Tham dự Tech Lounge

Tham dự Tech Lounge


P101 - chiếc "desktop computer" đầu tiên và "lời nguyền" của gia tộc Olivetti?

bk9sw
10/11/2019 6:27Phản hồi: 88
P101 - chiếc "desktop computer" đầu tiên và "lời nguyền" của gia tộc Olivetti?
IBM không phải là hãng làm ra "chiếc máy tính để bàn cá nhân (desktop computer) đầu tiên dành cho người tiêu dùng" mà thực tế đây là một phát minh và sản phẩm của người Ý. Chiếc máy mang tên Programma 101 (P101) được chế tạo tại một xưởng thuộc sở hữu và vận hành bởi gia đình Olivetti tại Ivera, miền Bắc nước Ý. Nhà Olivetti đã đi trước những gã khổng lồ máy tính Mỹ hàng thập niên bởi ngay tại triển lãm New York World năm 1964/1965, gia đình nhà Olivetti đã ra mắt P101 trước công chúng và lập tức nó gây sửng sốt. Không chỉ khách tham quan tò mò, NASA lẫn quân đội Mỹ đều muốn có được một thứ giống như P101. Tuy nhiên, số phận đen đủi của gia đình nhà Olivetti đã không thể biến Ý trở thành một thung lũng Silicon của châu Âu và cũng không thể trở thành cái nôi công nghệ máy tính như Mỹ hiện tại.

Adriano_Olivetti.jpg
Adriano Olivetti tại nhà máy sản xuất máy đánh chữ ở Ivrea.

Gia đình Olivetti phải chăng đã gặp phải lời nguyền? Ngay trước khi P101 được ra mắt tại Mỹ, Adriano Olivetti - người đứng đầu gia đình đột nhiên lên cơn đau tim và qua đời trên một chuyến tàu đi Thụy Sĩ năm 1960. Năm 1961, kỹ sư tài năng Mario Tchou - người làm việc cho gia đình Olivetti cũng tử vong trong một vụ tai nạn xe hơi đầy bí ẩn. Họ là 2 nhân vật chủ chốt của dự án P101 trong đó Tchou là kỹ sư trưởng, giám sát mọi hoạt động phát triển sản phẩm điện tử của Olivetti trong khi Adriano và con trai Roberto Olivetti đã đề ra ý tưởng cũng như định hướng phát triển chiếc P101 từ những năm cuối thập niên 50 của thế kỷ trước. Chiếc P101 được tạo ra bởi một nhóm kỹ sư đứng đầu là Pier Giorgio Perotto và Olivetti đã đưa chiếc máy đến Mỹ, ra mắt công chúng vào năm 1965.

Roberto_Olivetti_Mario_Tchou.jpg
Roberto Olivetti - CEO của Olivetti và kỹ sư người Ý gốc Hoa - Mario Tchou.
Câu chuyện hậu trường đáng kinh ngạc về chiếc máy tính Programma 101 đã vừa được tiết lộ qua cuốn sách "The Mysterious Affair at Olivetti" của tác giả Meryle Secrest. Bà là một nhà viết tiểu sử và từng viết về những nhân vật nổi tiếng như kiến trúc sư Frank Lloyd Wright hay nhà soạn nhạc Leonard Bernstein với tác phẩm từng được đề cử giải Pulitzer năm 1980.


Secrest từng gặp Roberto Olivetti - con trai của Adriano Olivetti và là CEO của công ty. Cuốn sách này dựa trên những gì bà điều tra được và nó cũng thể hiện một cái nhìn rất khác về quá trình lụn bại của công ty nhà Olivetti khi cáo buộc "CIA và IBM đã phá hoại ngầm và đứng đằng sau cái chết của Adriano Olivetti và Mario Tchou." Dĩ nhiên, đây là một góc nhìn của bà, dựa trên những dự kiện mà bà điều tra được.

