Tham dự Tech Lounge

Tham dự Tech Lounge


Hướng dẫn chụp ảnh phong cảnh đẹp hơn - cho các bạn mới bắt đầu

tuanlionsg
30/7/2019 5:34Phản hồi: 77
Hướng dẫn chụp ảnh phong cảnh đẹp hơn - cho các bạn mới bắt đầu
Có nhiều anh em đề nghị chia sẻ một số lưu ý để chụp ảnh phong cảnh, nên mình làm lại thành bài cho nhiều người cần thì tham khảo và bổ sung thêm cho nhau vậy. Những chia sẻ này chỉ là những cơ bản định hướng cho các bạn mới. Linh hoạt sử dụng các kỹ thuật điều khiển thiết bị, ánh sáng, phối cảnh để chụp khung hình như ý bạn muốn. Quan trọng là bạn muốn chụp lại cái gì để rồi sẽ biết chụp nó như thế nào.

Mình có viết text ra để ai đọc thì đọc, không có giờ thì xem mấy cái hình có chữ cũng được. 😁
Chúng ta sẽ trao đổi về các điểm sau:

Screen Shot 2019-07-30 at 12.29.40 PM.png


ÁNH SÁNG KHI CHỤP ẢNH PHONG CẢNH


Nguồn sáng thiên nhiên là chủ yếu trong ảnh phong cảnh. Chúng ta chọn thời điểm chụp (hừng đông, bình minh, chạng vạng...), chọn vị trí có hướng sáng hay và đo sáng đúng ý muốn là được.
  • Đo sáng
    • Ảnh phong cảnh thông thường có phần trời và phần dưới đất. Nên đo sáng vào phần dưới đất rồi tăng giảm +-EV từ 1-2 thì thường cho hiệu quả ánh sáng và chi tiết cảnh vật tương đối hài hòa giữa phần trời và phần đất. Thường khẩu độ dao động từ f/8-16 tùy ánh sáng tại thời điểm chụp.

    • Ngược lại, muốn tạo bóng đen (silhouette) cho đối tượng tại đường chân trời thì đo sáng vào phần trời. Muốn hiệu ứng silhouette càng mạnh thì khép khẩu hoặc tăng tốc độ màn trập 1-2 stop.
  • Lưu ý là nếu chụp cảnh có bề mặt phản chiếu ánh sáng mạnh như đồi cát, bãi biển trống trải thì đừng nên đừng theo thông số đo sáng của máy, vì nó chỉ chính xác khi các khu vực khung ảnh có sự tương phản ở mức trung bình thôi. Bạn hãy khép bớt hoặc tăng tốc độ màn trập 1-2 stop.

  • Đúng sáng hay đúng ý?
    Cơ chế đo sáng thông dụng khi chụp phong cảnh rộng là đo sáng ma trận (matrix / multizone metering) thường cho thông số đúng hơn. Nhưng một bức ảnh đúng sáng đôi khi không độc đáo. Hãy chụp thêm nhiều tấm với +- EV khác nhau để chọn lựa tấm đúng ý nhất, và cũng rút tỉa thêm kinh nghiệm lần sau.
phongcanh_3.009.jpg

  • Ánh sáng vàng
    • Không có loại filter lọc màu nào có thể so sánh được với hiệu quả của ánh sáng dát vàng vạn vật buổi bình minh, mọi thứ như được nồng ấm lên, rực rỡ, đầy cảm xúc ấn tượng. Dẫu là cảnh biển hay núi rừng cũng như đô thành, mọi thứ nổi bật đường nét, lộ rõ hình khối, tương phản sáng tối quyến rũ... Chụp thật nhanh, vì chỉ trong một vài phút, loại ánh sáng đặc biệt này chuyển dần sang màu trắng. Xế chiều, cảnh vật cũng nhuốm màu ấm nóng, nhưng chuyển dần sang đỏ tía khi mặt trời lặn.

