Tìm hiểu về lịch sử của những bản thu âm

AudioPsycho
30/8/2019 17:35Phản hồi: 21
Tìm hiểu về lịch sử của những bản thu âm
Bữa mình có viết về lịch sử cái máy chơi đĩa vinyl (đĩa than) rồi, anh em đọc tại đây. Giờ mình tìm hiểu về đối tác của nó: các bản thu. Câu chuyện về những bản thu âm thanh và các bản sao của chúng bắt đầu từ năm 1877 khi Thomas Edison phát minh ra chiếc máy phonograph. Cấu tạo của chiếc máy này gồm một xylanh bọc ngoài bởi tấm lá thiếc và có thể được quay bằng tay cầm. Bên dưới xylanh là đầu kim stylus được nối với một bên của màng diaphragm, bên còn lại của màng diaphragm là ống thu phát mà người sử dụng sẽ nói vào. Sóng âm của tiếng nói sẽ được truyền đến màng diaphragm và làm nó rung động, và các rung động này cũng làm đầu kim stylus di chuyển và đâm vào tấm lá thiếc với cường độ khác nhau. Khi quay tay cầm và di chuyển xylanh, kim stylus sẽ ma sát và tạo thành những rãnh âm trên tấm lá thiếc, chính là sóng âm được thu lại của giọng nói.

Để phát lại âm thanh này, người ta chỉ cần đặt đầu kim stylus lại vị trí ban đầu của rãnh âm sau đó quay xylanh. Kim stylus lúc đó sẽ di chuyển theo rãnh âm và truyền những rung động đến màng diaphragm, màng diaphragm rung động làm thay đổi áp lực khí và phát ra âm thanh ở ống thu phát.

tinhte-record-history-2.jpg

Trên thực tế với chiếc máy này, âm thanh được "tái tạo" lại gần như không thể nghe được gì, nhưng nó vẫn đóng vai trò là một sự mở đầu. Về phần Edison, ông không quá quan tâm đến phát minh này mà nhanh chóng chuyển sang nghiên cứu những thứ khác, như chiếc bóng đèn điện chẳng hạn. Chiếc monograph do đó chỉ được sử dụng làm máy khuếch tán tín hiệu điện thoại.

Khoảng hơn 10 năm sau, Alexander Graham Bell (người phát minh ra điện thoại) và Charles Tainter nhận thấy chiếc phonograph với cấu tạo xylanh và rãnh lá thiếc có độ bền quá thấp, thế là họ chuyển sang sử dụng chất liệu sáp cứng để đạt được độ bền cao hơn. Chất liệu mới cho kết quả rất tốt, giúp cải thiện độ chính xác của tín hiệu và đồng thời cũng làm đầu kim không bị mòn quá nhanh. Edison cũng cố gắng hoàn thiện thêm một số chi tiết khác trong phát minh của mình.


tinhte-record-history-3.jpg

Khoảng giữa những năm 1887 ~ 1893, Emil Berliner phát minh ra chiếc gramophone với thiết kế khác biệt hơn so với máy phonograph của Edison, cho phép phát lại âm thanh dễ dàng hơn và có thể được sản xuất đại trà với giá rẻ. Thiết kế này cũng có kim stylus nhưng rà trên mặt một chiếc đĩa phẳng chứ không phải là xylanh, ngoài ra rãnh âm cũng được tạo ra theo chiều ngang 2 bên chứ không phải chiều dọc lên xuống như thiết kế xylanh của Edison. Các rãnh khi thu âm sẽ được "ghi" lên bề mặt lampblack (bồ hóng) phủ trên một đĩa kim loại.

Sau khi thu âm xong, đĩa sẽ được ngâm vào axít để axít ăn thành các rãnh trên bề mặt kim loại (nơi lớp bồ hóng đã được quét đi bởi kim stylus). Kết quả cho ra một chiếc đĩa có thể được chơi trên máy gramophone. Tuy nhiên đây không phải là tất cả. Emil Berliner nhận ra rằng ông có thể sử dụng phương pháp electroplating (mạ điện) để tạo ra một chiếc đĩa phôi negative rồi dùng nó in ra các bản đĩa khác nhanh chóng hơn.