Programma 101 - tâm điểm của New York World, câu chuyện hậu trường:


New_York_World_Fair_1964.jpg
Triển lãm New York World có quy mô rất lớn với hơn 80 quốc gia tham dự, 140 gian hàng, 110 nhà hàng, 45 tập đoàn phủ kín trên diện tích gần một dặm vuông của công viên Flushing Meadows ở Queens, New York. Các tập đoàn Mỹ và sản phẩm của họ thường thu hút được sự quan tâm lớn của đám đông. Kỳ triển lãm năm 1964 có chủ đề "Hòa bình thông qua sự hiểu biết" và "Thành tựu của con người về một quả địa cầu đang co lại trong một vũ trụ đang giãn rộng". Không gian triển lãm được mô phỏng theo phong cách tương lai với bối cảnh công viên, các lối đi bộ, đài phun nước nằm xung quanh một mô hình Trái Đất bằng thép không gỉ cao gần bằng 12 tầng nhà. Hơn 50 triệu người đã đến tham quan triển lãm trong 2 năm tổ chức là mùa hè năm 1964 và 1965. Họ đến để chiêm ngưỡng gian hàng hình cầu của IBM, tòa tháp bằng sợi thủy tinh của 7-Up hay các nhà hàng do kiến trúc sư lừng danh Eero Saarinen thiết kế với các mái vòm và nội thất bằng sợi thủy tinh.

Olivetti_booth.jpg
Olivetti Store khi xưa được ví như Apple ngày nay.
Gian hàng của nhà Olivetti tại triển lãm có một chiếc màn hình khổng lồ quảng cáo những chiếc máy tính cơ học Logos 27, máy cộng, máy tính kế toán, máy lập hóa đơn và máy đánh chữ. Olivetti rất nổi tiếng về những chiếc máy này vào thời điểm đó và đây cũng là sản phẩm kinh doanh chính. Vào mùa hè năm 1965, chiếc máy tính để bàn Programma 101 được đem đến triển lãm nhưng đúng nghĩa là được đem tới mà không được trưng bày. Nó được giấu trong một căn phòng nhỏ phía sau gian hàng chính và nếu có ai tìm thấy thì cũng chỉ là tình cờ.

Programma_101.jpg
Dĩ nhiên đã có vài người tìm thấy nó và chẳng mấy chốc, đám đông kéo đến căn phòng chật hẹp để xem một cỗ máy kì lạ. Họ muốn chạm vào nó, muốn cảm nhận nó. Họ nghĩ rằng nó phải được kết nối với một cỗ máy lớn ẩn đằng sau bức tường và rồi vô cùng ngạc nhiên khi biết nó vỏn vẹn chỉ là thứ nằm trên bàn. Các nhân viên bán hàng của Olivetti ban đầu được thuê để trình diễn cho khách tham quan về những chiếc máy tính cơ học thì giờ đây phải chuyển hướng sang P101. Thêm nhân viên được điều đến để giám sát đám đông và Pier Giorgio Perotto - trưởng nhóm phát triển P101 trước đó vẫn rảo quanh gian hàng để tiếp khách thì giờ đây phải trình diễn cho mọi người thấy khả năng của chiếc P101, cho họ thấy chiếc máy cũng có thể chơi game được. Perotto đã tạo ra một trò chơi ngay tại hội chợ, ông chơi cùng mọi người và thua trong sự vui sướng. Vào mùa thu cùng năm, đài NBC đã đặt mua 5 chiếc P101 để tính toán kết quả bỏ phiếu và truyền kết quả đến hàng triệu người xem truyền hình tại New York.

