Tham dự Tech Lounge

Tham dự Tech Lounge


Âm nhạc Morocco: Một hành trình tuyệt diệu

AudioPsycho
29/7/2019 5:46Phản hồi: 25
Âm nhạc Morocco: Một hành trình tuyệt diệu
Đầu bài, mời anh em thưởng thức một playlist tuyệt hay do National Geographic Travel tuyển chọn. Chất nhạc mộc mạc, ngập tràn sức sống như mặt trời Ma Rốc đang rực cháy trên Sahara vậy.

Link Spotify nè!

Giá trị văn hóa ấn tượng



portrait-morocco-01.jpg


Những ai đã có dịp đến Morocco chắc hẳn sẽ cảm thấy ấn tượng với đất nước này, từ các danh lam thắng cảnh đến nền văn hóa và nghệ thuật lâu đời. Brian Jones của The Rolling Stones đã từng thu âm cho nhóm nhạc truyền thống Master Musicians of Joujouka hồi những năm 1960. William S. Burroughs và Timothy Leary còn gọi những nhạc công trứ danh này là "ban nhạc rock 4.000 năm tuổi". Gần đây nhất, Billy Corgan của Smashing Pumpkins đã bỏ ra cả tuần lễ chỉ để quan sát phong cách biểu diễn độc đáo này.

Master Musicians gây ấn tượng mạnh mẽ với người xem, nhất là khách du lịch, bằng hình ảnh nhân vật nửa người nửa dê, còn được gọi là Bou Jeloud. Theo truyền thuyết, nếu cây gậy của Bou Jeloud chạm trúng ai, người phụ nữ đó sẽ mang thai.

tinhte-Music-in-Morocco-2.jpg

Dễ nhận thấy được âm nhạc Morocco mang trong mình tiếng vang vọng của núi non và sa mạc, cũng như ánh mặt trời chói chang rực rỡ. Tiếng đàn oud, một loại đàn có 11 dây, phản ánh nguồn gốc Ả Rập của Morocco cực kỳ rõ rệt. Nhịp trống Berber và phong cách Gnawa càng thể hiện thần thái của 1 quốc gia giàu truyền thống lịch sử, thu hút sự hiếu kỳ của khách du lịch năm châu.

tinhte_chefchaouen_city_of_morroco.jpg
Chefchaouen - Thành phố màu xanh

Nhớ lại hồi năm 1957, Paul Bowles, tác giả cuốn sách The Sheltering Sky, từng xin tài trợ của Library Of Congress cho chuyến hành trình xuyên suốt Morocco. Ý tưởng của ông là nhằm bảo tồn văn hóa âm nhạc cổ truyền của đất nước này trước khi nó bắt đầu bị ảnh hưởng bởi các nền văn hóa hiện đại khác. Trong ròng rã 4 tháng, nhóm chuyên gia của Paul Bowles mang các thiết bị thu đi xuyên suốt Morocco và ghi lại những nét nghệ thuật cổ truyền cần được bảo tồn. Đó có thể là các bài dân ca truyền miệng trẻ em, trình diễn múa kiếm, tiếng trống da dê hay những buổi cầu nguyện trong thành phố Tangier.

Thành phố Đỏ

Quảng cáo


Marrakech, hay còn được gọi là The Red City (Thành phố Đỏ), các quảng trường đông đúc luôn xuất hiện những nhạc công và người điều khiển rắn, mang đến sức sống kỳ lạ của 1 guồng quay không bao giờ chấm dứt. Djemaa el Fna là điển hình của sự nhộn nhịp sôi nổi vang dội trên những bức tường bao quanh thành phố lâu đời này. Năm lần trong ngày, bài cầu nguyện adhan của đạo Hồi vang lên làm không khí trở nên linh thiêng hơn. Mohammed Sudani, một trong những Master của nhánh Gnawa, chậm rãi nói: "Âm nhạc là tâm linh. Âm nhạc là thầy chữa bệnh". Thật vậy, âm nhạc cổ truyền của Morocco từ lâu luôn được xem là có khả năng trừ tà, chữa các chứng bệnh hay thậm chí là đoán trước được tương lai.

tinhte_marrakech_morroco.jpg

Đặt chân đến những ngôi làng Berber, khách du lịch có thể hòa mình vào cuộc sống tất bật của người dân nơi đây trong sự nhộn nhịp của từng phiên chợ. Các gian hàng bán đầy đủ các thứ từ rau quả đến thịt cá, khói than bốc lên và mùi đồ nướng bay ngào ngạt, hay văng vẳng đâu đó là tiếng trả giá của chủ hàng và người mua khó tính.

