Admin Chữ Việt Nhanh xin tham khảo ý kiến của các bạn

18/3/2019 6:48Phản hồi: 8
Admin Chữ Việt Nhanh xin được hỏi ý kiến các bạn 3 câu hỏi sau đây.
Rất mong các bạn tham gia cho biết ý kiến nếu được.

1) Giả sử bạn là Admin của Chữ Việt Nhanh, theo bạn, trong các cuộc Đố Vui Có Thưởng sắp tới, hai chữ “Quyên” và “Quyết” nên chỉ có đáp án là:
a) Qil và Qid.
b) Qyl và Qyd.
c) Cả a và b đều đúng.

Bạn chọn: a hay b hay c? Nếu được xin cho biết lý do chọn lựa của bạn.


2) Giả sử bạn là Admin của Chữ Việt Nhanh, theo bạn, trong các cuộc Đố Vui Có Thưởng sắp tới, chữ “Quy” nên chỉ có đáp án là:
a) Qi.
b) Qy.
c) Cả a và b đều đúng.

Bạn chọn: a hay b hay c? Nếu được xin cho biết lý do chọn lựa của bạn.

3) Vài năm trước đây có người tên là Nguyễn Ninh (cũng là tác giả một số bài nghiên cứu cải tiến chữ quốc ngữ thành chữ Việt không dấu) đã trao đổi riêng và đề nghị với Admin rằng: chữ “Quyên” và “Quyết” phải viết ở Chữ Việt Nhanh là Qil và Qid, không thể viết là Qyl và Qyd, với lí do là:

- Quyên: gồm Qu+yên, mà qui ước Chữ Việt Nhanh thì q=qu và il=yên. Vì vậy, “Quyên” phải viết ở Chữ Việt Nhanh là Qil.
- Quyết: gồm Qu+yết, mà qui ước Chữ Việt Nhanh thì q=qu và id=yết. Vì vậy, “Quyết” phải viết ở Chữ Việt Nhanh là Qid.

Các bạn nghĩ sao về ý kiến của bạn Nguyễn Ninh? Xin cho ý kiến nếu được.

Rất mong nhận được ý kiến của mọi người.

Quảng cáo


(Mời xem lại các qui ước Chữ Việt Nhanh ở bài “Chữ Việt Nhanh: Cách ghi mới chữ Việt”.
Link: http://chuvietnhanh.sourceforge.net/ChuVietNhanhCachGhiMoiChuViet.htm)

Xin chân thành cảm ơn các bạn.
Admin Chữ Việt Nhanh.
8 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Hôm qua, Admin Chữ Việt Nhanh đã gởi riêng các câu hỏi trên đến Thầy giáo toán Đặng Thái Long (Hà Nội) và đã nhân được hồi âm thú vị. Nay xin ghi lại đây để các bạn tiện tham khảo.
***
“Anh Bình mến,
Câu chuyện trên làm tôi nhớ đã có lần tranh luận với anh về một số trường hợp "khó đỡ" về tính hợp lý của ngôn ngữ nói chung và của CVN nói riêng.
Hẳn anh còn nhớ tôi đã đề nghị anh viết
Gì=J (có đánh dấu huyền)?
Hoặc tôi đã chất vấn anh chữ Quốc sao không là Qus mà lại là Qôc?
Theo tôi bất kỳ ngôn ngữ nào cũng không thể đạt được sự hoàn mỹ về tính logic cả.
Để khắc phục nó, người ta đành :
1/ chấp nhận cả 2 (ví dụ trong tiếng Việt, "dòng sông" hay "giòng sông"đều được
2/ Áp đặt:
Không được viết là :"bác sĩ" mà phải viết là :"bác sỹ".
Từ đó trở về truòng hợp
Qil hay Qyl;
Qyd hay Qid
ta đành công nhận có 2 lối viết, trong đó ta phải hi sinh 1 quy ước do ta đã đặt ra:
Nếu viết là Qil, ta giữ nguyên quy ước Q=Qu.
Nếu viết là Qyl, ta lại vi phạm quy ước đó để công nhận Q=Q.
Vài ý nóng, mong anh tham khảo.
(Nói thêm: nghe nói người Pháp họ coi những động từ bất quy tắc là những viên ngọc lấp lánh trong ngôn ngữ của họ)”
Hôm qua, Admin Fanpage Chữ Việt Nhanh đã gởi riêng các câu hỏi trên đến bạn Nguyen Hanh Sesa và đã nhân được hồi âm. Nay xin ghi lại đây để các bạn tiện tham khảo.
***
"Chữ "Quyên" tách ra sẽ có 2 trường hợp: "Q-uyê-n" hoặc "Qu-yê-n". Nếu áp dụng Chữ Việt Nhanh sẽ ra chữ "Qyl" hoặc "Qil". Cả 2 trường hợp đều đúng theo quy tắc của Chữ Việt Nhanh. Em vẫn ưu tiên chữ "Qyl" hơn vì gần giống (ít có sự biến đổi hơn) với chữ "Quyên".
Với những trường hợp khác, em cũng chọn phương án gần giống với chữ gốc hơn."
minhtienhn
ĐẠI BÀNG
5 năm
EM quan tâm
hoangnam789
ĐẠI BÀNG
5 năm
Cái này phải học cũng mất thời gian phết nhỉ
quan tâm ạ
Admin Fanpage Chữ Việt Nhanh cũng đã gởi riêng các câu hỏi trên đến bạn Vũ Tuấn Anh và bạn Linh Cẩm Tú Chu (thành viên BQT Fanpage Chữ Việt Nhanh).

