Tham dự Tech Lounge

Tham dự Tech Lounge


Các khái niệm cơ bản để đánh giá chất lượng âm thanh

AudioPsycho
22/8/2018 16:58Phản hồi: 177
Các khái niệm cơ bản để đánh giá chất lượng âm thanh
Từ lâu, thưởng thức và tìm hiểu, thiết lập âm thanh cho dàn hi-fi đã là một đam mê không thể thiếu của dân mê nhạc. Nhưng để đánh giá được chính xác chất lượng âm thanh của một dàn hi-fi, tai nghe, mình nghĩ chúng ta cần hiểu rõ một số khái niệm cơ bản về âm thanh. Mời anh em tham khảo và cùng thảo luận bài viết sau đây.

Âm sắc:
  • Âm sắc chính là “màu sắc” của âm thanh, với mình nó có ý nghĩa tối quan trọng vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến cảm xúc và cách âm nhạc phát ra từ thiết bị đi vào tai, vào não chúng ta. Không phải cứ một dàn đắt tiền hay thiết bị tốt sẽ cho ra âm sắc hay, âm sắc chịu ảnh hưởng nặng nề từ những điều kiện ngoại quan như nguồn điện, phòng ốc. Đây tuy chỉ là khái niệm tượng hình, nhưng khi nghe một dạng âm nào đó, chúng ta có thể phần nào tưởng tượng ra được chất âm của nó. Đơn giản hơn, âm sắc càng ấm áp thì âm thanh càng mềm mại dịu dàng, ngược lại với các âm sắc lạnh sẽ mang lại âm thanh khô và cứng. Phòng càng nhiều vật liệu mềm như gối, chăn, màn, mềm, mùng, thảm, âm sẽ êm và ấm vì năng lượng và cường độ dải cao bị hút đi, có khi bị hút ...hết 😁 nguồn điện sạch, tốt và được đấu line riêng cho ổ cắm thiết bị sẽ cho âm sắc hấp dẫn, uyển chuyển hơn. Ngược lại, phòng nhiều mặt phẳng nhẵn bóng, láng, như nền gạch bông, tường sơn nước, trần quá thấp chẳng hạn, âm thanh sẽ ong ong, oang oang, chói gắt, nguồn điện không tốt tiếng sẽ đanh, khô, cứng và sạn.
  • Âm sắc cũng là yếu tố căn bản để giúp phân biệt giữa các nhạc cụ hay giọng người. Với mỗi nốt nhạc ta có thể phân biệt được đó là tiếng guitar hay sáo, trống… Trên góc độ vật lý, âm sắc khác nhau sẽ có cấu trúc và thành phần hài âm (harmonic) khác nhau, giúp người nghe cảm nhận chính xác âm thanh của từng nhạc cụ.
Âm hình và âm trường:

tinhte_chat_luong_am_thanh_4.jpeg

  • Âm hình (imaging) là tầng lớp được tạo ra bởi các nhạc cụ với sự sắp xếp nào đó theo chiều sâu không gian hòa âm (sân khấu hay phòng thu). Một dàn hifi hay một tai nghe tốt cần tái tạo lại được không gian của bản thu ở một mức độ từ tương đối cho tới tốt. Ví dụ chúng ta nghe dàn giao hưởng của Nelson Riddle hát cùng Linda Ronstadt phải thấy được vị trí của ca sĩ, vị trí các dàn nhạc cụ, các bè, tầng lớp của nhạc cụ, thứ tự sắp xếp trước sau, ngang dọc của những thành phần trên.

