Tham dự Tech Lounge

Tham dự Tech Lounge


Cùng nghe các album của ECM Records - nhãn thu huyền thoại không thể bỏ qua với người yêu nhạc

AudioPsycho
17/12/2018 6:25Phản hồi: 33
Cùng nghe các album của ECM Records - nhãn thu huyền thoại không thể bỏ qua với người yêu nhạc
Có 1 câu thành ngữ mà chắc ai cũng biết: "đừng bao giờ đánh giá 1 quyển sách khi mới chỉ nhìn ngoài bìa". Câu thành ngữ này nói chung khá đúng trong đa số trường hợp, tuy vậy nếu dùng nó để miêu tả ECM Records thì bạn sẽ thấy ngay có cái gì đó "sai sai". Các album của ECM Records có điểm chung là đều được đầu tư "đến tận răng", từ phần bìa đĩa với hình ảnh đầy tính nghệ thuật đến nội dung và ý tưởng độc đáo trong từng tác phẩm của album, tạo ra 1 sự thống nhất hoàn mỹ và toàn diện về tất cả mọi mặt. Nay rảnh rỗi, viết bài giới thiệu về ECM cho mọi người biết và nghe cùng.

Mời anh em vào Spotify của Tinhte để nghe những bản thu tuyệt vời của ECM Records, mình đã tổng hợp thành 1 playlist trên Spotify để anh em có thể thưởng thức, mỗi track là đại diện của 1 album, tên album và nghệ sĩ đầy đủ xin xem tiếp bên dưới.

tinhte_ecm_records (3).jpg

Nếu đã từng cầm trên tay các album được phát hành bởi Blue Note, Impulse! Hay CTI Records, bạn sẽ thấy hình ảnh cover art trên các album của ECM Records cũng có nét như vậy, nghĩa là thể hiện được rất nhiều khía cạnh cũng như phong cách của người nghệ sỹ. Dường như chưa có hãng thu nào từ trước đến nay đạt được đến đẳng cấp của ECM Records khi có những quyển sách, các buổi trưng bày hay cả các bộ phim nói về nó. Các album được phát hành bởi ECM Records nhờ đó cũng nổi trội hơn trên kệ đĩa, bắt mắt người mua ngay từ cái nhìn thoáng qua đầu tiên.

tinhte_ecm_records (2).jpg

Âm nhạc đến từ ECM Records sở hữu những nét độc đáo khó tìm thấy ở bất cứ đâu và có thể được xem như là tiền thân của thể loại New Age. Phong cách của ECM hơi nghiêng hơn về kiểu jazz châu Âu chứ ít khi đi theo xu hướng réo rắt hay pha chút blues như jazz Mỹ. Phương châm của nhãn thu này cũng rất lạ và không hề "đụng hàng" chút nào: "the most beautiful sound next to silence" (tạm dịch "âm thanh tuyệt vời nhất sau sự yên lặng").

tinhte_ecm_founder_Manfred_Eicher.jpg

Mỗi album được phát hành bởi ECM Records đều mang đậm phong cách riêng của người đã sản xuất nó, Manfred Eicher. Ông chính là người đã sáng lập ra ECM Records và lèo lái nó trong suốt thời gian qua. Theo Manfred Eicher, mục tiêu chính của ông không nằm ngoài việc tập hợp được những nghệ sỹ tài năng, để phong cách của họ tương tác với nhau và tạo ra được thứ âm nhạc tuyệt vời nhất. Mục tiêu này không khác là mấy so với huyền thoại Alfred Lion, người đã dẫn dắt Blue Note Records trong những năm '40 đến '60. Vai trò của Manfred Eicher trong quá trình sáng tác nhạc nói chung không quá nổi bật, tuy nhiên ông chính là người đã hướng dẫn và chăm chút cho ý tưởng của các nghệ sỹ, giúp họ tạo ra kiểu âm nhạc độc đáo nhất. Manfred Eicher gần giống với 1 đạo diễn khi trực tiếp chỉ đạo các "diễn viên" khác cần phải làm gì.

ECM Records debut với album nổi tiếng Free At Last (1969) của nghệ sỹ và nhà soạn nhạc trứ danh Mal Waldron. Ngay cả Manfred Eicher cũng không hề nghĩ rằng album này lại có thể trở nên nổi tiếng đến vậy, đến mức mãi 50 năm sau mà người ta vẫn phải trầm trồ khen ngợi khi nhắc đến nó.

