Tham dự Tech Lounge

Tham dự Tech Lounge


[Cùng nghe] Chất nhạc của Donald Fagen qua album The Nightfly

AudioPsycho
15/8/2018 13:28Phản hồi: 128
[Cùng nghe] Chất nhạc của Donald Fagen qua album The Nightfly
Hôm nay mình sẽ giới thiệu mọi người tới một trong những đĩa vinyl hay nhất trong bộ sưu tập của mình: The Nightfly của Donald Fagen. Hiếm có một album nào mà làm mình nghe từ đầu đến cuối không nhấc mông ra khỏi ghế được, phong cách chơi nhạc, hòa âm phối khí, sự ngẫu hứng, cách hát nghệ sĩ vô cùng và năng lượng tỏa ra từ những nốt nhạc đưa người nghe đến cái "sướng". Dynamic Range của bản thu không có một từ để chê, toàn bộ album rất tĩnh, các nhạc cụ có độ tương phản cao và nổi khối tốt, không gian gần gũi, âm lượng hài hòa. Mình rất mong mọi người lên Youtube hoặc mở Spotify hay Tidal, Apple Music và thưởng thức khi đọc bài, chất nhạc bạn hãy tự cảm nhận, ở trong bài mình sẽ nói về những chuyện xung quanh The Nightfly và người nghệ sĩ tài hoa Donald Fagen


Donald Fagen là 1 trong 2 tên tuổi lẫy lừng đứng sau Steely Dan, ban nhạc jazz-pop nổi tiếng trong những năm ’70. Những tác phẩm solo của ông ở thập kỷ ’80 được xem như là sự tiếp tục cho tên tuổi của Steely Dan với phong cách sáng tác và hòa âm vô cùng cẩn thận và chi tiết, ẩn chứa nét nghệ thuật tuyệt vời mà ngay cả cách biểu diễn của ông đôi khi cũng chưa lột tả hết được. Donald Fagen debut album solo đầu tiên của mình là The Nightfly vào năm 1982 và đây cũng là album hay nhất mà ông đã từng phát hành trong nhiều năm. The Nightfly sở hữu phong cách độc đáo và tinh tế như 2 album trước đó của Steely Dan, tuy nhiên vượt qua chúng về cả tham vọng và những thành tựu mà nó đạt được.

Nói về The Nightfly, album này giống như 1 cuốn tự truyện về chính cuộc đời của Donald Fagen. Đa số các tác phẩm trong album đều có tính chất lạc quan nhưng thận trọng và chủ yếu kể về tuổi thơ của Fagen vào những năm ’50 ~ ’60. The Nightfly được thu âm trong khoảng thời gian 8 tháng tại nhiều studio ở New York và Los Angeles, và nó cũng là ví dụ đầu tiên cho 1 album được thu âm kỹ thuật số hoàn toàn. Sự cầu toàn của các kỹ sư âm thanh và nhạc công cộng với kỹ thuật còn non trẻ đã làm quá trình thu âm của album thực sự đầy khó khăn.

The Nightfly tuy nhiên nhận được rất nhiều phê bình tích cực và được đón nhận rất nồng hậu. Album được chứng nhận platinum ở cả US và UK với 2 single chủ đạo là “I.G.Y” và “New Frontier”. Album cũng nhận được 7 đề cử Grammy 1983.

tinhte_donald_fagen_nightfly (1).jpg

Donald Fagen từ bé đã rất yêu thích rock’n’roll tuy nhiên sau khi dòng nhạc này trở nên nổi tiếng, ông cảm thấy dường như nó đã “dừng lại” và không còn gì mới mẻ nữa. Thế là ông chuyển sang nghe jazz, dòng nhạc mà ông cho rằng có tính chất mê hoặc hơn. Donald Fagen cùng 2 người bạn nữa là Walter Becker và Gary Katz thành lập ban nhạc Steely Dan và nhanh chóng cho ra mắt album đầu tay Can't Buy a Thrill (1972). Steely Dan nhận được nhiều ưu ái từ thính giả và sau đó phát hành thêm các album Countdown to Ecstasy (1973), Pretzel Logic (1974), Katy Lied (1975), The Royal Scam (1976) và Aja (1977).