Video quay rất lâu rồi nên có chất lượng hơi thấp nhưng nghe vẫn khá
  • Trường âm (soundstage) chính là độ rộng của không gian âm thanh. Trường âm mang lại cảm giác âm vang, độ rộng hẹp, cao thấp và kết cấu phân bố của phòng hòa nhạc.
  • Hai yếu tố này rất quan trọng quyết định tính “thật” của âm thanh.Tầng âm và trường âm thường rất đa dạng do ảnh hưởng từ đáp tuyến tần số của các thiết bị khuếch đại cũng như đặc tính âm học của phòng nghe hay vị trí loa. Cùng một dàn hi-fi nhưng được bố trí ở hai phòng khác nhau với kết cấu thiết đặt khác nhau cũng sẽ tạo ra tầng âm và trường âm khác nhau, làm cho cảm nhận âm thanh cũng phần nào thay đổi.
Mật độ hay sự chặt chẽ của âm thanh (Tone Density):

tinhte_chat_luong_am_thanh_1.jpg

  • Còn gọi là độ “đặc”, độ no và mọng của âm thanh. Mình gọi là tone density. Điều này phụ thuộc vào độ cảm nhận âm thanh của người nghe. Ta có thể cảm nhận được độ “đặc” trong tiếng trầm của đàn cello, tiếng hơi kèn đồng hay tiếng vang của bộ gõ, cường độ mạnh yếu lúc các tay trống đập hi-hat, snare. Yếu tố này phụ thuộc rất lớn vào nguồn điện cung cấp cho hệ thống, công suất của amplifier với loa hoặc tai nghe, và đáp tuyến tần số trung và trầm của các thiết bị được sử dụng, thiết kế mạch phân tần trong loa hoặc tai nghe ( nhất là những tai nghe sử dụng nhiều driver balanced armature ). Đây cũng là một yếu tố quan trọng quyết định độ trung thực và nhạc tính của âm thanh.
Độ trong trẻo (Clarity):


Một bản Jazz tuyệt vời của Oscar Peterson với độ trong trẻo cho ta cảm giác như "sờ" vào được âm nhạc
  • Đây cũng là một yếu tố quan trọng mà dễ nhận biết. Một dàn máy với độ trong trẻo tốt sẽ thể hiện những chi tiết nhỏ nhất trong bài nhạc một cách rõ ràng rành mạch, ngoài ra nó còn làm âm thanh dịu dàng mềm mại và dễ nghe hơn. Độ trong phụ thuộc vào khả năng tái tạo dải tần số trung, trung cao và treble trong đáp tuyến tần số, phản hồi pha ( phase response của thiết bị khuếch đại và loa ). Các thiết bị có liên quan đến độ trong trẻo của âm thanh bao gồm loa, ampli và dây nối như dây interconnect và dây loa ( 2 loại này cần là loại tốt, tốt về kỹ thuật, không phải tốt+đắt lè lưỡi, phần này sẽ nói sau trong một bài chi tiết ). Độ trong trẻo không có liên quan gì tới tiếng sáng hay tối, dày hay mỏng cả nghen anh em. Nói nôm na, bạn ngồi trong nhà nhìn ra ngoài trời qua một tấm kính, bạn thấy rõ hết những gì ngoài đó, màu sắc long lanh lóng lánh, nắng ra màu nắng, cây ra màu cây, hoa ra màu hoa, thú cưng ra màu thú cưng thì cái kính đó xịn, hay mình gọi là độ trong trẻo của nó cao và ngược lại.
Tính sống động/ độ động (dynamic):

