Tham dự Tech Lounge

Tham dự Tech Lounge


Tổng quan thị trường âm nhạc năm 2018: Có được có mất

AudioPsycho
14/4/2019 6:20Phản hồi: 29
Tổng quan thị trường âm nhạc năm 2018: Có được có mất
Thị trường âm nhạc trong năm 2018 nếu xét về tổng quan thì có khá nhiều biến động, trong số đó đáng nhắc đến nhất chính là sự tăng trưởng mạnh mẽ của 1 số loại hình phân phối nhạc, trong khi đó 1 số khác lại giảm đến mức thảm hại, gần như đến mức chuẩn bị biến mất khỏi thị trường. Tổng lợi nhuận của thị trường âm nhạc tăng trưởng 9.7%, trong đó loại hình stream nhạc có phí tăng đến 32.9%. Lợi nhuận chung của mảng stream nhạc tăng 34% với tổng thị phần chiếm 46.9%. Trong khi đó loại hình download giảm mạnh đến hơn 21.2%, còn lợi nhuận từ băng đĩa vật lý cũng giảm 10.1%.

tinhte-global-music-2018-2.JPG

Với 4 năm liên tiếp đạt mức tăng trưởng rất cao, có thể nói chưa bao giờ ngành âm nhạc toàn cầu phát triển đến như vậy. Ngày càng nhiều nghệ sỹ tài năng tìm được chỗ đứng của mình, mang đến cho thính giả nhiều sự lựa chọn hơn nữa. Các hãng thu cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc hun đúc tài năng của các nghệ sỹ cả nhỏ lẻ lẫn nổi tiếng, mang về cho họ những thứ xứng đáng với nỗ lực của mình. Một trong những khía cạnh đáng chú ý nhất có thể nói đến chính là sự trỗi dậy của nhiều điểm nóng âm nhạc, nổi bật là khu vực châu Á với Trung Quốc và Hàn Quốc, hay nền âm nhạc của các nước Trung Đông và Bắc Mỹ. Hầu hết các nghệ sỹ ở đây đều đã đạt được thành công trong nước và chỉ mới bắt đầu lấn sân ra thị trường thế giới trong thời gian gần đây.

tinhte_gmr_2019 (1).jpg

Các hãng thu cũng rất quan tâm đến lợi ích của nghệ sỹ và luôn nhắm đến mục tiêu mang về những gì xứng đáng nhất với nỗ lực của họ, từ đó tạo dựng được mối quan hệ mật thiết giữa các bên gồm cả hãng thu, nghệ sỹ và người yêu nhạc.



Tổng lợi nhuận của thị trường âm nhạc thế giới đạt khoảng 19.1 tỷ USD trong năm 2018, tăng 9.7% so với năm 2017 và đồng thời cho mức tăng trưởng cao hơn đến 7.4% tính theo hàng năm. Mảng nhạc số tăng 21.1% và mang về mức lợi nhuận 11.2 tỷ USD trong năm 2018, chiếm 58.9% tổng lợi nhuận của thị trường âm nhạc. Mốc lợi nhuận này đạt được chính là nhờ vào loại hình stream nhạc có trả phí được người dùng chuyển dần sang từ thói quen tải về như trước đây. Đó cũng là lý do vì sao lợi nhuận từ hình thức tải về giảm mạnh tới 21.2%, kéo theo mức tăng trưởng cũng giảm 7.7% tính theo tổng lợi nhuận của thị trường âm nhạc nói chung.

tinhte_gmr_2019 (4).jpg

Hình thức lưu trữ vật lý cũng giảm 10.1% và hiện chỉ còn chiếm khoảng 24.7% tổng lợi nhuận của ngành âm nhạc trong năm 2018. Một số thị trường như Ấn Độ, Nhật Bản hay Hàn Quốc có giúp sức ít nhiều để cứu sống loại hình lưu trữ vật lý, trong đó có thể kể đến xu hướng chơi đĩa vinyl và băng cassette gần đây. Lợi nhuận từ vinyl cũng tăng trưởng liên tiếp trong 13 năm, tăng trưởng 6% và chiếm 3.6% tổng lợi nhuận của thị trường âm nhạc.

tinhte_gmr_2019 (3).jpg

Lợi nhuận từ phí bản quyền biểu diễn cũng tăng kha khá vào khoảng 9.8%, chiếm 14% trong tổng lợi nhuận thu được của thị trường âm nhạc (khoảng 2.7 tỷ USD). Mức lợi nhuận từ bản quyền văn hóa (nhạc phim, quảng cáo, game, chương trình TV...) tăng trưởng 5.2%, tuy ít hơn năm ngoái (14.6%) nhưng vẫn chiếm khoảng 2.3% tổng lợi nhuận của thị trường âm nhạc.

tinhte_gmr_2019 (5).jpg

Thị trường châu Á và Úc sở hữu mức tăng trưởng lợi nhuận âm nhạc lên đến 11.6%, trong đó chủ yếu nhờ vào loại hình stream nhạc có trả phí cũng như 1 phần lợi nhuận nhỏ từ băng đĩa vật lý. Thị trường âm nhạc Mỹ Latin đạt con số tăng trưởng khổng lồ lên đến 16.8%, và cho dù loại hình tải về và băng đĩa vật lý giảm mạnh nhưng vẫn được "cứu" bởi mảng stream nhạc có tính phí. Chile, Mexico và Colombia là 1 trong những quốc gia có mức tăng trưởng cao nhất, lần lượt là 16.3%, 14.7% và 9%.

Quảng cáo


Thị trường châu Âu có mức tăng trưởng thấp nhất và chỉ chiếm 0.1% trong tổng lợi nhuận của ngành âm nhạc. Tuy vậy nếu tính theo mức tăng trưởng trong khu vực thì loại hình stream nhạc có tính phí ở các nước châu Âu lại tăng khá nhiều, vào khoảng 29.2%. Loại hình băng đĩa vật lý thì hẩm hiu hơn khi giảm mạnh 19.4%, hình thức tải về cũng giảm đến 24.3%. Chi phí bản quyền biểu diễn cũng không khá khẩm gì hơn, giảm đi khoảng 6.7%.