Giai đoạn những năm '60 và '70 đánh dấu thời kỳ phát triển cực kỳ thịnh vượng của ECM Records. Đây cũng là lúc mà Eicher bắt đầu chính thức làm việc với vai trò là 1 nhà sản xuất. Trong 1 bài phỏng vấn, ông chia sẻ: "Tôi nghĩ vai trò của 1 nhà sản xuất đơn giản chỉ là thu lại âm nhạc mà mình yêu thích, sau đó giúp nó tiếp cận với những ai chưa biết". Đây cũng là phương châm mà từ lâu ECM Records vẫn luôn theo đuổi.

tinhte_ecm_records (5).jpg

Những năm '70 đánh dấu sự ra đời của album The Köln Concert của Keith Jarrett, mang đến cho ECM Records 1 lượng fan yêu nhạc jazz khổng lồ. Keith Jarrett là 1 trong những nghệ sỹ đã trải qua các thăng trầm chung với ECM Records kể từ khi nó mới được thành lập, ngoài ra còn các nghệ sỹ với vai trò quan trọng khác như Jack DeJohnette (drum), Chick Corea (keyboard), Gary Burton (vibraphone), John Abercrombie và Ralph Towner (guitar). ECM Records cũng đã nâng đỡ và đưa rất nhiều nghệ sỹ châu Âu đến với công chúng, như Jan Garbarek (saxophone), Eberhard Weber (bass), Tomasz Stańko (trumpet) hay Terje Rypdal (guitar) chẳng hạn.

Để chứng minh rằng ECM Records là nhãn thu với những nghệ sỹ và ý tưởng vượt qua các giới hạn âm nhạc cũng như văn hóa, Eicher mở rộng phong cách sang dòng nhạc classical khi kết hợp cả nét đương đại và cổ điển, từ John Cage và Steve Reich đến JS Bach hay John Dowland với ECM New Series. ECM New Series ra mắt vào năm 1984 quản lý cả các tác phẩm nhạc phim cùng những sáng tác từ các nghệ sỹ hiện đại. ECM ngoài ra còn thu hút thêm các nghệ sỹ khác từ khắp nơi trên thế giới như Anouar Brahem (Tunisia), Kayhan Kalhor (Iran) hay các nghệ sỹ tự do như Roscoe Mitchell và Evan Parker.

Quảng cáo


tinhte_ecm_records (4).jpg

Ngày 17/11/2017, ECM Records chính thức được UMG (Universal Music Group) cấp phép để cung cấp thư viện nhạc của mình cho các dịch vụ stream qua mạng, từ đó mở rộng hơn nữa khả năng tiếp cận với người yêu nhạc trên thế giới.

tinhte_ecm_keith_jarret.jpg
Keith Jarret - Ngón đàn Piano lừng lẫy của ECM
Những ai mới tiếp cận với ECM Records lần đầu tiên chắc chắn sẽ cảm thấy choáng ngợp trước sự đa dạng của các dòng nhạc mà nhãn thu này đang nắm trong tay. Dễ dàng thấy được sự độc đáo riêng từ tiếng guitar của Pat Metheny, ngón keyboard của Keith Jarrett hay giọng saxophone mê hoặc từ Jan Garbarek, hoặc phong cách chơi piano vô cùng tinh tế của các nghệ sỹ như Vijay Iyer hay Tigran Hamisyan. Các tên tuổi khác nữa phải được nhắc đến sẽ gồm có András Schiff, The Hilliard Ensemble, Meredith Monk và Steve Reich Ensemble.

ECM Records không chỉ là 1 nhãn thu huyền thoại đáng được nể phục mà còn có thể được xem như là 1 tượng đài văn hóa của nhân loại. Nhãn thu này chưa bao giờ và chắc chắn sẽ không bao giờ đi ngược lại những giá trị mà nó đã đặt ra để đảm bảo sự trường tồn cho nền âm nhạc đại chúng. Thật đáng ngạc nhiên khi ECM Records đã vượt qua bao nhiêu sóng gió và vẫn vững mạnh cho đến ngày hôm nay, kể từ lúc bản LP Free At Last của Mal Waldron ra đời hơn nửa thế kỷ trước.

