Tham dự Tech Lounge

Tham dự Tech Lounge


[Cơ bản] Task Manager: chức năng của tab Process, mẹo giải treo desktop, tìm phần mềm "lạ"

bk9sw
21/1/2019 10:8Phản hồi: 52
[Cơ bản] Task Manager: chức năng của tab Process, mẹo giải treo desktop, tìm phần mềm "lạ"
Xài Windows thì anh em sẽ không lạ gì với công cụ này nữa, nó là giải pháp cứu cánh mỗi khi ứng dụng bị treo cũng như là thứ chúng ta tìm đến đầu tiên mỗi khi nhận thấy máy tính chạy không bình thường. Vậy Task Manager có từ khi nào, vai trò chính và cách dùng nó ra làm sao thì dưới đây mình sẽ chia sẻ với anh em cụ thể hơn:

Task Manager Windows NT.gif
Task Manager là một công cụ thuộc hệ thống, có sẵn trên mọi phiên bản Windows kể từ Windows NT 4.0 ra mắt năm 1996. Chức năng chính của nó là cung cấp thông tin về hiệu năng của máy tính cũng như những phần mềm đang chạy. Trên Windows 10 ngày nay thì Task Manager cung cấp nhiều thẻ chức năng liệt kê từng thứ riêng như các tiến trình, hiệu năng đối với từng phần cứng như CPU, GPU, bộ nhớ RAM, các ổ lưu trữ, tốc độ kết nối mạng, lịch sử ứng dụng, các ứng dụng khởi động cùng Windows, những tài khoản đang truy cập máy, chi tiết về các ứng dụng lẫn dịch vụ hệ thống. Từ đó chúng ta có thể chủ động theo dõi và kiểm soát những gì đang xảy ra trên máy.

Windows Task Manager.jpg
Cũng chính vì tầm quan trọng này mà Task Manager thường là mục tiêu tấn công đầu tiên của các loại virus, sâu, malware khi nó xâm nhập vào máy tính. Cơ chế chung sẽ là vô hiệu hoá Task Manager để anh em không thể bật công cụ này lên - cách nhanh chóng phát hiện thứ gì đang ngốn quá nhiều tài nguyên CPU, RAM khiến máy chậm đi để tắt. Từ đó chúng dễ bề hoạt động ngầm, phá hoại ngầm hệ thống.

Anh em có biết hơn 2 cách để mở Task Manager trên Windows 10?


Từ hồi dùng Windows tới giờ thì mình vẫn quen tổ hợp Ctrl + Alt + Del để mở Task Manager. Đây cũng là tổ hợp phím mà mình nghĩ anh em thường spam nhiều nhất mỗi khi máy treo. Trên Windows 10 thì khi anh em bấm tổ hợp này thì phải phiền thêm một bước là chọn Task Manager > nhấn Enter bởi nó sẽ hiện ra một màn hình khác cho phép anh em khoá máy, chuyển đổi người dùng hay thoát khỏi tài khoản đang truy cập trên máy.


Tổ hợp dành riêng cho Task Manager nhanh hơn đó là Ctrl + Shift + Esc. Mình giờ dùng tổ hợp này nhiều hơn bởi có thể mở ngay lập tức Task Manager mà không mất thêm bước chọn như tổ hợp Ctrl + Alt + Del.

Các cách còn lại bao gồm:
  • Click chuột phải vào Start Menu > chọn Task Manager.
  • Click chuột phải vào Taskbar > chọn Task Manager hoặc nhấn phím K
  • Nhấn Start Menu > nhập taskmgr > nhấp vào Task Manager hiện ra trong khung kết quả
  • Mở Run bằng Ctrl + R > nhập taskmgr > OK
Giờ thì mình sẽ nói chi tiết hơn về những chức năng trong Task Manager để anh em dễ hình dung và sử dụng:

Khi mới mở Task Manager lên thì mặc định thẻ đầu tiên hiện ra là Process (tiến trình). Thẻ này hiển thị thông tin cơ bản về những gì đang chạy trên máy tính theo thời gian thực và được chia thành 3 nhóm là Apps (ứng dụng), Background process (tiến trình chạy ngầm) và cuộn xuống anh em sẽ thấy Windows process (tiến trình thuộc hệ thống).

Apps.jpg
Phần Apps sẽ hiển thị các ứng dụng đang mở, đang hiển thị trên desktop hoặc đã được thu nhỏ (minimize).

