13 bức ảnh xuất sắc nhất của National Geographic trong thập kỉ vừa qua: 2010 - 2019

blueJune
30/12/2019 8:40Phản hồi: 199
13 bức ảnh xuất sắc nhất của National Geographic trong thập kỉ vừa qua: 2010 - 2019
Khi nhắc đến National Geographic, điều đầu tiên bạn hình dung tới có lẽ là nhiếp ảnh. Trong 130 năm qua, bạn đọc đã được đưa tới mọi nẻo đường, mọi ngóc ngách trên Trái Đất qua những cuộc hành trình thị giác - từ những ngọn núi cao nhất tới các đại dương sâu thẳm nhất, từ rừng rậm tới sa mạc, từ các đô thị lớn nhất đến các vùng quê xa xôi nhất. Chỉ trong vòng 10 năm qua, những nhiếp ảnh gia của National Geographic đã chụp tổng cộng 21.613.329 bức ảnh trên hành trình ghi lại cuộc sống của hành tinh này cho cả mảng tạp chí điện tử và tạp chí giấy. Đó là một con số ấn tượng và không phải dễ dàng gì để ban biên tập chọn ra một danh sách những bức ảnh "xuất sắc" hoặc "yêu thích" nhất.

Nhưng khi thập kỷ 2010 sắp kết thúc, đó chính xác là những gì họ đã làm. National Geographic đã chọn ra những bức hình đã lưu lại dấu ấn nhiều nhất đối với họ. Có lẽ mỗi người sẽ tự lập ra cho mình một danh sách khác nhau dựa vào những thông tin và cảm xúc mà từng bức ảnh đem lại. Chắc chắn là không có câu trả lời nào "đúng", chỉ những tấm hình chạm được tới trái tim của bạn mới thực sự có ý nghĩa. Và hi vọng rằng, những bức ảnh đó sẽ đem tới cho mọi người những nhận thức đúng đắn để góp phần làm thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn.

best-of-the-decade-stephanie-sinclair-child-brides.adapt.1900.1.jpg
HAJJAH, Yemen - Ảnh: Stephanie Sinclair
Trong tấm ảnh trên, những người đàn ông không phải là cha của những cô gái. Đối với dự án nổi tiếng thế giới "Quá trẻ để kết hôn" (Too Young To Wed), nhiếp ảnh gia người Mỹ, Stephanie Sinclair đã dành ra nhiều năm trời để khám phá các xã hội trên khắp thế giới, những nơi trọng "danh dự" gia đình hoặc truyền thống văn hoá để ép các cô gái kết hôn. Bức ảnh này chụp những cô bé dân làng Yemen - Ghada, Tahani và chồng của các em. Tấm hình thuộc một bài báo được đăng vào tháng 6 năm 2011 của National Geographic, đã được đưa vào các chiến dịch phản đối hôn nhân trẻ em của Liên Hợp Quốc. Liên Hợp Quốc và Hoa Kỳ hiện đã xác định bảo vệ con người khỏi hôn nhân sớm và bị ép buộc là quyền cơ bản của con người.

best-of-the-decade-john-stanmeyer-out-of-eden.adapt.1900.1.jpg

DJIBOUTI, Djibouti - Ảnh: John Stanmeyer
Đầu năm 2013, người viết của National Geographic, Paul Salopek đúng nghĩa đã bắt đầu những bước đầu tiên trong cuộc hành trình đi bộ mà anh hi vọng rằng nó sẽ kéo dài 7 năm - 21.000 dặm (~33.797km), qua 4 lục địa để truy lại dấu vết từ những cuộc di cư vĩ đại đầu tiên của loài người, từ Đông Phi qua châu Mỹ. Gia nhập cùng anh ở Djibouti là nhiếp ảnh gia John Stanmeyer. Một buổi tối, khi đang lang thang dọc theo bờ Biển Đỏ, dưới ánh trăng, Stanmeyer nhìn thấy cảnh tượng này: Mọi người hi vọng sẽ bắt được sóng điện thoại từ đất nước láng giềng Somalia. Stanmeyer nói: "Tôi rất ngạc nhiên. Biểu tượng của cuộc di cư ngày nay, khi mà cầu nối duy nhất tới những người thân yêu trong chuyến di cư là những chiếc điện thoại mà mọi nơi đều có." Còn Salopek ư? Anh ấy vẫn đang đi bộ. Điểm dừng gần đây nhất của anh là Myanmar. Anh còn 13.000 dặm (~20.922km) nữa phải đi.