tinhte_ecm_records.jpg

Quảng cáo


Người chơi audiophile nói chung và những ai ghiền nhạc jazz nói riêng vẫn luôn truyền tai nhau 1 danh sách các album hay nhất của ECM Records. Trong đó nổi bật nhất có thể nhắc đến 12 album sau đây, được đánh giá là "phải nghe qua 1 lần trong đời" cho bất cứ ai. Anh em cũng không cần phải khổ công tìm kiếm đĩa CD hay vinyl (tuy nhiên vẫn nên làm thế nếu có điều kiện) vì như nói trên, ECM Records hiện đã cung cấp thư viện nhạc của mình trên hầu hết các dịch vụ stream qua mạng như Apple Music hay Spotify. Bạn chỉ cần mở app lên và tìm chúng là đã có thể thưởng thức rồi.
Keith Jarrett - Facing You (1971), Solo Concerts: Bremen / Lausanne (1973) và The Köln Concert (1975)

tinhte_ecm_keith_jarret_facing_you.jpg


Keith Jarrett là ngón đàn Piano cực kỳ nổi bật trong những năm '70 với rất nhiều các tác phẩm chất lượng. Khi cho ra mắt The Köln ConcertSun Bear Concerts, Jarrett giống như đã tạo ra 1 hình thái mới cho nhạc cụ mà ông đang chơi, khiến nó réo rắt vui tai rồi ngay lập tức trở nên êm dịu trữ tình vô cùng uyển chuyển. Album Facing You (1971) đã tạo ra 1 tiêu chuẩn mới cho nghệ thuật chơi piano và đến nay vẫn được đánh giá là album hay nhất của Keith Jarrett. Điểm độc đáo nhất trong album chính là sự ngẫu hứng kỳ lạ từ các giai điệu funk đến các bài ballad ma mị, khiến người nghe khó có thể đoán trước được "nước cờ" tiếp theo của ông.

Solo Concerts: Bremen/Lausanne (1973) được thu lại từ 2 buổi concert nổi tiếng của Keith Jarrett để thính giả tận hưởng tài năng của ông khi chơi piano trực tiếp trên sân khấu. 20 phút cuối của Lausanne được dồn nén và vỡ òa bằng sự điên cuồng trên các phím đàn, tuyệt vời đến mức khó tin.

The Köln Concert là đĩa LP ăn khách tiếp theo của Keith Jarrett. Ở album này, ông chuyển sang thiên hướng mới khi chú trọng hơn vào truyền tải cảm xúc trực tiếp đến người nghe, dẫn dắt họ từng bước theo phím đàn của mình.

Steve Reich - Music for 18 Musicians (1978)


Music for 18 Musicians từng được sản xuất cho Deutsche Grammophon tuy nhiên bị bỏ xó hơn 2 năm trước khi Eicher biết đến sự hiện diện của nó. Album được ra mắt vào năm 1978 và ngay lập tức chiếm được cảm tình của thính giả nhờ tính đơn giản nhưng tinh tế của nó. Các âm tiết và giai điệu được bố trí cực kỳ hài hòa, đi kèm theo đó còn là âm sắc độc đáo từ dây đàn, clarinet, piano, mallet và cả giọng hát nữa. Album có thời lượng chỉ 60 phút nhưng truyền tải được hầu như tất cả các giá trị âm nhạc, gần giống với việc người nghe đang ngồi trên tàu cao tốc và nhìn ra khung cảnh ngoài cửa sổ vậy.

Pat Metheny - New Chautauqua (1979)

tinhte_ecm_records_pat_metheny.jpg


Album sở hữu phong cách chơi acoustic guitar cực kỳ mượt mà của Pat Metheny sẽ dễ dàng làm hài lòng những ai đang bị "ngán" kiểu guitar riff và saxophone soprano thường thấy trong nhạc jazz. New Chautauqua (1979) chính là đỉnh cao của kiểu chơi nhẹ nhàng nhưng đầy cảm xúc của Pat Metheny, và dĩ nhiên cũng không thể thiếu các ngẫu hứng riêng mà chỉ ông mới có.

Egberto Gismonti - Solo (1979)

tinhte_ecm_records (8).jpg

Egberto Gismonti là nghệ sỹ với tài năng thiên phú thông thạo cả piano và guitar. Ông tự thiết kế cho mình các nhạc cụ với từ 10 đến 14 dây để có thể thỏa sức tạo ra các giai điệu tuyệt vời nhất. Năm 1978, ông trình làng album Sol do Meio Dia với sự góp mặt của Nana Vasconcelos, Ralph Towner, Collin Walcott và Jan Garbarek, mang đến cho người nghe bản hợp tấu kỳ diệu của các nhạc cụ như tabla, berimbau, kalimba và sáo. Ngay sau đó là album Solo (1979) còn hay hơn nữa khi Gismonti một mình độc tấu cả guitar lẫn piano. Album kết thúc bằng tác phẩm Ciranda Nordestina được đặt tên theo 1 điệu nhảy dân gian của vùng Pernambuco, truyền tải đến người nghe cảm giác như trước mắt họ là rừng nhiệt đới với tiếng côn trùng vui tai cùng dòng suối chảy róc rách êm đềm.

