Tham dự Tech Lounge

Tham dự Tech Lounge


Chuyên gia về Leica rời bỏ thế giới Leica, và cái cách con người ta ứng xử với nhau trên mạng xã hội

P.W
22/10/2019 20:16Phản hồi: 125
Chuyên gia về Leica rời bỏ thế giới Leica, và cái cách con người ta ứng xử với nhau trên mạng xã hội
Anh em hãy cứ coi đây là một bài viết nâng cao quan điểm đi, vì bản chất khi viết những dòng chữ này, “nâng cao quan điểm” chính xác là những gì tôi muốn làm. Đó cũng là lý do tôi không bỏ bài viết này vào mục nhiếp ảnh, vì nó chẳng liên quan gì tới nhiếp ảnh cả. Xin anh em vài phút, và đúng như tên gọi của box, hãy chuẩn bị một cốc cà phê nhâm nhi cùng câu chuyện làm quà.

Chẳng là, đọc những dòng chữ của Erwin Puts, một trong những người được kính nể nhất trong thế giới của những người dùng Leica khiến tôi không khỏi suy nghĩ. Hôm 20/10, ông có một bài post trên trang blog cá nhân LeicaGraphy, nói rằng những gì của Leica hiện tại chẳng còn là con đường ông muốn đồng hành nữa.

Ông viết:

"Tôi đã trải nghiệm và đối thoại với những người ở Wetzlar, rồi Solms, và rồi lại ở Wetzlar, về bước chuyển sang kỹ thuật số và cái cách công ty phát triển và thay đổi cùng lúc với việc ứng dụng công nghệ số vào ngành nhiếp ảnh, cũng như thế giới nhiếp ảnh thời internet. Sự kiện gần đây nhất là bước chuyển từ một công ty sản xuất trở thành một công ty phần mềm của Leica. Dù rằng nó thành công về mặt thương mại, sự thay đổi về mặt bản chất này dẫn đến một tác động có lẽ Leica không mong muốn: Linh hồn của Leica đã bị xóa mờ.

Hệ quả là, nhiều người bắt đầu quan tâm hơn tới những sản phẩm cũ. Chiếc SL và Q là tương lai đầy hứa hẹn của Leica. Nhưng rồi bóng ma của Huawei và Panasonic cứ vất vưởng khắp trụ sở công ty. M-system vẫn được coi là kẻ kế thừa xứng đáng của Leica, nhưng rồi nó đang bị gạt sang một bên. Xưa kia, Leica một mình bước một con đường riêng, nhờ vào những kỹ sư tài năng và những nhà marketing nhiệt thành. Giờ sản phẩm của nó giống như mọi sản phẩm camera khác trên thị trường.


Họ đã vẽ nên một tương lai và đi theo một con đường mà tôi không muốn cùng đồng hành nữa.”

Trong vài phút sau khi đọc như nuốt những lời của Puts, tôi hoảng sợ.

Hồi xưa, văn là môn tôi dốt nhất, vì những bài phân tích tác phẩm, những tác giả, những nhân vật, những bối cảnh tôi chưa từng được trải nghiệm, được thấu hiểu. Phải chăng chính vì những tác phẩm không phải cô bé cậu bé tuổi teen nào cũng hiểu đó, mà văn mẫu mới thịnh hành đến thế? Nhưng rồi lớn dần, người lớn dạy cho tôi một thứ mà tôi nghĩ đến giờ vẫn là bài học cuộc đời giá trị nhất. Bài học đó, giống hệt như những gì Eminem hát trong ‘Beautiful’: “Đi giày của tôi, chỉ để thấy, như thế nào, khi là tôi. Tôi sẽ là bạn, đổi giày nào, để cảm nhận được nỗi đau của bản thân nhau.”


"Người lớn" trong gia đình dạy tôi cách bình tâm trước những góc nhìn trái ngược của người khác, và hãy thử nhìn vấn đề theo cách của người đó. "Người lớn" đó là ông nội tôi.

Tôi hoảng sợ, đơn giản vì trong những giây phút ấy, tôi bất chợt hiểu được “nỗi đau” của Puts, nỗi đau phải rời xa một thứ mà ông đã gắn bó hết mình cả nửa đời người.

