Tham dự Tech Lounge

Tham dự Tech Lounge


Đánh giá GeForce RTX 2080 FE: hiệu năng như GTX 1080 Ti, Ray Tracing sẽ là xu hướng!

bk9sw
15/11/2018 13:33Phản hồi: 74
Đánh giá GeForce RTX 2080 FE: hiệu năng như GTX 1080 Ti, Ray Tracing sẽ là xu hướng!
Bộ đôi GeForce RTX 2080 và 2080 Ti đã ra mắt được 1 tháng nay, driver các thứ cũng đã được cập nhật đầy đủ và ổn định hơn. Đã đến lúc chúng ta xem qua hiệu năng của 2 chiếc card này trước khi quyết định rút hầu bao. Phiên bản đầu tiên mình giới thiệu đến anh em là RTX 2080 - cũng là phiên bản gây tò mò và tranh cãi nhất.

Phiên bản mình dùng trong bài này là GeForce RTX 2080 Founders Edition - hàng nhà trồng chính hãng Nvidia. Nói lại đôi chút về thiết kế của dòng card FE năm nay thì Nvidia đã làm mới toàn bộ ngoại hình, khiến chiếc card trông giá trị hơn bao giờ hết với 2 quạt tản nhiệt, heatsink mở, vỏ nhôm dày được hoàn thiện rất cao cấp. Chi tiết và hình ảnh thêm về dòng RTX 20 FE thì anh em có thể xem thêm trong bài này.

Tinhte.vn_GeForceRTX20-1.jpg
Chúng ta đều đã biết thế hệ GPU mới nhất dành cho card đồ hoạ phổ thông của Nvidia hay GeForce RTX 20 dùng kiến trúc Turing. Kiến trúc này có điểm đặc trưng là công nghệ Ray Tracing (RT) - một công nghệ xử lý ánh sáng đồ hoạ với các nhân RT Core chưa từng có trên kiến trúc Pascal. Cũng vì công nghệ này mà Nvidia đã đổi tên thành RTX thay vì GTX cho thế hệ 20 series. Thêm nữa là RTX 20 còn có các nhân xử lý AI, DL, ML là Tensor Core vay mượn từ kiến trúc Volta và các nhân này cũng hỗ trợ đắc lực cho công nghệ khử răng cưa bằng deep learning (DLSS) mà hãng hứa hẹn có thể giúp RTX 2080 chơi game 4K 60 fps dễ dàng. Có một thông tin thú vị là Nvidia đã phát triển Turing suốt 10 năm qua và định hướng đến Ray Tracing từ lâu. Dự án Turing được thực hiện song song với Maxwell và Pascal.

Phiên bản GeForce RTX 2080 Founders Edition sử dụng GPU TU104 (TU = Turing) cùng cấu trúc block như TU102 trên RTX 2080 Ti tức là gồm 6 cụm nhân xử lý (Graphics Processing Cluster - GPC), mỗi GPC có 8 (Stream Multiprocessor) với mỗi SM có 64 nhân CUDA + 8 nhân Tensor + 1 nhân RT kèm theo đó là 16 đơn vị nạp/lưu, không gian ghi (register space) 256 KB và bộ đệm L1 chia sẻ 96 KB. Một con TU104 đầy đủ sẽ có 48 SM, 3072 nhân CUDA, 384 nhân Tensor, 48 nhân RT.

GPU TU104.jpg
Nvidia vẫn thiết kế 2 SM và một engine PolyMorph cho mỗi cụm xử lý texture (Texture Processor Cluster - TPC) tương tự như thế hệ Pascal thành ra con GPU này sẽ có tổng 192 đơn vị texture (TU) và 24 engine PolyMorph. Điểm mới hơn là 8 vi điều khiển bộ nhớ GDDR6 32-bit (tổng 256-bit độ rộng bus) kết nối với 64 Render Output Unit - ROP và bộ đệm L2 4 MB. Và cũng trên thế hệ RTX 20 series thì Nvidia đã chuyển sang dùng NVLink thay cho SLI PCIe cũ, kết nối của NVLink x1 cho băng thông 50 GB/s 2 hướng khi kết nối đa GPU.


Tuy nhiên, Nvidia thực chất đã tắt bớt một TPC trên TU104 của RTX 2080 thành ra nó chỉ còn 46 SM với 2944 nhân CUDA, cũng mất thêm 2 nhân RT còn 46 nhân RT, số nhân Tensor còn 368 nhân và 184 TU thay vì 192 TU.

