Nguyên lý âm dương và vũ trụ quan

14/12/2018 9:57Phản hồi: 1
Nguyên lý âm dương và vũ trụ quan
vũ trụ.JPG
Chúng ta ai cũng muốn bình an. Nhưng có vẻ như vũ trụ không để cho chúng ta được bình an. Biến cố cứ xảy ra liên miên, cả ở phạm vi nhỏ lẫn phạm vi lớn, cả ở trong gia đình lẫn ngoài xã hội, cả ở trong tâm trí lẫn thế giới bên ngoài tâm trí. Vào lúc này, cái tư tưởng từ cổ xưa “Lấy cái bất biến để ứng phó với cái vạn biến” chính là lối thoát cho chúng ta. Nguyên lý âm dương cổ truyền chính là cái bất biến đó.

Người thời xưa khi bị rối óc và thiếu định hướng trước một thế giới đa dạng và phức tạp thì đã nghĩ tới việc đơn giản hóa cái thế giới ấy lại trong tâm trí mình. Một thế giới đơn giản nhất là thế giới chỉ có một phần tử. Nhưng đặc điểm của thế giới này là sinh sôi nảy nở và vận động liên tục, nếu chỉ có một phần tử thì là không đủ. Do đó, ít nhất thì một vũ trụ đơn giản cần phải có hai phần tử. Hai phần tử này lại không được giống nhau. Hai chất giống nhau thì không thể sinh ra chất khác được, như vậy mâu thuẫn với tính đa dạng của vũ trụ. Vậy là ý tưởng về việc vũ trụ được cấu thành chỉ bởi hai yếu tố duy nhất và khác biệt nhau ra đời. Người ta tạm gọi hai yếu tố đó bằng cái tên âm-dương.

Rồi người ta lại nghĩ, đứa trẻ nào sinh ra cũng do sự giao phối của một người đàn ông và một người đàn bà. Điều đó nghĩa là đứa trẻ được sinh ra chắc chắn phải mang đặc điểm của cả bố lẫn mẹ, chứ không thể chỉ giống mẹ hay chỉ giống bố. Âm và dương là mẹ và bố của tất cả vạn vật trong vũ trụ, vì vậy, vạn vật trong vũ trụ không chỉ là âm, không chỉ là dương mà phải mang cả hai mặt âm lẫn dương. Và người ta kết luận, mọi thứ luôn có hai mặt âm và dương, hay nói cách khác, âm và dương là hai mặt của cùng một thứ.

Mặc dù kết luận là mọi thứ luôn có hai mặt, nhưng thực tế quan sát, nhiều thứ chỉ bộc lộ có một mặt, nên người ta cho rằng mặt còn lại chắc chắn tồn tại nhưng bị ẩn đi, bị khuất khỏi tầm nhìn. Một trong những thứ có hai mặt đó là đồng xu. Mặt lộ rõ trước mắt bạn được coi là dương, mặt khuất phía sau được coi là âm. Bây giờ, bạn lật đồng tiền lại, thì mặt lúc trước là âm thì nay lại là dương, và mặt lúc trước là dương thì nay lại trở thành âm.

Vì âm và dương là hai yếu tố khác biệt nhau, nên điều đầu tiên người ta nghĩ tới trong mối quan hệ của âm và dương là sự xung khắc. Tính chất khác nhau sẽ dẫn đến gây cản trở cho nhau. Những cái tiêu cực của âm sẽ được dương hạn chế, và những tiêu cực của dương thì sẽ được âm hạn chế. Rồi người ta lại nghĩ sự khác biệt không phải lúc nào cũng cản trở nhau, mà còn có tính bổ sung cho nhau. Âm và dương đứng riêng biệt là không trọn vẹn, còn kết hợp với nhau ăn ý thì sẽ tạo nên sự trọn vẹn. Không có thứ gì hoàn hảo mà chỉ có mối quan hệ hoàn hảo giữa mọi thứ. Vậy là ý tưởng về tính chất tương sinh, tương khắc giữa hai yếu tố âm-dương đã ra đời.

Như vậy, theo logic trên, những mệnh đề cơ bản của nguyên lý âm dương bao gồm:

-Vạn vật trong vũ trụ đều có mối quan hệ anh chị em vì đều được tạo thành từ âm và dương.

-Vạn vật đều luôn có hai mặt âm và dương, đôi khi chỉ có một mặt được bộc lộ, mặt còn lại ẩn đi.

-Âm và dương đứng riêng là không hoàn hảo nên phải kết hợp ăn ý với nhau, đồng thời hạn chế đi những cái tiêu cực của nhau mới tạo ra được sự hoàn hảo.