best-of-the-decade-steve-winter-cougar.adapt.1900.1.jpg
HOLLYWOOD, California - Ảnh: Steve Winter
Con sư tử này tên là P22 và nhiếp ảnh gia Steve Winter đã nghe về nó được một thời gian. Nhân viên Dịch vụ Công viên Quốc gia biết có một con sư tử núi bằng cách nào đó đã băng qua hai trong số những đường cao tốc đông đúc nhất của quốc gia để vào công viên Griffith ở Los Angeles. Vào tháng 12 năm 2013, National Geographic đã viết về những con sư tử đô thị khó tìm ("Ma Mèo"), Winter đã đi lang thang trong công viên, sắp đặt những chiếc máy ảnh nhạy với chuyển động có thể xem được từ xa. Hơn một năm sau, P22 đã xuất hiện ngay trước tấm biển Hollywood huyền thoại. "Việc này đã dấy lên một phong trào bảo vệ những con sư tử cuối cùng của miền Nam California và các loài động vật hoang dã khác. Ngày P22 được kỉ niệm mỗi năm tại Los Angeles." Winter kể.

best-of-the-decade-charlie-hamilton-james-yellowstone.adapt.1900.1.jpg
CÔNG VIÊN QUỐC GIA GRAND TETON, Wyoming - Ảnh: Hamilton James
Được gửi tới Wyoming để thực hiện dự án vào năm 2014, nhiếp ảnh gia người Anh, Charlie Hamilton James trở nên rất hứng thú với cuộc sống động vật tại vùng này và vì thế, anh đã tái định cư gia đình mình tạm thời tại Jackson Hole. Làm việc với phía Dịch vụ của Công viên Quốc gia, anh sắp đặt một chiếc "bẫy" máy ảnh được kích hoạt từ xa bởi những cảm biến nhạy chuyển động để ghi lại hành động đang diễn ra tại bãi thả xác động vật - nơi họ bỏ lại những con vật bị xe hơi tông chết, tránh xa khách du lịch để những con động vật săn xác chết có thể tự nhiên làm việc của chúng. Và máy ảnh đã ghi lại được cảnh tượng này - con gấu đực lớn đang bắt nạt những con quạ, xua đuổi chúng khỏi xác con bò rừng. "Đây là điều tôi thích nhất về những chiếc bẫy máy ảnh. Bạn sắp đặt sân khấu nhưng sẽ không bao giờ biết trước được sẽ có gì diễn ra trong vở kịch." Phó biên tập Nhiếp ảnh của National Geographic, bà Kathy Moran, nói.

best-of-the-decade-pete-muller-ebola.adapt.1900.1.jpg
HASTINGS, Sierra Leone - Ảnh: Pete Muller
"Hình ảnh này đã ám ảnh tôi." Nhiếp ảnh gia Pete Muller kể. Khi làm nhiệm vụ được chỉ định tại Tây Phi trong trận dịch Ebola 2014 đang lan nhanh, Muller đang ở trung tâm điều trị Sierra Leone, lúc đó, có một bệnh nhân mê sảng bị nhiễm bệnh đã cố gắng trèo tường để thoát ra khỏi khu vực bị cách ly. Sự bùng phát dịch đã tàn phá khu vực này, khiến một người không còn ý thức dễ lây bệnh trở thành mối đe doạ chết người. Một cảnh sát vũ trang và hai bác sĩ lâm sàng phải ra trấn áp người đàn ông và đưa anh trở lại giường. Anh ấy đã chết 12 giờ sau đó.

best-of-the-decade-joel-sartore-pangolins.adapt.1900.1.jpg

Quảng cáo


ST. AUGUSTINE, Florida - Ảnh: Joel Sartore
Joel Sartore tại Nebraska đã dành gần 15 năm để chụp ảnh những con động vật trong điều kiện nuôi nhốt - một kỉ lục thị giác về việc hành tinh đang đe doạ tới sự phong phú của động vật hoang dã. Dự án ảnh mà anh gọi là Photo Ark này hiện tại có 10.000 bức ảnh động vật, bao gồm tấm hình chụp chú tê tê con bụng trắng (Phataginus tricuspis); mẹ của nó đã lấy mất ống kính của Sartore tại một cơ sở động vật hoang dã ở Florida năm 2015. "Cứ như thể tôi đã bước lên một hành tinh khắc. Chúng là động vật có vú nhưng trông chúng không giống bất cứ thứ gì tôi từng thấy trước đây." Sartore nói. Bị giết mổ để lấy thịt và vẩy (được cho là có những đặc tính chữa bệnh), tê tê châu Á và châu Phi là một trong những loài động vật có vú bị buôn bán nhiều nhất hành tinh.

