.


Cũng cần phải kiểm tra xem tốc độ ổ SSD trên Razer Blade Pro ra sao. 2 ổ Samsung PM951 chạy RAID 0 cho tốc độ đọc và ghi tuần tự lần lượt là 3200 MB/s đọc và 1522 MB/s giây. Tốc độ truy xuất ngẫu nhiên cũng rất cao, trên 550 MB/s đọc và 480 MB/s ghi. Dù vậy, cũng cần phải nói là Blade Pro 4K lại không có khe gắn ổ 2,5" dù thiết kế máy to lớn. Vì vậy chúng ta chỉ có tùy chọn lưu trữ tốc độ cao, giá cũng sẽ cao theo.


Benchmark hiệu năng của GPU GeForce GTX 1080 trên Blade Pro 4K, điều đáng chú ý là nó vẫn chạy phiên bản tiêu chuẩn thay vì Max-Q. Đối với bài test Cloud Gate thiên về năng lực xử lý Physics của CPU thì 3 mẫu máy chạy Core i7-8750H đều giành điểm cao hơn đáng kể nhờ lợi thế 6 nhân. Sức mạnh thật sự của GTX 1080 chỉ được phản ánh chính xác từ các bài test Fire Strike trở đi. Fire Strike (FHD), GTX 1080 trên Blade Pro 4K ở chế độ OC đạt điểm số 15166 điểm, cao nhất trong số các mẫu máy còn lại. Nhưng ở chế độ Balanced thì hiệu năng lại thua kém rõ rệt, 13636 điểm so với mức trên 14000 điểm của các mẫu máy chạy GTX 1080 Max-Q và điều mình nhận ra là Razer đã giảm TDP của GTX 1080 trên Blade Pro 4K với mức xung tối đa 1708 MHz, dưới mức xung 1733 MHz theo thiết kế của Nvidia để đảm bảo khả năng tản nhiệt của hệ thống.
So giữa GTX 1080 và GTX 1080 Max-Q qua bài test Time Spy thì anh em có thể thấy mức chênh lệch về hiệu năng vào khoảng 10%. Riêng giữa 2 chế độ Balanced và OC trên Blade Pro 4K thì mức chênh lệch hiệu năng chơi game vào khoảng 11,6% nếu chơi ở độ phân giải FHD nhưng chỉ 2,5% khi chơi ở độ phân giải 4K. Mọi vấn đề đều liên quan đến nhiệt độ hệ thống và anh em có thể xem cụ thể hơn trong phần nhiệt và pin bên dưới.

PUBG.jpg
Mình cũng chơi thử 3 game trên chiếc máy này và đo khung hình. Để đo tỉ lệ khung hình chính xác thì trên Blade Pro 4K, mình tắt tính năng G-Sync cũng như tắt V-Sync trong game.

  • Titanfall 2 thiết lập phân giải 4K, đồ họa Very High, khử răng cưa x16: khung hình tối thiểu 54 fps, tối đa 72 fps, trung bình 61 fps.
  • PUBG thiết lập phân giải FHD, đồ họa Ultra: khung hình tối thiểu 58 fps, tối đa 99 fps, trung bình 87 fps
  • PUBG thiết lập phân giải 4K, đồ họa Medium: khung hình tối thiểu 36 fps, tối đa 79 fps, trung bình 56 fps.
  • Battlefield 1 thiết lập phân giải FHD, đồ họa Ultra: khung hình tối thiểu 89 fps, tối đa 148 fps, trung bình 114 fps
  • Battlefield 1 thiết lập phân giải 4K, đồ họa Ultra: khung hình tối thiểu 41 fps, tối đa 58 fps, trung bình 51 fps.
Như vậy có thể hình dung cấu hình của Blade Pro 4K đủ mạnh để chúng ta có thể chơi rất nhiều tựa game ở thiết lập đồ họa cao nhưng lưu ý phải giảm độ phân giải xuống FHD hoặc 2K để đạt tỉ lệ khung hình cao hơn. Nếu chơi ở độ phân giải 4K với thiết lập đồ họa cao thì tỉ lệ khung hình khó có thể duy trì ở mức 60 fps với hầu hết những tựa game AAA hiện tại. Nhờ khả năng đồng bộ khung hình và tần số quét tương thích thành ra G-Sync sẽ giúp mang lại trải nghiệm chơi game mượt hơn ở tỉ lệ khung hình thấp. Thành ra ở 4K, chúng ta vẫn có thể chơi game mượt nhờ G-Sync.