Thị trường Bắc Mỹ tăng trưởng khá tốt đạt 14%, tuy vẫn không bằng năm 2017 (17.1%). Mức tăng trưởng này phần lớn đều nhờ vào loại hình stream nhạc có tính phí (tăng 33.4%) và bù đắp cho loại hình băng đĩa vật lý giảm mạnh (giảm 22%). Thị trường âm nhạc Canada tuy nhiên vẫn có mức tăng trưởng không đáng là bao, chỉ vào khoảng 0.5%.

Như nói trên, các hãng thu cũng rất quan tâm đến lợi ích của nghệ sỹ và luôn nhắm đến mục tiêu mang về những gì xứng đáng nhất với nỗ lực của họ, từ đó tạo dựng được mối quan hệ mật thiết giữa các bên gồm cả hãng thu, nghệ sỹ và người yêu nhạc. Các công ty thu âm hiện nay đang làm mọi cách để tăng cường đầu tư vào các thị trường có tiềm năng để đưa tên tuổi của các nghệ sỹ đến gần hơn với người yêu nhạc. Nhờ vào điều này, người hâm mộ trên toàn thế giới có thể dễ dàng tiếp cận với nghệ sỹ mà mình yêu thích. Một thị trường được xem là có tiềm năng, dù lớn hay nhỏ, đều có thể đóng góp cho sự tăng trưởng của ngành âm nhạc toàn cầu. Sự đầu tư của các công ty thu âm còn giúp phát triển thị trường đó 1 cách tốt hơn, mang đến mức lợi nhuận và tăng trưởng ngày càng cao.

tinhte_gmr_2019 (8).jpg

Adam Granite, phó chủ tịch mảng Phát triển Thị trường của Universal Music, cho biết: "Mỗi thị trường luôn đòi hỏi cách tiếp cận khác nhau để có thể thành công. Điều này tạo nên nền móng giúp các công ty thu âm đầu tư và phát triển lâu dài. Nói chung, nó phụ thuộc vào sự hợp tác của cả bên đầu tư lẫn các bên khác của thị trường bản địa". Jeremy Marsh, giám đốc Tiếp thị của Warner Music, cũng chia sẻ: "Nhiều người sự đoán loại hình stream nhạc sẽ tràn ngập tác phẩm của các nghệ sỹ da trắng. Điều này có thể là đúng nhưng cùng lúc chúng tôi cũng thấy được sự phát triển mạnh mẽ của các dòng nhạc khác, đến từ các thị trường khác như Hàn Quốc, Mỹ Latin hay cả châu Phi".

Brad Navin, CEO của Orchard, cũng trình bày ý kiến của mình: "Giới trẻ bây giờ có suy nghĩ hoàn toàn khác so với trước đây, vì thế cách tiếp cận với họ cũng phải khác đi. Suy nghĩ của họ toàn cầu hóa hơn và họ yêu thích mọi thể loại nhạc dù là ở ngôn ngữ nào đi chăng nữa". Điều này nghĩa là mỗi thị trường đều phải được tiếp cận và đầu tư theo từng cách phù hợp để có thể phát triển tốt nhất chứ không thể theo kiểu rập khuôn từ trước đến nay.

Quảng cáo


Các hãng thu hiện nay dần dần đang bắt đầu tiếp cận và phát triển thị trường theo hước mới hơn, mang đến lợi ích không chỉ cho hãng mà còn cho các nghệ sỹ nữa. Các nghệ sỹ không chỉ được phát triển và hoạt động trong nước mà còn được tìm kiếm cơ hội để vươn ra thị trường thế giới. Không dừng lại ở lợi ích cho nghệ sỹ và các công ty âm nhạc, 1 tác phẩm thành công còn mang đến sự tự hào cho quốc gia hay nền văn hóa mà nó phản ánh.

Điểm mạnh nhất của loại hình stream nhạc là mang đến cho người yêu nhạc cơ hội thưởng thức những tác phẩm mà mình chưa biết, đồng thời cũng giúp nghệ sỹ và hãng thu có được lợi nhuận xứng đáng. Lấy ví dụ, Brazil là 1 quốc gia có văn hóa âm nhạc rất mạnh mẽ nhưng do còn sở hữu nhiều trở ngại về bản quyền nên nó vẫn được khá ít người biết đến và công nhận. Khi loại hình stream nhạc lên ngôi, Brazil ngay lập tức trở thành điểm sáng âm nhạc trên toàn thế giới. Sony hiện tại đang đầu tư rất mạnh vào thị trường âm nhạc của Brazil để tìm kiếm thêm các nghệ sỹ mới, những người đủ tầm cỡ để đứng trên sàn diễn toàn cầu.

Simon Robson, giám đốc của Warner Music Asia cũng cho biết hãng đang đầu tư rất lớn để phát triển mảng stream nhạc ở các quốc gia châu Á và Úc. Những hoạt động quảng bá gồm tổ chức sự kiện với sự tham gia của các nghệ sỹ thần tượng, đồng thời phổ cập kiến thức về các ưu điểm của loại hình stream nhạc nhằm định hướng tốt hơn cho người dùng. Ngoài ra việc đầu tư mạnh cho các nghệ sỹ bản địa cũng giúp phát triển thị trường 1 cách chắc chắn và đảm bảo hơn".

tinhte-global-music-2018-8.jpg

Hàn Quốc là 1 trong những thị trường âm nhạc vừa chuyển mình từ "tiềm năng" thành "chủ chốt", mở đường với các nhóm nhạc rất được yêu thích trên toàn thế giới như BTS hay BLACKPINK. Spotify hiện vẫn chưa khai thác tốt mảng streaming ở Hàn Quốc (chủ yếu được cung cấp bởi Melon) tuy nhiên các playlist của dịch vụ này đã phần nào chứng minh được sự nổi tiếng của K-Pop trên toàn thế giới. Theo David Erlansson, chuyên gia phân tích thị trường của Spotify, các playlist K-Pop luôn rất được yêu thích ở các nước Đông Nam Á với hàng chục triệu lượt stream mỗi ngày. Các thị trường khác như Peru, Canada, Pháp hay Thổ Nhĩ Kỳ từ đầu năm 2018 cũng đã bắt đầu thể hiện mối quan tâm với âm nhạc châu Á, trong đó chủ yếu vẫn là K-Pop. Các playlist K-Pop cũng được stream hàng trăm triệu lượt mỗi ngày".

tinhte-global-music-2018-blackpink.jpg

Thêm 1 điểm nữa là ngày càng nhiều các nghệ sỹ quốc tế được mời làm giám khảo cho các show âm nhạc, và đôi khi còn tham gia với cả tư cách là thí sinh, đã khiến cho thị trường âm nhạc toàn cầu phát triển theo 1 hướng mới chưa từng có từ trước đến nay. Trung Quốc nhanh chóng vươn lên hạng 7 toàn cầu về sự phổ biến của thị trường âm nhạc, khiến ngày càng nhiều nghệ sỹ trên thế giới muốn đến đây để kiếm tìm cơ hội cho mình.