best-of-the-decade-wayne-lawrence-flint.adapt.1900.1.jpg
FLINT, Michigan - Ảnh: Wayne Lawrence
Vào tháng 1 năm 2016, sau khi các báo cáo điều tra tiết lộ rằng nguồn nước tại Flint trong nhiều năm đã chứa chì và các chất nhiễm độc ở mức độ nguy hiểm, nhiếp ảnh gia Wayne Lawrence đã ghi lại cảnh những cư dân phải sống chật vật để tìm nước sạch và đối đầu với sự phản bội của các quan chức. Lawrence lần đầu nhìn thấy anh chị em nhà Abron - Antonio, 13 tuổi và hai em gái Julie và India, 12 tuổi ở trạm chữa cháy, lấy những chai nước miễn phí được cho tạm thời hàng ngày. Với gia đình cho con ở nhà và tự giáo dục này (mẹ các em đến các cửa hàng đồ cũ để mua đồng phục), đây là nguồn nước an toàn duy nhất để uống, nấu ăn và tắm. Lawrence nhớ lại chuyến thăm Flint ảm đạm đó: "Thật là đau lòng khi bạn đi từ nhà này tới nhà khác và nghe cùng một câu chuyện đáng sợ đó."

best-of-the-decade-robin-hammong-nine-lives.adapt.1900.1.jpg
THÀNH PHỐ KANSAS, Missouri
Robin Hammond, nhiếp ảnh gia người New Zealand, đã giành được sự công nhận cho những hình ảnh anh chụp cộng đồng LGBTQ trên khắp thế giới. Hammond đã gặp Avery Jackson khi đang thực hiện dự án cho số tạp chí tháng 1 năm 2017 của National Geographic về "Cách mạng giới tính." Hammond đã chụp ảnh những đứa trẻ 9 tuổi, cả nam và nữ, ở tám quốc gia. Cô bé 9 tuổi này đã để lại cho anh một ấn tượng đặc biệt: 4 năm đầu đời, Avery là một cậu bé nhưng với sự giúp đỡ của gia đình tại Kansas, Missouri, từ năm 2012, Avery đã bắt đầu sống như một cô bé chuyển giới. Ban biên tập đã chọn bức ảnh của cô bé làm bìa tạp chí - một quyết định mà theo như Tổng biên tập Susan Goldberg nói, nó đã khiến người đọc "phấn khích, kinh hoàng, lo lắng và biết ơn." Theo như những gì Hammond được biết, sự biết ơn này vẫn tiếp tục lan toả và hầu hết là cộng hưởng; những thầy cô giáo và người trẻ cám ơn anh vì đã mở ra những cuộc đối thoại quan trọng. "Em ấy đã cho chúng ta thấy năng lượng và sự tự tin. Còn tấm ảnh chụp em như nói rằng: 'Em tự hào. Em hạnh phúc. Em chỉ là một cô gái nhỏ bình thường thôi.'" Nhiếp ảnh gia chia sẻ.

best-of-the-decade-evgenia-arbugaeva-nenets.adapt.1900.1.jpg

Quảng cáo


YAMAL PENINSULA, Nga - Ảnh: Evgenia Arbugaeva
Một tấm rèm biến thành một chiếc áo choàng tốt, một chiếc hộp các tông trở thành chiếc vương miện. "Công chúa xứ Tundra", cô bé Kristina Khudi, 8 tuổi, tuyên bố về bản thân mình trong buổi chiều hoá trang vui vẻ. Cô bé là thành viên của gia đình chăn tuần lộc ở phía bắc của Siberia, em đang về nhà trong kì nghỉ hè của trường nội trú. Nhiếp ảnh gia Evgenia Arbugaeva, người đã lớn lên ở Bắc cực Nga, đã tham gia cùng những người chăn gia súc bản địa cho một câu chuyện tháng 10 năm 2017 của tạp chí. Cuộc di trú hàng trăm năm tuổi của họ diễn ra hàng năm, mang theo những con tuần lộc đi 800 dặm qua bán đảo Yamal, nơi đang bị đe doạ bởi khí hậu nóng lên và sự phát triển của những mỏ khí đang đẩy vào những vùng đất chăn Nenets.