P101_newspaper.jpg
Những tờ báo và tạp chí lớn như Fortune, The New York Times, WSJ, BusinessWeek … đã tìm cách mô tả cỗ máy này. Một tờ thì gọi "Đây là máy tính để bàn (desk-top) đầu tiên trên thế giới", tờ khác gọi là "Cỗ máy lấp đi khoảng trống giữa những chiếc máy tính truyền thống và máy tính toán cá nhân." Một tờ báo khác dự đoán sẽ có một ngày: "Chiếc máy tính này sẽ là thứ có ở mọi văn phòng trước khi mọi gara có 2 chiếc xe hơi." Và rồi từ một ý tưởng tuyệt vời nảy sinh trong ý nghĩ của Roberto Olivetti, Mario Tchou và Adriano Olivetti một thập niên trước đó đã dẫn đến thứ được chào đón nồng nhiệt bởi công chúng, rất nhiều cuộc gọi và thư được gởi đến khiến công ty nhà Olivetti choáng ngợp.

Quảng cáo


P101_production.jpg
Từ đây nảy sinh nhiều vấn đề. Dù đã lắp ráp được hơn chục chiếc P101 để đem đi trình diễn nhưng việc đưa chiếc máy này vào sản xuất hàng loạt lại là một câu chuyện khác và vấn đề về hậu cần cũng trở nên cấp bách hơn. Nhóm của Perotto lo ngại vì nhiều lý do, nhất là khả năng những cá nhân đối nghịch trong công ty sẽ tận dụng cơ hội để gây tác động tiêu cực. Chẳng hạn như trong tình huống chiếc P101 không thể hoạt động hoặc hoạt động không ổn định khi được đem đi chạy thử tại một văn phòng nào đó. Vào thời điểm đó, công ty vẫn chưa có nhân lực để đảm bảo rằng chiếc máy đã sẵn sàng để bán ra.

De_Sandre_Garziera.jpg De Sandre (84 tuổi) và Gastone Garziera (77 tuổi) trước chiếc P101.
Điều này khiến họ phải đưa ra quyết định vào phút cuối đó là làm việc một cách lén lút ở chính công ty của mình. Họ đã đợi đến tối khi nhà máy đóng cửa, sau đó lẻn vào một khu vực chứa những chiếc P101 đã được lắp ráp hoàn chỉnh đang chờ được vận chuyển đến Mỹ. Họ đã tháo gỡ từng chiếc máy và kiểm tra thủ công để đảm bảo rằng chúng hoạt động. "Chúng tôi đã dành ra suốt cả đêm hôm trước và hôm sau để đảm bảo chúng đều hoạt động," họ chia sẻ. Và 1 tuần sau đó, lô máy tính đầu tiên rời Ý đến Mỹ ở "tình trạng hoạt động hoàn hảo."


Cách hoạt động của chiếc P101.

Programma 101 là chiếc máy tính để bàn có thể lập trình đầu tiên được bán thương mại. Chiếc máy có bàn phím và máy in để in dữ liệu và chỉ thị, ngoài ra nó còn có một đầu đọc thẻ từ. Một khi được lập trình thì chiếc thẻ từ sẽ lưu trữ dữ liệu và các chương trình. Các thẻ từ được làm bằng nhựa với một mặt được phủ từ và mặt kia để ghi dữ liệu. P101 vận hành đơn giản và kinh tế bởi để sử dụng phần mềm được lưu trên thẻ từ, bạn chỉ việc đưa chiếc thẻ vào máy. Nó có bộ nhớ 240 byte - một con số siêu nhỏ nếu so với các tiêu chuẩn ngày nay nhưng tại thời điểm đó lại là một bước tiến lớn so với máy tính cơ học về tốc độ. Với hình dạng nhỏ gọn, P101 có lợi thế là có thể đặt trong văn phòng và không cần đến một đội ngũ kỹ thuật thường mặc áo khoác trắng để vận hành. Bạn có thể đặt nó trên bàn làm việc (chiếc máy nặng khoảng 27 kg), rất dễ sử dụng và tính cá nhân cao. Giá của P101 vào năm 1965 là 3000 USD (tương đương 24500 USD năm 2016), không rẻ nhưng đủ hấp dẫn để người ta bỏ tiền ra mua nó. Theo thống kê có khoảng 44000 chiếc P101 đã được bán ra. Có thể nói P101 đã có khởi đầu rất thành công.

