Tổng hợp 72 thuật ngữ nhiếp ảnh cần để sử dụng máy ảnh thành thạo & học chụp ảnh nhanh hơn

tuanlionsg
8/10/2019 10:19Phản hồi: 85
Tổng hợp 72 thuật ngữ nhiếp ảnh cần để sử dụng máy ảnh thành thạo & học chụp ảnh nhanh hơn
Đây là danh sách các từ dùng, tính năng, hoặc chức năng sử dụng máy ảnh để chụp ảnh cho anh em mới bắt đầu. Mình không chọn cách giải thích thuật ngữ theo cách định nghĩa phức tạp, mà thiên về người dùng máy ảnh cụ thể hơn. Chẳng hạn "tốc độ màn trập" thì bạn hiểu được lý do vì sao tốc độ màn trập lại cần thiết và cách sử dụng nó. Bài sắp xếp theo mẫu tự Alphabet, mong là hữu ích cho anh em đang cần.

  1. Aperture - Khẩu độ
    Tương tự con ngươi mắt người, khẩu độ là một lỗ mở trong ống kính máy ảnh. Còn gọi là độ mở của ống kính. Khẩu độ càng lớn cho phép nhiều ánh sáng đi qua ống kính, và ngược lại. Vì vậy, người chụp ảnh thích sử dụng khẩu độ ống kính lớn khi điều kiện ánh sáng yếu. Khẩu độ lớn nhỏ đó được biểu thị tỷ lệ: f/1.4, f/2.8, f/4, f/5.6, f/8, f/11, f/16...

    Khẩu độ ống kính tác động trực tiếp đến DOF (là khoảng ảnh rõ nét của ảnh - độ sâu trường ảnh). Khẩu độ càng lớn thì khoảng DOF càng mỏng hẹp và ngược lại khẩu độ càng nhỏ thì khoảng rõ DOF càng dày sâu. Ví dụ: tại cùng thời điểm bối cảnh f/2.8 sẽ cho DOF mỏng hơn chụp với khẩu độ f/22...
    3549383_camera-begining-hocchupanh-tinhte.vn--8.jpg

  2. AF-ON - Back-Button Focus - lấy nét bằng nút sau lưng máy

Nút AF-On dùng để khoá nét thay cho việc giữ nửa nút chụp. Thay vì bấm một nửa nút chụp phía trên máy và giữ để lấy nét rồi bấm nút chụp và mỗi khi chụp lại phải bấm 1/2 như vậy để lấy nét lại, thì bấm nút AF-ON thì máy tự động lấy nét và khoá nét rồi bấm nút chụp tức thì. Sử dụng AF-On giúp thao thác chụp nhanh hơn nhờ khoá nét sẵn tại một khoảng cách. Một số máy không có AF-On thì thiết lập dùng nút AE-L/AF-L làm nút AF-ON. AE-L/AF-L là khoá cả lấy nét và đo sáng, cả khi bạn thả nút chụp.
Back-Button-Focus-650x433.jpg
  • AE Lock - Khoá phơi sáng tự động
    Viết tắt từ Auto Exposure Lock. Khi chụp ảnh ở chế độ ưu tiên khẩu độ (A/Av), ưu tiên tốc độ (S/Tv) hay hoàn toàn tự động P (Program), thì khẩu độ ống kính và tốc độ vận hành của màn trập sẽ thay đổi khi máy ảnh tự động phát hiện nguồn sáng ở môi trường xung quanh và có thể thay đổi thiết lập một cách tự động. Với tính năng AE Lock, người chụp khoá cố định khẩu độ ống kính & tốc độ màn trập mà máy ảnh đã thiết lập khi đo sáng, nên lúc thay đổi bối cảnh ánh sáng do người chụp dịch chuyển góc máy hoặc bố cục lại khung hình, thì các thông số phơi sáng cũng không thay đổi tự động. Khi bạn bấm nhẹ nút chụp (nửa cò) rồi giữ yên, hoặc bấm nút AE Lock, chế độ đo sáng được kích hoạt và các thiết lập phơi sáng sẽ bị khoá tại điểm lấy nét.
  • AF Lock - Khoá lấy nét tự động
    Viết tắt từ Auto Focus Lock. Ở chế độ tự động, sau khi người chụp lấy nét bằng cách bấm nhẹ nút chụp (nửa cò) hoặc bấm nút AF Lock, chế độ lấy nét được kích hoạt và khoá nét tại đối tượng, nếu máy ảnh có dịch chuyển hay do người chụp bố cục lại khung hình thì điểm đã lấy nét vẫn không thay đổi.
  • AI Servo AF / AF-C - Chế độ lấy nét tự động liên tục
    Máy ảnh sẽ sử dụng chế độ lấy nét tự động liên tục đối tượng di chuyển thay vì lấy nét tự động một lần. Chế độ này đoán trước chuyển động tiếp theo của đối tượng và lấy nét ngay khi đối tượng dịch chuyển. Phù hợp với hoàn cảnh chụp chuyển động, thể thao...
  • Angle of View - Góc nhìn
    Góc nhìn là độ rộng của một khung cảnh mà máy ảnh ghi nhận được thành hình ảnh. Góc nhìn thay đổi tuỳ thuộc vào độ dài tiêu cự của ống kính, được quy ước tính bằng mm. Ống kính góc rộng (wide) có góc nhìn rộng và ngược lại ống kính tiêu cự dài (tele) có góc nhìn hẹp hơn.
  • Aperture & Aperture Value - Khẩu độ & Ưu tiên khẩu độ
    Khẩu độ là độ mở của ống kính cho phép ánh sáng đi qua ống kính trước khi vào máy ảnh.
    Ưu tiên khẩu độ là chế độ mà người chụp chủ động thay đổi độ mở lớn hay nhỏ để kiểm soát lượng sáng đi qua ống kính. Khẩu độ được ký hiệu là chữ "f", thể hiện dưới dạng viết như: f/1.2, f/1.4, f/2, f/2.8, f/4, f/5.6... Chế độ ưu tiên khẩu độ này nhằm mục đích kiểm soát độ sâu trường ảnh của bức ảnh, còn gọi là khoảng ảnh rõ nét trong khung ảnh (DOF).
    3549487_camera-begining-hocchupanh-tinhte.vn--13.jpg

  • Backlight - Ngược sáng
    Là nguồn sáng chiếu từ phía sau chủ thể đối diện với ống kính. Ngược sáng tạo độ tương phản cao, tạo bóng trực diện với ống kính. Đây là hướng sáng khó sử dụng nhưng là hướng sáng gây ấn tượng mạnh mẽ và dễ tạo cảm xúc cho người xem, nếu người chụp kiểm soát được.
    4696058_Untitled-24A.jpg

  • Bokeh - Vùng ảnh không rõ nét
    Bokeh là vùng ảnh nằm ngoài "khoảng ảnh rõ nét" của ảnh hay nói kiểu khác là vùng không rõ nét, bước chuyển mượt mà hoặc kịch tính giữa các vùng khác nhau tạo ra hiệu ứng thị giác. Hiệu ứng hấp dẫn thị giác của bokeh rất nịnh mắt khi xem một bức ảnh, tạo sự thú vị do độ chuyển của độ sâu trường ảnh. Từ ngữ chữ bokeh có nguồn gốc là mức độ mờ nhoè của các chi tiết nằm ngoài vùng ảnh rõ nét (out-of-focus areas) thường được tạo ra do cấu trúc lá khẩu của ống kính. Tùy mỗi dạng thiết kế hệ thống lá khẩu bên trong ống kính sẽ tạo ra các dạng bokeh khác nhau.
  • Quảng cáo