GDDR6.jpg
TU104 trên RTX 2080 đi với bộ nhớ GDDR6 dung lượng 8 GB. GDDR6 có tốc độ đến 14 Gbps cao hơn GDDR5X thành ra với độ rộng bus 256-bit hẹp hơn so với 352-bit của GTX 1080 Ti, băng thông bộ nhớ GDDR6 trên RTX 2080 vẫn đạt 448 GB/s, thua đôi chút so với 484 GB/s của 1080 Ti và cao hơn 100 GB/s so với phiên bản màn nó thay thế trực tiếp là GTX 1080.

Về xung nhịp của GPU, TU104 trên RTX 2080 có xung cơ bản 1515 MHz và boost lên 1800 MHz và có thể cao hơn. Với mức xung cao hơn so với GTX 1080 Ti lẫn 1080 thì hiệu năng tính toán FP32 đạt 10.6 TFLOP tức chỉ thua đôi chút so với 11.3 TFLOP của GTX 1080 Ti nhưng cao hơn nhiều so với GTX 1080 với mức 8.8 TFLOP.

Tinhte.vn_GeForceRTX20-10.jpg
Điện năng tiêu thụ của RTX 2080 cũng cao hơn so với GTX 1080 do đó Nvidia đã yêu cầu PSU tối thiểu cho hệ thống dùng RTX 2080 là từ 650 W với đầu cấp điện 6 + 8 pin (RTX 2080 dưới). TDP của TU104 trên phiên bản Founders Edition giờ đây là 225 W nên điều này lý giải tại sao Nvidia thay đổi thiết kế tản nhiệt trên dòng RTX 20 series mới.

Những con số trên phần nào cho thấy hiệu năng rất hứa hẹn của RTX 2080, nghe có vẻ như nó sẽ mạnh ngang ngửa GTX 1080 Ti và đặc biệt là hỗ trợ Ray Tracing với các nhân riêng, khác biệt nhiều so với cơ chế tái tạo ánh sáng phẳng xưa nay nhờ đó đồ hoạ game sẽ thực hơn và sống động hơn. Ngoài ra, công nghệ DLSS cũng hứa hẹn sẽ mang lại trải nghiệm game 4K ở khung hình cao hơn so với thế hệ GTX 10 series.

Tinhte.vn_RTX2080-2.jpg
Thử nghiệm RTX 2080 được mình thực hiện với các phần mềm benchmark chuyên dụng và một số tựa game phổ biến hiện nay. Cấu hình thử nghiệm như sau:
  • CPU: Intel Core i9-9900K, 8 nhân 16 luồng, 3,6 GHz - 5 GHz, TDP 95 W;
  • GPU: Nvidia GeForce RTX 2080 Founders Edition;
  • RAM: 2 x 8 GB ADATA XPG DS40 DDR4-3000;
  • SSD (OS): WD Black 256 GB PCIe 3.0 x4 NVMe;
  • HDD (Game): WD Black 2 TB 7200 rpm;
  • MOBO: MSI Z370 Gaming Pro Carbon AC;
  • PSU: ThermalTake ToughPower 850 W Gold;
  • Cooler: Corsair H100i Pro RGB Liquid Cooling;
  • Case: CoolerMaster MasterBox 5;
  • Monitor: ASUS RoG Swift PU27G 4K HDR G-Sync.
Tinhte.vn_GTX1080Ti-1.jpg MSI GTX 1080 Ti Lightning Z.

Tinhte.vn_GTX1080-1.jpg
MSI GTX 1080 Gaming X.

Quảng cáo


Ngoài ra mình còn mượn được 2 chiếc card đồ hoạ khác là MSI GTX 1080 Ti Lightning Z và MSI GTX 1080 Gaming X để so sánh về hiệu năng, sử dụng cùng dàn máy này. Cả 3 chiếc card đều sử dụng driver mới nhất của Nvidia là 416.94 và không bật các tính năng OC, riêng con CPU Core i9-9900K thì mình đã ép sẵn lên 5 GHz toàn nhân, RAM cũng đã bật XMP để chạy ở tốc độ 3000 MHz theo thiết kế.


