Tham dự Tech Lounge

Tham dự Tech Lounge


Thế giới tai nghe năm 2015

AudioPsycho
15/1/2016 2:26Phản hồi: 0
Tổng kết 2015 - Những ứng viên sáng giá cover.jpg
Năm 2015 đã qua với các sự kiện nổi bật trong làng âm thanh thế giới. Hàng loạt các sản phẩm tai nghe cũng như thiết bị âm thanh đã ra mắt với chất lượng âm thanh tinh tế và kiểu dáng thời trang càng đánh dấu rõ hơn cho sự phát triển nhanh chóng của lĩnh vực tai nghe trong những năm gần đây. Tai nghe không còn là một thứ gì đó quá xa lạ nữa mà nó đã trở nên thật gần gũi và thân thiết.

Từ xưa… Tai nghe đã ra đời từ khá lâu với công nghệ và thiết kế thật thô sơ và giản dị. Ngay từ khi chiếc Walkman ra đời, chiếc tai nghe đã được đi kèm theo máy như một phụ kiện không thể thiếu. Mãi cho đến khi máy nghe nhạc iPod vinh danh, chiếc tai nghe vươn tầm trở thành một thứ gì đó cao cấp và thời trang, đánh dấu cho thời kỳ sung mãn và phát triển mạnh mẽ nhất của tai nghe. Sau đó, những chiếc tai nghe cao cấp bắt đầu được phát triển và ra đời nhanh chóng.

Người dùng đã từng rất thận trọng với thị trường tai nghe lúc bấy giờ. Đa số họ đều nghĩ rằng chiếc tai nghe chỉ là một công cụ phát âm thanh, và “cái nào cũng như nhau”. Kinh doanh tai nghe lúc bấy giờ cũng khá vất vả, các nhãn hiệu chưa được đa dạng và nhất là chưa chứng minh được cho người dùng rằng số tiền họ đầu tư cho tai nghe là chính đáng. Chiếc tai nghe Sennheiser HD 600 với giá $349 vào lúc đó được xem như một sản phẩm cao cấp và xa xỉ, ngay cả những chiếc tai nghe Grado SR60 với giá $69 cũng có số lượng bán ra không nhiều.

Vào năm 2008 Monster và Dr Dre cho ra đời dòng sản phẩm tai nghe Studio. Với chiến dịch quảng cáo mạnh mẽ, thị trường tai nghe gần như sôi sục. Giới trẻ tìm kiếm, lùng sục và sử dụng dòng tai nghe này như một món trang sức thời thượng.

Tổng kết 2015 - Những ứng viên sáng giá 1.jpg
Đó cũng là lúc thị trường tai nghe cao cấp chính thức phát triển với doanh thu tăng trưởng kinh ngạc. Đa số người dùng lúc đó chưa quan tâm nhiều lắm đến chất lượng thực sự mà chiếc tai nghe mang lại. Họ bị quyến rũ bởi các chiêu trò tâm lý, những panô quảng cáo viết câu từ khen ngợi của các ngôi sao nổi tiếng. Ludacris và 50Cent, Koss với Tony Bennet, AKG cùng sự góp mặt của Quincy Jones… là những ví dụ tiêu biểu. Năm 2011 là một trong những nhăm đánh dấu thăng trầm nhiều nhất của dòng tai nghe Beats.


Và đúng như vậy, đa số những hình ảnh quảng cáo tai nghe chỉ là một ngôi sao nổi tiếng nào đó đeo chiếc tai nghe buông hờ quanh cổ, tươi cười và khen ngợi, thế thôi. Không một đánh giá nào như chất âm, độ thoải mái, độ trung thực âm thanh hay tiện lợi, vv… là cần thiết. Chỉ cần là hình ảnh của một ngôi sao nào đó cũng đủ làm giới trẻ phát điên và lùng sục, tìm kiếm chiếc tai nghe trên cổ thần tượng của mình.

