Tham dự Tech Lounge

Tham dự Tech Lounge


Đánh giá G.Skill Trident Z Royal DDR4-3200: thiết kế cao cấp, OC ổn định 3800 MHz

bk9sw
11/2/2019 10:57Phản hồi: 60
Đánh giá G.Skill Trident Z Royal DDR4-3200: thiết kế cao cấp, OC ổn định 3800 MHz
Trident Z Royal phiên bản đặc biệt của dòng Tritdent Z RGB nổi tiếng của G.Skill với những kit RAM có xung rất cao, hỗ trợ OC và giá cũng không hề rẻ. Kit Trident Z Royal mình giới thiệu đến anh em dưới đây có xung 3200 MHz, tổng dung lượng 16 GB với các chip B-die cao cấp của Samsung với giá bán khoảng 5,2 triệu. Mời anh em xem qua kit RAM này nhé:

Tinhte.vn_GSkill_TridentZRoyal-3.jpg
Nói về thiết kế thì dòng Trident Z Royal rất khác biệt so với dòng Trident Z RGB thông thường cũng như các loại RAM cao cấp có tản nhiệt và đèn RGB phổ biến trên thị trường hiện tại. Nhìn bên ngoài thì nó vẫn hao hao dòng Trident Z với lớp nhôm tản nhiệt cỡ lớn, bằng kim loại được cắt rất ngầu nhưng thay vì là một tấm nhôm phay xước màu xám đen thì G.Skill đã hoàn thiện giống như đồ inox. Lớp nhôm này bóng bẩy. dòng chữ Trident Z Royal cũng được khắc theo font chữ nghiêng, cổ điển và "hoàng gia". Trident Z Royal có 2 phiên bản màu mạ là vàng hoặc bạc, mình chọn phiên bản bạc bởi nhìn nó đỡ "sến" hơn so với phiên bản vàng.

Tinhte.vn_GSkill_TridentZRoyal-5.jpg
Thêm vào đó dải nhựa phía trên kẹp giữa 2 mặt tản nhiệt cũng được thiết kế lại theo kiểu Radiant Crystalline tức lớp nhựa này trong, bề mặt cắt vát dạng tinh thể. Dòng Trident Z RGB thì trước đó chỉ đơn thuần là một dải nhựa màu đục và phẳng. Thiết kế dải nhựa này không chỉ khiến tổng thể thanh RAM hài hoà sang trọng hơn mà còn tăng hiệu quả trang trí với đèn RGB khi ánh sáng đèn sẽ chiếu ra đa hướng, long lanh như đồ trang sức thay vì kiểu ánh sáng lờ nhờ ngọt mắt trên thiết kế của dòng Trident Z RGB cũ. Một điểm mình thấy cải thiện là dải nhựa này không còn bị ọp ẹp như dải nhựa trên các dòng Trident Z trước đây.

Tinhte.vn_GSkill_TridentZRoyal-1.jpg
Đèn RGB có thể đồng bộ trực tiếp với hệ thống đèn trên bo mạch chủ. G.Skill công bố hỗ trợ các công nghệ đèn RGB như ASUS Aura, MSI Mystic Light cũng như hỗ trợ tuỳ biến với phần mềm riêng. Mình dùng kit RAM này trên bo mạch chủ MSI Z370 Gaming Pro Carbon AC và đèn RGB tương thích rất tốt, tuỳ chỉnh ngay bằng phần mềm của MSI luôn. Tổng số bóng LED được tăng lên thành 8 bóng, có thể điều chỉnh độc lập từng bóng hoặc theo vùng.

Dòng Trident Z Royal có nhiều mức dung lượng và nhiều tốc độ khác nhau. Hiện tại cao nhất là kit 8 GB x 2 tốc độ 4600 MHz CL 18. Phiên bản mình dùng là kit 8 GB x 2 tốc độ 3200 MHz CL 16 với mức giá tầm 5,2 triệu đồng. Ngoài ra có một kit có CL 14 thấp hơn cùng xung 3200 MHz nhưng mình không thấy bán ở Việt Nam.