    4752556_Cover.jpg
  • Bracketing (BKT)
    Thiết lập chụp bù trừ sáng tự động nhiều tấm một lần bấm nút chụp. Chẳng hạn chụp 3 tấm cùng khung ảnh, một tấm đúng như máy đo sáng, 2 tấm kia thì một thiếu và một thừa 1 khẩu độ chẳng hạn. Để cài đặt tuỳ chọn, vào Menu chọn "Auto Bracking set", chọn AE only nếu chỉ thay đổi phơi sáng hoặc AE flash nếu thay đổi mức đèn flash (nếu có). Nhấn nút BKT, chọn số ảnh trong chuỗi chụp bù trừ và thứ tự ảnh, hiển thị trên màn hình. Mục đích của BKT là để chụp nhiều tấm với các thiết lập phơi sáng khác nhau cùng lúc, tuỳ chọn tấm ưng ý, hoặc chồng các tấm đó lại với nhau thành một tấm để tăng chi tiết ảnh.
    Bracketing-Button-on-Nikon-D7000-960x640.jpg
  • Blurred shot - Ảnh mờ nhoè
    Tình trạng bức ảnh chụp đối tượng di chuyển, hoặc máy ảnh rung lắc khiến cho đối tượng cần nét bị mờ nhoè. Cũng có trường hợp người chụp cố ý làm mờ nhoè đối tượng để tạo hiệu ứng chuyển động, còn lại bình thường tình trạng này đều làm cho bức ảnh không thể hiện tốt.
    3549525_camera-begining-hocchupanh-tinhte.vn--23.jpg
  • Bounce flash - Dội sáng đèn
    Khi đánh đèn flash mà đèn hướng vào bờ vách, trần nhà trắng hoặc mặt phẳng trắng sáng nào đó nhằm mục đích tạo sự phản chiếu ánh sáng ngược lại đối tượng cần chụp. Với cách này, ánh sáng dội lại làm phân tán ánh sáng rộng hơn, tạo hiệu quả mềm mại giảm bớt sự tương phản gay gắt và bóng đổ hơn, nhưng lưu ý là cường độ sáng sẽ suy giảm khi đến được đối tượng, nên cần tính toán trước để dùng hiệu quả.
  • Bulb - Chế độ phơi sáng B trên máy ảnh
    Là chế độ cho phép mở màn trập phơi sáng chủ động trong thời gian tuỳ ý người dùng. Khi chọn chế độ này, bấm nút chụp, màn trập sẽ mở liên tục trong thời gian người chụp còn giữ nút chụp ở tình trạng bấm xuống, và màn trập sẽ đóng lại khi nút chụp được thả ra.

  • Camera Modes - Các chế độ chụp
    Tất cả các máy ảnh số đều hỗ trợ nhiều chế độ chụp để người dùng tuỳ chọn. Các chế độ này thường được điều chỉnh bằng vòng xoay, nút bấm hay lựa chọn trong menu. Các máy ảnh số như DSLR chuyên nghiệp ưu tiên nhiều hơn cho các chế độ cho phép sự can thiệp của người chụp. Các máy ảnh số tầm trung hay bán chuyên thì kết hợp đa dạng các chế độ tự động và có thể một phần can thiệp của người dùng. Các máy ảnh du lịch phổ thông ... thì ưu tiên cho các chế độ chụp tự động.
    • Các chế độ chụp có thể can thiệp thông số
    • Các chế độ chụp hoàn toàn tự động
    • Chọn chế độ chụp: M, A (AV), S (Tv), hay P
    3549378_camera-begining-hocchupanh-tinhte.vn--2.jpg

  • Chromatic Aberration - Quang sai màu / sắc sai
  • Quảng cáo


    Hiện tượng viền tím được gọi là quang sai hay chính xác hơn là sắc sai, xảy ra khi ánh sáng đi qua hệ thấu kính của ống kính bị sai lệch trở thành một chùm ánh sáng với sự phân tách các lớp màu chuyển dần từ đỏ sang tím. Nguyên nhân là do ánh sáng là tập hợp của 7 màu sắc cơ bản (đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím) có bước sóng từ 300nm đến 700nm. Các tia sáng này có bước sóng hoàn toàn khác nhau, khi chúng khúc xạ qua hệ thấu kính của ống kính sẽ có sự sai lệch điểm nét tại các vị trí khác nhau, và không hội tụ trùng một điểm trên mặt phẳng nét, đó chính là sự tán sắc thành dãy quang phổ hội tụ ngoài điểm ảnh nét. Kết quả từ hiện tượng này là gây ra viền mờ xung quanh đối tượng trong ảnh thu được và phân tán từ đỏ sang tím (màu đỏ - đỏ tươi - xanh lục - xanh dương - vàng - tím). Hiện tượng này xuất hiện càng nhiều khi bức ảnh được chụp trong hoàn cảnh nguồn sáng và đối tượng có sự tương phản sáng cao.

    Có hai loại!
    • Một loại là được gọi là “bokeh viền ảnh” hay còn gọi là sắc sai trục dọc, viền tím xảy ra khi các tia sáng có bước sóng khác nhau khi đi qua ống kính không hội tụ tại một điểm trên mặt phẳng nét và thậm chí chúng nằm ở vị trí trước hoặc sau điểm nét nhưng đều trên trục tiêu cự. Viền tím xuất hiện xung quanh đối tượng ảnh, và chuyển dần màu tím cả vùng trung tâm. Loại viền tím này thường có trong ảnh chụp bởi ống kính mở khẩu lớn, kể cả ống kính cao cấp đắt tiền.
    • Loại thứ hai gọi là sắc sai trục ngang, xảy ra khi các tia sáng có bước sóng khác nhau khi qua ống kính thì tập trung tại các vị trí ở cùng trên mặt phẳng nét nhưng bị phân tán không tại một điểm chung. Khác loại viền tím trên, loại này không xuất hiện ở trung tâm mà nằm ở ven góc của khung ảnh thuộc vùng có tương phản sáng cao và phổ biến với sắc xanh hoặc tím. Loại này thường có trong ảnh chụp bởi ống kính góc rộng hoặc chất lượng kém.
    Focus-Accuracy-AF-Fine-Tune-2.jpg

  • Composition - Kết cấu các thành phần trong khung ảnh
    Chúng ta thường gọi là "bố cục". Đó là việc người chụp sắp xếp bằng cách chọn sự liên kết các yếu tố / thành phần / vật thể ... xuất hiện trong một khung ảnh. Việc sắp xếp (bố cục) đó nhằm tạo được bức ảnh hài hoà về nội dung và hấp dẫn về thị giác; người chụp sắp xếp bố cục để diễn tả hiệu quả nhất lượng thông tin mà họ muốn lưu giữ và truyền đạt, và có những thủ pháp hấp dẫn thị giác cuốn hút người xem.
    Telephoto-Lens-Abstract-Composition-960x686.jpg

  • Crop Factor - Hệ số khuếch đại
    Là hệ số crop được tính tương ứng với kích thước cảm biến máy ảnh full-frame. Các hãng máy ảnh sản xuất máy ảnh song song cả loại cảm biến full-frame song song với crop sensor. Canon có có dòng crop sensor có hai tỷ lệ khuếch đại là 1.6x và 1.3x; Nikon, Sony, Pentax... đều theo tỷ lệ khuếch đại 1.5x. Một số dòng mirrorless lại dùng cảm biển có tỷ lệ khuếch đại 2x.