- Bạn Vũ Tuấn Anh chọn đáp án (b) cho câu hỏi 1 với lý do “Vì trước giờ em thấy uyê là y rồi Ad, nếu Ad muốn thay đổi lại là do Ad thay đổi mới. Nếu Ad thay đổi mới thì em sẽ dùng cách mới của Ad”.
Riêng câu hỏi số 3 thì bạn Vũ Tuấn Anh hồi đáp như sau: “Cũng hay đấy Ad”.

- Bạn Chu Cẩm Tú Linh hồi đáp như sau: “Chọn qyl ạ, vì khi viết chữ "quy" thành "qi" hoặc "qy" nó dễ nhầm lẫn, nên cháu cho thành "qi" cho hợp lý, còn "quyên" thì âm "y" sau khi viết tắt "qyl" thì nó đại diện cho cả âm "uyê" luôn rồi, nên để "y" có thể ngụ ý là đại diện cho âm dài "uyê", còn "i" cho mỗi "y" thôi.
Riêng câu hỏi số 3 thì bạn Chu Cẩm Tú Linh hồi đáp như sau: “theo cháu nếu tốc ký thì đúng là chữ "i" nó nhanh hơn hẳn chữ "y" thật, như vậy quyên thành qil, còn quyết thành qid. Chắc do giờ nhìn chưa quen nên cháu tạm thời chưa nhận ra, nếu đổi y thành i trong trường hợp này thì cháu vote đồng ý 1 phiếu ạ. Còn về gõ nhanh với WinVNKey thì cháu nghĩ cứ để nguyên như cũ, tức là gõ y”.
Nhằm giúp trả lời các câu hỏi trên, TS. Ngô Đình Học Hoc D. Ngo (tác giả bộ gõ WinVNKey) đã viết bài góp ý thú vị và hữu ích sau đây. Cảm ơn anh Học nhiều. Xin xem bài ở link sau
https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=10214507588423221&id=1225536822

Hoặc xem trọn vẹn bài của TS. Ngô Đình Học sau đây:


Làm sao đánh vần các từ bắt đầu bằng Qu hoặc Gi?

Để tránh mơ hồ, bài này sẽ dùng "từ" để chỉ word, dùng "chữ" (hoặc chữ cái, mẫu tự) để chỉ alphabetic letter, dùng "vần" để chỉ âm tiếng Việt bắt đầu bằng một nguyên âm (thí dụ ang) hoặc bán nguyên âm (thí dụ yên).

Khi phát triển chức năng kiểm tra chính tả tiếng Việt vào năm 1995, tôi đã khám phá ra một số qui luật chi phối các từ bắt đầu bằng Qu hoặc Gi. Các qui luật này đã trở thành một phần của thuật toán trong bộ gõ đa ngữ WinVNKey. Nay tôi muốn chia sẻ điều này với các bạn.