Làng Anraz là 1 trong những ngôi làng như vậy. Làng này có dân số khoảng 600 người và sở hữu vị trí khá heo hút, xa lánh tầm mắt người dân thành thị. Tuy thế không có nghĩa là nơi đây không được phủ sóng công nghệ, do bạn dễ dàng nhìn thấy những đứa trẻ dán mắt vào màn hình chiếc smartphone. Cái tên Berber (từ chữ barbarian - người man rợ) đã nhiều lần được kiến nghị thay đổi, không vì lý do nào khác ngoài ý nghĩa của nó. Người bản địa thích được gọi là Amazigh hơn, có nghĩa là "người tự do", và âm nhạc mà họ tạo ra cũng không nằm ngoài mục tiêu thể hiện và giữ gìn danh tính của mình.

tinhte_tamtam_morocco_drum.jpg

Những chiếc trống Tamtam được làm từ da dê, trước khi đánh cần được làm ấm bằng cách hơ lửa, do bề mặt da dê thường bị cứng lại khi trời lạnh và làm âm thanh không được tự nhiên. Bốn người đàn ông và 4 phụ nữ ăn mặc chỉnh tề để chuẩn bị biểu diễn. Âm nhạc nghi lễ thường được diễn trong các đám cưới hay các sự kiện quan trọng, tuy nhiên đôi khi cũng chỉ là hát giải trí để mang đến niềm vui sau 1 ngày làm việc mệt mỏi. Cuộc sống ở đây tuy không quá tiện nghi nhưng hầu như cũng không thiếu thốn thứ gì. Trong những đêm lạnh giá, chiếc giường được làm ấm bằng 1 chai nước nóng, khá là độc đáo.

Quảng cáo


Những giai điệu truyền thống Morocco

Các Master có tuổi từ khoảng 40 đến hơn 80 luôn mặc trang phục jellaba khi hành nghề. Sắp xếp vị trí khá đơn giản khi các nhạc công ngồi thành hàng đối diện với khán giả, và cứ thế bắt đầu biểu diễn. Nhìn từ tiêu chuẩn hiện nay, kiểu biểu diễn này dường như sẽ hơi đơn điệu, tuy thế nó đã từng là loại hình giải trí dành riêng cho hoàng gia. Các bài nhạc cũng từng được sử dụng để cổ vũ sĩ khí trước khi đánh trận, đó là lý do vì sao chúng thường mở đầu bằng tiếng trống rất dữ dội.



Phần trình diễn vô cùng mạnh mẽ kéo dài khoảng 2 giờ, nhân vật nửa người nửa dê Bou Jeloud xuất hiện vào khoảng giữa bài diễn. Người sắm vai này là Mohamed El Hatmi, 66 tuổi và đã có thâm niên biểu diễn hơn 35 năm. Ở độ tuổi này mà ông vẫn còn rất sung sức, thực hiện những động tác chạy nhảy và múa gậy liên tục cho đến cuối phần trình diễn. Như nói trên, những người có vấn đề về tâm thần hay cảm thấy có thể mình đang bị "ma quỷ ám" sẽ đến làng Joujouka để hy vọng được "giải thoát". Ít ra là không phải chuyện mang thai như nói đến ở đầu bài.

Brian Jones khi thu âm các tác phẩm của Master Musicians of Joujouka 51 năm trước đã xếp thể loại này vào "world music". Tuy vậy, hiện nay các nghệ sỹ trẻ của Morocco đang cố gắng tạo nên những điều mới lạ hơn nhằm hòa mình với nền âm nhạc thế giới, điển hình có thể nhắc đến Maalem Houssam Guinia (con trai của huyền thoại Gnawa Maalem Mahmoud Guinia), hay 2 DJ Kosh và Driss Bennis. Các nghệ sỹ này không chọn phát triển từ nền âm nhạc Berber truyền thống, thay vào đó chịu ảnh hưởng nhiều hơn từ phong cách electronic và techno của Detroit. Driss Bennis chia sẻ trong 1 bài phỏng vấn rằng anh "cảm thấy mệt mỏi khi các phóng viên âm nhạc luôn muốn thêm những yếu tố hipster Gnawa vào bài báo để hấp dẫn người đọc hơn", và "điều này không phải là thứ mà tôi đang làm".

tinhte-Music-in-Morocco-7.jpg

Kosh nói thêm: "Không phải là báng bổ hay gì cả nhưng tôi thực sự không lớn lên cùng âm nhạc truyền thống. Từ khi còn là tuổi teen, tôi thích nghe Iron Maiden hay Metallica hơn". Đây cũng là lý do nhãn thu Casa Voyager ra đời.