Arvo Pärt - Arbos (1987)

tinhte_ecm_arvo_part.jpg
Âm nhạc của Arvo Pärt được Manfred Eicher phát hiện tình cờ khi ông nghe đài và dẫn đến quyết định phải tìm ra chủ nhân của nó cho bằng được. Tabula Rasa được phát hành vào năm 1984 bởi phân nhánh ECM New Series chuyên thể loại classical đã đưa Arvo Pärt lên đỉnh cao sự nghiệp, trở thành 1 trong những nghệ sỹ có ảnh hưởng nhất của ECM.

Album Arbos (1987) cũng là tác phẩm debut hay nhất để giới thiệu thính giả đến với phong cách độc đáo của Arvo Pärt. Arbos còn được tham gia thu âm bởi rất nhiều các nghệ sỹ tài năng khác như Christopher Bowers-Broadbent và bộ tứ acapella Hilliard Ensemble.

Steve Tibbetts - Big Map Idea (1989)

tinhte_ecm_steve_tibbetts.jpg


Là một trong những tay guitar nổi bật nhất của ECM trong những năm '80, Steve Tibbetts sở hữu phong cách chơi rất lạ và hoàn toàn không bị ảnh hưởng từ bất cứ nghệ sỹ nào khác. Album Big Map Idea (1989) của ông chỉ gồm tiếng guitar chủ đạo trên nền trống và piano, thi thoảng được trợ hứng bằng tiếng tabla của Marcus Wise. Các nhạc phẩm trong album hoàn toàn không tuyến tính nhưng chúng cũng không bao giờ trở nên quá hoang dại, giúp thính giả hứng thú nghe hết album mà không bị nhàm chán hay có cảm giác quá phức tạp.

Meredith Monk - Book of Days (1990)


Book of Days (1990) được sáng tác cho bộ phim của riêng Meredith Monk và là 1 bước phát triển vượt bậc so với Dolmen Music, Turtle DreamsDo You Be trước đó. Những phân đoạn hợp xướng rất ngắn và đơn giản nhưng lại gây ấn tượng rất mạnh khiến bất cứ ai nghe thấy cũng phải rùng mình. Plague thì là tập hợp của những tiếng rù rì và sít sao nhanh dần cho đến cực hạn.

Paul Bley - Solo in Mondsee (2007)

tinhte_ecm_records_paul_bley.jpg


Rất lâu sau Open, To Love (1973), Paul Bley mới tiếp tục ra mắt album solo piano tiếp theo của mình là Solo in Mondsee (2007). Album này được thu vào năm 2001 và phát hành vào năm 2007 để kỷ niệm sinh nhật thứ 75 của ông. Phần nhiều các tác phẩm trong album đều được chơi 1 cách nhẹ nhàng, thi thoảng thính giả còn có thể nghe thấy giọng ông ngân nga theo như đang hát vài lời vu vơ trong vô thức.

Dino Saluzzi and Anja Lechner - Ojos Negros (2007)

tinhte_ecm_Dino_Saluzzi_Anja_Lechner.jpg


Dino Saluzzi debut bằng album đầu tay Kultrum (1983) với phong cách có ảnh hưởng từ các âm điệu dân gian Argentina, một điều vô cùng lạ lẫm ngay cả với tiêu chuẩn của ECM. Sau đó ông bắt đầu sáng tác nhiều hơn và trình làng Senderos (2005) rồi đến Ojos Negros (2007). Trong album này, ông hợp tấu cùng nghệ sỹ cello người Đức Anja Lechner. Không có quá nhiều nốt nhạc được đánh lên tuy nhiên người nghe vẫn cảm nhận được sự hòa quyện ấm áp của 2 loại nhạc cụ mà Dino Saluzzi và Anja Lechner đang chơi.