    Khi gắn cùng một ống kính trên các máy có kích thước cảm biến khác nhau (hệ số khuếch đại) khác nhau, ta có các khung ảnh khác nhau. Ví dụ ống kính 50mm trên máy ảnh DSLR full-frame sẽ có góc thu hình rộng hơn là khi gắn trên máy ảnh DSLR crop sensor. Ống kính 50mm của máy ảnh DSLR full-frame là ống kính normal tiêu chuẩn nhưng khi gắn trên máy ảnh DSLR crop sensor lại là một ống kính góc hẹp hơn, tương đương với một tiêu cự dài hơn. Chẳng hạn ống kính 50mm gắn trên máy ảnh số có bộ cảm biến nhỏ tỷ lệ là 1.6x sẽ là 80mm.
    rgb.vn_hoc-chup-anh-bai-huong-dan-tong-quat-tu-A-Z-cua-national-geographic_02.jpg
  • Camera shake - Rung máy
    Máy ảnh không được giữ cố định khi bấm nút chụp, do tay rung lắc hoặc người chụp có sự dịch chuyển trong khi màn trập máy ảnh mở làm cho ảnh bị mờ nhoè. Tình trạng này thường xảy ra khi tốc độ vận hành của màn trập quá chậm, hoặc đối tượng di chuyển quá nhanh liên tục hoặc sử dụng ống kính tiêu cự dài (tele) mà máy ảnh thì không được cố định.
  • Color temperature - Nhiệt độ màu
    Thang nhiệt độ màu trong nhiếp ảnh được đo bằng đơn vị tính Kelvin (viết tắt là K, hay đọc là nhiệt độ K). Đây là đơn vị đo nhiệt độ màu của ánh sáng phản xạ từ đối tượng được chụp và được tái tạo thành hình ảnh trong máy ảnh. Thang nhiệt độ thường được biểu thị từ tông màu ấm áp đến tông màu lạnh.
    4696065_Untitled-31.jpg
  • Contrast - Độ tương phản
    Thường được dùng để chỉ sự khác biệt về màu sắc giữa các vùng sáng và tối trong một khung ảnh. Khi nói ảnh có độ tương phản cao nghĩa là ảnh có sự thay đổi đột ngột, gay gắt giữa hai vùng có tông màu sáng và tối; nếu nói ảnh có độ tương phản thấp, nghĩa là sự thay đổi (độ chuyển dần) giữa hai vùng ảnh có màu sáng và tối không đột ngột, mềm mại, dễ chịu hơn.
  • Correct exposure - Phơi sáng đúng
    Là biểu thị sự kết hợp khẩu độ ống kính & tốc độ vận hành của màn trập cho ra độ sáng & màu sắc trong bức ảnh phù hợp, đúng (có thể đúng ý người chụp) ảnh tự nhiên. Giá trị phơi sáng chính là lượng ánh sáng phù hợp được cảm biến ghi nhận và tái tạo thành hình ảnh. Những trường hợp không đúng, không phù hợp, người chụp sẽ tăng giảm bù trừ lượng sáng để phù hợp.

  • Depth of Field - Độ sâu trường ảnh (DoF)
    Khoảng ảnh rõ nét trong hình ảnh được gọi là độ sâu trường ảnh, khoảng ảnh rõ nét (DoF). DoF sẽ thay đổi dày hoặc mỏng - khoảng ảnh rõ sâu hoặc cạn / dày hoặc mỏng - phụ thuộc chính yếu vào độ mở của ống kính (khẩu độ). Khẩu độ càng lớn thì vùng ảnh rõ càng mỏng / cạn; khẩu độ càng nhỏ thì vùng ảnh rõ càng dày / sâu. Tuỳ theo mục đích diễn tả nội dung hình ảnh mà bạn chọn độ mở ống kính phù hợp.
    3912612_6323860_orig.gif
  • Depth of field preview
    Xem trước độ sâu trường ảnh
    Là chức năng khi bấm nút DOF Preview trên máy ảnh DSLR. Khi bấm nút xem trước độ sâu trường ảnh, người chụp có thể nhìn thấy được DOF qua ống ngắm của máy ảnh trước khi bấm nút chụp, mục đích để người chụp kiểm soát tốt hơn khoảng ảnh rõ nét mà họ muốn, trước khi quyết định bấm chụp.
  • DPI
    Số điểm ảnh có trên mỗi inch (dots per inch). Đơn vị DPI được dùng xác định độ phân giải khi in ảnh, tức là xác định được mật độ điểm ảnh trên mỗi in tương đương 2.54 cm của bức ảnh. Và trên máy ảnh, đơn vị DPI cho biết số lượng điểm ảnh mà máy in đó có thể in được trên mỗi in.
    • ppi (pixels per inch) là mật độ thông tin mà các màn hình có thể thu nhận trên mỗi inch
    • dpi - (dots per inch) là số điểm trên diện tích 01 inch vuông được tính trong in ấn.
    3894803_Screen_Shot_2016-10-21_at_10.05.05.jpg

  • Diffraction - Nhiễu xạ
    Trong một số trường hợp ánh sáng và ống kính, khi khép khẩu quá nhỏ, như f/16, f/22, thậm chí có ống khép nhỏ đến f/32, f/45... thì bạn sẽ bắt đầu thấy ảnh bị mờ hơn. Hiện tượng mờ này trong nhiếp ảnh gọi là hiện tượng nhiễu xạ. Hiện tượng xảy ra với hầu hết các ống kính như một hiện tượng vật lý đương nhiên vậy, ít hoặc nhiều thì tuỳ. Thành ra, chúng ta hay nghe các thầy dạy khuyên không nên khép khẩu quá nhỏ, nhất là khi chụp tốc độ màn trập chập ban đêm (phơi sáng) hay chụp macro thì f/22 là được rồi.
    The-Kiss-diffraction-960x960.jpg

  • Distortion - biến dạng
    Đây cũng là một hiện tượng vật lý đương nhiên xảy ra với mọi ống kính, ít hoặc nhiều. Chúng ta hay gọi là hiện tượng méo ảnh vùng viền, nhất là với các ống góc rộng dễ thấy hơn. Có nhiều ống xem hiện tượng này như một tính năng (vui vẻ như fisheye). Hiện tượng cong méo càng nhiều về phía các mép ảnh. Có các kiểu biến dạng méo cạnh như cong viền, lõm ảnh, lượn sóng như hình dưới:
    collage1.jpg