Background processes.jpg
Phần Background process sẽ hiển thị các ứng dụng, tiến trình chạy ngầm, thường là những ứng dụng khởi động cùng hệ thống chẳng hạn như bộ gõ tiếng việt, OneDrive, những ứng dụng cần chạy ngầm để cập nhật thông tin như Windows Mail, Microsoft Store, …

Windows processes.jpg
Windows process như tên gọi liệt kê những thứ thuộc hệ thống như Service Host, Desktop Window Manager … - những thành phần bắt buộc phải chạy để Windows hoạt động bình thường.

Chrome process.jpg
Các tiến trình của một ứng dụng sẽ được gom lại thành một nhóm, anh em nhấn vào nút mũi tên bên trái để mở rộng. Chẳng hạn như với trình duyệt như Chrome thì khi nhấn mở rộng sẽ hiện ra một loạt các tiến trình khác, đây chính là các thẻ duyệt (Tab) mà anh em đang mở trên trình duyệt, ngoài ra cũng có những tiến trình thuộc về extension đang chạy trên trình duyệt.

Quảng cáo


Các cột trong Proccess:

Column in Task Manager.png
Trong thẻ Processes ngoài danh sách các ứng dụng/tiến trình đang chạy thì anh em có thể quan sát trạng thái của chúng và độ chiếm dụng tài nguyên. Trên Windows 10 bản mới 1809 thì Task Manager mặc định sẽ hiển thị đến 7 8 cột khác nhau.

Suspend.jpg
Cột Status (trạng thái) sẽ thể hiện 2 trạng thái cơ bản của ứng dụng/tiến trình là đang hoạt động (Active) hay tạm ngưng (Suspend) với biểu tượng hình cái lá. Những ứng dụng có chức năng tạm ngưng nhưng vẫn cập nhật trạng thái chẳng hạn như ứng dụng chat Messenger khi anh em thu nhỏ nó xuống Task Bar thì biểu tượng cái lá sẽ hiện ra. Đa phần các ứng dụng UWP tải về từ Microsoft Store có cơ chế Active và Suspend này.

Tiếp theo là các cột quen thuộc đã gắn bó với Windows từ lâu gồm CPU, Memory, Disk và Network:


CPU usage.jpg
Cột CPU hiển thị tỉ lệ sử dụng tài nguyên CPU của một ứng dụng hay tiến trình nào đó, chẳng hạn như Chrome thường ăn không nhiều % CPU nhưng nếu anh em mở YouTube hay một trang xem phim thì CPU sẽ cần phải hoạt động nhiều hơn để giải mã định dạng video. Hoặc là khi anh em xài một phần mềm để dựng phim như Premiere thì khi xuất export video cuối cùng từ Project, tỉ lệ chiếm dụng CPU cũng rất cao, có khi đến 80 - 90%.

Mem Usage.jpg
Memory hiển thị dung lượng bộ nhớ RAM mà một ứng dụng/tiến trình đang sử dụng. Với những tác vụ hàng ngày thì trình duyệt web luôn là thứ ăn RAM nhất, Chrome thường ngốn đến 2 - 3 GB RAM nếu anh em mở nhiều tab và chạy nhiều extension. Cột Memory cũng hiển thị tỉ lệ % bộ nhớ đang được sử dụng, như máy mình có 16 GB RAM và hệ thống đang sử dụng 59% của 16 GB.

Quảng cáo


Disk.PNG
Disk đây là cột gây nhức nhối nhất trên Windows 10 bởi nó gắn liền với cái lỗi "100% disk" huyền thoại và chỉ có thể được khắc phục triệt để bằng cách thay ổ lưu trữ tốc độ cao như SSD. Cột này thể hiện hiệu năng truy xuất dữ liệu vào/ra (hiệu năng I/O) của các ổ lưu trữ trên máy. Thông thường thì tỉ lệ này luôn thấp nhưng nếu có một ứng dụng nào đó đang ghi dữ liệu vào ổ, chẳng hạn như khi anh em cài game từ Steam (Steam Client Bootstrapper) thì tỉ lệ này sẽ nhanh chóng tăng lên và con số MB/s cũng tăng theo. Khi tỉ lệ này liên tục chạm ngưỡng 100% thì kết quả như anh em đã biết, máy chậm đi do bootleneck.

Network.PNG
Network là cột hiển thị tỉ lệ % hệ thống khai thác băng thông kết nối mạng hiện tại. Lại lấy ví dụ về Steam, khi anh em tải game thì Steam sẽ ăn băng thông rất lớn và đơn vị ở đây sẽ là Mbps (1 MB/s = 8 Mbps) cũng thể hiện tốc độ tải vê. Nếu như anh em kéo Torrent thì tỉ lệ này sẽ còn tăng nữa. Cột Network cũng là một cột rất hữu ích giúp anh em phát hiện ra malware hoạt động ngầm khi chúng liên tục kết nối để gởi dữ liệu về máy chủ của hacker.