tinhte_chat_luong_am_thanh_3.jpg


Suzy Quatro hát Stumblin' In
  • Tính sống động của âm thanh phụ thuộc vào chất lượng của các thiết bị được thiết lập trong dàn. Nói theo kinh nghiệm của mình, nếu thiết bị có khả năng tạo ra âm thanh trong sáng, rõ ràng, mạnh mẽ… sẽ có nhiều khả năng mang lại chất âm có tính sống động cao. Bạn thấy trong cái bản thu cũ xì trên youtube thôi nhưng nghe trống đánh ra đường trống, guitar bass rõ từng nốt và độ dứt khoát rất cao, khỏe khoắn, không non tay hay thiếu lực.​
Độ ổn định của không gian âm thanh:
  • Yếu tố này giữ cho âm trường, âm hình không thay đổi dù cho bản nhạc đó đang vào tốc cao hay đi tốc chậm. Thường thì âm thanh sẽ có vị trí phát năm giữa vị trí hai loa, nếu độ ổn định này không đều ta sẽ có cảm giác vị trí âm thanh bị xáo trộn, không còn tập trung nữa. Chất lượng thiết bị trong dàn máy, chất lượng loa/ tai nghe, vị trí đặt loa, độ kín hở của earpad tai nghe, và kết cấu phòng là các yếu tố sống còn ảnh hưởng rất lớn đến độ ổn định của âm thanh.
Độ chi tiết của âm thanh (detail):
  • Khả năng tái hiện âm thanh càng chính xác bao nhiêu thì mức chi tiết của âm thanh càng cao bấy nhiêu. Ta có thể thấy, một dàn hi-fi chất lượng cao có thể tái hiện và diễn tả sự khác biệt dù là nhỏ nhất của âm thanh các nhạc cụ trong bản nhạc.
Tốc độ phản hồi tín hiệu (impulse response và impact):
  • Đây là khả năng tách biệt các nốt nhạc trước và sau trong bản nhạc một cách dứt khoát và chính xác. Yếu tố này thể hiện rõ ở các tiếng trầm trong bài nhạc. Tốc độ và đáp ứng quá độ nhất thời phụ thuộc rất lớn vào loa, một bộ loa tốt dĩ nhiên sẽ có tiếng bass rõ ràng và dứt khoát, khác hẳn với các loa chất lượng trung bình với tiếng bass nặng và ì ạch, bass như chọi vào mặt ta vậy :D
Độ tương phản và dải rộng của âm thanh:
  • Mức tương phản âm lượng chính là mức chênh lệch cao nhất (fortissimo) và thấp nhất (pianissimo) của cường độ âm thanh. Một dàn hi-fi với dải dộng tốt sẽ tái tạo được độ tương phản âm thanh một cách hoàn hảo nhất, tính chất này khi kết hợp với âm hình và âm trường sẽ cho một không gian nghe lý tưởng, riêng cái khoản này thì .... càng tốt bao nhiêu thì thiết bị và loa/ tai nghe càng đắt bấy nhiêu.
Đặc tính của thiết bị và sự phối hợp:
  • Khi thết kế và tùy chỉnh ta cần hiểu rõ đặc tính kỹ thuật của loa/ tai nghe và công suất của amplifier đầu tiên. Nguyên tắc là phối hợp đủ công suất amplifier và loa thì loa sẽ kêu tốt và đủ dãi, hài hòa và mạch lạc, còn âm sắc, hay đến đâu thì bạn phải tìm hiểu chất âm và đặc tính riêng của từng thiết bị nhằm gia giảm và hay thêm thắt hợp lý, mang lại sự đồng bộ và phối hợp ăn ý nhất giữa các thiết bị trong dàn máy, cái này phụ thuộc vào kinh nghiệm.
tinhte_chat_luong_am_thanh_5.jpg

Quảng cáo

177 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

quang577
TÍCH CỰC
6 năm
Cái giống âm thanh này nó còn khó chiều hơn cả ảnh ọt. 1 bộ máy ảnh và ống kính tốt, chúng ta vẫn thấy vậy khi bước khỏi cửa hàng và sử dụng vài năm sau đó. Song 1 bộ âm thanh dù hay đến mấy cũng sẽ khiến cái tai "mắc dịch" chán sau 1 thời gian. Cứ bảo là hay rồi, rồi lại thấy thiếu cái gì đó, thiếu cái gì đó...
iambeb
ĐẠI BÀNG
6 năm
@iambeb
Screenshot_2018-08-26-22-45-52.png
@iambeb Các hạ à, xin hãy tự trọng =))
Đừng khơi gợi
iambeb
ĐẠI BÀNG
6 năm
@AudioPsycho 😆) vợ tui biết tui mê những môn vô định hình, nên hay dụ tui chuyển qua những môn thể thao có thể đong đếm và định hình được giá trị gia tăng! 😃))
iambeb
ĐẠI BÀNG
6 năm
@AudioPsycho Mình có 1 thắc mắc, mình có nhiều thiết bị, điện áp đầu vào khác nhau (100, 110, 200,220...) Mình có 1 biến áp, vậy có nên cần nhiều lọc điện hay chỉ cần một.
Ví dụ: đầu đọc 100, amp 110, dac 220. Đang kẹt đoạn này!
End-User
TÍCH CỰC
6 năm
Cảm ơn bác @AudioSpycho đã chia sẻ kiến thức.