Tản nhiệt khá tốt, vỏ rất nóng, pin gần 3 tiếng dùng văn phòng:

Nhiệt độ của Razer Blade và những chiếc máy chơi game mỏng nói chung luôn là chủ đề gây tranh cãi. Sự thật là máy mỏng, hệ thống tản nhiệt truyền thống với ống đồng và quạt thì hiệu quả tản nhiệt không thể nào so bì được với những chiếc máy dày cui. Trên Blade Pro 4K, Razer trang bị cho máy hệ thống tản nhiệt buồng hơi với 2 quạt lớn, hệ thống heatsink rất dày và 1 quạt phụ để điều hòa khí và làm mát cho các linh kiện khác.

Stresstest Balance Mode 1.JPG
Hệ thống tản nhiệt này tuy không hoành tráng như nhiều mẫu máy chơi game dày hơn nhưng lại hoạt động khá hiệu quả. Ở chế độ Balanced, khi chơi game 4K, CPU thường chạy ở mức xung 3,5 - 3,7 GHz và nhiệt độ CPU lúc này vào khoảng 85 độ C, còn cách 15 độ C đến ngưỡng Tj. GPU chạy full tải ở xung 1708 MHz và nhiệt độ GPU vào khoảng 84 độ C.

Capture.JPG
Khi chuyển qua chế độ OC, xung CPU đẩy lên ngưỡng 4,29 GHz thì lúc này nhiệt độ CPU rất nóng, lên đến 95 - 96 độ C và hệ thống tự động cắt xung xuống để đảm bảo an toàn. Khi cắt xuống còn 3,7 GHz thì nhiệt độ CPU cũng trở lại mức từ 80 đến 85 độ C. Trong khi đó, GPU vẫn ở mức dưới 84 độ C với mức xung gần như không đổi.

Mình thử stress test GPU bằng FurMark thiết lập phân giải 4K, MSAA 8X thì nhiệt độ GPU tối đa ở mức 87 độ C với thiết lập Balanced. Khi chuyển sang OC thì mức xung GPU tối đa lúc này là 1695 MHz, nhiệt độ tối đa 89 độ C và duy trì ở mức 88 - 89 độ C. Như vậy khi OC thì chỉ có CPU được đẩy lên xung nhịp cao hơn thôi, GPU, xung VRAM vẫn giữ nguyên.

Razer Blade Pro 4K Heatsink.jpg
Như hình trên, anh em có thể thấy tản nhiệt cho GPU bên trái với hệ thống buồng hơi và tản nhiệt CPU bên phải. Về cơ bản hệ thống này gồm 5 ống đồng trong đó 4 ống nối từ buồng hơi của GPU ra cả 2 quạt, 1 ống bên dưới đi cắt sang CPU, như vậy chia nhiệt một phần cho CPU. Nếu như Razer không cắt TDP, GPU sẽ phát sinh nhiều nhiệt hơn và CPU cũng sẽ gánh thêm một phần nhiệt, khiến nó khó lòng OC lên mức xung 4,3 GHz được. Nhìn cơ chế tản nhiệt này thì anh em hẳn đã ít nhiều hình dung được tại sao CPU có thể đạt xung cao, GPU bị cắt xung và không thay đổi gì ở cả 2 chế độ Balanced lẫn OC.

Nhiệt độ vỏ thì không nói cũng đoán được, Razer Blade Pro 4K tỏa ra rất nhiều nhiệt khi chơi game do thiết kế vỏ toàn nhôm. Khi nghỉ thì nhiệt độ vỏ chỉ vào khoảng 35 độ C, làm việc nhẹ nhàng cũng chỉ ở mức 37 - 38 độ C. Tuy nhiên khi chơi game thì vỏ nóng lên rất nhanh, mặt trong nơi chiếu nghỉ tay leo lên mức 48 độ C, vùng bàn phím và phía trên bàn phím đều trên 50 độ C, tối đa 53 độ C còn mặt đáy thì ngược lại mát hơn chút với nhiệt độ xung quanh vào khoảng 45 - 47 độ C, chỉ có 2 vùng nóng trên 50 độ C nằm ở gần các khe tản nhiệt.

Còn về pin, mặc dù được trang bị cục pin đến 99 Wh nhưng với cấu hình này và màn hình 4K thì thời lượng sử dụng pin chỉ ở mức trung bình. Mình dùng làm việc bình thường với các tác vụ văn phòng, độ sáng màn hình 50%, đèn nền phím Chroma mặc định thì pin chỉ cho phép sử dụng trong khoảng 2 giờ 40 phút. Để kéo dài thời lượng pin thì anh em có thể tắt đèn Chroma nhưng cũng chỉ thêm được khoảng 30 phút. Khi chơi game thì dĩ nhiên phải cắm sạc cho máy để đạt hiệu năng cao nhất.