  • DSLR Camera
    Viết tắt cụm từ “digital single lens reflex”, thường được dịch là "máy ảnh kỹ thuật số phản xạ ống kính đơn". Là loại máy ảnh sử dụng gương lật phản xạ, một ống kính có thể tháo lắp hoán đổi. Gương bên trong máy là để hướng hình ảnh (ánh sáng) qua lăng kính ngũ giác đến kính ngắm. Khi chụp ảnh, gương lật lên để không chặn sáng đi qua ống kính tới cảm biến ảnh. Sau này có máy ảnh không sử dụng gương lật phản xạ này, gọi là mirrorless (không gương lật).
  • EXIF Data
    Viết tắt cụm từ: "exchangeable Image File format". Đó là thông tin dữ liệu của bức ảnh kỹ thuật số bao gồm tất cả các thông số khi chụp bức ảnh, chẳng hạn bao gồm khẩu độ ống kính, tốc độ màn trập, cân bằng trắng, độ nhạy sáng, sử dụng flash hay không, ảnh đã được chỉnh sửa hậu kỳ bằng phẩn mềm nào, GPS hay thông tin bản quyền... ... Dữ liệu thông tin này được nhúng vào file ảnh khi máy chụp. Dữ liệu này có thể được xem ngay trên máy ảnh (info) hoặc bằng một ứng dụng duyệt ảnh trên máy tính.
    Exif-Viewer-960x887.png
  • Evaluative metering - Đo sáng tổng quát
    Là một trong các chế độ đo sáng của máy ảnh liên quan đến toàn khung ảnh tại nhiều vùng ảnh hiển thị trong ống ngắm. Chế độ đo sáng sẽ xác định trị số phơi sáng phù hợp mà máy ảnh đề nghị dựa vào vị trí của đối tượng trong một bối cảnh ánh sáng nào đó khi chụp.

  • Exposure - Phơi sáng
    Là lượng ánh sáng mà cảm biến nhận được dựa vào việc xác định thông số khẩu độ ống kính, tốc độ màn trập và độ nhạy sáng ISO là một yếu tố khác ảnh hưởng đến độ phơi sáng. Một bức ảnh được cho là phơi sáng phù hợp là kết quả của sự kết hợp hài hoà giữa ba yếu tố đó và bức ảnh được tái hiện màu sắc và độ sáng tự nhiên như khi nhìn bằng mắt. Bức ảnh quá sáng người ta gọi là dư sáng; quá tối người ta gọi là thiếu sáng.

    Cùng một cường độ sáng, ta có thể dùng nhiều thời chụp khác nhau, như 1/500s - f/4 thì có thể là 1/250s - f/5.6 để có lượng sáng bằng nhau đi vào cảm biến. Tuỳ theo ý định riêng mà chọn giá trị phơi sáng khác nhau, như muốn đóng bằng hình ảnh chuyển động thì dùng tốc độ màn trập nhanh, mở khẩu độ lớn; hoặc muốn lấy vùng ảnh rõ (DoF) thật sâu thì dùng tốc độ màn trập chậm, khép khẩu độ nhỏ.
    2653851_knowledge5_1_1.jpg

  • Exposure Compensation - Bù sáng
    Đây là thao tác kỹ thuật của người chụp trên máy ảnh để có được giá trị (độ) phơi sáng đúng thể hiện qua thước đo sáng trong ống ngắm. Sử dụng kỹ thuật bù sáng này để có thể làm cho một vùng trông sáng hơn tối hơn. Trên máy ảnh có nút điều chỉnh +-EV để thực hiện thao tác bù sáng này. Bạn có thể chọn chế độ chụp A - ưu tiên khẩu độ, tức là bạn chọn khẩu tuỳ ý, máy sẽ tự tính các thông số khác, và khi đó bạn có thể bù sáng bằng cách tăng giảm bằng nút +-EV trên máy, vừa nhanh vừa tiện.
    Nikon-D5500-Exposure-Compensation.jpg
  • Eyepiece - Thị kính
    Là thấu kính nhỏ tại ống ngắm để người chụp nhìn vào để thấy khung cảnh cần chụp. Thường bên ống ống ngắm, có bánh xe nhỏ để bạn điều chỉnh khúc xạ phù hợp với mắt của người chụp, hay gọi là nút chỉnh độ viễn cận.

  • Exposure Triangle - Tam giác phơi sáng
    Tam giác phơi sáng đó là 3 yếu tố dùng để thiết lập máy ảnh trước khi chụp: khẩu độ ống kính - tốc độ màn trập - độ nhạy sáng ISO của cảm biến. Khẩu độ là lỗ trống trong ống kính. Khẩu độ mở lớn sẽ cho ánh áng qua ống kính nhiều hơn và ngược lại. Tốc độ màn trập xác định khoảng thời gian ánh sáng tác dụng tới cảm biến. Tốc độ màn trập càng chập càng dễ tạo mờ nhoè chuyển động, càng nhanh càng dễ đóng băng chuyển động. ISO là độ nhạy sáng của cảm biến hình ảnh. Chỉ số ISO càng cao thfi độ nhạy sáng càng tăng, đồng thời độ nhiễu hạt tăng, và ngược lại.
    4696047_Untitled-14.jpg
  • Focal Length - Độ dài tiêu cự
    Độ dài tiêu cự hoặc gọi tắt là tiêu cự của một ống kính là khoảng cách từ tâm ống kính tới bề mặt cảm biến khi ống kính lấy nét ở vô cực. Tiêu cự ống kính càng dài thì độ khuếch đại hình ảnh càng lớn. Chỉ số chỉ độ khuếch đại rộng hẹp của cảnh được chụp được tính bằng đơn vị mm trên ống kính. Thông thường người ta dựa vào độ dài tiêu cự để phân biệt ống kính góc rộng và ống kính chụp xa góc hẹp.
    Focal_Length_18-960x614.jpg


  • Focusing
    Máy ảnh tạo ra hình ảnh bằng cách tích tụ các tia sáng được phản xạ từ cảnh vật và rọi thành hình trên bề mặt cảm biến. Máy ảnh lấy nét tự động (AF - Auto-focus) sử dụng bộ cảm biến và một hệ thống mô-tơ lấy nét tự động, theo điểm hoặc vùng tự do người chụp tuỳ chọn. Thông thường thì vùng càng gần trung tâm giữa khung ảnh có độ phân giải và độ nét cao hơn vùng càng gần rìa mép ảnh. Sự chênh lệch này càng tăng lên khi ống kính càng được mở lớn khẩu độ và ngược lại.
    3619504_camera.tinhte.vn-focus-AF-Area-Mode_0-1.jpg
  • Fill flash - Phủ đèn
    Là một kỹ thuật thường dùng để chụp chân dung ngoài trời trong bối cảnh ngược hoặc chênh sáng mạnh. Mặt trời nằm phía sau đối tượng chiếu thẳng vào ống kính, hậu cảnh chói sáng trong khi gương mặt chủ thể đối diện ống kính tối đen. Gặp trường hợp này, đo sáng phù hợp với hậu cảnh sáng rồi dùng đèn flash đánh phủ lên chủ thể mẫu chụp để gương mặt được sáng phù hợp và đúng ý muốn.
  • Framing - Tạo khung ảnh
    Thao tác canh khung bố cục ảnh khi ngắm cảnh vật qua ống ngắm. Việc tạo khung ảnh chính là tạo ra kết cấu các thành phần chính/phụ trong bức ảnh, có bố cục phù hợp, nổi bật đối tượng cần chụp. Học bố cục ảnh là học cách tạo khung ảnh.
  • Guide number - Cường độ đèn flash
    Chỉ mức độ của đèn flash, thường được viết tắt là chỉ số GN, cho biết khả năng tối đa mà đèn flash có thể chiếu sáng đối tượng trong khoảng cách cụ thể nào đó. Cường độ đèn flash cao thì cự ly phủ sáng càng cao. Khoảng cách phủ sáng của đèn đến đối tượng được tính bằng cách lấy chỉ số cường độ của đèn chia cho chỉ số khẩu độ f. Ví dụ cường độ đèn là 10 chia cho f/2 thì cự ly phủ sáng hiệu quả là 5 mét.
  • Histogram - Biểu đồ ánh sáng
    Là dạng biểu đồ (đồ thị) thể hiện độ sáng của bức ảnh và lượng điểm ảnh ở mỗi mức độ sáng của ảnh. Biểu đồ có trục hoành biểu thị độ sáng và lượng điểm ảnh từ vùng tối đến vùng sáng theo chiều từ trái qua phải. Trục tung biểu thị số lượng điểm ảnh có trong mỗi mức sáng, chẳng hạn nếu thấy nhiều điểm ảnh hơn ở bên trái đồ thị nghĩa là ảnh tối và ngược lại. Biểu đồ có thể xem ngay trên màn hình LCD dưới dạng một phần dữ liệu chụp.
    3847944_Screen_Shot_2016-08-16_at_18.38.29.jpg

