Bauhaus: Cuộc cách mạng "tối giản" định hình cả thế kỷ XX

P.W
13/8/2018 20:20Phản hồi: 52
Bauhaus: Cuộc cách mạng "tối giản" định hình cả thế kỷ XX
Bauhaus, nói không ngoa, chính là phong trào mỹ thuật đã lột xác hoàn toàn cách mà hầu hết cả thế giới thiết kế các vật dụng hàng ngày.

Bauhaus? Nó là tên một tòa nhà, nơi phong trào này được khai sinh vào năm 1919, nghĩa là 99 năm về trước. Gọi Bauhaus là một ngôi trường có lẽ cũng không đúng, dù rằng bản chất từ này được những nhà thiết kế hiểu nôm na là “ngôi trường xây dựng các công trình”. Sở dĩ nói như vậy là vì Bauhaus giống một cái “think tank” hiện đại hơn, nơi những cái đầu khoa học gia, nhà mỹ thuật, nhà thiết kế cùng ngồi lại với nhau để sản sinh ra những triết lý mỹ thuật ứng dụng định hình cho thế kỷ XX và những năm sau đó.

Tinhte_Bauhaus1.jpg
Địa điểm đầu tiên của Bauhaus, Weimar, Đức

Ngôi trường đặc biệt này hoạt động trong vòng 14 năm, từ 1919 đến 1933. Vậy Bauhaus cụ thể là gì, và nó có tác động ra sao tới cách con người ngày nay thiết kế mỹ thuật công nghiệp và ứng dụng?

Tàn cuộc chiến, và những hệ quả


Lúc này, bản thân thế giới có sự xáo trộn mạnh sau cuộc Thế chiến thứ nhất. Hoàng gia Đức bị phế truất, nền cộng hòa Weimar được khai sinh. Những giá trị cũ, những thứ rườm rà cổ lỗ dù đẹp mắt nhưng thiếu tính thực dụng bắt đầu bị thay đổi. Trong bối cảnh một xã hội cổ vũ những cái mới, mỹ thuật bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Chủ nghĩa hiện đại, vốn manh nha vào cuối thế kỷ XIX, bắt đầu được truyền bá rộng rãi hơn tại Đức. Và một tư tưởng duy nhất gần như đã khai sinh trường phái Bauhaus.

Tinhte_Bauhaus2.jpg
Walter Gropius

Đó chính là tư tưởng của nhà thiết kế William Morris, người Anh, sống vào cuối thế kỷ XIX. Ông cho rằng mỹ thuật phải đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Thiết kế và chức năng phải hỗ trợ cho nhau, chứ không thể tách rời. Từ tư tưởng đó, kiến trúc sư Walter Gropius đã mở một “ngôi trường” có tên Bauhaus ở Weimar, Thuringia vào năm 1919.

Khát vọng hợp nhất mỹ thuật và thực tế


Đúng. Ở trung tâm, mục tiêu hàng đầu của Bauhaus là tái hình dung lại những chất liệu, đồ vật, tác phẩm để mô tả một phong cách mỹ thuật chung. Bản thân “Tuyên ngôn Bauhaus” của Gropius cũng đã vẽ ra kim chỉ nam cho cả phong trào. Ông vẽ nên một nhóm các nghệ nhân làm việc ở nhiều ngành, từ kiến trúc, điêu khắc và tranh vẽ cùng có chung một tầm nhìn và phong cách mỹ thuật. Không chỉ dừng ở đó, Gropius còn tạo ra cả một chương trình giảng dạy riêng giúp bất kỳ nhà thiết kế nào cũng có thể hiểu được triết lý để thiết kế những vật dụng vừa đẹp mắt vừa hữu ích cho cuộc sống mới.

Tinhte_Bauhaus3.jpg

Tại Bauhaus, những “học viên” được tìm hiểu và giảng dạy cả về mỹ thuật và thiết kế. Những ngày đầu, họ được nói về lý thuyết chất liệu, màu sắc và thậm chí dạy cả… kỹ năng mềm vì những người ở đây đến từ nhiều tầng lớp và học vấn khác nhau. Sau đó, họ mới được tiếp cận đến lý thuyết chuyên sâu.