Ông nội tôi là người dùng Leica. Khi tôi sinh ra, ông cũng gần về hưu, cái tuổi ăn tuổi chơi thì gần như chẳng biết cái vị trí “Trợ lý cao cấp cho bộ trưởng nông nghiệp” của ông nội là làm những thứ gì. Ông chu cấp cho cả gia đình khi ấy, sau khi đưa bà nội tôi lên thành phố để tiện công việc, bỏ hết ruộng vườn gà qué, để căn nhà của ông ở quê cho người bác họ. Về sau đọc những tài liệu của ông, tôi mới hoảng. Khi ấy, đầu óc của một thằng thanh niên 20 tuổi mới chỉ lờ mờ nhận ra mình đang đứng sau cái bóng quá lớn của ông nội. Ông dạy tôi nhiều thứ, có lẽ nhiều hơn cả những gì bố dạy tôi. Ông tốt nghiệp Kinh Tế Quốc Dân, và những ghi chép của ông thời ấy mô tả ông giống như một cái đầu cáo già khi nói đến kinh tế nông nghiệp. Ông có một đam mê duy nhất, nhiếp ảnh. Thời ấy, ông có hai chiếc máy ảnh. Một chiếc Nikon F2, lắp ống gì tôi không nhớ rõ nữa, chỉ nhớ cho họ hàng mượn đi biển rồi họ làm hỏng. Cũng vẫn là những lời xin lỗi và hứa đền, nhưng chẳng mấy khi ông nội bắt đền. Với ông, không tài sản nào quan trọng bằng gia đình.

Chiếc thứ hai, là Leica M6, lắp Summilux 35 1.4. Bà nội không hẳn cấm đoán, nhưng cũng không thích ông chơi máy ảnh. Phải chăng vì cái kỹ tính của ông? Con cái dần lập gia đình, ra ở riêng, cứ không có cháu chắt lên chơi, ông chăm chút chiếc máy từng li từng tí. Không chụp thì tháo pin để riêng kẻo nó chảy nước, máy cất chỗ khô ráo. Mà cái thời ấy thì làm gì có tủ chống ẩm và túi chống ẩm, những hôm nồm giời, trần nhà đọng nước, sàn nhà gạch hoa giẫm bước nào dính bước ấy, bà kể ông đứng ngồi không yên. Nhiều năm trước, tôi sẽ mặc định nghĩ ông xót của, nhưng hẳn là không phải vậy.

Quảng cáo


Phải chăng, người thuở cũ gắn bó với những món đồ vật theo cách rất khác chúng ta bây giờ?

Phải quen một người lớn tuổi chơi Leica, hay chơi bất kỳ món đồ chơi cổ nào, tôi mới hiểu được cái cảm giác của Puts khi phải cay đắng dừng chuyến hành trình với cái tên mà họ dành ra cả quãng đời trưởng thành để gắn bó. Tất lẽ dĩ ngẫu, vật đổi sao dời, há có gì trường tồn? Con đường của Leica, ắt cũng giống con đường của Nokia, của Apple, của Kodak, của HTC, của Sony, của hằng hà sa số những thương hiệu khác nhau. Các cụ cứ dạy, tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến. Đúng, tâm bất biến, khi chúng ta có tầm nhìn cụ thể và biết làm thế nào để đạt tầm nhìn đó. Khi ấy, tâm chúng ta sẽ khó bị nhiễu động bởi những biến đổi ngoài kia, chứ không phải hành vi bất biến, không phải chiến lược bất biến. Leica bước vào kỷ nguyên kỹ thuật số đúng theo cái cách Kodak muốn đi theo nhưng chưa đến thời. Dẫu sao đi nữa, Leica cũng có vị trí riêng để làm điều đó.

Cái “vị trí riêng” đó dắt chúng ta đến đúng với điều tiếp theo. Khi một cái tên thay đổi, những con người từng sống chết với thương hiệu ấy cảm thấy một chút chạnh lòng. Hãy cứ coi những dòng chữ của Puts là của một lão già gàn dở đầy cảm xúc. Không có cách hiểu nào khác, vì khi gắn bó 35 năm với Leica, tạo ra những cuốn sách đúng chất lượng bách khoa toàn thư vô giá cho người chơi Leica như Leica Chronicle hay Leica Lens Compendium, không khó để thấy đối với Puts, Leica đã trở thành lẽ sống, là niềm đam mê của người nhiếp ảnh gia.

