[Đánh giá] Một tháng chơi game bằng tay cầm Razer Raiju: Liệu có thay thế được Dualshock 4?

P.W
21/9/2018 8:52Phản hồi: 64
[Đánh giá] Một tháng chơi game bằng tay cầm Razer Raiju: Liệu có thay thế được Dualshock 4?
Không chỉ trên PC mà trên thế giới cũng như tại Việt Nam, những giải đấu game tổ chức trên nền console vẫn rất đông. Từ PES, FIFA, cho đến cả Call of Duty và những game đối kháng như Street Fighter. Thị trường tay cầm chơi game cho đối tượng gamer chuyên nghiệp cũng được coi trọng, với khả năng “bòn rút” ví tiền của anh em gamer, đổi lại là những sản phẩm cải thiện được cảm giác điều khiển nhân vật trong game so với tay cầm stock của PS4 hay Xbox One.

DSCF5220.JPG

Razer Raiju là một trong số những sản phẩm như vậy. Từ thiết kế, trải nghiệm sử dụng cũng như độ bền đều khác hẳn so với tay cầm Dualshock 4 thông thường, bán kèm với máy PS4 như anh em đã quá quen thuộc. Cá nhân mình nhận định, món đồ chơi này xài vui, có vài lợi thế cho anh em chơi game, nhất là những game mang tính đối kháng với chế độ multiplayer như FIFA 18 hay Call of Duty: WWII chẳng hạn.

DSCF5227.JPG

Câu hỏi được đặt ra là, với thiết kế ngầu như thế này, và cái giá gần 4 triệu Đồng phân phối chính thức ở Việt Nam, nghĩa là gần bằng giá mua cả một chiếc máy PlayStation 4 đã qua sử dụng, Razer Raiju có xứng với cái tên “eSports controller” và đủ sức thay thế Dualshock 4 nếu anh em là fan của Rắn xanh hay không?


So với tay cầm Sony làm ra cho PlayStation 4, Razer Raiju nhìn “giống” tay cầm cho Xbox One hơn, với thiết kế “béo” hơn so với dáng vẻ thon thả của Dualshock 4. Đặt Raiju cạnh Xbox One Controller, đường nét cũng có vẻ tương đồng, nhưng chiếc tay cầm chơi game của Razer ngầu hơn nhiều. Những giây phút đầu tiên làm quen, ấn tượng của Raiju là một chiếc tay cầm dày dặn, với lớp vỏ nhựa nhám bền chắc. Ngay cả khi không phải tay cầm không dây, nghĩa là không có pin bên trong, Raiju vẫn nặng hơn Dualshock 4 một chút.

DSCF5230.JPG

Không chỉ có layout những nút cơ bản, Raiju còn sở hữu cụm nút macro có thể tùy chỉnh mà không cần driver, cùng cụm nút điều khiển voice chat, gán macro, đổi profile nhanh. Đây chính là khác biệt cơ bản giữa khái niệm “eSports Controller” so với tay cầm bình thường. Chúng đem lại nhiều lợi thế nhất có thể cho những gamer thi đấu những giải game FPS hay thể thao.

DSCF5234.JPG

Nhìn sơ qua hình ảnh của Raiju, anh em có thể nghĩ vị trí nút cũng như khoảng cách sẽ khác so với tay cầm Dualshock 4. Kỳ thực đây là tác động của kích thước hơi “béo” của chiếc controller này. Mình thử đo khoảng cách nút, vị trí hai nút Option và Share, cũng như vị trí hai cần analog và nhận ra rằng, “mặt tiền” của Razer Raiju không khác biệt gì so với Dualshock 4. Ngón cái của anh em phải “vươn” quãng đường tương tự như trên DS4 để điều khiển nhân vật trong game.

DSCF5235.JPG

Tuy nhiên, vị trí layout nút bấm là thứ duy nhất “quen” trên Razer Raiju. Còn lại kết cấu của nút, thiết kế trigger cũng như touchpad trên chiếc tay cầm này đều khác hoàn toàn. Nổi bật nhất có lẽ chính là 4 nút tam giác, O, X và vuông không còn dùng nút nhựa kết nối với switch cao su tiếp xúc trực tiếp với PCB bên dưới nữa. Thay vào đó, Razer sử dụng mechanical switch y hệt như trên chuột chơi game, bấm nảy tanh tách, vừa làm giảm độ sâu hành trình nút, vừa làm giảm độ trễ trong quá trình điều khiển nhân vật game. Phải khẳng định, bấm 4 nút này rất đã, bấm cả ngày cũng không chán.

