[Trên tay sách ảnh] Tuyển tập ảnh của nhiếp ảnh gia André Kertész (Hungary)

blueJune
24/4/2019 11:44Phản hồi: 8
[Trên tay sách ảnh] Tuyển tập ảnh của nhiếp ảnh gia André Kertész (Hungary)
Trong lần ghé thăm một hội chợ sách cũ tại Hà Nội năm trước, mình tình cờ tìm thấy một cuốn tuyển tập ảnh của nhiếp ảnh gia người Hungary - André Kertész. Điều làm cuốn sách này trở nên đặc biệt và khiến mình ghi nhớ hơn cả là lời đề tặng đầu sách của một người lạ và những dòng ghi chú bằng tiếng Việt bên cạnh tiếng Pháp trong sách. Vì thế, bên cạnh việc được chiêm ngưỡng những tấm ảnh đẹp, mình đã cảm nhận màu thời gian và chạm lên kí ức của một người xa lạ. Nay xin giới thiệu với mọi người về cuốn sách ảnh cũng như nhiếp ảnh gia chụp ảnh nghệ thuật nổi tiếng đầu thế kỷ 20 này.

Trên tay sách ảnh của nhiếp ảnh gia André Kertész

TDT04418 copy.jpg
Bìa cuốn tuyển tập ảnh của nhiếp ảnh gia André Kertész
TDT04420 copy.jpg Lời đề tặng sách của một người lạ
TDT04421 copy.jpg
Lời đề tặng của người chủ đầu tiên mua cuốn sách này tại Pháp, từ năm 2005, đọc rất tình cảm.

Cuốn tuyển tập ảnh này là phiên bản năm 1997 của nhà xuất bản Könemann kết hợp với Aperture Foundation (một tổ chức nghệ thuật phi lợi nhuận cho cộng đồng những người chụp ảnh). Những dòng giới thiệu trong sách được viết bằng cả tiếng Anh, tiếng Đức và tiếng Pháp.

Trước khi nói về tuyển tập ảnh này, mình muốn giới thiệu với anh em đôi dòng về nhiếp ảnh gia André Kertész:
Ông là một nhiếp ảnh gia gốc Hungary được biết đến với những đóng góp đột phá cho bố cục trong nhiếp ảnh và photo essay (tạm dịch: tiểu luận ảnh). Trong những năm đầu của sự nghiệp, những góc và phong cách ảnh không chính thống của Kertész đã ngăn cản ảnh của ông được công nhận rộng rãi hơn. Cùng thời với ông có các nhiếp ảnh gia nổi tiếng như Henri Cartier-Bresson hay Robert Capa nhưng ông quyết tâm chọn lối đi riêng cho mình, đó là chụp ảnh nghệ thuật. Ông không chụp về chiến tranh hay ảnh phóng sự nên danh tiếng của ông không được như các nhiếp ảnh gia thời đó.

Có thể nói, sự nghiệp của Kertész được chia làm bốn giai đoạn: giai đoạn Hungary, giai đoạn Pháp, giai đoạn Mỹ và vào cuối đời ông, giai đoạn Quốc tế. Tại sao lại có bốn giai đoạn như vậy?

Giai đoạn Hungary
Trong khoảng 13 năm đầu sau khi mua chiếc máy ảnh đầu tiên vào năm 1912, Kertész chủ yếu chụp những người ông quen, những địa điểm cũng như những sự kiện thân thuộc tại nơi ông sinh ra, Budapest. Ngay từ thời kì đầu, những bức ảnh của ông đã rất đơn giản, không có sự thừa thãi hay yếu tố nhân tạo nào. Ông muốn chụp sự thật hơn là tạo ra những hư cấu. Sau khi đã khám phá hết Budapest và cảm thấy nơi đây chưa thoả mãn nhu cầu của bản thân cũng như thiếu cộng đồng, không gian nghệ thuật, ông di cư sang Paris.

Giai đoạn Pháp
Ở Paris, Kertész tiếp tục chụp theo cách ông đã làm tại quê hương mình. Bạn bè của ông ở Paris là những nghệ sĩ tiên phong của thời kì đó như Mondrian, Leger, Chagall hay Vlamick,... Bản thân ông cũng là thành viên của trường phái nghệ thuật Avant Garde. Vì có bạn bè là nghệ sĩ nên phần nào những tác phẩm của họ cũng tạo cảm hứng cho ảnh của ông. Những bức ảnh của Kertész ít đa cảm đi, càng ngày càng trở nên tinh tế hơn; trong đó là mối tương quan giữa những đường cong, ánh sáng và bóng. Ông chụp thực tại nhưng biến hoá những thực tại đó thành ảo mộng.