Đúng là những thuật ngữ trên thì 1 ng bình thường như e chẳng thể phân biệt nổi, chỉ có giờ bay nhiều, đc trải nghiệm rất nhiều các phối ghép thì mới lên đc tai.

Món audio này cũng như nhiều thú chơi khác, phụ thuộc rất nhiều vào nền tảng văn hoá, tri thức của người chơi. Càng lâu và sâu càng có kinh nghiệm, nhưng đúng thực là 1 thú chơi quá tốn kém.

E thấy còn 1 thuật ngữ mà nhiều bác hay đề cập là “nhạc tính” nhưng theo e thì nó là tổng hoà của sự phối ghép hợp lý giữa các thiết bị. Thiết bị tốt được ghép tốt khi trình diễn sẽ “giàu nhạc tính” hơn. Vì các thiết bị nhìn chung, nó cũng chỉ là nhiệm vụ phát lại bản thu theo đúng tần số âm thanh đã được thu âm.

Tương lai gần e cũng định đầu tư 1 phòng nghe mini bé bé, hiện e đã có thu xếp đc 1 phòng riêng, khi nào cần tham khảo ý kiến bác, e xin phép đc ới bác để học hỏi nhé.
nguyenlocan
ĐẠI BÀNG
6 năm
@hai_juzi tới tai dơi là ngon rồi, lúc nớ chắc nghe qua máy phát tần 😆))
bigbangn91
TÍCH CỰC
6 năm
@End-User em tai vịt, mấy thuật ngữ trừu tượng quá, nghe cứ như tiếng nước đổ đầu vịt vậy
LinhVN1807
TÍCH CỰC
6 năm
@bigbangn91 Giống tai vịt của em, như vịt nghe sấm í ah 😃
End-User
TÍCH CỰC
6 năm
@bigbangn91 Bạn cứ tìm nhiểu, nghe nhiều là lên tai, và nó vỡ ra thôi. Lý thuyết là vậy nhưng bạn nghe nhạc cho chính bạn mà. Quan trọng là học cách hài lòng.
Phòng mình dài 6m x rộng 4m x cao 3,2m. Cần tư vấn tán âm và tiêu âm
@Thanhlennk Thiệt tình là không thể tư vấn cho bạn nếu không cho mình hình ảnh cụ thể, trên tường đã có gì, mình cũng không biết, sàn bằng chất liệu gì mình cũng không biết. Loa gì mình cũng ko biết, ko phải loa lớn hay nhỏ đều như nhau, loa càng lớn thì tương tác phòng càng nặng, loa nhỏ ít tương tác hơn.
Với các thông số bạn đưa ra thì mình chỉ tư vấn đc 4 cây tube-trap d=40cm cao 1,6m đặt 2 góc phòng sau loa chứ ngoài ra mình thua 😁
vietn
ĐẠI BÀNG
6 năm
bài viết hay quá... tuyệt vời... Cảm ơn Bác Audio Psycho
@vietn Mình sẽ viết thêm nhiều bài kiến thức từ kinh nghiệm của mình nữa. Mong bạn đón theo dõi.
Chúc vui !
@AudioPsycho HÔm trước nhờ bạn tư vấn về đôi loa JBL L112, đã đc bạn tư vấn ghép với Amply Denon PMA 50, nhưng quả thực là ngoài việc nghe ra, mình còn muốn nhìn nữa.
và cũng lang thang nghe ngóng thì ng ta nói mình cũng không hiểu lắm, ví dụ:

- .....công suất lý tưởng nhất mà amply cần đạt được là công suất trung bình của amply phải lớn gấp đôi hoặc ít nhất là lớn hơn công suất trung bình của loa nghe nhạc.