Một trong những cặp âm-dương quan trọng trong cuộc sống này là vật chất-ý thức. Có hai trường phái tư duy hướng về hai yếu tố này tương ứng đó là tư duy duy vật và tư duy duy tâm. Thế giới vật chất và thế giới ý thức có liên quan đến nhau, phản chiếu lẫn nhau như qua một tấm gương, một cái là hình, một cái là bóng. Bóng thì luôn tuân theo hình, phụ thuộc vào hình. Hình là chủ động, bóng là bị động. Duy vật cho rằng, vật chất là hình, ý thức là bóng, tức là thế giới vật chất là gì thì thế giới ý thức phải như vậy. Ngược lại, duy tâm cho rằng ý thức là hình, vật chất là bóng, tức là thế giới ý thức là gì thì thế giới vật chất phải như vậy.

Ý thức được coi là âm, là thế giới quan bên trong của chúng ta. Vật chất được coi là dương, là thế giới thật bên ngoài của chúng ta. Âm và dương đều không hoàn hảo. Cả thế giới quan của chúng ta và thế giới thật bên ngoài đều không hoàn hảo, đều có những cái khiếm khuyết. Một trong những cái không hoàn hảo của thế giới vật chất là không bao giờ nó tự động ổn định, tự động bình yên cả, mà luôn cần sự quản lý. Trong thiên nhiên, vạn vật đuổi giết lẫn nhau. Mọi thứ ở thế giới vật chất lúc nào cũng tuân theo một thứ luật rừng hà khắc. Thế giới loài người ổn hơn thế giới của động vật trong tự nhiên là vì loài người có một thế giới ý thức. Những giá trị và luật lệ đã được mài dũa theo thời gian để ngày càng hoàn hảo hơn giúp thế giới vật chất của con người có trật tự hơn.

Như vậy, ý thức đơn giản, thiếu quản lý của động vật đã khiến cuộc sống vật chất của động vật rất khó khăn. Với động vật, vật chất là hình, ý thức là bóng. Cuộc sống của động vật không có sự tự chủ. Với con người, ý thức là hình, vật chất là bóng. Cuộc sống của con người có sự tự chủ hơn so với động vật. Nếu thế giới của con người vẫn bị loạn thì đó chính là do con người quản lý thế giới ý thức của mình chưa hiệu quả. Lý do con người quản lý thế giới quan, hay thế giới ý thức của mình chưa hiệu quả chính là vì sự cản trở từ cái khuyết điểm của ý thức.

Quảng cáo


Khuyết điểm của ý thức đó là vô hình, trừu tượng, nên không thể thấy gì để mà chủ động quản lý. Chúng ta ai cũng biết có sự tồn tại của những hoạt động tư duy cấp cao vô cùng hiệu quả như trực giác, nhưng làm sao để tận dụng trực giác một cách chủ động thì không ai rõ. Dường như trực giác là một hoạt động tự động. Dương được coi là cái trội, cái được bộc lộ; âm được coi là cái lặn, cái bị ẩn đi. Dương là cái chủ động, âm là cái bị động. Hoạt động quản lý ý thức cũng chia làm hai phần âm và dương. Phần dương của ý thức là ngôn từ, logic. Còn phần âm của ý thức thì bao gồm liên tưởng và trực giác.

Một từ ngữ có 2 tầng nghĩa, là tầng nghĩa khế ước và tầng nghĩa liên tưởng. Nghĩa khế ước là do phần dương của ý thức quản lý, nghĩa liên tưởng là do phần âm của ý thức quản lý. Theo nguyên lý tảng băng trôi, phần chìm, phần ngầm bên dưới bao giờ cũng chiếm 7 phần, còn phần nổi bên trên thì chiếm có 3 phần thôi. Vậy tầng nghĩa quyết định ý nghĩa chủ đạo của từ ngữ chính là tầng nghĩa liên tưởng. Do đó, việc quản lý liên tưởng sẽ mang lại hiệu quả tư duy cao hơn so với quản lý logic. Trực giác đến từ phần âm của ý thức và có thể tận dụng được nhờ biết quản lý liên tưởng.

Thế giới liên tưởng mà không có trật tự thì không những bạn không thể dựa vào nó mà ý thức của bạn còn bị nó làm cho nhiễu loạn. Liên tưởng không giống logic. Nếu như logic giống như những cuốn sách bạn xếp ngay ngắn trên giá sách thì liên tưởng lại luôn bay lượn tự do như những chú chim trên cành cây. Những chú chim liên tưởng tự do bay lượn, tự do tương tác, nhờ thế mà sinh ra những chú chim liên tưởng mới. Bởi vậy, nếu bạn tư duy dựa vào liên tưởng thì bạn sẽ sáng tạo dễ dàng hơn là làm việc với logic. Mặc dù đạt được lợi thế về sáng tạo nhưng liên tưởng lại luôn thiếu trật tự, không như logic. Tuy nhiên, nếu những chú chim liên tưởng này luôn biết đâu là nhà của chúng, đâu là chỗ của chúng để có thể trở về thì giữa các liên tưởng vẫn tồn tại một trật tự, một trật tự vô hình. Hãy bầu ra cho đàn chim liên tưởng của bạn một con đầu đàn. Chú chim liên tưởng đầu đàn này là một ý niệm cốt lõi. Các chú chim liên tưởng khác đều phải nghe theo nó, mang họ của nó. Nguyên lý âm dương có thể đảm nhiệm vai trò chú chim đầu đàn này.