Benchmark năng lực tính toán của RTX 2080 và so sánh với các phiên bản khác bằng AIDA GPU Benchmark. Có thể thấy Nvidia công bố hiệu năng tính toán FP32 của RTX 2080 là 10.6 TFLOPS và kết quả từ AIDA vào khoảng 11.5 TFLOPS, vẫn thấp hơn 13.5 TFLOPS của GTX 1080 Ti và đúng là cao hơn hẳn so với mức 9.2 TFLOPS của GTX 1080. Tương tự, năng lực tính toán FP64 của RTX 2080 vẫn xếp dưới GTX 1080 Ti và cao hơn GTX 1080. Tuy nhiên, có thể thấy sự cải tiến của kiến trúc Turing với các bài test đo MAD (Multiply-Addition) với các độ dài dữ liệu 24, 32 và 64-bit so với thế hệ Pascal. Điểm số của RTX 2080 cao hơn từ gấp đôi đến nhiều lần so với GTX 1080 Ti và GTX 1080 hay Radeon RX Vega 64. Đặc biệt là độ dài 64-bit integer, RTX 2080 đạt 2572 GIOPS (Giga Integer Operations Per Second) trong khi các phiên bản card đồ hoạ còn lại chỉ đạt chưa đến 800 GIOPS.

Bảng dưới là đo băng thông đọc ghi giữa GPU và CPU, thông số đặc biệt quan tâm là Mem Copy tức là băng thông của GDDR6 trên RTX 2080. Như mình đã nói ở trên, GDDR6 với tốc độ 14 Gbps cao hơn 11 Gbps của GDDR5X trên MSI GTX 1080 Ti Lightning Z và 10 Gbps của GDDR5X trên MSI GTX 1080 Gaming X thành ra sự chênh lệch về hiệu năng cũng rất tương quan. Băng thông của GDDR6 trên RTX 2080 là 448 GB/s, của GDDR5X trên GTX 1080 Ti Lightning Z là 484 GB/s và GTX 1080 Gaming X là 320 GB/s và kết quả benchmark cho thấy GDDR6 nhanh hơn 6,2% so với GDDR5X 11 Gbps và nhanh hơn gần 47% so với GDDR5X 10 Gbps trên GTX 1080, đúng như những gì Nvidia công bố là bộ nhớ nhanh hơn 50%. So với HBM2 trên Radeon RX Vega 64, bộ nhớ HBM2 không mạnh về tốc độ nhưng có lợi thế về độ rộng bus lên đến 2048-bit thành ra băng thông tối đa của bộ nhớ này cũng vào khoảng 484 GB/s với tốc độ hiệu quả của bộ nhớ ở 1,89 Gbps.


Đây là điểm 3DMark, đúng như dự đoán RTX 2080 đạt điểm số rất cao và có thể nói là tương đương với GTX 1080 Ti với các bài test như Fire Strike, Fire Strike Extreme, Fire Strike Ultra và Sky Diver. 3 bài test này khác nhau ở độ phân giải, tương ứng với tình huống khi anh em chơi game đồ hoạ năng ở các độ phân giải khác nhau từ FHD đến 2K và 4K. Fire Strike tập trung vào DirectX 11 và khả năng render thời gian thực với đồ hoạ chi tiết và phức tạp. Tuy nhiên, nếu để ý 2 bài test Time Spy thì anh em có thể thấy RTX 2080 đạt điểm số cao hơn. Vấn đề nằm ở chỗ Time Spy mô phỏng game dùng DirectX 12 với 2 độ phân giải là 2K và 4K với Time Spy Extreme. Như vậy với các tựa game dùng DirectX 12 thì RTX 2080 sẽ có thể xử lý ở khung hình cao hơn so với GTX 1080 Ti. Còn so với GTX 1080 thì dựa trên kết quả 3DMark, nếu chơi game ở độ phân giải 4K thì tỉ lệ chênh lệch về sức mạnh có thể ước lượng là 18 - 20% với game DirectX 11 và đến trên 33% với game DirectX 12.

TimeSpyStressTest.jpg
Stress test Time Spy Extreme DirectX 12 ở độ phân giải 4K thì kết quả cũng cho thấy hiệu năng xử lý của RTX 2080 tốt hơn so với DirectX 11 với độ ổn định khung hình trên 97% trong khi đó khi stress test Fire Strike Ultra DirectX 11 thì độ ổn địn khung hình giảm xuống dưới 97%. Nhiệt độ GPU cũng rất ổn định ở 74 độ C sau khi thực hiện xong 20 lần loop.

