Tham dự Tech Lounge

Tham dự Tech Lounge


Đi ngắm tuyết sơn ở Vân Nam - Từ Hà Khẩu đến gần biên giới Tây Tạng

xversion1
10/5/2019 6:45Phản hồi: 60
60 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

xversion1
TÍCH CỰC
5 năm
Lúc về thì em đi xuyên qua phố cố vì không vội vàng gì và cũng là muốn xem phố cổ sáng sớm nó như thế nào.
Sáng sớm trong phố cổ phải nói là hoàn toàn khác biệt với những thời điểm khác trong ngày, vắng vẻ và yên tĩnh chỉ có tiếng chim hót


Ngay cả quảng trường lúc nào cũng đông như hội cũng chỉ lác đác vài người


Nguyên tắc số 2 của sống ảo đẳng cấp quả là không sai, không dậy sớm thì chỉ có chụp người chứ chụp sao được cảnh


Lang thang ngõ ngách lúc này thú vị phết các bác ạ


Các giác quan về cảm nhận du lịch kiểu như cái đẹp cái hay gì gì đó nó tốt hơn hẳn bởi vì không bị phân tâm bởi đám đông và tiếng ồn

xversion1
TÍCH CỰC
5 năm
Về phòng em thu dọn, đại tiểu tiện đầy đủ rồi ra bến xe bắt xe đi Shangri-La. Từ Lệ Giang đi Shangri-La chưa có tầu (nghe đang làm nhưng chưa xong) nên chỉ có đi xe khách. Các bác ra bến xe mua vé. Lệ Giang có 2 bến xe ở 2 đầu khu phố cổ, bến em đi là bến chính thì 30 phút có 1 chuyến, còn bến kia hình như chỉ có xe buổi sáng, nhưng nghe nói cũng đều phải chạy qua bến chính cả.
Chuyến 2 đi có 2 lần thót tim, một lần có một anh lùi xe ra ngoài đường cái, sân to ko đi vào mà lùi, lại cố tính lùi đít xe ra đường bất ngờ làm bác tài đang lái nhanh được một phen đánh võng xe khách gấp, miệng lẩm bẩm mấy câu em đoán là chửi "bố thằng ngu", may mà hướng ngược lại không có xe.
Một đoạn khác thì có một chú chó chạy ra đường bất ngờ, bác tài phải bấm còi phanh gấp vì hướng đối diện có xe ngược chiều, chú chó nghe thấy tiếng còi cũng thụt lại. Em ngồi ghế đầu nên thấy rõ chú chó suýt thì nát bét, sát bánh xe, thoát chết là nhờ bác tài phanh kịp và nó cũng lùi kịp. Cả 2 cùng hành động 1 lúc mới tránh được tai nạn, chỉ 1 trong 2 chậm một chút là xong đời chú chó mực. Đi xe mà đâm chết chó thì đen lắm.
Lát sau lại thấy có chiếc xe cứu thương vượt lên, đi xe toàn gặp điềm gở


Xe có dừng cho mọi người ăn uống đại tiểu tiện, chỗ này có cái cây gì lạ lạ mọc trên đất cằn


Trên đường đoạn này núi non thung lũng nhìn cũng tương tự bên Tây Bắc



Làng mạc trên núi nhìn cũng hao hao của mình


Đậu má! Thậm chí còn có cả trống đồng Đông Sơn:eek:


Có cái này thì em chưa thấy ở Việt Nam


Đến điểm ngắm cảnh Cáp Ba Tuyết Sơn, rất tiếc là trời toàn mây che kín nên không nhìn thấy đỉnh tuyết đâu
upload_2019-5-17_8-33-54.gif
upload_2019-5-17_8-33-54.gif
xversion1
TÍCH CỰC
5 năm
Thỉnh thoảng gặp những ngọn đồi bị chặt chụi


Nhưng có chỗ lại phủ đầy xanh xanh nguyên vẹn, chắc chưa đủ tuổi


Đoạn sau đường đi có phần đẹp hơn, phong cảnh khác và lên cao hơn nên cây cối cũng dần dần chuyển khác, đặc trưng là lá nhỏ và màu nóng


Bụi cỏ này nhìn như những nét chì vạch thẳng của 1 tay họa sỹ rỗi hơi nào đó tiện tay vạch vài đường


Trên đường em gặp khá nhiều những ngọn đồi đầy hoa gì màu tím như thế này, nhìn bằng mắt thường khá đẹp


Thỉnh thoảng có đoạn nhìn lên dốc, cây màu nóng được phối với nền núi trời xanh lạnh



Đi qua vài cái thảo nguyên rộng nhưng không thấy khách thăm quan


Em mải ngắm cảnh chụp choẹt nên loáng cái đã thấy đến Shangri-La


Ở đây tuyết sơn làm nền cho đường phố
xversion1
TÍCH CỰC
5 năm
Shangri-La

Shangri-La trước đây là một vùng đất nghèo nàn tên là Trung Điện. Cuộc sống người dân ngày càng xuống cấp với tỷ lệ thất nghiệp cao (đối lập hẳn với thiên đường các bác nhỉ). Làm sao để cứu vãn vùng đất chó ăn đá gà ăn tuyết này? Tài nguyên thiên nhiên không có dầu than, mỏ quặng, vàng bạc chi cả. Những gì nó có là núi non và thỏa nguyên bao la. Chỉ có biến nó thành địa điểm du lịch hút khách, cũng may mà với cảnh quan trời phú cho khu vực Tây Tạng và xung quanh, vùng nào cũng có thể biến thành địa điểm du lịch được. Công việc tiếp theo là xây dựng bộ mặt du lịch của Trung Điện. Họ đập đi xây lại mọi thứ nhìn như một thành phố Tây Tạng. Cổ thành Ánh Trăng được quảng cáo là 1300 năm tuổi, nhưng có lẽ chỉ có phần mặt đất và cái tên là đúng với niên đại. Ngay cả trước vụ hỏa hoạn thiêu rụi tất cả năm 2014 thì nhà cửa đã được xây lại rồi. Bên ngoài, họ tu sửa lại tu viện bỏ hoang Tùng Hán Lâm, mở rộng quy mô cho giống một Bố Đạt La Cung thu nhỏ.