Những chiếc đĩa cho máy gramophone của Berliner có tính tiện dụng cao hơn, chi phí sản xuất rẻ hơn và cũng cho âm lượng lớn hơn khi phát lại. Các tác phẩm đầu tiên được thu trên những chiếc đĩa này gồm những bài hát phổ biến lúc đó, phần nhiều đến từ những brass band.

tinhte-record-history-4.jpg

Người ta bắt đầu nhận ra tiềm năng của ngành thu âm, tuy nhiên quy trình làm đĩa và sau đó chơi đĩa trên máy gramophone vẫn còn quá thô sơ, chưa thể tạo nên một bước nhảy lớn. Các cải tiến sau đó như sử dụng chất liệu sáp cứng để làm đĩa và electroplating trên chất liệu sáp đã giúp chiếc gramophone trở thành thiết bị chơi nhạc "hàng đầu" lúc bấy giờ.

Những mẫu đĩa vinyl cũng bắt đầu được nâng cấp với các phiên bản mới như 7-inch, 10-inch hay 12-inch để thuận tiện hơn cho nhiều trường hợp sử dụng đa dạng. Will và Fred Gaisberg (trước đó từng là chuyên viên của Berliner, làm việc tại Gramophone và Typewriter Company mà sau này được đổi tên thành HMV và EMI) từng đi nhiều nơi và sưu tập những bản đĩa gốc (master) sau đó mang về in ra số lượng lớn. Lợi nhuận từ việc này dùng để trả cho các nghệ sỹ, cũng như đầu tư thêm cho dây chuyền sản xuất đĩa.

tinhte-record-history-5.jpg

Quảng cáo


Bản thu của "nghệ sỹ nổi tiếng" đầu tiên được thu vào năm 1901 ở Nga, có sự tham gia của các ngôi sao trong dàn hợp xướng Imperial Russian Opera như Chaliapin, Nikolai Figner và vợ ông là Medea Mei-Figner. Các bản thu này đạt được thành công vang dội nhưng chỉ ở phạm vi trong nước. Năm 1902 Caruso ghi âm bản thu đầu tiên của mình, sau đó đến lượt các tượng đài opera khác như Puccini, Leoncavallo và Mascagni, đã biến chiếc gramophone thành biểu tượng của nhạc classical. Những bản thu của Caruso cho chất âm rất giàu cảm xúc mặc dù chỉ được chơi trên chiếc gramophone thô sơ.

Từ giai đoạn này, các đổi mới về kỹ thuật có phần chậm lại. Người ta phát hiện ra rằng nếu đĩa được thu với chất tiếng càng mượt mà và âm lượng càng lớn thì nó càng dễ hư hỏng, phần nhiều cũng là do cần đĩa thời đó còn cứng và nặng hơn bây giờ rất nhiều. Những chiếc đĩa để có thể phát hành phải trải qua bài test chơi thử 50 lần nhằm đảm bảo độ bền. Đây cũng là lý do vì sao đa số các bản thu từ năm 1904 (chủ yếu của HMV và Victor) luôn được thu ít trực diện hơn nhằm giữ mức âm lượng vừa phải, giảm thiểu các ảnh hưởng lên đĩa khi chơi.

Năm 1911, HMV thử nghiệm kiểu thu âm mới bằng cách yêu cầu nghệ sỹ hát ở nhiều khoảng cách thu âm khác nhau. Điều này giúp người ta nhận biết được khoảng cách nào sẽ là tốt nhất, nghĩa là cho mức âm lượng vừa đủ nghe mà vẫn đảm bảo độ bền cho đĩa. Tuy vậy các "chuyên gia" của HMV (lúc đó người ta chưa gọi là kỹ sư âm thanh) ở Nga vẫn trung thành với kiểu thu trực diện với âm lượng lớn nhất có thể, chắc là vì người Nga đã quen nghe như vậy rồi.

Không chỉ HMV và Victor, còn nhiều hãng thu khác nữa như Columbia cũng nhanh chóng chuyển từ thiết kế xylanh sang đĩa, thêm thắt vài thay đổi của mình và đăng ký bằng sáng chế riêng. Columbia trước đó cũng không chú tâm đến mảng thu âm quá nhiều mãi cho đến năm 1925. Hãng Pathé (Pháp) thì tiếp tục xử lý cả xylanh lẫn đĩa cắt dọc nên quy trình gia công nói chung vẫn không được tiên tiến cho lắm.