Trước tiên, chúng ta hãy phân biệt cách viết chữ, cách tách chữ, và cách phát âm là các vấn đề khác nhau. Trong bài này,

  - "âm" dùng để chỉ âm thanh xuất phát từ miệng (chỉ nghe mà không thể thấy),

  - "chữ" hoặc "từ" dùng để ngụ ý chữ viết trên giấy hoặc màn hình (chỉ thấy mà không thể nghe).

Thí dụ: Các từ ang, ANG, aNG, anG, Ang, aNg, v.v. tuy dạng viết khác nhau nhưng đều có cùng âm đọc là âm ang.

Với qui ước này thì âm i có thể được viết là i hoặc y. Để diễn tả sự khác biệt giữa âm và chữ viết, bài này sẽ để cách phát âm trong ngoặc đơn có chú thích thêm chữ "âm". Thí dụ:

  - tam = t + am => (âm tờ) + (âm am) => ráp lại: (âm tờ-am) => đọc nhanh lên => (âm tam)
  - ghen = gh + en => (âm gờ) + (âm en) => ráp lại: (âm gờ-en) => đọc nhanh lên => (âm ghen)

Để đi vào chủ đề chính của bài này, ta hãy xét các từ bắt đầu bằng Qu, cụ thể là từ Quyên. Từ này có thể được tách chữ theo ba cách khác nhau:

   a) quyên = qu + uyên
   b) quyên = qu + yên
   c) quyên = q + uyên

Cách tách (a) có vẻ vô lý vì khi ráp lại sẽ dư ra chữ u. Còn cách (b) và (c) có vẻ hợp lý vì khi ráp lại sẽ được đúng từ quyên. Nhưng thấy vậy mà không phải vậy, mà sự thật lại trái ngược. Mời các bạn đọc tiếp để biết kết luận cuối cùng.

Các cách tách chữ trên đây sẽ tương ứng với các âm sau đây:

 a1) quyên => (âm quờ) + (âm uyên):
   Có vẻ hợp lý vì khi hợp âm lại sẽ nghe có vần uyên
 b1) quyên => (âm quờ) + (âm yên):
   Có vẻ vô lý vì âm tổng hợp sẽ nghe vần với yên
 c1) quyên => (âm cờ) + (âm uyên):
   Có vẻ vô lý vì âm tổng hợp sẽ nghe như cuyên (hoặc kuyên)

Muốn có lời giải đáp thỏa đáng, chúng ta hãy tìm hiểu qui luật tách từ ra từng cụm rời, qui định cách phát âm của từng cụm, và cách kết hợp lại thành một từ chuẩn hợp pháp

A. Tách từ thành cụm

Tất cả các từ tiếng Việt đều có thể được tách ra theo một trong hai dạng sau đây, tùy theo từ đó bắt đầu bằng phụ âm hay không:

  A1. (từ Việt) = (cụm phụ âm) + (cụm nguyên âm không dấu) + (dấu thanh nếu có)
  A2. (từ Việt) = (cụm nguyên âm không dấu) + (dấu thanh nếu có)

Khi kiểm chính tả, ta sẽ kiểm chính tả của từng cụm. Nếu hai từ có cùng cách tách thì chúng tương đương nhau.

Thí dụ: Cả 3 từ thuyền, thuỳên và thùyên đều tương đương với nhau:

   d1) thuyền = th + uyên + (dấu huyền)
   d2) thuỳên = th + uyên + (dấu huyền)
   d3) thùyên = th + uyên + (dấu huyền)

Khi kết hợp các cụm chữ ở vế phải lại, ta sẽ dựa theo qui luật đặt dấu thanh vào một vị trí chính tả chuẩn trong cụm nguyên âm. Vị trí đó ở nguyên âm nào xin được miễn bàn ở đây vì hơi dài dòng. Tuy nhiên, ta cần biết một qui luật để giải quyết cách ráp các cụm trong thí dụ nêu trên.

  Qui luật: Khi cụm nguyên âm có chứa một và chỉ một nguyên âm có dấu phụ (như dấu trăng, dấu mũ, dấu móc) thì dấu thanh sẽ rơi vào nguyên âm đó.