Album Gaucho (1980) cũng chính là thời điểm Steely Dan rạn nứt do sự bất đồng quan điểm giữa các thành viên. Sau khi ban nhạc tan rã, Fagen bắt đầu chú tâm vào công việc sáng tác nhạc cho các bộ phim. Ông cho ra mắt album solo đầu tiên của mình vào năm 1982 với cái tên The Nightfly để làm khuây khỏa phần nào những dồn nén trong nhiều năm qua.

The Nightfly được thu âm bởi đầu thu 4-track và 32-track của 3M, đồng thời cũng sử dụng thêm cả bộ trống điện tử Wendel II, phiên bản tiếp theo của bộ trống Wendel từng được sử dụng trong album Gaucho. Mẫu thiết bị này được nâng cấp từ 8-bit lên 16-bit và được “cắm thẳng vào đầu thu kỹ thuật số 3M, từ đó triệt tiêu được các suy giảm trong tần số âm thanh”. Tuy nhiên do công nghệ còn non trẻ, các quy trình xử lý rất nhiêu khê và còn các lỗi vặt. Nhóm kỹ sư gồm Roger Nichols, Jerry Garsszva và Wayne Yurgelun sau đó tự học cách điều khiển máy thu 3M để có thể sử dụng nó 1 cách tốt nhất. Fagen cũng tham gia thu nhiều track vocal nhỏ (take) để các kỹ sư lựa chọn những phần hay nhất và ghép lại thành 1 track hoàn hảo. Kỹ thuật này hiện đang được sử dụng cho đến ngày nay trong cả các studio nhỏ lẫn chuyên nghiệp.

tinhte_donald_fagen_nightfly (4).jpg

Sự cầu toàn và các ý tưởng mới của Fagen đối khi khiến các đồng nghiệp của ông “phát mệt”, trong đó 2 đồng nghiệp là nghệ sỹ piano Michael Omartian và Greg Phillinganes là người phải “gánh chịu” nhiều nhất. Fagen đưa ra ý tưởng Michael Omartian và Greg Phillinganes cùng chơi trên 1 keyboard và điều này tuy nghe khá điên rồ nhưng lại cho ra kết quả cực kỳ tuyệt vời. Các âm tiếng ồn trong “Ruby Baby” cũng được thu từ 1 buổi party thực sự, mang lại tính thực tế rất cao cho tác phẩm. Larry Carlton cũng góp tiếng guitar trong hầu hết các tác phẩm trong album với tổng thời gian làm việc liên tục lên đến hơn 4 ngày. The Nightfly mất tổng cộng 8 tháng để thu âm, cộng thêm hơn 10 ngày nữa cho công đoạn mixing.

So với các album trước đây của của Steely Dan, The Nightfly đậm chất jazz hơn và cũng mang tính hoài niệm nhiều hơn. Đa số các ca khúc trong album đều mang quan điểm của thanh niên và điều này giúp chúng “sở hữu đôi chút sự thánh thiện nào đó” (theo Fagen). Thêm 1 khác biệt nữa của The Nightfly là phong cách sáng tác rất đa dạng, phân bố theo nhiều loại cảm xúc hay ý tưởng khác nhau chứ không gói gọn vào riêng điều gì. Fagen còn nói thêm: “Cảm xúc trong album chỉ có 1 phần là từ bản thân tôi, những phần còn lại là sự ngẫu hứng của những điều xảy ra xung quanh, hay của những người xung quanh theo cách mà tôi cảm nhận được”.

Theo biên tập viên Sam Sutherland của Billboard, chất nhạc của Fagen sở hữu “sắc màu lung linh của jazz cùng sự đưa đẩy huyền diệu từ samba”. Will Fulford-Jones cũng nhắc đến The Nightfly trong bài viết “1001 Albums You Must Hear Before You Die” với nhận xét album này nghe như 1 phiên bản thế hệ mới của Steely Dan vậy. Theo Fagen, 1 số ca khúc trong album được ông sáng tác theo cảm hứng từ những chương trình mà mình xem qua ngẫu nhiên, vì thế “chắc sẽ có đôi chỗ trùng lặp với những tác phẩm có sẵn khác”.