GPU Engine.PNG
GPU và GPU engine là 2 cột mới có trên Task Manager của Windows 10. Cột GPU tương tự như CPU thể hiện tỉ lệ chiếm dụng tài nguyên xử lý đồ hoạ của vi xử lý đồ hoạ trên máy. Khi anh em chơi game thì tỉ lệ này sẽ tăng. Nhưng điều mình muốn lưu ý với anh em là cột GPU engine - nó rất hữu ích với những chiếc máy có 2 vi xử lý đồ hoạ, chẳng hạn như chiếc ThinkPad P70 của mình thì nó có 2 GPU gồm Intel HD Graphics P530 tích hợp trong vi xử ly Intel Xeon E3-1505M v5 và Nvidia Quadro M4000M. Với các ứng dụng đang chạy thì ở cột GPU engine này hiển thị GPU 0 - 3D tức Intel HD Graphics P530, chỉ riêng Photoshop là đang dùng GPU 1 - 3D tức Nvidia Quadro M4000M. Qua cột này anh em sẽ biết được ứng dụng nào đang dùng GPU nào, từ đó linh hoạt điều chỉnh trong driver GPU như Nvidia Control Panel hay AMD Radeon ReLive.

Power usage.jpg
2 cột còn lại là Power usage và Power usage trend sẽ rất hữu ích với anh em dùng laptop bởi nó thể hiện độ "ăn pin" của ứng dụng cũng như xu hướng tiêu hao điện năng của ứng dụng. Chẳng hạn như Chrome, thường nó vẫn ăn ở mức Very Low nhưng khi anh em bật một tab mới hay xem YouTube thì nó sẽ ăn mức Very High hoặc High. Thêm vào đó, cột Power usage trend sẽ giúp anh em biết được ứng dụng sẽ ăn nhiều điện hay không qua thời gian sử dụng từ đó chúng ta có thể biết nên hạn chế hay tắt ứng dụng nào để duy trì thời lượng pin.

Restart File Explorer để giải treo nhanh, phục hồi desktop; End task để tắt gấp tắt nhanh ứng dụng treo:


Task Manager Application menu.jpg
Click chuột phải vào một ứng dụng thì menu hiện ra khá nhiều nút, trong đó có 2 nút mình thường dùng hơn cả là Restart và End task. Restart sẽ khởi động lại ứng dụng đó, mình thường khởi động lại Files Explorer là chính bởi nhiều khi cài các ứng dụng như Adobe Creative Cloud hay Google Drive, những thứ có can thiệp vào Files Explorer thì giao diện Windows trở nên đen thui, thanh Taskbar không hiện, ứng dụng treo thì Restart lại là cách rất hay để giải quyết vấn đề.

End task là nút thần thánh rồi, chức năng của nó là ngắt, tắt hẳn ứng dụng hay tiến trình. Nút này quyền lực hơn nút Close (dấu X đỏ) trên cửa sổ ứng dụng bởi nhiều khi anh em nhấn nút Close thì ứng dụng treo vẫn sờ sờ ra đó nhưng chỉ cần nhấn End task là ứng dụng sẽ tắt ngay lập tức. Anh em có thể End task từng tiến trình trong 1 ứng dụng hoặc tắt toàn bộ ứng dụng.

Truy tìm tung tích ứng dụng/tiến trình "lạ" đang chạy trên Windows:
3 nút khác trong menu chuột phải rất hữu ích là Open file location, Search online và Properties. 3 nút này mình thường dùng để tìm hiểu về một ứng dụng hay tiến trình nào đó khả nghi đang chiếm quá nhiều tài nguyên hệ thống. Nhấn nút Open file location thì vị trí cài đặt của ứng dụng/tiến trình đó sẽ mở ra trong Explorer, từ đó anh em có thể xác định được ứng dụng/tiến trình này có nguồn gốc ra sao, nó thuộc về thứ gì mình đã cài vào máy.

Task Manager File location.jpg
Tìm tung tích của tiến trình tên On screen display drawer. Nó là một file .exe nằm trong System32/DriverStore
Nút Properties cũng giúp chúng ta biết rõ hơn về thuộc tính của ứng dụng/tiến trình đó. Hẳn anh em không lạ với tính năng này, chúng ta có thể kiểm tra thuộc tính bằng Properties của hầu như mọi file, thư mục trên máy tính Windows. Ít ra anh em có thể xác định được thứ đang kiểm tra có định dạng gì (đuôi .exe hay gì đó), dung lượng bao nhiêu, nó nằm ở đâu trong File Explorer.

