Tham dự Tech Lounge

Tham dự Tech Lounge


Vì sao những ca sĩ hát tốt như Adele hay bị mất giọng?

AudioPsycho
10/5/2019 15:36Phản hồi: 83
Vì sao những ca sĩ hát tốt như Adele hay bị mất giọng?
"Tôi không biết phải bắt đầu như thế nào đây", Adele viết trong 1 bức thư online cho fan của mình vào ngày 30/6/2017. Đêm trước đó cô đã biểu diễn trong show thứ 2 trong tổng số 4 đêm diễn tại sân vận động Wembley, và dĩ nhiên là cháy vé. Đây cũng là những ngày cuối của chuyến lưu diễn thế giới kéo dài 123 ngày của Adele và cô sẽ hát trước 98.000 khán giả. Tuy nhiên trên sân khấu có điều gì đó không như mong đợi.

"Tôi đã không hát tốt cả 2 đêm", cô viết. "Tôi không thể cố gắng hết sức mình như tôi thường làm. Tôi cảm thấy giống như mình phải liên tục hắng giọng để đỡ hơn vậy". Sau show diễn thứ 2, Adele đến gặp bác sỹ và được chẩn đoán rằng dây thanh của cô có thể bị ảnh hưởng do làm việc quá sức, do đó 2 đêm diễn còn lại phải được hủy để đảm bảo sức khỏe. Adele bày tỏ sự nuối tiếc của mình bằng lời cảm thán: "Nếu bảo rằng trái tim tôi đang tan vỡ thì vẫn chưa miêu tả hết được nỗi thất vọng này".

tinhte-adele-lost-voice-1.JPG

Adele, mới 29 tuổi, từng bị xuất huyết dây thanh vào 6 năm trước sau khi hát trên 1 chương trình phát thanh ở Pháp. Để chữa trị cấp tốc, cô đã chọn 1 phương pháp đặc biệt với tính rủi ro khá cao: đó là vi phẫu dây thanh. Quá trình này bao gồm việc bác sỹ giải phẫu sẽ sử dụng các dao mổ và kẹp siêu nhỏ gắn trên các thanh nối dài để đưa vào cổ họng, sau đó cắt đi những mô bị xơ cứng (do tổn hại) để lấy lại độ đàn hồi cho dây thanh, từ đó trả lại cho Adele giọng hát tuyệt vời của cô.

Bác sỹ Steven Zeitels thực hiện toàn bộ ca phẫu thuật cho Adele, bắt đầu bằng việc cẩn thận cắt các mô xơ cứng xung quanh khu vực bị tổn hại để tìm thấy phần mô polyp bên dưới. Ông sau đó kéo phần mô hỏng này ra ngoài và khép vết cắt bằng tia laser để có thể ngưng chảy máu ngay lập tức cũng như không để lại sẹo. Bản thân Steven Zeitels cũng biết độ khó của ca phẫu thuật này đến mức nào, nhất là khi bệnh nhân lại là 1 ca sỹ nổi tiếng. Chỉ cần 1 chút sơ sót nhỏ thôi cũng đủ gây ra hậu quả rất lớn, và may mắn là điều đó đã không xảy ra.


Ngày 12/2/2012, 3 tháng sau ca phẫu thuật, Adele thắng 6 giải Grammy và trong bài phát biểu của mình, cô đã cảm ơn đích danh bác sỹ Zeitels đã giúp mình hồi phục giọng hát. Đây là lần đầu tiên vi phẫu dây thanh được nhắc đến 1 cách cởi mở do trong nhiều năm qua phương thức này vẫn được cho là quá rủi ro. Thêm vào đó, các ca sỹ không chỉ lo lắng về rủi ro giải phẩu mà còn sợ nó sẽ ảnh hưởng đến danh tiếng và sự nghiệp của mình. Trong thế giới showbiz, chắc chắn ai cũng muốn giữ hình ảnh của 1 ca sỹ với giọng hát khỏe mạnh tự nhiên chứ không phải là đã qua phẫu thuật dây thanh.

Và thế là nhờ bài phát biểu từ Adele, công việc kinh doanh của bác sỹ Zeitels cũng như các đồng nghiệp khác của ông phất lên như diều gặp gió, mang đến cho ông rất nhiều bệnh nhân từ lâu đang còn phân vân trước quyết định thực hiện vi phẫu dây thanh. Zeitels đã phẫu thuật cho rất nhiều những nghệ sỹ nổi tiếng khác như Sam Smith, Lionel Richie, Bono và Cher, Michael Bublé, Keith Urban hay Meghan Trainor... Ngay cả nữ ca sỹ Celine Dion cũng phải hủy show diễn để chữa trị cho dây thanh của mình. Smith và Bublé cũng vinh danh bác sỹ Zeitels bằng các bài đăng khen ngợi và cảm ơn ông trên Instagram, thu hút vô số lượt chia sẻ giữa các fan.