Quảng cáo



Còn đây là tỉ lệ khung hình với một số tựa game mình hay chơi như Doom, Ghost Recon Wildlands, PUBG và Shadow of the Tomb Raider. Mình chơi trên màn hình ASUS PG27U 4K HDR G-Sync và để đảm bảo tỉ lệ khung hình tối ưu thì mình không bật HDR, dĩ nhiên là phải tắt G-Sync rồi, chỉ để độ phân giải 4K và thử nghiệm các preset cao nhất trong game. Đối với Doom thì kể từ GTX 1080 với thiết lập 4K Ultra thì đã có thể chơi ổn định ở tỉ lệ khung hình trên 60 fps do đó tựa game này không phải là vấn đề lớn đối với RTX 2080 với OpenGL 4.5. Doom là trò hỗ trợ cả Vulkan API thành ra nếu anh em muốn chơi ở tỉ lệ khung hình cao hơn thì có thể chuyển sang API này, khung hình sẽ dễ dàng lên trên 100 fps.

PUBG Ultra4K.jpg
Với Ghost Recon Wildlands và PUBG, cả 2 đều là game có đồ hoạ nặng và thế giới mở, riêng GRW có đồ hoạ rất đỉnh với nhiều hiệu ứng vật lý, ánh sáng, đổ bóng và chi tiết về môi trường, nhân vật đều cao hơn so với PUBG. RTX 2080 có thể đạt khung hình trên 60 fps với thiết lập High ở độ phân giải 4K còn với Very High hay Ultra thì không dễ. Với một tựa game bắn súng thì dù ở góc nhìn thứ 3 hay thứ 1 thì khung hình cao luôn là yếu tố ưu tiên để đảm bảo trải nghiệm tốt nhất. Riêng PUBG thì với những bản cập nhật gần đây, tựa game này đã khai thác phần cứng ổn hơn và mình có thể tự tin để Ultra 4K chơi với khung hình trên 60 fps.


*Cập nhật: Kết quả test khung hình của các tựa game hỗ trợ Ray Tracing và DLSS như Battlefield V và Metro Exodus. Nếu anh em đã bật Ray Tracing thì hãy bật luôn DLSS bởi công nghệ khử răng cưa bằng AI này sẽ khiến khung hình cao hơn, Ray Tracing sẽ khiến đồ họa ánh sáng, phản chiếu và đổ bóng thực hơn rất nhiều.

Sau một vài tựa game thì mình nhận định RTX 2080 không hề yếu sinh lý, nó mạnh ngang ngửa GTX 1080 Ti và thậm chí cho hiệu năng cao hơn với các tựa game DirectX 12 được tối ưu tốt. So với thế hệ GTX 1080 mà nó thay thế thì rõ ràng RTX 2080 đã giúp chúng ta có thể trải nghiệm game 4K ở thiết lập đồ hoạ cao dễ hơn, với FHD hay 2K thì hoàn toàn có thể chơi tốt ở tỉ lệ khung hình trên 60 fps.

Tinhte.vn_GeForceRTX20-5.jpg
Còn về nhiệt độ và mức tiêu thụ điện năng thì sao? Phiên bản Founders Edition đã có thiết kế tản nhiệt mới, lần đầu tiên trong lịch sử nó có 2 quạt tản nhiệt cỡ lớn và hệ thống heatsink mở cùng với buồng hơi thay vì 1 quạt lồng sóc kiểu cũ. Thiết kế này khiến chiếc card mát hơn đáng kể khi tải nặng. Thêm vào đó, với TDP 225 W thì hệ thống tản nhiệt bắt buộc phải thay đổi để đảm bảo hiệu năng cũng như sự ổn định khi chơi game lâu.

TempPower.jpg
Khi không tải, nhiệt độ của chiếc card rất mát, GPU khoảng 33 - 35 độ C, nhiệt độ bề mặt backplate cũng vào khoảng 32 - 33 độ C, điều kiện trong phòng máy lạnh 25 độ C và case để mở. Tốc độ quạt cũng ở khoảng 1500 rpm và điều mình nhận thấy là thiết kế quạt quay rất êm, độ ồn cực thấp.

