Tham dự Tech Lounge

Tham dự Tech Lounge


Tất tần tật về mua trả góp qua tổ chức tín dụng và các yếu tố cần lưu ý

Nam Air
5/11/2019 3:1Phản hồi: 196
Tất tần tật về mua trả góp qua tổ chức tín dụng và các yếu tố cần lưu ý
Sau bài viết Trả góp 0% qua thẻ tín dụng là gì, mình nhận được rất nhiều yêu cầu của anh em nên hôm nay tiếp tục chia sẻ với anh em Trả góp qua các tổ chức tín dụng là gì và các điểm cần lưu ý, mong rằng bài viết sẽ cung cấp cho anh em những thông tin chi tiết và đầy đủ nhất.

Hình thức mua trả góp xuất hiện từ rất lâu và bắt đầu phổ biến ở Việt Nam khoảng 15 năm trở lại đây khi các tổ chức tín dụng bắt đầu hỗ trợ mua trả góp xe máy, xe hơi. Dần dà, mua trả góp mở rộng qua hầu hết các lĩnh vực tiêu dùng như mua đồ điện máy/công nghệ, thẩm mỹ/làm đẹp, du lịch, nội thất v.v và v.v... Nếu đã từng mua trả góp điện thoại, anh em sẽ thấy là việc duyệt hồ sơ rất dễ dàng và nhanh chóng, chỉ mất khoảng 15 - 30 phút là xong, nhận máy luôn, nhưng để cho an toàn, anh em cần lưu ý các chi tiết sau:

Xem lại: Trả góp 0% qua thẻ tín dụng là gì ở đây


Tên gọi tắt:
  • Bên A là bên cho vay (tổ chức tín dụng - TCTD)
  • Bên B là bên mua trả góp (chúng ta)
I. Các yếu tố ảnh hưởng tới số tiền trả góp mỗi tháng
  • Thời hạn vay
Mua trả góp qua tổ chức tín dụng hỗ trợ thời hạn trả góp ít nhất là 6 tháng và dài nhất là 24 tháng, một số sản phẩm đặc thù giá trị cao và được ưu đãi thì có thể hỗ trợ góp 36 tháng (3 năm) nhưng không phổ biến.

  • Lãi suất vay
Về lý thuyết, mua trả góp vẫn được xem là một khoản vay tín chấp, tức là TCTD sẽ cho anh em vay tiền dựa trên uy tín của anh em để mua trước cái máy, mỗi tháng anh em sẽ trả tiền lại cho TCTD, quyền định đoạt cái máy và hồ sơ thông tin của anh em là vật thế chấp cho TCTD.

Rất rất nhiều sản phẩm được quảng cáo là hỗ trợ trả góp lãi suất 0%, tuy nhiên anh em cần lưu ý 0% đó là cho kì hạn góp bao nhiêu lâu, 6 tháng hay là 12 tháng. Nhiều khi 0% chỉ áp dụng khi góp 6 tháng, còn nếu góp 12 tháng thì lãi suất lại là 20%/năm.

tragop0.jpg
  • Khoản tiền trả trước
Đa số khi trả góp qua tổ chức tín dụng, anh em sẽ cần trả trước một khoản tối thiểu là 10%, thông thường là trả trước 30%, số tiền còn lại sẽ được nhân lãi suất và chia đều với thời hạn vay để ra số tiền trả mỗi tháng. Trả trước càng nhiều thì số tiền còn lại trả góp mỗi tháng sẽ ít xuống, và ngược lại.
  • Quyền sở hữu
Tại sao anh em phải trả trước một khoản 10% - 30%. Cái này là một phương án tài chính để các tổ chức tín dụng giảm bớt rủi ro cho họ. Anh em cần phải hiểu một điều là khi mua trả góp (ví dụ mua cái điện thoại), thì quyền định đoạt cái điện thoại đó là của bên tổ chức tài chính (bên A), họ ứng trước 100% giá trị cái điện thoại để trả cho bên bán, sau đó mỗi tháng thu lại tiền của anh em. Anh em chỉ mới có quyền sử dụng đối với các điện thoại này thôi, lúc này cái điện thoại của anh em là tài sản đảm bảo cho khoản vay trả góp đó, tới khi nào anh em trả dứt 100% tiền nợ thì anh em mới là chủ sở hữu thực sự của cái điện thoại này.

ki-hop-dong.jpg
Đọc kĩ hợp đồng trước khi ký (ảnh: Vietq)

Giả sử anh em trả góp 12 tháng, nhưng tới tháng thứ 6 (thậm chí là tháng thứ 11) mà anh em không trả góp nữa, thì theo lý thuyết, bên tổ chức tài chính có quyền thu hồi cái điện thoại đó lại (và phát mãi nó, tức là đem bán nó đi để cấn trừ nợ). Anh em cũng biết là giá trị của điện thoại sẽ giảm theo thời gian, do đó khi mua nó có giá trị là 15 triệu nhưng 6 tháng sau chỉ còn lại 12 triệu (hàng mới) và 8-10 triệu hàng đã qua sử dụng.