Trong khi đó, cụm nút Dpad là 4 nút độc lập chứ không phải một nút 4 chiều như truyền thống. Nút bấm ở cụm này cũng cứng hơn so với DS4. Raiju thực sự không hợp với game đối kháng, vốn đòi hỏi sự nhạy bén của Dpad hơn nhiều so với những thể loại game khác. Nói vậy cũng hơi bất công, vì giờ mình thấy tuyệt đại đa số anh em cuồng và chơi game đối kháng Nhật Bản toàn mua Arcade Stick mô phỏng bàn điều khiển game ở những máy game thùng, Dpad đổi thành cần gạt chơi cho sướng. Đây cũng là phần kém nhất của controller này.

Quảng cáo



DSCF5246.JPG

Hai cần analog có lẽ là thứ được Razer đổ nhiều công sức thiết kế nhất trên Raiju. Thay vì hai cần xoay bằng nhựa, gạt xung quanh lớp vỏ nhựa như Dualshock 4, Raiju được thiết kế analog bằng kim loại, và xoay xung quanh khung lót bằng thép luôn. Nhờ đó tốc độ xoay rất trơn và nhanh. Anh em hoàn toàn không lo bụi làm ảnh hưởng tới việc xoay analog như tay cầm vỏ nhựa. Nhưng những ngày đầu, anh em có thể thấy analog hơi trơn quá nếu như đã quen với Dualshock 4.

DSCF5260.JPG

Cụm nút phụ (R1, R2, L1, L2) được bê nguyên xi từ tay cầm Xbox One. Mình không có phàn nàn gì về nút phụ của Dualshock 4 truyền thống, nhưng phải đồng ý một điều, 2 nút “vai” và “cò” của Xbox One có sự tỉ mỉ và tính toán trong thiết kế hơn nhiều so với đối thủ Sony. Nếu như với tay cầm PS4, anh em phải bấm 4 nút phụ bằng đầu ngón tay, thì tay cầm Xbox One cho phép anh em bấm theo kiểu gì cũng được, đặt tay dưới hai trigger mà vẫn gạt được đốt ngón tay trỏ bấm RB và LB. Cái gì thiết kế ngon sẵn thì copy luôn cho tiện, chưa kể Microsoft có đăng ký bản quyền cụm nút phụ của tay cầm đâu mà phải lo?

DSCF5241.JPG

Không dừng lại ở việc tạo ra trải nghiệm tiện nhất cho anh em chơi PS4, Raiju còn có cả chế độ Hair Trigger, với hai công tắc ở mặt lưng tay cầm. Gạt hai công tắc này về phía hai nút R2 và L2, hành trình của chúng trở nên ngắn xuống còn khoảng 1/3 so với bình thường. Tính năng này cũng được “mượn” nốt từ tay cầm Xbox One Elite Controller, giúp làm giảm thời gian bấm hai nút quan trọng nhất trong mọi game bắn súng: Ngắm (L2) và bắn (R2).

Quảng cáo



DSCF5244.JPG

Tuy nhiên để kích hoạt chế độ hair trigger, sau khi gạt hai công tắc mình đã mô tả ở trên, anh em còn phải làm một động tác nữa, đó là giữ nút Macro (nút ngoài cùng bên trái panel điều khiển ở cuối tay cầm), sau đó giữ 2 nút cò trái và phải, đồng thời ấn X. Tay cầm sẽ rung lên để xác nhận chế độ hair trigger được kích hoạt. Nếu muốn tắt đi, chỉ cần gạt hai công tắc về vị trí cũ để chơi game đua xe chẳng hạn. Nhưng mỗi lần muốn bật tính năng này, anh em sẽ phải làm lại các bước kể trên.

DSCF5250.JPG

Nhắc macro cũng không thể bỏ qua 4 nút từ M1 đến M4, với hai nút ngay cạnh cụm nút phụ, và hai nút ở mặt sau tay cầm. Tác dụng của chúng không khác gì những nút phụ ở sườn chuột chơi game cả, và chúng chỉnh được để gán các lệnh khác nhau. Thao tác cũng tương tự như hair trigger ở trên: Giữ nút macro ở panel dưới tay cầm, bấm một lần nút M1 đến M4, sau đó bấm tiếp nút mà anh em muốn gán cho 1 trong 4 nút này. Tay cầm rung lên một nhịp nghĩa là đã nhận lệnh. Mô tả thì dài nhưng dùng thử, toàn bộ thao tác này mất cỡ 3 giây.