FLIR RTX 2080.jpg
Khi mình stress test bằng FurMark với thiết lập 4K Extreme thì sau 15 phút, nhiệt độ GPU lên đến 72 độ C và không có chiều hướng tăng thêm. Bề mặt backplate lúc này cũng nóng lên đến 64 - 65 độ C nhưng điều quan trọng là GPU vẫn giữ được mức xung rất cao. Mặc dù Nvidia nói rằng xung boost của nó lên 1800 MHz nhưng thực tế nó có thể đạt đến mức xung 1980 MHz khi mới khởi chạy bài test và khi nhiệt độ đã ổn định ở mức 72 độ C thì mức xung GPU là 1920 MHz và giữ rất ổn định ở mức xung này. Điều này cho thấy thiết kế tản nhiệt mới của RTX 2080 đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, khi chơi game thực tế thì PUBG khiến RTX 2080 nóng đến 83 độ C, Ghost Recon Wildlands khoảng 80 độ C còn Shadow of the Tomb Raider chỉ khiến GPU nóng khoảng 72 - 75 độ C thôi. Như vậy có thể thấy rõ sự khác biệt giữa các game DX11 và DX12, nó khiến GPU phải cày ải nhiều hơn và nóng hơn.

PowerComp.jpg
Về mức tiêu thụ điện năng, RTX 2080 khi nghỉ ăn rất ít điện, mức thấp nhất mình thấy là 3,3 W và trung bình ở 4,3 W. Khi chạy FurMark thì mức tiêu thụ điện năng cao nhất mình đo được là 189,5 W, trung bình thường ở 180 W. Mình kiểm tra tương tự với MSI GTX 1080 Ti Lightning Z thì chiếc card này khi tải FurMark ăn 259,7 W tối đa và MSI GTX 1080 Gaming X ăn 168,5 W. Như vậy về hiệu năng/điện năng tiêu thụ thì mình RTX 2080 rõ ràng đạt được hiệu quả tốt hơn so với GTX 1080 và GTX 1080 Ti, ít nhất là với 2 chiếc card custom này bởi nó mạnh như GTX 1080 Ti nhưng lại ăn điện hơn một chút so với GTX 1080.

Tinhte.vn_GeForceRTX20-16.jpg
Như vậy qua những trải nghiệm nhanh trên thì anh em đã có thể hình dung RTX 2080 mạnh tới đâu rồi hen. Nó như GTX 1080 Ti nhưng lại lợi hại hơn nhiều khi chơi game nhờ Ray Tracing và thậm chí là DLSS - công nghệ khử răng cưa bằng AI. RTX 2080 cũng như RTX 2080 Ti vẫn gặp phải nhiều ý kiến chỉ trích khi sự cách biệt về hiệu năng giữa 2 thế hệ không lớn nhưng cá nhân mình nghĩ rằng có lẽ chúng ta đa quen với sự khác biệt lớn giữa GTX 10 series và GTX 900 series cũ thành ra chúng ta kỳ vọng một điều tương tự với RTX 20 series. RTX 2080 vẫn là một chiếc card đồ hoạ rất đáng mua, nó đã xuất sắc thay thế GTX 1080, sức mạnh ngang GTX 1080 Ti và mang lại trải nghiệm game tuyệt vời hơn với Ray Tracing và DLSS. Ngoài ra thiết kế mới cũng khiến chiếc card này vận hành mát mẻ hơn so với thế hệ FE trước, quạt êm và card đẹp, rất đáng tiền. Tuy nhiên, mức giá phiên bản GeForce RTX 2080 FE trên trang của Nvidia vào khoảng $800 - vẫn đang rất cao và cũng không dễ mua tại Việt Nam. Anh em nghĩ sao về RTX 2080? Mua nó vì Ray Tracing và DLSS hay sẽ mua GTX 1080 Ti vì hiệu năng và giá rẻ hơn? Mời anh em chém gió và hẹn anh em trong bài tiếp theo: GeForce RTX 2080 có Ti.
74 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