Tinhte.vn_GSkill_TridentZRoyal-4.jpg
Bên dưới lớp vỏ bóng bẩy bên ngoài là PCB màu đen, dày đặc trưng của G.Skill dùng các đế chip của Samsung, dung lượng mỗi đế 8 Gb B-die (Best die cao cấp nhất), sản xuất trên tiến trình 20 nm, tổng cộng 8 đế và dĩ nhiên hỗ trợ XMP 2.0 để có thể đạt tốc độ 3200 MHz. Kit RAM này cũng hỗ trợ OC và mình cũng đã OC dễ dàng lên 3600 MHz.

Tinhte.vn_GSkill_TridentZRoyal-10.jpg
Khi anh em ra mua RAM thì ngoài tốc độ thì anh em cũng cần phải để ý đến các thông số độ trễ (timing) - một yếu tố ảnh hưởng khá nhiều đến hiệu năng của RAM lẫn hệ thống. Nói về độ trễ thì có thể hiểu đơn giản đó là tổng thời gian dữ liệu được ghi hoặc được đọc từ bộ nhớ RAM. Độ trễ này càng thấp càng tốt và trên những kit RAM, thông số độ trễ thường được ghi theo kiểu CL XX - XX - XX - XX. Chẳng hạn như kit RAM mình dùng có độ trễ là CL 16 - 18 - 18 - 38 ở 1,35 V. 4 con số này tương ứng với CAS - tRCD - tRP - tRAS.

Xung nhịp bộ nhớ được đo bằng Hz hay chu kỳ/giây. Chẳng hạn như xung 3200 MHz thì chu kỳ xung của nó có thể chuyển đổi theo công thức 3200 x 1.000.000 = 3.200.000.000 chu kỳ/giây hay thời gian để hoàn tất một chu kỳ xung là 1/3.200.000.000 giây. Tuy nhiên RAM ngày nay đã là DDR tức Double Data Rate, điều này có nghĩa mỗi chu kỳ xung sẽ gởi đi 2 tín hiệu do đó xung thực của kit RAM chẳng hạn như 3200 MHz kỳ thực là 1600 MHz. Thành ra thời gian thực tế để hoàn tất một chu kỳ xung phải là 1/1.600.000.000 giây.

CL.gif
CAS Latency hay CL, tCAS là số chu kỳ xung mà CPU phải đợi để nhận được phản hồi từ RAM kể từ khi gởi yêu cầu truy xuất. Chẳng hạn như thanh RAM của mình có CL 16 tức là CPU phải đợi 16 chu kỳ xung có được dữ liệu nó cần. Thành ra 2 thanh RAM với cùng xung nhịp chẳng hạn như 3200 MHz mà CL thanh nào thấp hơn thì tốc độ của nó sẽ nhanh hơn.

Trở lại với con số xung thực của thanh RAM G.Skill Trident Z Royal là 1600 MHz như mình đã giải thích ở trên thì chúng ta lấy số chu kỳ chia cho xung thật nhân 1000 (đơn vị sẽ là nano giây) sẽ ra được độ trễ: cụ thể là 16/1600*1000 = 10 ns. Thông thường khi OC RAM, mình thường cố gắng giữ độ trễ thấp, có thể là cao hơn so với con số tiêu chuẩn theo XMP khoảng vài ns, nếu giảm được mà RAM chạy ổn định thì ưu tiên. Chẳng hạn như 3200 MHz CL 16 thì chúng ta có độ trễ 10 ns theo công thức trên, nếu mình tăng lên 3600 MHz thì CL có thể chỉnh thành 17 hoặc 18 (18/1800*1000 = 10 ns).

tRCD.gif
RAS to CAS delay hay tRCD là giữa 2 tín hiệu RAS và CAS. Dữ liệu trên RAM được lưu vào các ô nhớ (memory cell), bố trí theo cột còn gọi là bitline và hàng còn gọi là wordline và điểm giao giữa các cột và hàng là địa chỉ của ô nhớ, gọi là address. Tại điểm giao này sẽ có tụ điện đóng vai trò lưu trữ trạng thái điện tích để thể hiện các giá trị 0 và 1. Khi truy xuất dữ liệu, hàng sẽ được kích hoạt trước sau đó cột được xác định vị trí. Để kích hoạt thì 2 tín hiệu điều khiển sẽ được gởi đi chúng bao gồm RAS (Row Address Strobe) và CAS (Column Address Strobe) và tRCD là độ trễ từ khi một hàng được kích hoạt đến khi một cột được kích hoạt để dữ liệu có thể được ghi vào hoặc đọc từ ô nhớ. Với kit RAM G.Skill Trident Z Royal thì tRCD = 18 chu kỳ xung.