NASA_P101.jpg
P101 được sử dụng bởi NASA.

Quảng cáo


Trong số những khách hàng của Olivetti có Cơ quan hàng không và vũ trụ quốc gia Hoa Kỳ (NASA) lúc đó đang chuẩn bị đưa tàu vũ trụ đổ bộ lên Mặt Trăng vào năm 1970, NASA đã mua 10 chiếc. David W. Whittle - một lập trình viên của NASA tại trung tâm không gian Johnson nói: "Đến sự mạng Apollo 11 thì chúng tôi đã có được một chiếc máy tính để bàn … chiếc Programma 101 của Olivetti. Đây có thể xem là một chiếc siêu máy tính. Nó có thể thực hiện các phép tính cộng trừ nhân chia và cũng có thể ghi nhớ một chuỗi các phép tính như vậy ghi trên thẻ từ. Do đó bạn có thể lập trình một chuỗi tính toán và nạp vào máy." Ông nói tiếp: "Module Lunar trên tàu Apollo có antenna băng tần cao không được thông minh lắm, nó không thể xác định được vị trí của Trái Đất … thành ra chúng tôi đã phải chạy 4 chương trình riêng biệt trên chiếc P101." Ngoài ra chiếc máy tính của Olivetti cũng đã được sử dụng bởi Không lực Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh Việt Nam để "tính toán tọa độ thả bomb vào các mục tiêu cho phi đội B-52 Stratofortress."

HP_9100A.jpg
HP 9100A.
Vào năm 1967, tức chỉ 2 năm sau khi được đem đến triển lãm New York World thì chiếc P101 đã bị … nhái. Hewlett-Packard (HP) đã giới thiệu một chiếc máy tính để bàn với thiết kế kế tương tự, cơ chế hoạt động y hệt P101 là HP 9100. Những chiếc máy tính này được đóng hộp và bán ra với nhãn HP cùng tên riêng. Olivetti lập tức khởi kiện HP vi phạm bản quyền và HP sau cùng phải trả phí bản quyền đến gần 1 triệu đô.

Đối với người đứng đầu nhóm phát triển P101 thì trưởng nhóm phát triển Perotto cho rằng đây chỉ là "viên gạch cô đơn đầu tiên" được đặt lên con đường sáng ngời trong tương lai của Olivetti. Tất cả sự táo bạo, tầm nhìn xa và thậm chí là phá hoại đã dẫn đến sự thành công của P101 khi chiếc máy tính này trở nên phổ biến tại nhiều công ty. Perotto nghĩ rằng Olivetti đã đi trước các đối thủ 5 năm. Olivetti đã tiến đến việc sử dụng công nghệ bán dẫn - bước đi táo bạo tiếp theo và nếu thành công, công ty sẽ trở thành kẻ thống trị và Ivrea - nơi những chiếc P101 được sản xuất sẽ trở thành trung tâm của một thứ gọi là Thung lũng Silicon của Ý.

Roberto_Olivetti.jpeg
Roberto Olivetti.
Thực tế Roberto Olivetti đã nhìn rất xa bởi ngay từ tháng 9 năm 1959, tức chỉ vài tháng trước cái chết của Adriano Olivetti thì Roberto đã ký một thỏa thuận với Fairchild - một công ty làm việc trong lĩnh vực bán dẫn để cùng tại trợ cho hoạt động nghiên cứu và phát triển tiếp theo với tham vọng máy tính cá nhân sẽ bùng nổ. Richard Hodgson - giám đốc của Fairchild rất nhiệt tình đón nhận lời đề nghị này bởi công ty của ông sẽ giành được lợi thế lớn ở châu Âu và bản thân Olivetti sẽ có được công nghệ tiên tiến từ đó tăng ưu thế trên thị trường. Dù vậy, mối quan hệ hợp tác giữa Olivetti và Fairchild rốt cuộc không đi đến đâu. Những rào cản bắt đầu phát sinh giữa các giám đốc và cổ đông bởi họ chỉ quan tâm về lợi nhuận trước mắt.