:eek: Con này thì mang về chơi game thì mượt hết đát ấy nhỉ 😁:D Chả bù ở nhà có cái máy mà chơi PUBG Mobile nó lag VL, mà gặp game nó gặp CPU, RAM nữa, buồn ghê.
Hai.Melody
ĐẠI BÀNG
5 năm
@GAMEHOY Core i5 thì mới mượt nha 😆
1stMrC
TÍCH CỰC
5 năm
@Hai.Melody =]] định nghĩa đó đâu ra v bạn
sally1
ĐẠI BÀNG
5 năm
thực sự thì chỉ ước có 1 con card màn hình phổ thông thôi cũng mừng lắm rồi, nhìn mấy cái này thèm quá 😁
@sally1 Card phổ thông bá mua card cũ đầy rẫy, có mấy trăm thôi cũng nhiều mà bác. Card chơi được PUBG cũng tầm trên dưới 1 củ nếu chịu khó xài đồ cũ
enxzo9
ĐẠI BÀNG
5 năm
đang đợi 2060 coi nó thế nào chứ từ 2070 trở lên ko đủ tiền rồi ^^
mr.nh0xx
ĐẠI BÀNG
5 năm
@enxzo9 THôi bỏ cái văn đợi đi =)) tầm con 2060 méo bằng đc 1080 hoặc 1070 likenew đâu. mà giá chắc chắn 2060 nếu mà có cũng phải ngót chục rồi =)) trong khi 1080 còn bh hãng hàng game có 9tr. 1070 7tr hơn tí
0ToQ
ĐẠI BÀNG
5 năm
Đào tiền ảo bằng con này OK không 500 anh em?

Giờ tiền mất giá đang ráng đào thêm này, chắc sắp mỏ kim cương rồi.
Ko biết năm nay Geforce nó thuê bố nào design mà nhìn thất bại vãi, mà cái đám custom cũng sida kinh. Nhớ từ thời 980 con nào cũng đẹp, lên 1080 thì na ná mà sao đời RTX này chán.
1stIllusion
ĐẠI BÀNG
5 năm
@supperchym Custom có Aorus đẹp mà bác
rgbz.jpg
KAS MIST
ĐẠI BÀNG
5 năm
Ray Tracing có thể là xu hướng tương lai, nhưng tầm hiệu năng của RTX 2070 là chưa đủ để dùng nên cũng như ko thôi 😃



Test 4K Extreme là bật MSAA x8 đúng ko, thế thì temp mát hơn so với no AA rồi.

Còn về kết luận thì có vẻ ko đúng lắm. SOTR mát hơn hẳn 2 game kia có lẽ là do GPU ko FL mà thôi 😃 Ngoài ra gaming còn bị ảnh hưởng bởi nhiệt CPU + Main, M2/NVME SSD tỏa ra (đặc biệt ai dùng case lưu thông gió kém thì càng ảnh hưởng nhiều)

Cái dòng power trong GPU-Z đó chỉ là GPU only Power thôi ;)
@KAS MIST chỉ lấy điện GPU, chưa tính điện VRAM và mấy thứ khác 😁
@KAS MIST Vụ SotTF thấy mát hơn rõ ràng, vẫn cấu hình highest và high. Thằng SotTF này support DLSS nên mát hơn do đẩy tải sang Tensor core chăng? Bác có cao kiến gì ko
KAS MIST
ĐẠI BÀNG
5 năm
@bk9sw Tính ra thì SOTR dùng Ray Tracing và DLSS là chạy thêm cả tensor core thì sẽ nóng hơn bình thường chứ nhỉ.