-......cũng cần chú ý tới trở kháng và độ nhạy của loa nghe nhạc: những loa có độ nhạy cao thì amply chỉ cần có công suất nhỏ là đủ. Ngược lại, với những amply có độ nhạy thấp và trở kháng lớn thì cần phải có loa sử dụng công suất lớn cho phù hợp với dàn âm thanh nghe nhạc.

-........dòng nhạc bạn hay nghe thuộc dòng nhạc nhẹ nhàng, sâu lắng bạn nên chọn amply công suất nhỏ và ngược lại, dòng nhạc gia đình bạn hay nghe thuộc dòng nhạc sôi động, bạn nên chọn amply nghe nhạc có công suất lớn để đảm bảo chất lượng âm thanh cho ra hiệu quả nhất.

-.......
- Công suất thế nào cho tương thích giữa loa và ampli?

- Độ nhạy của loa thế nào? Chọn độ nhạy thế nào cho hợp lý?

- Trở kháng là gì? Chọn trở kháng thế nào cho phù hợp?


Nói chung là mình chẳng hiểu gì cả: nên ý của mình là với trường hợp cụ thể của mình là đôi Loa JBL L112 thì có thể ghép được với những loại amply nào để có thông số về kỹ thuật (lý thuyết) hợp lý nhất. Để qua đó mình có thể dựa trên cơ sở đó tìm mua những amply phù hợp với Loa và đk của mình.
Xin cảm ơn.
p/s: à quên. bạn có gợi ý là loa JBL L112 ghép với amply Denon PMA 50; thì ngoài căn cứ là bạn đã từng nghe qua rồi thấy ôk. Thì còn bạn có thể đưa một số tiêu chí của cặp đôi này, để mình dựa vào chọn một amply khác tương đướng không?
@kingking2922 Mình ko hề nói trong trả lời là mình đã ghép 112 với pma50 à nghen, mong bạn đọc lại. Vì L112 và L100 là 2 loa mình đã dùng từ khá lâu nên mình biết nó không khó kéo và dễ ghép amply.
Những khái niệm bạn đưa ra có cái đúng mà cái không đúng, nhất là vụ công suất amply phải gấp đôi công suất loa, thế tại sao amply đèn chỉ 10W đánh loa công suất 20W kêu bình thường. Độ nhạy loa và trở kháng, quy tắc phối ghép amply và preamplifier thì về sau mình sẽ có bài riêng, không thể dành quỹ thời gian để viết 1 bài giải thích cho cá nhân được, mong bạn thông cảm.
@AudioPsycho Cảm ơn bạn, hóng bài riêng về "Độ nhạy loa và trở kháng, quy tắc phối ghép amply và preamplifier thì về sau mình sẽ có bài riêng" của bạn
_ Cảm ơn chủ thớt về các khái niệm cơ bản. Nghe nhìn luôn là 2 thứ tác động rất lớn tới con người, trong đó nghe từ trước tới nay luôn là tinh tế nhất trong tất cả, cầm kỳ thi họa lấy cầm đứng đầu là vậy. Chúc chủ thớt ngày càng tiến xa trong cuộc chơi 😁
@iceteazz :D
Thanks bạn đã đọc bài và comment thiệt dễ thương.
ndta13
CAO CẤP
6 năm
Bài viết hay, dễ hiểu, có sự nghiên cứu và giải thích rõ ràng, Thanks mod
Cuối cùng là vẫn do tai người nghe hết, nó hay với ng này chưa chắc đã hay với người khác
giacay
TÍCH CỰC
6 năm
@BlackCat_94 Cái này chuẩn, cái quan trọng tư tưởng và ý chí ko lung lay khi người khác đến nghe bộ của mình chê ko hay trong khi mình thấy nghe rất hay. Bởi vì người nghe chính là mình chứ ko phải người khác
@giacay Hay với người này, không hay với người khác là do gu trỗi nhau.