Nhưng trước hết điều cần nhớ đó là sự gắn kết trong môi trường liên tưởng và môi trường logic là khác nhau. Sự gắn kết giữa các khái niệm trong logic là sự trói buộc cưỡng chế các khái niệm đó lại với nhau. Còn sự gắn kết giữa các khái niệm trong liên tưởng là sự thân thuộc tự nhiên thông qua tiếp xúc giữa các khái niệm. Những khái niệm nào “qua lại” với nhau nhiều hơn thì sẽ có tính thân thuộc cao hơn và gắn kết với nhau chặt chẽ hơn về mặt liên tưởng. Một nhà khoa học khi quan sát thế giới có thể phát hiện ra một sự kiện là mệnh đề A dẫn đến mệnh đề B. Ông ta/bà ta quan sát thấy sự kiện này xảy ra nhiều lần, lặp đi lặp lại và có thể kết luận mệnh đề A suy ra mệnh đề B là một logic. Logic này của nhà khoa học đó được hình thành thông qua sự gắn kết thân thuộc tự nhiên, không cưỡng chế của liên tưởng. Ta có thể nói logic của nhà khoa học đó là một sự “cô đặc” lại của liên tưởng, hoặc nói liên tưởng chính là “linh hồn” của logic.

Tuy nhiên, khi nhà khoa học đó trong vai trò người thầy, truyền dạy cái logic này cho học trò của mình thì logic mà những người học trò có được không phải là sự gắn kết mang tính thân thuộc tự nhiên của liên tưởng, mà là sự gắn kết mang tính trói buộc cưỡng chế. Tất nhiên, cách giáo dục ngày nay đã mang tính thực nghiệm nhiều hơn, giúp học trò trực tiếp quan sát hiện tượng để xác nhận logic. Nhưng thực tế, việc quan sát này chỉ được tiến hành một đến hai lần. Học sinh tiến hành việc thực nghiệm này nhiều khi chỉ vì sự bắt buộc của chương trình học thay vì tự nguyện. Và một điều nữa là có quá nhiều logic được nhồi vào đầu óc học sinh trong cùng một ngày. Do đó, mối quan hệ liên tưởng thực sự vẫn không được hình thành. Logic trong đầu trẻ sẽ không khác gì những cái xác không hồn. Chúng không sống, nên cũng không thể tương tác với nhau để sinh sôi nảy nở, tạo sự vận động.

Tại sao bạn có thể hiểu khi nghe người khác nói nhanh hoặc khi đọc nhanh một văn bản? Khi người khác nói quá nhanh hoặc khi bạn đọc lướt nhanh một văn bản, bạn vẫn có thể hiểu nội dung là nhờ các từ khóa. Trong một câu văn hoặc một đoạn văn, chỉ có một số từ mang nghĩa chính, quyết định ý nghĩa của toàn bộ câu văn hoặc đoạn văn đó. Bạn chỉ cần nghe được những từ khóa chính này là đủ để nắm được ý nghĩa của câu văn, đoạn văn. Vậy từ khóa chính làm thế nào để giúp bạn đoán nghĩa của các từ khóa phụ trong câu văn, đoạn văn? Đó là nhờ sự kết nối về mặt liên tưởng.

Quảng cáo


Trong Toán học, bạn biết rằng qua 3 điểm luôn tồn tại một đường tròn. Chỉ cần xác định được 3 điểm này là bạn có thể xác định được vị trí của toàn bộ các điểm còn lại trên đường tròn đó. Đường tròn này chính là trường liên tưởng của bạn, và 3 điểm trên đường tròn đó là các từ khóa chính. Các từ khóa phụ nằm trong trường liên tưởng của từ khóa chính nên não bạn có thể “tính toán” ra được các từ đó. Vậy nếu nghe được các từ khóa phụ thì có thể đoán các từ khóa chính không? Thứ nhất, khi nói, bạn có xu hướng đọc nhấn mạnh các từ khóa chính, còn các từ khóa phụ thì đôi khi còn bị “nuốt” mất. Thứ hai, từ khóa phụ mang nghĩa rất chung chung, không tạo ra trường liên tưởng đủ mạnh để giúp não bạn tính ra các từ khóa còn lại. Trong học tập, bạn phải xác định và ghi nhớ được các từ khóa chính thì mới nhớ được nội dung toàn bài học. Thế còn trong nhận biết và sáng tạo thì sao?