Dĩ nhiên không chỉ có đọc sách và nghe giảng, ở đó họ còn phải tự thực hành để hiểu hơn các chất liệu, từ thiết kế nội thất, rèn kim loại, dệt vải, làm đồ gốm… Họ hoạt động y hệt như những nhóm dạy làm đồ thủ công nhiều thế kỷ trước. Nhưng trái lại, tuyệt đại đa số những lý thuyết và kinh nghiệm chế tác đã tồn tại hàng trăm năm đều bị bỏ đi hết, thay vào đó là những thứ mới, đơn giản dễ tiếp cận hơn, với mục đích đơn giản là hợp nhất sự sáng tạo và chế tạo.

Quảng cáo



Tinhte_Bauhaus4.jpg

Từ lý thuyết thị giác, xa gần, khoảng cách, khoảng trống, bố cục, hình họa, tất cả đều được tái định hình và áp dụng để tạo ra sự hài hòa hợp mắt nhất trong thiết kế và các tác phẩm.

Có lẽ tại Bauhaus, nơi sôi nổi nhất chính là phòng thực hành nội thất. Những thiết kế táo bạo nhưng đầy cá tính đã xuất hiện ở đây. Những chiếc ghế được thiết kế và lắp ráp sao cho bề ngoài đơn giản nhất, nhưng tính năng phải thực dụng nhất có thể. Một trong số đó có tên Club Chair (Model B3), thứ đã định hình nên tài năng của Marcel Breuer. Gọn, nhẹ, dễ sản xuất, dễ lắp đặt, chỉ dùng những ống thép uốn và vải:

Tinhte_Bauhaus5.jpg

Thực dụng, và đầy tính đương đại


Không chỉ dừng lại ở chế tác và nghiên cứu các chất liệu, Bauhaus còn là nơi những tác phẩm mỹ thuật hay thực dụng hơn là những bộ font chữ hiện đại, tròn trịa và đầy hơi thở đương đại những năm 1920 được sáng tạo.

Quảng cáo



Bản thân typography tại đây cũng là một cách thể hiện cảm xúc của người nghệ sỹ. Nhưng nó vẫn phải tuân theo triết lý: Rõ ràng, đơn giản, thực dụng. Ở thời kỳ báo chí và quảng cáo bắt đầu phát triển mạnh mẽ, việc tạo ra những bộ font đáp ứng được nhu cầu của con người cũng là điều các nhà thiết kế quan tâm. Dưới sự dẫn dắt của Laszlo Moholy-Nagy và Herbert Bayer, những bộ font “không chân” (sans serif) hiện đại đậm tính tiên phong đã ra đời, ví như Bayer Universal chẳng hạn.

Tinhte_Bauhaus6.jpg

Ở một đất nước đã quen dùng bộ font chữ lấy cảm hứng từ những văn bản thời trung cổ như nước Đức, thiết kế vừa mới mẻ lại vừa có nét cổ điển của Herbert Bayer đã khiến dư luận xôn xao. Bản thân bộ font chữ này cũng đã gắn liền với toàn bộ quãng thời gian đỉnh cao của phong trào Bauhaus.

Sau in ấn, nội thất là đến kiến trúc. Những tòa nhà mang hình khối đơn giản, vuông thành sắc cạnh hay tròn trịa đều đặn đã trở thành thương hiệu của phong trào mỹ thuật này. Đối với các kiến trúc sư và nhà thiết kế ở đây, một chi tiết không có công năng sử dụng cho con người đơn giản là chi tiết thừa thãi cần phải bị loại bỏ. Và thế là hoa văn trang trí, những cây cột khía góc như thời La Mã đều không tồn tại. Địa điểm còn lưu giữ 4.000 công trình thuộc phong cách này là Thành phố Trắng, Tel Aviv, Israel:

Tinhte_Bauhaus7.jpg

Tuy nhiên bản thân Gropius cũng không phải một người căm ghét và đối chọi lại chủ nghĩa biểu hiện đến từ Hà Lan, vốn rườm rà, nhiều chi tiết, thể hiện cảm tính một cách quá mức thay vì có kỷ luật, gọn gàng như Bauhaus. Nhưng ông vẫn giữ nguyên quan điểm và lý tưởng của mình: “Kiến trúc phải đáp ứng được yêu cầu của thời đại mới, một thời đại với máy móc, radio và những chiếc xe hơi chạy vun vút”.