2 cái chết và bàn tay của CIA? Lập luận của tác giả Meryle Secrest:


Olivetti.jpg
Một chiếc máy đánh chữ của Olivetti.

Cũng trong năm 1964 thì nhà Olivetti mất quyền sở hữu công ty về tay một "nhóm cứu hộ" do Fiat đứng đầu. Nhiều ý kiến cho rằng công ty suy thoái do nợ, lãnh đạo yếu kém nhưng tác giả Meryle Secrest lại không nghĩ như vậy. Bà cho rằng CIA đã liên minh với IBM phá hoại Olivetti. Bà khẳng định rằng điều đầu tiên dấy lên mối lo ngại của người Mỹ đó là khi Olivetti mua lại nhà sản xuất máy đánh chữ lớn nhất nước Mỹ khi đó là Underwood và sẵn sàng tiến vào thị trường Mỹ. Thế nên vào năm 1960, CIA đã khử Adriano Olivetti bằng một thứ được gọi là "poison gun" (có thể là súng bắn kim tẩm độc) trên chuyến tàu từ Milan đến Lausanne, Thuy Sĩ và khiến cho nhà Olivetti nghĩ rằng ông ấy lên cơn đau tim. Không lâu sau đó, CIA cũng biết tin Mario Tchou - lãnh đạo phòng phát triển máy tính của Olivetti đã từng nói chuyện với người Trung Quốc và vào năm 1961, Tchou cũng bị trừ khử và dựng hiện trường như một vụ tai nạn xe hơi. 2 nhân vật nắm giữ những bí mật đằng sau P101 lần lượt qua đời bí ẩn.

Sau đó, CIA đã có được nguyên mẫu của chiếc Programma 101 nhờ một gián điệp cài cắm tại phòng thí nghiệm của Olivetti. Dù nguyên mẫu này đã được thu hồi nhưng không lâu sau, phòng thí nghiệm của Olivetti bị Fiat đóng cửa, công ty vẫn sống nhưng trở thành một công ty bình thường, có thể nói là low tech, chỉ quanh quẩn với các sản phẩm truyền thống thay vì máy tính điện tử.

Về vai trò của IBM, bà Secrest mạnh dạn đưa ra những chi tiết mơ hồ nhưng lại có phần liên quan bởi IBM với tư cách là một đối thủ, họ muốn trừ khử Olivetti và với tư cách là "một nhánh của tổ hợp công nghiệp quốc phòng" thì họ không muốn để "rò rỉ các bí mật thương mại" cho "những người cộng sản". Do đó, IBM có lý do để nhúng tay.

Meryle_Secrest.jpg
Tác giả Meryle Secrest - bà được tổng thống George W. Bush trao huy chương nhân văn quốc gia vào năm 2006 cho những tác phẩm khai sáng cuộc đời của những kiến trúc sư, học giả và nghệ sĩ vĩ đại của thế kỷ 20. Tác phẩm Being Bernerd Berenson của bà từng được đề cử trao giải Pulitzer năm 1980.