Lúc này tổ chức tín dụng "phát mãi" cái điện thoại đó được 8 triệu để cấn trừ khoản nợ còn lại của anh em. Bởi vì họ không thể bán lại tài sản đảm bảo (cái điện thoại) với giá ban đầu là 15 triệu, cho nên khoản tiền trả trước (ví dụ 30%) và số tiền góp mỗi tháng đã thu là phần bù trừ cho trượt giá của tài sản đảm bảo đó.
  • Phí chuyển đổi trả góp & Phí thu hộ
Đa số khi mua trả góp qua các tổ chức tín dụng sẽ có một khoản phí gọi là Phí chuyển đổi trả góp. Đây là khoảng phí để chuyển đổi phương thức mua hàng từ trả thẳng 1 lần thành trả góp hàng tháng, nó khoảng khoảng 1% - 4% giá trị món hàng. Ngoài ra còn có thêm phí thu hộ, nếu anh em trả góp hàng tháng tại các cửa hàng điện máy, ví điện tử....
  • Bảo hiểm khoản vay
Khoản phí cuối cùng là Bảo hiểm khoản vay. Trên lý thuyết, bảo hiểm khoản vay là số tiền mà anh em sẽ mua (của công ty bảo hiểm) để bảo hiểm cho khoản vay trả góp đó. Nếu có sự cố không may xảy ra mà anh em không tiếp tục trả góp được thì (theo lý thuyết) công ty bảo hiểm sẽ thay mặt anh em trả số tiền còn lại cho bên A (bên cho vay, TCTD). Số tiền bảo hiểm này khoảng mấy chục ngàn một tháng và mua suốt thời gian vay.

Quảng cáo


Tuy nhiên, theo quy định của Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam thì anh em KHÔNG BỊ BẮT BUỘC phải mua bảo hiểm khoản vay khi mua trả góp. Do đó, khi làm thủ tục mua trả góp, anh em có quyền yêu cầu các bạn làm hồ sơ cho anh em bỏ cái bảo hiểm khoản vay này ra khỏi hợp đồng để giảm số tiền trả góp hàng tháng. Vì bảo hiểm khoản vay là khoản bảo hiểm tự nguyện, không phải loại hình bảo hiểm bắt buộc, cho nên chúng ta có quyền không mua.

Như vậy, sau khi đã tham khảo các khoản phí, lãi suất kể trên, anh em có thể tạm hiểu được cách TCTD liệt kê một khoản trả góp, ví dụ như sau:

tra-gop.jpg
  • (Giá trị món hàng - số tiền trả trước) x lãi suất = gốc + lãi (931,5k).
  • (931,5k) + bảo hiểm khoản vay + phí thu hộ = số tiền góp mỗi tháng (998k)
  • (998k) x thời hạn vay = Số tiền cần phải trả góp (11.976k)
  • (11.976k) + số tiền trả trước = Tổng số tiền phải trả (15.873k)
  • (15.873k) - giá trị món hàng = Số tiền chênh lệch giữa mua trả góp so với mua trả thẳng (2.883k)
  • Nếu lấy 2.883k/giá trị món hàng = % chênh lệch giữa mua trả góp so với trả thẳng = 22,2%
Tức là khoản vay trả góp này có lãi suất 22,2% cho kì hạn góp 12 tháng, tương đương với khoảng 1,85%/tháng.

OK, như vậy là anh em đã tìm hiểu xong về hình thức vay, lãi suất và số tiền cần trả góp mỗi tháng. Với cái điện thoại trị giá 13 triệu kể trên khi trả góp 1 năm thì anh em sẽ chịu lãi suất hơn 22%, do đó nếu mua trả góp, anh em nên ưu tiên lựa chọn cái phương án có hỗ trợ trả góp 0% thì tổng chi phí phải trả sẽ thấp hơn nhiều, ví dụ như bảng tính sau đây sẽ được góp 0% nếu chúng ta trả trước 50% món hàng và trả góp kì hạn 6 tháng.

tra-gop-0%.jpg

II. Tiến hành thủ tục mua trả góp
Bây giờ chúng ta sẽ tiếp tục qua bước lựa chọn và duyệt hồ sơ. Như anh em cũng đã biết, việc duyệt hồ sơ mua trả góp hiện nay rất nhanh và đơn giản, anh em chỉ cần các loại giấy tờ căn bản gồm có: CMND, bằng lái xe, hộ khẩu và hóa đơn điện/nước. Trong đó, chỉ cần 2 thứ CMND + bằng lái hoặc CMND + hóa đơn điện/nước là được. Nếu hộ khẩu khác nơi sinh sống thì mới cần thêm photo sổ hộ khẩu.