Bằng một chiếc compa, bạn luôn có thể vẽ được một vòng tròn. Đầu kim của compa đâm vào tâm điểm của vòng tròn định vẽ, còn đầu chì thì bắt đầu vẽ từ một điểm có khoảng cách đã xác định so với tâm điểm đó (bán kính vòng tròn). Vòng tròn này là trường liên tưởng của bạn. Toàn bộ các điểm bên trong vòng tròn này đều được nhận biết. Các điểm nằm ngoài vòng tròn này thì không. Như đã nói ở trên, logic là một sự “cô đặc” của liên tưởng. Chỉ cần tạo được một trường liên tưởng đủ đậm đặc và bao phủ toàn bộ những thông tin mà bạn đang quan tâm thì bạn có thể nhanh chóng đưa ra một hệ logic toàn diện để miêu tả các sự kiện cần thấu hiểu.

Như vậy điều trước tiên để tạo được một trường liên tưởng đó là phải có một ý niệm là tâm điểm của vòng tròn. Vũ trụ quan của bạn gồm vô vàn khái niệm, cũng giống như vũ trụ thực bên ngoài có vô vàn vì tinh tú vậy. Quan sát vũ trụ, bạn có thể thấy có một lực chuyển động cơ bản đó là lực hướng tâm. Các hành tinh nhỏ hơn hoặc các thiên thạch quay xung quanh một hành tinh lớn hơn, chỉ cần hành tinh nhỏ hay thiên thạch đó nằm trong phạm vi lực hút của hành tinh lớn hơn. Trong vũ trụ quan, chỉ cần bạn có một khái niệm nào đó đủ mạnh để tạo lực thu hút liên tưởng, thì các khái niệm khác trong tâm trí bạn sẽ tự động trở thành vệ tinh quay xung quanh khái niệm đó. Nhờ thế, các trường liên tưởng lớn nhỏ, mạnh yếu khác nhau sẽ tự động xuất hiện trong tâm trí bạn. Các trường liên tưởng này nằm chồng lên nhau, làm cho nhau trở nên đậm đặc hơn, hỗ trợ cho sự nhận biết của bạn.

Chỉ cần có môi trường liên tưởng đậm đặc này, mỗi lần bạn nghĩ về một khái niệm bất kỳ, trong tâm trí bạn sẽ nhanh chóng sản sinh ra một hệ logic chặt chẽ liên quan đến khái niệm đó. Liên tưởng có tính “loãng” hơn so với logic nên liên tưởng thì linh hoạt, còn logic thì cứng nhắc, cồng kềnh. Vũ trụ thực luôn vận động, thay đổi liên tục, vũ trụ quan của bạn cũng không khác là mấy. Hàng ngày, thông qua học tập, làm việc và theo dõi tin tức từ báo đài, tâm trí bạn cập nhật thêm không biết bao nhiêu là thông tin mới. Trong môi trường logic cồng kềnh, càng nhiều thông tin được tiếp nhận thì càng khó sắp xếp trật tự cho chúng. Môi trường liên tưởng thì lại giống một cái nồi canh. Các thông tin giống như những viên đường, sau khi được bỏ vào nồi canh này thì tan ra, hòa tan vào làm một thể với nước canh. Chỉ cần nếm nước canh là bạn có thể nhận biết được vị ngọt của những viên đường đã bỏ vào.

Trên thể xác của bạn có nhiều huyệt đạo. Mỗi huyệt đạo đều là trung tâm điểm của các dòng khí lưu trong cơ thể. Một số huyệt đạo sẽ là trung tâm kết nối với hầu như toàn bộ các huyệt đạo khác. Khi day, bấm, châm cứu vào các huyệt đạo này, kinh mạch cơ thể bạn sẽ được đả thông. Bạn sẽ thấy khỏe hơn. Các khái niệm trong tâm trí cũng như những huyệt đạo này. Chúng đều là trung tâm điểm của các trường liên tưởng. Khái niệm cốt lõi là trung tâm của tất cả các khái niệm này. Trường liên tưởng của khái niệm cốt lõi bao trùm trường liên tưởng của tất cả các khái niệm khác. Khi tư duy, bạn chỉ cần lặp đi lặp lại các khái niệm này là ý niệm sẽ được đả thông, ý tưởng sẽ lộ ra, lối thoát sẽ được phơi bày.