Ngoài ra cũng không thể không kể đến sự phát triển mạnh mẽ của các dịch vụ stream video mà giới trẻ đang mê mệt. Các đoạn video ngắn có liên quan đến tác phẩm nào đó đôi khi lại khiến mạng internet "vỡ òa", mang đến thành công ngoài mong đợi trước cho tác phẩm gốc. Ví dụ bài hát That Girl của Olly Murs được cover trong 1 đoạn video ngắn hát bởi 1 cậu bé cho bạn gái mình đã khiến bài hát gốc đạt lượt tìm kiếm và stream ngoài mong đợi, đưa nó lên hạng nhất mạng QQ trong hơn 3 tháng.

Nhìn chung từ trước đến nay các nghệ sỹ châu Á luôn nghĩ rằng để có thể "bứt phá" ra thị trường quốc tế, họ cần phải hát bằng tiếng Anh. Tuy nhiên điều dễ thấy nhất là đây không phải ngôn ngữ mẹ đẻ của họ, do đó họ khó có thể phát âm chuẩn như các nghệ sỹ phương Tây. Một số hãng thu vẫn khuyến khích nghệ sỹ của mình hát các bài hát bản địa để vừa có thể truyền tải tác phẩm 1 cách tốt nhất vừa giới thiệu được văn hóa của quốc gia cho khán giả nước ngoài.

Dĩ nhiên việc các hãng thu quốc tế "bành trướng" ra thị trường nước ngoài vẫn sẽ cần đến sự giúp sức của các công ty thu âm bản địa. Điều này sẽ giúp đánh giá đúng tiềm năng thị trường cũng như hướng tiếp cận tốt nhất, ngoài ra còn dễ dàng hơn trong vấn đề thương lượng bản quyền nếu cần thiết. Như nói trên, việc đầu tư và phát triển 1 thị trường mới sẽ đòi hỏi những hướng đi phù hợp với thị trường và người nghe của thị trường đó chứ không thể áp dụng 1 khuôn mẫu "tất cả trong 1" được. Các nghệ sỹ cũng sẽ được đào tạo để có thể làm hơn nữa, đủ sức khẳng định vị thế ở thị trường trong nước và vươn xa hơn ra thị trường nước ngoài. Thêm 1 điều nữa mà các công ty thu âm quốc tế muốn làm là giúp chính quyền địa phương hiểu rõ tiềm năng của các nghệ sỹ trong nước, từ đó có thể đưa ra những chính sách bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho nghệ sỹ.

Warner Music hiện tại đã mở hơn 17 chi nhánh ở khu vực Trung Đông với mục tiêu đầu tiên là làm quen với thị trường cũng như cung cấp dịch vụ cho các đơn vị sản xuất âm nhạc bản địa. Giai đoạn tiếp theo sau đó mới là xúc tiến ký hợp đồng và làm việc trực tiếp với các nghệ sỹ trong nước. Theo ông Moe Hamzeh, giám đốc điều hành các chi nhánh Trung Đông của Warner Music, hiện tại vẫn còn rất nhiều những trở ngại trong đó có chất lượng cơ sở hạ tầng và 1 số cách biệt văn hóa. Đó là lý do vì sao Warner Music không chỉ đóng vai trò là đơn vị phát triển nghệ sỹ mà còn tham gia cả trong mảng điều hành, đại diện, pháp lý và thậm chi kinh doanh nữa. Điều này nhìn chung sẽ có lợi cho cả đôi bên do tinh thần trách nhiệm luôn được đặt lên bậc cao nhất.

Tuy nhiên quy mô này không có nghĩa là các công ty thu âm quốc tế sẽ đòi hỏi nhãn thu bản địa phải hoạt động theo mô hình của mình. Từng khu vực sẽ phát triển những nghệ sỹ bản địa riêng và tiếng nói của họ cũng mạnh mẽ không thu gì so với các nghệ sỹ nước ngoài. Họ cũng được ưu tiên hơn bởi chi nhánh bản địa và dĩ nhiên là có lượng fan trong nước đông đảo hơn hẳn so với các nghệ sỹ nước ngoài.

tinhte_gmr_2019 (12).jpg

Aya Nakamura là 1 trong những ví dụ điển hình của các nghệ sỹ nổi tiếng cả trong nước lẫn nước ngoài. Cô sinh ra tại Mali và sau đó chuyển đến Paris từ bé, điều này giúp cô mang ảnh hưởng văn hóa của cả 2 khu vực. Aya Nakamura bắt đầu sáng tác theo phong cách nhạc đô thị và dần dần được biết đến bởi công chúng, và đó cũng là lúc cô ký hợp đồng với Warner Music France. Theo chia sẻ từ Thierry Chassagne, giám đốc Warner Music France, dự án phát triển cho Aya Nakamura lúc đầu chỉ tập trung chủ yếu vào cộng đồng Carribean và African, những người từ lâu luôn yêu thích nhạc rap. Đây dường như được xem là cộng đồng dành riêng cho Aya Nakamura, và nếu Warner Music France không tận dụng được thì dự án đã có thể phải chịu thất bại.

tinhte_gmr_2019 (13).jpg

May mắn là họ đã làm được và album Journal Intime của cô ra mắt vào năm 2017 chiếm được hạng 6 trên các bảng xếp hạng uy tín của Pháp, đồng thời cũng được chứng nhận Tiêu chuẩn vàng (Gold Certification). Album tiếp theo của cô là Nakamura với ca khúc chủ đề Djadja càng chiếm được thành công lớn hơn nữa, leo lên hạng 1 trong tuần đầu tiên và cũng là ca khúc có lượt stream nhiều nhất của 1 nữ nghệ sỹ người Pháp tính đến hiện tại. Thành công vang dội của Nakamura đã khiến Warner Music quyết định đưa tên tuổi của cô đến với thị trường thế giới, ngoài ra cũng đẩy mạnh tìm kiếm thêm nhiều tài năng khác trong nước.