Quảng cáo


  • Thông tin người đối chiếu
Sau đó, anh em sẽ điền 1 cái tờ hợp đồng đăng ký mua trả góp với TCTD, trong đó có các thông tin cơ bản như họ tên, ngày sinh, địa chỉ, số CMND, nơi làm việc, thu nhập hàng tháng, tình trạng hôn nhân v.v và v.v... Trong đó có một mục cần đặc biệt lưu ý đó là tên + số ĐT của người tham chiếu. TCTD sẽ yêu cầu anh em cung cấp thông tin của 2 - 3 người quen của anh em để họ đối chiếu thông tin (và dí nợ) khi cần. Khi anh em điền tên, SĐT của ai đó vô mục này thì nên hỏi ý kiến của họ trước, để tránh họ bị làm phiền nếu có vấn đề xảy ra.

Tiếp theo, anh em cần lựa chọn hình thức trả góp phù hợp: kỳ hạn trả góp, khoản tiền trả trước, số tiền trả mỗi tháng, ngày đến hạn thanh toán (ví dụ là ngày 5 hàng tháng) v.v... Thông thường, người mua có xu hướng lựa chọn thời gian trả góp dài nhất để cho số tiền góp mỗi tháng ít nhất, nhưng điều này có thể ảnh hưởng tới lãi suất và số tiền chênh lệch cuối cùng. Hãy đảm bảo thu nhập của anh em dư dả để trả tiền góp mỗi tháng, từ đó tránh không bị tiền phạt quá hạn.

III. Thanh toán khoản vay mỗi tháng
  • Ngày đến hạn thanh toán
Sau khi duyệt hồ sơ xong và lấy máy, TCTD sẽ cung cấp cho anh em 1 cái mốc thời gian gọi là Ngày đến hạn thanh toán. Anh em có trách nhiệm đóng tiền trả góp trước khi kết thúc ngày này, ví dụ ngày 5 hàng tháng, số tiền thanh toán là 998k/tháng.
  • Phương thức thanh toán
Có nhiều cách để anh em đóng tiền trả góp mỗi tháng, có thể là đến một cửa hàng điện máy có liên kết thu hộ cho TCTD, hoặc đóng qua tài khoản internet banking, hoặc qua ví điện tử, hoặc tại cửa hàng tiện lợi v.v và v.v... Tùy mỗi TCTD sẽ có nhiều hình thức thanh toán khác nhau, anh em có thể tham khảo trực tiếp khi làm hồ sơ.

thanh-toan-vay-tieu-dung-momo.jpg
Một số ví điện tử có hỗ trợ thanh toán vay tiêu dùng

Theo mình, cách thanh toán qua ví điện tử có vẻ như là nhanh nhất và tiện lợi nhất. Nó có thể hiện cho anh em ngày thanh toán, số tiền thanh toán, dư nợ còn lại v.v... để đảm bảo là anh em không đóng thiếu tiền hoặc quên đóng tiền.

kiem-tra-vay-tieu-dung.jpg
Kiểm tra được xem dư nợ và thời hạn thanh toán của khoản vay mua trả góp
  • Có cho trả trước hạn hay không
Trước đây anh em vay mua 1 cái điện thoại 13 triệu, trả góp 12 tháng, mà mới trả được 6 tháng bây giờ dư dả tiền bạc, anh em muốn trả dứt luôn 6 tháng còn lại một lần cho khỏi lằng nhằng có được không? Thì đây cũng là một vấn đề cần lưu ý khi mua trả góp.

Thông thường khi trả trước, bên A sẽ phạt anh em một số tiền gọi là tiền phạt trả trước (vì trả dứt nợ sớm tức là mình hủy hợp đồng trước thời hạn), các ngân hàng thường phạt 0,5 - 2% trên số tiền trả trước, còn các TCTD có thể phạt 1 - 5% tùy mỗi công ty. Tức là nếu số tiền còn lại là 6 triệu, anh em trả dứt một lần thì sẽ bị phạt ví dụ 3% tức là 180k + 6000k = 6180k, đây cũng là một yếu tố anh em cần lưu ý.
  • Lãi suất & phí phạt trả chậm, có cho ân hạn hay không?
Sẽ có trường hợp không mong muốn xảy ra đó là anh em không may trả tiền góp chậm, ví dụ ngày đến hạn trả góp là 5/11 mà ngày 6/11 anh em mới lãnh lương, mới có tiền đóng. Như vậy, TCTD cho anh em vay có hỗ trợ ân hạn không và cho ân hạn bao lâu. Ân hạn có nghĩa là họ cho phép anh em trả chậm một khoảng thời gian (ví dụ 3 ngày) mà không phạt, trả chậm sau ngày 8/11 thì mới tính lãi suất. Lúc này, cần phải để ý tới lãi suất và tiền phạt trả chậm.