Tiếp theo, vùng đất được tu sửa mới lại này cần phải được quảng cáo để khách du lịch biết mà đến thăm. Họ nghĩ ra 1 ý tưởng không thể tuyệt với hơn là đổi tên Trung Điện thành Shangri-La, tuyên bố (qua nhiều năm "khảo cứu") nó là vùng đất Shangri-La được mô tả trong tác phẩm kinh điển Đường Chân Trời Đã Mất của James Hilton, mặc dù James chưa 1 lần đặt chân đến Tây Tạng. Năm 2001, Trung Điện được chính thức đổi tên thành Shangri-La, và khách du lịch ùn ùn kéo đến để chiêm ngưỡng thiên đường, "thung lũng của những người bất tử."
Ngày nay, Shangri-La vẫn đang là địa điểm du lịch nổi tiếng, nhưng phần lớn người dân đã "trở thành" người Hán, và cổ thành Ánh Trăng cũng được khôi phục lại với phong cách China (phần bên ngoài phố cổ còn giống Tây Tạng hơn là bên trong "cổ thành"). Nhiều người đến đây để xem một thành phố kiểu Tây Tạng mà không cần phải "xin phép" để vào khu tự trị Tây Tạng. Nhưng phần Tây Tạng của thành phố này đang dần dần biến mất và thay vào đó, hiển nhiên, là những phần "đại Hán".
Mặc dù sẽ có phần thất vọng nếu đến đây vì văn hóa Tây Tạng, nhưng Shangri-La vẫn là vùng đất với nhiều thắng cảnh thiên nhiên rất đẹp.
xversion1
TÍCH CỰC
5 năm
Đến bến xe Shangri-La thì em gặp ngay phải một đám cò ngoài cửa. Đám cò này hình như tụ tập ngoài bến suốt giờ hành chính. Lần nào em đi qua cũng thấy.
Ở Lệ Giang và Côn Minh em đi xe bus rất tiện và rẻ, nhưng đến Shangri-La thì có vẻ xe bus lộn xộn hơn, bến ghi một đằng mà xe chạy một nẻo. Thất bại vài lần với xe bus ở Shangri-La em chuyển sang đi taxi toàn bộ. Taxi đưa em về khách sạn với giá 10 tệ. Cất hành lý là em men theo những con đường trong cổ trấn để đến công viên Quy Sơn lên Đại Phật Tự quay cái chuyển kinh luân cũng là để ngắm toàn cảnh cổ thành luôn


Kinh luân rất lớn và được buộc dây để dễ kéo, mặt đất xung quanh bị mòn vẹt thành một đường tròn do những người xoay kinh luân trong nhiều năm để lại


Chờ không lâu là sẽ có đủ người tập hợp lại để ra sức xoay. Nặng nhất là lúc chống lại sức ỳ, sau khi đã quay rồi thì cũng nhẹ nhàng. Nhiều khách du lịch chỉ cầm vào cho vui rồi đi theo vòng xoay check in sống ảo chứ em nghĩ không hề kéo tý nào, nhìn dáng vẻ có thể nhận ra.

Nói một chút về việc xoay kinh luân.

Phật giáo hiện tại có 3 tông phái chính là Nam Tông, Bắc Tông và Mật Tông. Từ khi khai sinh đến nay thì Phật giáo phát triển lớn hơn nhiều so với ban đầu, chính vì vậy mà các giáo lý và phương pháp tu tập cũng được mở rộng.
Về cơ bản Phật giáo hướng tới việc thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi, để làm được việc này cần phải đặt được một trình độ trí tuệ nhất định. Trí tuệ ở đây nó có nghĩa rộng hơn trí tuệ thông thường là đọc sách rồi nhớ nhiều. Để có được trí tuệ đủ sức giác ngộ thì phải tích phúc. Nói đơn giản như thế này, nếu các bác có phúc, kiếp sau sinh ra làm người thì các bác có trí tuệ, có khả năng đọc sách hiểu chữ và giác ngộ. Còn vô phúc sinh ra làm lợn, thì có trí tuệ đâu mà giác ngộ. Cũng sinh ra làm người, nhưng người có nhiều phúc báo từ kiếp trước thì thông minh hơn, khả năng lãnh ngộ cao hơn người khác có ít phúc báo hơn. Cũng như tích góp tiền của, ông nhiều thì đi máy bay rất nhanh và tiện nghi, ông ít thì đi bộ, mệt và lâu, tiền này chỉ khác là tiền thuộc tinh thần, ko phải tiền vật chất.
Cả 3 tông phái đều hướng tới 1 mục đính nhưng con đường tu tập có chút khác nhau. Ông Nam Tông thì chịu khó ngồi thiền hơn, thiền tĩnh tâm để giác ngộ. Ông Bắc Tông thì còn kết hợp với làm nhiều việc tốt để tích đức cho kiếp sau, dồn lại nhiều kiếp để đặt được trí tuệ có khả năng giác ngộ. Ông Mật Tông thì còn dùng thêm cả pháp khí, thần chú, chân ngôn để hỗ trợ. Các bánh xe cầu nguyện (hay kinh luân) là một trong những loại pháp khí kết hợp thần chú như vậy. Các bác sẽ hay gặp các bánh xe cầu nguyện loại nhỏ ngày ở Shangri-La, đặt nơi công cộng để ai quay thì quay. Quay bánh xe theo chiều kim đồng hồ theo Mật Tông có tác dụng tích công đức và giải trừ nghiệp xấu của kiếp trước, coi như cách bác đang lao động để kiếm một loại tiền tinh thần vậy, làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít. Và cũng là để cho những người mù chữ ngày xưa không đọc được kinh sách vẫn có thể thực hành đạo Phật. Phát nguyện bồ tát bố thì rộng rãi cho đi tất cả thì ko phải ai cũng làm được, còn phải có cái mà bố thí nữa, khố rách áo ôm thì lấy gì bố thí? Nhưng quay bánh xe cầu nguyện thì khố rách áo ôm cũng quay được, người thường cũng tích công đức được mà ko ảnh hưởng đến kinh tế gia đình