Khi hiện tượng Beats thoái trào cũng là lúc “ai về nhà nấy”. Công ty Fanny Wang giải thể, cùng chung số phận với công ty California Headphone (sản xuất dòng sản phẩm Silverado và Lorado). Ultimate Ears trở về sở trường IEM của mình, với thị phần bị chia sẻ. Hãng Phonak đến từ Thụy Sỹ với các IEM chất lượng cao cũng phải ra về khi không cạnh tranh nổi thương hiệu. Các tên tuổi quảng cáo một thời cũng im hơi lặng tiếng, cứ thế mọi chuyện lắng dần.

Thế đấy, tai nghe đâu chỉ là một thiết bị để so đo phong cách, một mảnh trang sức thời thượng thể hiện mức “chơi” của người dùng. Tai nghe là một thiết bị âm thanh để thưởng thức âm nhạc, chứ chẳng phải là một chiếc vòng cổ ngẫu hứng. Cái chúng ta cần ở đây là một chiếc tai nghe đúng nghĩa của nó, chất âm tốt, tinh tế, độ tiện dụng, khả năng tương thích cao hay giá thành hợp lý mới chính là những tiêu chí cần thiết và phải có ở một chiếc tai nghe, những thứ khác chỉ là phụ.

Vậy chất lượng những chiếc tai nghe đã thực sự được truy cầu đúng mức chưa? Thật ra với phần lớn người dùng, cả phổ thông lẫn audiophile, chiếc tai nghe vẫn chỉ là một công cụ để “nghe” mà thôi, chứ chưa phải là để “thưởng thức” đúng nghĩa.

…đến nay.

Thị phần chưa chắc đã là một yếu tố quyết định cho chiếc tai nghe có được quan tâm nhiều hay không. Thật đáng mừng khi thời kỳ nghe nhạc “hip-hop style” với mỗi chiếc tai nghe bán ra là một cặp giầy thể thao có chủ đã qua rồi. Giới nghe nhạc hiện nay đang ngày càng trở nên tinh tế hơn khi chọn cho mình một cặp tai nghe phù hợp, không còn chạy theo xu thế và trào lưu như ngày xưa nữa.

Tổng kết 2015 - Những ứng viên sáng giá 2.jpg

Theo NPD Group, chỉ riêng Beats và Bose đã nắm trong tay 44% thị phần tai nghe US. Năm nhãn hiệu tai nghe lớn nhất thị trường US bao gồm: Beats, Bose, Sony, Skullcandy và LG. Trong đó các nhãn hiệu tai nghe cao cấp bao gồm: Beats, Bose, Jaybird, Sennheiser và Sony. Sau đây là bảng so sánh về các loại tai nghe được sản xuất tại Trung Quốc:

Quảng cáo



Tổng kết 2015 - Những ứng viên sáng giá 3.jpg
Ta có thể thấy đi đầu là “ông lớn” Beats, sau đó đến Plantronics và Sennheiser, Bose đứng khá thấp nhường đường cho Sony và AKG thâm nhập thị trường. Platronics đứng vững ở vị trí của mình với các dòng tai nghe sở trường.

Ngày nay với sự phổ biến của điện thoại di động và smartphone, chiếc tai nghe đã trở thành một thiết bị giải trí không thể thiếu. Các dòng tai nghe cao cấp có giá từ $300 trở lên đang rất được ưa chuộng bởi giới trẻ sành điệu. Điều này làm cho thị phần tai nghe trở nên màu mỡ hơn, thu hút các thương hiệu tai nghe cao cấp cùng nhập cuộc. Ta có thể nhận ra rằng ngay từ năm 2008 lúc Beats ra đời, chiếc tai nghe không chỉ đánh vào thị trường bằng chất âm hay thông số kỹ thuật tốt, mà nó để lại dấu ấn sâu nhất nhờ các chiến dịch quảng cáo rầm rộ cùng kiểu dáng thời trang, hợp mốt. Hệ lụy là ngay cả các nhà sản xuất tầm trung ít tên tuổi trong làng âm thanh cũng nhảy vào tranh miếng bánh “cao cấp”, làm loạn thị trường các thiết bị âm thanh cao cấp thực sự.