  • HDR - high dynamic range - dải tương phản động
    Cảm biến máy ảnh không thể nhìn thấy chi tiết độ tương phản cao như mắt người. Nếu một khung hình có bóng rất tối và bầu trời rực sáng thì bạn phải chọn ghi hình rõ của một trong hai mà thôi. HDR chính là cách khắc phục khó khăn ở những tình huống ánh sáng khó đó. Cách thực hiện là chụp nhiều tấm với lựa chọn thiết lập phơi sáng chênh lệch khác nhau, rồi dùng phần mềm hậu kỳ chồng các tấm ảnh đó thành một. Ảnh kết quả có dải tương phản cao hơn (high dynamic range - hdr), nhiều chi tiết ở các vùng chênh lệch sáng được giữ lại rõ ràng hơn.
  • Image Stabilization - Ổn định hình ảnh
    Là một tính năng công nghệ của ống kính hoặc thân máy ảnh. Hoạt động bằng cách dịch chuyển các thành phần thấu kính bên trong ống kính theo một trục đến nhiều trục để bù trừ cho sự chuyển động tác động lên bộ máy ảnh ống kính. Ổn định thân máy thì được gọi là IBIS, cùng nguyên lý ổn định, nhưng nó dịch chuyển trực tiếp cảm biến ảnh. Cả hai đều rất hữu ích khi người cầm máy chụp ở bối cảnh thiếu sáng, tốc độ màn trập xuống thấp, tay cầm rung lắc máy, việc ống kính hay thân máy có tích hợp công nghệ ổn định hình ảnh rất hữu dụng.
  • ISO
    Là độ nhạy sáng của cảm biến ảnh, luôn là yếu tố đầu tiên bạn phải thiết lập trên máy ảnh. Điều đó sẽ tạo thành thói quen nhạy cảm với bối cảnh sáng và có thiết lập ISO phù hợp. Trong nhiều tình huống ánh sáng yếu thì đẩy ISO lên cao để có được bức hình kẻo phải tiếc nuối. Bình thường có thể thiết lập ISO tự động, giới hạn cho máy mức cao nhất, để không phải bận tâm đến điều chỉnh yếu tố nhạy sáng này. Chỉ nhớ rằng, lượng nhiễu hạt sẽ tăng dần kh tăng ISO theo tỷ lệ thuận.
    rgb.vn_hoc-chup-anh-bai-huong-dan-tong-quat-tu-A-Z-cua-national-geographic_12.png

  • JPEG
    Là một định dạng file ảnh đã trở thành định dạng chuẩn cho ảnh chụp bằng máy số. Ảnh JPEG được máy ảnh xử lý và có thể hiển thị trên các thiết bị khác như máy tính, di động. Trong thực tế, ảnh JPEG thường bị xử lý và nén lại và chỉ có khả năng hiện thị màu 8-bit trong khi ảnh thô RAW là 14-bit. Nên nếu bạn có ý sử dụng file ảnh để hậu kỳ kỹ càng, sử dụng file ảnh để in ấn, lưu trữ về sau thì nên có chọn lưu file ảnh RAW. Ảnh JPEG dùng để sử dụng nhanh gọn đủ xài.

  • Lens Flare - Loé sáng
    Là hiện tượng ánh sáng chiếu trực tiếp vào ống kính, các tia sáng ngoài ý muốn đó tạo sự phản chiếu chuyển hướng bên trong các thấu kính của ống kính ảnh hưởng đến các tia sáng phản xạ từ đối tượng được chụp bị loạn sắc, tạo nên hiện tượng loé sáng, phai màu, như một lớp sương mờ phủ trên ảnh. Cái loa che nắng (hood) là một cách hạn chế bớt hiện tượng này, che bớt các tia sáng xiên đi vào ống kính.
    3542518_10623817_309580279244059_8658649459398497124_o.jpg
  • Long Exposure - Phơi sáng lâu
    Khi tốc độ màn trập chụp khoảng vài giây thì thường được coi là chụp với tốc độ màn trập chậm - phơi sáng. Một lý do để chụp với thời gian lộ sáng dài là để làm mờ mọi vật thể chuyển động trong khung hình. Từ ý định ban đầu, việc chọn tốc độ màn trập sẽ tạo ra những bức ảnh chuyển động mờ nhoè có chủ ý. Trường hợp phơi sáng với tốc độ màn trập rất chậm, gắn máy ảnh vào chân máy, các đối tượng di chuyển trong ảnh hoàn toàn không còn hình dáng, chỉ còn các vệt sáng như chúng ta thường thấy.
    3142907_2556903_IMG_1183b.tinhte.vn.jpg
  • Macro lens - Ống kính chụp ảnh macro
    Ống kính dùng để chụp cận cảnh, có khoảng cách lấy nét tối thiểu rất ngắn, có thể đặt máy ảnh gần đối tượng. Định nghĩa chụp ảnh macro là bất kỳ bức ảnh nào được chụp ở tỷ lệ phóng đại 1:1, tức là có kích thước đối tượng có cùng kích thước trên cảm biến máy ảnh giống như ngoài đời thực. Chẳng hạn con kiến có kích thước 1cm lấp đầy cảm biến ảnh 1cm là độ phóng đại đúng tỷ lệ 1:1.
    3545270_macro-photography-tinhte.vn--62.jpg


  • Manual Mode - Chế độ chụp thủ công
    Người dùng phải hiệu chỉnh chủ động các thông số về khẩu độ ống kính, tốc độ vận hành của màn trập, độ nhạy sáng ... để có độ phơi sáng phù hợp. Các hãng máy ảnh đều viết tắt là M, nhưng Nikon gọi là Manual mode, Canon gọi là Metered Manual. Chế độ này hay gọi là chế độ chụp manual, chỉnh hoàn toàn bằng tay. Bạn sẽ phải chủ động chọn tốc độ màn trập, khẩu độ cho tất cả mọi cú bấm máy. Đặc biệt, ở chế độ này, bạn có thể chụp tốc độ hoàn toàn chủ động Bulb (bấm máy và màn trập mở liên tục đến khi nào thả nút chụp thì màn trập mới đóng lại) dành cho các trường hợp phơi sáng kéo dài.