Có thể nói âm nhạc truyền thống của Morocco đã và vẫn là 1 điểm sáng rực rỡ của văn hóa thế giới, nhất là qua những biến đổi thăng trầm trong suốt 63 năm từ khi giành được độc lập. Lớp trẻ Morocco đang phân vân giữa 2 thiên hướng: bảo tồn nó hay phát triển theo xu hướng thế giới. Cả 2 phân nhánh đều có lý riêng và khó có thể biết bên nào sẽ chiếm ưu thế.

tinhte-Music-in-Morocco-8.jpg

Frank Rynne, quản lý của Master Musicians of Joujouka, cũng trình bày những lo ngại của mình: "Những đứa trẻ ở làng Joujouka đều yêu âm nhạc, tuy nhiên chúng đang bị mê hoặc bởi ánh đèn và sự nhộn nhịp của các thành phố lớn. Chúng đa phần đều biết dùng Facebook và rất hay bắt chước những gì có trên đó".

Cảm hứng từ biển cả

tinhte-Music-in-Morocco-9.jpg

Chắc bạn đọc cũng biết Essaouira, thành phố cảng biển Atlantic, nơi mà các ngôi sao lớn như Jimi Hendrix, Cat Stevens hay Frank Zappa đều đến để tìm cảm hứng cho các sáng tác của mình. Castles Made of Sand của Jimi Hendrix có thể chính là viết về Essaouira cũng không chừng. Các hàng quán tại đây đều mở nhạc cổ truyền Morocco, bù lại vẫn có thể nhìn thấy những đứa trẻ cầm trên tay chiếc tablet hay người lớn vùi mắt vào màn hình smartphone. Âu cũng tạo ra nét "tân cổ giao duyên", hay nói cách khác là sự "xâm lấn" của công nghệ vào nền văn hóa truyền thống.

DJ Kali G từng nói về xu hướng và tính chất tâm linh trong âm nhạc Morocco như sau: "Chúng chỉ có thể hiệu nghiệm khi bạn có niềm tin. Những gì bạn cần làm là gạt bỏ hết những suy nghĩ thực dụng, cái tôi của mình và cả những nỗi sợ hãi vô hình. Đó chính là lúc cánh cửa của sự giải thoát sẽ mở ra".
25 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

😁 Mình thích nghe Celtic
Chủ thớt đi ma rốc à?
2 thứ không thể thiếu trong cuộc sống, âm nhạc và phụ nữ
@Thắng police phụ nữ nhiều dễ dẹo sớm đó bác 😁
@manhmanh989 mình nói thiên về phương diện nghệ thuật :D
Nhạc chưa nghe nhưng thấy hình đẹp
hoan242
ĐẠI BÀNG
5 năm
Âm nhạc và văn hoá các quốc gia khác nhau luôn làm mình ấn tượng 😆)
quochuy0703
ĐẠI BÀNG
5 năm
Chưa nghe nhạc Maroc bao giờ
Có link khác ngoài Spotify không
cái video nghe giống biệt đội kèn trống ở VN mình nhỉ 😁
Ô hô ai tai...
Sony A7
ĐẠI BÀNG
5 năm
tới đất nước hồi giáo văn hóa kiến trúc khắc là rất thích, nhưng đạo thì .... đàn ông bán hãng phụ nữ rất ít hoạc không thấy đâu. Có khi còn tưởng đang ở thế giới đàn ông.

Tới nhà thằng bạn người đạo hồi, muốn ngủ ở lại nhà nó cho vui thì vợ con bị phải sang nhà bố mẹ ở. Lúc đầu thấy lạ về sau thấy rất khó chịu, còn rất nhiều thứ nữa.

Đây là ý kiến riêng không ác cảm hay phân biệt chủng tộc nha.
Aptua
ĐẠI BÀNG
5 năm
Biết mỗi cascablanca.
bravemoon177
ĐẠI BÀNG
5 năm
Quá đẹp
Chris Edward
ĐẠI BÀNG
5 năm
Có bạn nào ngu quá phải nghe mozart đẻ thông minh hơn xíu như mình không ta?
Chris Edward
ĐẠI BÀNG
5 năm
@anhtuanhl87 Nghe xuốt mà chưa đi đo IQ lại nữa

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019