Mỗi khái niệm đều là tiếp điểm giữa một logic và trường liên tưởng. Logic thì phát triển theo chiều sâu, liên tưởng thì bao quát theo chiều rộng. Ý tưởng giống như kho báu mà cái “mũi khoan” logic đào được vậy. Nhưng không phải chỗ nào dưới lòng đất cũng có kho báu. Bạn cứ đào lung tung thì chẳng ra ý tưởng. Môi trường liên tưởng đậm đặc có công dụng như bản đồ quét bằng ra-đa, giúp bạn nhanh chóng phát hiện kho báu ở chỗ nào để đào. Điều đó nghĩa là môi trường liên tưởng giúp bạn xác định được một hướng tiếp cận phù hợp để tư duy về một vấn đề. Có những hướng tiếp cận không mang lại cho bạn sự thông suốt và ý tưởng. Bạn cần một câu hỏi chính xác hơn là cần một câu trả lời.

Ý niệm của bạn tự vận động, không cần bạn phải thúc đẩy. Các bài toán một khi đã xuất hiện trong tâm trí đều lập tức được giải. Có điều nếu kết quả của bài toán là vô nghiệm thì sẽ không giúp bạn xác định được phải làm gì. Kết quả vô nghiệm tạo cho bạn cảm giác bạn không nghĩ ra được cái gì. Cái bạn cần là một bài toán có nghiệm để bạn có thể biết phải làm gì. Một bài toán có quá nhiều dữ kiện thì sẽ phức tạp, mâu thuẫn và có xu hướng vô nghiệm. Một bài toán có ít dữ kiện thì sẽ đơn giản và có xu hướng có nghiệm. Trên cơ thể có nhiều huyệt đạo, bạn chẳng cần nhớ hết chúng, mà chỉ cần nhớ vài huyệt quan trọng, có lợi cho sức khỏe toàn cơ thể là được. Khi có bệnh, bạn chỉ cần day đi day lại những huyệt chính này thôi. Vì vậy, khi tư duy, bạn chỉ cần tập trung vào một vài khái niệm chính. Hãy cho các khái niệm này bước vào trường liên tưởng của nhau cũng như trường liên tưởng của khái niệm cốt lõi. Khi có được một trường liên tưởng chung, đậm đặc giữa tất cả các khái niệm này, bạn sẽ dễ dàng xác định được đúng mấu chốt của bất kỳ vấn đề nào, rồi dùng logic đào sâu vào đó là sẽ ra ý tưởng.

Chúng ta gọi thời đại bây giờ là thời đại số. Thứ gì cũng đã được số hóa. Nhưng có một thứ mà mọi người hầu như chưa ai thèm thử số hóa đó là các khái niệm trong tâm trí của chúng ta. Như đã nói ở trên, tầng nghĩa liên tưởng quyết định ý nghĩa chủ đạo của một từ ngữ chứ không phải tầng nghĩa khế ước. Việc quản lý môi trường liên tưởng sẽ giúp môi trường liên tưởng trở nên đặc hơn, có tính tương tác cao hơn tới logic. Những con số và những phép toán chính là cách quản lý liên tưởng tốt nhất. Con số là âm, ngôn từ là dương. Những con số tuy khô khan nhưng đảm bảo trật tự và tính chính xác một cách linh hoạt. Ngôn từ tuy đậm đà, nhưng lại cứng nhắc, có xu hướng nhiễu loạn nếu sử dụng quá nhiều. Con số/ngôn từ là một cặp âm dương chủ chốt trong việc gắn kết phần âm (liên tưởng, trực giác) và phần dương (logic) của ý thức.

Bạn có từng nghe chuyện một chiếc máy tính đã đánh bại được kỳ thủ hạng nhất chưa? Chuyện một chiếc máy tính đánh bại được con người trong vấn đề tư duy nghe có vẻ khó tin, nhưng thực ra không vô lý. Chiếc máy tính từ bẩm sinh đã được số hóa mọi thông tin rồi nên việc tư duy của máy tính sẽ dễ dàng hơn. Con người thì lại chưa làm điều đó nên thua máy tính là phải. Máy tính từ một vật vô tri vô giác đã tích lũy kiến thức và tư duy được. Đối với một vật vô tri vô giác, chiếc máy tính chỉ nhận thức được 2 con số 1 và 0. Số 1 là bật, số 0 là tắt. Ở trong tâm trí con người chúng ta, thì số 1 là giá trị của chữ Hữu, số 0 là giá trị của chữ Vô.

Hữu là vật chất, Vô là không gian. Nếu chỉ có hai yếu tố duy nhất cấu thành nên vũ trụ này thì hai yếu tố đó sẽ là: vật chất và không gian. Cuộc sống thật là đơn giản! Mọi khó khăn của con người đều đã được giải quyết xong. Chỉ cần tựa vào không gian và vật chất thì đời chúng ta sẽ luôn vui tươi. Điều gì mà không gian không thể cho ta thì vật chất sẽ cho ta và ngược lại, điều gì mà vật chất không thể cho ta thì không gian sẽ cho ta.