Hiện tại có khoảng trên dưới vài nghìn nghệ sỹ của tất cả các thể loại nhạc pop, rock hay classical đã thực hiện vi phẫu dây thanh, ngoài ra còn có cả các ngôi sao sân khấu nổi tiếng khác. Những show diễn bị hủy nhìn chung đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến ngành công nghiệp âm nhạc. Ví dụ như khi Adele hủy 2 đêm cuối của show Wembley, gần 200.000 vé phải hoàn tiền và đây là con số không nhỏ chút nào. Liệu cô còn tổ chức thêm show diễn nào nữa trong tương lai hay không là điều rất khó nói trước.

Sau ca phẫu thuật cho Adele, Zeitels trở nên nổi tiếng và được báo giới săn đón rất nhiệt tình. Câu hỏi thường được đặt ra cho ông là liệu Adele sẽ khỏi hẳn hay không. Zeitels không đưa ra bình luận chắc chắn nào, bù lại nhận xét rằng chất giọng của Adele đã "trở nên mượt mà hơn so với trước khi phẫu thuật".

Tuy nhiên đâu đó vẫn vang lên những ý kiến trái ngược. Theo Lisa Paglin, cựu ca sỹ opera và hiện đang là giảng viên thanh nhạc, những gì Zeitels làm "chỉ là tạm thời và sẽ đến lúc nào đó Adele buộc phải bước xuống từ sân khấu để nằm lại lên bàn mổ". Paglin và bạn mình là Marianna Brilla, cũng là 1 giảng viên thanh nhạc, bày tỏ thêm ý kiến như sau: "Bác sỹ Zeitels định sẽ thực hiện bao nhiêu ca phẫu thuật với Adele? Hay với bất cứ ai khác? Sau phẫu thuật, trừ phi ca sỹ đó hồi phục và có các tiến triển tốt, không thì việc tiếp tục biểu diễn sẽ tiếp tục làm dây thanh bị ảnh hưởng và đưa họ về điểm xuất phát đầu tiên: đó là bàn mổ. Không lẽ đây chính là cuộc sống của 1 ca sỹ chuyên nghiệp hay sao?"

Khi Adele hủy 2 đêm diễn cuối, Brilla và Paglin rất buồn nhưng cũng cảm thấy nhẹ nhõm phần nào do biết rằng cô đã quyết định chữa trị. Hơn 1 thập kỷ qua 2 người đã cố gắng thúc đẩy 1 cuộc cách mạng cho việc đào tạo thanh nhạc, nhằm hướng dẫn cho các ca sỹ trẻ cách luyện giọng phù hợp hơn. Brilla và Paglin cũng nghiên cứu các tài liệu khoa học và tìm ra được phương pháp mà theo họ có thể giúp các ca sỹ vĩnh viễn không làm ảnh hưởng đến dây thanh của mình.

Giải pháp này đòi hõi sự hồi sinh của 1 kiểu hát đã thất truyền, không chỉ mang đến âm điệu tuyệt vời mà còn bảo vệ được dây thanh 1 cách tốt nhất. Nhiều người tin tưởng cho rằng đây có thể là "suối nguồn tuổi trẻ" cho giọng hát, bù lại cũng không ít những người khác tỏ vẻ không đồng tình. Tất cả là do giả thuyết mà phương pháp hát này dựa trên: đó là cách chúng ta hát từ trước đến nay là hoàn toàn sai - kể cả Adele nữa.

Quảng cáo


Gửi anh em nghe 1 trích đoạn trong vở Opera "Cây sáo thần" của Mozart mà mình thích, Diana Damrau biểu diễn
Hát thực ra là 1 quá trình phức tạp. Mỗi phần trình diễn sẽ cần đến vô số lần dao động và va chạm vi mô bên trong cổ họng. Dây thanh là 1 cặp dải cơ nằm trong thanh quản, chúng có hình dáng như xương đòn và cũng là nơi sở hữu lượng thần kinh nhiều nhất của cơ thể người. Khi chúng ta im lặng, dây thanh sẽ tách ra để thở dễ hơn. Khi chúng ta hát hay nói, không khí sẽ được đẩy lên từ phổi và làm dây thanh rung động, từ đó tạo nên âm thanh là tiếng hát hay tiếng nói của chúng ta. Rung động càng nhanh thì âm càng cao. Ví dụ khi ca sỹ soprano lên nốt cao, dây thanh của ca sỹ đó sẽ rung động khoảng 1.000 lần mỗi giây, tạo ra âm thanh mạnh mẽ có thể đến mức làm vỡ kính.