Quảng cáo


tinhte_donald_fagen_nightfly (5).jpg

The Nightfly bắt đầu với ca khúc “I.G.Y”, viết tắt từ International Geophysical Year, 1 sự kiện bắt đầu từ tháng 7/1957 đến tháng 12/1958. Lời nhạc của ông trong bài này rất lạc quan khi mơ về 1 tương lai với các thành phố sử dụng năng lượng mặt trời, đường hầm xuyên Đại Tây Dương, các trạm không gian và áo khoác sợi Spandex. Tiếp theo đó là “Green Flower Street” và “Ruby Baby” với phong thái jazz chủ chốt thời bấy giờ. “Maxine” thì lại là câu chuyện tình lãng mạn của tuổi học trò, sử dụng track trống của Ed Greene được lấy từ 1 ca khúc khác mà nó được cho rằng không phù hợp. “New Frontier” thì nói về 1 cậu trai rủ bạn gái mình ra sân sau nhà để “tâm sự”.

The Nightfly”, ca khúc chủ đề của album từng được Fagen gộp vào rất nhiều hình ảnh của nhạc blue, từ kiểu tóc của tay guitar blue Charley Patton đến ngọn núi Belzoni từ câu hát “When the trial's in Belzoni / No need to scream and cry”. “The Goodbye Look” và “Walk Between Raindrops” kết thúc album bằng những nhịp điệu nhẹ nhàng như cổ tích, dễ dàng đem đến cho người nghe các cảm xúc mông lung khó cưỡng.

Hình ảnh cover art của album cũng đậm chất “phiêu” với Donald Fagen trong vai trò DJ, đứng trước microphone RCA 77DX và chiếc turn-table với tonearm Para-Flux A-16, trên mặt bàn là chiếc gạt tàn, hộp diêm và gói thuốc lá Chesterfield King. Phía sau lưng ông là album Sonny Rollins and the Contemporary Leaders (1958) và đồng hồ chỉ 4:09 sáng. Đúng như tờ rơi quảng cáo của Billboard miêu tả: “4:09 sáng, sự im lặng và bóng tối bao trùm lấy cả thành phố. Âm thanh le lói duy nhất chính là giọng nói của The Nightfly”.

tinhte_donald_fagen_nightfly (6).jpg

The Nightfly được ra mắt vào ngày 1/10/1982 với hình thức đĩa vinyl và băng từ cassette. Nó cũng được phát hành với dạng bản thu số trên băng Beta và VHS 0.5-inch bởi Mobile Fidelity Sound Lab. Album được phát hành tiếp vào tháng 2/1983 bởi Cherry Lane Music, sau đó bắt đầu có các ấn phẩm CD vào năm 1984. Các bản CD đầu tiên tuy nhiên chỉ ở chất lượng thu lần 3 hay 4 chứ không được thu lại từ bản gốc, do đó Stevie Wonder đã nhận xét rằng chúng nghe thật “buồn cười”. The Nightfly sau đó được phát hành lại trên các loại hình lưu trữ khác gồm DVD-Audio, DualDisc, MVI và Hybrid-SACD (trong series Warner Premium Sound chỉ ở thị trường Nhật Bản).

Quảng cáo


Sau thành công của album, Fagen bắt đầu phát sinh 1 số vấn đề về sức khỏe và hầu như biến mất khỏi ánh hào quang âm nhạc. Ông hủy bỏ tất cả những lời mời tham gia chương trình TV và sau đó là cả tour diễn The Nightfly đã chuẩn bị gần xong. Fagen cũng chia sẻ với người hâm mộ vào năm 2006 rằng ông chưa từng nghe lại album The Nightfly sau khi phát hành nó.

tinhte_donald_fagen_nightfly (3).jpg

Các giải thưởng mà The Nightfly đạt được bao gồm 7 đề cử Grammy năm 1983, trong đó có Album of the Year và Best Engineered Recording - Non-Classical. “I.G.Y” nhận được nhiều đề cử nhất cho các giải Song of the Year, Best Pop Vocal Performance, Best Male Vocal Performance và Best Instrumental Arrangement Accompanying Vocal, trong khi đó “Ruby Baby” nhận đề cử cho Best Vocal Arrangement. Gary Katz cũng được đề cử Producer of the Year.