Chúng ta luôn định nghĩa một khái niệm bằng một tập hợp những khái niệm khác. Diễn giải bằng ngôn ngữ toán học, ta có f(y)=a.x+b.z +c.x’+d.z’. Trong phương trình này, y là khái niệm cần định nghĩa, còn x, z, x’, z’ là khái niệm dùng để định nghĩa. Nếu vũ trụ chỉ có hai yếu tố là không gianvật chất thì vũ trụ quan của chúng ta sẽ chỉ có hai khái niệm duy nhất đó mà thôi. Với y = không gian, x = vật chất, ta có y=a.x và x=b.y. Chúng ta định nghĩa khái niệm không gian bằng khái niệm vật chất và ngược lại. Vật chất là một loại không gian và không gian là một loại vật chất. Bạn có thể xuyên qua không gian nhưng lại không dễ gì xuyên qua vật chất. Vậy không gian là một loại vật chất loãng, còn vật chất là một loại không gian đặc.

Tính đặc là lợi thế đối với vật chất nhưng lại là bất lợi đối với không gian. Nhờ có tính đặc, chúng ta mới sử dụng, bấu víu, cất trữ, tích lũy được vật chất. Nhưng không gian đặc thì khiến chúng ta ngộp thở, nặng nề, khó di chuyển, bị cầm tù, thậm chí còn giết chết chúng ta. Ngược lại, tính loãng là lợi thế đối với không gian và là bất lợi đối với vật chất. Tính loãng giúp chúng ta tự do di chuyển, không bị cản trở, cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thoát, thanh bình. Nhưng vật chất loãng thì không dễ gì cầm nắm, cất trữ, tích lũy, sử dụng hay bấu víu được.

Mọi khó khăn của các sinh linh đều là do nhược điểm của không gian và vật chất gây ra. Chỉ có không gian mới khắc phục được nhược điểm của vật chất và chỉ có vật chất mới khắc phục được nhược điểm của không gian. Không gian và vật chất phải tựa vào nhau, hòa hợp với nhau thì mọi rắc rối mới biến mất. Khi ta coi yếu tố này là một phần của yếu tố kia thì hai yếu tố sẽ hòa hợp được với nhau. Hoặc không gian là một phần của vật chất, hoặc vật chất là một phần của không gian. Bằng ngôn ngữ toán học, hoặc ta quy y ra x với phương trình y=a.x, hoặc ta quy x ra y với phương trình x=b.y. Sự kết hợp của không gian và vật chất sẽ tạo ra sự yên ổn, tức là x+y=0. Ta có a.x+x=0, hoặc b.y+y=0. Bạn sẽ giải ra giá trị của x và y. Biết được giá trị của x và y, bạn sẽ thấu hiểu được hai yếu tố không gian và vật chất là gì. Hiểu được thì sẽ biết phải làm gì để khai thác lợi ích từ chúng.

Xã hội loài người từ lâu đã thực hiện việc quy không gian thành vật chất rồi. Tính đặc của vật chất tạo nên sự cụ thể, tính loãng của không gian tạo nên sự trừu tượng. Cái gì cũng cần phải là cụ thể, cái đang là trừu tượng thì đều phải được giải thích, minh họa để tạo nên một hình dung cụ thể. Cái gì là trừu tượng thì nghĩa là không có thật, không có giá trị. Chỉ có cái cụ thể thì mới khiến bạn yên tâm. Chỉ có cái gì cụ thể mới khiến bạn tin tưởng. Không gian là một loại vật chất loãng, không bấu víu vào được. Muốn bấu víu được vào một loại vật chất loãng, chúng ta phải làm nó đóng băng như với nước vậy. Khi nước bị đóng băng, nó từ dạng loãng trở thành dạng đặc để ta có thể bấu víu vào.

Vật chất tương ứng với chữ hữu, không gian tương ứng với chữ . Tin vào vật chất tức là tin vào một cái gì đó, tin vào không gian thì nghĩa là tin vào không gì cả. Nếu bạn tin được vào không gì cả thì lúc đó, bạn sẽ ở một trạng thái tin. Bạn không có một đối tượng cụ thể cho niềm tin mà sẽ luôn giữ bản thân ở trạng thái tin. Tin vào một điều gì đó cụ thể tức là có đối tượng cho niềm tin. Nhưng những cái cụ thể có thể bị biến đổi hoặc bị hủy diệt. Nếu đối tượng của niềm tin bị hủy diệt, niềm tin của chúng ta sẽ chết theo. Nếu đối tượng của niềm tin chỉ là một cái vỏ bọc lừa dối, niềm tin của chúng ta cũng chỉ là một sự mù quáng. Nhưng nếu chúng ta tin mà không có đối tượng của niềm tin thì niềm tin đó của chúng ta sẽ là niềm tin bất tử, vĩnh cửu. Với một trạng thái tin, chúng ta sẽ tự do.