Trả góp 0% hay 1% là mức lãi suất chỉ được áp dụng khi anh em TRẢ ĐÚNG HẠN, còn nếu anh em trả trễ hạn, lãi suất đó có thể lên tới mấy trăm %/năm. Mình không rành về con số lãi suất này, nhưng lấy ví dụ lãi suất trả chậm là 150%/năm, góp mỗi tháng 998k thì nếu anh em thanh toán vào ngày 12/11, tức là trả chậm 4 ngày sau ngày ân hạn, thì số tiền phạt trả chậm sẽ tính như sau: (Tuỳ mỗi ngân hàng, có nơi họ tính 1 năm có 365 ngày, như VCB tính 1 năm là 360 ngày).
  • (150%/360 ngày) x 998k = gần 4,2k/ngày
  • Chậm 4 ngày = 16,7k => tổng số tiền phải trả = 998k + 16,7k = 1014,7k
Chưa kể, có một số TCTD còn tính thêm một khoản phí phạt trả chậm nữa, có thể là 50k/lần hoặc nhiều hơn, vì vậy anh em cần lưu ý đọc kĩ hợp đồng.
  • Dư nợ còn lại và CIC
Điểm cuối cùng mình muốn lưu ý anh em đó là dư nợ cuối cùng sau khi anh em hoàn tất việc trả góp. Nếu để ý bảng liệt kê chi tiết chi phí trả góp bên trên, anh em có thể thấy một dòng lưu ý là Số tiền thực tế có thể chênh lệch 10k/tháng. Không phải lúc nào số tiền khi chia ra cũng sẽ chẵn tròn 1.000đ mà có khi nó sẽ lẻ vài chục đồng, vài trăm đồng.

tra-gop.jpg

Nếu như con số này được làm tròn lên để chúng ta thanh toán dư thì không nói, nhưng nếu vô tình bị bỏ sót và cuối cùng sau khi thanh toán xong, anh em vẫn còn nợ lại dù chỉ vài ngàn đồng thì sẽ rất nguy hiểm. Trong nghiệp vụ tài chính, dù cho nợ 1đ thì vẫn là nợ, và nếu nợ quá hạn thì sẽ trở thành nợ xấu, ảnh hưởng trực tiếp tới điểm tín dụng cá nhân CIC của anh em (Xem lại CIC là gì ở đây).


Đã có trường hợp đứa em của bạn mình vay mua điện thoại hồi năm 2017, tưởng là trả xong lâu rồi nhưng gần đây bên TCTD gọi điện thoại nhắc là nó vẫn còn nợ vỏn vẹn 1.000đ và yêu cầu nó thanh toán vì khoản nợ đã chuyển lên thành nợ xấu nhóm 2. Mình có đem thắc mắc này đi hỏi 1 bạn ngân hàng thì được trả lời là một số TCTD cố tình làm vậy để bên B bị liệt vô nợ xấu nhóm 1, nhóm 2, từ đó không thể vay tiêu dùng/mua trả góp ở các TCTD khác được nữa mà chỉ có thể vay/góp bên TCTD cũ.

Một bài báo trên Vietnamnet về việc nợ 6.000đ nhưng phải trả lãi hơn 75 triệu đồng
no-tin-chap.jpg

Vì vậy, ở tháng cuối cùng của kỳ hạn trả góp, anh em nên liên hệ bên TCTD để tất toán hợp đồng, loại trừ trường hợp còn nợ tiền, nếu đóng dư tiền thì anh em cũng có thể rút số tiền dư đó lại nhé.

  • À còn nữa, lời mời chào vay tiêu dùng
Nếu từng mua trả góp thì chắc chắn là anh em cũng gặp trường hợp bị các TCTD gọi điện thoại mời chào vay tiêu dùng, vay tín chấp rồi. Nếu cảm thấy phiền và không có nhu cầu vay, anh em có thể liên hệ hotline của TCTD để yêu cầu họ không gọi điện thoại tư vấn vay nữa.