Áp dụng qui luật này, ta thể ráp vế phải của (d1,d2,d3) như sau:

   th + uyên + (dấu huyền) => th + uyền => thuyền

Như vậy cả 3 từ thuyền, thuỳên và thùyên đều tương đương với nhau nhưng chỉ có một dạng chính tả chuẩn duy nhất, đó là thuyền.

Đây chính là cách mà bộ gõ WinVNKey đã dùng để đặt dấu thanh đúng vị trí trong từ dù cho người dùng gõ dấu thanh ở bất kỳ vị trí nào trong cụm nguyên âm, hoặc sau cụm nguyên âm.

B. Qui định cách phát âm

Đây là chủ đề gây nhiều tranh cãi. Hãy chú ý rằng mọi qui định đều đưa đến cùng một kết luận về từ Quyên và Gìn như trình bày dưới đây.

Mục đích của bài này là phục vụ cho việc phát triển bộ gõ WinVNKey. Do đó, WinVNKey đã chủ yếu dựa theo nền giáo dục trước 1975 ở miền Nam mà tạm qui định như sau.

   - b đọc là bê khi đứng một mình, đọc là bờ khi theo sau là vần
   - c đọc là xê khi đứng một mình, đọc là cờ khi theo sau là vần
   - ch đọc chờ khi theo sau là vần
   - . . .
   - g đọc là gê (gê, không phải ghê) khi đứng một mình, đọc là gờ khi theo sau là vần không bắt đầu bằng i, e
   - gh đọc là gờ khi theo sau là vần bắt đầu bằng i, e
   - gi đọc là giờ (zờ) khi theo sau là vần
   - . . .
   - q đọc là cu khi đứng một mình, đọc là cờ khi theo sau là vần
   - qu đọc là quờ khi theo sau là vần
   - . . .

Bây giờ hãy áp dụng qui luật nêu trên vào từ "Quyên" để loại dần các cách tách cụm vô lý.

B1. Xét cách tách (b,b1)

   Quyên = Qu + yên => (qui định âm quờ) + (âm yên) => âm tổng hợp có vần yên

Vậy thử hỏi từ Quyên có vần yên hay uyên?

Để trả lời, chúng ta phải mời cụ Nguyễn Du ra làm trọng tài vì cụ từng làm thơ Kiều:

   Chữ tài liền với chữ tai một vần

Cụ đã mất rồi. Thôi ta đành mạo muội sửa thơ của cụ thành câu:

   Chữ thuyền liền với chữ quyên một vần

để nói lên "phận gái thuyền quyên", dựa theo sự tích Thuyền Quyên là học trò nữ của nhà thơ Khuất Nguyên ở Tàu.

Khi đọc lên, bạn có cảm nhận được sự khớp vần chặt chẽ giữa từ "thuyền" và từ "quyên" không? Mà từ "thuyền" có vần "uyên", thì "quyên" ắt phải có cùng vần "uyên", phải không? Do đó, nếu bảo "quyên" có vần yên rồi tách ra (qu) + (yên) là hoàn toàn sai.

Như vậy, ta phải bác bỏ cách tách (b,b1).

B2. Xét cách tách (c,c1)

Chữ Q đọc là cu khi đứng một mình, đọc là cờ khi theo sau là vần. Do đó, cách tách (c,c1) cho ra kết quả:

   Quyên = Q + uyên => (qui định âm cờ) + (âm uyên)

Âm tổng hợp là cuyên hoặc kuyên, không phải quyên. Do đó, ta phải bác bỏ cách tách này.

Chú ý rằng đến giờ phút này, chỉ còn một cách tách (a,a1). Tuy nhiên, ta không thể đưa ra kết luận vội vàng, mà phải đọc qua mục C để có đủ thông tin.

C. Kết hợp các âm rời thành từ

Sau khi tách một từ thành các âm cơ bản, ta sẽ ráp các âm này lại để đọc được âm của toàn bộ từ.

Đối với từ Quyên, rõ ràng từ này có 2 âm rời là: (âm quờ) + (âm uyên)

  - Thật vậy, khi đọc hai âm này liên tiếp thật nhanh ta sẽ được âm "quyên"
  - Mà (âm quờ) được thể hiện bằng cụm chữ "qu"
  - Và (âm uyên) được thể hiện bằng cụm chữ "uyên"
  - Vậy khi kết hợp 2 âm lại, hai cụm chữ này dính chùm lại thành "quuyên"

Nhưng tại sao mọi người đều viết là "quyên" mà không là "quuyên"?