Vijay Iyer - Break Stuff (2015)

tinhte_ecm_Vijay_Iyer.jpg


Nghệ sỹ piano Vijay Iyer là 1 trong những nghệ sỹ mới nổi bật nhất của ECM Records, đều đều cho ra mắt 4 album trong 3 năm qua. Vijay Iyer cover rất táo bạo các tác phẩm như Galang (M.I.A) hay Free Jazzmataz (Das Racist), đồng thời cũng từng làm việc với tượng đài jazz trumpet Wadada Leo Smith và Mike Ladd. Break Stuff (2015) gây ấn tượng với người nghe ở các phân đoạn keyboard và trống dồn dập đến ngột ngạt, hay các chuỗi giai điệu như bị bẻ gãy thành từng phân khúc nhỏ. Album khép lại bằng Starlings Wrens với giai điệu đen tối và buồn bã, ẩn chứa bên trong sự thiền định là cảm giác mất mát và yếu đuối.

33 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Thông tin về âm nhạc thú vị.
Thanks mod chia sẻ
Playlist ngon quá, xin cảm ơn mod.
Sẵn tiện mod cho mình hỏi là các bản thu gốc - master recording khi các nghệ sĩ biểu diễn, bản sẽ dùng để dập đĩa CD, vinyl và đưa lên mạng á, bản đó họ thu bằng phương tiện gì? ví dụ băng từ, đĩa than hay là digital vv và vv.
@Airblade14 Dạ nó có 2 loại hình thức lưu trữ cho digital record và analog record.

Dạng digital record sẽ được lưu trữ dạng file số 1bit DSD hoặc PCM 24bit/192kHz làm gốc. Nếu in SACD thì họ sẽ dùng file DSD ghi đè lên upper layer của đĩa SACD và file PCM nằm ở layer thấp hơn. Nếu in CD thì họ phải down-convert xuống thành chuẩn RED BOOK CD là 16bit/44kHz để nhét đủ 7-8 bản vào 1 CD cho người ta dễ nghe.

Dạng analog record, sẽ có 2 trường hợp, một là họ thu trực tiếp từ microphone vào phono preamp truyền tới máy cắt đĩa (cutting lathe), máy này có 1 đầu kim cắt rãnh thẳng trên cái đĩa phôi đồng mà mang đi lưu trữ, khi cần tái bản họ sẽ lấy phôi này để làm một cái khuôn cho máy dập đĩa và máy sẽ dập trên đĩa nhựa. Trường hợp hai là lưu trữ dạng băng từ, khi cần dập đĩa thì họ cũng phải chơi nhạc trên master tape và thu qua 1 cái bàn gain control - qua phono preamp - tới máy cắt phôi đĩa.

Hiện nay có một số nhiều album vinyl mới ra có ghi chữ (digital mastering), ý nói nguồn nhạc không được thu trực tiếp từ microphone mà từ file nhạc số gốc, đây là cách mà dân ghiền vinyl khá kỳ thị vì cho rằng chúng không 100% Analog, theo em thì cũng thấy bình thường, nhiều khi người trẻ thích nhạc pop mới, muốn vừa nghe nhạc ưa thích, vừa thích cảm giác bỏ đĩa/ hạ kim của thú chơi vinyl thì cũng không có gì là sai. Mặc khác, các bản digital mastering vinyl này thường được mix lại cho màu âm khác với bản thu số nguyên thủy nên nghe đổi gió cũng được. Đây cũng là nguyên nhân vì sao các đĩa vinyl được đầu tư thu âm kỹ càng 100% analog lại có giá thành cao hơn đĩa digital mastering vinyl.
@AudioPsycho Phản đối, thu từ file số thì sao hay bằng đc. Còn tất nhiên nhạc mới, v pop k pop rồi rap việt mà in đc thì lại ngon quá 😁. Cá nhân em chơi k thấy thú gì lắm, nói chung k có nghịch vào phần cứng, vỏ bìa các kiểu rồi cũng k khoái vọc hay tìm hiểu sâu kim cần, quan trọng nó nghe hay hơn, thích đọc tìm hiểu gì lấy đt google :D
hoangronet
ĐẠI BÀNG
5 năm
Thích lắm mà chẳng có tk premium
Mykhail
ĐẠI BÀNG
5 năm
@hoangronet bữa có khuyến mãi 5k được 3 tháng đó bác
Nhờ Tinh tế nên giờ mình đang tìm hiểu cách chơi đĩa than
_ List ngon, noted, cảm ơn bác chủ thớt 😁
lampadati
ĐẠI BÀNG
5 năm
Mình là người đơn giản, mình chỉ biết vào zing -> bxh tuần -> play all :rolleyes:
lampadati
ĐẠI BÀNG
5 năm
@huutai_pasion Nhạc ăn thua nhau ở cái giai điệu, phần tiếng do ca sĩ hát cũng chỉ là một phần trong tổng thể giai điệu của một bản nhạc. Nghe là phải nghe toàn bộ cái giai điệu đó, cách các âm thanh phối hợp, đan xen, hòa quyện với nhau, chứ ai lại quan tâm ngữ nghĩa.