Tuy nhiên những lý thuyết và cách gọi tên các khái niệm trong âm thanh là như nhau cả.
dellusa
TÍCH CỰC
6 năm
thuốc nhau là nhiều - xem các bài test mù đến chuyên gia còn chọn sai
Chủ thớt bố trí lại dây nhợ lằng nhằng thì tự nhiên phòng nghe nhạc nó tăng hẳn giá trị lên rất nhiều. Em mà chơi như bác em chả bao giờ để lộn xộn thế kia
BOT Sam
ĐẠI BÀNG
6 năm
@AudioPsycho Bữa lấy combo m51 bada ông P để nghe a/b với con dac r2r vừa build xong ngồi lắc đầu với mấy cọng MIT vì nó cứng như đá nên rất hiểu cảnh ngồi set chục thiết bị mà đi dây nó oải cỡ nào. À hình như bài còn thiếu về độ tĩnh, noise với cái méo tiếng nữa
@BOT Sam Cái đó sẽ làm, nhưng phải từ từ vì mấy thông số tĩnh, noise và méo tiếng, méo IMD, Crosstalk, Crossfeed, Harmonic Order phải viết bài và giải thích bằng đo đạc và số liệu chứ không phải viết khái niệm như thế này. Muốn như vậy phải để anh em trong diễn đàn có kiến thức cơ bản trước để mọi người có các khái niệm, mai mốt dễ thảo luận và chia sẻ với nhau. Rất nhiều anh em muốn tham gia thảo luận và chia sẻ, hỏi đáp tuy nhiên ngại vì không rõ các khái niệm và tên gọi các thuật ngữ trong âm thanh và thiết bị âm thanh. Ví dụ nói âm thanh méo... bro thử hỏi một người nghe nhạc nhưng không chơi audio xem họ định nghĩa "méo" là như thế nào được hôn? Tinh Tế là một cộng đồng lớn gồm nhiều mảng khác nhau, nhiều thành viên mới, không phải ai cũng quan tâm về âm thanh nên phải cung cấp thông tin từ từ và dễ phổ cập trước đã.
BOT Sam
ĐẠI BÀNG
6 năm
@AudioPsycho Mình xưa nay lên tinhte ít khi thấy mấy bài về audio nên rất ủng hộ việc phổ cập thuốc cho mọi người. Về âm thanh khi mà viết bài thì nó vô vàn lắm nên chắc chắn sẽ theo dõi để bổ sung thêm kiến thức, he he. Cuộc chơi có bao giờ là đủ, nhất là âm thanh khi lỗ tai nó lên từ từ từng ngày 😔
@AudioPsycho Ông nào cũng vật vậy hết, bao giờ đến tầm hiend thì đồ đạc "nghe đồn" sẽ dần co lại thì phải.
Mình nghe loa bluetooth bass mạnh thôi XD
BOT Sam
ĐẠI BÀNG
6 năm
Theo mình âm thanh nó còn có phần hồn, nhiều setup nghe rất ấn tượng lúc đầu nhưng nghe kĩ hoặc nghe lâu có khi thấy nó thiếu phần hồn. Không phải cứ dàn to tiền là sẽ có hồn mà quan trọng ở kỹ năng người phối ghép, đôi khi phối ghép nghe rất hay nhưng thiếu cái hồn của bài hát nghe vẫn ko lưu luyến bằng phối ghép ko hay bằng nhưng bật ra cái hồn của bài nhạc. Vì thế mà tới bây giờ ampli đèn vẫn có chỗ đứng và đất diễn dù về kỹ thuật(specs) thì nó thua hoàn toàn bán dẫn(méo, dính...)và còn màu âm của analog so với digital nữa
@BOT Sam Ở trong bài ta nói về lý thuyết âm thanh, không liên quan gì đến trải nghiệm hay kinh nghiệm của người chơi. Phần hồn của hệ thống và sự hòa hợp của hệ thồng mình công nhận là có, nhưng nó mang tính chủ quan, mình gặp khá nhiều trường hợp dàn của người này nghe thấy "hồn" nhưng khách tới lại không nghe ra thì hỏi ai hay ai dở, không lẽ nghe không ra lại chê thì có khi không có cửa về 😁