Hy vọng bài viết này sẽ liệt kê đầy đủ các điểm cần lưu ý khi mua trả góp thông qua các TCTD. Mời anh em đặt câu hỏi và thảo luận bên dưới nhé!
196 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Bên cạnh vay tiêu dùng còn tạm đc, mấy thằng này còn mần thêm tín dụng đen nữa. Đằng sau nó là ô dù cực lớn, hoạt động tín dụng đen này là môt nhánh của rử.a tiền. H ta thành cường quốc về mặt này rồi. Báo cáo của các tổ chức quốc tế đều công nhận =]] Thật tự hào!
bozvot
ĐẠI BÀNG
4 năm
@Rich Leon Hóng link xem thế nào chứ nói khơi khơi thế chóa nó tin 😁
@bozvot Thấy nói cũng đúng mà bạn, bạn thấy mấy cái tín dụng đen bạn vay thằng này xong nó đá qua thằng kia qua thằng nọ, kết quả ko có khả năng trả. Tụi nó liên kết với nhau chứ j nữa. Như thằng FE lãi cắt cổ mà vẫn hoạt động bình thường đó chứng tỏ có ô dù
bozvot
ĐẠI BÀNG
4 năm
@Trần văn hoàng anh Nói vậy chưa thuyết phục. Tụi nó lãi cao có vi phạm điều luật nào không?
@bozvot Lãi cao là vi phạm rồi đó, chưa kể mấy vụ nhắn tin khủng bố, hăm dọa người thân của người vay như vậy ko vi phạm còn j nữa!
Trước mình cũng hay trả góp, giờ thì toàn trả thằng cho đỡ phiền. Mua nhà, xe mới tính đến góp.
@Lâm Bình Chi Đọc bình luận của cụ Lâm Bình Chi mà tui thấy hay và rất đúng đến 100 % luôn
@Lâm Bình Chi Mỗi người một cách sống bạn ạ, bạn chỉ nhìn ra 2 cách thì phiến diện quá. Đa phần châu Á bố mẹ đều có của để lại cho con cái, nên ko cần thiết phải nợ nần. Ở Mỹ có những người già cóc rồi mà vẫn chưa trả hết nợ đại học đó bạn.
@chinhnguyen81 mình thấy xã hội việt nam còn sĩ diện cái việc nợ nần, trả góp này lắm. thay vì ta tiết kiệm 1 năm mới đủ tiền đi mua cái điện thoại, thì ta lấy điện thoại rồi trả góp 1 năm, chả khác gì nhau, mà lại giải quyết nhanh nhu cầu. Có chăng là mua trả góp thì ít được hưởng quà cáp như đưa tiền mặt liền thôi
inviet
TÍCH CỰC
4 năm
Bài viết rất chi tiết thanks bạn nhiều
huutuanhp
ĐẠI BÀNG
4 năm
Đã là trả góp thì bao giờ cũng phải bỏ ra nhiều hơn dù lãi suất 0%
gauanh08
ĐẠI BÀNG
4 năm
@huutuanhp để mình nói cho bạn nghe, mình mua cái iPhone chính hãng từ nhà bán Tiki, trả góp 0% qua thẻ Citibank trong 6 tháng, Citi lúc đó đang có chương trình giảm 2tr, còn Tiki thì giảm hẳn thêm 3tr, thế là mình chỉ phải trả 26.990k cho 1 con chính hãng bán sau ngày mở bán chính thức 25 ngày. Ko nhiều hơn. Nhiều hơn là do bạn nghĩ, còn tùy trường hợp. Mình chưa thấy thì đừng nên phán.
gauanh08
ĐẠI BÀNG
4 năm
Còn đây là hóa đơn mua hàng nè, nên chú ý đối tác mua hàng (Tiki) cùng là đối tác của ngân hàng (Citibank) thì ko phải tốn phí chuyển đổi gì cả.
Ảnh chụp Màn hình 2019-11-06 lúc 09.54.22.png
@huutuanhp @Julient: Mình xài cái thẻ tín dụng mua trả góp 0% vài năm trở lại đây. trước cũng thắc mắc là với phí thường niên 299k một năm thì ngân hàng lời gì, đại lý lời gì, khi mà trả tiền mặt hay trả góp thì giá trên kệ như nhau (có chăng là trả tiền mặt thì được hưởng quà cáp)
Về sau mới hiểu là các bên nó lời cái gì.
- ngân hàng nó lời tiền phí thường niên, nó lời tiền lãi của mấy ông ko trả đúng hạn, nó lời cái khoảng mà đại lý cam kết gửi tiền vào ngân hàng nó
- đại lý nó lời cái là hàng nó bán được ngay, thu tiền ngay, xoay vốn nhanh, nếu mà tháng 1 hàng ko được bán đi thì về sau cũng phải hạ giá, tặng quà mới bán được. Đây là mấu chốt thể hiện chả ai cho không ai cái gì, nếu bạn mua máy ở tháng 1, bạn trả nguyên giá, còn bạn mua máy ở cuối năm, thì máy hạ giá bạn hời hơn người mua tháng 1, bạn trả góp 0% đều 12 tháng thì tổng tiền phải trả coi như là ko được hưởng cái % giảm giá của máy như người mua cuối năm, vậy bản chất là bạn vay tiền lãi suất vài % để mua được hàng.
