Van biến thiên và những sự lầm tưởng

Phúc Võ Hoàng
19/4/2019 9:51Phản hồi: 118
Van biến thiên và những sự lầm tưởng
Chắc hẳn anh em xe cộ cũng đã khá quen với cụm từ “van biến thiên” rồi, van biến thiên thì thường được giới thiệu kiểu “ở tua máy cao thì máy tự chuyển qua gối cam cao hơn làm xe mạnh hơn”?!? Mạnh hơn chắc ai cũng nghĩ là làm cho công suất cuối của động cơ cao hơn, nhưng thực sự không phải vậy, mình sẽ giải thích trong bài sau.

Hãy so sánh 2 chiếc xe 150cc phổ biến mà anh em nào cũng biết, đó là Suzuki GSX R150 và Yamaha R15 v3. Mâu thuẫn ở đây là cả hai xe đều có công suất tối đa là như nhau (18.9HP và 19HP) trong khi chỉ có R15 v3 là có van biến thiên!??

new-gsx-r150-bike.jpg
Suzuki GSX R150

4148792_All_new_r15_2.jpg
Yamaha R15 v3

Van biến thiên là gì? Van biến thiên trong tiếng Anh là Variable Valve Timing and Lift (VVT VVL, nhưng thường gọi là VVT chung luôn): là hệ thống các bộ gối cam khác nhau hoặc những góc lệch cam khác nhau, được “gài” cho những dải tua máy nhất định, dùng để thay đổi thời gian, thời điểm đóng mở xupap và độ thụt sâu của xupap, từ đó thay đổi hiệu suất khí nạp. Hệ thống này đối với mỗi hãng thì có tên khác nhau như VTEC, VVA, Shiftcam, SR-VVT,… nhưng cùng có nguyên lí là đổi bộ gối cam hoặc đổi góc lệch cam, và mục đích duy nhất, nhấn mạnh nhé, là tăng hiệu suất khí nạp (Volumetric Efficiency - xem bài viết) ở tua máy thấp, chứ không phải ở tua máy cao như mọi người vẫn nghe quảng cáo.

Với công nghệ hiện nay, trên các động cơ có công nghệ van biến thiên thường sẽ có 2 bộ gối cam, bộ dành cho tua máy thấp và bộ dành cho tua máy cao. Chúng khác nhau ở các thứ sau: thời gian, thời điểm đóng mở xupap và độ thụt sâu của xupap.

Độ thụt sâu của xupap (valve lift)
Cái này liên quan đến biên dạng của gối cam, với mỗi gối cam thì biên dạng cam là cố định, độ thụt sâu và thời gian thụt sâu là cố định, thay đổi bộ gối cam là cách duy nhất để thay đổi thông số này.

Thời gian - thời điểm đóng mở xupap (Valve duration - Valve timing)
Phụ thuộc vào góc lệch gối cam - Cam Lobe Separation Angle (CLSA) : Đây là góc lệch giữa 2 đường xuyên tâm của gối cam, chính là thứ mang tính quan trọng, vì nó quyết định đến thời gian overlap. “Thời gian” đóng mở của xupap nạp xả ngoài việc lâu hay mau thì “thời điểm” đóng mở cũng quan trọng không kém vì nó liên quan đến thời gian overlap (thời điểm này lại phụ thuộc vào cái CLSA phía trên).

1.png

Thời gian overlap là thời gian mà các gối cam làm cho xupap hai bên nạp xả cùng mở, để lợi dụng quán tính của dòng nạp (khi piston thụt xuống ở kì nạp) và áp suất âm (tại miệng xupap xả) do pô gây ra để gia tốc khí nạp tốt hơn và quét dọn khí thải đọng lại ở buồng đốt thật sạch sẽ, giúp VE cao hơn. Ngoài ra cũng có nhiều cơ cấu chỉ thay đổi góc CLSA cũng được gọi là VVT.

Thời gian overlap ảnh hưởng bởi vấn đề mở sớm, mở trễ, đóng sớm, đóng trễ ở từng kì (trong 4 kì nạp nén nổ xả) và ở từng dải rpm của xupap nạp xả, tác dụng của từng thứ thì chắc mình sẽ dịch sau, hoặc anh em nào thích và có vốn tiếng Anh khá thì đọc ở wikipedia tại đây.