Tuy vậy sau khi phát hành The Nightfly, Fagen không tìm ra thêm được ý tưởng nào mới cho các tác phẩm tiếp theo của mình, vì thế ông tạm dừng sáng tác nhạc mà chuyển sang hoạt động trong mảng nhạc phim và viết báo (cho tờ Premiere). Trong những năm đầu thập kỷ ’90, ông tham gia tour diễn New York Rock and Soul Revue và chính thức hoàn thành “nền móng” cho album thứ 2 của mình. Làm việc cùng đồng nghiệp cũ trong Steely Dan là Walter Becker, album Kamakiriad (1993) ra đời nhanh chóng với phong cách phối nhạc hoàn toàn mới lạ. Donald Fagen và Walter Becker cũng tái hợp Steely Dan và bắt đầu chuyến lưu diễn đầu tiên sau hơn 20 năm. Album Everything Must Go (2003) cũng được Fagen phát hành ngay sau đó.

Tiếp theo đó là chuỗi ý tưởng mới của Fagen được thể hiện trong Morph the Cat (2006), đi cùng chuyến lưu diễn solo đầu tiên của ông. Steely Dan cũng lưu diễn nhiều nơi trong năm 2009, và lúc đó Fagen đã trở thành gương mặt quen thuộc tại Midnight Rambles of Levon Helm (Woodstock, New York). Fagen tiếp tục lưu diễn vào năm 2010 cùng Michael McDonald và Boz Scaggs, tiếp theo đó là chuyến lưu diễn thứ 2 vào năm 2012 và sự ra đời của album Sunken Condos.

tinhte_donald_fagen_nightfly (2).jpg

The Nightfly cho đến nay vẫn là 1 trong những album rất được ưa chuộng bởi giới audiophile, cũng như có số lượt mua rất cao trên các trang nhạc số uy tín. EQ Magazine cũng xếp The Nightfly vào danh sách Top 10 Best Recorded Albums of All Time, sánh vai cùng Sgt. Pepper's Lonely Hearts Club Band (The Beatles) và Pet Sounds (Beach Boys).

Track list:


  1. IGY
  2. Green Flower Street
  3. Ruby Baby
  4. Maxine
  5. New Frontier
  6. The Nightfly
  7. The Goodbye Look
  8. Walk Between Raindrops
128 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