  • Metering - Đo sáng
    Là cách máy ảnh nhận ra cường độ ánh áng của một khung cảnh sáng-tối, tương phản, và đưa ra đề nghị thiết lập thông số theo thuật toán nó tự tính. Máy ảnh có hệ thống đo độ sáng của cảnh chụp để từ đó xác định trị số phơi sáng. Có các tuỳ chọn chế độ đo sáng tuỳ thuộc vào các cảnh chụp khác nhau, như đo sáng ma trận, đo sáng một vùng, đo sáng trung tâm, đo sáng điểm. Hệ thống đo sáng của máy ảnh không phải lúc nào cũng đúng / hoàn hảo. Nó có thể bị đánh lừa khi có nhiều vùng sáng / màu chênh lệch phức tạp trong cùng bối cảnh chụp.
    4696054_Untitled-21.jpg

  • Megapixels
    Bề mặt cảm biến ảnh của máy ảnh có các điểm nhạy sáng nhỏ gọi là điểm ảnh. Là thuật ngữ biểu thị đơn vị cho số lượng điểm ảnh của cảm biến máy ảnh. Chẳng hạn nhiều cảm biến máy ảnh hiện có độ phân giải 6000 pixels x 4000 pixels thì nhân ra là cảm biến có tổng số điểm ảnh là 24 megapixels. Độ phân giải (số megapixel) cao thì cung cấp nhiều chi tiết ảnh, nhưng quan trọng hơn vẫn là kích thước cảm biến càng lớn thì chất lượng hình ảnh càng cao. Nhiều điện thoại có cảm biến ảnh lên đến 40 megapixels, nhưng cảm biến rất nhỏ, kích thước từng pixel sẽ rất nhỏ.
    4760903_2.jpg


  • Mirrorless Camera - Máy ảnh không gương lật
    Về lý thuyết, một máy ảnh không có gương lật, cả điện thoại thông minh hay máy ảnh dùng phim chụp một lần, đều không có gương lật. Nhưng, phổ thông khi nói máy ảnh không gương lật đều có ý nói đến máy ảnh có thể hoán đổi ống kính - MRL - đối thủ của máy ảnh DSLR. Máy ảnh MRL có những lợi thế riêng, nhỏ gọn hơn và nhiều công nghệ hơn, tích hợp ổn định hình ảnh trên thân máy và càng ngày hệ thống kính ngắm điện tử càng có chất lượng rất tốt so với kính ngắm quang qua gương lật của máy ảnh DSLR.
    Nikon-Z7-960x640.jpg
  • Noise - Nhiễu
    Tình trạng hạt thô xuất hiện trên ảnh có chất lượng thấp, thường do chụp trong hoàn cảnh thiếu sáng và với độ nhạy sáng ISO quá cao. Cũng có trường hợp chụp với ISO thấp nhưng hậu kỳ tăng sáng quá mức. Trong hậu kỳ, có thể dùng phần mềm để khử nhiễu, nhưng rất dễ làm cho màu sắc mất tự nhiên.

  • Overexposure - Dư sáng
    Tình trạng ảnh sáng nhiều hơn cảnh được chụp ngoài thực tế nhìn bằng mắt, xảy ra khi lượng sáng đi vào cảm biến ảnh nhiều hơn độ phơi sáng cần, và ảnh bị mất chi tiết ở các vùng dư sáng này. Thường thì người chụp sẽ chấp nhận vùng tối thiếu sáng một chút để vùng sáng không bị dư sáng (cháy sáng mất chi tiết), rồi dùng phần mềm hậu kỳ để cân bằng hài hoà sau mà không bị mất chi tiết.
  • Panning - Lia máy
    Là kỹ thuật chụp đối tượng di chuyển, vừa chụp vừa di chuyển máy ảnh theo đối tượng với tốc độ màn trập chậm tương ứng tốc độ đối tượng di chuyển. Chủ thể trong ảnh vẫn được nằm trong vùng ảnh rõ nét nổi bật trên hậu cảnh vệt mờ.
  • Perspective - Phối cảnh
    Kết cấu các đối tượng xa gần khác nhau trong khung ảnh. Chẳng hạn khi chụp bằng ống góc rộng các đối tượng gần nhìn có cảm giác lớn hơn còn đối tượng ở xa rất nhỏ.
  • Picture style - Phong cách ảnh
    Trong máy ảnh có các tuỳ chọn phong cách ảnh thế này: Standard (chuẩn mực), Portrait (Chân dung), Landscape (Phong cảnh), Neutral (Trung hoà), Faithful (Trung thực), Monochrome (Đơn sắc). Các tuỳ chọn này được thiết kế sẵn phần nào phù hợp với từng loại ảnh. Người dùng có thể tự tạo phong cách ảnh riêng bằng cách tinh chỉnh màu sắc, tương phản... bên trong hoặc chụp ảnh định dạng RAW (thô) rồi hậu kỳ theo ý muốn.

  • Prime Lens
    Là ống kính có độ dài tiêu cự cố định, không thay đổi tiêu cự được như ống kính zoom (đa tiêu cự).
  • Program / Program AE - Chế độ chụp tự động phơi sáng
    Là chế độ chụp P / AE phơi sáng tự động, tức là máy hoàn toàn tự động chọn khẩu độ ống kính, tốc độ màn trập dựa theo thông tin đo sáng. Người dùng chỉ có thể thiết lập bù trừ sáng, độ nhạy sáng ISO, cân bằng trắng, flash.

  • RAW
    Là định dạng ảnh lưu tín hiệu số từ cảm biến ảnh mà không qua quy trình xử lý hình ảnh trong máy ảnh. Ảnh được dùng để chỉnh sửa hậu kỳ tốt nhất với thợ ảnh. Máy ảnh cho phép lựa chọn lưu song song vừa định dạn JPEG & RAW, nếu có ý lưu trữ hoặc dùng để hậu kỳ kỹ lưỡng về sau thì nên chọn lưu song song. Không có nhu cầu đó, chỉ dùng JPEG nhanh gọn đủ dùng thì chỉ lưu JPEG cho đỡ tốn thẻ nhớ và máy hoạt động nhẹ nhàng hơn.