Cho nên các bác phải quay bánh xe cho tử tế, sống ảo thì được chứ quay ảo cần thận nó phản tác dụng.
xversion1
TÍCH CỰC
5 năm
Quay (dùng tay) mệt em lại ngồi nghỉ hoặc ra lan can ngắm cảnh, từ đây có thể nhìn thấy toàn cảnh Shangri-La, một thành phố được bao quanh bởi những ngọn núi.


Xa xa có một tòa nhà hình tam giác không biết là nhà gì, có lẽ là cao nhất ở đây


Phía tây là rặng tuyết sơn đã bị mây chiều bao phủ


Ngôi phật tự này được bao phur xung quanh bởi cây cối hoa lá, những bông hoa trắng muốt trong nắng


Đứng ở đây do nhìn thấy toàn cảnh Shangri-La nên khách du lịch check in sống ảo rất nhiều (quay kinh luân thì ít), em cũng phải chờ khá lâu mới chụp được những bức hình nóc nhà Shangri-La từ trên cao. Cơ bản là vì khi người khác sống ảo mà mình lại ra chụp thì sẽ lạc vào khung hình của người ta, làm xấu bức hình của người ta chứ cũng ko hẳn là đông đến nỗi không có chỗ đứng. Là một người đang đi tìm địa điểm sống ảo đẳng cấp em rất hiêu tầm quan trọng của việc sống ảo nên kiên nhẫn chờ đợi mọi người chụp xong mới bước ra, mặc dù có những cặp uyên ương chiếm chỗ phải đến 45 phút đồng hồ để anh chụp cho chị, em nghĩ chắc phải chụp đến mấy trăm bức, không hiểu là chụp cái gì mà lắm thế.
xversion1
TÍCH CỰC
5 năm
Nghĩ cũng chẳng thể đứng đây mà ngắm hoàng hôn trong yên bình, em đi 1 vòng quanh chùa. Trong khi phía kinh luân nhộn nhịp thì phía sau chùa lại khá là yên tĩnh vắng vẻ


Phía sau gió mạnh hơn, cũng có thể nhìn toàn cảnh, em đứng trước những lá cờ lungta tung bay trong gió cho những câu thần chú trên đó nó bay vào người


Dạo một vòng em xuống sân chơi


Ở sân có những đàn chim bồ câu bay đến đậu


Nhưng chỉ vừa đáp xuống sân đông đủ là đã bị các du khách chạy đến đuổi cho bay đi để sống ảo cho nó chất


Có một chú bò lông để du khách thuê chụp ảnh, nhìn chú không được vui vẻ cho lắm


Em đi tiếp và quay đầu chụp lại một tấm toàn cảnh khoảng sân ở trước ngôi phật tự trước khi rẽ vào con đường nhỏ cạnh bãi đỗ xe


Em đi bộ loanh quanh đến quảng trường Tứ Phương là nơi nhảy múa hát ca của người dân. Chỗ này chiều nào mọi người cũng tụ tập nhảy múa hát ca chứ không phải chỉ mỗi ngày lễ hay ngày rằm mùng một gì. Dàn vũ đạo chính chủ yếu là các cụ già, những người trẻ vào nhảy cùng chỉ yếu là các du khách tò mò.


Trời ở đây lâu tối nên xem khá lâu mà mọi người vẫn nhảy, vì họ nhảy lâu trong một khoảng thời gian dài nên em tự hỏi không biết bình thường thì mấy giờ mọi người ăn tối? Lang thang về khách sạn em hỏi chủ quán nhưng anh ta cũng bảo không biết, em lại hỏi tiếp mấy thường thì mấy giờ mọi người ở đây đi ngủ, anh ta cũng bảo không biết. Em lên phòng tắm giặt, cửa sổ nhìn ngay ra ngôi phật tự và kinh luân, buổi tối thắp đèn sáng rực
xversion1
TÍCH CỰC
5 năm
Sáng hôm sau trời mưa, tầm 8h30-9h ngớt mưa em đi Thạch Ca Tuyết Sơn, đi qua hàng bánh bao mua luôn 1 mẹt, mua bánh bao ở đây em mới biết có nhân thì gọi là bánh bao, không nhân gọi là màn thầu. Hôm nay cũng là lần cuối em đợi thử xe bus ở Shangri-La, bến ghi 1 đằng xe đến 1 nẻo, cuối cùng vẫn là bắt taxi 30 tệ. Taxi ở đây cũng hay, đang chở khách cũng bắt thêm khách, thế là em lại được dịp lên gần chùa trăm gà luôn để trả người khách kia.
Đường đến Thạch Ca Tuyết Sơn đi qua một vùng thảo nguyên mà giờ đây em nghĩ lại thấy khá đẹp, thật tiếc là lúc đó quá tập trung quan sát đỉnh tuyết sơn (do sợ trời mưa) nên em đã không ghé vào.