Alain Veille, giám đốc điều hành của Warner Music France, giải thích lý do vì sao Warner nhanh chóng nhận ra tiềm năng trong âm nhạc của Nakamura: "Âm nhạc của cô ấy lan truyền ra các khu vực xung quanh với tốc độ chóng mặt. Nhiều đồng nghiệp của chúng tôi thắc mắc rằng cô ấy là ai và nguyên do nào mà chúng tôi có thể tìm ra được 1 tài năng như vậy. Mọi người đều giống như có thể cảm nhận được thành công của cô ấy ngay từ những nốt nhạc đầu tiên". Veille còn nói thêm rằng chính những thành công đầu tiên của Aya đã giúp nhóm quảng bá lên ý tưởng tạo ra 1 fanbase cho Aya trong cộng đồng người yêu nhạc ở Pháp nhằm giúp tên tuổi của cô tiếp cận được với thính giả 1 cách rộng rãi hơn nữa. Như nói trên, nhằm tạo ra những hướng tiếp cận phù hợp với từng thị trường âm nhạc khác nhau, dự án quảng bá cho Aya Nakamura chú trọng vào những điểm mạnh đang có của cô, kết hợp với các thay đổi theo thị hiếu của fan.

Để quảng bá hình ảnh tại Đức, Aya đã thu lại ca khúc Djadja với 1 nghệ sỹ hip-hop bản địa có quan điểm xã hội tương đồng với cô. Phiên bản này được thính giả rất yêu thích và đón nhận nồng nhiệt, được đưa vào những playlist rap ăn khách nhất tại Đức. Các đài radio cũng bắt kịp xu hướng và cho phát ca khúc này trên sóng của mình, sau đó dần dần chuyển luôn sang phát ca khúc gốc bằng tiếng Pháp để thay thế cho phiên bản tiếng Đức. Djadja hiện tại đã đạt hơn 190 triệu lượt stream audio cùng khoảng 315 triệu lượt stream video, có được thành công vang dội không chỉ tại Pháp mà còn ở Đức, Netherlands và Bỉ. Rõ ràng có thể thấy được chỉ với tài năng của người nghệ sỹ hay chỉ bằng bộ phận quảng bá sẽ khó có thể mang đến thành công lớn như trên, thay vào đó phải có được cả 2 điều này.

tinhte_gmr_2019 (14).jpg

Nam ca sỹ George Ezra cũng là 1 trong những nghệ sỹ đạt được thành công to lớn khi "lấn sân" sang thị trường nước ngoài trong khoảng 5 năm trở lại đây. Anh sở hữu chất giọng baritone độc đáo cùng phong cách biểu diễn không lẫn vào đâu được, từ đó nhanh chóng có được lượng người hâm mộ khổng lồ trên toàn thế giới. Alex Eden-Smith, trưởng phòng marketing của Columbia Records, cho biết: "Từ cái nhìn đầu tiên tôi đã biết Ezra không phải là 1 nghệ sỹ tầm thường. Anh ấy sở hữu 1 chất giọng vô cùng tuyệt vời và mục đích duy nhất của chúng tôi là giúp anh truyền tải tài năng đó đến thính giả trên toàn thế giới". Single đầu tiên của Ezra là Budapest nhanh chóng đạt hạng 3 trên bảng xếp hạng âm nhạc của Anh Quốc, sau đó chiếm vị trí 40 trên bảng xếp hạng của Mỹ. Tiếp sau single này là album Wanted On Voyage đứng nhất trên bảng xếp hạng của Anh và lọt và Top 20 US cũng như Top 10 ở nhiều quốc gia khác. Tính đến tháng 3/2019, album đã bán ra tổng cộng hơn 2 triệu bản trên toàn thế giới.

"Lận lưng" 1 album thành công cùng lượng fan ngày càng đông đảo, Ezra và Columbia tự tin xúc tiến dự án tiếp theo với album Staying At Tamara (3/2018). Album này đạt hạng 1 trên bảng xếp hạng Anh Quốc và cũng có lượng bán ra nhiều nhất tại đây. Với tình yêu của công chúng dành cho mình, Ezra và Colombia bắt đầu sản xuất và tung ra series podcast chuyên đề âm nhạc. Trong series podcast này, Ezra trực tiếp trò chuyện với các nghệ sỹ khách mời nổi tiếng như Elton John, Nile Rogers hay Ed Sheeran. Theo Eden-Smith, điều này sẽ càng giúp cho Ezra thể hiện được bản thân mình trước công chúng hơn nữa, cũng như tự giới thiệu anh đến fan của các nghệ sỹ khách mời.

Eden-Smith nói: "Khi làm chương trình, chúng tôi phải liên tưởng đến những trải nghiệm mà thính giả sẽ có được. Ví dụ như khi nghe 1 bài hát của Ezra, họ có tò mò và tìm kiếm thông tin về chàng ca sỹ (là Ezra) hay không. Và công việc của chúng tôi là làm sao để giúp trải nghiệm đó trở nên trơn tru nhất. Chúng tôi cũng hoàn toàn tin tưởng vào trực giác của Ezra khi anh làm việc, và luôn phải nhớ rằng chương trình podcast nhằm để anh được gần gũi hơn với thính giả chứ không phải là khiến họ khó chịu".

tinhte_gmr_2019 (16).jpg

J Balvin là nghệ sỹ người Colombia có công giúp nền âm nhạc Latin tiếp cận với thính giả năm châu. Anh làm việc tại nhãn thu riêng và cho ra mắt nhiều tác phẩm độc đáo truyền tải được linh hồn của dòng nhạc Latin. Balvin sở hữu rất nhiều tác phẩm cả solo lẫn biểu diễn chung cùng Cardi B, Beyoncé hay Justin Bieber, tuy nhiên vẫn giữ được nét Latin tiêu biểu chứ không bị lai tạp hay hòa trộn với các dòng nhạc khác.

tinhte_gmr_2019 (17).jpg

Angel Kaminsky, phó chủ tịch điều hành của Universal Music, chia sẻ như sau: "Tôi gặp J Balvin lần đầu tiên vào năm 2012 và chuyến đi đó đã không hề làm tôi thất vọng. Tôi bị thuyết phục bởi sự sáng tạo của Balvin cũng như tài năng tuyệt vời của anh. Không chỉ là 1 nghệ sỹ tài hoa, Balvin còn là gieo ảnh hưởng đến các nghệ sỹ khác, và dĩ nhiên là đến người hâm mộ của anh nữa".