IQ52
TÍCH CỰC
6 năm
tí thì bỏ sót 1 huyền thoại, cám ơn bài chia sẻ.
@KIẾM PHÁP tôi vẫn nghe apink, aoa, blackpink với mấy nhóm khác đấy ông ạ. Có luôn đĩa của Apink cơ :v
Phải nghe nhìu loại nó mới tươi rói cuộc đời. ha ha
@AudioPsycho Đồng ý với bác. Nhưng mình đang trả lời cho bạn Cyberat. Bạn ấy chỉ nghe sến thôi 😁
@KIẾM PHÁP Nghe thấy có tiếng kèn trumpet thì phải, với tiếng của trống gỗ hay sao đó, mở nghe thì không rè nhưng mình không phân biệt được nhạc cụ
sao_lai_the
ĐẠI BÀNG
6 năm
@AudioPsycho Chuẩn, tôi nghe từ Doris Day tới tận Seventeen, Blackpink. Vẫn thấy ổn 😃😃😃
linhnikon
ĐẠI BÀNG
6 năm
I got a girl and Ruby is her name, she don't love me but I love her just the same…
hienlanh
TÍCH CỰC
6 năm
ủa có link nghe đâu mà hay?
@hienlanh update rồi nha :v
@hienlanh Spotify nè, album này xưa rồi.
Screenshot_20180820-002010.png
treoman
ĐẠI BÀNG
6 năm
Các bạn cho hỏi có website hoặc tạp chí online nào giới thiệu album hay không? Trước đây có stereo.vn nhưng giờ thì không còn nữa.
Thanks
iambeb
ĐẠI BÀNG
6 năm
@treoman Monospace nha!
Vickk
TÍCH CỰC
6 năm
@treoman Em toàn lên hdvietnam đào cd.
iambeb
ĐẠI BÀNG
6 năm
@treoman Giờ mới xem lại! Mono sát nhập với tinhte luôn r...
@iambeb tinhte "âm thầm" mua lại monospace 😁
kuraj
TÍCH CỰC
6 năm
Link đâu nhể??
@kuraj Apple Music, Tidal, Spotify, Google Music, đầy ra mà.
Sting nghe thửe đi mn
@TYA Lùng 2 năm trời mới ra đó @TYA , nó là bản 1st pressing, xuất bản lần đầu tiên, phôi Direct Metal Cut nặng trình trịch hà !
Lúc mua nó còn mua thêm cả 2 đĩa 1st pressing của Linda Ronstadt hát cùng dàn nhạc của Nelson Riddle nữa 😁
@AudioPsycho Album hay, mỗi tội nghe bị trùng 5 track trong 1 album khác. Album này trên tidal nghe vẫn chất, mội tội ko phải bản 24/96
@AudioPsycho Băn khoăn cái vụ review bác sẽ bị cho là nói phét khi đại đa số sẽ ko nghe thấy những gì mô tả. Nghe thấy đã khó, tả còn khó hơn nữa 😁
Tinh te member thường chê đắt với các tai nghe, máy nghe cá nhân 20 củ nên càng khó mô tả âm thanh
@TYA À ko.
Mình type nhầm ý lúc đấy đó mà. Ý mình là giới thiệu và ghi cảm nhận cá nhân, nói một cách chủ quan về cảm nhận chất nhạc qua từng album. Nhạc hay thì tai cùi nghe cũng hay mà, hồi nhỏ đâu có tiền mua tai nghe xịn mà nghe ABBA hay Westlife, Backstreet Boys cũng thấy hay đó.
Thân
Link đâu nhỉ.
Với lại bác nên nói rõ bác dài combo gì. Chứ không lắm ae lại vào chửi sml vì nghe không đc như bác nói 😁
@AudioPsycho Phải Blu2 và Dave vậy mới hợp với nick bác ạ! Chất quá!
@TYA Trước mình dùng combo dCS Rossini, cả clock và dac nhưng lúc Dave ra thì quả là con Dave trội hơn, mặc dù Rossini cả bộ đắt x2 Blu2+Dave, Rossini và DAC dCS nói chung có âm hình xuất sắc và tiếng sang nhưng màu âm và hài ở treble, độ mọng và no của âm sắc thì Chord lại thể hiện tốt hơn và đó là gu mình, nói nôm na, mình thích kiểu tiếng xôi thịt và vững vàng, dữ dằn. Thêm Blu2 vào cho Dave thì phần timing và imaging tăng lên rất nhiều, hơn Rossini nhưng vẫn xếp sau Vivaldi.
Với Chord thì mình chỉ không hợp với amplifier của nó vì tụi đó từ con nhỏ tới con lớn đều có dải bass kinh hoàng quá, không phải nó lê thê kéo đuôi hay rền, lấn dải, mà nó là lực mạnh và nặng, nạc quá, nhiều lúc nó cũng phải làm mình "ê chời bài này bass đã vậy" - mà bạn biết đó, nghe bass kiểu punchy và meaty một 2 bài thì hay, đúng hệ pop, rock, thì thấy "wow!!!!" chứ nghe lâu, nghe nhiều loại nhạc thì nó mệt thấy tía.
Hey. Mà bro thích HD800/800s thì ko nên bỏ qua con này nghen @TYA
Mình xài combo này cho dàn thứ 2 đánh loa Neat Sx7i, con Naim 272 ( nằm trên ) nó là dac/pre có cổng headphone mà 2 năm nay ko có cắm nghe thử, bữa mới cắm thử hd800s vào thì bật ngửa :vMà tiện lắm, cắm có cọng dây nguồn rồi nhà có wifi ( hiển nhiên ) là hát Tidal ngon ơ, ko thì gắn ổ di động vào cổng usb nghe. Cái remote của nó điều khiển playback Tidal đc luôn :|
B8E3B7B0-8D53-4B8B-94A2-DC5BE6ACBC22-10411-000006746EAD5823.JPG