Có một việc hay xảy ra khi em đi nước ngoài và tiêu tiền nước ngoài đó là mất cảm giác tức thời về việc đắt rẻ của giá cả. Trong khi nước ta dùng mệnh giá nhỏ nhất là là hàng trăm (mặc dù chẳng còn thấy những tờ tiền trăm đồng nữa) thì ta lại phải tiêu những đồng tiền nước bạn không có một loạt số không (0) đằng sau: 1 tệ, 1 đô la... Khi trả tiền 10 đô la hay vài trăm tệ, vì đã quen với những con số lớn hơn ở Việt Nam (hàng trăm nghìn, hàng triệu) nên vô thức không đánh giá đúng giá trị cũng những đồng tiền ít số không này và mặc nhiên dùng tiêu chuẩn tiền Việt để đánh giá, tạo ra một cảm giác "rẻ" giả tạo nếu như không dùng ý thức quy đổi nó ra tiền Việt để so sánh. Con tim thấy rẻ và cần có lý trí để cho thấy rằng nó không hề rẻ.
Em không nhận thấy rằng vé lên Thạch Ca Tuyết Sơn là đắt đến khi có một nhóm 5 người Trung Quốc mua vé, mới đầu họ mua 5 vé nhưng sau khi chị bán vé nhân tổng số tiền và giơ máy tính cho họ xem thì họ bàn bạc lại một và quyết định chỉ mua 2 vé. Tuy nhiên em thì ko có sự lựa chọn như vậy, em vượt ngàn dặm đường bộ để đến đây, nó không dễ dàng như đi đi lại trong nước nên dù đắt thì cũng vẫn phải mua, chẳng biết bao giờ mới quay lại, không thể tiếc tiền được.


Để lên đến Thạch Ca Tuyết Sơn cần đi qua 2 lượt cáp treo, lượt đầu sẽ dừng ở một nơi cũng gọi là Lam Nguyệt. Lên núi tuyết Thạch Ca các bác sẽ thấy rõ việc quảng cáo Shangri-La gắn với vùng đất cùng tên trong tác phẩm Đường Chân Trời Đã Mất của James Hilton.




Đường lên Thạch Ca quang cảnh nhìn đẹp hơn ở Ngọc Long với những rừng cây phủ tuyết trắng xóa





Khi cáp treo gần lên đến đỉnh, nhìn xuống khung cảnh dưới mặt đất qua cửa kính cáp treo khá ấn tượng, như ở một hành tinh khác
xversion1
TÍCH CỰC
5 năm
Thạch Ca Tuyết Sơn so với Ngọc Long thì khá bằng phẳng chứ không có nhũng mỏm núi đâm thẳng lên trời, bù lại các bác sẽ chạm vào tuyết dễ dàng hơn


Bậc gỗ nhìn có vẽ cũ kỹ hơn và lan can thì sơ xài hơn


Không như điểm cao nhất trên Ngọc Long, ở trên này bán cả đồ lưu niệm. Những chiếc thẻ gỗ được mội người mua và buộc lại đã đóng băng


Trên đỉnh núi gió rất mạnh (clip)


Gió mạnh kết hợp cới mưa tuyết rất lạnh. Lên núi các bác nên có 1 cái mũ trùm đầu bởi nếu không sẽ không chịu khi gió mạnh nổi băng tuyết quất vào mặt như trăm mũi kim đâm vào da thịt, không thể chơi bời sống ảo gì được. Cũng nên có găng tay nếu muốn sống ảo lâu, bởi chỉ một lúc là tay sẽ tê cóng. Thấy ở dưới chỗ đi cáp có người bảo hiện trên này đang -3 độ. Đa số thời gian em đút tay vào túi áo, trừ khi chụp ảnh, thế mà tay vẫn lạnh cóng.


Chỗ này dưới băng là mặt kính nên cực trơn, em bám vào lan can mà chỉ dám đi rất chậm, bỏ tay khỏi lan can chụp ảnh cũng phải rất cẩn thận ko sẽ trượt ngã dù chỉ đứng yên (thật ra em bị ngã 1 phát trước khi nhận ra nó là mặt kính rồi). Dường như người Trung Quốc đọc được biển cảnh báo và biết hay sao đó nên không mấy ai ra khu vực này mà chỉ quanh quẩn ở chỗ nền gỗ.


Ở đây có tới vào nhánh để đi, vì các nhánh không tạo thành 1 vòng kín nên các bác phải quay trở lại lối cũ mỗi khi đi hết một nhánh


Ngoài bậc thang họ còn rào xung quanh các mép vực. Nếu ai không quen với băng tuyết thì rất dễ chủ quan ra đó chơi và trượt xuống vì quả thật băng trên mặt đất rất trơn, giầy đểu như giầy em đi ngã mấy lần.


Lang thang ra những mép thế này thì dễ chết lắm, sống ảo nhưng đừng chết thật
xversion1
TÍCH CỰC
5 năm
Em đi tất cả các nhánh xem quang cảnh thế nào nhưng nói chung là mây mù gió tuyết nên tầm nhìn không được xa (clip)


Em rẽ vào 1 nhánh mà không có ai đi, chắc vì nhìn không thấy điểm cuối đâu


Đi mãi đến khi tuyết ăn ngập hết lỗi đi, quay đầu nhìn lại chẳng thấy ai mà cũng chẳng thấy đài quan sát chính đâu nữa thì em bắt đầu thấy hơi sợ sợ vì có mỗi 1 mình, em quyết đinh đánh liều đi ra khỏi bậc gỗ vào trong tuyết em sao, mà đoạn này cũng chẳng còn thấy bậc gỗ nữa, có chăng biết là có bậc gỗ vì vẫn còn cái tay vin nổi lên


Trước khi đi em cẩn thận cắm máy trên tuyết và hẹn giờ để nó chụp mình sau một đoạn, phòng trường hợp bất trắc thì sẽ có người tìm thấy vị trí, vì tại vị trí này đã không còn nhìn thấy đài quan sát và cũng không có ai xung quanh, lại đang mây mù tuyết rơi gió thét ầm ầm, có gào lên cũng quá xa để người khác nghe thấy.