Bùng lên từ một cuộc chiến tranh, thoái trào cũng vì một cuộc chiến tranh


Năm 1925, Gropius chuyển ngôi trường đặc biệt Bauhaus tới địa điểm mới Dessau, vùng Saxony-Anhalt. Lúc này bản thân nội tình của Bauhaus cũng trở nên phức tạp khi không có nguồn thu. Việc thiếu hụt nguyên vật liệu tại Đức thời bấy giờ đã khiến ngay cả những nghệ sỹ cũng phải tham gia vào công cuộc sản xuất. Sau những lục đục chính trị ở vùng Thuringia lúc ấy, Bauhaus buộc phải chuyển về cơ sở mới ở Dessau.

Tinhte_Bauhaus8.jpg
Địa điểm thứ hai, Dessau

Năm 1928, Hannes Meyer trở thành giám đốc mới của Bauhaus khi Gropius từ chức. Cũng là một kiến trúc sư nhưng những kinh nghiệm tại ABC Group trước đó đã khiến Meyer đem về cho Bauhaus hai hợp đồng lớn, đó là 5 tòa căn hộ tại thành phố Dessau, và trường ADGB Trade Union tại Bernau bei Berlin. Các khách hàng tỏ ra thích thú với cách làm việc chuyên nghiệp của Meyer, cũng như việc sử dụng những chất liệu thi công giá rẻ mà vẫn bền từ phòng nghiên cứu. Cả hai công trình này đều còn tồn tại đến ngày hôm nay.

Nhưng bản thân Meyer cũng là một người gây nhiều tranh cãi. Ông không mong đợi kết quả từ chương trình dạy tính thẩm mỹ, bắt Herbert Bauer, Marcel Breuer và nhiều giảng viên công thần phải từ chức. Những lục đục nội bộ này, có lẽ chẳng là gì nếu so sánh với mối nguy đang dần lớn: Đảng Quốc xã Đức. Khi đảng này chiếm được quyền kiểm soát Dassau, chúng đã bắt Meyer phải đóng cửa trường và chuyển về một nhà máy bị bỏ hoang ở Berlin. Tranh cãi hay không, Meyer cũng tự bỏ tiền túi để tiếp tục hoạt động Bauhaus.

Tinhte_Bauhaus9.jpg
Giờ đây khu nhà máy bỏ hoang tại Berlin này đã trở thành một bảo tàng về phong trào Bauhaus

Mọi chuyện trở nên tồi tệ khi Hitler lên nắm quyền.

Những kẻ phát xít bôi nhọ hình ảnh của Bauhaus. Chúng cho rằng một dân tộc giàu truyền thống như người Đức không hà cớ gì phải đi theo lối thiết kế quá hiện đại, nhà cửa mái phẳng lì như Bauhaus. Năm 1933, dưới sức ép của Gestapo, địa điểm ở Berlin của Bauhaus bị đóng cửa. Tuy nhiên sau khi nhập cư sang Mỹ, Ludwig Mies van de Rohe, giám đốc thứ 3 của Bauhaus đã nhận vị trí giám đốc trường kiến trúc trực thuộc học viện Armour, nay là Học viên Công nghệ bang Illinois. Chính ông đã đưa phong cách New Bauhaus tái sinh tại Mỹ.

Tinhte_Bauhaus10.jpg
Những thiết kế nội thất đơn giản, màu sắc nổi bật trẻ trung những năm 50 60 tại Mỹ chính là kết quả của New Bauhaus

Còn về phần Gropius, ông đến Mỹ, giảng dạy bộ môn thiết kế tại Harvard, và nhiều khai quốc công thần khác của Bauhaus cũng tìm được điểm đến như mong muốn.

Tráo trở là ở chỗ, sau khi chèn ép những nhà thiết kế với triết lý mới, chính phát xít Đức khi mở Autobahn đầu tiên năm 1935 lại sử dụng nhiều thiết kế của Mies van der Rohe cho các cây cầu và trạm nghỉ ven đường.