Nhưng có lẽ nó giống như câu chuyện test Furmark no AA mát hơn nhiều so với MSAA x8 vậy 😃 Ray Tracing hiện tại rất nặng, nó gây ra độ ì về hiệu năng (kiểu như thay vì dồn hiệu năng gpu để render ở fps cao thì nó lại tốn quá nhiều vào công việc khử răng cưa mạnh hay RayTracing - đôi khi chỉ dùng core để xử lý ăn ít tài nguyên hơn). Bác thử tắt mấy cái Ray Tracing + DLSS rồi test lại xem temp có khác biệt ko 😃
Hic, đang I5 đời 3, RX560... tiền điện 1 tháng trả chóng mặt.
@Hoàng Gia Lâm Nhà bác điện mua trực tiếp ko sao, nhà em điện xóm trọ, nó tính 3.5k/số rát lắm. Nếu chưa card đồ hoạ chỉ để cắm upload, download thì chắc cũng ko vấn đề gì. Mình được 1 tháng rảnh cày game tối ngày + quả loa 200watt nữa nên trả tiền chóng mặt 😁
@emkobit thế thì chịu thôi , trọ mà còn máy hịn cày game thì dân chơi rồi:D mà đã là dân chơi thì sợ gì mưa rơi:rolleyes:
@xxxthientaixxx Kaka, máy đó mua có 4tr thui pa, thêm con RX560 mua lại 1tr5 (thằng ôn bán cho mình mấy hôm sau nó giảm còn 1tr2 - cay vl).
@emkobit vì sự nghiệp cày game cao cả chấp nhất gì 100-200k đồng chí😁😃
Cáse của Mod cỡ nhiêu tiền ta 😁
1080ti đang rẻ...........
11.3 - 10.6 = 0.7
10.6 - 9.8 = 0.8
😁
@hoangduytung sorry bác, sai con số bán con trâu thật, GTX 1080 FE là 8.87 TFLOPS cho FP32 :D
Ai còn dùng VGA 96 nhân CUDA không nhỉ 😁
Ngoknc
CAO CẤP
5 năm
@Yan20142297 VEGA 3. ATHLON 200GE :D
Nhìn mấy con này thèm ghê. Nhưng k dùng cho người k chơi game như mình
😁 Đang Strix 1080Ti và ko có nhu cầu lên đời
phamviet94
TÍCH CỰC
5 năm
@narutoxboy Đúng r, 1080Ti h vẫn chiến tốt.
@phamviet94 2080Ti thì quá đắt mà 2080 thì nên nghĩ lại 😆 vì nó cũng ko hơn gì mấy RTX thì quá là hên xui
phamviet94
TÍCH CỰC
5 năm
@narutoxboy 20xx chắc để cho ai đang dùng 1070Ti trở xuống muốn mâm cấp thì lên 2080 hoặc 2080Ti luôn.
haico1992
ĐẠI BÀNG
5 năm
Ai thích RTX 2080 thì liên lạc mình nhé, dt 0387828721
THIẾT KẾ MỚI ĐỆP !!! 😁:D:D
Sony A7
ĐẠI BÀNG
5 năm
Mua Strix 1080 TI được 3 tháng và độ lại card " cưa đứt tản nhiện nhom và vỏ của Card " chạy OC ổn định ở nhiệt độ 55°C với Kraken X62. Tính lên RTX TI mà ko biết cưa cái Card ra như nào, khi nào mua về cưa ra mình sẽ Show cho các bác xem.

Mà thế giới đang đồn là RTX TI hiện bị lỗi chết Card nhiều quá, ngóng tin tức này xem thế đúng ko.
20181116_190348.jpg
20181116_190026.jpg
20181116_192721.jpg
longhons
TÍCH CỰC
5 năm
@Sony A7 Mình thấy vẫn chưa đáng lên khi mà bật RT lên hiệu năng giảm đi một nửa. RT qua 1 2 đời nữa may ra mới ổn :v
@Sony A7 😁 quá chất :D temp VRM bao nhiêu bác
Sony A7
ĐẠI BÀNG
5 năm
@narutoxboy VRM nó tản nhiệt bằng quạt thì vẫn như trước thôi , bản thân cái tản nhiệt nhôm trước lúc cắt đi thì nó cũng ko chạm vào VRM, nhiệt độ trung bình của VRM là khoảng 65-75
skivn
ĐẠI BÀNG
5 năm
@Sony A7 chủ yếu bản FE 2080ti chết do vram nóng quá . Nói chung ko bàn đến hiệu năng thì nvi cần phải học amd khoản thiết kế mạch vrm với công nghệ vram nhiều 😁 . Với cả nvi ra đám rtx quá vội , chưa chuẩn bị kĩ lưỡng vụ ray tracing , h kèm thêm kẹt hàng cày coin . Nghe đâu kho đang tồn trị giá 1.4b $.
Thấy 4rum nvi kêu rtx nhiều bệnh tật thật v:
Game pubg ko biết nêb gọi là game bug ko nữa, lỗi nhiều mà đồ họa ko tối ưu vừa xấu vừa nặng.
bocua
CAO CẤP
5 năm
@boyngo1988 Công nhận, mua 300k mà thỉnh thoảng mới vào. Toàn chơi mobile nhiều bạn bè chém gió 😆
@bocua thề thằng pubg tối ưu cùi vãi nồi
bocua
CAO CẤP
5 năm
Mình thuộc đội đỏ, giá thành hợp lý hiệu năng đủ dùng 😆
longhons
TÍCH CỰC
5 năm
@bocua Trong khi phe xanh tự bóp hiệu năng để bán card mới thì card đội đỏ càng up driver càng ngon = ))
@longhons Tưởng flash firmware :z
@nịnastorm Đa phần team đỏ có 2 bios, gạt cái là qua mode miner =))
Nhìn chất ghê ta :3

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019