Đi được 1 đoạn thì tuyết bắt đầu sụt dưới chân em, hơi hốt hoảng nhưng em vẫn đi tiếp mấy bước và lại tiếp tục bị sụt sâu hơn, lúc này em bị lún đến háng. Toát mồ hôi em không dám cử động, hết sức nhẹ nhàng em quay người lại dẫm lại sát vị trí những bước chân cũ để quay về, không dám liều nữa. Quả thật bước ra ngoài thềm gỗ trên nền tuyết trắng phải hết sức cẩn thận, nhất là khi tuyết đang rơi và trời thì mù không một bóng người xung quanh, nhỡ chẳng may gặp cái hố hay tồi tệ hơn thì xong đời.
Những mặt tuyết mời gọi như thế này, chẳng thể biết chỗ nào là nền đất chỗ nào là hố sâu cả


Sau chuyến "thám hiểm" cực ngắn này em biết là tuyết không dành cho những người thiếu kinh nghiệm với nó và tốt nhất là tuân theo chỉ dẫn an toàn của khu du lịch nếu không chỉ tự mình lại mình. Nhánh này cũng là nhánh cuối cùng nên em quay lại khu cáp treo, đò đạc bên trong cũng được phủ một lớp băng tuyết


Một thùng rác bị bám băng, có lẽ do gió thổi làm hình thành những mấu trắng trông khá ngon lành


Một số cờ cũng bị xoắn lại đông cứng
xversion1
TÍCH CỰC
5 năm
Rời Thạch Ca Tuyết Sơn em về ăn uống nghỉ ngơi tý rồi chiều gọi taxi đi tu viện Tùng Hán Lâm.
Cá nhân em thấy tu viện không được như kỳ vọng. Thứ nhất là quy hoạch chưa tốt, chính điện không quá nổi bật so với xung quanh, phải chọn chỗ mới nhìn được đầy đủ, còn nếu không bị che bị nhà che lộn xộn, ví dụ như ngay từ cổng vào:


Có lẽ cũng vì em đến vào một ngày mưa ảm đạm không có trời xanh mây trắng nắng vàng nên cũng làm giảm ấn tượng


Nổi bật (hơn một chút) có lẽ là chính điện và 2 tòa trái phải



Tu viện phải nói là ít sư, em tự hỏi nếu mở cửa thăm quan 24/7 như thế này thì thời gian nào mới là thời gian các sư dùng, hay chỉ buổi tối và các ngày lễ?


Toàn cảnh chính điện


Ở một góc nhỏ khác có một vị lạt-ma bước đi với tà áo tung bay, ngay bên cạnh là một du khách đang thả dáng check in


Chụp từ góc này thấy quy hoạch quả là lộn xộn, không xứng tầm với sự quảng cáo về tu viện


Em đi bộ quanh hồ để tìm xem có góc nào toàn cảnh đẹp hơn không (có 1 góc khác trên đỉnh đồi đối diện em đã post ảnh chụp từ mấy còm trước), hồ có hàng cây đẹp phết


Tu viện không thật sự nổi bật lên khỏi các tòa nhà xung quanh, nhà cửa lộn xộn cộng san sát và sát cả chính điện làm cho tu viện có phần kém trang nghiêm hơn


Tuy nhiên, phần em thấy thất sự ấn tượng hơn cả đó là các bức vẽ và họa tiết trang trí bên trong chính điện thì lại không được chụp ảnh. Sự chi trong đó làm em thấy thực sự ngạc nhiên, bất cứ chỗ nào dù là trần, tường, sàn, kèo cột...đều có hoặc hình vẽ hoặc khắc nổi trang trí, theo trí nhớ của em thì dường như không chỗ nào bị bỏ sót, tất cả mọi nơi đều có họa tiết. Có người Việt Nam trong đó nói "chả khác gì chùa Bái Đính",em nghĩ thầm Bái Đính quy mô to về mặt diện tích còn không thể nào có được sự trang trí tỉ mỉ như thế này. Trong điện còn có nhiều các pho tượng bồ tát được che kính cẩn thận và những bát bơ bò lớn làm nhiên liệu cho nến cháy ngày đêm.
xversion1
TÍCH CỰC
5 năm
Ngày hôm sau em ra bến xe Shangri-La để khởi hành đi Mai Lý Tuyết Sơn. Để đến Mai Lý Tuyết Sơn thì các bác sẽ đi qua 2 chặng, Shangri-La đến Đức Khâm, rồi tiếp Đức Khâm đến Phi Lai Tự. Đoạn đường từ Shangri-La đến Đức Khâm phải nói là rất đẹp. Tuy chuyến xe này không gặp phải sự cố nào như 2 sự cố thót tim lần trước, nhưng em cảm thấy sợ hơn nhiều bởi bác tài úp cua nhanh ở những đoạn đường núi một bên chỉ có vực sâu thăm thẳm, em thì lại ngồi ghế đầu. Tốc độ nhanh làm em không khỏi kinh hoàng khi nghĩ đến việc chỉ cần bác tài xẩy tay 1 chút thì chắc xe sẽ lao xuống vực và em được ưu tiên chết đầu tiên.
Giữa đường có 1 lần dừng nghỉ ăn trưa và em để ý rằng mỗi khi nghỉ xong là các bác tài (2 bác cho 2 chiều) đều tăng tốc. Do đó chiều Shangri-La đến Đức Khâm đáng sợ hơn bởi sau khi nghỉ là những đoạn đường lên núi, chạy tốc độ cao và úp cua sát mép ngoài của vực (có rào chắn bê tông nhưng thấp). Đoạn về do đoạn xuống núi chưa nghỉ nên chạy chậm hơn và đi vào mép trong nên đỡ hơn. Không biết người dân ở đó cảm thấy sao chứ em đi lần đầu quả là toát mồ hôi hột suốt đoạn sau trạm dừng nghỉ. Lúc đó lại còn nghĩ lúc về còn phải trải qua đoạn đường này một lần nữa càng cảm thấy lạnh sống lưng.
Con đường đến Đức Khâm đi ngay qua Militang, một trong 3 điểm thăm quan đẹp nhất đang bị đóng cửa của công viên Putatso. Em không vào công viên vì trong 3 điểm thăm quan chính thì 2 điểm đang đóng cửa và mùa này thì cũng chả có gì đẹp.