@AudioPsycho Hôm đem con 800s đi cắm vào bộ của Chord ở AVshow cũng giật ngửa. Dave nghe rất analog
donganh444
TÍCH CỰC
6 năm
Hay quá! Đúng lúc không biết nghe gì.
nghe lạ quá....
_ Cho em xin link ạ, nếu có lossless càng ngon 😁
@iceteazz Mình nghe tidal và đĩa vinyls nên ko có link.
Bạn tìm trên spotify hay apple music cũng có á.
renzokuken
ĐẠI BÀNG
6 năm
Cảm ơn chủ thớt vì bài viết tâm huyết.
Lần đầu mình nghe Donald Fagen là tầm chục năm trước, đúng album The Nightfly LP, nổi da gà mỗi lần nghe.
Về giọng thì mình không ấn tượng lắm với Donald Fagen, nhưng sự hòa quyện giữa nhạc và giọng đem lại chất âm tuy mộc nhưng ma mị và kĩ thuật số giống như vậy mình chỉ thấy có ở Daft Punk hiện đại sau này.
@renzokuken Gu nhạc sâu sắc. Daft Punk và Herbie Hancock nữa, không thể ko nhắc đến Headhunters được!
Đúng là phong cách chơi của Donald Fagen khá độc đáo, cách mix nhạc ngẫu hứng và sáng tạo. Tuy giọng ông không phải dạng top-notch nhưng có cảm xúc, mộc mạc, đậm tính tự sự. Mấy band hồi xưa nhiều người dạng vậy, Dire Strait và cây đại thụ Mark Knofler cũng vậy nè 😁
@AudioPsycho Các bạn nghe nhạc kiểu này có bao giờ tìm hiểu tính năng của từng loại nhạc cụ để biết nó hay ở chỗ nào không ? mình đang thắc mắc dân hiend nghe nhạc kiểu gì. Gần chỗ mình có bộ đồ gần 2 tỉ mà mỗi lần lên nhà ông ấy chơi là bắt mình nghe mấy tiếng nhạc cụ lào xào
@pianiststudio Nghe nhạc là ... nghe nhạc, nhạc hay thì nghe.
Còn ai bỏ tiền tỉ để nghe lốc cốc leng keng thì mình chịu, không giải thích được, nên cứ cho rằng : chắc họ thích thế 😁
PingMD
CAO CẤP
6 năm
Nhạc hay quá
Wave alpha
TÍCH CỰC
6 năm
Có nghe thì phải nghe từ mâm than nó mới đáng để thẩm, nghe qua youtobe thì thôi, thà ko nghe con hơn bác ah!
nguyenlocan
ĐẠI BÀNG
6 năm
@Wave alpha Không có đĩa thì lấy gì mà nghe bác 😆
Wave alpha
TÍCH CỰC
6 năm
@AudioHunger cứ trải nghiệm thêm nữa đi bạn, bạn chưa đủ độ chín để tự biết thế nào là thẩm âm đâu!
Wave alpha
TÍCH CỰC
6 năm
@AudioPsycho Màu âm nó là mấu chốt của bản nhạc đấy bạn. Khi số hóa nó lên thì đâu còn cái âm mộc mạc ban đầu của nó nữa. Mà nếu đã nghe nhạc số để đạt được cái ban đầu là màu âm gốc thì chắc cũng chả đủ tiền mà mua đồ đánh đâu!
@Wave alpha Số với analog hay gì mình đều nghe, thậm chí là tape nghe qua Studer a820. Chuyện màu âm chỉ đơn thuần là khác nhau và mềnh đều thích cả 3 bọn nó :vCái nào tiện thì nghe chứ mình chẳng bao giờ phát biểu "analog hay hơn digital", sưu tập vinyl vì quý bản thu, nhất là 1st pressing, và vì...đẹp ;))
Bác chủ thớt tư vấn mình 1 list nhạc ko lời, nhẹ nhàng, relax bằng tiếng đàn piano, hay tiếng violet được không
Líst gì có thể nghe giải trí, thư giãn đọc sách, mà có thể tập trung làm việc thì càng tốt. Tiện cho e cái link tải nhạc, tầm 24 bit hay .flac thì càng ngon à 😁
Thanks bác nhiều
@kingking2922 https://www.reddragonaudio.com/collections/amplifiers/products/m500-mkii
4kg do vỏ bằng nhôm 2 tấm dày, ruột bên trong là 1 con Class D như con Denon PMA-50 thôi. Nói chung thời giờ amplifier nó xài class AB với D cho phân khúc phổ thông, đâu có phải hồi xưa mà chơi cục nguồn với 1 đống sắt trong đó mà nặng, nghe thử để biết bạn ạ.
Con amplifier Goldmund Metis 7 của mình đang đánh Totem Tribe Tower cũng nặng có 8kg thôi mà giá thì khá chát, nhưng nghe lại hay 😁
@AudioPsycho Rất cảm ơn về sự nhiệt tình tư vấn của bạn;
vì kiến thức về món này của mình = 0; nên toàn mò lên mạng tìm hiểu, thì đa số các cụ "Lão làng" ấy đều chơi hàng cổ giá giá cao;
- Thì mình cũng suy luận: vì nếu cùng 1 con có tính năng như vậy mà chơi hàng mới thì giá nó gấp vài chục lần nên chấp nhận chơi đồ cổ (giá phù hợp) để có đủ tính năng như vậy;
- Thứ 2; mình nghĩ nếu 1 ng thiếu kiến thức như mình thì chơi đồ brand-new sẽ an tâm hơn; nhưng với tiền hạn chế thì cần có 1 người hiểu biết như bạn tư vấn sẽ tìm được 1 con nghe nhạc ok mà hợp lý; để khỏi phải trả giá tiền ngu...