Rebecca Léon, đồng quản lý với Kaminsky, cho biết: "Đầu tiên chúng tôi phát triển dự án nhằm đưa tên tuổi của Balvin đến thị trường âm nhạc Latin ở Mỹ và Iberia. Điều này được thực hiện bằng cách phát hành 2 album Ay Vamos và 6 AM trong năm 2014-2015. Bước tiếp theo là giới thiệu Balvin đến thính giả toàn cầu, mở đầu với single Ginza (trong album Energía - 2016) và Mi Gente (phát hành năm 2017, sau đó được đưa vào album Vibras - 2018). Hướng đi này mang đến thành công lớn và đưa tên tuổi Balvin đến 1 tầm cao mới. Vào khoảng tháng 6/2018, Balvin đã trở thành nghệ sỹ được tìm kiếm và stream nhiều nhất trên Spotify, và đến tháng 9 thì anh chính thức bứt phá Apple Music.

Kaminsky nói: "Balvin là người luôn đặt ra những tiêu chuẩn riêng cho bản thân và cũng rất tự tin. Anh thường nói "hãy tin ở tôi, tôi biết mình đang làm gì" và chúng tôi luôn trả lời "ừ, thế thì hãy làm theo cách của anh". Công việc chính của chúng tôi là cung cấp cho Balvin những thông tin cần thiết và chính xác về xu hướng thị trường hiện tại, tuy nhiên cuối cùng thì tất cả các công việc khác đều được thực hiện bởi hai bàn tay của anh ấy".

Đây cũng là lý do vì sao mà J Balvin vẫn tự tin hát bằng tiếng Tây Ban Nha, ngôn ngữ mẹ đẻ của anh chứ không chuyển hẳn sang hát bằng tiếng Anh dù đã nhận được nhiều lời mời từ các nghệ sỹ nổi tiếng của Mỹ. Balvin giống như 1 chú chim gõ kiến luôn luôn nỗ lực để mang nền âm nhạc Latin tiếp cận với thính giả toàn cầu, trong khi vẫn cố gắng giữ lại cái gốc của mình. Thật quả là điều đáng trân trọng.

Giá trị của một hãng thu

tinhte_gmr_2019 (20).jpg


Các công ty thu âm thực ra ngoài việc"thu âm" (dĩ nhiên rồi) còn phải kiêm thêm rất nhiều việc khác, trong số đó gồm có quản lý nghệ sỹ, tìm kiếm nhân tài mới và ổn định các nguồn tài nguyên đầu tư. Theo các thống kê tài chính, các hãng thu đã đầu tư gần 1/3 lợi nhuận của mình (khoảng 5.8 tỷ USD) mỗi năm cho việc đào tạo, phát triển cũng như hỗ trợ cho các nghệ sỹ. Dennis Cooker, chủ tịch Sony Music Entertainment, cho biết: "Sự thành công của loại hình streaming trong thời gian gần đây đã cho phép chúng tôi đầu tư nhiều hơn nữa cho việc phát triển và hỗ trợ các nghệ sỹ".

tinhte_gmr_2019 (23).jpg

Glen Barros, COO của Concord Music, chia sẻ: "Đầu tư cho nghệ sỹ thật ra chỉ là bước đầu. Khi họ thành công, nguồn lực về tài chính cũng sẽ gia tăng và chúng tôi sẽ có thể đầu tư thêm nữa cho họ, hay cho các nghệ sỹ khác nữa". Ông Ole Obermann, trưởng điều hành mảng nhạc số của Warner Music, cũng nói thêm: "Tất cả mọi bộ phận của Warner Music đều cố gắng để hỗ trợ các nghệ sỹ của mình hết mức có thể. Chúng tôi tin rằng chỉ khi làm vậy thì mọi người mới có được niềm đam mê và cảm hứng để cùng nhau phát triển".

Derrick Aroh (RCA Records) nói: "Tôi nghĩ điều quan trọng nhất mà các nghệ sỹ cần ở 1 nhãn thu không chỉ là nguồn nhân lực mà còn là sự tin tưởng và thấu hiểu đối với từng cá nhân nữa. Các nghệ sỹ cộng tác với chúng tôi không phải vì quy mô của công ty mà chính là từ niềm đam mê mà chúng tôi đã thể hiện cho họ thấy. Tôi thích làm việc với những nghệ sỹ có tầm nhìn rộng và dám đưa ra những ý tưởng táo bạo, cũng như không dễ dàng từ bỏ khi mọi thứ không suôn sẻ. Dĩ nhiên sẽ luôn dễ dàng khi làm việc với những nghệ sỹ bảo rằng "tôi muốn làm thế này" hơn là những người bảo "hãy đưa ra các ý tưởng và tôi sẽ chọn chúng". Vì thế, tôi nghĩ điều mà chúng tôi làm là giúp các nghệ sỹ nhận ra được phong cách mà họ có, cũng như biến chúng thành hiện thực.