best-of-the-decade-jimmy-chin-alex-honnold.adapt.1900.1.jpg
YOSEMITE, California - Ảnh: Jimmy Chin
Trong một thập kỉ trước khi Alex Honnold trèo một mình lên bức tường đá nổi tiếng nhất hành tinh - El Capitan của Công viên Quốc gia Yosemite mà không có dây thừng, nhiếp ảnh gia Jimmy Chin thường từng trèo với anh. Là một phần của đội ghi lại lượt trèo của Honnold vào tháng 6 năm 2017 cho bộ phim "Free Solo" của National Geographic, Chin đã tự ép bản thân mình phải tập trung như chính người bạn của mình, ở độ cao 2,500 feet (762m), họ thảo luận về những bước cuối cùng. "Những mấu đỡ không thể lên cao hơn được nữa. "Nó đại diện cho những điều bất khả thi, cho những điều tuyệt vời, đó là sự hoàn hảo." Chin nói.

best-of-the-decade-lynn-johnson-potter.adapt.1900.1.jpg
AURORA, Colorado
Trong 15 năm, nhiếp ảnh gia Lynn Johnson và người biên tập ảnh Kurt Mutchler của National Geographic đã lần theo câu chuyện của Susan Potter, người phụ nữ đã tuyên bố cô muốn cơ thể mình được đóng băng sau khi chết để xác chết của cô có thể được cắt lát và sử dụng tạo ra một cơ sở dữ liệu nghiện cứu. Khi tình nguyện tham gia dự án "Con người hữu hình" của trường Đại học Colorado, Potter 72 tuổi. Là một nhà hoạt động vì quyền lợi của người khuyết tật và dùng xe lăn, Potter nghĩ rằng kết thúc của cô sẽ đến sớm. Nhưng cô đã sống tới năm 87 tuổi, Johnson cùng với người viết Cathy Newman đã theo dõi Potter khi cô mất và quá trình đóng băng, cắt cơ thể của cô ra 27.000 lát. Câu chuyện về Potter đã xuất hiện trên tạp chí tháng 1 năm 2019.

best-of-the-decade-lynn-johnson-face.adapt.1900.1.jpg
CLEVELAND, Ohio - Ảnh: Lynn Johnson
"Thật đáng trân trọng", nhiếp ảnh gia Lynn Johnson nhớ lại khoảnh khắc cô và các nhân viên y tế vây quanh một khuôn mặt người được đặt cẩn thân trên bàn phòng mổ. Chỉ có khuôn mặt, một thực thể sống, được tách khỏi một người hiến tạng nhưng chưa được gắn lên người nhận nó. "Nó dấy lên một câu hỏi về mọi thứ chúng ta biết và nghĩ về danh tính." Johnson nói. Trong hơn hai năm, Maggie Steber, người bạn và đồng thời là nhiếp ảnh gia của cô đã ghi lại câu chuyện của Katie Stubblefield, một bệnh nhân trẻ ở phòng khám Cleveland có gương mặt đã bị biến dạng hoàn toàn trong một lần tự sát bằng súng khi Katie 18 tuổi. Sự ra đi của một người phụ nữ trẻ khác đã giúp quá trình cấy ghép mặt được diễn ra và Steber, Johnson cùng người viết Joanna Connors đã ghi lại quá trình này cho số tạp chí tháng 9 năm 2018 của National Geographic. Cuộc phẫu thuật diễn ra trong 31 giờ và đã thành công. Katie tiếp tục tập nói và luyện các cơ mặt, cô hi vọng mình sẽ có thể đi học đại học.

best-of-the-decade-ami-vitale-rhino.adapt.1900.1.jpg
LAIKIPIA COUNTY, Kenya
"Để chụp bức ảnh này, tôi đã mất 10 năm", nhiếp ảnh gia Amy Vitale hiện đang ở Montana kể. Cô bắt gặp Sudan - chú tê giác trắng phương bắc lần đầu tiên vào năm 2009. Sudan ở sở thú Séc và là một trong 9 con đực còn sống. Đây là những nỗ lực cuối cùng để cứu lấy loài sinh vật này, họ đã vận chuyển Sudan và ba con tê giác khác bằng máy bay tới khu bảo tồn ở Kenya. Cả bốn con động vật lớn đã sống sót sau khi chuyển chỗ ở. Năm 2018, Vitale biết rằng Sudan đang chết dần khi nó 45 tuổi, và nó là con đực duy nhất còn sót lại. Tại khu bảo tồn Ol Pejeta, cô theo dõi Joseph Wachira, một trong những người bảo vệ Sudan, nghiêng mình để cho Sudan lần xoa tai cuối cùng. "Đây không chỉ là câu chuyện với mình tôi. Việc săn trộm không hề suy giảm. Chúng ta đang chứng kiến sự tuyệt chủng, ngay bây giờ." Vitale nói.