Các bác cũng sẽ được đi qua hồ Napa nhưng em ngồi bên này không chụp được, hẹn các bác chiều về.
Trên đoạn đường này thì em thấy nhà cửa với kiến trúc kiểu Tây Tạng là chính, ngay cả bác tài và lơ xe trong suốt chuyến đi nói chuyện rất nhiều và toàn nói tiếng Tạng.


Dù trời mưa nhưng đi giữa 2 bên bồng bềnh mây trắng, đường đi phải nói là đẹp


Một chóp mây trên đỉnh núi


Cảnh đẹp không cần phải đợi lâu mặc dù chụp qua kính xe có phần hơi bẩn



Đức Khâm (và cả Shangri-La) thuộc châu tự trị Địch Khánh (mặc dù vẫn thuộc tỉnh Vân Nam) nên đi đoạn đường này thường bị dừng xe tại các chốt chắc của bên quân đội để kiểm tra, thường là bắt mọi người xuống rồi đi 1 vòng quanh xe rồi lên, chắc để cho camera nó quay mặt. Phải nói là Trung Quốc kiểm soát rất chặt chẽ, khắp nơi đều có camera, chỉ riêng phía trước của những chiếc xe khách vớ vẩn này thôi mà em đã đếm được 5 cái camera trong xe rồi. Bảo sao hệ thống nhận diện Thiên Võng của nó bắt được cả những tên tội phạm đã trốn thoát cách đây hơn 20 năm. Chỉ cần dùng phương tiện giao thông công cộng thôi thì khó lòng mà trốn thoát. Tại một chốt em chộp được một chú bò lông bị lột da dã man, định mang về khoác cho ấm nhưng mùi hơi thối nên em thôi 😁


Tại trạm dừng nghỉ
xversion1
TÍCH CỰC
5 năm
Những ngọn núi ở đoạn này khá là to, dường như chỉ toàn đá


Cung đường này nếu như có quả xe máy đi phượt thích chỗ nào dừng lại chỗ đó, thích rẽ đâu thì rẽ thì phải nói là quá sướng, vì nhiều chỗ khá đẹp nhưng xe rẽ nhanh em không thể chụp kip


Ai cũng biết là chụp ảnh lúc hoàng hôn hay bình minh thì ánh sáng nó đẹp hơn, và chụp giữa trưa nắng thì thường ánh sáng gắt và hướng sáng đổ từ đỉnh đầu xuống nhìn xấu. Nhưng những hẻm núi rất to ở đây, dù giữa trưa vẫn che chắn phản xạ sao đó và tạo những vùng sáng khá ấn tượng đối với em.


Kết hợp với lũ bò gặm cỏ bên mép vực này quả là rất nên thơ, tiếc là em chụp qua kính xe nên hơi bị bóng


Càng lên cao thời tiết cũng biến đổi nhanh, khi trước còn nắng mà đi tiếp đã mây mù, những ngọn tuyết sơn đã bắt đầu xuất hiện, ẩn hiện trong mây


Không như đoạn đường từ Lệ Giang đi Shangri-La, tuyết sơn ít thấy và ở khá xa. Khi đi tiếp lên cao như thế này (Đức Khâm ở vị trí cao hơn Shangri-La) thì tuyết sơn nhìn gần hơn và nhiều hơn.