Khi dùng Leica, con người ta dễ có cảm giác “thượng đẳng”. Đáng lẽ ra dùng từ elitist mới đúng, nhưng nếu gọi nó là "tinh hoa" thì chẳng còn ý nghĩa nữa. Cái khó khăn để viết về nó là người ta xử lý ra sao với sự “thượng đẳng” đó. Có người từng nói, một khi đã chụp Leica thì rất khó quay về máy khác. Lý do thì cũng nhiều, nhưng để một người không chơi ảnh như tôi giải thích há chẳng phải múa rìu qua mắt thợ?

Leica M6 của ông nội không dễ dùng, không dễ một chút nào cả. Nó không phải một chiếc máy chụp sai thì làm lại như DSLR hay mirrorless. Nó không thỏa hiệp với sai lầm của người chụp, là tôi. Thoáng chốc, tôi nhận ra, mình không xứng đáng với nó. Nó là chiếc máy ảnh của-ông-nội, không phải thứ bất kỳ ai cũng có thể cầm lên và chụp, ngay cả khi ông cho phép. Và đúng là ông cho phép tôi làm điều đó, nếu không thì tại sao trước khi mất, ông dặn tôi “giữ nó nhé”? Tôi đồ rằng, phía sau ba từ ấy là tất cả những gì ông gửi gắm cho thằng cháu đích tôn. Sức lực của ông khi ấy bị căn bệnh ung thư phổi bòn rút, chẳng còn đủ để dạy tôi bài học cuối, làm thế nào để thuần phục chiếc M6 bất kham.

Tôi hiểu, cái cảm giác “thượng đẳng” khi dùng Leica không chỉ đến từ việc con người có đủ tiền mua nó về dùng, mà còn cả việc tạo ra những khung hình hoàn hảo theo ý muốn của bản thân. Suy cho cùng, Leica, hay mọi món đồ, đều chỉ là công cụ để làm việc theo ý muốn của con người, được con người tạo ra để phục vụ cho nhu cầu của con người. Không hơn, không kém. Những người dùng Leica cảm thấy “thượng đẳng” vì họ không chỉ sở hữu hệ thống máy ảnh được coi là tốt nhất thế giới, mà còn biết cách làm thế nào để bắt chúng làm theo ý muốn của mình.

Quảng cáo


Và rồi, những chiếc Lumix của Panasonic ra mắt với ống kính Leica, rồi đến cả Huawei cũng khoe khoang họ phát triển ống kính máy ảnh smartphone với Leica. Bỗng nhiên, Leica, từ một cái tên xa vời, không phải ai cũng có thể với tới, trở thành một cụm từ được nhai đi nhai lại trong những sản phẩm tầm thường trong mắt những người sở hữu M8, M9, mô tả rõ ràng cái thứ chiến lược mà các hãng tạo ra để làm đòn bẩy nâng cao giá trị sản phẩm của họ.

Xét trên góc nhìn người tiêu dùng, đó chưa hẳn đã là điều tệ. Có công nghệ của Leica, các sản phẩm khác cũng sẽ được hưởng lợi. Leica cũng muốn như thế khi thương hiệu của họ có độ phủ cao hơn. Rồi bước chuyển sang Leica SL và Leica Q đặt thương hiệu này vào vị thế của những cái tên hợp thời mà vẫn giữ được mức độ tinh hoa trong sản phẩm của họ. Không phải ai cũng bỏ được trăm triệu mua Leica Q, nhưng nó vẫn chỉ là một chiếc fixed-lens mirrorless. Giá của nó mua được cùng lúc vài chiếc mirrorless khác của các hãng khác. So sánh như thế cũng giống Morning và S-Class. Chúng cũng đưa được người ta từ nhà đi làm, hay đi bất kỳ đâu. Nhưng trải nghiệm thì hoàn toàn khác. Dù khác, nhưng không thể khác như cái cảm giác cầm M6 lên và cố gắng bắt nét vào lọ hoa, vào cành cây ngọn cỏ trước mắt được.