Trong cuốn sách, Meryle Secrest đã đưa ra nhiều bằng chứng từ quá trình điều tra về cái chết của Adriano Olivetti và Mario Tchou cũng như gọi Roberto Olivetti - người còn lại trong bộ 3 đứng đằng sau dự án P101, là bù nhìn. Roberto Olivetti sau này cũng mất vì bệnh và chính vì ông vẫn còn sống sau khi 2 người kia đã chết, Secrest cho rằng ông "Hiển nhiên biết mọi chuyện" và "Là một kẻ đầu sỏ, một con rối, chìm đắm trong một âm mưu đen tối hơn đến từ một thế thực mạnh và bí ẩn khiến ông dù tỉnh táo nhưng không thể điều tra mà thay vào đó là thái độ thỏa hiệp, ông ấy quý cuộ sống của mình hơn. Điều này không có gì là bất thương ở Ý vào thời điểm đó." Thêm vào đó, bà cũng chỉ trích chính quyền bù nhìn của Ý khi họ vẫn bảo vệ các lợi ích của Mỹ, đẩy gia đình Olivetti vào bỉ cực.

Perotto_team.jpeg

P/S: Chiếc máy tính Programma 101 có nickname là Perottina, đặt theo tên của người đã làm ra nó là Pier Giorgio Perotto (trái, ngồi dưới). Perotto lúc đó mới 32 tuổi là một kỹ sư điện và ông được Olivetti giao nhiệm vụ phát triển dự án máy tính cá nhân năm 1962. Nhóm phát triển chỉ có 5 người đều rất trẻ tuổi, bên cạnh Perotto còn có Giovanni De Sandre (ngồi cạnh Perotto), Giuliano Gaiti, Gastone Garziera (trái, ngồi trên) và Giancarlo Toppi (phải, đứng).

P101.jpg

Programma 101 ra đời trong một hoàn cảnh rất lạ lùng. Lúc đó công ty nhà Olivetti nổi tiếng với những chiếc máy tính toán, máy đánh chữ đã quyết định bán mảng điện tử cho tập đoàn General Electric (GE) mà tập đoàn này thì không mặn mà gì với "một công ty làm máy tính của Ý" cả. Tuy nhiên, nhóm của Perotto không muốn từ bỏ dự án, lúc đó đã ở giai đoạn phôi thai nên họ đã nghĩ ra một mánh khóe. Trong một đêm nọ, cả nhóm đã âm thầm "tái phân loại" chiếc máy tính này từ hạng mục "máy tính vi tính" sang "máy tính toán". Do bộ phận kinh doanh "máy tính toán" thông thường không nằm trong thỏa thuận sang nhượng với GE nên họ có thể tiếp tục phát triển dự án trong nhiều tháng sau đó với thứ được họ gọi là "cỗ máy của tương lai". P101 vẫn là sản phẩm của Olivetti.

Olivetti_typewriter.jpg

Olivetti vẫn tồn tại đến ngày nay, trụ sở vẫn ở Ivrea nhưng đến năm 1994 thì đã không còn sản xuất máy đánh chữ nữa, chuyển sang máy tính cá nhân và các thiết bị ngoại vi. Tuy nhiên, Olivetti sớm gặp phải sự cạnh tranh lớn từ các công ty đến từ Đài Loan và đến năm 2003, công ty tái cơ cấu trở thành nhà sản xuất thiết bị văn phòng và dịch vụ hệ thống, một nhánh của tập đoàn viễn thông Telecom Italia. Ngày nay hãng chủ yếu sản xuất thiết bị in ấn, máy POS, một số loại tablet, smartphone nhưng định hướng đến khối doanh nghiệp. Hình trên là một concept máy đánh chữ trong khuôn khổ cuộc thi thiết kế được Olivetti phát động năm 2016.

Đây là bìa cuốn sách: The Mysterious Affair at Olivetti của tác giả Meryle Secrest.

