Tham dự Tech Lounge

Tham dự Tech Lounge


[Cùng nghe] Nghỉ lễ, thưởng thức album Night Train của Oscar Peterson

AudioPsycho
29/8/2018 13:24Phản hồi: 78
[Cùng nghe] Nghỉ lễ, thưởng thức album Night Train của Oscar Peterson
tinhte_oscar_peterson_trio_night_train_4.jpg

Thời nay, người nghe mới dễ dàng cảm thấy nhàm chán với một bản jazz dài, sự hối hả và nhịp điệu cuộc sống như con ki ki rong chơi ngoài hiên nhà, vụt mất rất nhanh 😁 Riết rồi người ta cho rằng jazz là âm nhạc của người có tiền, có thời gian, âu cũng là vì mấy cái album audiophile hay mấy cái audio show toàn mở thể loại này, nhưng mà anh em ơi, gốc rễ của jazz là sự khó khăn, thể hiện khát vọng tự do, các giới hạn nội tâm và ràng buộc của bản thân. Mình chẳng phải là người nghe "cao cấp" hay gì hết (mà như nhiều kẻ tự nhận mình là thế), mình cũng là người thích nghe các thể loại nhạc tá lả trên thị trường hiện nay từ EDM, Pop, Rock và K-pop nữa, nhưng ở một khía cạnh nào đó thì mình vẫn dành khá nhiều thời gian để nghe jazz vì sự ngẫu hứng trong tiết tấu của nó kích thích đầu óc, càng nghe càng tỉnh, càng nghe càng tạo ra các hứng khởi như dopamine vậy, mình nghe một cách không mộng mị, không suy xét, nghe như để nhạc tự chảy vào trong người khi đang ngồi làm việc, bài nào quá xá hay thì mình đánh dấu lại và thêm vào danh sách ưa thích, riết cái list nó cũng hơi dài :D Nếu có cơ hội, một buổi offline chẳng hạn, để nói, để giới thiệu nhạc với mọi người, chắc chắn sẽ có những "cột mốc" mà mình luôn muốn chia sẻ với mọi người những tuyệt phẩm của Ray Charles, Buddy Rich, Billie Holiday hay Duke Ellington, Dave Brubeck … Tuy nhiên, để bắt đầu nói về jazz thì hôm nay, nghệ sỹ đầu tiên mà mình sẽ giới thiệu với mọi người sẽ là Oscar Peterson, nghệ sỹ piano trứ danh đến từ Montreal, Canada.


Đây là một album hay ở cả bản vinyl lẫn file nhạc số mà anh em có thể tìm thấy trên Tidal, Apple Music hoặc mua từ HDTracks, cả bản thu khá trong trẻo, độ động tốt, tổng thể các nhạc cụ từ trầm tới bổng đều có sự nổi khối rõ ràng, có không gian rất tốt. Nói chung, về mặt kỹ thuật thu âm và chất lượng âm thanh thì anh em cứ tạm tin mình vậy, không dở đâu nghen :D

Album tập hợp đầy đủ các ngón nghề đầy mê hoặc của Peterson (chơi piano), Ray Brown (chơi bass) và Ed Thigpen (chơi trống). Ray Brown đóng góp các đoạn bắt nhịp bằng guitar bass cùng vài đoạn solo tuyệt hảo, đi kèm cùng tiếng trống bắt tai và giàu chất "phiêu" của Thigpen. Giữa những xúc cảm đó, tiếng piano của Oscar Peterson vang lên réo rắt với tốc độ nhanh như vũ bão, mang lại cái hồn không lẫn vào đâu được mà một album jazz phải có. Ví dụ như trong C-Jam Blues chẳng hạn, tác phẩm này sở hữu rất nhiều phân đoạn solo khó chơi kèm theo những thêm thắt ngẫu hứng để hợp thành một bản hợp tấu hoàn chỉnh. Nếu bạn chăm chú và chớ từ nan, cố gắng trải qua những giai điệu nhẹ nhàng đầu tiên thì càng về sau bạn sẽ cảm thấy Oscar Peterson chơi rất phiêu, đầy hoa mỹ và phong thái chơi nhạc đôi khi quá đà có thể làm người nghe như bơi giữa một rừng các nốt trầm bổng giàu sắc thái, biến tấu linh hoạt. Đây cũng là lý do vì sao mình chọn Oscar Peterson làm nghệ sỹ đầu tiên mà mình sẽ giới thiệu cho những ai mới tiếp cận với jazz, vì nó đầy ngẫu hứng và đầy năng lượng.