Có lẽ, góc nhìn đầy cảm xúc và hoài cổ của Puts không chấp nhận bước chuyển ấy. Ông tự hào là một phần của lịch sử Leica, khi nó được coi là hoàng đế của giới nhiếp ảnh. Nhưng như đã nói, vật đổi sao dời. Leica không thể chỉ đứng yên một chỗ rồi “tâm bất biến” được. Nó phải thay đổi, chắc chắn 100% phải thay đổi, để không bị đào thải. Và Puts chọn cách viết, viết những gì ông suy nghĩ trên trang blog cá nhân của ông. Trang web không có phần bình luận. Tôi đồ rằng, ngay cả khi có Instagram hay Facebook hoặc Twitter, ông vẫn sẽ chia sẻ ý kiến của mình trên trang blog mà thôi. Ông không muốn thứ tình cảm của mình đã dành cho Leica hơn 3 thập kỷ bị những ý kiến của những kẻ xa lạ xáo trộn.

Cái thời kỳ này, chao ôi sao mà nhiều những kẻ có đôi tai, đôi mắt và tinh thần dễ vỡ vậy? Họ không chịu nổi những ai có góc nhìn khác họ, thế giới quan và phân tích không vừa ý họ, hoặc đơn giản hơn là không giống như những gì họ bị những người khác nhồi nhét vào đầu và cảm thấy ưng ý với những góc nhìn đó. Hôm vừa rồi tôi đọc một bài viết về “giới trí thức nửa mùa” trên tạp chí Tia Sáng, dịch lại bài tham luận của phó tiến sỹ sử học Oleshuk.

Trí thức nửa mùa của thời đại này là gì? Là những kẻ ba phải, không chịu tự suy nghĩ mà thay vào đó thường áp dụng đúng những góc nhìn chủ quan của những Facebooker nổi tiếng khác và áp nó thành góc nhìn của cá nhân mình. Dạng này thời nào cũng có, nhưng trớ trêu là cái thời ai ai cũng có internet, họ bỗng dưng có một nhu cầu mới, ấy là nhu cầu đòi hỏi người khác phải nghe tiếng nói của họ, bất kể chúng méo mó đến đâu đi chăng nữa. Bất kỳ ai có góc nhìn khác cũng đều bị gạt bỏ theo cái cách khó có thể “rừng rú” hơn. Họ thóa mạ, công kích cá nhân người ta bằng những từ ngữ xấu xí nhất. Nguy hiểm hơn cả là, họ đông, rất đông, và số đông thì luôn có thể khiến những con người bình thường hoảng sợ. Và thế là góc nhìn đa chiều bỗng nhiên bị bóp nghẹt, dù số ít đôi khi vẫn đúng.

Có một khái niệm gọi là hiệu ứng con voi. Nó như thế này: Hầu hết thời gian cảm nhận ban đầu của con người về một sự việc, hiện tượng đều sai, giống như đứng quá gần con voi, chẳng thể nào nhìn ra toàn bộ con voi mà chỉ thấy lớp da xám xịt nhàu nhĩ. Chỉ khi con người chịu bỏ thời gian, và chịu nhún nhường lùi lại quan sát kỹ càng, chúng ta mới thấy được con voi. Đó là thứ mạng xã hội ngày nay đang có quá nhiều: Những con người dễ bị kích động, dễ bị cảm xúc điều khiển rồi nói ra những điều chẳng mấy hay ho.

Và đó, chính là cảm giác của tôi khi đọc bài viết trên blog của Puts. Ngay lập tức, hẳn sẽ có người nói rằng Puts điên rồ, Leica vẫn sống khỏe, vẫn bán đồ đắt, còn ông chỉ là một trong cả vạn người yêu mến Leica. Vắng mợ, chợ vẫn đông. Chỉ khi “đặt chân vào đôi giày” của Puts, thấu hiểu được cảm giác, cảm xúc và cuộc hành trình của Puts, chúng ta mới hiểu được nguyên do vì sao Puts rời khỏi thế giới của những chiếc Leica. Ông đã không còn thấy một Leica lừng lẫy muôn năm cũ nữa. Leica thay đổi, và ông cũng thay đổi. Ông chọn cách dừng lại. Như Raymond Chandler từng viết trong cuốn The Long Goodbye, “nói lời tạm biệt là chết trong lòng một chút”, Puts đau đớn, nhưng nó là thứ đau cần thiết, thay vì cứ cố níu kéo những giá trị đã từ lâu không còn tồn tại, chí ít là trong mối quan hệ giữa ông và Leica.