Về phần các tai nghe earphone OEM sản xuất tại Trung Quốc, 95% được sản xuất theo quy chế OEM với số lượng lớn. Mức lợi nhuận cao ngất ngưởng trên 50% riêng cho thương hiệu, và khoảng hơn 10% cho bên gia công. Tuy nhiên do các chi phí về quảng cáo, vận chuyển hay bào hành, thường thì mức lợi nhuận đạt được khá thấp nếu tuân thủ một quy trình đầy đủ. Do đó các nhà phân phốithường chỉ tập trung quảng bá thương hiệu, chuyển giao phần gia công cho riêng một đơn vị khác đảm trách.

Vài thông số ngoài lề:


Tai nghe có thị phần doanh thu đứng thứ sáu trong danh sách thị phần thiết bị điện tử, với điện thoại smartphones ($51 tỷ), máy tablets ($25 tỷ), TV ($18 tỷ), máy tính xách tay ($18 tỷ), xe động cơ ($14 tỷ, kể cả linh kiện từ hãng).

Tổng doanh thu tai nghe trên thế giới: $9.8 tỷ. Trong đó thị phần tai nghe US chiếm $2.9 tỷ với doanh thu tai nghe cao cấp tương đương $1.4 tỷ.

Quảng cáo



Tai nghe với mức tăng trưởng cao trong năm 2015 gồm Bluetooth 63%, tai nghe có kèm mic 54%, tai nghe thể thao 7%, tai nghe móc tai 9%. Tai nghe màng sinh học cũng đang có những bước đột phá đáng chú ý.

Tai nghe in-ear chiếm 61% trong tổng số tai nghe bán ra trên thế giới, tai nghe wireless chiếm 21%, tai nghe với mic chiếm 36%, Apple Earpod chiếm khoảng 5%, 4% là các tai nghe thể thao và 23% là các tai nghe của Beats.

Tổng kết 2015 - Những ứng viên sáng giá 4.jpg
Tương lai của tai nghe phổ thông

Đa số các thương hiệu dù mới hay cũ hiện nay đều tuân theo một hướng phát triển chung: Đó là cải thiện và nâng cấp, làm tốt những lợi thế và sở trường, nhằm đánh dấu ấn tượng trong lòng người dùng đồng thời củng cố thương hiệu của mình trên một mảng thị phần nhất định. Đây là một phương pháp rất khôn ngoan, không chỉ giúp củng cố thị phần cho thương hiệu nói riêng mà còn có khả năng tìm kiếm và chọn lọc nguồn khách hàng trung thành và phù hợp với sản phẩm. Sau khi đã giữ vững thị phần vốn có thương hiệu đó có thể sẽ hợp tác hay bành trướng để tăng cao thêm ảnh hưởng của mình lên thị trường chung.

Ví dụ, vào năm ngoái, Beats cho ra đời dòng tai nghe hoàn toàn mới với chất lượng cũng như kiểu dáng vượt trội, gây ấn tượng mạnh trong giới âm thanh chuyên nghiệp và truyền thông, đánh dấu quá trình phát triển cũng như sự lớn mạnh của thương thiệu Beats. Beats cũng gia công một số tai nghe với thương hiệu Apple, góp phần đưa sản phẩm tiếp cận từng tiêu chuẩn và sở thích riêng biệt của người dùng trên mặt trận tai nghe. Không lâu nữa có thể chúng ta sẽ được tiếp cận các tai nghe với cáp Lightning thay vì jack 3.5mm thông thường.