Trong thời kỳ này, thể loại opera và vocal độc chiếm phân khúc classical và nhiều hãng thu (nhất là ở Ý) hầu như chỉ thu âm mỗi thể loại này mà thôi. Gramophone Company thì có thêm các bản thu nhạc không lời như độc tấu / hòa tấu violin của Kreisler và Kubelik, tuy nhiên còn lại chủ yếu vẫn là opera. Ngoài ra còn có các bản thu hòa tấu orchestra, nổi tiếng với London Symphony Orchestra thu âm một số tác phẩm của Beethoven. Chất lượng bản thu nói chung vẫn còn tệ nếu so với tiêu chuẩn hiện nay, tuy vậy thời đó đã là hay lắm rồi. Thêm một thể loại khác phát triển nhờ vào sự chậm tiến của công nghệ chính là jazz. Năm 1918, Victor lần đầu tiên thu âm một series "true-jazz" với phần trình diễn của The Original Dixieland Jazz Band.

Có thể bạn đọc sẽ thắc mắc không biết chiếc đĩa với chất liệu sáp cứng sẽ được gia công như thế nào. Vào những năm 1920, quy trình đúc đĩa từ sáp cứng là cả một "công trình" đòi hỏi độ chính xác tuyệt đối. Chất liệu chính là sáp cứng sẽ được đổ vào bồn và lọc cho đến khi có độ mịn cao nhất, sau đó đổ vào các khuôn tròn và để nguội cho chúng tạo hình. Mặt đĩa tròn cũng được mài mịn. Các đĩa trống (blank) này sẽ được đóng gói và gởi đến hãng. Khi thu, đĩa sẽ được đặt lên mâm xoay với tốc độ 78-rpm, đồng thời phần đế xoay cũng sẽ di chuyển từ từ theo chiều ngang để đầu cắt đục rãnh âm từ rìa đĩa vào tâm đĩa. Cơ cấu này được kết nối trực tiếp với ống thu âm và diaphragm (thường là bằng thủy tinh), do đó sự ổn định của kết nối sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến áp lực của đầu cắt và sự chính xác khi cắt rãnh đĩa.

Quảng cáo


Âm thanh được truyền qua phía bên kia của màng diaphragm từ ống thu âm, trong khi ống thu âm sẽ thu trực tiếp âm thanh từ phần trình diễn. Ống thu âm cũng có độ cộng hưởng của riêng nó vì thế người ta giảm thiểu bằng cách quấn băng xung quanh. Với phần trình diễn có nhiều nghệ sỹ hay có vị trí rộng, hãng thu sẽ sử dụng nhiều ống thu âm cùng lúc được nối với nhau bởi bộ chia, bọc ngoài bằng ống cao su. Các ống thu âm cũng thường được đặt lên chân đỡ để giảm tải lên các đầu nối.

Máy thu chính được đặt ở nơi khuất nhất có thể nhằm giảm thiểu các ảnh hưởng có thể có từ môi trường xung quanh, ví dụ như các rung động hay âm thanh không mong muốn nào đó. Điều này một phần cũng là vì các hãng thu muốn bảo vệ bí mật công nghệ của mình. Thời đó thiết bị thu không phải "mua cả bộ" mà người ta tự mua các thành phần về sau đó phối ghép cho hợp lý nhất với điều kiện sử dụng của mình. Chúng ta có thể đánh giá các phương pháp như quấn băng xung quanh ống thu âm, thiết kế ống thu âm ngoằn ngoèo hay cách phân bố vị trí các nhạc công là kỳ lạ, nhưng chính điều này đã giúp tạo ra chất âm trung thực nhất có thể khi nghe lại trên đĩa.

tinhte-record-history-6.jpg

Thiết lập bên trong một studio thu âm của Mỹ có vài khác biệt, dễ thấy nhất chính là khoảng cách giữa nghệ sỹ và ống thu âm. Người ta thường sử dụng 2 ống thu âm khi cần thu thêm tiếng violin (vì tiếng này khó thu nhất). Vị trí tiêu chuẩn là violin ở gần nhất, sau đó đến các loại sáo woodwind, rồi đến kèn đồng (cá biệt với kèn đồng của Pháp phải quay lưng lại để tiếng từ chuông kèn đi trực tiếp đến ống thu âm). Dàn nhạc sẽ chơi theo chỉ dẫn của nhạc trưởng trong gương phản chiếu từ phía bên cạnh (để không che mất ống thu âm). Đàn cello được đánh nền bằng bassoon, còn tiếng double bass được thay thế bằng tuba và contrabassoon để nghe rõ hơn.