Tác phẩm Honey Dripper sở hữu những tiếng búng bass và kỹ thuật arpeggios tay phải đã tạo nên cho nó một đoạn hook cực kỳ bắt tai. Đây chính là tiêu điểm khiến người đã quen nghe jazz như mình phải chú ý, cho phép ta nhận ra được mình đang nghe gì và "chuẩn bị tai" cho những kỹ thuật chơi nhạc điêu luyện hơn. Như nói trên, C-Jam Blues hay Georgia On My Mind cũng đi theo xu hướng thể hiện này. Và thế là sau khi đã cảm thấy quen thuộc hơn một chút, người nghe sẽ dễ dàng tiếp cận hơn với các tác phẩm như I Got It Bad (And That Ain’t Good) với nhịp chậm hay Band Call có kiểu đánh biến tấu mượt mà hơn. Night Train không có một bài nào chơi ở mức gọi là trung bình cả, bài nào trong album cũng đều có nét riêng và đều có các đoạn xuất thần.


Hymn to Freedom có thể được xem như một trường hợp đặc biệt khi nổi bật hơn so với hầu hết các ca khúc khác trong album. Tác phẩm mở đầu bằng đoạn dạo chậm của Oscar Peterson sau đó dần dần xuất hiện thêm phần hợp tấu của Ray Brown và Ed Thigpen. Phần solo của Oscar Peterson dễ tạo được ấn tượng sâu sắc nhờ vào các biến tấu mà ông thêm vào, khiến người nghe khó mà đoán được diễn biến các khúc sau sẽ là gì. Nếu đã nghe quen phong cách của Oscar Peterson, bạn sẽ dễ dàng nhận ra cái cách mà ông hay "bẫy" người nghe ở phần đầu nhạc phẩm, ông đi khá êm ở đầu bài nhưng rồi lại gia tăng tiết tấu đột ngột, thay đổi phong cách âm nhạc của chính bài hát như ngày và đêm vậy. Đây là một trong những bản jazz mà mình cho là xuất sắc nhất trong nhiều năm nghe nhạc.

Chúng ta hãy cùng điểm qua đôi nét về Oscar Peterson. Ông là nghệ sỹ jazz piano người Canada nổi tiếng với phong cách Liszt (như huyền thoại jazz piano Art Tatum), cho phép ngón đàn của ông "biến hóa" bất cứ giai điệu nào thành những nốt ngẫu hứng và ở bất kỳ tempo nào. Ông sử dụng cả hai tay một cách thuần thục, cộng thêm cái đầu thiên tài không bao giờ mắc lỗi khi tính nhịp, trở thành nghệ sỹ jazz piano được yêu thích nhất trong thể loại này. Oscar Peterson mất vì bệnh suy thận vào năm 82 tuổi, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho ngành âm nhạc.

tinhte_oscar_peterson_trio_night_train_2.jpg

Oscar Peterson bắt đầu học piano vào năm 6 tuổi tại Montreal từ sự khuyến khích của cha ông, một nhân viên đường sắt với các kiến thức piano tự học. Năm 14 tuổi, Oscar chiến thắng trong cuộc thi tài năng trên radio và bắt đầu làm việc trong các show nhỏ của đài Montreal. Trong thời gian này ông cũng là một thành viên thường xuyên của Johnny Holmes Orchestra với ngón đàn điêu luyện lấy cảm hứng từ Teddy Wilson, Tatum và Nat "King" Cole. Oscar Peterson cũng từng học kèn trumpet tuy nhiên phải dừng lại vì lý do sức khỏe, từ đó ông dành tất cả thời gian và đam mê của mình cho đàn piano. Ông làm chủ được cả mười ngón tay của mình trên phím đàn khi còn rất trẻ, trong khi hầu hết nhiều nghệ sỹ piano vẫn chơi theo tay thuận và chỉ sử dụng tay còn lại một cách chiếu lệ mà thôi.

Oscar Peterson lúc đầu không có ý định lập thân ở Mỹ tuy nhiên sau đó ông quyết định ra mắt công chúng tại Carnegie Hall trong chương trình Jazz at the Philharmonic của Norman Granz vào tháng 9/1949. Granz nhận ra được phong cách mới mẻ cũng như thiên hướng âm nhạc độc đáo của Oscar Peterson nên đã dẫn dắt sự nghiệp của ông trong suốt những năm '50, giúp ông thu âm và thường xuyên mời ông đến diễn trong chương trình Jazz at The Philharmonic. Phong cách của Oscar Peterson ban đầu chịu ảnh hưởng rất nhiều từ bộ tam Cole, nghĩa là thường chỉ tận dụng guitar và double-bass sau đó "phiêu" theo nhịp trống. Trong những năm '50, guitar bass của Peterson luôn là Brown, và Herb Ellis chơi guitar - tuy nhiên từ 1958, Ellis được thay thế bằng Ed Thigpen, một trong những tay trống có khả năng theo kịp nhịp piano của Peterson mà không hề có cảm giác "lấn lướt" ngón đàn của ông. Bộ tam "hợp rơ" này bắt đầu thu âm liên tục, và những tác phẩm classic mà Peterson cover lại được công chúng rất yêu thích, trong đó có cả người yêu jazz lẫn người nghe không chuyên.