- xã hội lời cái tiền được chuyển vào việc mua sắm, chứ ko chuyển đi xài vào các việc khác (du lịch, mua đất...) coi như là kích cầu được mua sắm hàng hóa
- vậy chúng ta lời cái gì ? Chúng ta có hàng dùng ngay. Cái này quan trọng, ko rõ các bạn thế nào chứ có lần máy giặt nhà mình đột tử, may quá có cái thẻ tín dụng ra hốt ngay cái máy giặt khác giải quyết được vấn đề liền, hàng tháng đi làm trả đắp vào, chứ lúc đó tiền đâu mà quất ngay cái máy giặt.
*** Các bạn đừng so sánh trả góp 0% qua thẻ tín dụng với các tổ chức tín dụng như FE đồ nghe, mấy cha nội đó cũng có cái màu trả góp 0%, rồi cái lãi suất mấy cha nội đó "chơi chữ" qua cái gọi là phí các kiểu, mà cộng tổng cái phí đó lại cũng bằng lãi suất á. 0% là 0%, tức vay 12 triệu thì trả lại 12 triệu (hàng tháng trả 1 triệu). Chứ còn nếu có thuế, PHÍ các kiểu chơi chữ, mà cộng thuế phí này lại nó bằng 3%, 6%, 12% thậm chí 25% tổng hóa đơn phải trả thì cái này là LÃI mẹ rồi chứ méo phải PHÍ con khỉ gì hết
Đôi dòng chia sẻ !
12o0n3y
ĐẠI BÀNG
4 năm
@huutuanhp Bạn không biết ko có nghĩa là nó ko hiện hữu.
Vay tiêu dùng, vay trả góp ghét nhất cái gọi điện nhắc trả tiền mặc dù vẫn chưa tới hạn phải trả. Lại còn gọi điện cho người thân để nhắc nữa chứ. Không bao giờ có ý định mua trả góp. 1 mua thẳng, 2 khỏi mua. Vậy cho đỡ đau đầu
Tim Cóc
ĐẠI BÀNG
4 năm
@toihoihan22 công nhận là thấy bọn nó gọi điện làm phiền đủ người là khỏi muốn mua r
LINH120612
TÍCH CỰC
4 năm
@Tim Cóc tính thử góp 1 lần cho biết mà nghĩ tới cảnh chưa vay mà nó nhắn tin mời trả góp 50tr, cách vài hôm lại nhắn, data của mình giờ nó rơi khắp nơi, với nghe nó gọi thế này thì thôi đủ tiền rồi xúc
@toihoihan22 Nếu lương ổn định thì làm cái thẻ tín dụng trả góp cho tiện. Phí cũng ko nhiều và ko bị gọi làm phiền như bọn FE, Home.
bxv5238
ĐẠI BÀNG
4 năm
Có chăng dùng trả góp qua thẻ tín dụng với một số ngân hàng có liên kết 0% lãi xuất thôi
Có tiền đến đâu mua đến đó. Dính vài cái này phiền phức
Các bác đừng để con số 22% đánh lừa. Theo tính toán của em thì tháng cuối cùng mình phải trả lãi suất 31%/tháng (370%/năm).
Đó là nguyên nhân vì sao họ mạo hiểm chơi tín chấp chỉ với CMT. Và còn nuôi một đội quân hùng hậu đóng giả khách hàng để test nhân viên lạp thủ tục vay.
@hieu282828 Bác nói chỉ một phần CIC là đương nhiên, nhưng đời nào nó chịu mất khoản tiền người vay đã vay? Một vài trăm hay 1tr, 2tr nó có thể gọi điện làm phiền người thân, bạn bè (bản thân thì một khi đéo trả thì nào dám dùng sdt đó nữa :v) đến khi nào bị điên mới thôi. Đến một mức nợ nào đó chắc chắn có một số người anh em thiện lành cầm hàng nóng đến tận nhà đó.
@DearGodVN Dạ, theo như phép tính 22% ở trên thì lãi suất tính trên giá của món đồ khi mua.
Dù hàng tháng mình đã trả bớt nợ nhưng lãi thì vẫn tính theo giá của món đồ lúc mua. Tức là số nợ thì giảm dần theo từng tháng nhưng lãi thì vẫn tính theo số nợ ban đầu.
@DearGodVN Đúng rồi, vay ngân hàng là tính trên dư nợ giảm dần (càng trả càng giảm tiền xuống). Còn mua trả góp là gốc & lãi đều nên số tiền phải cố định mới đúng.
Đừng dại mua trả góp =))
hfff1080
ĐẠI BÀNG
4 năm
Ngân hàng bây giờ tính lãi suất 1 năm là 365 ngày mod nhé, ko phải 360 ngày như trước
Ko biết khi nào mới có mua xe hơi trả góp 0d ko ta 😆
tuanphien
TÍCH CỰC
4 năm
Mình vẫn mua ko có lãi nào cả qua thẻ tín dụng.
Ok!!