phongcanh_3.010.jpg

  • Ánh sáng vàng
    • Không có loại filter lọc màu nào có thể so sánh được với hiệu quả của ánh sáng dát vàng vạn vật buổi bình minh, mọi thứ như được nồng ấm lên, rực rỡ, đầy cảm xúc ấn tượng. Dẫu là cảnh biển hay núi rừng cũng như đô thành, mọi thứ nổi bật đường nét, lộ rõ hình khối, tương phản sáng tối quyến rũ... Chụp thật nhanh, vì chỉ trong một vài phút, loại ánh sáng đặc biệt này chuyển dần sang màu trắng. Xế chiều, cảnh vật cũng nhuốm màu ấm nóng, nhưng chuyển dần sang đỏ tía khi mặt trời lặn.
phongcanh_3.012.jpg

  • Chụp gì?
    • Trước lúc mặt trời lên thì ánh sáng rất xanh, chuyển dần rất nhanh nhuộm hồng lúc mặt trời ló dạng. Lúc này ánh sáng chưa đủ mạnh, có thể chụp silhouette đường nét núi đồi cây cối nhà cửa đô thị, người sinh hoạt... Còn hoàng hôn khi mặt trời lặn mất rồi thì ngược lại, bầu trời phản chiếu mây tạo hiệu ứng pha trộn màu sắc đỏ, cam cũng là hậu cảnh để chụp silhouette tốt.
phongcanh_3.011.jpg

Quảng cáo


  • Lấy nét vô cực, đo sáng ngay vị trí mặt trời và bấm máy! Nếu muốn lấy thêm chi tiết vùng đất hay mặt nước thì mở thêm 1-2 khẩu hoặc giảm tốc độ 1-2 nấc. Hoặc có thể chụp tốc độ màn trập chậm 5 - 15 giây, gắn máy ảnh vào chân máy, khung cảnh với mây bay huyền ảo mờ nhòe.
phongcanh_3.013.jpg

  • Chụp cảnh bình minh và hoàng hôn, nếu chụp với ống kính góc rộng thì thu được cả bầu trời, nhưng mặt trời bé tí ti. Dùng góc rộng nếu có tiền cảnh độc đáo, mây bay rực rỡ, còn cảnh trống trơn thì ống góc rộng rất khó cho ảnh ấn tượng độc đáo. Lúc này có thể dùng ống kính dài (tele từ 100mm trở lên) cho hình dáng mặt trời lớn hơn, nổi bật trong bố cục, nhưng quá hẹp thì chỉ có mặt trời và vài đám mây chung quanh mà không có tiền cảnh gì cũng khó nói điều gì.
phongcanh_3.014.jpg phongcanh_3.015.jpg

Tấm dưới này, mình chụp bằng Nikon D200 rất lâu rồi, với ống Tamron 17-50mm tại khẩu f/16 để có độ nét sâu và lưu giữ được ray của tia sáng qua lớp sương.
phongcanh_3.016.jpg

TRƯỜNG ẢNH - DOF

Chụp ảnh phong cảnh, khác với chụp tĩnh vật hay chân dung xoá phông nền. Thường một cảnh vật đẹp, người ta muốn ghi hình có độ nét dày/ sâu, tạo được càng nhiều khối hình càng hay. Thành ra, việc quyết định làm chủ độ sâu trường ảnh trong ảnh phong cảnh là cần biết. Việc thiết lập khẩu độ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến DOF.
Về khẩu độ ống kính:
  • Khẩu độ lớn = số F nhỏ = DOF mỏng / cạn.
  • Khẩu độ nhỏ = số F lớn = DOF sâu / dày.
Tấm này, ngoài việc siết khẩu nhỏ (f/11 - f/22) sẽ có DOF dày, và nếu lá khẩu ống kính nhiều lá, sẽ tạo tia sáng tại một nguồn sáng như đèn đường hay mặt trời kích thích thị giác người xem thú vị.

Quảng cáo



phongcanh_3.020.jpg

phongcanh_3.022.jpg

Anh em xem các trường hợp "khoảng ảnh rõ nét" (DOF) tại các phạm vi khác nhau theo trục chiều sâu khi chụp một bức ảnh phong cảnh. Càng dày thì cảm giác ảnh có nhiều lớp, tạo khối và chiều sâu hơn.
Xem 2 tấm dưới đây, cùng 1 chỗ, mình chụp 2 tấm với 2 khẩu độ mở lớn nhỏ khác nhau. Tấm trên khép khẩu f/8, dưới mở f/2.8
4398941_SAM_2116.jpg
phongcanh_3.029.jpg phongcanh_3.023.jpg phongcanh_3.024.jpg phongcanh_3.025.jpg phongcanh_3.026.jpg phongcanh_3.027.jpg phongcanh_3.028.jpg