  • Rule of Thirds - Quy tắc một phần ba
    Là quy tắc do người ta cho rằng rút ra từ ngành hội hoạ và dạy cho các bạn bắt đầu học canh khung chụp hình. Ngày nay, nhiều người xem quy tắc này rất lỗi thời và không tích cực trong việc sáng tạo thực hành chụp ảnh. Có người cho rằng có thể dùng quy tắc này để bắt đầu học cách tạo ra một khung hình, nhưng cũng có các cách khác để tiếp cận với nhiếp ảnh, xây dựng một khung hình đơn giản hơn, chụp những gì mình thấy và muốn chụp hơn là rập theo các quy tắc cố định.
    3641336_anigif-1.gif
  • Sensor Size - Kích thước cảm biến
    Như tên gọi là kích thước của cảm biến máy ảnh. Cảm biến máy ảnh có nhiều kích thước khác nhau. Chẳng hạn Fullframe, APS-H, APSC...
    • Medium Format (không crop): 40.4 × 54 mm
    • Medium Format (Crop): 33 × 44 mm
    • Full-Frame: 24 × 36 mm
    • APS-C: 15.6 × 23.6 mm
    • Micro Four Thirds: 13 × 17.3 mm
    • One Inch: 8.8 × 13.2 mm
    • 1/2.5”: 4.3 × 5.8 mm






    3568621_sensor_size_-_tinhte.vn--28.jpg

  • Sharpness
    Là mức độ khác nhau về đường nét hiển thị trên ảnh, độ sắc nét cao là không có nét mờ, mọi thứ rõ ràng tách bạch. Thuật ngữ sắc nét (sharpness) diễn tả sự rõ ràng của từng chi tiết trong một bức ảnh. Ngoài yếu tố chủ đề, bố cục, ánh sáng màu sắc... thì độ sắc nét là một yếu tố quan trọng quyết định chất lượng hình ảnh. Hai yếu tố căn bản được kết hợp lại tạo nên cảm quan về độ sắc nét của một bức ảnh là độ phân giải (resolution) và độ sắc (acutance). Một hình ảnh cần cả hai: độ phân giải cao & độ sắc cao để đạt được độ sắc nét (shapeness)
    Độ phân giải (resolution)
    • Là yếu tố phụ thuộc vào khả năng của máy ảnh, phụ thuộc cảm biến ảnh (digital sensor).
    • Đô phân giải thể hiện khả năng cảm biến của máy ảnh, tách bạch các phần tử gần nhau về không gian của các chi tiết.
    • Độ phân giải của một bức ảnh không thể cải thiện trong hậu kỳ.
    Độ sắc (acutance)
    • Là sự thể hiện tốc độ chuyển tiếp các chi tiết hình ảnh tại mép rìa (edge).
    • Một ảnh có độ sắc (acutance) cao nghĩa là có cạnh sắc nét chuyển tiếp hình dạng chi tiết (sharp edge), chi tiết rìa mép thể hiện rõ ràng, chuyển tiếp giữa các chi tiết chính xác.
    • Độ sắc phụ thuộc chất lượng ống kính, nhưng nó có thể được cải thiện nhờ hậu kỳ.
    3881215_camera.tinhte.vn-5.jpg 3881222_camera.tinhte.vn-10.jpg

  • Shutter Speed
    Tốc độ của màn trập là khoảng thời gian ánh sáng sẽ tác động vào bề mặt cảm biến và được điều chỉnh bằng một vòng chỉnh tốc độ trên thân máy (shutter dial). Các chỉ số chỉ tốc độ màn trập là con số tỷ lệ so với 1 giây, như 500 nghĩa là 1/500 giây. Các chỉ số thông thường chỉ tốc độ màn trập: 30s - 15s - 8s - 4s - 2s - 1s - 2 - 4 - 8 - 15 - 30 - 6- - 125 - 250 - 500 - 1000 - 2000 - 4000 - 8000 ...
    3142898_2653851_knowledge5_1_1.jpg
    • Mỗi nấc tốc độ tương ứng thời gian màn trập mở nhanh gấp đôi nấc đứng trước nó và bằng 1/2 nấc đứng sau nó. 1/125 nhanh gấp đôi tốc độ 1/60 và 1/250 nhanh gấp đôi 1/125 chẳng hạn.
    • Màn trập còn có thể thiết đặt tốc độ B (Bulb) hay T (Time). Khi chọn tốc độ này, chừng nào nút bấm chụp còn nhấn xuống thì màn trập còn mở ra cho cảm biến lộ sáng.
  • Shutter Priority AE - Chế độ chụp ưu tiên tốc độ màn trập
    Là chế độ phơi sáng tự động cho phép người chụp tuỳ chỉnh tốc độ màn trập, máy ảnh tự động thiết lập khẩu độ ống kính sao cho có độ phơi sáng phù hợp theo tính toán của máy ảnh. Chọn chụp bằng chế độ này khi muốn kiểm soát tốc độ màn trập chụp đối tượng chuyển động cần bắt dính nét, hoặc cố ý làm mờ nhoè đối tượng chuyển động.
  • Subject - Chủ thể
    Là chủ thể chính của ảnh cần làm nổi bật trong khung cảnh, là người hoặc vật mà người chụp muốn chụp. Người chụp sẽ luôn chú ý đến chủ thể chính trong một bức ảnh họ chụp, là thành phần mà người xem sẽ chú ý đầu tiên, nổi bật và thu hút thị giác nhất, thú vị nhất hoặc cảm xúc nhất.
  • Subject blur - Mờ chủ thể
    Tình trạng xảy ra thường do chụp với tốc độ màn trập chậm hoặc rất chậm trong hoàn cảnh thiếu sáng, hoặc đối tượng di chuyển nhanh mà tốc độ màn trập không đủ nhanh để bắt dính nét. Có thể là do chủ ý người chụp muốn diễn tả điều họ nghĩ, cũng có thể do thiết bị không thể chụp với tốc độ màn trập nhanh hơn trong tình huống ánh sáng cụ thể đó.

  • Time Lapse
    Một kỹ thuật phổ biến ngày nay, trong một khoảng thời gian có một loạt khung ảnh được chụp rất nhanh, lưu giữ được chuyển động của một cảnh đang trôi qua. Time- lapse là kỹ thuật ghép nhiều bức ảnh liên tiếp lại với nhau, mỗi bức ảnh cách nhau một khoảng thời gian để tạo thành một video tua nhanh. Thay vì sử dụng máy quay phim để quay video bình thường với 24 khung hình trong 1 giây, time-Lapse tập hợp 24 khung hình được chụp bằng máy ảnh riêng biệt và ghép lại. Đây là kỹ thuật chụp "tua nhanh" thời gian nhiều lần, từ đó tạo ra hiệu ứng thị giác đặc biệt khi xem.
  • Underexposure - Thiếu sáng
    Tình trạng ảnh tối hơn cảnh thực tế nhìn bằng mắt, xảy ra khi lượng sáng cảm biến nhận được ít hơn mức sáng mà độ phơi sáng phù hợp cần.

  • Viewfinder - Kính ngắm
    Là bộ phận quang học giúp người chụp nhìn thấy những gì sẽ chụp. Đó là cửa sổ hình chữ nhật trên máy ảnh mà bạn có thể nhìn qua đó để thấy hình ảnh sắp chụp. Với máy ảnh DSLR có kính ngắm quang học tức là bạn nhìn trực tiếp cảnh vật thật qua khung ngắm. Các máy ảnh không gương lật MRL thì là kính ngắm điện tử, kiểu như một màn hình LCD nhỏ bên trong ống ngắm cung cấp dữ liệu hình ảnh trực tiếp từ cảm biến ảnh. Kính ngắm quang phản xạ cảnh từ gương lật lên thì không tốn pin; kính ngắm điện tử thì giúp người chụp xem trước chính xác bức ảnh sắp chụp sáng tối màu sắc như nào.