@tuanphien Qua thẻ thì OK rồi, nhưng cũng tùy ngân hàng và đối tác nữa. Nếu có phí chuyển đổi thì cũng một khoản kha khá đó.
@devil.hunter Cái phí chuyển đổi đó đúng là khốn nạn đó bạn. Đáng lẽ cái phí đấy thì bên bán phải chịu chứ ko phải người dùng chịu đâu.
Mình mua A50 trên cửa hàng trực tuyến chính gốc của Samsung. 6 triệu chia ra góp 12 tháng. Ko 1 phí nào. Hỏi nhân viên thì họ nói phí đấy bên samsung chịu.
Tìm hiểu luật thì người mua ko chịu mấy cái phí đấy.
Tohuluree
ĐẠI BÀNG
4 năm
Bài viết rất chi tiết nhưng theo mình nên phân chia và đánh giá, phân tích theo 02 hình thức phổ biến đang áp dụng hiện nay: Trả góp qua Công ty Tài chính (tức bằng tiền mặt) và Trả góp qua Ngân hàng (tức bằng thẻ tín dụng) vì có những lưu ý, đặc điểm dành riêng cho từng loại hình trả góp này chứ không dành chung cho tất cả các trường hợp trả góp.
@Tohuluree Đã có bài trả bằng thẻ tín dụng nha bạn: https://tinhte.vn/threads/tra-gop-0-qua-the-tin-dung-la-gi-va-co-that-su-la-0-khong.3025656/
bomy
CAO CẤP
4 năm
@Tohuluree Thực ra mà nói thì trả qua thẻ mới lợi lãi suất lẫn thời gian chứ công ty tài chính thì thờigian thấp nếu lãi 0% hoặc lãi cao nếu thời gian lâu
Tohuluree
ĐẠI BÀNG
4 năm
@bomy Trước đây thì đúng thật là vậy:
- Trả qua thẻ tín dụng lãi suất 0% là thực sự 100%, thậm chí tới kỳ hạn 12 tháng luôn vẫn không mất thêm bất cứ chi phí nào. Nhưng gần đây thì các Ngân hàng bắt đầu thu phí chuyển đổi trả góp sang hình thức trả góp lãi suất 0%. Phí chuyển đổi trả góp này Ngân hàng đã quy định từ rất lâu rồi, như là luật chơi của giao dịch trả góp lãi suất 0% nhưng trước đây vẫn có Ngân hàng chịu chơi và free luôn khoản này để khuyến khích khách hàng sử dụng và chi tiêu thẻ, giờ thì thẻ đã đầy ra rồi nên việc Ngân hàng thu phí này là điều hiển nhiên. Nếu Ngân hàng free phí chuyển đổi thì khả năng cửa hàng họ cũng sẽ thu phí này và/hoặc phí thanh toán thẻ (nếu có) nên về bản chất thì vẫn là trả góp 0% lãi suất nhưng “lãi suất” thực tế của khoản trả góp này chính là khoản phí mà khách hàng trả một lần tại thời điểm thanh toán.
- Trả góp qua công ty tài chính thì lãi suất vẫn là 0% thật sự và cũng tương tự như Ngân hàng thì công ty tài chính họ cũng sẽ thu thêm một số khoản phí như phí thu hộ (Home Credit), phí bảo hiểm khoản vay (Home Credit, ACS, HDSaison, FE Credit, MCredit,...), phí “tham gia trả góp” (ACS).
Tóm lại, trả góp lãi suất 0% thì bản chất lãi suất của khoản trả góp là 0%. “Lãi suất thực tế” thì là các khoản phí trả thêm cho giao dịch trả góp nhưng khoản phí này thì vẫn chẳng là bao nhiêu so với việc trả góp có lãi suất thông thường. Do vậy, việc trả góp lãi suất 0% vẫn có rất nhiều lợi ích nếu biết tận dụng và tìm hiểu một cách rõ ràng trước khi tham gia.
Trong bài này bạn mod không nhắc đến mua trả góp 0%(thật sự) qua thẻ tín dụng tại các trang TMĐT như lzd,tiki,adayroi,shopee...
@HyH Đây bác: https://tinhte.vn/threads/tra-gop-0-qua-the-tin-dung-la-gi-va-co-that-su-la-0-khong.3025656/
Buratino2002
ĐẠI BÀNG
4 năm
M thì nghĩ giống như doanh nghiệp thôi. Tiền mặt dùng để việc khác, tiền vẫn vay mua tài sản 😃
kachiusa72
ĐẠI BÀNG
4 năm
@Buratino2002 Bạn mua cho cá nhân sử dụng thì nó ko gọi là tài sản nhé. Doanh nghiệp thì OK đc tính khấu hao vào chi phí.
bomy
CAO CẤP
4 năm
@kachiusa72 Cũng vậy thôi bạn ơi. Chả qua cá nhân ko phải báo cáo nên thấy vậy chứ bản chất cũng là tài sản cả thôi
kachiusa72
ĐẠI BÀNG
4 năm
@bomy 😆
mt9011
TÍCH CỰC
4 năm
Thanks chủ thớt !
tungvt86
TÍCH CỰC
4 năm