Di sản định hình cả nhân loại thế kỷ XX


Bauhaus ngay từ khi còn đang tồn tại đã khiến nhiều nhà thiết kế của các nước khác học tập, từ Hungary, Mỹ, Canada.

Sau Thế chiến thứ 2, triết lý Bauhaus lại tái sinh, với Max Bill, một học trò từng theo học ngôi trường này mở cửa Học viện Thiết kế ở Ulm, Đức năm 1953. Ngôi trường đi theo đúng những gì Bauhaus đã dẫn đường cho ông 20 năm về trước. Chính Bill là người đóng góp rất lớn trong việc phổ biến phong trào hình học trừu tượng nổi bật trong những thập kỷ 60 và 70 của thế kỷ trước.

Tinhte_Bauhaus11.jpg
Max Bill

Không có Bauhaus, có lẽ sẽ chẳng có những bộ môn thiết kế đồ họa hay mỹ thuật công nghiệp như ngày hôm nay. Có lẽ ngần đó là đủ để nói về di sản mà người Đức 100 năm về trước đã để lại cho chúng ta.

Sau này, nhiều người nhận định rằng, Bauhaus chỉ là một góc nhìn máy móc thiên lệch về thế giới quan. Nó sạch sẽ nhưng thiếu thốn tình người. Nhưng nói gì thì nói, Bauhaus đã định hình lại cách con người thiết kế và sản xuất nhiều đồ dùng trong cuộc sống. Từ chiếc bàn chiếc ghế, cái radio, điện thoại, cây bút, tất cả đều gọn gàng, trẻ trung và đơn giản hơn nhiều.

Người Đức xưa nay có lẽ vẫn vậy, kỷ luật, đơn giản và thực tế đến mức thực dụng. Chiếc radio Braun, cây bút Lamy, chiếc đồng hồ Nomos có lẽ phản ánh chính xác nhất tầm ảnh hưởng của Bauhaus đối với thế giới mỹ thuật công nghiệp hiện đại.

Tinhte_Bauhaus13.jpg

Tinhte_Bauhaus15.jpg

Tinhte_Bauhaus14.jpg

Bản thân những phong cách nội thất tối giản hay Scandinavian cũng dựa trên Bauhaus. Chỉ khác một chút là Scandinavian có sự phá cách để mô tả cảm xúc của con người, chứ không nhất thiết phải tuân theo quy luật thiết kế - công năng một cách tối đa như Bauhaus. Những hình khối rườm rà vẫn có đất sống, nhưng chúng vừa là điểm nhấn, vừa phải có tác dụng trong một ngôi nhà.

Tinhte_Bauhaus16.jpg

Để kết thúc bài viết, mình muốn hỏi anh em, hẳn anh em nhớ chiếc ghế khung thép chân quỳ và bọc lưới nhựa hay ngồi ở cơ quan thay vì chiếc ghế xoay bọc nỉ nóng nực chứ? Dưới đây là tác phẩm Cesca Chair của Marcel Breuer, thiết kế và lắp năm 1928. Mình nghĩ rằng chiếc ghế đơn giản tưởng chừng không quan trọng này đủ sức mô tả triết lý cũng như tầm ảnh hưởng của Bauhaus tới toàn bộ ngành thiết kế hiện đại:

Tinhte_Bauhaus12.jpeg

Tham khảo The Art StoryMetMuseum
52 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