TIÊU CỰ ỐNG KÍNH

Tuỳ theo độ dài tiêu cự ống kính, trường sâu độ ảnh sẽ cho hình ảnh không còn giống như mắt nhìn trong cảnh thực. Với ống kính trung bình, chiều sâu ảnh trường gần tương tự như mắt nhìn, nhưng với ống kính tele (tiêu cự dài) thì chiều sâu ảnh trường sẽ thu hẹp lại, hình ảnh có hậu cảnh gần hơn cảnh thực tế, các lớp ảnh sít lại gần nhau; trong khi đó với ống kính góc rộng (wide) thì chiều sâu ảnh trường bị đẩy xa ra, hình ảnh thu được có hậu cảnh xa hơn so với cảnh thực, không gian có cảm giác rộng hơn so với thực tế.
  • Về tiêu cự ống kính:
    • Tiêu cự ống kính càng dài thì khoảng DOF càng mỏng / cạn.
    • Tiêu cự càng ngắn thì DOF càng sâu / dày.
  • Về khoảng cách từ máy ảnh đến chủ đề:
    • Khoảng cách từ ống kính đến chủ đề càng gần thì DOF càng mỏng / cạn.
    • Khoảng cách này càng xa thì DOF sẽ càng sâu / dày.
Một ống kính tiêu cự 35mm trên máy ảnh full-frame là ống phổ thông nhất cho ảnh phong cảnh. Có rất nhiều tác giả chụp chỉ với ống 35mm suốt thời dùng phim đến số. Càng về sau sau, nhiều ống kính góc rộng hơn, thường rất đắt tiền, được dùng chụp phong cảnh là ống có tiêu cự 28mm, 24mm, 20mm hoặc rộng hơn giúp thu khung hình mênh mông hơn. Nhưng, luôn nhớ ống kính có góc thu hình càng rộng thì hiệu ứng bóp méo và nghiêng đổ các đường thẳng trong hình càng lộ rõ, nhất là tại vùng rìa và tại 4 góc khung ảnh. Các đường thằng càng gần mép hình thì càng cong phình ra, các đường thẳng không đi qua tâm bị uốn méo lệch khi chụp ở khoảng cách càng gần. Đó là lưu ý khi chọn tiêu cự ống kính để chụp phong cảnh.

4398853_DSC_8481.jpg

Nikon D3 14mm - Nepal
  • Những ống kính góc rộng đặc biệt, như ống kính 12mm hay 15mm, là các hãng dùng kỹ thuật mài thấu kính đặc biệt, uốn thẳng đường khúc xạ của tia sáng khi đi qua để giảm thiểu hiệu ứng méo góc cong lệch trên. Nhưng thường là giá thành các ống này rất đắt tiền, và cũng hạn chế ứng dụng nhiều trong thực tế. Ngoại trừ những ai có nhu cầu thực hiện dự án đặc biệt nào đó. Và, mình thấy giải pháp dung hòa cho ý muốn góc rộng là 20mm, hoặc cơ động là các ống zoom 10-22mm, 16-35mm, 17-40mm, 17-55mm...
4398851__MG_0699.jpg
Canon 6D 15mm - Lak Daklak


  • ISO - độ nhạy sáng
    • Ta hay nghe độ nhạy ISO càng cao thì hiện tượng nhiễu hạt càng dễ xuất hiện. Hãy nghĩ rằng chọn ISO nào là tùy thuộc bối cảnh chụp muốn có bức ảnh thế nào. Nếu bạn muốn bức phong cảnh có chi tiết tối đa từ gần đến xa thì dùng độ nhạy ISO càng thấp càng tốt, để hình ảnh cực mịn và nét. Nhưng, sử dụng độ nhạy thấp thì phải chụp ở tốc độ màn trập chậm, trừ bối cảnh sáng rực, khi đó một làn gió nhẹ ngang qua thì cành lá trong ảnh dễ bị mờ nhòe mất chi tiết. Cho nên, tùy bối cảnh mà bạn có chọn lựa ISO phù hợp.
4398870_DSC_2862-copy.jpg
Nikon D200 - ISO1600 - Núi Đại Bình - Bảo Lộc