Kế tiếp ta có thể nhắc đến Bose. Đã từ lâu chất lượng âm thanh của tai nghe Bose là một điều không cần bàn cãi, đây cũng là tiêu chí quan trọng của các tai nghe Bose từ trước đến nay. Tai nghe của Bose đứng đầu với khả năng triệt tiêu tiếng ồn cực tốt, hầu như có một không hai trên thị trường tai nghe hiện nay. Nghe tin đồn rằng từ iPhone 7 trở đi jack 3.5mm sẽ bị thay thế, chúng ta cùng chờ xem động thái của Bose như thế nào.

Tổng kết 2015 - Những ứng viên sáng giá 5.jpg
Còn Sony thì sao? Sở hữu hàng loạt các sản phẩm có tầm giá từ thấp đến cao với một thị phần vững vàng cùng hệ thống phân phối chặt chẽ, thương hiệu Sony từ lâu luôn là một trong những “anh cả” của ngành thiết bị điện tử. Tuy nhiên mức doanh thu của Sony không phát triển là mấy, gần như hòa vốn và không phát triển thêm được. Có thể Sony sẽ tập trung phát triển dòng sản phẩm giá thành thấp với mẫu mã đa dạng hòng thâm nhập vào thị trường tai nghe giới trẻ hiện nay. Các dòng tai nghe HiRes Audio cũng là một trong những dự tính trong tương lai của Sony để gỡ gạc lại danh tiếng và tên tuổi của mình. Đây là một tin khá phấn khởi cho giới audiophile chúng ta.

Khác với các thương hiệu trên, Skullcandy tập trung vào từng dòng sản phẩm tai nghe dành riêng cho âm nhạc, thể thao, chơi game… và đạt được các thành công đáng chú ý. Tai nghe Skullcandy có giá thành vừa phải, chất lượng và hiệu năng tốt luôn làm hài loàng người sử dụng. Skullcandy chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển dựa trên các tiêu chí này để có thể phát triển xa hơn nữa. Skullcandy cũng đang nỗ lực thu hút đầu tư từ các bên để cải thiện giá trị chứng khoán của mình.

Tiếp theo chính là Sennheiser, một ông lớn với thị phần tai nghe cao cấp chiếm hơn một nửa tổng thị phần các bên khác, với chiến dịch quảng cáo rầm rộ cũng như họp báo, hội nghị tin tức báo chí các loại. Tai nghe Sennheiser có chất âm tốt, tuy không quá tinh tế, nhưng cũng đủ làm hài lòng đa số bộ phận người dùng phổ thông và cao cấp. Trong khoảng bốn năm gần đây, Sennheiser giới thiệu dòng tai nghe Momentum và Urbanite dành cho giới trẻ cả về phong cách “pro” hay “urban”. Sennheiser còn chăm chỉ nâng cấp các dòng tai nghe phổ thông, DJ, gaming, thể thao… để tạo ra một bước tiến mới cho thương hiệu của mình.

Các đối thủ cạnh tranh như AKG, Philips, Beyer, Audio Technica… cũng liên tục tung ra các dòng tai nghe chất lượng cao để thi thố nhằm giành được một góc trong miếng bánh lợi nhuận. Tuy chưa thể sánh ngang cùng các đàn anh như Bose, Plantronics, Skullcandy và Jaybird, nhưng trong vài năm nữa với mức phát triển như hiện nay, một vài thay đổi về giá thành và dịch vụ có thể đảo ngược thế cờ, làm cho các ông lớn phải suy nghĩ lại.

Lạm bàn


Thị trường phát triển và các đòi hỏi về tai nghe của người dùng vẫn còn đang trong một giai đoạn quá non trẻ để có thể nhận thức được tiêu chuẩn âm thanh cần có và phải có trong một chiếc tai nghe cao cấp. Trong tương lai có thể các loại tai nghe công nghệ cao sử dụng cảm biến sinh học hay các tai nghe có khả năng chơi nhạc HiRes sẽ phát triển mạnh và phổ biến hơn. Với công nghệ như hiện nay, những cải tiến đó đều nằm trong dự đoán, cái quan trọng chính là nhận thức và đòi hỏi của người nghe phải cao, bắt buộc công nghệ phải phát triển.