tRP.gif
RAS Precharge hay tRP là độ trễ giữa lệnh Precharge và lệnh Active. Sau khi dữ liệu được thu thập từ bộ nhớ thì một lệnh có tên Precharge được gởi đi nhằm đóng hàng ô nhớ đang được truy xuất lại và mở hàng mới để lệnh Active - lệnh khởi động chu kỳ xung đọc hoặc ghi, được gởi đi để tiếp tụ truy xuất dữ liệu. Thông số này trên kit RAM mình test cũng là 18.

Active to Precharge Delay hay tRAS là thời gian hay số chu kỳ tối thiểu mà bộ nhớ phải đợi để kết thúc lệnh Active tức là khi dữ liệu đã được truy xuất xong và gởi lệnh Precharge đóng hàng ô nhớ lại. Thông số này trên thanh G.Skill Trident Z Royal là 38.

Quảng cáo



Tinhte.vn_GSkill_TridentZRoyal-11.jpg
Anh em lưu ý rằng mức xung mà nhà sản xuất ghi bên ngoài kit RAM thường là xung tối đa với XMP 2.0 tức Intel eXtreme Memory Profile. Theo cấu hình của JEDEC đối với DDR4 thì tốc độ gốc chỉ là 2133 MHz với độ trễ CL 15 15 15 36. Nếu anh em gắn RAM vào máy mà không bật XMP, cứ để thế chạy thì thanh RAM sẽ chạy ở mức xung 2133 MHz này. Chuyện sẽ chẳng thành vấn đề nếu anh em mua một kit RAM DDR4-2133 nhưng với những kit RAM cao cấp như G.Skill Trident Z Royal với xung 3200 MHz thì việc không bật XMP chẳng khác nào mua PKL về đi chợ như Chaly 😁. Vì vậy anh em nên vào BIOS bật XMP trước khi dùng nhé.

XMP là một giải pháp đơn giản để ép xung các bộ nhớ RAM DDR3/DDR4 có hỗ trợ XMP 2.0 chỉ với một nút bấm. Khi kích hoạt thì RAM sẽ được thiết lập chạy ở đúng mức xung cũng như thông số độ trễ được thiết kế. Với kit G.Skill Trident Z Royal thì XMP cho nó chạy ở xung 3200 MHz, CL 16 18 18 38 như mình đã nói. Tuy nhiên, dòng RAM Trident Z của G.Skill cũng hỗ trợ ép xung rất tốt nhờ đế chip chất lượng cao. Dưới đây là kết quả benchmark bằng AIDA 64 lẫn PCMark giữa các thiết lập thông số về xung và độ trễ để anh em dễ hình dung về sự cải thiện hiệu năng giữa default 2133 CL 15 nếu không bật XMP vs XMP 2.0 vs 2 thiết lập OC khác. Trong cả 4 tình huống, mình không OC CPU, để mặc định chạy thôi.

Tinhte.vn_GSkill_TridentZRoyal-7.jpg

Cấu hình thử nghiệm:
  • CPU: Intel Core i9-9900K 8 nhân 16 luồng, 3,6 - 5 GHz, 16 MB cache, 95 W;
  • GPU: Nvidia GeForce RTX 2080 Ti FE;
  • RAM: G.Skill Trident Z Royal DDR4-3200 CL16;
  • SSD: WD Black 256 GB PCIe 3.0 x4 NVMe (OS);
  • MOBO: MSI Z370 Gaming Pro Carbon AC;
  • PSU: Thermaltake ToughPower 850W.