Trả góp qua thẻ tín dụng thì đúng là không mất 1 tẹo phí nào ngoài phí chuyển đổi 1-2% gì đó. Cái chính là sau đó có bị CIC ghi nhận là khả năng tài chính không tốt hay không, và các khoản vay trong tương lai như trả góp nhà hay vay làm ăn có bị đánh giá hay không thôi.
@tungvt86 Đâu phải cứ trả góp là bị CIC xấu. Một khi bác trả thanh toán đầy đủ và đúng hạn thì nào bị CIC xấu? Còn làm sai thì đừng thắc mắc.
@devil.hunter Chuẩn nè.
tungvt86
TÍCH CỰC
4 năm
@devil.hunter Bạn thử check lại xem. Nếu bạn từng vay trả góp thì tỉ lệ mà bạn vay tín chấp hoặc để mua góp nhà chẳng hạn sẽ giảm đi nhé.
ky_kisken
TÍCH CỰC
4 năm
@tungvt86 Bạn mua trả góp còn chưa trả hết thì khi đăng ký vay thì nó giảm số tiền vay của bạn lại. Còn mua trả góp bạn thanh toán tốt. Đã hoàn tất khoản vây thì có khi nó duyệt còn nhanh hơn và số tiền còn cao hơn ấy chứ.
Tohuluree
ĐẠI BÀNG
4 năm
@tungvt86 Trả góp qua thẻ tín dụng không ảnh hưởng gì đến thông tin tín dụng CIC nếu bạn tuân thủ hợp đồng và trả đúng thời hạn đã cam kết. Nếu bạn trả góp qua thẻ tín dụng thì trên CIC sẽ chỉ hiển thị số tiền dư nợ thẻ tín dụng của bạn và số tiền bạn cần thanh toán là bao nhiêu. Còn nếu bạn trả góp nhưng không đúng ngày thì như một điều tất yếu, trên CIC cũng sẽ hiện lên thông tin bạn chậm thanh toán thẻ tín dụng, số ngày chậm và số tiền chậm.
Trả góp không ảnh hưởng đến các khoản vay trong tương lai của bạn nếu bạn vẫn có khả năng đảm bảo chi trả cho khoản vay này, tất nhiên là bạn phải chứng minh được tài chính với Ngân hàng. Việc có khoản trả góp chỉ ảnh hưởng đến nguồn thu nhập của bạn dùng để trả nợ cho khoản vay trong tương lai, tức là thu nhập của bạn phải dùng một phần để trả cho khoản trả góp thì khi đó phần thu nhập trả cho khoản vay trong tương lai sẽ ít đi. Tuy nhiên, bạn cứ yên tâm là nếu khoản vay trong tương lai của bạn là khoản vay mua nhà có thế chấp bằng tài sản thì khoản trả góp của bạn sẽ không ảnh hưởng gì nhiều vì hầu hết các Ngân hàng đều không tính đến phần dư nợ thẻ khi xét duyệt khoản vay thế chấp cho bạn. Nhưng nếu khoản vay trong tương lai của bạn là khoản vay tín chấp không có bảo đảm bằng tài sản thì khoản trả góp của bạn chắc chắn sẽ được tính đến và sẽ kéo giảm số tiền Ngân hàng cho vay xuống hoặc khả năng bạn sẽ được duyệt một khoản vay ít hơn tương xứng với thu nhập sau khi đã trừ đi khoản trả góp.
Anh em mua trả góp mà trốn ko trả nợ thì có sao không?
Câu trả lời là không sao cả, anh em mua trả góp vài trục chiệu mà muốn ko trả thì khỏi cần trả nó cũng không thể làm gì anh em cả. Bên công ty có đòi anh em cứ nói là muốn trả nhưng hiện tại mất khả năng trả rồi là xong, họ sẽ hù dọa công an, toàn án rồi khủng bố đủ kiểu nhằm dọa cho anh em trả thôi nhưng thực tế chả sao cả. Công an sẽ không giải quyết vì đây là hợp đồng dân sự và mấy công ty tài chính cũng không bao giờ dám kiện anh em ra tòa án vì đơn giản quá mất thời gian. chi phí mà lại không đòi đc tiền.
@Tohuluree Anh em xác định ôm số tiền đó làm ăn giàu rồi sau này khỏi cần vay ngân hàng kkk
@vuonghoa Thực tế nó là như vậy đó bạn, người ta đã quỵt pó tay ko có cách nào lấy đc. Không thể tố cáo người ta tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được vì ở đây người ta không có khả năng chi trả chứ không phải ko muốn trả. Như mình đã nói kiện thì thời gian, tiền bạc, công sức bỏ ra mà chắc chắn khi thi hành án xuống kê biên cũng chả có mẹ gì để kê biên cả. Cuối cùng tiền thì ko thu hồi đc còn tốn thêm án phí.
@thuongnhung7 Bỏ đi mà làm người!

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019