The Mysterious Affair at Olivetti.jpg

88 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Ly kì phest
MustDie
TÍCH CỰC
4 năm
Năm 1965 mà gian hàng full kính với màn hình LCD quảng cáo rồi ư?
utkz2319
TÍCH CỰC
4 năm
@MustDie Cái đó đâu phải màn hình
colenao00
TÍCH CỰC
4 năm
@MustDie bán dẫn hồi đó còn kém. LCD là dó bác tưởng tượng ra. Đó là ảnh đc chiếu sáng thì phải.
MustDie
TÍCH CỰC
4 năm
@colenao00 bài viết mà màn hình khổng lồ, k rõ màn hình nào, nhìn vào trong thấy na ná LCD 😁
---
Gian hàng của nhà Olivetti tại triển lãm có một chiếc màn hình khổng lồ quảng cáo những chiếc máy tính cơ học Logos 27, máy cộng, máy tính kế toán, máy lập hóa đơn và máy đánh chữ
colenao00
TÍCH CỰC
4 năm
@MustDie đúng là nhìn cái ảnh + câu từ thì ai cũng nghĩ có vài cái LCD trong đó thật =))
chết vì đột nhiên đau truỵ tim vs tai nạn thì chỉ có là thủ tiêu thôi =]]]]]
aiglove
CAO CẤP
4 năm
@palmtj27 Chỉ là tai nạn thôi bác 😃
@palmtj27 Chết kiểu này thì VN không thiếu...
ngole88
TÍCH CỰC
4 năm
Nhìn gian hàng tối giản + full kính đẹp thiệt.
thời đó mà máy thiết kế hiện đại, tối giản ghê. ngay cửa hàng kính cũng sử dụng 1 tấm liền chứ không có ghép. Gắt!
Mình thấy vầy nè ..nước ngoài họ giao việc xong là chờ kq.. Bên chủ nghĩa phức tạp quá ..trình lên ..chờ này nọ ..haizzz. Nên ta thua
ZeusFate
TÍCH CỰC
4 năm
@Bão Sài Gòn Do bên đó họ ko có mấy thằng chỉ trích với nói phét
@ZeusFate Bác nói chuẩn. Toàn những thằng thích nói pphé và chỉ trích lại tưởng mình cấp tiến
@Bão Sài Gòn Đừng bốc phét 😆 Mình làm công ty nước ngoài đấy, vẫn phải có tờ trình và phải có phê duyệt bình thường nhé, thậm chí đến in một tờ giấy thôi cũng phải tính toán chứ đừng nói cái kiểu quản lý nước ngoài nó dễ như ăn cháo vậy.

Toàn mấy ông chắc ngồi đáy giếng mà cứ mở mồm ra là nước này nước kia như kiểu kiến thức sâu rộng lắm đấy.
@Bão Sài Gòn Mình thấy vầy nè, bọn HP thì copy trắng trợn, CIA thì ăn cắp công nghệ, thế mà giờ bọn nó quay sang lu loa là nước khác làm như vậy. Đúng là bọn đạo đức giả
adthuyanh
TÍCH CỰC
4 năm
Bài viết hay quá!
minhbk
ĐẠI BÀNG
4 năm
@adthuyanh Đằng sau những phát minh,những thành tựu ,những công nghệ mới mang tính cách mạng là những bóng đen , đầy nguy cơ ,mưu mô ,thủ đoạn ...
cushinthang
ĐẠI BÀNG
4 năm
@minhbk xem phim tư liệu về người đầu tiên tạo ra tivi cũng hay lắm bác
Ai từng thấy máy đánh chữ ngày xưa hẳn rất nể phục những người phát minh ra nó. Giờ máy đánh chữ đã là đồ trong viện bảo tàng nhưng những font chữ kiểu của máy chữ cổ điển vẫn được rất nhiều người ưa chuộng.
nhìn thấy chiếc máy rất cổ điển kiểu nhìn là mê luôn đồ cổ.
hongphuc9x
TÍCH CỰC
4 năm
Nước ngoài hoá ra cũng giống nước ta
colenao00
TÍCH CỰC
4 năm
@hongphuc9x Mỹ khử CEO người Ý và kỹ sư Ý gốc Hoa. Nước ta có vụ nào siêu thế bạn ơi?
@colenao00 Bạn bỏ qua chi tiết là HP làm nhái và CIA ăn cắp công nghệ à?
colenao00
TÍCH CỰC
4 năm
@sskkb Xin lỗi bạn Việt Nam càng k có tuổi làm đc như vậy. Bạn hơi ảo tưởng khả năng copy của VN rồi.
ngoisaola9
TÍCH CỰC
4 năm
Bài viết hay. Có thêm thông tin để chém gió lúc trà đá hihi
sowngold
ĐẠI BÀNG
4 năm
Adriano Olivetti và Mario Tchou mất lần lượt năm 2/1960 và 9/1961. vâng. năm 1964 đem đi triển lãm tại hoa kỳ và nổi tiếng. méo hiểu tinhte đưa tin fake từ bao giờ.
@kog00003 mình có check cái này và tìm ra được 2 nguồn về chiếc IBM 610: http://www.columbia.edu/cu/computinghistory/610.html
IBM 610 - The First Personal Computer
columbia.edu