  • Vignetting - Hoạ tiết
    Mờ tối 4 góc ảnh là một hiện tượng xảy ra với một số loại ống kính, thường xảy ra ở các khẩu độ lớn như f/1.4, f/2, f/2.8; với các ống kính bị tối mờ góc, có thể sẽ không xuất hiện khi chụp ở khẩu f/8 hay f/11... Hiện tượng này đôi lúc rất khó thấy, phải soi kỹ, và có thể xử lý trong khâu hậu kỳ. Có một số người chụp lại thích hiện tượng này và họ dùng phần mềm tăng hiệu ứng này mạnh hơn để tập trung thị giác vào trung tâm ảnh nhiều hơn.
  • White balance - Cân bằng trắng
    Máy ảnh có chức năng cân bằng trắng tự động (AWB) để cân chỉnh các loại ánh sáng khác nhau để có màu sắc phù hợp nhất với bối cảnh sáng, như bối cảnh ánh sáng ngoài nắng, trong nhà đèn huỳnh quang, ánh đèn vàng... Người chụp cũng có thể tự chỉnh cân bằng trắng phù hợp với từng loại ánh sáng khác nhau theo ý muốn riêng.
  • 35mm format equivalent - Tương đương định dạng 35mm
    Góc nhìn của ống kính phụ thuộc vào độ dài tiêu cự và kích thước cảm biến ảnh. Góc nhìn của ống kính thay đổi khi kích thước cảm biến thay đổi nên độ dài tiêu cự tương đương định định dạng 35mm hầu hết người dùng quen thuộc từ máy ảnh dùng phim được chọn. Chẳng hạn cảm biến kích thước APSC có độ crop 1.5x thì độ dài ống kính đương đương định dạng 35mm sẽ được tính bằng cách nhân độ dài tiêu cự với 1.5.

  • Thành thạo sử dụng máy ảnh rồi, hãy chụp thật nhiều! 😁
  • Tạm kết
    Chưa phải là đầy đủ! Mình đã bỏ qua hoặc còn thiếu sót nhiều thứ, nhất là các thuật ngữ phức tạp hơn. Mong là giúp ích cho các bạn đang bắt đầu tìm hiểu nhiếp ảnh, dễ dàng đọc các tài liệu hay tự tìm hiểu để tham gia thú chơi này cùng nhau. Mình sẽ tìm cách bổ sung và hiệu chỉnh trong lần sau.

    IMG_1121.jpg
  • 85 bình luận
    Chia sẻ

    Xu hướng

    Rất hay, đánh dấu
    @ntdieu Làm sao để đánh dấu trên app được vậy ạ ?
    Kienqn32
    ĐẠI BÀNG
    4 năm
    Quá cơ bản cho người mới bắt đầu.
    @Võ Trung Kiên em cầm máy cũng không ít nữa nhưng có cái vẫn phải đọc mới biết :p ngại quá
    Bình thường chụp ít khi để ý hết mấy cái này.
    kytero
    ĐẠI BÀNG
    4 năm
    Bổ ích quá anh Tuấn, em vẫn thường hay in các bài viết của anh đưa cho người nhà khi muốn bắt đầu chụp ảnh.
    @kytero dự là nhều cụ cuộn đc hết bài này thì bỏ cả ý định học chụp ảnh ý ạ :p
    kytero
    ĐẠI BÀNG
    4 năm
    @Trịnh Quang Duy Haha..có thể lắm chứ, mà chẳng cuộn hết đâu, hết trang màn hình đầu tiên thôi.
    Bác có cái nào ngắn gọn kiểu 7 hằng đẳng thức đáng nhớ ko? Chứ nhớ 72 cái này thì mỗi lần chụp tra sách mỏi tay
    GiT
    TÍCH CỰC
    4 năm
    @sskkb Cơ bản nhất và đầu tiên nhất là A-S-I: Aperture-Speed-ISO.
    Bạn quản lý được 3 thằng này là chụp ảnh ngon rồi, sau đó mới học mở rộng lên "72 phép biến hóa"... 😃
    @GiT 7 thứ đó là: Tốc độ, khẩu độ, iso, wb, khuôn hình, chủ thể và may mắn
    @sskkb Tôn ngộ ko phải đủ 72 phép mới đại náo thiên cung đc đó bác. Bác có muốn đc thế ko ạ
    @Trịnh Quang Duy Thôi bác ơi, hổ báo như TNK rồi cũng bị núi đè 500 năm, xong thêm cái vòng kim cô thít trên đầu mười mấy năm mà cú cái là toàn bị thằng Trư nó xúi sư phụ niệm chú. Có mấy khẩu quyết ngắn gọn của các bác bên trên kia là đc rồi
    @sskkb Hê. Đã là đam mê thì cứ vui là đc rồi. Hổ báo hay lợn gà chư ngỗng gì cũng đc mà
    bài viết rất chi tiết và trực quan
    unsigup
    TÍCH CỰC
    4 năm
    Đánh dấu, rất hữu ích ạ.
    oceanbreaths
    ĐẠI BÀNG
    4 năm
    Chúc các bạn được nhiều tấm hình đẹp thông qua bài viết này.Cảm ơn tác giả nhiều
    rất hay 😁 bổ sung thêm flash cóc, flash rời, hắt sáng, soft box, tripod....cho ae mới chơi nắm đc
    @phamthanhhieu178 soft box, hair light ceiling light, reflect panel thi vào chuyên sâu cho dân studio rồi ... 😃
    Hailezzzz
    ĐẠI BÀNG
    4 năm
    Đã ghim! Rất tuyệt
    @Hailezzzz Ghim trên app như thế nào vậy ạ ? Em cám ơn .
    Hailezzzz
    ĐẠI BÀNG
    4 năm
    @thitvit.mamgung mình xài macbook chỉ ghim = thêm vài danh sách đọc thôi bạn ạ, mình ko dùng app Tinh Tế
    @Hailezzzz Dạ em cám ơn ạ
    Naruto007
    TÍCH CỰC
    4 năm
    thanks mod, đã đánh dấu 😃
    huunghi_82
    ĐẠI BÀNG
    4 năm
    Cảm ơn, bài viết rất hay
    Picture style - Phong cách ảnh
    mình nghĩ là thể loại dùng cho ảnh thì chính xác hơn- phong cách thì dùng cho cách ứng xử của nguòi cầm máy , mỗi nguời một kiểu cách riêng biệt, chuyên về một thể loai....v.v
    Đọc bài tinh tế đến giờ mới thấy được mỗi bài này hay và rất có tâm.
    ThienTA90
    ĐẠI BÀNG
    4 năm
    @Siêu nhân gầy Vậy chắc là anh/chị/bạn chưa đọc bài này rồi. Đâu cần phải tới giờ mới có bài "siêu dài siêu công phu".

    Bài hướng dẫn tổng quát từ A-Z của National Geographic
    NguyenHienKG
    ĐẠI BÀNG
    4 năm
    Rất hay, rất tuyệt vời
    Mình thì chịu thôi
    Cái này dành cho bạn nào học tập hay các thợ chụp
    Mình quen giơ lên và chụp rôi
    Nhưng sẽ lưu 72 phép màu này cho con cháu sau này vì biểt đâu có đưa nó đam mê
    ndta13
    CAO CẤP
    4 năm
    Hay quá anh ơi 😁
    NatvPa
    TÍCH CỰC
    4 năm
    Screenshot_2019-10-08-23-10-23_1.jpg
    @NatvPa Chắc do chữ "phản động " kia

    Xu hướng

    Bài mới









    • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
    • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
    • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
    • Số điện thoại: 02822460095
    • MST: 0313255119
    • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019