Nhưng không nhìn rõ ngọn nào do thời tiết


Cả trước mặt lẫn bên đường đều thấy những dải núi tuyết mờ ảo trong mây
xversion1
TÍCH CỰC
5 năm
Đến bến xe ở Đức Khâm thì em vội vàng lấy hành lý và đi tìm quầy vé để mua vé về Shangri-La trước. Xe khách ở đây lái xe họ không cất và lấy hành lý hộ mình đâu, ai có vali thì tự mở cửa cho vào cốp, xuống xe lại tự mở cửa lấy và cũng tự bảo quản luôn chứ không có vé dán gì cả. Cho nên có bạn gái lỉnh kỉnh kéo vali để đấy rồi đứng đợi, đợi đến mọt kiếp cũng ko có ai nhét vào giúp.
Mặc dù quầy vé ngay trên tầng 2 mà em chạy 1 đoạn bở hơi tai. Mua vé thì gặp 1 em bán vé chát phấn như bả ma tít nên có thái độ khá sang chảnh. Từ lúc đi đến giờ em toàn gặp nhân viên quầy vé có mặc đồng phục tử tế và lịch sự. Nhưng em này trẻ hơn 1 chút, bả nhiều ma tít hơn một chút và không mặc đồng phục liếc mắt nhìn mình như nhìn một kẻ nhà quê bẩn thỉu rồi quay đi vục mặt vào hộp đồ ăn không cả thèm quan tâm đến việc bán vé, làm em nghỉ đến dịch vụ ở một số tụ điểm du lịch miền bắc nhà mình.
Mua vé xong em trở lại chỗ xe đỗ thì thấy xe đang nổ máy chuẩn bị đi Phi Lai Tự. Chỗ này em hơi bị hớ vì trả cho tài xế 5 tệ để đến Phi Lai Tự trong khi em nghỉ là đáng lẽ em không mất tiền. Vì ngày hôm sau em được đón ở Phi Lai Tự về lại bến xe để bắt xe đi Shangri-La không mất tiền. Có lẽ do em lôi hành lý ra, xong lúc đó mở cốp cho hành lý vào nên bác tài tưởng em là khách mới tới, không nghỉ rằng em là khách vừa đi chuyến xe từ Shangri-La tới nên thu tiền.
Đức Khâm nằm dưới thung lũng 4 bề là núi toan những con đường ngoằn nghèo vắt ngang núi.
Đường đi Phi Lai Tự (Đức Khâm ở dưới đáy có lộ ra chút xíu đó các bác)


Một khu dân cư nằm dưới một thung lũng ở Phi Lai Tự, thung lũng này cũng chỉ ở mức lưng chừng núi chứ chưa phải đáy, nhìn bằng mắt thường có thể dễ dàng đếm được số nhà cửa không nhiều lắm, có một con đường lao thẳng lên đỉnh núi.


Đài quan sát Mai Lý Tuyết Sơn ở Phi Lai Tự có giá 40 tệ/người/lần. Em thuê luôn cái khách sạn đối diện đài quan sát cho tiện, chứ tiền đâu mà vào 40 tệ/lần. Vì thật ra các bác có thể ngắm núi từ bất cứ đâu, vào đài quan sát chỉ có thêm mấy cái stupa cho tiện sống ảo thôi.


Nhận phòng cất đồ ngó xuống em thấy mọi người cứ ra ra vào vào đài quan sát mà không thấy mua vé, em cũng xuống đi vào và nhìn thấy một người đoán là bảo vệ đang đứng buôn chuyện, em cứ đi tiếp cũng chẳng thấy ai hỏi han gì.


Chân dung 1 chiếc stupa


Cờ quạt chằng chịt


Mai Lý Tuyết Sơn bị mây phủ kín nên em đành quay về phòng vì không sống ảo thì cũng chẳng đứng đây làm gì, gió to và rất lạnh. Em lên phòng view từ trên cao đẹp hơn, lại có chăn quấn ấm áp.
N.H.Minh235
ĐẠI BÀNG
5 năm
Em cũng mới vừa check in tại đấy! Đẹp tuyệt vời
image.jpg
xversion1
TÍCH CỰC
5 năm
@N.H.Minh235 Chùa nào nhìn lạ thế bác?
xversion1
TÍCH CỰC
5 năm
Một lúc sau em quan sát từ phòng xuống thì thấy ai vào cũng bị bảo vệ (đúng là người em đoán lúc nãy) hỏi vé, chắc anh chàng đã buôn chuyện xong nên lại quay lại làm việc. Phòng em có ban công hướng ra núi nên có thể quan sát toàn cảnh.


Bên trái ban công nhìn ra một sườn núi, khi âm u thì có màu xám, khi trời không nắng không mù, ánh sáng vừa phải thì có mầu tím khá rõ


Nhưng khi bị nắng chiếu vào lại có màu vàng, không biết trên đó là loại cây gì mà màu biến đổi nhanh thế


Những đỉnh núi phủ đầy tuyết lạnh lẽo kết hợp với không khí ẩm làm hơi nước ngưng tụ tạo nên màn sương mù bao quanh đỉnh núi


Dù gió thổi bao nhiêu thì cũng chỉ làm thay đổi hình dạng của màn mây mù bao phủ chứ không xua tan hết chúng đi được
xversion1
TÍCH CỰC
5 năm
Em dành cả buổi chiều ngồi quan sát, có lúc soi gương thấy mặt tái nhợt đi vì lạnh, lạnh thì lại vào nhà ngồi, phòng có 1 lớp tường bằng kính nên em vẫn quan sát được. Mới đầu thì nghĩ mây mù cũng chỉ là hiện tượng tự nhiên bình thường thôi. Nhưng càng ngồi lâu quan sát những đám màn sương vần vũ biến đổi quanh đỉnh núi, những mảng núi phủ trắng tuyết lúc ẩn lúc hiện, tự nhiên trong lòng cảm thấy sự kỳ bí lạ lùng và bắt đầu nghỉ quẩn.


Mai Lý Tuyết Sơn đối với những người theo đạo nơi đây là một ngọn núi thiêng, có lẽ nào nó thiêng thật, có lẽ nào màn sương mờ ảo kia không chỉ đơn giản là một hiện tượng tự nhiên? Phải chăng thật sự có một thế lực thần bí nào đó liên quan đến ngọn núi? Tự nhiên em cảm thấy lờ mờ hiểu ra tại sao ở nhiều nơi người ta thường coi những ngọn núi tuyết địa phương là núi thiêng, vì họ đã dành cả đời để quan sát nó, và bỗng dưng họ thấy một điều gì nó mà những du khách chỉ ngắm nghía vội vàng qua loa như em không thể thấy được. Có những cảm nhận không thể giải thích bằng lời và cũng không thể chứng minh một cách cụ thể khách quan.
Trong cơn “ngộ đạo” bất chợt vì nhìn núi lâu với một mục đích đơn giản là chờ mây tan núi hiện chứ chẳng phải suy ngẫm cao siêu gì, em rùng mình tỉnh táo lại vì một cơn gió lạnh thổi đến buốt óc, ngó xuống thấy trời đã sắp tối, có mấy vị lạt ma đang đi vòng quanh các stupa, em không để ý nên cũng không biết là các vị này có bị hỏi vé không