  • Khung hình
    • Khung hình: Máy ảnh có nhiều tỷ lệ khung: 2 x 3 như tấm film, 3 x 4, 1 x 1 (film khổ vuông như các máy khổ film 6 x 6) 9 x 16 ... Khung ngang là khung được sử dụng nhiều và dễ chụp vì hợp với góc nhìn của đôi mắt. Thử chuyển cùng cảnh vật sang khung đứng, tự nhiên đôi mắt nhìn tập trung vào phần dưới của khung, vị trí mà các chủ đề được nhấn mạnh. Khung đứng đòi hỏi sắp xếp kết cấu bố cục khó hơn khung ngang. Nhiều chủ đề thích hợp khung ngang thì cũng nhiều chủ đề chỉ phù hợp với khung đứng. Tuỳ nghi sử dụng sao chủ đề được nhấn mạnh và nổi bật trong kết cấu các thành phần bối cảnh.
4398906_IMG20130128004444_1.jpg
Pano đồi chè ở Lào Cai
  • Những người chụp ảnh ngày càng bác bỏ những quy luật kinh điển hẹp hòi về bố cục để tìm kiếm sáng tạo những bố cục theo suy nghĩ chủ quan hơn. Cứ tuân theo luật nếu nó hiệu quả; nếu không hiệu quả thì hãy bỏ qua và đi theo cách riêng của mình. Bố cục là cái người ta "nhìn thấy" và "suy nghĩ", đặc thù và độc đáo, nên quan trọng là phải "nhìn thấy" và những gì bạn "suy nghĩ". Bố cục xuất hiện để đáp ứng nhu cầu khoảnh khắc mà người chụp cảm thấy phù hợp để ghi nhận và chuyển tải nội dung hay ý nghĩa của cảnh huống ấy.
4398901_SAM_2440.jpg


CHỦ ĐỀ PHỤ TRONG ẢNH PHONG CẢNH



phongcanh_3.032.jpg phongcanh_3.033.jpg phongcanh_3.034.jpg phongcanh_3.036.jpg phongcanh_3.038.jpg phongcanh_3.039.jpg phongcanh_3.043.jpg phongcanh_3.044.jpg phongcanh_3.045.jpg phongcanh_3.046.jpg phongcanh_3.047.jpg

CHỦ ĐỀ PHỤ
  • Hậu cảnh
    Phần phía sau là hậu cảnh của chủ đề. Hậu cảnh không nên có màu sắc, hình thù, độ sáng... tương tự với chủ đề, làm cho chủ đề lẫn lộn với hậu cảnh, không phân biệt đâu là chủ đề và đâu là hậu cảnh. Người ta gợi ý các cách:
    • Dùng ánh sáng tách bạch thị giác để phân biệt chủ đề và hậu cảnh, nhìn thấy cái này nhạt hơn hoặc đậm hơn cái kia tạo được sự tách bạch giữa chủ đề chính và hậu cảnh. Bạn xem ảnh sau sẽ thấy có tấm chủ đề bị chìm hẳn trong hậu cảnh.
    • Dùng ống có khẩu độ lớn đẻ làm mờ nhoà hậu cảnh và làm chủ đề nổi bật, tạo ấn tượng chiều sâu hoặc gần xa giữa chủ đề chính và hậu cảnh bằng sự tương phản mờ và rõ.
  • Tiền Cảnh
    Tiền cảnh biểu trưng sự gần gũi còn hậu cảnh diễn tả khoảng cách xa xôi không gian. Khi chọn nhấn mạnh tiền cảnh hay hậu cảnh là người chụp muốn diễn tả một ý đồ cụ thể.
    • Nghiêng máy lên/xuống để lấy nhiều/ít tiền cảnh.
    • Dùng ống tele thì giảm cảm giác chiều sâu ảnh, dùng wide để nhấn mạnh tiền cảnh.
    • Dùng một vật tiền cảnh tạo tương phản gần xa / chiều sâu ảnh.
phongcanh_3.007.jpg phongcanh_3.006.jpg phongcanh_3.004.jpg

  • Đừng quá cầu kỳ mà hãy đi chụp nhiều hơn!
    • Dĩ nhiên có điều kiện thì sắm nhiều ống kính nhiều tiêu cự khác nhau để ảnh phong cảnh thêm đa dạng, mới lạ, nhưng tránh sắm quá dư thừa sử dụng quá ít. Ngân sách eo hẹp thì cũng không nên quá đặt nặng trọng tâm vào thiết bị. Rất nhiều bức ảnh thành công chỉ với một máy ảnh cùng ống kính góc rộng trung bình (35mm) thôi. Không quá đòi hỏi thì một máy ảnh và một ống kính 28mm hoặc 35mm là đủ vui vẻ đi khắp nơi.