Khi thu âm giọng hát chung với tiếng piano, ống thu âm sẽ được đặt phía trước miệng của ca sỹ, trong khi đó chiếc piano sẽ được đặt phía sau ở vị trí có âm lượng tốt nhất đi vào ống âm. Nghệ sỹ đàn piano được yêu cầu đánh âm lượng lớn nhất, còn ca sỹ thì linh hoạt di chuyển đến gần hay ra xa ống thu âm tùy theo từng phân đoạn trong bài hát. Các ca sỹ chưa có kinh nghiệm sẽ được hướng dẫn vị trí chi tiết. Nhiều studio còn đặt thêm xe đẩy để chính người thu âm sẽ điều khiển vị trí, ca sỹ chỉ việc chú tâm vào hát thôi.

Phần trình diễn sẽ được thu cho đến khi đĩa trống được thu đầy. Với các thiết kế xylanh và đĩa đời đầu, thời lượng sẽ vào khoảng 2 phút, sau đó tăng dần lên đến 3 phút rồi 4 phút (khoảng năm 1908). Đĩa 10-inch có thời lượng khoảng 3 phút. Đĩa 12-inch lúc đầu thu được khoảng 3 phút rưỡi, sau đó lên 4 phút, 4 phút rưỡi và kịch kim là 4 phút 40 giây. Những tác phẩm dài hơn thời lượng này phải bị cắt bớt cho đủ đĩa, hay chơi với tiết tấu nhanh hơn. Nếu bản nhạc dài hơn một mặt đĩa, người ta phải tính toán điểm dừng bài để chuyển đĩa sao cho không làm tụt cảm hứng của người nghe, hoặc thêm vào các "đoạn chuyển" khi gần hết đĩa để tạo cảm hứng nghe tiếp phần còn lại. Khoảng đầu những năm 1920, HMV thử nghiệm mặt đĩa thu âm với thời lượng 8 phút tuy nhiên cuối cùng không đủ tiêu chuẩn để thương mại hóa.

Sau khi thu âm xong, các bản đĩa sáp master được gởi lại về xưởng cho công đoạn electroplating (mạ điện). Quy trình này tạo ra một khuôn đĩa negative bằng kim loại dùng để in thử. Nếu chất âm được đánh giá là đúng tiêu chuẩn thì người ta sẽ làm thêm nhiều khuôn đĩa negative hơn. Các khuôn negative sau đó được mạ nickel và bắt đầu sử dụng để dập đĩa.

Đĩa copy có chất liệu bằng nhựa shellac, có thể được dập 1 mặt hay 2 mặt (dập cùng lúc bởi 2 khuôn). Đĩa sáp cứng master lúc này được đổ lại vào bồn để nấu chảy, lọc mịn và tái sử dụng. Trong thời kỳ đầu người ta còn mạ lại lần nữa trên đĩa sáp để lấy bản master negative thứ hai (còn gọi là second shell) cho mục đích lưu trữ.

tinhte-record-history-7.jpg

Sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất, các công ty thu âm phải đương đầu với một đối thủ mới: radio. Khoảng đầu những năm 1920, loại hình này gần như chiếm lĩnh thị trường âm thanh do chất lượng âm thanh từ microphone và loa rõ ràng hơn hẳn so với chiếc gramophone. Các công ty thu âm bắt đầu chuyển sang thử nghiệm thu tiếng bằng microphone thay vì ống thu như trước. HMV thiết lập hệ thống thu thử nghiệm bằng microphone của mình vào năm 1924 tuy nhiên kết quả không như mong đợi, chất lượng âm thanh có cải thiện hơn nhưng không nhiều, không đủ tạo ra sự khác biệt.