Phải chi, những con người sử dụng mạng xã hội cũng biết làm điều đó, biết nhìn một vấn đề ở nhiều khía cạnh, nhiều chiều, thử đặt mình ở vị trí người đối thoại để tranh luận, bỗng nhiên thế giới quan của họ sẽ trở nên hoàn thiện hơn, dù chưa chắc đã hoàn hảo, nhưng chắc chắn hoàn thiện hơn. Chỉ khi ấy, mạng xã hội mới thật sự là thứ công cụ được tạo ra để giúp con người tiến lại gần nhau hơn, thay vì chia rẽ chúng ta như bây giờ. Đó cũng chính là bài học mà tôi học được.

Hà Nội, 23/10/2019
125 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Ồ, hoá ra do Leica hợp tác với Huawei mà các vị chiên gia bỏ đi à. Hay là không được dây phần trong đó nên bất mãn.
@Bạn và 500 Anh Em ít ra cũng bớt cái mỏ giùm, trên đời rất nhiều người làm việc vì sự đam mê và tâm huyết, với vị trí của họ tiền ko còn là vấn đề nữa hoặc họ chỉ cần đủ là được, cho nên đừng lấy cái xôi thịt của chú đi áp vào nhé.
@kuxin1512 Ko ai cấm bạn mở miệng. Nhưng mà mở miệng ra đừng có nói mỉa mai kiểu đó. Dù có đề cập đến vấn đề đó cũng nên dùng từ đàng hoàng.
@CrystalShield không đàng hoàng? mời bạn trích và giải thích chỗ nào không đàng hoàng 😃
Thu Vũ Văn
ĐẠI BÀNG
4 năm
Hay quá
MrXoay84
ĐẠI BÀNG
4 năm
@Thu Vũ Văn Bài viết rất hay. Văn phong cuốn hút. Munhf ko rành về chụp ảnh cũng chẳng rành về leica nhưng vẫn đọc hết bài viết này. Hẳn tác giả tâm đắc với Leica lắm lắm
@MrXoay84 Không ạ, em vừa thích vừa ghét Leica, chụp khó chết.
MrXoay84
ĐẠI BÀNG
4 năm
@P.W Giống như gái đẹp nhỉ. Khi chinh phục dc rồi thì sự hấp dẫn và thú vị cũng giảm đi gần hết
huynhtam4404
ĐẠI BÀNG
4 năm
@P.W Vậy mới là Leica, như một cô nàng đỏng đảnh khó chinh phục vậy mới cuốn hút và có nét duyên riêng. Chứ dễ chinh phục quá thì lại nhàm chán, bình thường
Thả ghim để nhâm nhi cho phê
Bỏ của chạy lấy người hay là bị cắt bớt thu nhập.
ngocson309
ĐẠI BÀNG
4 năm
Tôi đang dùng Leica Dlux 7 và tôi thấy hài lòng về những bức ảnh từ nó. Cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi ta hài lòng với những gì mình có.
Leica dần mất chất ....
yilka
TÍCH CỰC
4 năm
Ko hợp thì đi, vẽ.
@yilka ờ, làm tốn ly càfe ghê 😔
nhanotc
ĐẠI BÀNG
4 năm
Bài dài quá. Đọc đc đoạn đầu. Có ai như tôi không???
Greycloud
TÍCH CỰC
4 năm
@nhanotc Một cảm xúc tào lao dài dòng, nói tóm lại là thần tượng bị đổ vỡ vì thế giới công nghệ tiến quá nhanh, Leica dần chìm lỉm khi chỉ dựa trên thương hiệu xưa cũ và chính sách bán hàng giá cắt cổ.
Gary Trịnh
ĐẠI BÀNG
4 năm