Cách giải thích hợp lý nhất là "quuyên" quá rườm rà. Do dó, các vị tiền bối sáng tạo chữ Quốc ngữ đã quyết định lược bỏ bớt chữ u trùng lặp cho ngắn gọn và thẩm mỹ hơn.

Chúng ta có thể nhận thấy các vị đã lược bỏ như vậy trong tiếng Việt khi qui định cách viết cho từ Quyên và từ Gìn:

  C1. (qu: âm quờ) + (vần bắt đầu bằng u) => lược bỏ bớt chữ u đầu tiên
  C2. (gi: âm giờ) + (vần bắt đầu bằng i) => lược bỏ bớt chữ i đầu tiên

Thí dụ:

   - qu + uy => quy
   - qu + uyên => quyên
   - qu + uynh => quynh
   - qu + uốc => quốc
   - gi + ìn => gìn (dấu huyền còn vì ta bỏ chữ i đầu tiên)
   - gi + iêng => giêng
   - gi + ì => gì (dấu huyền còn vì ta bỏ chữ i đầu tiên)

Cuối cùng, ta phải công nhận từ tiếng Việt không có chữ q đứng riêng một mình mà luôn luôn đi với u thành qu.

Ngẫm nghĩ lại, nếu ngay từ đầu các giáo sĩ Âu châu qui định chữ q có âm quờ khi ráp vần, thì tiếng Việt đã đơn giản nhiều và các từ bắt đầu bằng q không hề gây ra thắc mắc:

  - (âm qua) = (âm quờ) + (âm a) => (viết q) + (viết a) => thành qa
  - (âm quen) = (âm quờ) + (âm en) => (viết q) + (viết en) => thành qen
  - (âm quyên) = (âm quờ) + (âm uyên) => (viết q) + (viết uyên) => thành quyên

Chú ý: Nếu không biết qui luật lược bỏ i, chúng ta sẽ lúng túng khi tách từ "gìn". Thật vậy, muốn có phụ âm giờ thì cụm phụ âm đầu từ phải là "gi". Sau khi tách gi ra, còn lại lơ lửng dấu huyền và chữ n. Mà ta không thể đặt dấu huyền lên chữ n, cũng như chữ n một mình không tạo thành cụm nguyên âm được.

D. Tại sao nhiều người đọc từ bắt đầu bằng Q hơi khác nhau?

Xin giới hạn vào chữ Quy hoặc Qui. Về phương diện phát âm, âm y và âm i đọc giống nhau, nên ta chỉ cần khảo sát từ Quy hoặc Qui mà thôi.

Như đã giải thích ở các mục vừa qua, từ Quy có thể được tách như sau:

   - (âm quờ + âm uy) => viết thành: quuy, nhưng bỏ chữ u trùng lặp thành: quy
   - (âm quờ + âm y) => viết thành: quy

Bây giờ ta hãy tập phát âm của 2 trường hợp trên:

   D1. (âm quờ + âm uy): đọc 2 âm "quờ uy" chầm chậm, rồi đọc lại thật nhanh để tạo âm tổng hợp "quuy" (chưa lược bỏ 1 chữ u)

   D2. (âm quờ + âm y): đọc 2 âm "quờ y" chầm chậm, rồi đọc lại thật nhanh để tạo âm tổng hợp "quy"

Bạn có nghe hai âm tổng hợp này hơi khác nhau không? Nếu không, bạn hãy lặp lại thí nghiệm nhiều lần thì cuối cùng sẽ cảm nhận hai âm hơi khác nhau.

Thật ra, người dân nhiều địa phương ở Việt Nam đọc "quy" theo (D1), có địa phương đọc "quy" theo (D2), và người nghe tinh ý có thể nghe được sự khác biệt.

Tiếc thay, cả hai cách đọc (D1) và (D2) đều được viết là "quy" nên chúng ta yên chí chỉ có một cách phát âm duy nhất. Nếu đừng loại bỏ mẫu tự u trùng lặp thì ắt mọi người sẽ cố đọc hơi khác đi rồi.