Cũng trong những năm 1920, Maxfield và Harrison (Bell Telephone Laboratories) bắt đầu phát triển hệ thống thu âm Western Electric (đôi khi còn được gọi là Westrex) với khả năng thu âm trực tiếp mà không cần đến các cơ cấu thêm bên ngoài. Kết quả đạt được cực kỳ ấn tượng, hầu như có thể thu âm đầy đủ cả một dàn hợp tấu. Sự chi tiết và âm trường đầy đủ đã giúp nâng cao tính trung thực của âm thanh tổng thể. Chiếc gramophone giờ đây đã có thể cạnh tranh cùng radio.

Victor, Columbia, HMV... nhanh chóng chuyển sang quy trình thu âm mới mẻ này. Những ấn phẩm đầu tiên ra đời là các bài nhạc phổ biến với người nghe lúc đó, sau đó dần dần jazz và classical cũng có mặt. Điểm khác biệt duy nhất của mỗi hãng thu là phong cách riêng của từng hãng nhằm phù hợp với kiểu nghe của từng sở thích nhất định. HMV thường có kiểu thu với âm trường rộng và có thể nhận biết được ngay khi nghe thử và so sánh với các hãng khác.

Công nghệ mới còn phục vụ cho nhu cầu thu âm các phần trình diễn live, điều mà cấu trúc thu âm cơ học trước đây không bao giờ có thể làm được. Chỉ một năm sau đó ở Anh, Gramophone Company thành lập Opera House Committee (về sau đổi thành Outside Recording Committee) với ý tưởng chỉ thu âm các phần trình diễn live. Royal Opera House (Covent Garden) cũng là một địa điểm được nhiều ngôi sao âm nhạc thế giới ghé thăm và biểu diễn.

Ý tưởng được nêu ra ở đây là tín hiệu âm thanh có thể được truyền từ chiếc microphone mà nghệ sỹ đang hát qua đường dây điện thoại đến các máy thu âm. Tuy có giá trị đột phá vào lúc đó nhưng hiện nay chúng ta khó có thể tiếp tục hoan nghênh nó. Điều này là vì các kỹ sư âm thanh sẽ không thể nhìn thấy sân khấu và không biết được các diễn biến xảy ra tại đó, khiến việc chuyển mặt đĩa phải tùy thuộc vào suy đoán. Lấy ví dụ một phân đoạn hay và được nhiều người yêu thích có thể sẽ không thu đủ trong phần còn lại của đĩa, các kỹ sư phải cho giảm âm lượng (fade out) và chuyển đĩa ngay để có thể thu hết phần này ở mặt bên kia. Ngoài ra còn có các vấn đề khác như không thu những tiếng vỗ tay, hay không thu những phần trình diễn của nghệ sỹ hãng khác.

tinhte-record-history-8.jpg

Cũng không thể không nhắc đến các chi phí thu âm, trong đó có phí trả cho nghệ sỹ biểu diễn. Một số dàn giao hưởng đòi mức phí thu âm cao ngang bằng với phần trình diễn đầy đủ và điều này khó có thể chấp nhận được. Nói gì thì nói, mọi chuyện cuối cùng đều trỏ về một mục tiêu chính là lợi nhuận.

Vào khoảng tháng 5/1926, tác phẩm Mefistofele của Boito được thu âm với vai chính là Chaliapin, tổng cộng gồm 9 mặt đĩa được thu chỉ trong một buổi tối. Sau đó đến tháng 6/1926, La Bohème với Margaret Sheridan và Angelo Minghetti cũng được thu âm thành công. Tiếp theo là phần trình diễn cuối cùng của Dame Nellie Melba, có sự tham gia của Lord Stanley, được thu tổng cộng 11 mặt đĩa. Giovanni Zenatello cũng thu thử 10 mặt đĩa tuy nhiên không sử dụng được do giọng ông quá to nhưng lại đòi đứng thật gần microphone.

Năm 1927, HMV tiếp tục thu âm Chaliapin trong phần trình diễn của Mozart và Salieri ở Royal Albert Hall. Sau đó vào năm 1928, Boris Godunov cũng được thu âm ở Covent Garden.