@nhanotc Không đọc được thì out bài, đâu cần đi comment dạo bạn ơi
nhanotc
ĐẠI BÀNG
4 năm
@Gary Trịnh Tớ lại cứ bị thích cm dạo vậy, có sao ko bạn. Bạn ko vui à.
Gary Trịnh
ĐẠI BÀNG
4 năm
@nhanotc đọc cả bài viết xong đọc cái comment như táo bón lâu ngày. tất nhiên ko vui bạn ơi
@nhanotc Cũng cố gắng đọc lắm lắm luôn... nhưng không hết. Đành bỏ cuộc vậy.
ndthuanx
TÍCH CỰC
4 năm
Dù lạc chủ đề tinh tế nhưng tôi vẫn like
ndta21
ĐẠI BÀNG
4 năm
@ndthuanx Cho xin cái avatar quay mặt ra đằng trước hoặc đằng sau
Bài viết của bác rất mượt, nhưng ngoài lề, xin lỗi bác, trợ lý của gì mà mua được cả Leica?
linkto3
ĐẠI BÀNG
4 năm
@hallobamboo Chủ thớt đâu có nói mua mới hay mua từ đâu đâu bác?
@hoangnguyen85 Ồ, bị xóa comment cay cú à? Anh có bằng chứng gì chứng minh ông nội tôi ăn đất nông nghiệp? Cay cú quá cẩn thận mất khôn đấy 😃
khai1910
ĐẠI BÀNG
4 năm
@hallobamboo Leica giá bao nhiêu vậy. Mình ko phải dân chuyên nên ko rành lắm. Mà nghe nói mấy đồ này toàn vài chục chai 1 cái thì phải? Ngày xưa đói khát ắc hẳn nhà chủ thớt chắc cũng thuột tầm đại gia nhỉ?
Sehtr7
ĐẠI BÀNG
4 năm
@hoangnguyen85 Thật ra ăn đất ko mua dc Leica, cách dễ nhất có Leica với 1 viên chức nhà nước là xà xẻo cái kho quà tặng chính phủ.
TQ bành trướng kinh khủng
JizinT
TÍCH CỰC
4 năm
Leica nên định danh hàng cao cấp chứ bán công nghệ cho bọn vớ vẩn làm gì cho rẻ tiền danh tiếng.
truongx
ĐẠI BÀNG
4 năm
Đơn giản là Leica không chỉ phục vụ một mình Puts, Leica muốn các sản phẩm của mình đến được với nhiều người hơn nữa mà thôi. Mỗi người có một quan điểm khác nhau. Puts đã khi nào tráo giày của mình cho Leica chưa? Chắc Leica cũng đau đớn lắm khi nghe được những lời của Puts trên blog cá nhân, nhưng Leica có quan điểm riêng của mình. Cá nhân mình thì tôn trọng cả Puts, Leica, lẫn chủ thớt, miễn là các bạn đều mang những điều tốt đẹp đến cho nhân loại. Nhân tiện, mình thích nhất bác Tim Cook khi bác ý phát biểu rằng sau bao nhiêu năm trời bác ấy đã nhận ra sứ mệnh của bác ý là “phục vụ nhân loại”.
@truongx "Phục vụ nhân loại" ư ??? Gọi theo từ ngữ marketing là: 'Bán cái người ta cần, chứ không phải bán cái mình có".
wand
ĐẠI BÀNG
4 năm
@truongx Quan trọng là mình Puts không đủ tiền nuôi Leica.
TK4.Helios
TÍCH CỰC
4 năm
@truongx Quan trọng là bác Cook phục vụ tính phí nặng lắm. Cái để lại cũng là đại trà chứ với sao được cái tầm Leica.
tung2050
TÍCH CỰC
4 năm
@truongx Phục vụ nhân loại mà bán giá cắt cổ, phục vụ nhân loại mà thiết kế vẫn xào đi đi xào lại.