Nghe nhạc mà chú ý phần lời là SAI.
tieuho90
ĐẠI BÀNG
5 năm
@lampadati thấy bạn phán mà mình phải đăng nhập để bình luận. câu 'nghe nhạc là phải nghe toàn bộ' thì đúng. đừng thêm bớt gì nữa bạn. nghe nhạc đương nhiên là phải nghe lời (nếu có). câu chữ, ngữ nghĩa là một phần rất quan trọng trong bài hát mà bạn. Lời hay, nghĩa đẹp có khi nghe đi nghe lại nhiều lần mới ngộ ra là 1 sự thú vị. Nghe nhạc mà chú ý phần lời là không có gì sai cả bạn nhé.
Đánh giá bài hát phải đánh giá cả nhạc lẫn lời
lampadati
ĐẠI BÀNG
5 năm
@tieuho90 Ủa, thế giờ bạn nghe một bản nhạc trong đó có ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ, chẳng hạn như tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Miến Điện, tiếng Bahasa, tiếng Azerbaijan, tiếng Nga ngố, Pinoy... tức là chả hiểu người ta hát cái khỉ gió gì, nhưng giai điệu tổng thể vẫn cực kỳ bắt tai, cực hay, thì nói sao? Chẳng lẽ auto phán là nó "vô nghĩa", "không nuốt được", "không đánh giá được"... hết à?

Giờ thế giới phẳng rồi. Bớt bớt cục bộ ao làng đi.
@lampadati Hai bạn đều đúng, tùy phong cách nghe nhạc của mỗi người. Trên đây mình chỉ nói cảm nhận cá nhân chứ không phán đâu là đúng là sai. Củng có những lúc mình tìm đến nhạc có giai điệu đầy kích thích để giải sầu nhưng rồi mau chóng quên đi, không để lại chút gì. Nhưng mỗi khi những giai điệu như "rồi mai tôi đưa em..." vang lên thì cả một trời cảm xúc.
htux
CAO CẤP
5 năm
mình vừa chuyển từ spotify streaming về lại digital download. lý do khi stream mình chỉ nghe đi nghe lại 1 số bài nhất định mà lại phải tốn tiền hàng tháng cho các dịch vụ này. mua đứt thì nó luôn là của mình. giờ spotify chỉ để free nghe thử trước khi quyết định mua đứt
Toàn mấy album và nghệ sỹ lạ ghê , thanks thớt đã chia sẻ
Trang web hiện không khả dụng
phần cứng audio mình ít nâng cấp vì tốn tiền nhưng có thú vui là nâng cấp phần mềm nên có cũng kha khá cds khoảng 400 cds , vinyl khoảng trên 100 nhưng thật sự nay mới biết đến hảng này nao giờ chỉ nghe blue note, vervel, emi, 3 con chuột, v..v.. chắc là thiếu xót , vậy là tìm hiểu thêm hảng này
truong9210
ĐẠI BÀNG
5 năm
Hay quá. Tối về lại lên hdvn kéo về nghe thử 😁
phuongnoob86
ĐẠI BÀNG
5 năm
Cám ơn mod về bài viết kiến thức âm nhạc
CBDancer
TÍCH CỰC
5 năm
Có playlist Tinhte luôn. Xịnnn. Đã follow hihi.
Mừng Chúa Giáng Sinh cùng toàn thể anh chị em bạn bè Tinhtế 😁

Cảm ơn mod @AudioPsycho về playlist nghe quá phê! :p Mình đang thưởng thức.

Sony&Starbucks.png
Playlist này nên nghe với dàn có khả năng tái tạo không gian rộng và rõ từng dãi chứ không nghe nó rúi nhùi và khó nghe vl 😆
nitz
TÍCH CỰC
5 năm
Thanks Mod, tối về được playlist thư giãn 😁
upload_2018-12-26_15-21-34.png ko biết nghe mấy bài này. nghe mozart dễ chịu hơn
DmooN
TÍCH CỰC
5 năm
để nghe playlist dạng này một là phải đeo tai nghe, nghe đêm khuya, hoặc là loa phải tốt 1 tý, không là sẽ đánh giá sai ngay 😁
ahxdtngh
TÍCH CỰC
5 năm
Ở Hà Nội có chỗ nào bán máy chơi đĩa than không các bác nhỉ?

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019