Nói theo ngôn ngữ toán học, vật chất là một tập hợp vô số điểm rất nhỏ, mỗi điểm có một tọa độ nhất định, còn không gian là một điểm duy nhất nhưng lớn tới vô hạn. Các điểm rất nhỏ này nằm trong lòng của điểm lớn vô hạn kia, giống như mực in trên trang giấy trắng vậy. Các điểm rất nhỏ này chơi trò xếp hình để tạo nên vạn vật đa dạng. Vật thể nào được tạo ra mà khiến chúng ta tin tưởng thì trong tâm trí, chúng ta sẽ lấy tọa độ của vật đó là (x, y, z) = (0, 0, 0), tức là làm gốc của hệ trục tọa độ. Gốc tọa độ chính là tâm điểm của hệ thống niềm tin trong tâm trí chúng ta. Từ đó, chúng ta sẽ xác định tọa độ của các vật thể khác khi so sánh với gốc tọa độ. Tọa độ của mỗi vật thể chính là định nghĩa của khái niệm về vật thể đó. Vật thể nằm ở gốc tọa độ chính là khái niệm gốc dùng để định nghĩa các khái niệm khác. Niềm tin vào khái niệm gốc này bị sụp đổ, toàn bộ hệ thống tư tưởng sẽ bị sụp đổ theo. Khi toàn bộ loài người đã mất hết niềm tin, nỗi sợ hãi dâng cao, tính người sẽ không còn và ngày tận thế sẽ đến.

Khi một điểm vật chất không còn đóng vai trò là gốc tọa độ nữa thì tọa độ của điểm vật chất đó sẽ không còn là (x, y, z) = (0, 0, 0) nữa. Như vậy, chúng ta có thể thấy bất kỳ điểm nào làm gốc tọa độ đều có giá trị tọa độ bằng 0. Vậy giá trị 0 chính là giá trị của niềm tin, các giá trị khác 0 đều không phải là giá trị của niềm tin mà được quy định bởi giá trị 0. Nếu quy về hệ nhị phân, tọa độ của mọi điểm đều chỉ được xác định bởi hai con số 0 và 1. Mỗi tọa độ là một dãy gồm các con số 0 và 1 sắp xếp theo một trình tự nào đó. 1xn=n, số 1 có bội số nên tương ứng với vật chất. 0xn=0, số 0 không có bội số nên tương ứng với không gian. Tin vào không gian, tin vào không gì cả, tức là tin vào số 0.

Như vậy, con số 0 chính là sự “đóng băng” của không gian. Bấu víu vào số 0, chính là bấu víu vào không gian, đưa chúng ta vào trạng thái tin. Số 1 tương ứng với sự bật đèn, số 0 tương ứng với sự tắt đèn. Trạng thái tin có thể hiểu là “tắt” sự hồ nghi đi, “tắt” nỗi sợ hãi đi, và số 0 chính là nút tắt đó. Khi tắt được sự hồ nghi, bạn sẽ có những cách miêu tả theo lối tích cực hơn về mọi điều bạn nhìn thấy. Nhận thức của bạn sẽ giống chiếc kính vạn hoa, nhìn vào một mớ hỗn độn vẫn thấy được những hình hoa văn cân xứng. Bạn sẽ thấy được sự tốt đẹp trong những điều tồi tệ, giống như Michelangelo đã nhìn thấy thần David trong tảng đá méo mó.

Lúc này, niềm tin sẽ không dựa vào lời nói nữa mà bây giờ chính lời nói mới là cái dựa vào niềm tin. Thiên đàng của bạn sẽ được tạo ra bên trong tâm trí, được hiện thực hóa ra thế giới bên ngoài nhờ chính sự tin tưởng của bạn. Hạnh phúc và thành công rồi sẽ đến, điều quan trọng là bạn có vượt qua được những giai đoạn khó khăn hay không. “Người gặp đại nạn mà không chết thì tất có hồng phúc về sau”. Nhưng nếu bạn chết thì sẽ chẳng có hồng phúc nào hết. Chết ở đây có thể được hiểu là sự suy sụp về tâm lý. Không còn gì để tâm lý có thể bấu víu nữa, bạn sẽ sụp đổ. Trạng thái tin, hay sự bấu víu vào số 0 sẽ giúp tâm trí bạn như một con lật đật, dù bị dòng đời xô đẩy nghiêng ngả, nhưng có thể nhanh chóng khôi phục lại sự thăng bằng cho cảm xúc.