Con buôn thì nói luôn đi chứ nguỵ biện gì tầm này nữa. Đồ apple thời job ngon ntn giờ càng ngày càng như shit vậy.
phynguyen93
ĐẠI BÀNG
4 năm
Cũng giống Apple bỏ màn hình 3.7 inch trên iPhone 4s trở về trước.
@phynguyen93 * đính chính: 3,5 inch nhé 😃
wand
ĐẠI BÀNG
4 năm
@phynguyen93 Và cuối cùng là quyết định hoàn toàn chính xác. Giờ cầm lại con 5s đã thấy màn bé tí.
coxfire
ĐẠI BÀNG
4 năm
Bài hay. lâu lâu mới đọc dài như thế. Thank bác thớt
NatvPa
TÍCH CỰC
4 năm
Gã đàn ông nhìn vợ mình, thở dài rồi tự hỏi sao cô ấy không còn giống như hồi con gái. Gã đau buồn khi nhận ra cô ấy đã (phải) thay đổi, chẳng còn ngây thơ, không còn hay hờn hay dỗi, chỉ còn thấy hay thở dài và hay suy nghĩ.
Leica đã có 1 quá khứ vàng son, nhưng quá khứ ấy có mài ra mà ăn mãi được không? Leica cũng còn phải sống và họ phải tìm cách mà sống. Nhưng sống sao cho vừa lòng thiên hạ? Leica M cứ bảo là tinh hoa của Leica đi, nhưng 2019 rồi mà AF vẫn chưa có. Leica Q và SL có gì hơn so với những chiếc máy cùng tầm giá của chúng (Fujifilm GFX 50R, Hasseblad X1D hay Nikon d5...) rõ ràng là ngoài cái chấm đỏ và cái tên ra thì mọi thứ khác chỉ là "chắc là".
Máy ảnh Leica giờ chỉ là những món đồ chơi đắt tiền khi mà nó không có được sự hữu dụng và tính thực dụng mà đáng lẽ ra ở tầm giá đấy nó phải có. Cái đẳng cấp của Leica nó cũng như cái đằng cấp của những Breguet hay Rolex vậy, nó gần như chỉ còn là phù hoa, ngoài cái cảm giác thượng đẳng ra thì nó không cho người dùng cái gì rõ ràng đâu.
Leica-vua-máy-ảnh chỉ tồn tại trong thời kỳ máy phim thôi, giờ đây spotlight đang chiếu về Nhật Bản. Leica thức thời khi chuyển qua để làm dịch vụ, họ biết nếu chỉ bán máy ảnh thì họ sẽ ra đi như cái cách Kodak từng đi, đẳng cấp của Leica chỉ còn giữ được khi sản phẩm của họ nâng tầm đối tác của họ lên, vì đây là quan hệ win-win.
bienlyber
TÍCH CỰC
4 năm
@NatvPa Thì bài viết đâu có bàn tới đúng sai gì của Leica đâu. Họ nói về cái cảm xúc khi phải chia tay một cái thân thuộc, giá trị xưa cũ mà họ dành một phần quãng đời ra để thuộc về nó. Bài viết rất hay về mỹ cảm con người, không phải lúc nào hành động tối ưu về kinh tế cũng là tốt nhất đâu. Và nếu như các hãng đồng hồ Thuỵ Sĩ đã thành công trong việc vừa tồn tại vừa giữ được bản sắc bằng một con đường mới riêng biệt. Thì có lẽ Leica đã không làm được như vậy
TK4.Helios
TÍCH CỰC
4 năm
@NatvPa Mình lại thấy "AF không có" nó sai sai sao ấy. Dù sao Leica cũng có cái chất riêng, và chất riêng đó không dành cho người làm dịch vụ, thế nên Leica tự cho mình quyền bán giá đắt như vậy.
NatvPa
TÍCH CỰC
4 năm
@TK4.Helios Các mẫu máy thuộc M-series của Leica đều ko có AF, theo mình biết là vậy. Còn cái chất Leica thì nó cũng giống như Breguet hay Rolex thôi. Mình thấy đội này marketing na ná nhau. Họ thi vị hóa sản phẩm của mình lên, nghệ thuật hóa cơ khí và máy móc. Từ đó, họ gán cho chúng những giá trị "tinh thần" khó có thể đo lường được. Ngoài ra, Leica còn có lợi thế là việc họ có vị trí huyền thoại trong lĩnh vực nhiếp ảnh. Khi mà đã đánh được vào tinh thần và nghệ thuật, bạn muốn bán bao nhiêu cũng được. Tất nhiên, đã có tầm nhìn như vậy thì tất nhiên không tập trung vào những người làm dịch vụ được (như bác nói). Những chiếc máy của Leica hiện nay sẽ nhắm nhiều hơn vào những đối tượng cần 1 món phụ kiện để khẳng định giá trị bản thân, những nhiếp ảnh gia có đủ tâm và tầm để có 1 chiếc Leica hay những người thích sưu tầm...