nanguyen102
ĐẠI BÀNG
6 năm
Quá tuyệt!mình thích sự đơn giản, tinh tế
ides
CAO CẤP
6 năm
Nói nhỏ chứ hồi nãy mình tấn công ddos tinhte đó :v
Nhìn đồ Bauhaus phê lòi. Minimalist nhìn sạch mắt vl.
leo_hlm
TÍCH CỰC
6 năm
Tối giản nhìn nó dễ chịu và sạch mắt nhưng buồn tẻ
@leo_hlm ở 1 mình trong ngôi nhà toàn đồ đạc thiết kế kiểu này rất dễ thấy cô đơn.
Fibbo
TÍCH CỰC
6 năm
@leo_hlm Đơn giản và đơn điệu nó có ranh giới mong manh lắm 😁
fankaka8
ĐẠI BÀNG
6 năm
Anh em học kiến trúc thì hầu như ai cũng biết đến ngôi trường này 😃
Less is more!
Cái ghế cuối tấm hình là ứng dụng nhiều nhất...đi cty, nhà ở hay bất cứ đâu đầu thấy kỉu này....
ntcongnd
ĐẠI BÀNG
6 năm
Mình rất thích dùng mấy cái ghế chân quỳ bọc lưới, ngồi làm việc ko bị nóng. Không bị di chuyển khó chịu. Khi mỏi lưng thì ngả ra nhún nhún tì cho thư giãn. Bản thân mình cũng là KTS và mình thích thiết kế theo trường phái Hiện Đại
ndh103
ĐẠI BÀNG
6 năm
Đồng hồ của Đức thiết kế theo Bauhaus phải nói là đỉnh cao nghệ thuật
alex.hn
CAO CẤP
6 năm
Trước giờ mới chỉ biết đến bauhaus là tên một bộ font chữ thôi, nay mới biết thêm về phong cách bauhaus như này.
Hồi mới có font bauhaus làm powerpoint nhìn lạ mắt hẳn.
ArchHoangSon
ĐẠI BÀNG
6 năm
Mình rất ủng hộ tinh tế có những bài viết về kiến thức nghệ thuật như thế này, nhưng góp ý với tác giả là nên nghiên cứu kĩ hơn về vấn đề trc khi viết, và viết một cách thực tế hơn vào vấn đề hơn là cưỡi ngựa xem hoa giới thiệu rất nhiều nhưng không túm lại được vấn đề là gì.
Ví dụ như nói về bauhaus nhưng mình đọc mãi cũng không thấy túm lại bauhaus nói cho cùng là gì. Nói về bối cảnh ra đời của bauhaus nhưng lại không nói gì đến bối cảnh văn hóa, xã hội, khoa học đã sinh ra chủ nghĩa công năng vốn là cốt lõi của modernism mà Bauhaus là một xu hướng trong đó. Nếu mà không nắm được những lý luận nền tảng mà chỉ giới thiệu về biểu hiện bề mặt thì mình cho là người đọc qua rồi cũng chỉ trôi tuột đi mà không có gì đọng lại.
dniw0601
ĐẠI BÀNG
6 năm
@zerodhs Em nghĩ bác chịu khó wiki vậy. Viết đủ thế thì phải quyển sánh ý.
quá tuyệt vời
anhphu195
ĐẠI BÀNG
6 năm
không ngờ đằng sau chữ BAUHAUS lại dài vậy 😆 Trước giờ nghĩ đơn giản (bauen là xây dựng,haus là nhà) . ghép lại là nhà cho việc xây dựng deco nhà ...
20cent
TÍCH CỰC
6 năm
Cảm ơn nhưng thông tin này... nếu thiết kế thì mình thích scandinavian hơn... đúng như bài viết đề cập nó phá cách hơn nhưng trải nghiệm sẽ không tốt bằng Bauhaus...
Mình cực kì thích thiết kế tối giản và phẳng, thiên về thực dụng này
Khá dị ứng với thiết kế truyền thống Á Đông nhìn nhiều khi cải lương dễ sợ.
Cột kèo bàn ghế sập gụ cứ phải chạm khắc cả tỉ thứ lên, lúc lau chùi mệt thấy bà cố.
😃 nền kiến thức và văn hóa.
cdang
TÍCH CỰC
6 năm
Nhắc đến Bauhaus là nhớ đến chiếc đồng hồ Đức với kim nung xanh này liền...


Less is more!
forus1983
ĐẠI BÀNG
6 năm
@cdang Con này đơn giản nhg ko hiểu sao có sự tinh tế và sức hút kỳ lạ! Mỗi tội giá hơi chát và phải order khá lâu.
tq@thanh
TÍCH CỰC
6 năm
@forus1983 Phải nói là nhìn rất tinh tế, ở VN giờ có chỗ bán rồi đó bác, Ở Q7 thì phải..
ddawng.ngn
TÍCH CỰC
6 năm
Bauhaus có nghĩa đơn giản là ngôi nhà được xây dựng 😆
@ĐăngrousApple Nicht annähernd 😃

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019