Konrad von Loehneysen, sáng lập viên của Embassy of Music GmbH, nêu ra quan điểm rằng sức mạnh của 1 công ty thu âm có ảnh hưởng tốt đến hiệu suất làm việc của các nghệ sỹ. Điều này có nghĩa là các nghệ sỹ của nhãn thu đó sẽ có thể tùy ý sáng tạo và thể hiện phong cách của họ mà không bị phân tâm vào các quy trình rối rắm khác, ví dụ như thăm dò thị trường hay quảng bá tác phẩm, vì đã có các khâu khác đảm nhiệm việc đó rồi. Mọi thứ cần phải được thực hiện phù hợp nhất cho từng nghệ sỹ từ các khâu mở màn đến kết thúc, giúp họ tiếp cận gần gũi hơn với người hâm mộ và tạo được lòng tin. Người hâm mộ cũng sẽ cảm thấy ấm áp hơn khi được truyền nguồn cảm hứng từ nghệ sỹ mà mình yêu thích.

Dĩ nhiên quá trình này chỉ có thể gặt hái thành công khi được thực hiện đúng cách và truyền tải phù hợp đến người hâm mộ. Điều này không khó, nhưng cũng hoàn toàn không dễ thực hiện.

Nhìn chung với xu hướng thị trường hiện tại, cách nhìn nhận rằng các fan "chỉ nghe nhạc trên 1 thiết bị và ở 1 nơi chung chung nào đó" dường như đã không còn chính xác nữa. Các fan hiện nay đã bắt đầu quan tâm đến nghệ sỹ mà mình thần tượng nhiều hơn, dễ thấy nhất chính là việc fan muốn tìm hiểu thêm đời sống của nghệ sỹ mình thích. Gabriela Lopes (Global Insight, Universal Music) nói: "Ví dụ với Lady Gaga chẳng hạn. Fan dĩ nhiên là thích nghe nhạc của cô ấy rồi, tuy nhiên Lady Gaga còn là nghệ sỹ biểu diễn nữa nên họ sẽ muốn tận mắt xem các show live. Ngoài ra còn có các đoạn phim tư liệu trên Netflix hay show Super Bowl, phim ảnh, mạng xã hội... Đây chính là những "điểm kết nối" mà nhãn thu cần phải tận dụng để giúp nghệ sỹ gần gũi hơn với fan của mình".

Sự nhạy bén cũng là yếu tố cực kỳ quan trọng quyết định thành công hay thất bại trên thị trường âm nhạc. Các nhãn thu phải nắm bắt được cơ hội mới cho nghệ sỹ của mình, đôi lúc chỉ đến 1 lần và không bao giờ quay trở lại nữa. Bettina Dorn (Warner Music), nhận xét: "Để làm tốt công việc của mình, chúng tôi cần phải hiểu rõ tính cách cũng như các đặc trưng của từng nghệ sỹ để ghép họ vào từng dự án phù hợp. Giới trẻ bây giờ rất khó tính trong việc chọn lựa các sản phẩm truyền thông và chúng tôi cần phải cực kỳ kỹ lưỡng khi khai thác và tận dụng các nguồn thông tin. Nhìn chung, thông điệp mà các nghệ sỹ muốn gởi gắm phải được truyền tải đến đúng đối tượng. Các thương hiệu quảng cáo cũng vậy, thời gian quảng bá càng lâu bao nhiêu thì càng có ảnh hưởng sâu sắc bấy nhiêu, tạo ra lợi ích cho cả thương hiệu quảng bá lẫn hình ảnh của người nghệ sỹ".

Để quảng bá tốt nhất cho hình ảnh của 1 nghệ sỹ và đảm bảo khả năng thành công cao, hầu như tất cả các bộ phận trong công ty thu âm sẽ phải làm việc, hay "chạy", cùng 1 lúc. Từ bộ phận quay phim quảng cáo, chụp hình, thiết kế và in băng-rôn, soạn thảo diễn văn phát biểu... sẽ cần làm việc với hiệu năng cao nhất, tuy nhiên cái chính vẫn là phải nắm bắt được xu hướng thị trường cũng như phong cách của nghệ sỹ đó để có thể quảng bá cho chính xác. Phương thức quảng bá cũng vô cùng đa dạng, từ các mẩu quảng cáo phát trên TV, các đoạn video ngắn, MV, các bản thu acoustic, podcast...

Các công ty thu âm sau đó sẽ bắt đầu đưa ra nhiều hướng phát triển tiếp theo mà họ đánh giá là có thể phù hợp để nghệ sỹ có thể chọn lựa cho mình, từ đó tạo ra nét riêng cho từng nghệ sỹ chứ không dừng lại ở các quy cách rập khuôn. Ví dụ nếu công ty có nhiều nghệ sỹ cùng theo hướng hiphop hay R&B thì mỗi người sẽ tạo được 1 hình ảnh nổi bật và khác biệt trong mắt công chúng.

Patrick Mushatsi-Kareba, CEO của Sony Music Switzerland, nói: "Nếu chúng tôi chào đón nghệ sỹ về với công ty của mình bằng cách nói với họ số tiền mà họ có thể kiếm được ở đây, cũng như hứa hẹn sẽ quảng bá tác phẩm của họ ở các nơi nào đó, thì điều đó thực sự là chưa đủ. Nếu không nắm bắt kịp xu hướng thời đại, chúng tôi chắc chắn sẽ bị đào thải".

Ở thời điểm hiện tại khi công nghệ đã và đang phát triển, người hâm mộ càng dễ dàng kết nối đến nghệ sỹ mà mình yêu thích hơn. Hầu hết các hãng thu luôn đảm bảo cung cấp cho nghệ sỹ của mình những tài nguyên tốt nhất nhằm quảng bá rộng rãi hơn tên tuổi của họ. Một trong số những bứt phá công nghệ hiện nay chính là phương thức tìm kiếm và chơi nhạc bằng giọng nói, cũng như các thuật toán gợi ý playlist ngày càng chính xác từ các dịch vụ stream nhạc. Điều này sẽ giúp cho người yêu nhạc có thể tìm kiếm những nguồn nhạc mới 1 cách dễ dàng hơn, cũng như biết đến tên tuổi của các nghệ sỹ dù ở bất cứ đâu".

Nhìn chung không chỉ đối với các hãng thu mà cả người nghệ sỹ cũng ngày càng có nhiều tùy chọn hơn để làm nhạc. Các nghệ sỹ giờ đây chỉ cần chuyên tâm vào sáng tác và biểu diễn mà không cần lo lắng đến các khâu quảng bá hay tổ chức, điều đó đã có phía công ty thu âm lo liệu đầy đủ. Đó cũng không nằm ngoài các bộ phận thăm dò thị trường với công việc chính là giúp lựa chọn cho mỗi nghệ sỹ phân khúc thị trường có thể giúp họ đạt được xác suất thành công cao nhất.