Để hát càng hay thì dây thanh phải càng linh hoạt, và điều này về lâu dài sẽ khiến dây thanh bị ảnh hưởng, dễ thấy nhất là các vết bầm hay sưng trên bề mặt do vỡ mạch máu. Càng làm việc nhiều và trong thời gian dài, dây thanh sẽ bắt đầu xuất hiện các mô polyp, mô sần hay u nang, từ đó làm thay đổi chất giọng.

Với 1 ca sỹ, dễ nhận thấy nhất chính là giọng không còn ổn định nữa và hay bị lệch tông do dây thanh không còn độ rung như trước, từ đó làm cộng hưởng âm mất đi độ chính xác cần có. Ngoài ra còn có các "lỗ hổng" mà dây thanh của ca sỹ không thể tạo ra được tông đúng, và dù có cố gắng thế nào thì anh ta hay cô ta cũng thể hiện được các nốt đó.

tinhte-adele-lost-voice-2.jpg

Có thể bạn chưa từng nghe buổi biểu diễn nào có ca sỹ hát sai tông, tuy nhiên gần đây giới mê opera đã thực sự chấn động khi 3 ngôi sao Rolando Villazón, Aleksandrs Antonenko và Roberto Alagna không thể biểu diễn và phải bước vào cánh gà khi nhạc phẩm còn dang dở. Nhiều nghệ sỹ opera cũng phàn nàn về các triệu chứng cổ họng khi hát, tuy nhiên cuối cùng vẫn chọn các phương thức "đối phó" để biểu diễn cho xong. Như nói trên, cố gắng hát với dây thanh bị bệnh sẽ càng làm nó hư hại nặng hơn, trong nhiều trường hợp có thể gây ra chảy máu hay vỡ dây thanh, tạo thành các vết sẹo khiến giọng hát bị ảnh hưởng vĩnh viễn. Đây chính là trường hợp của Adele vào năm 2011.

Các chuyên gia hay giáo viên thanh nhạc tuy nhiên lại muốn nghệ sỹ phải "làm hết sức mình", từ đó gây hại cho dây thanh khi tập luyện quá sức. Các vấn đề khác như bụi bặm, không gian chật chội của khoang máy bay, chế độ ăn uống và ngủ thất thường, stress công việc... cũng phần nào ảnh hưởng đến dây thanh. Thêm vào đó còn là các rủi ro nghề nghiệp. Ví dụ như với nhiều ca sỹ opera, khi được phân vai khó (thường là vai chính), họ sẽ làm hết sức để hát được nốt cao và dễ làm tổn hại đến dây thanh.

Quảng cáo



IMG_6217.jpg

Vào năm 1986, giảng viên thanh nhạc kiêm nhà phê bình âm nhạc của báo New York Times là Will Crutchfield buồn bã đánh giá rằng việc bị mất giọng đã làm thu ngắn sự nghiệp của rất nhiều ca sỹ tài năng, đồng thời cũng làm thui chột đi sự huy hoàng của opera. Lúc đó, Crutchfield ghi nhận rằng các ca sỹ thường đạt được đỉnh cao trong độ tuổi 30 rồi sau đó bắt đầu suy kiệt dần. Nhưng với Adele, Trainor và Smith thì họ đã trải qua phẫu thuật trong độ tuổi 20 nên cũng khó nói trước.

Mất giọng cũng xảy ra với những người nghiệp dư nữa, và dễ nhận ra rằng những ai cố tập hát quá sức thì hầu như sẽ bị ảnh hưởng dây thanh về sau. Lực hát cũng là điều đáng nhắc đến, và dường như ai cũng nghĩ là hát càng lớn tiếng thì càng tốt (ví dụ như chất giọng rất to và khỏe của Adele). Kết quả của việc này là tập luyện dây thanh quá sức và cũng gây ra mất giọng.

Các nghiên cứu khoa học mới cũng đề cập đến chứng khó phát âm, hay dễ hiểu hơn là việc không thể phát ra âm chính xác từ cổ họng. Nhiều nghề nghiệp có thể dẫn đến chứng trên, từ giáo viên đứng lớp đến các ca sỹ opera. Từ lâu người ta cũng có chú ý đến điều này, tuy nhiên trường hợp của Adele gần đây mới chính thức gióng lên hồi chuông thức tỉnh: rằng phẫu thuật không phải lúc nào cũng có thể giải quyết tận gốc vấn đề.