Anh em có thể xem cụ thể từng câu chuyện ảnh qua LINK
199 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Locgk8
TÍCH CỰC
4 năm
Mỗi bức ảnh là một câu chuyện ý nghĩa.
Rất ý nghĩa
ken2805
ĐẠI BÀNG
4 năm
Cái ảnh khuôn mặt hix ám ảnh
Bức công viên quốc gia ấn tượng quá
vu van cong
ĐẠI BÀNG
4 năm
cái ảnh bìa đó là gì vậy ta?
dat225
TÍCH CỰC
4 năm
@vu van cong Mặt người hiến tạng bị bóc ra, chuẩn bị ghép mặt cho ng khác.
Bức con tê tê quá đẹp, bức khuôn mặt trên bàn mổ quá ghê rợn.
Nghệ thuật đằng sau mỗi bức ảnh là 1 câu chuyện^^
ảnh cover nhìn ghê quá
@TonyNgo0805 Xem xong hết dám ngủ luôn😔(
Sparc
TÍCH CỰC
4 năm
Mỗi bức ảnh là một câu chuyện nhân loại
Cảm thấy ko biết nói gì khi xem ảnh này Hụt hẫng (1).gif
| Sent from CRAZYSEXYCOOL1981 using BlackBerry Athena |

Screenshot_2019-12-31-16-24-54.jpg
Hoangvu.99
TÍCH CỰC
4 năm
@crazysexycool1981 nhìn tới tấm này câm nín lun 😔
@crazysexycool1981 Thì ông comment đc rồi, còn ráng chụp màn hình up thêm... Vãi
amdxxx
TÍCH CỰC
4 năm
@crazysexycool1981 Tấm này nhìn ám ảnh quá! Đúng là chỉ có những người có chuyên môn cao như bác sĩ gỉai phẫu mới nhìn thực tế nổi. Mình nhìn qua hình thôi mà run người!
@amdxxx Tại bạn chưa trải qua thôi, mẹ mình bị ung thư, nằm bị loét ở lưng, thấy cả nội tạng, máu không lưu thông nên thịt xung quanh thối rửa, ba mình và mình ngồi cắt thịt thối ra, giờ mình nhìn mấy cái máu me không có cảm giác gì nữa.
@Cá Mực Tôm Cua Sò Ốc Công nhận không ghê. Bức ảnh tương đối sạch sẽ, có thể xem như một dấu mốc nhỏ đánh dấu thành tựu y học/phẫu thuật chỉnh hình; tổng thể ảnh có thể nói khá tươi sáng.
Ai tình cờ hoặc cố ý vào bệnh viện những khoa chỉnh hình hay tương tự sẽ thấy những gì xảy ra trong bức ảnh khá tuyệt vời.
tuluan
TÍCH CỰC
4 năm
Những bức ảnh không thật sự xuất sắc, song ý nghĩa đằng sau mỗi bức ảnh là một câu chuyện đầy tính nhân văn.
Những bức ảnh tuyệt vời
HoangLong SG
ĐẠI BÀNG
4 năm
Toàn ảnh đẹp
hailongan
TÍCH CỰC
4 năm
Nhìn qua các bức ảnh rất nhiều cảm xúc, nhưng bức ảnh khuôn mặt được tách ra cho cảm giác rất mạnh
Đến mặt còn ghép vào người khác được thì mấy "trùm cuối" hoàn toàn có thể thay đổi nhân dạng.
HaLeDa
ĐẠI BÀNG
4 năm
@kekk bác xem bộ Face/Off 1997 chưa 😁:D:D
https://www.imdb.com/title/tt0119094/
cao.nguyen
ĐẠI BÀNG
4 năm
Những câu chuyện đằng sau mỗi bước ảnh thật ý nghĩa 😔
tranvinh4u
TÍCH CỰC
4 năm
thật sự ám ảnh với tấm ảnh về việc ghép mặt

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019