Trong quá trình dùng thử, mình gán hai nút M3 và M4 phía sau tay cầm làm nút lên và xuống số khi chơi GranTurismo Sport, y chang flappy paddle chuyển gear trên vô lăng xe đua. Còn trong game bắn súng thì mình gán hai nút này làm nút thay đạn và tấn công cận chiến, rất tiện, hai ngón cái chỉ việc điều khiển cần analog để nhân vật di chuyển mà thôi. Trong khi đó M1 và M2 có thể dùng để đổi slot vật phẩm ví dụ trong Battlefield V sắp ra mắt, tiện hơn việc thả tay khỏi analog trái để chọn bằng Dpad nhiều.

DSCF5239.JPG

Để sử dụng Razer Raiju hết khả năng, việc làm quen với tay cầm trong vài giờ, thậm chí vài ngày là điều anh em rất nên làm. Một khi đã quen, quay trở về Dualshock 4 sẽ lại thấy lạ, và đương nhiên, không sướng bằng. Nhưng nếu chỉ nói riêng cái ‘sướng’ này, theo mình đánh giá là không đủ lý do bỏ 4 triệu mua tay cầm này về, trừ khi anh em là fan cuồng Razer, giống mình chẳng hạn.

Một khi đã thích thì đắt đến mấy cũng theo, và xét về vẻ ngoài, Razer Raiju là một món đồ chơi thiết kế đẹp trong mắt mình.

DSCF5229.JPG

Đẹp là một chuyện, trải nghiệm sử dụng lại là chuyện khác. Có là fanboy đến mấy thì cũng không thể bỏ qua một thực tế là, anh em đang nhìn vào một chiếc tay cầm 4 triệu Đồng, nhưng vẫn phải cắm dây để chơi game. Dù rằng dây cáp bọc vải dù đi kèm rất dài, không lo thiếu dù ngồi phòng khách hay dán mắt vào màn hình, nhưng với cái giá như thế này, hẳn nhiều anh em cũng sẽ mong đợi khả năng chơi game không dây. Nhưng không, trên Raiju là Raiju Ultimate, có cả đèn LED RGB xung quanh touchpad và được bán ở Việt Nam với giá 5 triệu tròn cơ!

Không thể phủ nhận việc kết hợp những chi tiết thiết kế đáng tiền nhất trên cả tay cầm Xbox One lẫn Dualshock 4 biến Raiju trở thành một chiếc controller tạo ra trải nghiệm sử dụng lạ và tiện lợi, nhưng chính nó cũng tự tạo ra vấn đề riêng, cụ thể hơn là hai nút macro ở mặt lưng. Chúng dễ bị bấm nhầm, và ở chế độ mặc định, chưa tùy chỉnh, hai nút này hoạt động y hệt cò R2 và L2. Nút này đối với mình bỏ một khoảng thời gian sẽ quen, nhưng những ngày đầu bấm nhầm thỉnh thoảng cũng khá khó chịu. Nếu không quen, anh em có thể dùng tua vít đi kèm tháo luôn hai nút macro này ra và cất đi, khi nào cần thì lắp lại, rất tiện.

Hạn chế thứ 3 chính là khâu đóng gói của Raiju. Một chiếc tay cầm với mức giá như thế này nhưng xét về phần accessory, Razer chỉ tặng kèm anh em một chiếc túi đựng, một cây tua vít tháo nút macro và dây cáp kết nối mặc định, kèm theo lá thư có chữ ký của CEO Min-Liang Tan, giống như hàng chục gaming gear khác của Razer.

Đối với mình, phụ kiện hơi hẻo. Nhà sản xuất hoàn toàn có thể tặng thêm một hai đôi vỏ bọc cần analog để thay sau một thời gian sử dụng chẳng hạn, nhưng thực tế là không có.

DSCF5238.JPG

“Bới bèo ra bọ” vậy thôi, xét riêng những game hành động nhập vai hay bắn súng, cũng như game thể thao, Raiju phục vụ khá tốt nhu cầu của mình. Cứ tưởng nút bấm sử dụng switch cơ học tiếng lách tách sẽ rất khó chịu, nhưng khi tập trung vào thế giới ảo đôi tai cũng lờ đi âm thanh của switch mà tập trung hơn vào âm thanh từ loa lúc chơi game, vì tiếng tách tách của nút không lớn đến mức gây bực mình, không như bàn phím Cherry MX Blue.