Brilla và Paglin nói: "Bạn không thể giải quyết vấn đề chỉ bằng cách làm giảm nhẹ các triệu chứng. Các ca sỹ cần phải hiểu rằng đó là cách để cả bộ máy có thể vận hành hoàn hảo" - ám chỉ cách hát của họ. "Nếu bạn không sửa máy thì sớm muộn lỗi sẽ tiếp tục xảy ra".

Teatro La Nuova Fenice, rạp opera được xây dựng theo phong cách neoclassical nổi tiếng vào thế kỷ 19, là nơi luôn chật ních khán giả đến thưởng thức giọng tenor của nghệ sỹ Beniamino Gigli. "Gigli sở hữu giọng hát cực kỳ lạ lẫm và "bền bỉ" trong thời kỳ mà khái niệm giữ gìn dây thanh còn chưa được nghĩ đến" - Brilla và Paglin kể lại. Brilla khi còn trẻ đã được chẩn đoán có dây thanh không hoạt động bình thường, hay nói cách khác là có "lỗ" giữa 2 dây thanh. Từ đó, Brilla vừa tự nghiên cứu thêm về kiến thức dây thanh vừa tìm học hơn 30 giáo viên thanh nhạc nhằm học được kiểu hát của Gigli với sự mạnh mẽ, trong trẻo và bền bỉ hòa làm 1.

Brilla sau đó gặp Paglin, người cùng chung chí hướng nghiên cứu và học hỏi để truyền đạt kiểu hát tuyệt vời này cho thế hệ mai sau. Năm 1977, Brilla nhận học bổng Fulbright và trở về Ý để tìm học các kiểu hát "an toàn" hơn. Cô gặp gỡ các bậc tiền bối cao tuổi nhưng có chất giọng đầy nội lực, khỏe mạnh như thanh niên vậy. Với Brilla, họ rõ ràng đang mang trong người kiểu hát đặc biệt mà bấy lâu nay bà đang tìm kiếm.

Paglin không lâu sau đó cũng đến Rome và họ bắt đầu làm việc hàng giờ mỗi ngày tại thư viện âm thanh quốc gia La Discoteca di Stato, nghe đi nghe lại các bản thu ngày trước. Họ cùng cố gắng tìm kiếm các văn bản thảo luận về các kỹ thuật hát opera và classical thay đổi theo từng thời kỳ. Khi tạm nghỉ ngơi, Brilla và Paglin biểu diễn tại các nhà hát opera ở Ý và Áo. Điều này giúp họ được tiếp cận và học hỏi kinh nghiệm từ nhiều bậc thầy hơn. Ngoài ra 2 bà còn tìm kiếm sự giúp đỡ từ các nghệ sỹ hay giảng viên opera đã về hưu.

Nghiên cứu của Brilla và Paglin mang đến kết quả không ngờ: sự thui chột dần của kiểu hát xưa bắt đầu từ Verdi, Wagner và Puccini. Ba nhà soạn nhạc này được xem như là linh hồn âm nhạc thời đó và cũng là những người đầu tiên dám thách thức giọng hát của các ca sỹ nhằm đạt đến tầm cao mới, từ đó thể hiện tốt hơn nội tâm của nhân vật hay vai diễn. Sự đau đớn của nhân vật cô dâu trẻ người Nhật trong Madama Butterfly (Puccini) hay tiếng xung trận hùng hồn như sấm nổ của các Valkyrie trong Ring (Wagner) là các ví dụ đáng nhắc đến nhất.

e6129724faa8dbd43a009f4867003658.jpg

Kiểu hát của Verdi và Wagner trở nên cực kỳ thông dụng vào cuối thế kỷ 19 và Puccini còn đẩy mạnh nó hơn nữa vào đầu thế kỷ 20. Mỗi 1 thập kỷ trôi qua, phong cách này càng trở nên "dữ dội" hơn nữa. Paglin dẫn chứng bằng 1 bức ảnh của ca sỹ Enrico Caruso chụp vào năm 1920. Trong hình, Caruso trông có vẻ rất thoải mái dù đang hát, gần như ông đang trò chuyện với bạn bè chứ không phải đang biểu diễn trước khán giả. "Đây mới là cách hát tự nhiên" - Paglin nói.

tinhte-adele-lost-voice-3.jpg

Thêm nhiều hình ảnh khác cho từng thời kỳ cũng được đưa ra tuy nhiên chúng đều có 1 điểm chung là người ca sỹ giống như đang phải "đánh vật" khi hát. Lấy ví dụ bức hình của Rolando Villazón, người từng nhiều lần chịu tổn hại dây thanh, trông như phim kinh dị: miệng há to, mắt trợn lên, cổ nổi đầy gân và trông như đang gào thét chứ không phải là hát. Nhìn nhanh qua cũng đủ thấy không có chút thoải mái nào như Caruso cả.