Quảng cáo


maxresdefault.jpg

Khi muốn làm động cơ mạnh nhất có thể thì có nghĩa là bộ gối cam phải làm xupap mở đủ lâu ở rpm thiết kế của máy (dải tua cao nhất của động cơ), đặc biệt động cơ xe máy nó lên tới 10k – 14k – 16k rpm (đây là mấy con số khá khủng long nếu bạn so với máy của oto), từ đó mới được mã lực lớn nhất. Vậy có nghĩa là gì? Nghĩa là với cái thời gian overlap đủ lâu ở tua máy cao thì khi tua máy thấp cái thời gian này nó dài khiếp, overlap lâu tới nỗi hòa khí tươi bị hút ra ngoài luôn trong kì hút, trong khi đó thì piston lại thụt chậm rãi lắm. Hút không đủ mà còn bị mất bớt, piston thụt chậm làm hòa khí trộn phối không tốt, thành ra ở tua máy thấp lực máy sẽ như hạch, gọi là bị retarded (bị ngu, bị khuyết tật).

Như vậy, khi chúng ta thay đổi bộ gối cam khác hoặc thay đổi góc lệch cam thì cái thay đổi chính là hiệu suất nạp khí của động cơ đó anh em!

Để mình lấy ví dụ cho anh em về con R6 của Yamaha. Do thiết kế máy đạt được tua máy rất cao lên đến 17.500rpm ở đời đầu tiên. Khi chạy tà tà xe khá hiền do VE thấp ở ga đầu. Anh em nào lần đầu ngồi lên xe cũng cho rằng xe dễ điều khiển cả, nhưng khi vào dải tua mạnh của xe thì mới hoảng hốt. Một số bài viết trên diễn đàn bikervn đã từng mô tả khá chi tiết về sức mạnh của chiếc xe này.

new-gsx-r150-bike.png
(Bảng dyno của yamaha R6 2007)

Quay trở lại với VVT. Và bùm một ngày nọ, mấy anh kĩ sư sáng kiến ra việc chế một hệ thống dùng thêm 1 bộ gối cam và những cơ cấu thay đổi góc cam, cải thiện những vấn đề trên ở rpm thấp, và VVT ra đời, cũng từ hồi những năm 60-70 thế kỉ trước rồi. Khi này những vấn đề mình nói ở trên được khắc phục (làm thời gian overlap ngắn lại, gối cam thấp hơn) và giờ mọi thứ lại vui vẻ trở lại. Tới lúc cần chỉ việc dùng các kết cấu cơ khí để chuyển đổi. Về cơ cấu chuyển thì hiện giờ dùng solenoid và hệ thống thủy lực là chủ yếu, tùy sở thích và công nghệ của các kĩ sư hãng xe.

Quảng cáo


Tóm lại, để làm được một cái xe mạnh thì không nhất thiết phải làm van biến thiên, nhưng nếu động cơ có tua máy hoạt động quá cao, khi làm xe mạnh dẫn đến tình trạng ở tua máy thấp lực máy khá yếu. Khi sử dụng động cơ đó vào các xe phổ thông thường ngày sẽ mang đến sự khó chịu trong vận hành, vì thế sinh ra VVT để khắc phục vấn đề "yếu ở tua thấp".

Một sự thật phũ phàng là với xe phổ thông dân dụng người ta mới thích VVT, là vì xe phổ thông nên cần mạnh nhất tại thời điểm cần thiết. Còn mấy anh đua sân hay mấy anh hết ga hết số thì chả anh nào thích dùng cả vì thực chất xe chạy track chỉ chạy ở dải tua cuối của máy, giữ xe đều trong Power Band (dải công suất) để xe luôn luôn mạnh, dải tua đầu thì không cần, trong khi đề pa thì toàn ở tua cao rồi mới buông côn. Có chăng thì ở xe chạy rally có nhiều khúc cua ngoặc phải giảm nhiều ga thì mới cần, nhưng cũng ít lắm toàn hết ga hết số thôi. Hô hô, nếu anh em thường theo dõi mấy kênh xe cộ, nhất là xe đua thì thường gặp mấy cú troll khắm bựa xe VTEC của Honda lắm đó.