Hệ thống Westrex tuy nhiên vẫn có cái giá của nó. Mỗi bản thu bán ra được sản xuất bởi quy trình của máy đều phải trả một khoản phí. Chiếc máy này giống như được "cho thuê" hơn là mua đứt bán đoạn. Các hãng thu vì thế cắn răng sử dụng nó đồng thời cũng cố gắng tự phát triển một hệ thống cho riêng mình. Gramophone Company sau khi hợp nhất với Columbia vào năm 1931 đã phát triển một hệ thống thu âm mới, tiền thân của hệ thống Blumlein mà chúng ta biết ngày nay. Nếu máy Westrex sử dụng đầu cắt bị trì nặng để giảm cộng hưởng thì máy Blumlein có đầu cắt dạng moving-coil phản hồi để hạn chế di chuyển. Kết quả là các bản thu từ hệ thống Blumlein thường có các chi tiết mà đôi khi bị mất đi khi thu bằng hệ thống Westrex. Máy Blumlein cũng được bán và mua về là xong, không phải trả phí bản quyền gì nữa.

Máy cắt Blumlein chính là tiền đề cho hầu hết các máy cắt ngày nay. Ông Blumlein sau đó được mời thiết kế hệ thống radar bí mật cho chính phủ và qua đời khi thử nghiệm hệ thống này trong chiến tranh. Hãng RCA (Mỹ) cũng phát triển thiết kế máy cắt riêng của mình, là tiền thân cho những mẫu máy cắt sau thời kỳ Westrex. Ưu điểm của máy cắt RCA là cho mức âm lượng khá lớn.

Bản nhạc phim đầu tiên được thu âm bằng quy trình Vitaphone bởi Bell Laboratories và Western Electric sau đó được chơi đồng thời với bộ phim đang chiếu. Tuy nhiên để các rãnh âm có thể xoay được bằng thời lượng với cuộn phim dài khoảng 300m (tương đương 11 phút), đĩa sẽ phải quay với tốc độ 33⅓-rpm và tăng kích thước lên khoảng 17-inch, quá lớn để có thể đảm bảo chất lượng. Các nhà làm phim và sản xuất nhạc giải quyết điều này bằng cách chuyển sang làm các bộ phim ngắn, phần nào cũng giúp tiết kiệm kinh phí hơn.

tinhte-record-history-9.jpg

Năm 1931, RCA Victor thử nghiệm một định dạng đĩa mới với kích thước tiêu chuẩn và quay với tốc độ 33⅓-rpm, cắt bằng máy HQ-cutter của chính hãng thiết kế. Các phiên bản ban đầu không được công chúng quan tâm do có giá đắt và cần thiết bị chuyên dụng để chơi, trong khi đó Mỹ đang trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế và làm gì có ai dư tiền. Ngay cả với người chịu chi tiền đầu tư hệ thống chơi nhạc mới, chất lượng nhạc mà họ có được cũng chưa đảm bảo tối ưu. Nhiều người còn cho rằng chất âm dở hơn, và thực sự thì đa số đĩa đều được thu lại từ các bản thu 78-rpm. Nói các bản thu "dở" đi là chưa đúng, chính xác hơn thì chúng có chất lượng không đảm bảo do công nghệ còn thiếu tương thích.

Mọi thứ tiếp tục rề rà cho đến khoảng cuối những năm 1930. Lúc này đĩa 16-inch 33⅓-rpm đã trở thành tiêu chuẩn chơi trong trên các đài radio, còn gọi là đĩa transcript (transcription disc). Tuy nhiên với các dàn máy gia đình, người ta vẫn chuộng đĩa 78-rpm hơn, dù không phải là hi-fi nhưng vẫn cho chất âm sạch và không bị méo tiếng. Đó là chưa kể đến công nghệ đĩa đã tiến triển khá nhiều rồi. Lúc này người ta cũng bắt đầu phát triển ra cách lưu trữ các dải tần cao hơn, lên đến khoảng 14kHz và hơn nữa. Điều này bắt nguồn từ các dự án bí mật của chính phủ đòi hỏi khả năng thu các tần số cao để sử dụng trong tàu ngầm chiến đấu. Decca là hãng đầu tiên giới thiệu hệ thống FFRR (Full Frequency Range Recording) sau chiến tranh. EMI cũng giới thiệu công nghệ Extended Range Recording tuy nhiên vẫn dựa trên đầu cắt của RCA.