Caruso và Gigli đã sản xuất rất nhiều tác phẩm tuyệt vời, tuy nhiên nếu so sánh với mặt bằng hiện nay thì sẽ có thể hơi lép vế 1 chút. Điển hình là bản thu O Sole Mio năm 1916 của Caruso rất truyền cảm nhưng không mạnh mẽ bằng những gì mà Villazón thể hiện năm 2010. Nói cách khác, giọng hát của ông không nổi bật hẳn lên so với tiếng đàn phía sau. Brilla và Paglin cũng nhận thấy điều đó và lập tức bắt đầu tìm cách khắc phục.

Năm 1983, Brilla thuyết phục Maria Carbone, 1 giọng ca soprano Ý đã về hưu, làm việc cùng mình. Bà Carbone lúc đó đã gần 80 tuổi nhưng vẫn sở hữu giọng hát cực kỳ mạnh mẽ. Khi Carbone hát, Brilla ép tay vào bụng bà để cảm nhận những gì đang diễn ra bên trong. Khi Carbone hát 1 bản aria từ Tosca và dần nâng giọng lên, Brilla thực sự kinh ngạc. "Tôi có thể cảm thấy những nhịp tick, tick, tick và ngoài ra không còn gì nữa". Đây là nhịp hơi tự nhiên của Carbone và lồng ngực bà hòa toàn không phồng lên chút nào khi hát, cũng như không phải lấy nhiều hơi như kỹ thuật của những ca sỹ ngày nay, nhất là những người có giọng to khỏe. Bụng của bà Carbone khi hát cũng rất bình thường như khi bà nói chuyện. Paglin nói: "Tôi đã hiểu được phong thái của 1 ca sỹ hoàn hảo là như thế nào."

Brilla nói thêm: "Trong khi tất cả những giảng viên dạy tôi trước đây đều dạy rằng phải mở miệng to ra để hít hơi thật sâu nhằm cất được nốt cao và to nhất, Carbon đã làm điều hoàn toàn ngược lại. Bản chất vấn đề ở đây là có quá nhiều sinh viên tốt nghiệp từ các nhạc viện nhưng lại không biết cách hát sao cho đúng, dẫn đến các hư tổn cho thanh âm. Chúng ta phải dừng điều này lại."

Thực ra thì không chỉ có những ca sỹ mới có nguy cơ tổn hại dây thanh, nhiều diễn viên cũng lâm vào tình trạng tương tự. Maddalena Crippa bị mất giọng tạm thời sau khi diễn Titus Andronicus của Shakespeare trong vai nữ hoàng Tamora gào thét trước cái chết của con mình. Maddalena sau đó bị mất giọng tạm thời và không thể đọc các lời thoại tiếp theo.



Tệ hơn nữa, giọng của Crippa tiếp tục bị ảnh hưởng và không còn rõ ràng như trước, cộng thêm cảm giác đau rát khó chịu tồn tại trong cổ họng. Crippa được chẩn đoán có bứu trên dây thanh và được điều trị bằng tiêm cortisol. Mọi việc diễn ra suôn sẻ đủ để Crippa trở lại sân khấu, tuy nhiên sự tự tin biểu diễn không còn nữa. Vào năm 2002, từ lời giới thiệu của 1 người bạn, Crippa tìm đến studio Osimo của Brilla và Paglin.

Không như những bác sỹ chuyên nghiệp, Brilla và Paglin không có các thiết bị nội soi để có thể nhìn vào cổ họng của người cần chữa trị. Thay vào đó, họ sử dụng phương pháp nghe bằng tai. Brilla và Paglin sẽ hát 1 nốt nhẹ và yêu cầu bệnh nhân hát lại cho đúng. Là người có nhiều kinh nghiệm, họ có thể nhận thấy rõ ràng tông phát ra đúng hay sai và chẩn đoán nơi nào trên dây thanh đang bị tổn hại. Steven Zeitels (bác sỹ phẫu thuật cho Adele) cũng sử dụng các phương pháp tương tự nhưng bằng các thiết bị y khoa tiên tiến hơn.

Brilla và Paglin thấy ngay vấn đề từ các cử chỉ đầu tiên của Crippa: bà cần phải lấy hơi rất nhiều để nói, và trông rất căng thẳng. Điều này rất dễ thấy ở các ca sỹ do dây thanh của họ đã "quen" với việc được các luồng khí mạnh thổi qua, do đó chúng sẽ không phản hồi tốt nếu không đủ hơi. Paglin nói: "Khi bạn đã quyết định theo nghề hát thì nó sẽ có ảnh hưởng đến bạn suốt đời, trừ phi bạn học được 1 phương pháp mới để giữ gìn dây thanh của mình".