Kết luận:


Tinhte.vn_Razer_Blade_Pro_4K-15.jpg
Razer Blade Pro 4K là chiếc laptop rất cao cấp, rất mạnh và cũng rất đắt tiền. Ở thế hệ này, Razer đã cải tiến rất nhiều về thiết kế, vẫn còn đó kiểu hoàn thiện rất kỹ càng, bàn phím cơ gõ khá thích và bàn rê xịn, thao tác thoải mái. Màn hình 4K IGZO rất chất lượng, phù hợp với nhiều nhu cầu sử dụng từ giải trí đến đồ họa. Cấu hình thì rất cao cấp với vi xử lý hỗ trợ OC, GPU cũng thuộc hàng đầu bảng hiện tại khi thế hệ GTX tiếp theo vẫn chưa xuất hiện, RAM tốc độ cao và ổ SSD chạy RAID 0 cho tốc độ truy xuất rất nhanh. Điều mình ngạc nhiên nhất là hệ thống tản nhiệt, nó khác biệt hẳn so với thiết kế tản nhiệt thường thấy trên những mẫu máy chơi game thường thấy của ASUS hay MSI, Razer luôn tìm hướng đi riêng và lần này hệ thống tản nhiệt này đủ tốt để CPU và GPU có thể chạy ở hiệu năng cao nhất có thể.

Tinhte.vn_Razer_Blade_Pro_4K-3.jpg
Tuy nhiên, cũng vì đam mê cái đẹp và mỏng, Razer khó có thể khiến Blade Pro 4K trở nên mát hơn nữa. Xung GPU bị cắt giảm theo TDP là một ví dụ cho thấy sự giới hạn của hệ thống tản nhiệt này. Thêm nữa là vỏ máy vẫn rất nóng, Razer vẫn chưa có giải pháp cách ly nhiệt vỏ máy cho người dùng khiến trải nghiệm sự dụng bị ảnh hưởng nhiều. Razer Blade 15 - thế hệ Blade mới đã ra mắt với thiết kế mới hoàn toàn, hệ thống tản nhiệt cũng mới toanh và hy vọng những công nghệ trên dòng máy này sẽ được Razer đưa sang Blade Pro để khiến dòng laptop chơi game đầu bảng của hãng xứng đáng hơn với mức giá cao cấp mà người dùng bỏ ra.

Tinhte.vn_Razer_Blade_Pro_4K-4.jpg
Nếu anh em thích Blade Pro, hãy chọn phiên bản Blade Pro FHD với CPU không OC, GPU GTX 1060 với hệ thống tản nhiệt tương tự. Thành ra với cấu hình thấp hơn thì Blade Pro FHD sẽ mát hơn và mức giá cũng mềm hơn khi về đến Việt Nam nếu anh em mua hàng xách tay cũng dưới 50 triệu đồng. Đó là chưa kể phiên bản FHD còn có ổ 2,5" 2 TB đi kèm với ổ M.2 và RAM có thể nâng cấp được thay vì hàn chết trên bo mạch như Blade Pro 4K.

Điều mình thích:
  • Thiết kế rất đẹp, hoàn thiện cao cấp;
  • Màn hình 4K IGZO chất lượng cao, hỗ trợ G-Sync;
  • Hệ thống âm thanh khá tốt, âm lượng đầu ra lớn, giải trí được;
  • Bàn phím cơ Chroma độ nẩy tốt, bàn rê to và thuận tay khi thao tác, có cả nút cuộn chỉnh volume;
  • Cấu hình mạnh, chơi được rất nhiều tựa game AAA.

Điểm mình chưa thích:
  • Vỏ rất nóng khi chơi game;
  • Viền màn hình vẫn còn dày;
  • RAM không nâng cấp được;
  • Không thể gắn thêm ổ 2,5";
  • Mức giá cao.
Cảm ơn ThinkPro đã cho mình mượn cái máy này.
65 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Máy dày viền dày....
4000$ . Cũng đáng để suy ngẫm .
@minhthuvc suy ngẫm 😃 4000 1 là có tiền thích k cần đắn đo . 2 là k có nên chỉ xem và chắc chắn k mua . già này cần gì suy nghĩ
vmphuc
ĐẠI BÀNG
6 năm
@mimi_emyeu Cũng đắn đo chứ bác, nếu có 4k$ để mua gaming thì mình sẽ ko mua Razer mà mua Alienware. Danh tiếng và độ tin cậy của Alienware thì từ xưa đến nay rồi.
Razer ra con blade 15 mới sao bác k review mà lại trên tay con hàng từ năm ngoái này =)))
@Vizh Bác có ở hà nội k khi nào ae giao lưu máy phát =))) mình mua bản 1070 256gb (về upgrade ssd sau)
@Vizh mua bằng cách nào vậy bác. hay là vào web razer đặt hàng rồi nó ship về việt nam cho mình😃
@Roku Shinigami mua bằng cách nào vậy bác. hay là vào web razer đặt hàng rồi nó ship về việt nam cho mình
@hoangphithanh Mùnh có người nhà xác về bạn ơi =))) mua ơ rrazer store bị đắt hơn nhiều đó =)))
vietsnam
TÍCH CỰC
6 năm
Cứ xác định lap mõng chơi game thì luôn nóng bỏng đi .
mokakdha
TÍCH CỰC
6 năm
làm em này về đánh word sướng
chờ đời mới nhất ra mình sẽ mua. thực sự là thích từ cái nhìn đầu tiên
HuyNg57
ĐẠI BÀNG
6 năm
Đánh giá về máy trạm đi bác ơi, kiểu như hp zbook stuido g3,g4, dell precision 5510,5520,..
Thèm Aorus.
Cùng một công việc, hoàn thành chậm hơn desktop cấu hình tương đương (CPU đã tắt turbo boost) đến 54%