E. Giải thích cách bung chữ gõ tắt trong bộ gõ WinVNKey

Khi bạn gõ một từ, WinVNKey sẽ xử lý như sau:

  - tách từ đó ra thành các cụm âm rời
  - ráp các âm rời lại thành từ và kiểm tra chính tả
  - xong chỉ hiển thị từ đúng chính tả

Để giúp gõ nhanh, WinVNKey cho phép bạn gõ tắt và WinVNKey sẽ bung ra từ tiếng Việt trọn vẹn.

Dựa theo đặc tính này, WinVNKey đã cung cấp một số bảng gõ tắt. Trong đó có cách gõ tắt tên là TuBinhTran. Cách gõ này qui định như sau:

  - gõ tắt q => sẽ bung ra qu
  - gõ tắt yl => sẽ bung ra uyên
  - gõ tắt il => sẽ bung ra iên

E1. Khi bạn gõ qyl, WinVNKey sẽ bung như thế nào?

  - Khi gõ q => WinVNKey hiện ra qu
  - Khi gõ y => WinVNKey hiện tiếp ra y => được quy
  - Khi gõ l => WinVNKey nhận ra bạn gõ quyl, mà yl là uyên.

Do đó, WinVNKey sẽ bung ra thành: quuyên. Rồi dựa theo qui luật C1, WinVNKey bỏ bớt một chữ u và hiển thị kết quả cuối cùng: quyên.

E2. Khi bạn gõ qil, WinVNKey sẽ bung như thế nào?

  - Khi gõ q => WinVNKey hiện ra qu
  - Khi gõ i => WinVNKey hiện tiếp ra i => được qui
  - Khi gõ l => WinVNKey nhận ra bạn gõ quil, mà il là iên.

Đến lúc này, cụm chữ bung ra là quiên. WinVNKey nhận ra đây là lối viết cổ điển của từ "quyên" thời Huỳnh Tịnh Của (1834-1907). Lúc bấy giờ, họ Nguyễn được viết là Nguiễn, họ Huỳnh được viết là Huình, từ quyên được viết là quiên. Do đó, WinVNKey sẽ sửa "quiên" lại thành "quyên" theo lối viết hiện đại.

Nếu WinVNKey là bộ gõ không thông minh, nó sẽ không sửa lỗi chính tả. Trong trường hợp đó, thì gõ qil sẽ bị bung ra thành quiên.

Tóm lại, khi dùng kiểu gõ Tubinhtran:

  - gõ q + gõ yl => bung ra quyên (lược bỏ 1 mẫu tự u trùng lặp)
  - gõ q + gõ il => lẽ ra được quiên, nhưng WinVNKey sửa chính tả thành quyên

F. Tại sao Thúy và Thúi đọc khác nhau?

Nhận xét:

  - i được định nghĩa là một nguyên âm thuần túy
  - y được định nghĩa là một bán nguyên âm (cũng có nghĩa là bán phụ âm)

Một nguyên âm thuần túy (thí dụ a) có thể đứng đầu vần (như ang), giữa vần (như oai), hoặc cuối vần (như oa).

Một bán nguyên âm vừa mang chức năng của một nguyên âm vừa mang chức năng của một phụ âm. Khi đóng vai trò phụ âm, nó phải đứng đầu vần để giúp tách vần (syllable) cho đúng.

1. Khi xem y là bán phụ âm, từ Thúy chỉ có thể được tách ra như sau để cho y đứng đầu vần:

  Thúy = Thu + y + (dấu sắc) => (thu đóng vai trò âm thuờ) + (âm y) + (dấu sắc)

Khi đọc nhanh 2 âm liên tiếp, ta sẽ nghe âm thúy (như tên Thẩm Thúy Hằng).

2. Trong khi đó, vì i là một nguyên âm thuần túy nên từ Thúi sẽ được tách ra một cách bình thường như sau:

  Thúi = Th + ui + (dấu sắc) => (âm thờ) + (âm ui) + (dấu sắc)

Khi đọc nhanh 2 âm liên tiếp, ta sẽ nghe âm thúi (như trong "hư thúi").