Brilla và Paglin hướng dẫn Crippa nằm ngửa và hát 1 số nốt cao, sau đó dần dần giúp bà lấy lại được chất giọng ngày xưa của mình mà chỉ tốn khoảng chưa đầy 1 năm tập luyện. Đối với Crippa, đây là món quà vô giá mà không gì có thể so sánh được. Brilla và Paglin cho biết họ sử dụng những liệu pháp chữa trị để dần dần "loại trừ" các phần nhiễm bệnh trên dây thanh 1 cách tự nhiên và trong thời gian lâu dài, từ đó có thể đảm bảo không bị lại trong tương lai. Nói cách khác, phương pháp của Brilla và Paglin sẽ giúp các ca sỹ sửa thói quen xấu là lấy hơi thật nhiều trước khi hát, tăng áp lực lên cổ họng và các cơ hàm, há miệng ra quá to cũng như thói quen "gào" lên khi hát những nốt cao.

Vẫn có những giới hạn trong công cuộc tìm kiếm và giúp đỡ các nghệ sỹ khác của Brilla và Paglin. Paglin cho biết bà thường đi xem các buổi biểu diễn và khi nhận thấy có gì kỳ lạ trong giọng hát của ca sỹ, bà sẽ nhắn tin cho họ khuyên nên đi chẩn đoán dây thanh. Đa số các trường hợp là đúng và ca sỹ đó được chẩn đoán bị hư tổn dây thanh hoặc tệ hơn là ung thư. Diễn viên người Ý Moni Ovadia sau khi gần như phải giải nghệ vì đau cổ họng cũng được Paglin khuyên đi khám. Ông hiện đã 71 tuổi và vẫn còn sung sức, có khả năng biểu diễn liên tục suốt 3 giờ đồng hồ. Moni Ovadia rất biết ơn Brilla và Paglin, ông nói: "Họ đã cứu tôi và cả sự nghiệp của tôi nữa".

Brilla và Paglin cũng làm dấy lên câu hỏi đối với khâu giảng dạy hát hiện nay. Nhiều sinh viên tìm đến các thầy dạy nhạc đơn giản chỉ vì chất lượng giọng hát chứ không phải là chất lượng giảng dạy, và điều này sẽ gây nên các sai lầm tai hại.

Vấn đề ở đây được đặt ra là: liệu phương pháp mà Brilla và Paglin đang theo đuổi có thực sự tốt hơn cho các nghệ sỹ, ví dụ như Adele, hay không? Khi được hỏi, Steven Zeitels nhanh chóng bác bỏ điều này và cho rằng các phương pháp hát "chưa chính xác" chưa chắc có thể sẽ gây tổn hại dây thanh, mà đó là tùy thể trạng mỗi người. Ông nhận xét: "Người ta cứ nghĩ rằng ai đi phẫu thuật dây thanh đều là những người không biết hát. Bản thân tôi thì thấy các bệnh nhân của mình ai cũng cực kỳ giỏi nhé".

Zeitels cũng tin rằng nhưng chuyên gia y khoa như ông sẽ ngày càng cần thiết hơn cho môn nghệ thuật này, tương tự ở các môn thể thao. Theo ông, bất cứ nỗ lực nào cuối cùng cũng sẽ được đền đáp. "Điều tuyệt vời nhất là chúng tôi sẽ ngày càng giỏi hơn nữa trong việc phục hồi cho các nghệ sỹ".

Brilla và Paglin từng giúp đỡ rất nhiều những nghệ sỹ tên tuổi, trong đó có cả những trường hợp không thể phẫu thuật, ví dụ như ca sỹ nhạc jazz Maria Pia De Vito với chẩn đoán u nang dây thanh hoàn toàn không phù hợp thực hiện phẫu thuật. Paglin chua chát nói: "Thật đáng mỉa mai. Chúng ta tồn tại 1 ngành nghề được xây dựng xung quanh các ca sỹ tự làm hại bản thân họ khi hát, rồi lại đẻ ra thêm 1 ngành khác để cứu chữa những hư tổn đó".