p/s: có phải các thiết bị điện 100v nội địa của Nhật thường tốt hơn hàng xuất không? và giá nó cũng thường cao hơn giá hàng xuất?
- Clip của bạn up là đánh từ bộ của bạn đấy hả?
(hỏi nhỏ: cho mình xin link down nhạc việt kiểu từng CD 1 lần ấy)
a, mà cái link https://www.reddragonaudio.com/collections/amplifiers/products/m500-mkii
là cái gì thế bạn?
@kingking2922 Không bạn, clip đó là clip trên youtube, và mình cũng khá kỵ khi thu âm rồi up lên cho mọi người đánh giá vì thường nó không được hay, chỉ nghe đc bass và treble chứ không có không gian.
Đồ nội địa hay hơn đồ xuất là chuyện hên xui, một vài model họ không làm bản universal thì phải mua đồ nội địa, mua gặp con hay thì lại bảo đồ nội địa hay hơn đồ xuất. Thường thì tư tưởng này xuất hiện từ hơn 20 năm trước, lúc đấy thị trường âm thanh của Việt Nam chỉ biết mấy thương hiệu của Nhật chạy điện 100V thông qua hàng lậu chuyển từ Campuchia về chứ không biết đến VPI, Mark Levinson, Krell, Moon Audio các thứ bên trời Tây. Họ sẽ bảo là do sx nội địa chạy 100V nên nghe tiếng hay hơn mấy bản 220V cho thị trường xuất khẩu, vì đâu có ai nhập đồ mới 220V thời đó cho mọi người nghe. Cái trên là amplifier class D của Red Dragon Audio
@AudioPsycho Vậy nếu có thể bạn làm một bài so sánh tính năng, hiêu năng, ưu nhược điểm/giá tiền chung chung về các amply cổ với hàng new đi.
Vì chắc còn nhiều người mơ hồ như mình đang đi tìm đọc, mà kiến thức trên mạng thì loãng quá, vì thường xảy ra hiện tượng cổ suý (thần thánh hoá) cái thiết bị mà mình có. nên hầu như thiếu sự khách quan.
Mong bác chủ thớt sẽ có tiếp những post [Cùng nghe] giới thiệu album xưa thập niên 70 - 80 đi vào lòng người.
Listening to an old music and remembering the good old days.
@quangtuyensa90 At this time?
What a "glorious time to be free" , Hah ! ( IGY - Donald Fagen ) 😁

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019