Hai nút Option và Share được thiết kế nổi hơn so với Dualshock, dễ bấm hơn hẳn. Phần grip cao su xanh mặt lưng cũng tạo cảm giác rất tốt. Mình biết chắc chắn một thời gian nó sẽ đóng bụi bẩn hoặc tệ hơn là bung ra như nhiều sản phẩm khác, nhưng ngày ấy chưa đến, chưa phải lo. Tông màu xanh dương và đen của Raiju rất ấn tượng, ngoại trừ lớp vỏ nhám của nó hơi dễ bám bụi.

Một lợi thế nữa của Raiju là khả năng kết nối trực tiếp với PC để chơi game. Steam tự động nhận tay cầm này vì phần mềm của Valve hỗ trợ tay cầm PS4. Đối với những game khác, anh em sẽ phải cài thêm phần mềm như InputMapper hay DS4Windows để chơi game trên PC. Trong khi đó trên PS4, cổng 3.5mm ở panel điều khiển cho phép anh em chỉnh âm thanh cũng như mute microphone nếu xài tai nghe hỗ trợ sử dụng trên PS4.

DSCF5265.JPG

Tuy nhiên việc dùng kết nối micro USB thay vì 5 pin như Nacon Controller khiến chất lượng âm thanh xuất qua tay cầm này không đã. Dĩ nhiên chỉ khi nào chơi game multiplayer cần chat voice mới phải dùng đến tính năng này, còn bình thường chơi game cốt truyện thì cứ loa là thích nhất.

Tổng kết lại, coi Razer Raiju là một món đồ chơi lạ cũng không sai. Nhưng món đồ chơi này giải quyết được vài vấn đề nho nhỏ trong thiết kế cũng như sử dụng vẫn còn tồn tại trên tay cầm DualShock 4. Dù không hoàn hảo ở vài khía cạnh, mà quan trọng nhất không thể lờ đi chính là mức giá, mình vẫn thấy rất thích trải nghiệm khi chơi game bằng controller này, cả trên hai nền tảng PS4 và PC.

Ưu điểm


- Nút bấm mechanical ấn sướng, bền. Trigger to, cảm giác cầm nắm thoải mái.
- Cụm nút macro tiện, gán nhanh, không cần driver.
- Điều khiển được tai nghe và mic ngay trên tay cầm, tiện cho anh em chơi game multiplayer.
- Thiết kế đẹp.