Bác sỹ Robert T Sataloff, người từng phẫu thuật cho Patti LuPone và nhiều ngôi sao Grammy khác, cũng bày tỏ mối quan ngại của mình rằng phẩu thuật không phải là cách tốt để giúp các ca sỹ trở nên khỏe mạnh hơn. So với Zeitels, Sataloff bình luận theo hướng khách quan hơn, rằng: "Tôi nghĩ các ca sỹ phải có kỹ thuật hát cho đúng để không làm tổn hại đến tài năng trời phú của mình. Thế thì có điều gì là hoàn hảo không? Chắc chắn là không. Bệnh tật là không thể tránh khỏi và cuối cùng thì họ sẽ xuất hiện ở phòng làm việc của tôi".

tinhte-adele-lost-voice-4.jpg

Brilla và Paglin nói chung cũng vấp phải sự cự tuyệt cũng như phê phán hay chế giễu bởi các cá nhân khác, chủ yếu là từ những giảng viên nhạc viện. Bài giảng của Brilla và Paglin ở Conservatorio di Musica Santa Cecilia (Rome, Ý - 2011) nhận rất nhiều phản bác từ phía các học viên. Elizabeth Aubry, phó hiệu trưởng của viện âm nhạc Associazione Insegnanti di Canto Italiana, cho rằng các phê bình của Brilla và Paglin thật "tệ hại" và "nực cười". Bà này cũng nói rằng mục tiêu chính của các tổ chức âm nhạc là là giảng dạy các phương pháp tốt nhất khi hát nhằm tránh gây ra các tổn hại không mong muốn.

Nhìn chung điều này là dễ hiểu vì với bất cứ thứ gì, việc nêu ra các quan điểm mới, chưa cần biết là đúng hay sai, luôn khó có thể nhận được sự đồng tình từ số đông. Về phần Zeitels, ông hiện đang thực hiện 1 kế hoạch mới để giúp đỡ những người ở nhiều ngành nghề khác bị hoặc có thể bị chứng khó phát âm do ảnh hưởng từ dây thanh. Đối tượng mà ông nhắm đến gồm các giáo viên, MC, người bán hàng, nhà truyền đạo, luật sư hay các vị phụ huynh mệt mỏi vì la hét con cái(!?) Một trong những phát kiến của Zeitels là phương pháp cấy vật liệu sinh học vào mô bị hư tổn của dây thanh để phục hồi sự mềm mại cho nó. Zeitels nói: "Đặt thêm hay lấy ra thứ gì từ dây thanh đều quan trọng như nhau".

Những người được Brilla và Paglin hướng dẫn chữa trị thì không quá quan tâm lắm đến những điều đó. Lấy ví dụ như Maddalena Crippa ở tuổi 59 và vẫn có thể biểu diễn cực kỳ sung sức. Bà từng diễn cả 2 vai Danilo với giọng trầm và Anna với giọng cao trong cùng vở diễn 1 cách dễ dàng, khiến giới phê bình thán phục và đánh giá bà vẫn là 1 người nghệ sỹ đầy tài năng.

Về phần Adele, do tầm cỡ và vị thế của cô trên sân khấu âm nhạc, nhiều người cho rằng quyết định về những gì đã làm (hay không làm) của cô sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp về sau. Paglin bày tỏ sự tiếc nuối khi không có cơ hội tiếp cận với Adele và phân tích cho cô về những khuyết điểm của phương pháp vi phẫu nói riêng cũng như phẫu thuật nói chung. Theo Paglin, việc Adele chọn phương pháp vi phẫu và tung hô nó vô tình đã trở thành 1 cú PR cực kỳ hiệu quả cho phương pháp này, và đây có thể là tiền đề khiến ngày càng nhiều nghệ sỹ khác chọn cho mình phương pháp đầy nguy hiểm trên.