Tương tự, bạn hãy vận dụng chức năng bán phụ âm của y để thấy được cách đọc khác nhau của những cặp từ: tuy/tui, suy/sui, nguy/ngui, tay/tai, ngay/ngai, v.v.

Nếu bạn nào không phân biệt được hai âm tay/tai, ngay/ngai, ... tôi xin chỉ mẹo sau đây:

  - tay => ta + y => hãy đọc 2 âm (âm ta) + (âm y) chầm chậm cho rõ phần nguyên âm, xong rồi lặp lại nhanh lên xem.

  - tai => t + ai => hãy đọc 2 âm (âm tờ) + (âm ai) chầm chậm cho rõ phần nguyên âm, xong rồi lặp lại nhanh lên xem.

Chú ý:

Ta chỉ vận dụng chức năng bán phụ âm của y khi cần thiết mà thôi. Hãy xét từ uyên: ta không thể vận dụng chức năng phụ âm của y vì lúc đó từ uyên sẽ bị tách ra như sau:

  uyên = u + yên => sai: cụm âm đầu tiên không phải là phụ âm

Do đó, phải coi uyên là một vần bắt đầu bằng u.

G. Tại sao âm ui và âm uy đọc khác nhau?

Phương pháp tách từ ở mục A chỉ có mục đích phục vụ cho việc kiểm tra chính tả.

Thực ra có nhiều cách tách từ. Thậm chí, người ta có thể tách vần ra nhiều âm cơ bản.

Âm ui và âm uy đều là âm của vần. Khi lắng nghe người Việt đọc âm ui và âm uy, các giáo sĩ đã nhận ra các âm đó có thể chẻ ra thành 2 âm nhỏ hơn nữa. Đó là:

    G1. (âm ui) = (âm u) + (âm i), nhưng (âm u) được phát âm lâu hơn và nhấn mạnh hơn
    G2. (âm uy) = (âm u) + (âm i), nhưng (âm i) được phát âm lâu hơn và nhấn mạnh hơn

Chú ý: Tôi viết (âm i), nhưng bạn phải hiểu nó đồng nghĩa với (âm y) vì khi nói về âm là ta phải lắng tai nghe, chứ không nhìn cách viết i hay y.

Khi (âm i) trở thành âm mạnh nhất lấn át các âm còn lại, nó đóng vai trò là âm đầu của một vần, tức (âm i) phải được viết bằng một chữ vừa là nguyên âm vừa là phụ âm. Chỉ có chữ y mới có thể thỏa mãn các điều kiện này. Do đó,

    - (âm ui) = (nhấn âm u) + (âm i) => (viết u) + (viết i) => viết ui
    - (âm uy) = âm u + (nhấn âm i) => (viết u) + (viết y) => viết uy

H. Kết luận

  - Các từ bắt đầu bằng qu luôn luôn được tách ra là: (qu) + (vần).
  - Các từ bắt đầu bằng gi luôn luôn được tách ra là: (gi) + (vần)

Lúc tách ra, phải nhớ thêm vào vần nguyên âm u hoặc i đã bị lược bỏ, nếu có.

PHỤ LỤC: ƯỚC GÌ LÀM LẠI TỪ ĐẦU

Qua cách tách âm đã trình bày, chắc chúng ta nhận ra ngay những khuyết điểm này trong cách ghi âm của chữ Quốc Ngữ. Phải chi ngày xưa có nhiều người tham gia góp ý cho các vị giáo sĩ... Phải chi ngày xưa có một hội đồng khoa học thảo luận kỹ càng... Thì ngày nay chữ Quốc Ngữ sẽ không có những khuyết điểm liệt kê dưới đây.

P1. Âm cờ
   Khi đi trước âm e, ê và i thì phải viết bằng k.
   Khi đi trước các nguyên âm khác thì phải viết bằng c.
   Nhưng ta có thể đơn giản hóa âm cờ hoặc bằng c, hoặc bằng k.

P2. Âm phờ
   Thực sự, có thể viết bằng f thay vì ph, tiết kiệm một chữ.

P3. Â giờ
   Thực sự, có thể viết bằng z thay vì gi, tiết kiệm một chữ lại khỏi phát sinh chữ i trùng lặp.