cover_tinhte_oscar_peterson_trio_night_train_3.jpg

Quảng cáo


Năm 1960 Peterson sáng lập trường Advanced School of Contemporary Music ở Toronto với sự giúp đỡ của Brown, Thigpen và nhà sản xuất kiêm nhạc công clarinet Phil Nimmons. Ông dừng chân tại đây 3 năm và chuyên tâm vào dạy nhạc. Sau đó ông tiếp tục biểu diễn và thu âm như trước, tạo ra nhiều bản hit để đời như With Respect to Nat vào năm 1965 để dành tặng riêng cho Nat "King" Cole.

Vào những năm '70 khi jazz bắt đầu sa sút với sự xuất hiện của "dòng nhạc thời đại" rock'n'roll, Peterson vẫn tiếp tục chứng minh rằng tài năng của mình đủ "sáng" để không bị ảnh hưởng quá nhiều từ các thay đổi thời cuộc. Ông bắt đầu biểu diễn solo và mang đến cho thính giả những bài trình diễn tuyệt vời. Chỉ mười ngón tay của ông lướt trên phím đàn mà cứ như hai hay ba nghệ sỹ piano đang chơi cùng lúc vậy. Oscar Peterson cũng được mời đến nhiều sự kiện đa dạng hơn, xuất hiện cùng những tên tuổi nổi trội lúc đó như Ella Fitzgerald, Stan Getz, Dizzy Gillespie, Clark Terry hay Joe Pass. Trong những năm tiếp theo ông còn biểu diễn chung với nghệ sỹ guitar bass Niels-Henning Orsted Pedersen. Phong cách biểu diễn của Oscar Peterson dường như phù hợp hơn khi chỉ đứng chung với một hoặc hai nhạc công khác, do kiểu đánh tốc độ của ông sẽ làm các nghệ sỹ khác phải đuổi theo, và càng nhiều nhạc công phải làm điều này thì tác phẩm sẽ càng hỗn loạn.

Oscar Peterson đa tài, ông cho ra đời khá nhiều album hay trong khoảng thời gian ngắn, Affinity (1963) là album bán chạy nhất của ông, tuy nhiên cũng không thể không nhắc đến Canadiana Suite (1964), hay Night Train mà chúng ta đã đề cập ở trên. Peterson còn sáng tác soundtrack cho bộ phim Play It Again Sam, tham gia chủ trì talkshow khi lưu diễn ở Nga vào năm 1974 và có ảnh hưởng đến những nghệ sỹ khác như Steve Winwood, Dudley Moore hay Joe Zawinul. Ông còn biên soạn một số giáo án dạy nhạc cho các sinh viên học jazz piano. Trong một số tài liệu âm nhạc, Oscar Peterson được nhắc đến như một nghệ sỹ với phong cách biểu diễn "áp chế" người khác, hay nói cách khác là "bắt người ta đi theo phong cách của mình". Ô, anh em nghe cái album Night Train này tới cỡ 2 3 bài đầu là thấy liền ấy mà :D

Và trở lại với Night Train, chúng ta dễ dàng thấy được vì sao album này được xem là một trong những tác phẩm để đời của Oscar Peterson. Night Train có thể được đặt vào tất cả những bộ sưu tập nhạc khác nhau của bạn, dù bạn là người yêu nhạc jazz hay luôn nhìn nó bằng "nửa con mắt". Mười một tác phẩm trong album nói chung có thời lượng khá ngắn cho mỗi bài, kéo dài chỉ từ năm phút rưỡi hoặc hơn một chút mà thôi. Vì thế nếu bạn tưởng tượng rằng jazz là kiểu nhạc kéo dài lê thê và "tự sướng" thì Night Train sẽ ngược lại hoàn toàn.