    • Nếu mua filter thì nên mua cái CPL (polariser), ND giảm khẩu, và chân máy để chụp hoàng hôn hay bình minh với tốc độ màn trập chậm, một chân máy là công cụ cần thiết. Luyện con mắt ngắm nhìn phong cảnh là điều cần luyện tập không ngừng.
Chụp ảnh phong cảnh thấy dễ nhưng mà khó! Phong cảnh tĩnh tại không di chuyển, nên người chụp có nhiều thời gian để cân nhắc góc chụp, bố cục canh khung, chỉnh chọt máy móc... và có thể chụp phong cảnh quanh năm cũng như ở bất kỳ nơi đâu. Vì vậy, ảnh phong cảnh rất nhiều, rất phong phú, từ sự khác biệt của ánh sáng thay đổi theo thời tiết, màu sắc theo mùa, cho tới sự phong phú bởi hiệu quả của ống kính tiêu cự khác nhau. Cho nên cũng vì ảnh phong cảnh đã quá phong phú, nên người chụp luôn có thách thức về kỹ thuật làm sao thể hiện bức ảnh có sự mới lạ so với người khác.

Chúc anh em vui vẻ và có nhiều ảnh đẹp đó đây trong các chuyến đi!
77 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

giangcj
TÍCH CỰC
5 năm
Muốn chụp phong cảnh đẹp thì trước tiên phải có tiền tới những nơi có cảnh đẹp đã ;)
Nino_Jen
ĐẠI BÀNG
5 năm
@giangcj Trước tiên vẫn là tiền pk bác!
@giangcj Theo mình ảnh đẹp trước tiên người chụp phải có thẩm mỹ, sau đó tới trình chụp ảnh, tiếp đó mới là thiết bị chụp và cuối cùng là cảnh chụp.
giangcj
TÍCH CỰC
4 năm
@hackphonehy Chụp phong cảnh khác với các thể loại khác là bác không thể tự sáng tạo ra cảnh chụp, không thể biến đổi cảnh chụp mà chỉ có thể lựa thời điểm tới. Trong nhiếp ảnh phong cảnh thì quan trọng nhất theo mình là phải tới được địa điểm đẹp, sau đó là lựa thời gian đẹp nhất trong năm của nơi đó để chụp. Những cái như thẩm mỹ thì theo mình ai cũng có chút ít, thiết bị thì nếu không có cảnh đẹp thì thiết bị tốt cũng không ghi lại được.
parrot
ĐẠI BÀNG
5 năm
Hy vọng có thêm bài viết chia sẻ thông tin, ưu nhược của một số lens góc rộng thường dùng trong chụp phong cảnh.
Xưa giờ toàn xài kit 18-55, Tokina 11-16
@parrot Cảm ơn bạn khích lệ, mình sẽ làm chia sẻ phần nào cho anh em nhé!
Lựa cảnh ko quan trọng chỗ đẹp. quan trọng mình chụp sao cho nó thành cảnh đẹp. haha
cảm ơn anh đã chia sẻ. hi vọng anh sẽ chia sẻ thêm
t6_arch
ĐẠI BÀNG
5 năm
bài viết hay quá
upmitom
ĐẠI BÀNG
5 năm
bác làm bài tus hướng dẫn chụp ảnh phong cảnh bằng filter nd , gnd , cpl , kết hợp đi ạ , tks bác admin đẹp trai ^^
tinln
ĐẠI BÀNG
5 năm
mãi yêu anh!
Chỉ thích chụp bình minh và hoàng hôn thô, cám ơn bác đã chia sẻ.
hay bài viết bổ ích phết :3
Đẹp!
Ruy
From mixigaming with love
xversion1
TÍCH CỰC
5 năm
