Cái se lạnh khẽ mơn man da thịt, cảnh vật về chiều cũng chìm xuống trong bóng hoàng hôn nơi vùng đất cao nguyên. Bỗng phảng phất trong gió một mùi hương làm cho du khách có thể cồn cào ruột gan trước khi màn đêm sắp buông xuống. Cô bán hàng bên đường đang thoăn thoắt trên tay chiếc vỉ nướng và chiếc đũa con, nhanh tay xoay chiếc bánh để cho bánh chín đều, không bị cháy làm mất hương vị thơm ngon của món ăn. Nhóm học sinh tan học về, ngồi tụm ba tụm bảy quanh những chiếc bánh tráng nướng mỡ hành nóng hổi. Bánh tráng hành, một món ăn lề đường có xuất xứ từ miền Trung, được du nhập vào Đà Lạt và được học sinh chúng tôi "chiếm" luôn cái danh là đặc sản của Đà Lạt.

Bánh tráng nướng mỡ hành, được gọi tắt là bánh tráng hành, trải qua rất nhiều công đoạn. Công đoạn đầu tiên là chọn nguyên liệu bánh tráng. Bánh tráng phải được làm từ bột của loại gạo thơm ngon nhất, được tráng với độ dày vừa phải kết hợp với mè đen. Chọn hành phải chọn những mớ hành lá tươi, thẳng, dài, gốc hành (củ) không quá to. Thịt là loại thịt xay, nhiều mỡ ít nạc. Tiếp theo là phải chọn được loại ruốc ngon, khi pha chế sẽ cho ra một nồi nhân thơm ngon. Than nướng bánh phải là loại than củi thật khô và đỏ rực thì bánh mới chín và dậy mùi. Công đoạn thứ hai là rửa và xắt hành, hành lá được xếp và xắt thật mỏng, bí quyết để khi xắt hành không bị cay mắt là để một lọ muối ngay bên cạnh người xắt hành. Trong khi xắt hành nên nấu 1 nồi nước sôi. Hành được xắt ngắn, đem trụng qua nước sôi để nhân hành không quá bị hăng mùi, sau đó thì vắt khô. Kế tiếp tạo thịt xay cho ra được lượng mỡ mong muốn, đổ hành vừa vắt khô, đảo đều tay, thêm ruốc, xả băm, ớt băm, gia vị vừa ăn. Thế là đã có một nồi nhân như ý!

Mỗi lần có người gọi bánh, người bán hàng chỉ cần lấy một chiếc bánh tráng, dùng thìa múc nhân trải đều trên mặt bánh và nướng. Nhiều thực khách muốn ăn bánh có thêm trứng thì chỉ cần nhắc người bán hàng nướng theo ý mình. Người bán bánh điệu nghệ có thể nướng cùng lúc hai cái bánh trên hai lò, tay đập trứng, tay xoay bánh thật nhanh. Chiếc bánh cứ chín xèo xèo trên vỉ nướng, hương thơm bốc ngào ngạt làm cho người sành ăn khó tính cũng không thể cưỡng lại được. Khi bánh chín, người bán hàng chỉ cần đặt bánh lên đĩa và để thực khánh tự tay bẻ bánh, hay dùng kéo cắt thành từng miếng. Đưa lên miệng miếng bánh cắn rộp! Bánh giòn tan! Bạn sẽ cảm nhận được vị thơm ngậy của hành và mỡ, vị đậm đà của ruốc, vị thơm của xả, vị cay của ớt… tất cả các hương vị hòa quyện vào nhau, làm cho món ăn thật tuyệt! Khi ăn mà lại được thưởng thức một ấm trà hoa lài nóng thì chắc chắn thực khách phải gọi thêm vài cái ăn cho đã ghiền.

Bạn có thể ăn món ăn khá dân dã nhưng độc đáo và thơm ngon này ở xung quanh bờ Hồ Xuân Hương và các con đường Vạn Kiếp, Bùi Thị Xuân, khu chợ đêm Đà Lạt hoặc đêm đêm ở một góc nhỏ của huyện Đơn Dương, Lâm Đồng. Món ăn này để lại cho những người con xa xứ thật nhiều kỷ niệm và nỗi nhớ. Nỗi nhớ về một vùng đất chôn nhau cắt rốn, một vùng đất để lại trong lòng bao nhiêu buồn vui và những giọt nước mắt.
Bài mình viết từ 2013 nói về đặc sản ăn vặt ở quê mình, còn quê bạn thì sao? Có đặc sản gì? Và bạn có biết cách món đặc sản đó được tạo ra như thế nào không?
4
12
còn gì bằng bác ơi!!!
1
Ship mình 1 chục bạn êi
1
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
  • © 2024 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
  • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
  • Số điện thoại: 02822460095
  • MST: 0313255119
  • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019