Trident Z Royal khi không bật XMP để mặc định nó chạy ở điện áp rất thấp, chỉ 1,2 V cho mức xung 2133 MHz. Với XMP 2.0 bật, điện áp lên 1,35 V và kit RAM này lập tức chạy ở 3200 MHz CL 16 đúng như thiết kế. Với bài test Memory của AIDA 64, anh em có thể thấy sự chênh lệch rất rõ rệt về tốc độ đọc và ghi giữa trước và sau khi bật XMP. Từ tốc độ đọc chỉ làng nhàng ở khoảng 31 GB/s, ghi ở 30,6 GB/s và copy (đọc xong ghi) chỉ ở 28,4 GB/s thì với XMP 2.0, xung 3200 MHz thì tốc độ này tăng lên 45 GB/s đọc, 45,1 GB/s ghi và 40,5 GB/s copy. Tỉ lệ chênh lệch đọc, ghi, copy lần lượt là 36,3%, 38,3% và 35%.

Mình thử OC kit RAM này lên 3600 MHz với công cụ Memory Try It! Có sẵn trên BIOS của bo MSI Z370 Gaming Pro Carbon AC thì thông số RAM tự động đẩy lên 3600 MHz, CL 18 và điện áp 1,5 V. Mức điện áp này cao, do đó mình giảm điện áp xuống 1,4 V và cho chạy thử. Kết quả là không cần đến 1,5 V, chỉ cần 1,4 V là có thể chạy ổn định ở 3600 MHz với CL 18. So với mức xung 3200 MHz thì mức chênh lệch về tốc độ đọc, ghi và copy cao hơn khoảng 5 - 6 GB/s. Đọc nhanh hơn 10,4 %, ghi nhanh hơn 12,5% và copy nhanh hơn khoảng 9%.

Quảng cáo


3600 MHz chưa đã, mình thử OC lên 3800 MHz và 4000 MHz nhưng chỉ có thể chạy ổ định ở 3800 MHz với timing là CL 17 19 19 39. Đó giờ khi OC thì mình thường thử các thông số timing khác nhau cho đến khi RAM chạy ổn định, điện áp cũng tăng lên thành 1,45 V. Lúc này thì tốc độ đọc, ghi và copy của RAM đã đạt 52,6 GB/s đọc, 53,6 GB/s ghi và 44,8 GB/s copy. Tỉ lệ chênh lệch hiệu năng so với thiết lập OC 3600 MHz CL 18 là đọc nhanh hơn 5,2%, ghi nhanh hơn 4,67% và copy nhanh hơn khoảng 1%. Nếu so với thiết lập XMP 3200 MHz CL 16 thì tỉ lệ này cao hơn ở mức 2 con số, đọc nhanh hơn 15,6%, ghi nhanh hơn 17,1% và copy nhanh hơn 10%.


Mình thử benchmark hiệu năng hệ thống bằng PCMark 10 Express thì kết quả cũng phản ánh tương tự bài test AIDA 64. Với tốc độ truy xuất của RAM nhanh hơn với các mức xung nhịp tăng dần thì hiệu năng hệ thống cũng được cải thiện nhưng không nhiều. Chẳng hạn như so với xung mặc định là 2133 MHz, mức xung 3200 MHz cho hiệu năng cao hơn 1%. Nếu so giữa mức xung 3800 MHz và 2133 MHz thì tỉ lệ tăng tiến về hiệu năng đạt 2,66 % và so với mức xung 3200 MHz XMP thì tỉ lệ là 1,6%.

Thực sự mà nói thì sự khác biệt lớn về hiệu năng không nhiều, chơi game có khi chỉ chênh lệch vài khung hình. Vấn đề nằm ở chỗ game thường cần tốc độ CPU và GPU nhiều hơn là RAM, bản thân card đồ hoạ cũng sử dụng bộ nhớ riêng của nó (VRAM) chẳng hạn như GDDR5, GDDR6 có tốc độ cao hơn nhiều so với DDR4 DRAM. Thực sự tốc độ của bộ nhớ DRAM nó chỉ mang lại lợi ích đối với những tác vụ cần tốc độ RAM, chẳng hạn như nó cần phải truy xuất một lượng dữ liệu lớn cùng lúc như các tác vụ về cơ sở dữ liệu, biên tập nội dung số như video, hình ảnh cũng như khi anh em chạy nhiều tác vụ nặng cùng lúc. Còn đối với nhu cầu sử dụng bình thường, anh em sẽ khó mà thấy sự khác biệt. Tuy nhiên, câu chuyện về tốc độ RAM cũng có phần khác biệt với vi xử lý của AMD, cụ thể là dòng Ryzen. Xung RAM cao lại ảnh hưởng khá rõ đến hiệu năng xử lý đa nhân của CPU. Mình sẽ hẹn anh em trong một bài test khác cụ thể hơn.