we17a.jpg

Ở các hãng xe máy hiện tại thì làm van biến thiên cho xe phổ thông bắt đầu phổ biến. Điều này là hợp lí vì xe phổ thông hoạt động trong nhiều điều kiện khác nhau nên cứ làm xe mạnh nhất có thể tại thời điểm vặn ga. Hãng sản xuất xe 2 bánh đi đầu trong vụ này theo mình biết là Honda. Bây giờ là Suzuki với hệ thống SR-VVT, họ chỉ dùng cơ cấu để xoay góc cam đi chứ không dùng gối cam khác, tức là xe cũng chỉ có 1 bộ gối cam nhưng khi đến tua máy thích hợp thì xe sẽ tự thay đổi góc lệch CLSA này. Yamaha thì vẫn im ỉm mặc dù cục 155cc với VVA đã ra mắt trên nhiều dòng xe nhỏ. Honda thì có tin đồn VVT cho CBR1000rr bản mới. Còn anh “cá mập huyền thoại” có khá là nhiều fan thì đang thành công lắm với công nghệ BMW shiftCAM, moment xoắn (torque) từ 110-120Nm trong từ 5000rpm – 14000rpm luôn, cũng phải tốn nhiều máu não lắm mới làm được.

Khi nãy mình nói “với công nghệ hiện nay thì chỉ có 2 bộ gối cam trong động cơ” là vì các giới hạn công nghệ và vật liệu hiện chỉ cho phép đến thế, làm nhiều mà nặng xe lại không cải thiện hơn thì lại không có ích. Công nghệ tốt nhất để có thể gọi là valve biến thiên thật sự thì chúng ta phải dùng valve điện tử - đóng mở valve hoàn toàn bằng công nghệ nam châm điện. Nhưng rất khó vì phải điều khiển điện chính xác mấy cái xupap với chu kì đóng mở rất bé chỉ tính bằng mili giây, đồng thời lực tác động vào xupap cũng rất lớn. Nhưng nếu làm được, thì có thể điều chỉnh chi tiết ở từng rpm chứ không phải như hiện tại, đạt rpm rồi switch qua gối cam khác.

VVT tới đây là hết, những gì thắc mắc hoặc tranh luận mọi người cứ tự nhiên để cái comment ở đây chúng ta cùng bàn, dưới đây là một số video demo về công nghệ VVT trên một số mẫu xe 2 bánh.