Giai đoạn Mỹ
Giữa thập niên 1930, những căng thẳng chính trị xã hội đang leo thang ở châu Âu với sức mạnh ngày càng tăng của Đức cùng Đảng Quốc xã. Nhiều tạp chí nhấn mạnh những câu chuyện về chính trị và ngưng đăng các tác phẩm ảnh của Kertész vì các chủ đề phi chính trị của ông. Ngoài ra, sự đàn áp người Do Thái ngày càng tăng (ông là người Do Thái) khiến nhiếp ảnh gia quyết định di cư sang New York. Nhiều thăng trầm trong giai đoạn này khiến ông không thể tập trung chụp những dự án ảnh cá nhân. Danh tiếng ở châu Âu của Kertész gần như không còn khi đến đây. Ông từ chối chụp ảnh cho một số tạp chí vì không hợp phong cách; thêm việc người Mỹ coi ông là kẻ thù vì ông là người Hungary (liên quan tới Thế chiến II) đã hạn chế nhiều tới sự nghiệp nhiếp ảnh của ông.

Quảng cáo


Giai đoạn quốc tế
Mãi về sau này, vào thập niên 1960, khi có thời gian cũng như điều kiện chụp ảnh và thực hiện triển lãm ảnh cá nhân ở nhiều nước trên thế giới, Kertész mới được công chúng biết đến nhiều hơn. Ông được xem là một trong những nghệ sĩ có tầm quan trọng lớn trong giới nhiếp ảnh thế giới.

Về tuyển tập ảnh
Có thể nói, cuốn sách này là tuyển tập những bức ảnh đơn lẻ trong nhiều bộ ảnh của André Kertész để người xem có một cái nhìn khái quát về sự nghiệp của ông. Đó là những bức ảnh đời thường từ giai đoạn đầu, khi ông ở Hungary và Pháp; cho đến một vài ảnh về bóng trong một loạt rất nhiều thử nghiệm chụp về cái bóng (shadows) của ông. Ngoài ra, theo cá nhân mình nghĩ không biết có phải do ý biên tập của ekip làm sách không, một số bức ảnh chụp tại Mỹ nhìn khá buồn và khá hình tượng. Theo như Kertész nói đó là một giai đoạn "thảm kịch" của cuộc đời ông.

Những bức ảnh khá tình, tuy đơn giản những không đơn điệu, được chú thích bằng tiếng Pháp (mà mình không biết tiếng Pháp 😁). Thỉnh thoảng có một vài ảnh được người chủ trước dán một tờ giấy nhỏ dịch ra tiếng Việt, mình rất thích khâu này.

Một số trang trong cuốn tuyển tập ảnh
TDT04422 copy.jpg
Mở đầu sách là lời giới thiệu về nhiếp ảnh gia André Kertész cùng ảnh của ông bằng ba thứ tiếng Anh, Đức, Pháp
TDT04424 copy.jpg Một trang ảnh có chú thích tiếng Việt bên cạnh tiếng Pháp từ người chủ cũ

Quảng cáo


TDT04428 copy.jpg
Một trang ảnh khác
TDT04429.jpg
Gần cuối sách, có tiểu sử và thời gian hoạt động của ông

Các bạn xem video để ngắm nghía từng ảnh kĩ hơn và hiểu hơn về nhịp điệu sắp xếp từng ảnh trong cả tuyển tập nhé ^^

Nếu có điều kiện, mình nghĩ anh chị em nên mua sách ảnh về để xem. Tận tay cầm cuốn sách, giở từng trang ảnh, cái cảm giác rất đã và khác so với lúc bạn xem ảnh qua màn hình máy tính hay điện thoại. Có những tấm hình chỉ mua sách mới xem được vì không có trên mạng. Ngoài việc xem ảnh, cảm nhận sâu hơn, đó còn là việc quan sát cách biên tập ảnh của đội ngũ làm sách. Việc này ảnh hưởng rất nhiều tới cách xem, cách thưởng thức cũng như cách hiểu một cuốn sách ảnh, giống như trước khi đăng một bài báo, toà soạn phải biên tập từng câu chữ trong bài.

Hi vọng sắp tới sẽ trên tay được nhiều sách ảnh hơn để chia sẻ với mọi người :D

Bài viết tham khảo nguồn từ chính cuốn sách và Wikipedia
8 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

😔 Ổng có mấy tấm dị lắm
Rất hay và ý nghĩa 😃
bạn cầm camera run thế 😔. Nữ chính xinh quá nên run seo. Mình ghiền giọng gái Bắc ghê. Mặc dầu mình dân miền nam 😃
đẹp
anhlt
CAO CẤP
5 năm
Xem mấy ảnh thể loại này hại não lắm! Không theo dc
Mod giọng hay nhỉ 😁
abckeyboard
ĐẠI BÀNG
5 năm
thật sự là xem ảnh in ra cảm giác rất đã, tay sờ được thực thể nó khác
Đẹp

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019