Khả năng thăng bằng tâm lý đến từ một sự cải tiến trong việc quản lý hệ thống niềm tin của bạn. Số 0 và số 1 chính là hai thủ thư đắc lực giúp bạn quản lý các khái niệm và logic trong tâm trí. Hãy phân tâm trí của bạn ra làm hai ngăn, một ngăn mang giá trị 0, một ngăn mang giá trị 1. Tất cả những khái niệm nào bạn cảm thấy là tích cực, là đáng tin cậy với bạn hoặc bạn ước mơ là nó tốt đẹp thì bạn để vào ngăn số 0, tất cả những khái niệm nào bạn cảm thấy là tiêu cực hoặc không rõ là tiêu cực hay tích cực thì bạn để vào ngăn số 1. Theo thời gian, bạn có thể thay đổi giá trị của các khái niệm nếu thấy phù hợp.

Việc đặt giá trị cho các khái niệm giúp bạn dễ dàng thấy được mối liên hệ giữa các khái niệm, nhờ đó, bạn có thể xây dựng một định nghĩa tích cực hơn về mọi thứ. Ví dụ, theo kinh nghiệm của tôi, khái niệm nỗi đau sẽ được xếp vào ngăn số 1. Khái niệm về sự tạm thời cũng sẽ được xếp vào ngăn số 1, nên ta có thể nói rằng “nỗi đau là tạm thời”. Cứ mỗi lần bạn đau đớn, hãy nhìn vào số 1 (một đường kẻ dọc có thể thấy ở bất kỳ đâu), bạn sẽ thấy hy vọng hơn, sức chịu đựng tăng cao bởi bạn biết nỗi đau là tạm thời. Sự bình an mang giá trị 0, số 0 là sự tuyệt đối. 1=1+0, bạn nói rằng sự bình an là tuyệt đối, nó chỉ bị che đi chứ không biến mất. Nỗi đau là tạm thời, khi nỗi đau kết thúc, sự bình an lại lộ rõ ra. Mưa rồi sẽ tạnh, và sau cơn mưa, trời lại nắng. Số 1 là xui xẻo, số 0 là may mắn. Số 1 là tương đối, số 0 là tuyệt đối. 1x0=0. Phép nhân là sự giao chiến. Số 1 mà đánh với số 0 là số 1 thua ngay. Xui xẻo không mạnh bằng may mắn. Chỉ cần có một may mắn thì có thể biến xui thành may. Do đó, dù đang gặp xui cũng hãy cố để ý xem mình có đang gặp may gì không.

Ngoài ra, khi tư duy, bạn nên ưu tiên nghĩ nhiều về những khái niệm bạn đã đặt trong ngăn số 0. Những khái niệm mà bạn cảm thấy không đáng tin có thể gây nhiễu, tạo sự mâu thuẫn khi tư duy. Do đó, nhìn vào số 0 (một hình tròn có thể thấy ở bất kỳ đâu) để liên tưởng đến những khái niệm khiến bạn thông suốt, sự tư duy của bạn sẽ có hiệu quả hơn. Nói chung, nếu như coi vũ trụ quan của bạn là một quốc gia, thì ngăn số 0 chính là bộ máy chính phủ, còn ngăn số 1 được coi là quần chúng nhân dân. Hãy chỉ “bầu cử” cho những khái niệm mà bạn tin tưởng. Nếu một khái niệm ở ngăn số 0 không bảo vệ trạng thái tin cho bạn được, thì bạn có thể chuyển nó sang ngăn số 1.

Nếu bạn tin vào nguyên lý âm dương, bạn sẽ tin rằng thế giới vật chất hữu hình này không phải là thế giới duy nhất mà còn một thế giới khác. Thế giới đó gần với không gian hơn nên nó vô hình, trừu tượng. Ở thế giới này, chúng ta sống bằng thể xác, còn ở thế giới bên kia, chúng ta sống bằng thể trí. Thể trí mang giá trị 0, thể xác mang giá trị 1. Số 1 là tạm thời, số 0 là vĩnh hằng. Thể xác chỉ là cái bình chứa tạm thời, cho thể trí nơi trú ẩn và giúp thể trí rèn luyện để trở nên mạnh hơn. Khi thể trí đã đủ mạnh, nó không những chẳng cần dựa vào thể xác mà còn có thể giúp thể xác mạnh hơn, phát triển những năng lực siêu phàm. Hãy tập trung giúp thể trí đạt được sự tự do trước, rồi thể xác của bạn sẽ được trở thành cái bóng của sự tự do.
1 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

RIM
CAO CẤP
4 năm
Bài dài và tâm huyết quá, mình note lại để sớm mai đọc. Thanks bác!

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019