Tinhte.vn_GSkill_TridentZRoyal-6.jpg
Còn về kit RAM G.Skill Trident Z Royal DDR4-3200 này. Mình có thể kết luận đây vẫn là một kit RAM tốt cả về thiết kế, chất lượng hoàn thiện lẫn linh kiện. OC đơn giản dễ làm nhưng đáng tiếc mình vẫn chưa thể đẩy lên cao hơn. Điều mình thích ở kit RAM này là thiết kế và độ ổn định cao, ngay cả ở xung OC 3800 MHz thì mình để vậy chơi game làm đồ hoạ thoải mái không bị màn hình xanh BOSD lần nào. Còn về mức giá, như kit trên có giá khoảng 5,2 triệu đồng, dòng Trident Z Royal có nhiều phiên bản với mức xung và timing khác nhau, chẳng hạn như phiên bản 3600 MHz CL 18 có giá đến 5,6 triệu đồng. Tuy nhiên với mức giá 5,2 triệu thì mình thấy nó cũng không quá cao so với mặt bằng chung. Những kit RAM cùng thông số có mức giá tầm 4,8 đến trên 5 triệu đồng khá nhiều, đến từ nhiều hãng khác nhau thành ra mình không chê về giá. Chỉ có cái để chê là thiết kế "hoàng gia" này đẹp thì đẹp đó nhưng sẽ hơi khó phối khi anh em build máy.
60 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

xung nhịp thuộc dạng cao rồi
Con này nhìn phát mê luôn, tình yêu sét đánh là có thật
Đẹp vãi. Trc h dùng toàn corsair, nếu build dàn ms châc chuyển trident thử cho biết😃
vistahome
TÍCH CỰC
5 năm
Hồi đó có ocz, crucial, gskill và corsair