Oscar Peterson mất năm 2007 nhưng âm nhạc của ông sẽ tồn tại mãi mãi về sau. Nếu bạn muốn biết bàn tay của một thiên tài có thể làm được những gì trên phím đàn piano, Night Train sẽ là câu trả lời mà bạn đang tìm kiếm. Hãy nghe thử Night Train và chia sẻ những cảm nhận của riêng mình nhé.
78 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Bác thường nghe nhạc k có vocal huh?
@mrTimbaland Nghe đủ thứ. nhớ 2 album trc mình giới thiệu có vocal hát mà ta -_-
@AudioPsycho 2 album trước mình k có đọc, sorry bác
Nhạc không lời nhiều khi nghe rất thư giãn 😃
@danghuong18 Nhạc ko lời thì chung chung quá bác. Nó có nhiều thể loại nữa
@pro744 phải, mình thích mấy kiểu nhẹ nhàng á, rất thư giãn
@danghuong18 Vậy kiểu Classic. Mà trong Classic nó cũng chia nhiều kiểu khác bác à
@pro744 =)) nói chung mình không hiểu nhiều về âm nhạc nên cũng không quan tâm lắm nghe nhạc nào nhẹ nhàng thư giãn là mình nghe à.
Mod này khoái nhạc Jazz nha. 2 bài trang chủ đều gt nhạc Jazz
@pro744 2 cái trc một cái là rock lai một chút jazz
1 cái là pop-jazz
Cái này là jazz thuần tuý.
@AudioPsycho Bao giờ bác gt ae thể loại khác chút, classic, balad hoặc chút nhạc pop lai đổi mới đi nha 😁
Bác nào có trọn series Melody Of The Night của Shi Jin cho mình xin với 😁 hoặc vài list của Ming Zi cũng được.
vutuanbs
ĐẠI BÀNG
6 năm
ACE nghe bài nhạc không lời này thư giãn cực!
@vutuanbs Ý là mình tìm bằng shazam nhưng không ra đc tên gốc đó bạn. Chỉ thấy tên như hình mình gửi.
@vutuanbs Bạn ko hiểu ý bác kia rồi. Ý bài này tên là "Bài Hát Xổ Số" 😁
Ix09
ĐẠI BÀNG
6 năm
@danghuong18 Melodia dla Zuzi Marek i Wacek bác nhé
@Ix09 Chuẩn =))
Đọc bài mà thấy cao siêu quá không hợp với mình 😃
Không hợp gu của em bác ợ
Em chỉ Borelo thôi, dù sao cũng cám ơn bác
@tú tầu Nghe quen là lên level liền b 😁
kiddi5
ĐẠI BÀNG
6 năm
tinh te hôm nay lạc đề hả ta? =)))
AudioHunger
ĐẠI BÀNG
6 năm
@kiddi5 đôi khi thay đổi chút nhạc cho nó đúng với cái tên tinh tế 😃
it001
ĐẠI BÀNG
6 năm
Nghe vui vui
halicopter
ĐẠI BÀNG
6 năm
Trang công nghệ nên là 1 loại thôi, còn chia sẻ nhạc, phim hay xe cộ nên để riêng ra mục khác, vào tinhte mà thấy hết phim nhạc lại đến nhiều bài nhảm, thành viên kiếm tai nghe thì spam loạn lên, comment k ai hiểu hay để ng khác chửi để lấy tích cực,
AudioHunger
ĐẠI BÀNG
6 năm
@halicopter bài này nằm trong hẳn một mục riêng là Giới thiệu album, trong thớt lớn Âm nhạc.
công nghệ thì nó đã có những mục riêng r
bạn không xem có thể bỏ theo dõi tag audio, cơ mà sống mà không để ý mấy cái này thì có chắc là phí phạm quá không?
be sushi
ĐẠI BÀNG
6 năm
ô mod này chơi ác. ae tinhte là phải giới thiệu mấy đĩa của susan wong hay yao si ting j đó, cover mấy bài dễ nghe rồi từ từ mới lên đô được. chưa j quất mấy đĩa này sao ae chịu nổi
AudioHunger
ĐẠI BÀNG
6 năm
@be sushi k phải là hiểu hay k hiểu, mà là có ý định muốn trải nghiệm cái hay của những tác phẩm này hay không thôi 😁
đừng căng thẳng quá làm gì, nghe nhạc là để thưởng thức mà :D
đâu phải tự nhiên những món nhạc này được liệt vô hàng bất hủ thế giới đâu nè <3
@AudioHunger Đúng như bác nói, cứ nghe nó một cách tự nhiên thôi, nếu bạn cảm thấy k thích nó thì chắc là bạn chưa sẵn sàng
AudioHunger
ĐẠI BÀNG
6 năm
@mrTimbaland e con gái... bác gì bác hoài... 😔
@AudioHunger Lol... tại quen tay rồi, sorry em ;)
_ Mình thì khoái thể loại này ... 😁

@iceteazz Jpop đời đầu. Rất hay đó !!!!
@iceteazz Giai điệu nghe hay đó bác
unknowns
ĐẠI BÀNG
6 năm
@AudioPsycho em join date lâu lắm rồi không bao giờ post cái gì, giờ phải login vào để cảm ơn bác. Album này hợp em quá, cảm giác phê như lần đầu vớ được Timed out của Dave.
vehai
ĐẠI BÀNG
6 năm
https://youtube.com/watch?feature=youtu.be&v=PoU8UcE70_E
Sài gòn hôm nay mưa, nghe thêm bài này lòng thấy lâng lâng. 😃
@vehai check lại link bro ới !
Ho dinh thy
ĐẠI BÀNG
6 năm
Đẳng cấp,hóng Joe Pass,Charlie Byrd,Ella Fitzarald,Diana Krall....

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019