Bonus thêm bản live này sáng giờ đang nghe hay 😁



Nguồn theguardian
83 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

biquangphuc
ĐẠI BÀNG
5 năm
Cảm ơn Mod 😃
Hay. Cực thích chị này vs cô Thanh Hà . Chất giong cao vút, xử lý bài hát tinh tế vl
Baltalon
ĐẠI BÀNG
5 năm
Cảm ơn Mod, bài chia sẻ rất hay
pessi
TÍCH CỰC
5 năm
Đó là lý do tại sao tụi hát loa kẹo kéo hát quài mà không bị sao...
@pessi Bác nhận của e 1 lạy... đọc bình luận của Bác mắc cười cả buổi tối 😃
pessi
TÍCH CỰC
3 năm
@ngườidavàng 2 năm rồi mới có người cười
Cười vô mặt
Điều duy nhất mình không thích ở Adele là nhìn...quá già so với tuổi 😁
BengPr0
CAO CẤP
5 năm
@BlackBerryz Thì thôi ko xem MV nữa, tải mp3 nghe là được mà :D
@BlackBerryz Tưởng bà này phải 38 chứ, công nhận quá chững chạc so với tuổi.
rhxshine92
ĐẠI BÀNG
5 năm
@BlackBerryz Nhiều thánh bắt bẻ ghê thật, người ta hay dùng từ nghe nhìn. Nghe trước nhìn sau, ko nhìn thì cũng phải nhìn. Ko thích thì họ nói ko thích. Mấy bác nghe thì chỉ quan tâm âm thanh thôi, trong khi nhiều người họ thích cả giọng lẫn con người của ca sĩ đó, họ thích được nhìn họ đẹp hơn, cuống hút hơn, nóng bỏng hơn, hoà mình cùng ca sĩ hơn. Suốt ngày cắm cái lỗ tai nghe, còn con mắt thì đục ngầu.
namdh7
TÍCH CỰC
5 năm
Bài viết hay
BQDuong
CAO CẤP
5 năm
@namdh7 Hay mà dài quá đọc k nỗi. Nên tóm tắt lại còn 1/4 thôi
amio1st
TÍCH CỰC
5 năm
@BQDuong Đả đọc hết ok..nên đọc hết rõ ràng ko thiếu ý. TỐT. Ko cần tóm tắt...mún lẹ nghe lun nhạc youtube cho rồi.
utkz2319
TÍCH CỰC
5 năm
Kpop chẳng bao giờ quan tâm tới điều này khi họ hát nhép quá tốt
VAdaihiep
TÍCH CỰC
5 năm
@AudioPsycho Bắt tay bác cái, hoá ra cùng là Uaena 😆
@utkz2319 Kpop mà hát nhép vậy ca sĩ nước nào hát thật ? 😃😃. Thực ra trình độ ca sĩ việt thua xa ca sĩ hàn ( thua cả bọn idol ái ái của nó nữa không chừng). Tầm kỹ thuật tốt ở vn như: trung quân, tùng dương, hương tràm thì bên hàn đầy.
utkz2319
TÍCH CỰC
5 năm
@hphanvnseries https://www.quora.com/How-can-K-pop-idols-dance-and-sing-together-live-like-wont-they-breathe-hard-moving-and-dancing-at-the-same-time-If-you-understand-what-I-am-saying
utkz2319
TÍCH CỰC
5 năm
@hphanvnseries Đầy thì kể ra vài chục người thử thím, kỹ thuật tốt thì nhạc viện đầy, quan trọng là có nổi tiếng hay không thôi, đám nổi tiếng thì có bao nhiêu đứa kỹ thuật tốt, vừa nhảy vừa hát live thì mấy group kpop có khi không bằng hkt chục năm trước
một bài viết ấn tượng của tinhte, cảm ơn tinhte
bài viết hay.
Bài dài quá
Ncl nó do cách hát, kỹ thuật hát(kỹ thuật chính thống và phi chính thống, trình độ về kỹ thuật, cường độ, hát nhiều hay ít(chạy show nhiều mà toàn hát live, cổ họng k đc nghỉ ngơi, thời gian ăn ngủ nghỉ k đc thoải mái ổn định), tâm lý tình cảm có thuận lợi vui vẻ hay k, dùng chất kích thích, thuốc lá, bản thân bẩm sinh cổ họng có tốt hay k, có bị dị tật hay khoẻ mạnh...quá nhiều lý do để cổ họng sida.
NamAnn
TÍCH CỰC
5 năm
Bài hay, thanks mod.
Hát bằng chính chất giọng của mình nó khác, đâu như mấy con " khỉ" lên diễn trò rồi dắt mũi đám lợn!
Cảm ơn mod đã chia sẻ bài viết hay. Tuy nhiên mình nghĩ là vấn đề này nó cũng như thuốc nam với thuốc tây, anh nào cũng cho là mình tốt hơn. Đọc để tham khảo thôi chứ còn để biết chính xác phương pháp nào tốt hơn thì rất khó, tùy vào thể trạng mỗi người, có thể tốt cho người này nhưng lại không phù hợp với người kia. 7 tỷ người trên trái đất có ai giống ai đâu.
mrqd
TÍCH CỰC
5 năm
Thật kính phục những giọng ca của họ, bật cao vút nhưng vẫn khẽ rung đầy điệu nghệ và kinh ngạc.
Nếu đc thì nên ghi rõ ra là năm nào.
@hakuruno Mình nghĩ là bắt buộc phải ghi chứ không phải "nên". 😁
thanhhai3107
ĐẠI BÀNG
5 năm
Bài viết công phu quá. Cảm ơn mod nhé!
Không cần xét dựa trên các yếu tố về y học, giọng hát hay chắc chắn hát nhiều, hát nhiều thì dĩ nhiên nó nhanh hư 😁 Hat như Chaien, lúc mất giọng bố ai mà biết nó bị mất nên khỏi cần quan tâm.
Hát live thì phải chịu thôi.

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019