Thật phí tiền với thứ overpriced BGA turdbook này :rolleyes:
@DarthTyr Chỉ có mấy thằng rảnh háng tối ngày ngồi so sánh này nọ rồi nghĩ mình thông minh. Giống cái bọn sài Android ấy 😁 Nhắc lại, đừng dạy người giàu cách xài tiền. Có tiền mua dùng đi rồi tính tiếp, chứ cái bọn càu phím thì đầy trên mạng. Haha
@htevn Thôi bác nta có trong nghề đâu mà biết. E kỳ cụi vác con Zbook G3 nhìn tụi vác mac pro 13 mà thèm.
thienlandu
ĐẠI BÀNG
6 năm
@DarthTyr t thì chơi luôn 2 cái. 1 con lap acer vx15 cấu hình cũng vừa vừa. lâu lâu đi ra ngoài hay đi công tác mới dùng. công việc, game gì cũng chơi đc nhưng chơi k lâu do đi công tác mà, làm 3 4 trận PUBG rồi đi ngủ. còn đi làm thì có máy trên cty rồi. ở nhà thì có con PC cấu hình cao với màng 27 inch cho trải nghiệm tốt nhất có thể. 😁 hợp lý
@tungjk tao có con pc máy bàn 100 củ dell bao giờ đụng tới từ khi dùng laptop dù ở nhà hay đi chơi
Hjx. Nhìn cái nhiệt độ hơn 80 thấy hãi hãi. Giờ laptop mình chỉ chọn máy dòng multimedia hay mac thui chứ ko chơi gaming nữa. Con gs60 cày game chắc được năm mà ko phải ngày nào cũng chơi mà tã ơi là tã. Lỗi tùm lum
@nam03021vn12 mình chơi hằng ngày vẫn bình thường mà =)
Cảm ứng để làm gì =)), với cái nhiệt độ gần 100 độ cho cả cpu lẫn gpu thế kia chơi 1 năm bảo hành 2 lần đến hết bảo hành là vừa đủ mua máy mới =))
Phải mình thì chia budget ra làm 2. Cỡ 15-20tr mua con lap multimedia. Còn lại đập dàn pc. Vừa chơi game phà phà, vừa vác đi làm đc 😁
Ham hố j con lap cấu hình khủng thật khủng, vừa nặng vừa ko chơi game ngon như pc, pin lại lởm nữa. Đi đâu cũng vác cục sạc thì máy có nhẹ mấy cũng nặng thôi :D
Ps đấy là ý kiến chủ quan nhé, đừng có ông nào vô phán dạy cách tiêu tiền bla bla
@thanhdat3796 Đừng dạy cách tiêu tiền 😆)
thienlandu
ĐẠI BÀNG
6 năm
@thanhdat3796 oh t cũng thế. 1 con lap acer vx15 cấu hình cũng vừa vừa. lâu lâu đi ra ngoài hay đi công tác mới dùng. công việc, game gì cũng chơi đc nhưng chơi k lâu do đi công tác mà, làm 3 4 trận PUBG rồi đi ngủ. còn đi làm thì có máy trên cty rồi. ở nhà thì có con PC cấu hình cao với màng 27 inch cho trải nghiệm tốt nhất có thể. :D hợp lý
@thanhdat3796 còn tao mua pc 100 củ về vứt xó từ khi có con laptop khủng
Không nên mua máy mỏng này bởi ví nó dùng dòng HK mà HK ko OC đc thì mua làm gì cho phí tiền, chỉ để làm màu 😁
hima0494
ĐẠI BÀNG
6 năm
không thích vị trí đặt touchpad không thuận tay tí nào
solarbizz
TÍCH CỰC
6 năm
Màn hình của con này ngon quá 17 inch 4k nhìn bản đo màu là mê 😁
demon151
ĐẠI BÀNG
6 năm
bỏ 4k$ ra mua cái lò bbq về =)), nice
khung hình chưa đủ 60 mà tắt gsync bảo bị xé???? xé chỉ khi khung hình feed cho màn hơn nhiều reếh rate của màn thôi.

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019