Công nghệ thu âm trên băng từ đã được đưa vào sử dụng từ khoảng năm 1899, và tuy được Anh và Mỹ khởi xướng, Đức mới là quốc gia phát triển công nghệ băng từ âm thanh sớm nhất. Khi quân Đồng minh chiếm các đài radio của Đức vào năm 1945, họ bất ngờ khi thấy công nghệ băng từ của Đức đã tiến rất xa so với trước chiến tranh. Máy thu băng từ của Đức có thể thu stereo và cho chất lượng ngang bằng với đĩa 78-rpm. Người Mỹ mang về những chiếc máy Magnetophon và cải tiến chúng thành mẫu máy Ampex 200, và ở Anh thì được thiết kế lại thành EMI BTR 1. Thời lượng thu âm tối đa chỉ 4 phút rưỡi đã không còn là vấn đề khi băng từ có thể thu được đến 30 phút. Băng từ còn có thể cắt ghép cực kỳ dễ dàng, không như đĩa nếu thu hỏng là phải làm lại từ đầu.

Đây chính là lúc mà ngành thu âm bắt đầu được vực dậy sau chiến tranh. Các công nghệ mới cho phép thu đĩa với thời lượng dài hơn cũng như chất âm tốt hơn trước. Các bản thu cũng có thể được chỉnh sửa để mang lại hiệu năng cao nhất. Từ khoảng đầu những năm 1950, hầu hết đĩa 78-rpm đều được thu lại từ băng từ. Đĩa 78-rpm sau đó được thay thế gần như hoàn toàn bằng đĩa LP, và sau đó là CD.


21 bình luận
Chia sẻ

Xu hướng

Kiến thức rất bổ ích. Cảm ơn sếp nhé
Cảm ơn mod!
Kiến thức rất cơ bản, giờ mình mới biết đĩa vinyl hoạt động như thế nào 😃
Mặc dù không phải audiophile gì nhưng chắc chắn sẽ làm 1 combo về để có trải nghiệm khác với digital audio mình đang nghe mỗi ngày.
mnam288
ĐẠI BÀNG
4 năm
Thích nhất mod audiopsycho
Nhờ kỹ thuật đơn sơ này người Việt được ghi âm lần đầu tiên đầu thế kỷ 20. Hiệp hội Nhân học (Société d'anthropology) đã thu âm những người Việt đến dự Hội chợ Thế giới 1900 ở Paris trong việc thực hiện một Bảo tảng Đĩa hát (Musée phonographique). Trong 388 ống xi lanh của các dân tộc đến dự Hội chợ cũng có 14 xi lanh của dân tộc "Annamite."
image.jpg
Cảm ơn Mod nhiều! Là một người cũng thích sưu tầm và thưởng thức LP nhưng thực sự mình cũng chưa có dịp để tìm hiểu 'cội nguồn' của nó như bài viết. Thực sự hữu ích!
Cám ơn mod, đang tập nghe đĩa than nên đọc để hiểu hơn.hiểu vì sao đĩa than lại hay 😁
VINHDOPP
ĐẠI BÀNG
4 năm
Tai mình có vấn đề hay sao cứ nghe nhạc ở đâu nó cũng same same nhau ý
mariayeu
ĐẠI BÀNG
4 năm
mod có thể chia sẻ thêm về lịch sử thu âm bằng từ castsset ,băng cối., CD ,Digital...
Cả một lịch sử dài của những bản thu âm, bài viết rất hay.
ronglua82
TÍCH CỰC
4 năm
Đã nè
Anh em học lịch sử vào đọc nào !
Thanks mod đã chia sẻ
kaybin 1611
ĐẠI BÀNG
4 năm
Bài viết hay!
Thích nhất mod audiopsycho
Bài viết hay
Mr Dulo
CAO CẤP
4 năm
Hữu ích. thanks mod
Tham khảo hay, thks thớt
Thông tin hữu ích, cảm ơn mod !
NgDung2000
ĐẠI BÀNG
4 năm
Bài viết có đầu tư nhiều và rất chi tiết

Xu hướng

Bài mới









  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019