À mà nên nghe thêm VTL, Tenor, Aries Cerat hoặc Nagra để đánh giá lại khoản méo + dính của amplifier đèn nghen bạn. Mình dùng cả đèn và bán dẫn, tự diy tới đồ hãng, cái nào hay thì nghe.
vinhan73
TÍCH CỰC
6 năm
2 clip sau không xem & nghe được ! tiếc ghê !
Theo mình thì Nghe cũng là 1 kỹ năng của con người giống như Nói, phải bập bè "a á ớ", rồi mới thành từ nên muốn nghe hay, cảm nhận được tốt thì phải tập, muốn tập tốt thì cũng cần có hỗ trợ từ kỹ thuật, do đó cần luyện nghe từ dở tới hay thì mới cảm nhận được hết những gì ad đã nói được, chứ ngang hông mà nghe cũng chưa chắc là được zậy.
@Sơn Đinh Bắc Nam Chính xác, âm thanh - thuần túy là một môn khoa học, xưa ta học sóng ánh sáng thế nào thì sóng âm thanh nó cũng tính toán dạng dạng vậy.
tuan_lua
ĐẠI BÀNG
6 năm
Cảm ơn chia sẻ của bác, mong bác khi nào rảnh làm 1 bài chi tiết cho tai nghe đi ạ, earphones, headphones, in-ear headphone đi bác.
@tuan_lua Từ từ sẽ có. Đang viết nè bro 😁
Cái này tốn của lắm... 😁
phòng nghe nhạc tại gia thì kích thước hợp lý là bao nhiêu vậy bác
@chan zhi yung Tốt nhất là đừng làm phòng hình vuông là được. Vì phòng vuông tạo ra các room mode rất nặng, sóng đứng rất nhiều.
Nói thế hơi khó hiểu, nôm na là khi bạn chơi một bản nhạc tự nhiên thấy có hơi bass mà không nghe bass nó dập thành cục, không nghe bùm bùm thì khả năng rất cao bạn đang ngồi ngay vị trí Null. Sóng âm khi đánh ra khỏi mặt loa sẽ dội vào tứ hướng, tứ hướng dội lại một sóng khác ngược pha với sóng âm gốc nên sẽ triệt tiêu nhau, do đó bạn không nghe được dải này, dải kia. Phòng hình vuông là bị trường hợp này nhiều nhất và rất khó tìm vị trí các sóng không triệt tiêu nhau để xử lý.
Phòng nghe tại gia thì 10m2 -25m2 đều nghe tốt cả bạn nhé.
@AudioPsycho vậy phòng chữ nhật 20m2 là ok bác nhỉ
@chan zhi yung Uhm
Phòng thường, nghĩa là phòng ở, có đồ đạc, phòng trống không nhìn đẹp thường nghe dở. Phòng nhiều đồ đạc tủ kệ bàn ghế chăn màng mùng mền thường nghe tốt.
ecaros
ĐẠI BÀNG
6 năm
Post bài này lên tinh tế khác gì đàn gảy tai trâu :v
@ecaros Chính ra trước monospace riêng lẻ đang hay thì lại hợp nhất vô đây :3
Thôi coi như phổ cập bác ạ :v
Bằng Lâm
ĐẠI BÀNG
6 năm
Bài viết của bạn dài và chia thành nhiều mục. Nói thật nhé, k phải chỉ mình tớ đâu mà có khi còn nhiều người khác đọc song chả hiểu gì nhiều ở cái bài viết này.
@Bằng Lâm trên cuộc đời này ko phải cái gì bác cũng phải hiểu đâu đơn cử là cái này 😃
Bằng Lâm
ĐẠI BÀNG
6 năm
@Kay_Nguyen961 Ừ. Nhiều thuật ngữ chuyên nghành quá. Đọc k hiểu. Tóm lại mỗi ng 1 gu nghe nhạc nên tự chỉnh sao cho hợp với mình là đc.
Anh chị em tư vấn cho mình dàn loa Acoutics đủ tốt để nghe nhạc Opera nhé! 😁

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019