Thực ra đánh vào phân khúc này là rất khôn ngoan. Leica đã tìm ra 1 cái ngách có thể nâng tầm mình lên mà không cần phải cạnh tranh gay gắt với phần còn lại. Những người đã đủ tiền mua Leica, 1 là sẽ chủ yếu quan tâm vào bản thân chiếc máy (tức là thương hiệu/thiết kế/gia công) là chính, các tính năng chuyên nghiệp thì không bận tâm mấy, 2 là cầm cái gì lên chụp cũng đẹp (tất nhiên mình không nói Leica chụp xấu, chụp đẹp là đằng khác, nhưng chưa đủ đẹp để sánh tầm với cái giá vượt trội cuả mình). Thêm nữa, với tập khách hàng này dễ tạo nên nhận thức "đã cầm Leica là sẽ giỏi hoặc thành đạt" ;), và cũng chính những người này sẽ tiếp tục góp phần vào công cuộc marketing cho thương hiệu.
Tất nhiên là thương hiệu có mạnh đến đâu mà 1 năm buôn bán buồn thì vẫn chết. Mình nghĩ Leica giờ làm máy ảnh chủ yếu là để giữ hình ảnh 1 thương hiệu sang trọng, đẳng cấp. Tức là đầu tư cho cái mặt. Còn về chuyện sống còn, hay cái bụng, phần mềm và dịch vụ mới là cái nồi cơm của họ, về lâu về dài thì có lẽ cái này mới làm nên bộ mặt của Leica, khi anh nâng tầm cho đối tác, người ta biết anh đang ở 1 tầm cao lắm.
TK4.Helios
TÍCH CỰC
4 năm
@NatvPa Khoan bàn về chuyện cái chất hay cái giá của Leica. M series không có À là hiển nhiên rồi, tuy nhiên chuyện nó không có AF không phải là sự tụt hậu cuả nó so với các máy ảnh khác, chính cái lấy nét tay của dòng rangefinder cho Leica cái chất khác với tất cả phần còn lại. Thế nên khúc bạn lấy dẫn chứng giá cao nhưng không có AF tức là thiếu tính năng thì không đúng tí nào. MF của Leica là một "tính năng" đấy.
SonAmpe
CAO CẤP
4 năm
Bài dài quá, viết khá tâm huyết. Mình đọc xong cũng không hiểu gì lắm.
Ngoài lề, Leica cần phải sống. Leica hay bất cứ cái công ty nào trên thế giới cũng cần phải tồn tại được trước khi muốn làm những điều to tát. Muốn sống thì cần phải thay đổi khi không thể tiếp tục sống như trước kia thôi.
Ngoài lề lần nữa: Tôi không mong Leica hay bất cứ hãng nào ngoài Trung Quốc hợp tác với các hãng Trung Quốc. Tôi không muốn Trung Quốc có những thương hiệu lớn và ngày càng bành trướng. Tôi muốn Việt Nam có những thương hiệu mạnh hơn, một nền kinh tế mạnh hơn, một đất nước tốt hơn. Chỉ là mong muốn thôi vì hiện thực phũ phàng quá.:rolleyes:
perhaps
ĐẠI BÀNG
4 năm
@SonAmpe Ai chẳng muốn vậy nhưng sự thật thì quá phũ
vhhai_c3
TÍCH CỰC
4 năm
Bài viết hay và thấm. Đáng buồn là các comment hay cho bài viết này của bác chẳng có là bao. Đúng như bác nói vậy "giá như họ chịu thử đặt chân vào đôi giày của người khác..." 😔(
melody23
ĐẠI BÀNG
4 năm
@vhhai_c3 mấy ai có đk đặt chân vào đôi giày này mà bình luận đâu bác 😆 gì chứ leica nó vẫn là 1 cái gì đó rất khác, mình đang dùng Df nhưng xầm 1 chiếc leica M cảm giác như đc cầm cả lịch sử nhiếp ảnh trên tay vậy, nhưng cái gì cũng phải thay đổi, nếu ko thay đổi thì ko phải ông Puts rời xa Leica mà Leica nó cũng sẽ chết giống nhứ kodak
Ddg12
ĐẠI BÀNG
4 năm
@vhhai_c3 Giáo dục "phần hồn" bây giờ thực sự đang có vấn đề các bác ạ. Có thể chưa có cơ hội trải nghiệm nhưng mình thấy bài viết nhấn mạnh vào cảm xúc hơn - cảm xúc là thứ mà mình nghĩ có thể lan truyền dễ dàng trong một xã hội nhân văn.

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019