Task Manager Search online.jpg
Tiếp tục Search online, hoá ra On screen display drawer là một phần mềm thuộc driver của Lenovo ThinkPad.
Trong trường hợp vẫn chưa thể tìm ra nguồn gốc của ứng dụng/tiến trình đó thì nút Search online sẽ rất hữu dụng. Đây là nút mình thường dùng để kiểm tra độ an toàn của một ứng dụng/tiến trình đang chạy khi nghi nó không phải do chính mình cài đặt, có thể là virus hay malware gì đó. Khi anh em nhấn tìm online thì công cụ Bing.com sẽ giúp anh em xác định ứng dụng/tiến trình đó thông qua nhiều dịch vụ kiểm tra bảo mật khác nhau trên mạng.

... Còn tiếp
52 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Làm nhớ thời win xp, máy treo phát là phải cầu cứu Ctrl + Alt + Del
Desktop đã treo rồi còn như thế này thì chỉ còn nước ấn nút nguồn 😁
Tín Nguon
TÍCH CỰC
5 năm
@sowbiT thường trường hợp treo là nghẽn tác vụ, hoặc không xử lý được do lỗi bước xử lý,... dẫn đến treo hệ thống... bạn nói đúng, chờ 3-5p thấy không xong thì nên dồn nộ bấm ngay nút nguồn...kk
trannam.uet
ĐẠI BÀNG
5 năm
@daigiahungyen đã từng bị như vậy nên ngồi dùng điện thoại đến khi hết giờ làm rồi về 😁
sowbiT
ĐẠI BÀNG
5 năm
@trannam.uet Thực ra thì mình cũng đã từng bị như vậy nhiều lần nên cài lại window luôn :D
mEnO 22
TÍCH CỰC
5 năm
Thích win 10 hơn win 7 một phần là vì cái taskmgr này nó hiển thị trực quan dễ nhận biết tác vụ hơn!
celebs
ĐẠI BÀNG
5 năm
Mình đang có chút thắc mắc là k biết trong 1 bộ máy tính có phần cứng đo đc nhiệt độ hay k mà khi mình sử dụng 1 số phần mềm kiểu như furmark hay Speccy thì nó hiển thị đc cả nhiệt độ của CPU , GPU rồi cả ổ cứng , SSD các kiểu , ai rành máy tính thì giải ngu hộ mình cái !
@celebs HWMonitor
@celebs làm con tản nước + trét keo tản nhiệt xịn + coi lại khí động học của case .
Longshy
TÍCH CỰC
5 năm
@celebs Mình chơi con 8700k hơn 103 độ đây , sau khủng quá ra mua con tản 400i về gắn zo còn 60 độ không hơn kk
Kome.Cafe
ĐẠI BÀNG
5 năm
@celebs Nói chung có nhiều cách, đơn giản nhất là chơi 10p cho máy nghỉ 10p rồi lại chơi 10p hoặc là #BoMeNoDi ko chơi nữa chuyển sang chơi #GAI chẳng hạn.....
nhqdat
TÍCH CỰC
5 năm
Trong startup có cái này mà chịu chết không biết làm sao tra ra nó là cái gì và xóa bỏ đi. Hiện tại chỉ tạm disable thôi.
upload_2019-1-22_9-50-0.png
upload_2019-1-22_9-49-8.png
@nhqdat vô C:\Users\<username>\AppData\Roaming\Microsoft\Windows\Start Menu\Programs\Startup kiểm tra xem có cái shortcut nào ko còn hoạt động ko
nhqdat
TÍCH CỰC
5 năm
@nguyenminh56547 Kiểm tra rồi, chỉ có các chương trình khác thôi (chương trình đã biết).
@nhqdat Cclean
Đúng là sử dụng Win là phải biết Task Manager và tổ hợp 3 phím thần thánh: Ctrl + Alt + Del.
không mấy liên quan nhưng từ "cứu cánh" nghĩa là cuối cùng, là "the end", nhiều khi chúng ta cứ hay dùng và bị nhầm "cứu cánh" là sự cứu giúp, nhưng nghĩa hán việt thì cứu cánh nghĩa là cuối cùng 😁