Việc đi vòng quanh stupa cũng giống như quay bánh xe cầu nguyện em đã nói ở Shangri-La, tích công đức, giải nghiệp chướng, khai mở trí tuệ. Chính vì vậy có nhiều người theo đạo hàng năm đều đến Tây Tạng đi quanh ngọn núi thiêng Kailash, gọi là đi kora, 1 vòng khoảng 52km. Nghe nói đi được đủ 13 vòng sẽ đạt đến cảnh giới giác ngộ. Em nghỉ là có nhiều anh tour guide có khi còn đi nhiều hơn 13 vòng, không biết đã giác ngộ đến đâu rồi?
Mặt trời đã khuất hẳn sau đỉnh núi, thiếu hơi nóng không khí lại càng lạnh và mây lại càng dày. Em đã mất hẳn hy vọng thấy núi trong ngày hôm nay. Chỉ còn 2 chóp nhỏ này lộ ra, nhìn thì có vẻ như đây là đỉnh cao nhât ở chỗ này nhưng thực ra còn có đỉnh phủ đầy tuyết cao hơn ngay phía sau đã bị mây che khuất.


Buổi tối ở đây khá là buồn tẻ, dân cư thưa thớt và cách xa nhau không đi bộ được, khu em ở thì đi vài bước là hết đèn rồi, chẳng biết làm gì nên mới có thời gian ẩm thực tử tế. Món lẩu bò Yak khét tiếng bây giờ, đến điểm cuối của chuyến đi, em mới được thưởng thức. Nhưng cũng chưa phải là lẩu bò Yak chuẩn, vì em gọi 1 nồi lẩu gà, rồi gọi thêm 1 đĩa bò Yak tươi để nhúng vào nước lẩu gà, cứ thế ngồi uống bia nhâm nhi cả buổi tối trước khi đi ngủ, ở đây bia không cần đá. Theo em thấy thì mùi thịt bò Yak có hôi hơn bò mình 1 tý, cũng hợp lý vì nó có nhiều lông, chỗ nào nhiều lông thì đều hôi hơn cả.
xversion1
TÍCH CỰC
5 năm
Mai Lý Tuyết Sơn nổi tiếng với hiện tượng Nhật Chiếu Kim Sơn, đó là khi những ánh sáng đầu tiên trong ngày chiếu tới đỉnh núi , ánh sáng bị bề mặt núi tuyết phản xạ lại trông giống như đang tự phát sáng. Trên đường đến Đức Khâm các bác sẽ gặp vô số hình ảnh nhật chiếu kim sơn trên Mai Lý Tuyết Sơn, dường như đây chính là hỉnh ảnh biểu tưởng của vùng đất này. Nhưng toàn là hình ảnh chất lượng kém, em không hiểu sao biểu tượng mà lại lấy ảnh kém vậy ra in, trước khi đi em có tìm hiểu và thấy nhiều ảnh đẹp hơn nhiều, có lẽ những tấm ảnh chất lượng kém này được sử dụng vì chúng free chăng? Nếu thật vậy thì của rẻ đúng là của ôi, vì nhìn mấy tấm ảnh này thì chẳng thấy nhật chiếu kim sơn trên Mai Lý Tuyết Sơn nó đẹp ở chỗ nào.

Sáng ngày hôm sau em dậy sớm vì sau chiều qua thì em cũng chẳng có hy vọng gì được chứng kiến nhật chiếu kim sơm. Mới ngó đầu ra trời tờ mờ sáng đã thấy du khách súng ống đứng chờ sẵn ở đài quan sát.


Một lúc sau thì mây đã bắt đầu ửng hồng báo hiệu mặt trời đang dần nhô lên nơi chân trời


Khi một phần bề mặt phủ kín tuyết của tuyết sơn hiện ra, ánh mặt trời vàng phản xạ làm bề mặt như đang tự phát sáng, kết hợp với sự biến ảo của mây tạo ra cảm giác như có 1 mặt trời phía sau đỉnh núi này, chỉ có duy nhất khoảnh khắc này em mới thấy được thế nào là nhật chiếu kim sơn ở Mai Lý Tuyết Sơn. Nó là sự kết hợp của góc nhìn, hướng ánh sáng và bề mặt phản xạ của núi tuyết Mai Lý mới tạo nên được những đỉnh núi phát sáng. Nếu thiếu 1 trong những yếu tố này, chúng ta vẫn có thể thấy được một đỉnh núi đẹp tắm nắng vàng lúc bình minh, nhưng không thấy được nhật chiếu kim sơn.


Quả thật nhìn tận mắt hiện tượng này mới thấy nó đẹp hơn nhiều trong ảnh, ảnh không thể thể hiện được cảm giác như đỉnh núi đang phát sáng. Tuy vậy em vẫn chỉ thấy được 1 góc nhỏ, 1 phần nhỏ của dãy Mai , phần còn lại phẫn phủ kín trong mây


Ở một góc nhìn khác, mặt trời vẫn chiếu lên đỉnh núi nhưng không thể thấy được mặt tuyết phát sáng


Màu vàng đẹp nhất là khi mặt trời vừa lên, ánh sáng chưa quá mạnh và sắc vàng chiếu ưu thế, khi mặt trời lên cao , ánh sáng chói hơn và sắc vàng cũng nhạt dần đi
bài viết chi tiết quá. cảm ơn bác

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019