Gskill thuộc loại thường,

Giờ nó mạnh vl..
BOT Sam
ĐẠI BÀNG
5 năm
@vistahome Thời ocz gskill oc cũng kinh khủng lắm rồi pác
Bữa giá ram cao chỉ dám mua 1 em, xuống 2tr2 là lụm thêm 1 thanh nữa liền ... nhanh hơn thì chưa biết nhưng long lanh là dc
20190126_182058.jpg
@boyngo1988 cứ ở yên với kit này đi bác, e cũng đang dùng 😁
@bk9sw 2 thanh 8gbx2 là dư dả xài rồi e ko nâng cấp nữa đâu, có nâng thì nâng VGA thôi hơn 3 năm tuổi rồi, với lại đợi ssd giảm nữa quất 1 TB thay cho HDD đang chạy vì case nhỏ quá nó bịt luôn đường hút gió dưới đáy. Công nhận dàn ram tridentz chuyển màu mượt thiệt phối vs dàn aura nguyên máy huyền ảo vl.
@boyngo1988 nó mượt vì 8 bóng led, đi với aura thì ngon vậy thoai chớ đụng msi mystic light thấy ngáo hẳn 😁
@bk9sw đang dùng aura sync của asus bác, nó cho chỉnh chi tiết lắm từ đèn máy bơm đèn quạt vvv dc hết luôn, tiếc cái thùng ko có chỗ giấu dây để khoe bộ đèn dc. Bọn jonsbo làm case đẹp nhưng có vấn đề kén tản nhiệt và gió dã man luôn, mua về lúc bắt đầu ráp mới đau đầu với nó phải chế đủ thứ.
@boyngo1988 tụi Jonsbo làm đồ lởm òm, design cũng ko sáng tạo, mình lựa case vì cái ko gian bên trong nhiều hơn là vỏ ngoài 😁
Nhờ ae tư vấn hộ bộ kit hai thanh tầm 16gb-32gb cho imac 5k 27" 2018, ram theo máy có 8gb bèo quá e đang cần nâng cấp 😁 thanks ae
@vuonganhquyen
ngại gì vết bẩn :D
A e cho hỏi, khi mua Ram thì nên xem xét các thông số nào để mua Main và chip cho phù hợp?
@Scorpius DLord RAM dường như là cái sắm sau cùng, bác chỉ cần sắm 1 kit xung 2400 là đủ chơi, riêng mấy con AMD thì RAM xung cao có lợi hơn chút 😁
rivertm
ĐẠI BÀNG
5 năm
@Scorpius DLord Bạn dùng chip nào thì lên hãng xem thông số được hỗ trợ tới xung bao nhiêu thì chỉ mua đến đó thôi. Như mình đang chạy i5 8400 thì Max trên trang của Intel ghi là 2666, vậy thì mình chỉ mua đến 2666, mua 3200 nó cũng chỉ chạy 2666 (theo nhà sản xuất thông tin)
Nếu so với corsai rgb pro cùng bus cas thì sao nhỉ @@
@darkmaster1 cùng bus cùng cas thì tốc độ có thể xêm xêm, chỉ so được con nào OC dễ hơn ổn định hơn mới biết đc 😁
Thạch 42
TÍCH CỰC
5 năm
Nguồn mod dùng có tốt không ta mình đang ở Đài Loan bên này củng giới thiệu nguồn đó tốt các thứ nên mình dùng luôn.
7487A577-B37A-490C-BAE2-3C1CB42A3DD8.jpeg
@Thạch 42 con nguồn này dường như là tốt nhất trong phân khúc cận cao của Thermaltake, rating năm ngoái top 10 best PSU
Thạch 42
TÍCH CỰC
5 năm
@bk9sw Tks mod! Lúc đầu định lấy con CM MWE 650W mà ngta lại khuyên lấy con đó nên lấy luôn. Cứ tưởng mua lầm nghe mod bảo vậy thì an tâm rồi 😁
BOT Sam
ĐẠI BÀNG
5 năm
@Thạch 42 Đài loan có thể ngó nguồn super flower, vả banh xác TT
Lúc build PC chưa ra royal nhưng bản thường cũng khá đẹp rồi, làm 4 thanh 8gb cho full slot 9 củ ra đi nhẹ nhàng 😁

@snoopycharlie e cũng chỉ xài 2 cây cho dàn ở nhà, 4 cây hại thận quá 😔
@bk9sw lúc mới build thì e cũng chỉ ráp 2 cây thôi, đc mấy bữa thấy đơn sơ quá, làm thêm 2 cây nữa cho đẹp mặc dù thừa hiệu năng, với thời điểm mua là 4tr5 cho 1 cặp :( build chơi game mà gần như chỉ youtube, đọc báo, chỉ có đợt này rầm rộ apex legends nên mới chơi nhiều 😁 cấu hình máy e nhẹ nhàng thế này thôi.
. Main Z390 Aorus Ultra + 8700k
. Ram 32GB - SSD Nvme2 970 evo 250gb + WB 1TB
. Tản AIO Castle 240mm
. VGA 2080TI Aorus Extreme
. Fan Corsair LL120 Lightning Nood
. PSU Aorus 850w
. Màn Dell 2518d + Case Aorus
. Gear thì có Huntsman Elite + Leopold FC900R PD Sweeden + River 650 + ROG Delta + Pad RGB XXL Steelseries
. Loa ngoài thì dùng Bose Evolve :D
@bk9sw Cũng ngứa tay muốn up lên 9900k lắm mà thật sự là dùng k hết hiệu năng 😁
@snoopycharlie chưa gì thấy fan đội Ó rồi :D mình chơi 3 dàn,
1 dàn ASUS ROG Certified chạy AMD như Case Gamerstorm Genome ROG + ASUS X470-F Gaming + Ryzen 5 2600 + Strix 1070 Ti, RAM 4 x 8 GB Adata XPG DS41 + PCie SSD add-in của Plextor + 4 ổ HDD chạy RAID, nguồn Inwin 900c, tản AIO 360 mm Captain theo Case.