Ông Adam Granite (Universal Music) chia sẻ: "Hiện nay ngày càng nhiều các nghệ sỹ indie xuất hiện và họ giống như 1 làn sóng tài năng chưa từng được khai phá bao giờ. Tất cả họ đều rất tài năng nhưng phần lớn chưa nhận định chính xác hướng phát triển cho bản thân mình. Đó là lý do vì sao họ cần đến chúng tôi".

Nhận định này của Granite là hoàn toàn chính xác do các hãng thu âm luôn có nguồn nhân lực dồi dào và họ có thể "lan tỏa" đến từng ngóc ngách của thị trường để quảng bá cho nghệ sỹ của công ty. Các khâu quản lý tài chính, quảng bá hình ảnh, phân phối, kinh doanh, PR... đều có thể được sử dụng cùng 1 lúc nhằm nâng hiệu suất tấn công vào thị trường đến mức cao nhất. Nói chung thành công không thể đến khi chỉ có sự cố gắng từ 1 phía mà đòi hỏi sự hợp tác của cả nghệ sỹ, công ty thu âm và các đơn vị khác có liên quan.

Mô hình phát triển và quảng bá nghệ sỹ của 1 hãng thu có thể được tóm gọn qua các khâu như sau:


A&R: A&R giúp nghệ sỹ ký hợp đồng với công ty thu âm, nơi trực tiếp quản lý và phát hành các tác phẩm của họ.

M&D: Nhóm Marketing & Digital sẽ nghĩ ra các chiến lược quảng bá tốt nhất cho nghệ sỹ, cả qua mạng lẫn các phương thức quảng bá thông thường.

Creative: Nhóm sáng tạo sẽ đưa ra các ý tưởng để tạo dựng hình ảnh cũng như phong cách cho nghệ sỹ, trong đó có cả việc thiết kế album art và poster.

Sync & Partnership: Nhóm đồng bộ và hợp tác sẽ giúp nghệ sỹ ký kết làm đại sứ hình ảnh cho các thương hiệu quảng cáo, vừa cho phép họ thể hiện cái tôi của mình vừa giúp nghệ sỹ gần gũi hơn với fan.

Press & Publicity: Nhóm thông tin đại chúng giúp mang hình ảnh của nghệ sỹ lên các phương tiện truyền thông như tạp chí, TV hay radio để thu hút thêm nhiều fan hơn nữa.

Global Distribution: Đây là nhóm chịu trách nhiệm phân phối tác phẩm của nghệ sỹ đến các đơn vị phân phối trên toàn thế giới, đồng thời cũng theo dõi thành tích đạt được của album ở từng hình thức phân phối.

Global Reach: Nhóm quảng bá toàn cầu giúp đẩy mạnh hình ảnh của nghệ sỹ đến thính giả quốc tế, mang tác phẩm của họ đến nhiều nơi hơn để giới thiệu với nhiều người nghe hơn, từ đó giúp tạo nên cộng đồng fan quốc tế.

Tâm điểm của ngành âm nhạc nói chung vẫn xoay quanh các nghệ sỹ và fan của họ, vai trò của các hãng thu âm chỉ là giúp nghệ sỹ tiếp cận dễ dàng hơn với người yêu nhạc mà thôi. Điều này nói chung vẫn rất quan trọng vì nó cho phép nghệ sỹ tạo được cộng đồng fan cho riêng mình, mang đến các lợi ích về cả tài chính lẫn tinh thần cho họ. Các fan sẽ có cảm giác gần gũi hơn với thần tượng của mình, còn nghệ sỹ thì có thể yên tâm sáng tác và biểu diễn. Tất cả các khâu khác sẽ được hãng thu giải quyết toàn vẹn. Chúng ta có thể rút ra 5 nhân tố chính, mà khi được thực hiện đúng và đầy đủ, sẽ có thể giúp ngành âm nhạc phát triển mạnh mẽ hơn nữa:

1. Giá trị của âm nhạc phải được nhận thức đúng mực


Các chính sách quản lý cần phải nhận thức được giá trị thực sự của âm nhạc để có thể đưa ra các quyết định đúng đắn. Âm nhạc không chỉ phản ánh các giá trị văn hóa mà còn tạo ra niềm cảm hứng giúp phát triển đời sống của chúng ta. Điển hình là âm nhạc đã tạo ra rất nhiều việc làm và giúp phát triển cả nền kinh tế lẫn kỹ thuận công nghệ. Đó là lý do vì sao tầm quan trọng của nó không thể bị xem nhẹ.

2. Các chính sách bản quyền phải rõ ràng và không có sự phân biệt hay ưu tiên


Chính sách bản quyền cần phải được quy định rõ ràng nhằm mang đến sự công bằng cho người nghệ sỹ cũng như các bên có liên quan, từ đó hạn chế được việc "lách luật" hay cố tình làm sai quy định bởi các lỗ hổng trong pháp luật. Tài sản chất xám của người nghệ sỹ theo đó mới có thể được bảo vệ tốt nhất.

3. Chủ sở hữu có quyền quyết định cao nhất đối với tác phẩm của mình


Nghệ sỹ sáng tác và các bên giữ bản quyền cần phải được toàn quyền quyết định cho sản phẩm của mình. Điều này có nghĩa là họ được lựa chọn đối tác cho mình và không bị giới hạn trong bất cứ điều luật hay hạn chế nào, miễn sao đừng trái với pháp luật.

4. Âm nhạc phải được sử dụng theo các điều luật có tính công bằng cao nhất


Các quy định về phân phối nhạc qua mạng cần phải được thắt chặt hơn nữa để có thể đảm bảo sự công bằng cho người nghệ sỹ và hãng thu âm. Nhiều đơn vị phân phối nhạc qua mạng cố tình phới lờ các chính sách bản quyền gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền lợi của người nghệ sỹ và hãng thu, đồng thời cũng làm thui chột sự phát triển của ngành âm nhạc chung.