https://books.google.com.vn/books?id=4dmU0Y0bPKUC&pg=PA81&lpg=PA81&dq=ibm+610+1981&source=bl&ots=MHR_u-8fGy&sig=ACfU3U0Od7UyIHQQ5CYIZUfeQaiNsMnJzg&hl=en&sa=X&ved=2ahUKEwj0iJjeu4jmAhWVZt4KHV7gAGEQ6AEwF3oECAgQAQ#v=onepage&q=ibm 610 1981&f=false

A Bibliography of the Personal Computer

This eBook bibliography on the history of the personal computer and the industry contains over 280 book notations and over 250 periodical notations. It also contains a reprint of an article by the author entitled What Was the First Personal Computer?
books.google.com.vn


Nếu xét về khía cạnh để bàn, cá nhân, gọn và nhẹ vào thời điểm đó thì chiếc IBM 610 vẫn rất to và nó cũng không khai thác concept chạy phần mềm được lập trình sẵn như P101. Thông tin trong cuốn sách của bà Secrest cũng chưa chính xác vụ 1981 mới ra mắt, nó đã được IBM bán ra từ 1960, sản xuất khoảng 180 chiếc.
download.jpg
sowngold
ĐẠI BÀNG
4 năm
@bk9sw http://libgen.lc/ads.php?md5=5a03420d6a932528b89aa2bf8b1d5207
Library Genesis
libgen.gs

Tải về đọc thôi. He he. chương cuối đọc hài và kịch tính.
colenao00
TÍCH CỰC
4 năm
@sowngold có bản nào cho kindle k nhỉ? Em đang ở cty k down đc. Bác nào có thì cho e xin nhé.
ntlvn
CAO CẤP
4 năm
@sowngold Chắc áp lực chạy chỉ tiêu post bài hay sao thấy đề tài hack não thú vị cái quăng lên luôn. Nói cho đơn giản thì nhìn xem thằng IBM nó giỏi cỡ nào, tìm hiểu về kỳ tích của họ có khi còn há mồm hơn đọc tin giật gân kiểu này và những thằng ăn cắp ko bao giờ mà giỏi và phát triển được như thế. nó phải từ cốt lõi của họ thì họ mới phát huy được.
khâm phục thật
huybinh
ĐẠI BÀNG
4 năm
Thiết kế thời đó của Ý nhìn đẹp thật !
@huybinh Thiết kế của Ý tới giờ vẫn lừng danh nha b.
Nhìn giống máy chữ thì đúng hơn
tuluan
TÍCH CỰC
4 năm
Giới thiệu chiếc máy tính đầu tiên mà li kỳ như truyện trinh thám vậy 😃
Dựng phim được đó quá ly kỳ và bí ẩn
beobu
ĐẠI BÀNG
4 năm
Wow, thật ngưỡng mộ và cũng thật ghê sợ!
Phong cách thiết kế cứ giống anh A nào đó. Có lẽ đã có 1 cỗ máy thời gian về tương lai ngó cái rồi về hiện tại sao chép phong cách thiết kế này

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019