Video minh họa cho công nghệ VVT của một số hãng 2 bánh

Suzuki SR-VVT



BMW shiftCAM



Honda VTEC



Yamaha VVA



Ducati variable valve timing



Nguồn: ACCEL Motorsports
118 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Cuối tuần làm cái gì cho vui cuộc đời nhỉb😁
@adagioleonard nhậu chứ biết làm gì kkkkk
@adagioleonard Nhậu bác ạ 😆)))
VVA trên yamaha nvx ngon mà,cứ 6000 rpm là ok,có gì mà im ỉm nhỉ :eek:
@hiệp sĩ kanzaki Đâu bảo nó không ngon đâu bác, im ỉm là im ỉm việc đem VVA lên máy của xe lớn ấy bác.
Em thề là e có đọc trăm lần cũng méo thể hiểu đc. Em chỉ khâm phục con ngừoi tại sao lại nghĩ và làm ra đc những cỗ máy đầy uy lực ntn.
@Danggiatea.com Lịch sử gần 200 năm phát triển từ máy hơi nước chạy than đó bác. Cứ mỗi năm một cải tiến thôi 😃
@Danggiatea.com hãy cảm ơn những người đã tạo ra nhiệt động lực học và các quá trình nhiệt động, động cơ đốt trong cải tiến thế nào đi nữa thì cũng chỉ chuyển từ nhiệt năng sang cơ năng với hiệu suất là 1/3, còn 2/3 còn lại là trở thành năng lượng nhiệt và không bao giờ đạt được hiệu suất như chu trình Carnot (60%)
killerareso
ĐẠI BÀNG
5 năm
Bài viết quá tuyệt.
@killerareso Cảm ơn bác!
SOINGAMTRANG
ĐẠI BÀNG
5 năm
Được mở mang đầu óc, có đoạn đọc hơi thấy mâu thuẫn, tối về xem lại lần nữa.
tunanh
TÍCH CỰC
5 năm
VTEC hình như dùng van biến thiên để ngắt luôn 2 xupap nạp xả ở tua thấp luôn
@tunanh Ngắt xupap thì còn gì xăng ra xăng vô bác??? Ngắt hoạt động của gối cam thôi.
@Phúc Võ Hoàng 4 văn thì còn 2 van đó bác
tunanh
TÍCH CỰC
5 năm
@tndoubleh Đúng rồi bạn. Ngắt 1 nạp 1 xả để đỡ tốn xăng
Tui thề là đã cố gắng đọc kỹ để mở mang kiến thức nhưng càng đọc càng ngu ra. Thôi đi nhậu xả stress 😆
Thật ra thì cũng ít ai lầm tưởng, chỉ là do hiểu biết của mỗi người có một giới hạn. Người dùng chỉ biết kỹ thuật 2-3 phần, không thể biết hết 10 phần như nhà sx-chế tạo được, nhiều khi chỉ cần biết Honda có VTEC là mạnh hơn cái không có thôi 😁
Chung quy lại của mấy cái này đều dựa trên nguyên lý cơ bản của các động cơ đốt trong đó là "hút nhiều- xả sạch" và đạt được hỗn hợp nhiên liệu cháy ở điều kiện "lý tưởng" thì sẽ cho ra công xuất tối ưu nhất.
- Ở mỗi một dải vòng tua thì điều kiện "Lý tưởng" của 1 chu kỳ đó là lượng xăng/khí nạp vào/đánh lửa/hệ thống xả là khác nhau, chính vì thế mà van biến thiên mới ra đời với nhiệm vụ điều chỉnh độ lệch cam làm sao đạt điều kiện lý tưởng cho khí nạp vào và xả ra.
- Và vui vẻ một chút thì công nghệ này của mỗi hãng có nhiều sự khác biệt giữa mỗi hãng, máy nhỏ hơn mà hp to hơn chẳng hạn..vvv..vv. Nhưng câu chuyện mang 2 cái xe 2 công nghệ khác đi đua với nhau thì lại là nhiều yếu tố khác nữa quyết định :D
minhtienbk
TÍCH CỰC
5 năm
Mình đọc nguồn khác nói là , lúc ở tua máy cao thời gian mở đóng van trở nên nhanh quá, ko đủ khí vào và ra, nên họ thêm cơ cấu biến thiên để tăng cường lượng khí , theo nhiều cách:
- dùng thêm valve
- valve di chuyển dài hơn
- mở thêm thời gian
Hơi khác bạn giải thích tí, mình cũng ko biết thế nào đúng , bạn nghĩ sao ?
@minhtienbk Lại đọc nguồn tào lao rồi, khí xả sau quá trình đốt được pít tông đẩy trực tiếp ra khỏi buồn đốt, thứ 2 nếu lưu lượng và áp suất khí nạp không đủ thì cải thiện bằng tăng áp hoặc siêu nạp. Còn các cơ cấu van, hành trình van, thờ gian đóng mở là do các nhà sản xuất thiết kế theo cách mà họ cho là tối ưu nhất. Như bmw năm ngoái giới thiệu kiểu van như gài số!
@minhtienbk Về mặt giải thích thời gian nạp xả của bác nói thì cũng như phần mình phân tích đó bác, thời gian đóng mở trở nên nhanh quá thì tức là thời gian nạp xả bị ngắn, nên làm dài ra bằng cách "mở thêm thời gian", "vavle di chuyển dài hơn", (thêm valve là một ý khác rồi ^^).