Tuy nhiên đa số giờ toàn dùng cứu cảnh là "sự cứu giúp, ha ha "
xversion1
TÍCH CỰC
5 năm
@vule123 Chuẩn, ngày xưa cô giáo mình còn dùng sai. Chắc thích dùng từ này nói cho ra vẻ văn vẻ nguy hiểm nhưng sai bét. Hậu quả của việc đọc truyện kiếm hiệp ko đến nơi đến chốn. Thấy trong truyện kiếm hiệp là dùng từ chuẩn "...cứu cánh chuyện ngày là thế nào, nguyên nhân do đâu?"
nhqdat
TÍCH CỰC
5 năm
@xversion1 Từ cứu cánh này là hán việt mà, nên kiếm hiệp dùng chuẩn là đúng rồi 😃. Theo mình thấy, hiện nay thì phải tới 99% dùng sai nghĩa.
Nhưng đau đầu là ngôn ngữ là sinh ngữ, nên nếu cứu cánh được sử dụng với nghĩa "sự cứu giúp" trong thời gian đủ dài thì nó lại trở thành nghĩa chính 😃 lúc đó cái nghĩa gốc là "mục đích cuối cùng" lại trở thành không đúng nữa.
cái chrome là 1 nùi luôn
Phạm Trìu
ĐẠI BÀNG
5 năm
@tozonegalaxy89 Giải pháp đây bác: https://technow.vn/chrome-su-dung-nhieu-ram/
@Phạm Trìu xác định là dùng web nhiều thì đừng áp dụng mấy cái mẹo giảm ram của chrome nó ăn nhiều là có lý do cả . thiếu thì mua chứ nó lỗi tè le khó chịu hơn
kdtt5390
ĐẠI BÀNG
5 năm
@tozonegalaxy89 Mình cũng quen mở lên, đọc nhiều tab nên không tắt. Có ai như mình không?
CPU.JPG
Ethanol
TÍCH CỰC
5 năm
@Phạm Trìu Một khi đã máu đừng hỏi bố cháu là ai, lắp thêm ram vào xem nó ngốn được thêm nhiêu.
Từ đó mở Resource Monitor cũng ngon
mình chỉ biết cơ bản. bài này viết này sau hơn
nemo1810
TÍCH CỰC
5 năm
Bài này rất hay, cảm ơn bác 😁
Windows 10 của mình lâu lâu thanh taskbar, start menu, taskview ko phản hồi. Nói chung là lỗi j đó tới windows explorer. Restart win explorer thì ko khởi động lại đc, mất luôn taskbar. Chỉ có cách logout-login lại. Bị lâu r mà chả biết cách nào fix đc.
tinh_tu
ĐẠI BÀNG
5 năm
@Blitzwaffen bạn thử vào file --- new task sau đó bấm explorer xem sao.
@Blitzwaffen bạn mở run gõ explorer.exe rồi enter là được
@Number_Zero3693 @tinh_tu mình dùng lệnh đó trc đây r nhưng we ko khởi chạy đc.
Sợ nhất là chrome trình duyệt phổ biến nhưng là đứa ăn tài nguyên dã man nhất.
vietcnttit
ĐẠI BÀNG
5 năm
Dùng để tắt ứng dụng bị treo nhưng TM là thằng bị treo nhiều nhất.
Bài hay
ranmap1989
ĐẠI BÀNG
5 năm
Hay quá bác chủ Thớt ơi! Cơ mà thiếu phím tắt chuyên biệt Ctrl + Shift + Esc. để gọi em nó rồi. Dùng tổ hợp này đỡ làm thêm thao tác phụ từ Win 7 về sau nhé
@ranmap1989 Có á =))
ranmap1989
ĐẠI BÀNG
5 năm
@bk9sw Bác thử đi nhé, bao ngon hơn tổ hợp huyền thoại Ctrl + Alt + Del nếu chỉ để gọi TM
KyleGuy
TÍCH CỰC
5 năm
Cái này biết hết rồi. Nhưng đây chỉ là cơ bản, hi vọng sau này có bài viết về tính năng nâng cao hơn
tinh_tu
ĐẠI BÀNG
5 năm
Tiện có cao nhân nào giúp hộ e. máy e win 10 hay bị đơ và loạn chuột không thể bấm được vào thanh taskbar. e cũng dùng task manager để End rồi new run lại explorer. e chạy dism thì nó báo lỗi eror 704. nhưng e ko biết lỗi này ở đâu đường dẫn vào thư mục nào lỗi để dùng sfc /sacnnow để fix cả. giờ vẫn bị chưa thể dứt điểm. có cao nhân nào biết ko chỉ giúp e. tks ạ !!

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019