P4. Âm gờ
   Khi đi trước âm e, ê và i thì phải viết bằng gh.
   Khi đi trước các nguyên âm khác thì phải viết bằng g.
   Nhưng ta có thể đơn giản hóa âm gờ bằng chữ g.

P5. Âm ngờ
   Khi đi trước âm e, ê và i thì phải viết bằng ngh.
   Khi đi trước các nguyên âm khác thì phải viết bằng ng.
   Nhưng ta có thể đơn giản hóa âm ngờ bằng ng, tiết kiệm một chữ.

P6. Âm quờ
   Thực sự, có thể viết bằng q thay vì qu, tiết kiệm một chữ lại khỏi phát sinh chữ u trùng lặp.

P7. Chữ g đầu từ có nhiều âm đọc quá phức tạp

   - g + i mà muốn đọc là (âm gờ) + (âm i) thì phải viết ghi
   - g + i mà muốn đọc là (âm gê) + (âm i) thì phải viết gi, thí dụ "gà trống gi"
   - g + en mà muốn đọc là (âm gê) + (âm en) thì phải viết gen, thí dụ "gen di truyền"
   - g + a mà muốn đọc là (âm gê) + (âm a) thì không có cách nào viết được

Nếu ta qui định (âm gê) được viết bằng j thì mọi việc phức tạp nêu trên biến mất:

   - j sẽ luôn luôn đọc là âm gê: gà trống ji, jen di truyền, ja-va
   - g sẽ luôn luôn đọc là âm gờ: gé qua chuồng gà
   - z sẽ luôn luôn đọc là âm giờ: zữ zìn (giữ gìn)

P8. Dấu thanh
     
Thực sự, dấu thanh đi theo vần, mà không đi theo một nguyên âm nào cả. Đó là lý do ở mục A, khi tách âm, dấu thanh đã được đặt ở vị trí sau cụm nguyên âm.

Vì vậy, nên dùng mẫu tự không bao giờ đứng cuối từ để ghi lại dấu thanh như kiểu gõ Telex: s cho dấu sắc, f cho dấu huyền, r cho dấu hỏi, x cho dấu ngã, j cho dấu nặng.

Nếu ngay từ đầu, chữ Quốc ngữ đã dùng mẫu tự để tượng trưng dấu thanh thì Việt Nam đã có được bảng mã 8 bit từ lâu rồi.

Nói chung, phần lớn các khuyết điểm này có nguyên nhân là các giáo sĩ chịu ảnh hưởng của chữ viết ở nước họ mà ra.

Nếu bỏ qua các khuyết điểm này, ta nhận thấy cách ghi âm của các vần Việt thật là tuyệt vời. Các vị giáo sĩ đã bỏ công lắng nghe và phân tích các âm Việt ra các âm cơ bản thật chính xác. Họ đã đặt ra những qui luật thật khoa học để ghi lại những âm này bằng các mẫu tự La-tinh. Các cách ghi âm này đã dần dần được hoàn thiện bởi nhiều thế hệ qua nhiều thế kỷ.

Dạng chữ Quốc ngữ hiện nay đã đạt được tính ổn định cao, đã tồn tại trong sách báo của cả nước, và rất quen thuộc với tất cả mọi người dân Việt.

Do đó, cá nhân tôi luôn luôn phản đối cải tiến chữ Quốc ngữ bằng cách thay đổi cách đánh vần hoặc cách viết.

Tôi cũng phản đối đề nghị các cụm viết tắt để thay thế cho chữ Việt trọn vẹn. Các cách gõ tắt luôn luôn chỉ là phương pháp gõ nhanh của mỗi người. Còn trong việc lưu trữ cũng như trao đổi thông tin, ta phải luôn luôn dùng chữ Việt trọn vẹn.
Admin Fanpage Chữ Việt Nhanh cũng đã gởi email riêng các câu hỏi trên đến TS. Nguyễn Vĩnh-Tráng, tác giả bài "Có nên thêm phụ âm đầu W trong 'Tốc Ký Chữ Việt' chăng ?"

TS. Nguyễn Vĩnh-Tráng đã hồi âm qua email như sau:
"Về chữ « Quyên », « Quyết » thì theo tôi, anh Nguyễn Ninh nói đúng."

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019