Nhược điểm


- Có dây.
- Dpad không hợp với mọi thể loại game, đặc biệt là đối kháng hoặc bóng đá.
- Giá cao.
64 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Giá tới 4tr thì mua luôn tay Sony chính hãng cho rồi :3
@JoseyHan Razer fan boy đông và giàu mà bạn 😆 chứ đa phần thì chọn cái này thay vì tay Dual Shock rõ phí. Còn nếu chơi trên pc thì tay xbox để chơi game đối kháng mình còn thấy thích hơn.
@JoseyHan nhìn cũng ngon mà giá hơi chát 😁
@longhoang_12 Thì mua luôn cặp chứ sao bạn ;))
Ps4 cũ mà có 4 tr thôi á
@daugauhp911 vậy thôi chứ bao nhiêu nữa bác, con fat đời đầu giá nhiêu đó ... chơi chán slim rồi 4tr5 e cũng cho lên đường dc
unwrittlaw
TÍCH CỰC
6 năm
Tay cầm giời mà kĩ năng kém thì cũng chẳng ăn nổi ai.
Naruto007
TÍCH CỰC
6 năm
@unwrittlaw Chuẩn nhất là lúc đá PES hay FIFA, tay cùi mà kỹ năng tốt vẫn win đều 😁
@unwrittlaw Chơi game là giải trí, ăn thua hay không nhiều khi cũng chả quan trọng mấy. Chơi sướng là được rồi.
@linhsonnguyen Game thì có thắng có thua. Nhưng phải sướng. Giải trí mà. Chả phải tự nhiên các thiết bị công nghệ luôn có 1 dòng sản phẩm gaming, dành cho game thủ, vừa sướng, vừa đẹp, vừa ngầu. Chứ chơi thắng liên tục mà xài bàn phím 200k với chuột mitsumi tàu, đứng lên thì đau hết cả lưng, mỏi hết cả mắt vì xài ghế với màn hình cùi thì chán lắm. Là hành xác chứ giải trí gì?
tk_nam
ĐẠI BÀNG
6 năm
đồ razer nói nhanh là vừa đắt vừa lởm vừa dễ hỏng.
2 con chuột razer / 1 bàn phím, hết bh là dẹo cay vcc 😔
Cho thì xài chứ éo có tiền mua 😁:D
L2, R2, Trigger cao bắn súng đã thôi rồi. Nhưng vào những game đối kháng mới thấy hành trình dài khiến cho bị trễ sẽ làm game thủ sml trong những pha Parry hay Dodge khi mà tốc độ tính bằng ms
levinhkhuong
ĐẠI BÀNG
6 năm
thấy thô và xấu hơn xb vs ps :rolleyes:
MangoMan
ĐẠI BÀNG
6 năm
Thiết kế hầm hố quá, hợp với các bạn PRO.
ơ thế con này dùng dây ko dùng pin à ae?
@hanhanlaotu Ops, vậy là con này phải chơi với dây. Hơi bị cùi. Chứ như xbox one hay ps4 đều xài không dây và có dây kết hợp được.
@_MyLoveIsWinter_ vậy thì cảm giác trải nghiệm ko đc đã rồi. đá pes mà có dây khó chịu lắm =))
chatnever
TÍCH CỰC
6 năm
@hanhanlaotu "Bluetooth/Wired connection"
Con này là Wireless nhé bác, hết pin thì cắm dây xài tiếp 😁
@chatnever vậy thì được đó. chứ ghi nhược điểm có dây làm ae hoang mang =))
thời buổi giờ tay cầm mà có dây là hết muốn chơi rồi, vướng víu, lượm thượm, di chuyển khó khăn
holale
TÍCH CỰC
6 năm
Neck đi cho lẹ.
copy kiểu dáng tổng thể của tay XB sao ko lấy luôn vị trí đảo analog luôn cho đủ bộ, ps4 cái gì cũng dc có mỗi tay cầm là tệ
ADNtinhte
ĐẠI BÀNG
6 năm
Bác nào chịu chơi lắm mới mua con này, chứ nhiều lựa chọn khác tốt mà giá hợp lý hơn.

Năm 2008 mình mua tay Logitech khôg dây có rung tầm $20, chơi đua xe need, đánh tam quốc chí các kiểu mãi đến năm 2015 mới hỏng.

Trong khi mua con chuột razer deathadder năm 2011 ít dùng, đến 2015 phím cuộn bị nhảy loạn lên.

Nên quyết định giờ cứ dùng của Logi cho lành, giá hợp lý mà dùng lại bền
ADNtinhte
ĐẠI BÀNG
6 năm
@anh.duong.218 Chuẩn luôn bạn ơi
@ADNtinhte có con chuột razer DA Black cũng mua 2011 được hơn năm là nút cuộn loại xạ, rồi bị double click nữa
ADNtinhte
ĐẠI BÀNG
6 năm
@nhatientri Mình đoán dòng đấy bị lỗi nút cuộn chứ các chuột khác thường là hỏng click hoặc hỏng luôn chứ ít khi hỏng nút cuộn
@ADNtinhte trắc mình cuộn nhiều quá :v
cơ mà mạch con chuột này đểu vl, mình tháo ra hàn mà bong hết mạch luôn 😆
ra cái giá kinh nhỉ
nguyenlock03
ĐẠI BÀNG
6 năm
nếu hok có dây thì giá nào cũng múc, tiếc là có dây...Hok hiểu sao thời nay rồi mà con làm tay cầm có dây...haizz
Say no to razer
.-PicAssO-.
ĐẠI BÀNG
6 năm
4tr đồng và bạn vẫn phải cắm dây =))
seek4l0ve
ĐẠI BÀNG
6 năm
@.-PicAssO-. for esport, nên latency là ưu tiên hàng đầu. chơi dây so với bluetooth sẽ giảm độ trễ cùng khả năng bị ngắt kết nối giữa chừng (mình có 1 tay dualshock 4 cũ và thi thoảng lại bị ngắt kết nối, tầm 3-4 giây mới kết nối lại đc) giá cao và nhiều tùy chỉnh nên chỉ dành cho serious gamer thôi bạn ạ
.-PicAssO-.
ĐẠI BÀNG
6 năm
@seek4l0ve điều này e hiểu, và nhiều người cũng hiểu, nhưng tai sao không thể có cả hai kiểu kết nối: không dây và có dây như xbox one s? Với mức giá 4tr đồng cho 1 tay cầm thì e nghĩ cũng đơn giản thôi

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019