Có điều cách nghĩ đó bị nghịch với việc build động cơ xe thương mại, ngta làm cho xe mạnh nhất có thể rồi xem xét việc dùng VVT để nâng VE ở low và mid rpm bác ạ.
Cách nghĩ trên sẽ đúng khi độ xe, đó là việc độ cam và tinh chỉnh góc cam.
MrImposible
ĐẠI BÀNG
5 năm
@Phúc Võ Hoàng Như vậy thích hợp cho mấy dòng xe đi trong phố thường ở dải tốc độ thấp, tiết kiệm nhiên liệu hơn phải ko bạn?
Nếu chỉ để điều chỉnh lượng khí hút trộn xăng thì bộ chế hòa khí điện tử đã giải quyết được rồi mà
@aothunnhatrang Phun xăng điện tử giải quyết được vấn đề điều chỉnh tỉ lệ hòa khí (Air-Fuel Ratio - AFR) đó bác. Còn VVT thì tăng thêm độ đặc hòa khí nạp vào buồng đốt ở low và mid rpm, mới là "điều chỉnh lượng khí hút trộn xăng".
@Phúc Võ Hoàng Like
ndthanh47
ĐẠI BÀNG
5 năm
Đọc cả bài rối rắm cũng không bằng xem 1 cái video đơn giản
ndthanh47
ĐẠI BÀNG
5 năm
@hoaluuly777 Ừ, mình cũng không thích vì hắn gồng quá, nhiều khi xem bị khó chịu. Dù sao đây cũng là 1 kênh chia sẻ kiến thức rất hay nên mình vẫn theo dõi 😁
vinhan73
TÍCH CỰC
5 năm
@ndthanh47 thanks mấy cái clip !
@ndthanh47 Làm một video thì lại không đơn giản bác ạ, nếu chúng ta có workshop thì dễ giải thích và tương tác hơn nhiều.
ndthanh47
ĐẠI BÀNG
5 năm
@Phúc Võ Hoàng Ai bắt làm video làm gì đâu. Chẳng qua ý nói giải thích dài dòng tốn cả mớ ảnh xong người đọc chả hiểu gì thì phí lắm
Hãng éo nói gì mà mấy thằng kỹ sư ao làng toàn phân tích, lý sự, chém gió như đúng rồi :v :v
@kehuydiet091 Nếu bác nói mình thì lí thuyết này từ các bạn sinh viên khoa cơ khí oto bạn của mình nhé bác, không phải lí sự đâu! Và thực chất tune xe nó cũng như vậy đó.
Duongbeo12a1
ĐẠI BÀNG
5 năm
@kehuydiet091 Vì dân thường chỉ biết đi thì hiểu cái mịa gì mà phải chia sẻ.
VunggTauu
TÍCH CỰC
5 năm
@Phúc Võ Hoàng Bạn nên biết rằng có những kẻ trí não trì độn không thể khai thông bạn à.
Hơi hơi thông
99v9.9999
TÍCH CỰC
5 năm
Vậy công nghệ DOHC trên con ab của Honda có thể hiểu là van biến thiên đc ko?
99v9.9999
TÍCH CỰC
5 năm
@nguyenpr089 Đúng rùi bạn!
@99v9.9999 Bạn cho m xem, đâu ra cái đó hay vậy?
@99v9.9999 Ab có dohc ? Thằng nào chỉ ông vậy về cho nó mấy bạt tai =)))
@99v9.9999 ông nợ tôi 1 lời xin lỗi....và cái người nói ông như vậy.....nợ ông 1 bạt tay
Chả có gì là lầm tưởng cả. Cứ thằng nào nhiều công nghệ theo kiểu một lô một lốc các chữ viết tắt gộp lại với nhau là ngon, là xịn hơn thôi :rolleyes:
@DarthTyr Càng nhiều công nghệ thì càng khó hiểu và càng khó sửa thôi bác ợ, chưa hẳn con xe nhiều công nghệ lại bền bĩ mạnh mẽ hơn con xe ít công nghệ.
@Phúc Võ Hoàng Công nghệ là để phục vụ customer, hiểu tác dụng và lợi ích của nó là đủ, không cần phải hiểu cách tạo ra nó vì đó là việc của thợ!
Thế còn góc đánh lửa sớm thì sao chủ thớt? Các công nghệ này dựa trên nguyên lý. Thay đổi biên dạng cam để điều chỉnh góc đánh lửa sớm là chủ yếu. Đánh lửa đúng thời điểm, đúng theo từng dải vòng tua của động cơ.
@hung_fam Theo mình biết, thì góc lửa phụ thuộc chính vào tỉ lệ hòa khí AFR. Thay đổi biên dạng cam và góc lệch cam chỉ giúp làm hòa khí đặc hơn ở rpm cần thiết chứ còn tỉ lệ hòa khí phụ thuộc vào việc điều chỉnh phun xăng.
Vì AFR khác nhau thì tốc độ cháy sẽ khác nhau, lúc đó mới cần chỉnh góc lửa.
minhtienbk
TÍCH CỰC
5 năm
@Phúc Võ Hoàng Góc đánh lửa thì nó sẽ điều chỉnh theo tốc độ động cơ bạn ạ. Tốc độ cao thì đánh sớm hơn.

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019