Sau bao nhiêu năm chụp phong cảnh (du lịch thôi chứ ko phải chuyên nghiệp gì) tôi rút ra kết luận quan trọng nhất: để có ảnh phong cảnh đẹp quan trọng nhất là cảnh phải đẹp. Nhiều khi khi nhìn mấy cái ảnh đểu chụp hời hợt bằng điện thoại ở những nơi sơn minh thuỷ tú trên FB mà thấy những tấm ảnh chụp setup kỹ càng, chờ đợi giờ vàng của mình ở những nơi bình thường sao mà quá tầm thường.
nhox.henry
ĐẠI BÀNG
5 năm
Bài hay quá. Cảm ơn bác Tuấn đã chia sẻ. 😁
rintakis
ĐẠI BÀNG
5 năm
Bài rất hay. Thanks bạn !
Rất hữu ích
Sau bao năm dùng flagship, mình vẫn chụp như beep 😁
Phần ‘ánh sáng vàng’ bị lặp lại.
ThôngQ10
ĐẠI BÀNG
5 năm
Mình cũng thích chụp ảnh nhưng chưa có điều kiện để mua máy ảnh.
Bài sai trầm trọng ở lấy nét và không nói tới tác hại của việc khép khẩu quá sâu.
Thứ nhất ko ai chụp phong cảnh lấy nét ở vô cực. Người ta sẽ lấy nét tối ưu để có ảnh nét từ tiền cảnh tới hậu cảnh hoặc lấy nét tùy ý đồ. Vặn nét vô cực là out
Thứ 2 khép khẩu quá sâu sẽ bị nhiễu xạ làm ảnh không nét, khẩu tối ưu vẫn là 8-11 vì ở đây nhiễu xạ chưa nhiều và dof vừa đủ vs đa phần ảnh
@westlifeplaywar Mọi khoảng tiêu cự nó có một vùng nét nhất định ra khỏi vùng nét đó thì cho dù bạn lấy nét vào bất kỳ điểm nào trong khung ảnh thì các vật thể đằng sau điểm đó đều rõ nét. Đó là lý do tại sao ống tele có thể xóa phông còn wide thì không. Trong nhíp ảnh phong cảnh ít ai mà dùng khẩu độ của ống kính để kiểm soát trường hình ảnh lắm mà đa số là để kiểm soát ánh sáng và tốc độ, thay vào đó ta chọn vị trí của máy ảnh và khung ảnh kết hợp với chọn focal length của ống kính.
Jangnhut
TÍCH CỰC
5 năm
@westlifeplaywar “không ai chụp phong cảnh lấy nét ở vô cực”
“Vặn nét vô cực là out”
Bạn nên xách máy đi chụp thay vì ngồi đọc lý thuyết nhiều quá
doanfd
TÍCH CỰC
5 năm
@westlifeplaywar Chuẩn rồi, chụp phong cảnh mà không biết đến điểm hyperforcal ở đâu thì vẫn chưa thể kiểm soát dof được, mà cái này khá quan trọng nhưng bài này không hề đề cập. Lấy nét vô cực sẽ bị out tiền cảnh nếu nó quá gần, thậm chí rất nhiều lens hãng họ ko để điểm vô cực ở cuối hành trình vòng lấy nét mà sẽ hơi lùi lại 1 chút nên nhiều ông MF vặn căng tay là cũng out cả ảnh.
@Jangnhut Trong ảnh phong cảnh hay ảnh gì đi nữa thì khẩu độ không chỉ kiểm soát dof mà nó kiểm soát cả độ nét + chất lượng của ảnh, không phải ai cũng có lens xịn khẩu to nét từ tâm ra rìa để chụp rồi viền tím xanh đỏ tối góc các kiểu, nhất là trên lens ultrawide đa số hay dùng phong cảnh mấy cái hiệu ứng kia lại rất dễ thấy
@Jangnhut Ờ ờ ^^ nếu chú e còn cầm máy thì chắc vài năm nữa sẽ hiểu a nói gì. Khi nào hiểu thì ta nc tiếp. Bt a dạy lấy tiền nên cũng ko rảnh ngồi giải thích free. Còn việc xách máy đi chụp thì 1 tháng a đi tầm 2-3 trip quanh quanh việt nam thôi. Nước ngoài thì 1 năm 1 lần
Jangnhut
TÍCH CỰC
5 năm
@westlifeplaywar Ồh, thế àh. Ngưỡng mộ quá ạh

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019