Hiện nay hầu hết các dòng tai nghe có giá dưới $200 được đánh giá có chất lượng tốt đều đến từ các thương hiệu danh tiếng cho chất âm khá tốt. Ở khoảng $200 đến $400 ta có nhiều lựa chọn hơn về chất âm, kiểu dáng, màu sắc hay mức tương thích (cần amp hay không amp). Thường thì ở tầm giá này nổi bật chỉ có các dòng tai nghe đến từ NAD, Focal, V-Moda, hay Koss. Trên $1000 là vùng đất của các loại tai nghe con cưng cao cấp đến từ Audeze, HiFiMAN, Mr. Speakers, Stax, Enigmacoustics, vv…

Tổng kết 2015 - Những ứng viên sáng giá 6.jpg
Mức giá từ $600 đến $900 nằm trong khoảng mà dân audiophile gọi là Mid-HighEnd (cao trung). Ta có thể tự hỏi, tốn chi phí bao nhiêu để làm ra một chiếc tai nghe cao cấp? Không một ai biết điều đó cả. Đa số những chiếc tai nghe có giá cao, ví dụ $1500, đều có giá trị từ các chi tiết riêng về sở thích cá nhân hay các chi phí phụ khác như quảng cáo hay thương hiệu, làm cho nó có mức giá cao như vậy. Đây là một điều khó tránh khỏi đối với thị hiếu tai nghe hiện nay, khi mà đâu đó vẫn còn những người mua theo sở thích và sự sành điệu, không quan tâm đến các thứ khác.

Các công ty tiêu biểu trong năm 2015


Massdrop


Trong năm 2015 Massdrop tung ra các sản phẩm cải tiến từ các dòng tai nghe cổ điển với chất âm được làm lại tốt hơn. Các sản phẩm của Massdrop nhận được nhiều khen ngợi với tiêu chí “thiết kế của người dùng cho người dùng”. Không có một dòng sản phẩm nhất định nào, Massdrop đánh vào thị hiếu custom của người dùng, mang đến các thiết kế phù hợp với mỗi sở thích khác nhau.

Schiit


monospace.vn-schiit-yggdrasil.jpg

Schiit để lại dấu ấn với các sản phẩm có chất lượng cao cùng giá thành vừa phải. Mức giá của các sản phẩm từ Schiit có thể nói là tốt nhất trong tầm sản phẩm cao cấp cao trung. Ví như Yggdrasil DAC với giá $2299 có chất lượng tương đương, hay phải nói là có phần nào ngang với Antelope DAC có giá cao hơn rất nhiều.

Các sản phẩm tiêu biểu 2015


Sennheiser Momentum Wireless ($499)

monospace.vn-sennheiser-momentum-wireless.jpg

Tuy có ngưỡng peak khá cao và chất âm dồn dập, Momentum khá phù hợp khi xem phim trên iPad hay làm chiếc tai nghe cho smartphone. Sennheiser Momentum Wireless rất thoải mái khi đeo trong thời gian dài, lượng pin cao cũng là một điểm nổi bật của chiếc tai nghe này, tuy nhiên khả năng triệt tiêu tiếng ồn chỉ ở tầm trung mà thôi.

Mr. Speakers Ether ($1499)

monospace.vn-ether.jpeg

Tai nghe planar magnetic Mr. Speakers Ether với chất âm trung thực, nhẹ nhàng, tinh tế, thiết kế chắc chắn và sang trọng dễ dàng làm mê hoặc bất cứ tín đồ âm nhạc nào. Thương hiệu Mr. Speakers được thành lập bởi Dan Clark, chính ông cũng là người một mình tạo ra Ether chỉ với kiến thức, sự đam mê và lòng cần cù sáng tạo của mình.

Dịch và biên soạn theo InnerFidelity
Chia sẻ

Xu hướng

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019