1 dàn Razer full gồm case Antec Cube Razer editon + ASUS H270i mini ITX + i7-6700 + Strix RX 570 + 2 x 8 GB Trident Z RGB, WD Black 512 PCie + 2 x WD Blue 500 GB SATA RAID 0 + 2 TB WD Black HDD, tản ID Cooling 240, dàn gear razer full set huntsman elite + mamba hyperflux, loa nommo chroma, tai nghe kraken v2, base station và nhiều món linh tinh khác.

1 dàn ở Tinh Tế thì full MSI chuyên dùng test phần cứng như bác thấy trong bài

và 1 dàn TUF Gaming đang sưu tập đồ build rằn ri style :D
@bk9sw E chả fan cú đâu, tại đợt đi build thấy cái logo nó nhìn ngầu ngầu nên chọn thôi :D
😔 Moá tháng 12 năm 2017 làm 1 cặp adata 5 củ, douma bitchcoin
cho xin tuts oc trên z370F được k bác, k phải maximus nên không có profile sẵn, với lại gskill bus3k cas16 oc được không nhỉ
@nhimc0n đâu cần maximus gì đâu bác, z370F bác vào bios bật XMP thì nó đã chạy 3000 CL 16 rồi, bác muốn OC thì có thể chỉnh cái DOCP của ASUS hoặc manual bằng cách chỉnh RAM Clock theo ý muốn rồi chỉnh CL theo, chẳng hạn bác chỉnh Clock lên 3400, tăng CL lên 17 18 18 38 CAS - tRCD - tRP - tRAS, chích thêm cho nó ít điện, chỉnh chỗ RAM Voltage 1.37 - 1.38 thử xem, nếu ko đc lên 1.4 😁
laohac1002
ĐẠI BÀNG
5 năm
  • CPU: Intel Core i9-9900K 8 nhân 16 luồng, 3,6 - 5 GHz, 16 MB cache, 95 W;
  • GPU: Nvidia GeForce RTX 2080 Ti FE;
  • RAM: G.Skill Trident Z Royal DDR4-3200 CL16;
  • SSD: WD Black 256 GB PCIe 3.0 x4 NVMe (OS);
  • MOBO: MSI Z370 Gaming Pro Carbon AC;
  • PSU: Thermaltake ToughPower 850W.
  • Mấy năm nữa làm bộ này chơi nhỉ.
Màu mè hoa lá cành quá
Mê mẩn về các bài phần cứng của mod này
giờ ram 8gb tìm đỏ mắt chả thấy kit đâu cả chỉ có mỗi 1 thanh 8gb 😔 kinh phí eo hẹp k đú lên 16gb nổi mà bác chủ thớt cho thôi giữa 8gb Ripjaw V và 8gb TridentZ RGB bus 3000 chênh 300k thôi mình có nên gắng lấy không vì mình đang đắn đo cục nguồn nữa vì thêm 300k mình có thể nâng từ 450W lên 550W và 200k nữa là lên 650W tiện đây mình hỏi nguồn bao nhiêu là xài đủ k cần phải đổi nguồn khác sau này nữa vậy thớt 😁
@nguyentuan125 cả dàn của bác xài 450 W là đủ nhưng thừa hơn thiếu, lên 550W sau còn gắn thêm đc đồ, 2 con core i3 với gtx 1050ti nhiêu đó là đủ.
Thạch 42
TÍCH CỰC
5 năm
@nguyentuan125 Main đó hình như chạy 2666 thì bác mua 2666 được rồi đỡ đc tí. Mình mua 2 thanh Gskill Trident Z RGB 8G 2666 khoảng 3tr1 thôi.
@bk9sw Tks bác chắc mình bỏ thêm 300k lên 550w xài lâu dài đỡ lăn tăn 😁
@Thạch 42 Gskill chỗ mình mua nó có loại ripjaw V bus 2800 thôi bác giá là 1tr450😁 còn Tridentz RGB thì bus 3000 giá 1tr790 :D bác mua 2 thanh 3tr1 đâu rẻ thế :D
Chất nhỉ, build cây thích thật mỗi tội giờ dùng không hết cấu hình 😆))

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019