5. Các công cụ và công nghệ mới nên được quản lý chặt chẽ hơn


Mặt bằng công nghệ phát triển mang đến sự tiện lợi cao nhưng cũng khá nhiều hệ lụy, 1 trong số đó chính là việc nhạc có thể được phân phối trái phép 1 cách dễ dàng mà phía nghệ sỹ hay hãng thu không thể ngăn chặn được. Điều này như nói trên làm ảnh hưởng đến lợi ích của nghệ sỹ và hãng thu cũng như các bên đầu tư, do đó các công cụ hay công nghệ mới cần phải được quản lý chặt chẽ hơn nữa. Các trang web phân phối nhạc trái phép cũng cần phải được mạnh tay triệt phá để bảo toàn lợi ích cho nghệ sỹ.

Tuy nhiên điều này vẫn là chưa đủ. Người dùng cũng cần phải tỉnh táo lựa chọn khi sử dụng dịch vụ từ các đơn vị phân phối nhạc, tránh tiếp tay cho các tổ chức phân phối nhạc trái phép gây ảnh hưởng xấu đến lợi ích của nghệ sỹ. Nếu là người hâm mộ, bạn chắc chắc sẽ muốn đầu tư cho nghệ sỹ mà mình yêu thích, phải không nào?

Nguồn: ifpi
29 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

https://sonyfan.vn/2018/11/du-bao-lai-2-1-ti-usd-day-la-mo-vang-moi-con-hon-ca-cam-bien-hinh-anh/

Tranh thủ seed cho hãng ghi âm lớn thứ 2 thế giới, hãng xuất bản âm nhạc lớn nhất thế giới. Ha ha. Mấy bạn anti nếu có cay cú nhớ chừa các nghệ sĩ và sản phẩm từ hãng này ra nhé, cho nó sớm sập tiệm.
Lonely08
TÍCH CỰC
5 năm
@AmbitiousMan thừa nước đục thả câu gớm 😆)))
Lonely08
TÍCH CỰC
5 năm
@daigiahungyen ổng là admin trang đó mà :v
Có ai như mình ko: chỉ khoái mỗi gu nhạc quốc tế Âu Mỹ của thập niên những năm 2000 như: BSB, N'SYNC, A'Teens, Britney Spears, Five, cổ hơn chút thì hay nghe Bad Boys Blue, ABBA, Boney.M, Ace of Base, 2 Unlimited... Nhớ ngày xưa chỉ có tiền mua loại cassette chạy băng chứ ko đủ tiền mua loại chạy đĩa! Hồi đó hay lân la các quán xá nhờ dịch vụ thu âm bài hát từ đĩa sang băng, cứ sáng đưa băng trắng đến thì tối hoặc sáng hôm sau qua lấy băng về! Mỗi lần qua tiệm, ngồi bần thần 1 lúc lâu để chọn từng bài vào danh sách thu âm! Giờ mình vẫn còn giữ trên dưới 3 chục băng cassette lưu những bài hát ngày xưa, kỷ niệm cả 1 bầu trời tuổi thơ. PS: bài dài, đọc miết ko hết, @AudioPsycho 😁
| Sent from CRAZYSEXYCOOL1981 using BlackBerry Athena |

R-2506282-1288167020.jpeg.jpg

1-61f5.png.jpeg
@daigiahungyen Chắc đúng đó, gu mỗi người mỗi khác, hơn nữa trải qua bao nhiêu năm thăng trầm thì thị hiếu nghe nhạc của mỗi thời mỗi khác :cool:
| Sent from CRAZYSEXYCOOL1981 using BlackBerry Athena |
@daigiahungyen Nhạc A thích khá đa dạng, đa phần là Dance, Pop, 1 chút Country, chút Rap, chút Rock nhưng tất cả chỉ là nhạc Quốc tế Âu Mỹ nhé, nói KHÔNG với nhạc trẻ VN, TQ, HQ, NB 😁
| Sent from CRAZYSEXYCOOL1981 using BlackBerry Athena |
LinhVN1807
TÍCH CỰC
5 năm
@hakuruno Mấy nhạc đó ngta gọi là " Old but gold" 😁
nhạc nghe thì Kpop, US, UK, nhạc nghe chơi game thì China
Chữ thì 2018 còn hình thì 2019 ! Đặc trưng tt
Ai nghe nhạc Pháp và Đức chia sẻ trải nghiệm nhạc có hay ko mà xếp hạng cao thế. Thằng Úc dân số có một nhúm mà cũng xếp hạng thứ 8.
@nguyenminh56547 Xu hướng giờ nhạc Latin mới nhiều chứ Pháp Đức thì có mấy 😃
Còn Úc chắc nó k có web địa phương bản quyền nửa mùa như ZingMP3 nên mới tìm đến Spotify, Apple Music - đóng góp cho lợi nhuận nghệ sĩ 😁
Tpan4u
TÍCH CỰC
5 năm
Trong tương lai các dịch vụ stream nhạc bản quyền chất lượng cao sẽ lên ngôi với sự phổ biến của mạng 5G và internet từ vệ tinh.
cũng mới xài apple music đc 3 tháng, 29k/1month, quá rẻ cho 1 cuộc tình 😁
dqminhtt1
TÍCH CỰC
5 năm
Thiết nghĩ các mod tinhte nên học 1 khóa viết bài, trình bày cho khoa học. Bài viết rất dài, không tóm gọn ý, khiến người đọc rất mệt
@dqminhtt1 chính tả còn chả buồn học, nói chi tới trình viết báo
Viết bài quá nhiều chữ , chả thèm biên tập lại, nhiều đoạn ghi tiếng anh cũng không thèm dịch . Trông thảm hại thật
Bài dài quá
Có ai tóm tắt lại dùm với. Chứ dài quá cũng chẳng buồn đọc. o_O
@leemanhj916 thế thì đừng đọc, cảm ơn
@AudioPsycho Bác không biết funny chút nào hả. 🆒
Ko thấy nói gì đến sơn tùng mtp nhỉ
LinhVN1807
TÍCH CỰC
5 năm
Một bài viết tâm huyết và cis tính chuyên môn cao 😃

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019